1/5 doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng đạt lợi nhuận kỷ lục trong năm nay

Nidec đang hưởng hưởng lợi từ mạng lưới sản xuất gần với thị trường tiêu thụ và nguyên vật liệu. Ảnh: Nikkei Asia

Giữa bối cảnh đối đầu thương mại hiện nay, một phần năm các công ty Nhật Bản kỳ vọng vẫn đạt lợi nhuận kỷ lục trong năm tài chính năm nay sẽ kết thúc vào tháng 3-2026. Các công ty Nhật sản xuất ở nước ngoài hoặc có sản phẩm độc đáo đang có vị thế tốt.

Nikkei đã tổng hợp dữ liệu từ khoảng 2.000 công ty niêm yết (không bao gồm tổ chức tài chính và không tính đến thay đổi chuẩn mực kế toán) có dữ liệu so sánh được trong 5 năm trở lên. Trong số đó, 383 công ty, tương đương 19%, dự báo lợi nhuận ròng cao nhất từ trước đến nay, giảm 9 điểm phần trăm so với năm tài chính trước.

Lợi thế của sản xuất và tiêu thụ ở nước ngoài

Hãng sản xuất động cơ Nidec đang giảm thiểu tác động của thuế quan thông qua sản xuất và tiêu thụ tại chỗ. Nidec dự báo sẽ đạt lợi nhuận kỷ lục trong năm thứ hai liên tiếp.

Mảng kinh doanh máy phát điện cho trung tâm dữ liệu tăng trưởng tốt nhờ đầu tư vào AI toàn cầu. Hơn 90% sản lượng của Nidec là ở nước ngoài, nhờ việc phân tán các cơ sở sản xuất tại Mỹ, châu Âu và châu Á thông qua các vụ sáp nhập và mua lại.

Nidec cho biết rất ít sản phẩm của họ được xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ. Việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ sẽ ảnh hưởng đến Nidec trong lĩnh vực linh kiện xe điện, nhưng hãng đã chuyển sang tìm nguồn cung từ Mỹ và Úc cho các động cơ lớn.

Chủ tịch Mitsuya Kishida cho biết về tác động của thuế quan Mỹ đối với lợi nhuận: “Bằng cách thay đổi chính sách và phối hợp với các công ty liên quan, chúng tôi đã có thể giảm thiểu tác động đến mức có thể vượt qua”.

Nidec từng ước tính thuế quan sẽ làm giảm lợi nhuận hoạt động khoảng 30 tỉ yen (209 triệu đô la) mỗi năm, nhưng hiện hang tin rằng mức giảm hiện còn khoảng 5 tỉ yen.

Hãng thực phẩm Ajinomoto cũng dự kiến đạt lợi nhuận kỷ lục lần đầu tiên sau ba năm, nhờ thế mạnh sản xuất và tiêu thụ tại chỗ. Chủ tịch Shigeo Nakamura cho biết: “Chúng tôi chủ yếu sản xuất và bán các sản phẩm sản xuất tại địa phương ở Mỹ, vì vậy tác động trực tiếp là nhỏ”.

Vật liệu điện tử như chất cách điện cho chất bán dẫn đang thúc đẩy hoạt động của hãng. Các sản phẩm gia vị và thực phẩm chủ lực của Ajinomoto cũng đang hoạt động tốt, và mảng chế tạo dược phẩm theo hợp động cũng đang phát triển. Ajinomoto tham gia vào nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau cũng giảm thiểu rủi ro.

Nhiều công ty cũng đang tận dụng thế mạnh độc đáo của văn hóa Nhật Bản phổ biến ở nước ngoài, như giải trí và thực phẩm. Hãng trò chơi điện tử Capcom kỳ vọng doanh số bán các tựa game nổi tiếng như Monster Hunter Wilds được phát hành vào tháng 2 sẽ tăng cả ở Nhật Bản và nước ngoài.

Hãng trò chơi điện tử Konami Group dự báo lợi nhuận kỷ lục năm thứ ba liên tiếp, nhờ trò chơi bóng đá eFootball ở châu Âu và các nước đang phát triển.

Zensho Holdings, nhà điều hành chuỗi nhà hàng Sukiya, đang chứng kiến việc kinh doanh sushi mang đi ở Bắc Mỹ và các nơi khác phát triển tốt và dự kiến đạt lợi nhuận kỷ lục năm thứ ba liên tiếp. Với sự bùng nổ toàn cầu của ẩm thực Nhật Bản, công ty đang nắm bắt nhu cầu về bữa ăn sẵn, vốn đang tăng do khả năng chi trả trong bối cảnh lạm phát.

