Không biết từ bao giờ, bánh mì đã trở thành một món ăn hết sức quen thuộc với người Việt (nói chung) và người Sài Gòn (nói riêng). Họ ăn bánh mì bất kỳ lúc nào trong ngày, từ món điểm tâm sáng, bữa trưa cho đến lót dạ lúc đêm khuya. Cùng với đó, các hàng bán bánh mì mọc lên khắp nơi, từ trong hẻm nhỏ ra ngoài phố lớn, từ tủ bánh mì ven đường đến những nhà hàng sang trọng. Có người từng nói bánh mì đã gắn chặt với đời sống thường nhật của người Sài Gòn hơn trăm năm nay.
Bánh mì 360 độ
Ở Sài Gòn, bánh mì có lẽ là món ăn phổ biến nhất, tới mức cứ hễ nghe tiếng rao “bánh mì Sài Gòn, hai ngàn một ổ” là người ta lại nghĩ ngay đến những chiếc bánh vàng rượm, nóng hổi, thơm phưng phức mùi bơ, sữa và bột trộn. Và khắp các hang cùng ngõ hẻm ở Sài Gòn, không khó để người dân và du khách bắt gặp những xe bánh mì dạo, những cửa hàng bán bánh mì, từ cao cấp đến bình dân.
Phổ biến nhất là những xe bán bánh mì dạo. Có những xe tuổi đời cả trăm năm, cha truyền con nối, đời này qua đời khác thay nhau đi bán rong. Là món ăn vừa ngon, vừa rẻ lại tiện lợi, bánh mì có thể được sử dụng bất cứ lúc nào trong ngày.
Thời gian gần đây xuất hiện nhiều người đẩy xe đi bán hơn trước. Từ những con phố lớn đến những hẻm sâu nhỏ hẹp, du khách phương xa đến TP.HCM đều có thể dễ dàng bắt gặp những xe bán bánh mì dạo. Những chiếc xe này có đặc điểm phần yên có gắn một cần xé bọc vải bao bố bên ngoài, lót giấy bên trong để giữ cho bánh mì nóng lâu.
Ngày trước, những người đi bán bánh mì hãy còn rao khản cả cổ “bánh mì Sài Gòn, đặc ruột thơm bơ, một ngàn một ổ” từ sáng đến chiều. Tuy nhiên, ngày nay, tiếng rao này được thay thế bằng loa tự động, và giá một ổ bánh mì cũng thay đổi theo thời gian, lên 2.000, 3.000 và hiện tại là 5.000 đồng.
Xe bán bánh mì kẹp thịt nướng và kẹp chả.
Công nghiệp hóa bánh mì
Chưa có ở đâu tại Việt Nam, lò bánh mì lại xuất hiện nhiều như ở Sài Gòn. Chỉ trong vòng một đoạn đường chưa đầy 2 km trên đường Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận), đã có đến 4 – 5 lò bánh mì nằm gần nhau, sẵn sàng cung cấp số lượng rất lớn cho khu vực này và các nơi lân cận.
Ngày trước, các lò bánh mì chỉ thường sản xuất bánh trong thời gian từ khuya đến rạng sáng rồi bán trong buổi sáng. Tuy nhiên, ngày nay, do dân số thành phố ngày càng tăng, nhu cầu cũng ngày một lớn hơn nên các lò đã chuyến sang sản xuất bánh nhiều lần trong ngày. Vì thế, bất cứ lúc nào, lò cũng có bánh nóng giòn.
Chị Nguyễn Thị Lan Chi, chủ một lò bánh mì nằm trên đường Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận) cho biết lò của chị đã mở được hơn 10 năm. Mỗi ngày, chị nướng bánh 3 lần: 5h, 13h và 18h cho ra số lượng khoảng 1.000 chiếc. Nếu như ngày trước, người thợ phải làm bánh mì bằng phương pháp thủ công, nhào bột, nặn bánh bằng tay, nướng bánh bằng lò lửa, thì ngày nay, bột làm bánh được trộn bằng máy và bánh cũng được nướng bằng lò điện hoàn toàn tự động. Mỗi ổ bánh mì tại lò của chị Lan Chi được bán với giá 2.000 đồng nếu mua sỉ và 2.500 đồng mua lẻ.
Bột làm bánh được trộn tự động nhưng khâu cắt rãnh trên bánh vẫn phải được làm thủ công. Khi cho vào lò điện, tuỳ theo ý muốn, một lần nướng bánh có thể kéo dài từ 20 phút đến 2 tiếng.
Những ổ bánh mì nóng hổi, thơm phức mùi bột được lấy ra khỏi lò sau khi nướng xong.
Chị Lan Chi bên những ổ bánh mì tại lò của mình.
Xe bán bánh mì dạo len lỏi trong các con hẻm.
Bà Trần Thị Hồng Mai, bán bánh mì dạo ở khu vực bệnh viện Chợ Rẫy (quận 5), mỗi sáng vào lúc 6h, người từ lò bánh mì giao bánh đến nhà là bà sẽ đẩy xe đi ra bệnh viện để bán. Mỗi ổ 5.000 đồng, bán từ sáng đến chiều, bà có lời được hơn 100.000 đồng để lo cho cuộc sống của mình và nuôi thêm đứa cháu ngoại đang tuổi ăn học.