Bằng cách mở rộng ra nước ngoài thông qua sáp nhập và mua lại, Zensho đã thành công trong việc phát triển các thị trường nơi giá cả và lợi nhuận cao hơn ở Nhật Bản.

Tăng trưởng nhờ nhu cầu nội địa

Các công ty tận dụng nhu cầu nội địa mạnh mẽ cũng đang hoạt động tốt. Nhà kinh doanh Itochu đang mở rộng dịch vụ IT nội địa và các lĩnh vực kinh doanh khác, và đang trên đà đạt lợi nhuận kỷ lục năm thứ hai liên tiếp.

Do rủi ro kinh doanh ở nước ngoài cao, công ty đã tập trung vào các doanh nghiệp trong nước và các lĩnh vực ngoài tài nguyên. Chủ tịch và CEO Masahiro Okafuji cho biết: “Chúng tôi là một trong những công ty thương mại đầu tiên chấp nhận thử thách tập trung lại vào Nhật Bản”.

Nhà điều hành cửa hàng bách hóa Isetan Mitsukoshi Holdings dự kiến đạt lợi nhuận kỷ lục lần đầu tiên sau 14 năm. Mặc dù tăng trưởng nhu cầu từ khách nước ngoài đến Nhật Bản có khả năng chậm lại do đồng yên tăng giá, công ty đã tập trung vào việc củng cố cơ sở khách hàng trong nước và sẽ tăng doanh số bán các mặt hàng giá cao và mỹ phẩm.

Bằng cách sử dụng thông tin khách hàng từ các cửa hàng trực tuyến và các nguồn khác để quảng bá doanh số hiệu quả đến các đối tượng mục tiêu, công ty tìm cách giảm chi phí bán hàng và hành chính, đồng thời giảm điểm hòa vốn.

Các hãng xe lớn của Nhật Bản thường phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Điều này khiến các hãng xe Nhật dễ bị tổn thương với sắc thuế của Mỹ. Ảnh: Kyodo

Lợi nhuận ròng giảm lần đầu tiên sau 6 năm

Nikkei đã phân tích dự báo lợi nhuận của khoảng 1.000 công ty niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo’s Prime Market trong năm tài chính kết thúc tháng 3-2026, không bao gồm các công ty con của các công ty niêm yết, và nhận thấy tổng lợi nhuận ròng trong năm dự kiến giảm 7%, lần giảm đầu tiên sau sáu năm.

Thuế quan của Mỹ và đồng yen mạnh lên đang đè nặng lên các công ty, với các ngành sản xuất xe hơi, thép và vận tải biển đang gặp khó khăn.

Toyota Motor dự kiến mức giảm lợi nhuận mạnh nhất so với năm trước, giảm 35% xuống còn 3.100 tỉ yen. Sản xuất xe hơi đang tăng trưởng, nhưng thuế quan và đồng yen tăng giá cũng tác động đến hãng xe Nhật Bản.

Công ty thương mại Mitsubishi Corp. dự báo năm thứ ba liên tiếp lợi nhuận sụt giảm do các yếu tố như giá tài nguyên giảm.

Tiền đầu tư đang đổ vào các công ty dự báo lợi nhuận kỷ lục bất chấp những khó khăn này. Khi sự không chắc chắn về kinh tế toàn cầu gia tăng, có một xu hướng rõ ràng là các nhà đầu tư lựa chọn các công ty có thể tạo ra một vòng tuần hoàn tốt đẹp của việc đầu tư vào tăng trưởng, trả lợi nhuận cho cổ đông và đầu tư vào nhân viên.

Nhìn vào sự thay đổi giá cổ phiếu của các công ty dự kiến lợi nhuận kỷ lục từ cuối tháng 3 (trước khi hầu hết họ công bố lợi nhuận) đến hôm 5-6, Ajinomoto tăng 22%, Capcom tăng 18% và Hitachi tăng 16%, vượt xa mức trung bình 5% của chỉ số Nikkei.

Ngoài việc dự báo lợi nhuận kỷ lục, Ajinomoto đã công bố kế hoạch mua lại cổ phiếu và tăng đáng kể cổ tức. Khối lượng giao dịch cổ phiếu của họ tăng hơn gấp đôi vào ngày hôm sau, khi giá cổ phiếu tăng vọt 9% so với giá đóng cửa ngày hôm trước.

Fumio Matsumoto, chiến lược gia trưởng tại Okasan Securities, cảnh báo: “Việc chuyển chi phí tăng giá từ thuế quan sẽ dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu cuối cùng. Các công ty sống sót trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt sẽ là những công ty có giá trị gia tăng thông qua năng lực công nghệ và mô hình kinh doanh độc đáo của họ”.

Theo Nikkei Asia

Ricky Hồ / BSA Media