“Nhưng người ta không cho bán ở đây. Mỗi lần vi phạm là bị phạt 150.000 đồng chứ đâu có ít. Bà còn phải nuôi đứa cháu nữa. Ba mẹ nó bỏ nhau rồi để cho bà nuôi”, bà Mai nói trong nước mắt.
Bà Trần Thị Hồng Mai, bán bánh mì tại khu vực bệnh viện Chợ Rẫy, quận 5. Mỗi ngày bán bánh từ sáng sớm đến chiều, bà Mai kiếm được hơn 100.000 đồng và phải nuôi thêm cháu ngoại đang tuổi ăn học.
Ở Sài Gòn còn có thể dễ dàng bắt gặp những tủ bán bánh mì kẹp thịt ở ven đường. Tủ phá lấu Bà Hương ở ngã ba Huỳnh Văn Bánh – Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận) có lẽ là một trong những nơi bán bánh mì lâu đời nhất ở Sài Gòn. Mở bán từ năm 1956, đến nay đã truyền qua 4 đời, hàng bánh mì phá lấu này đã phục vụ không biết bao nhiêu bữa ăn ngon cho khách hàng.
Hiện tại, hàng bánh mì này do ông Phạm Văn Ngọc và bà Trần Thu Trang làm chủ, bán từ 5h sáng đến tận khuya và vẫn giữ nguyên công thức gia truyền như phá lấu, khô gà, pate… để kẹp bánh mì. Giá mỗi ổ bánh tại đây chỉ từ 15.000 đồng, phải chăng cho một bữa ăn ngon lành.
Xe bánh mì Bà Hương tại ngã ba Huỳnh Văn Bánh – Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận, ra đời từ năm 1956, tới nay đã truyền qua 4 đời. Mỗi ngày, bà Trần Thu Trang bán bánh mì phá lấu từ 6h sáng đến tối muộn.
Phá lấu, khô gà, pate,… đều được bà làm tại nhà.
Bên trong ổ bánh mì phá lấu giá 15.000 đồng.
Hơn thế nữa, bánh mì còn lấn sân vào những cửa hàng, quán ăn ở Sài Gòn. Một trong những tiệm bán bánh mì đầu tiên tại đây là tiệm Hoà Mã, ra đời năm 1958 ở quận 3. Tiệm này đông không ngớt khách từ sáng sớm và món được ưa chuộng nhất là bánh mì ăn kèm với chảo đồ ăn nóng bao gồm trứng ốp-la, thịt nguội, pate, chả cá, đồ chua… Chỉ có như vậy nhưng nhiều người thích thú và xem Hòa Mã là địa chỉ thưởng thức bánh mì quen thuộc. Mỗi phần bánh mì chảo có giá 50.000 đồng, không quá đắt cho tầng lớp trung lưu tại Sài Gòn.
Sau bánh mì Hoà Mã, nhiều tiệm bánh mì khác cũng bắt đầu ra đời và trở nên nổi tiếng không chỉ với người Việt Nam mà còn với khách du lịch quốc tế như bánh mì Huỳnh Hoa, Như Lan, Bảy Hổ…
Bánh mì Hoà Mã, một trong những tiệm bánh mì đầu tiên tại Sài Gòn, ra đời năm 1958. Một phần bánh mì chảo có giá 50.000 đồng bao gồm trứng ốp la, pate, thịt nguội, chả cá, đồ chua.
Tiệm bánh mì Như Lan, nổi tiếng trên bản đồ du lịch tại Việt Nam, rất được khách nước ngoài ưa chuộng.
Bánh mì Huỳnh Hoa luôn đông khách xếp hàng chờ mua bánh. Mỗi ổ bánh mì đầy đủ pate, thịt nguội, chà bông được bán với giá 32.000 đồng.
Bánh mì còn có thể được tìm mua ở các siêu thị tại Sài Gòn với nhiều loại như bánh mì ngọt, bánh mì ổ ngắn và bánh mì baguette ổ dài. Riêng với bánh mì baguette, đây một thời là mặt hàng rất hút khách và là món quà đặc trưng cho người thân, bạn bè mỗi khi có dịp được đi siêu thị ở Sài Gòn.
Ông Trần Quang Huy, quản lý bán hàng tại một hệ thống siêu thị, cho biết toàn hệ thống có 35 cửa hàng lớn nhỏ tại TP.HCM, trung bình mỗi ngày bán hơn 41.000 ổ bánh baguette, đạt doanh thu 18,5 triệu/ngày. Và, bánh mì cũng có mặt tại những nhà hàng sang trọng ở Sài Gòn. Giá một ổ ở những nơi này có thể dao động từ vài chục ngàn đến hàng trăm ngàn, tuỳ thuộc vào thành phần các loại nhân bên trong.
Quầy bán bánh mì baguette tại siêu thị Big C Miền Đông, đường Tô Hiến Thành, quận 10.
Món ăn thường nhật
Người Sài Gòn ăn bánh mì nhiều nhất có lẽ là vào buổi sáng. Nhịp sống bận rộn, hối hả nơi đây đôi khi không cho phép nhiều người có thời gian để ngồi lại một quán ăn để thưởng thức một món nào đó.
Vì thế, bánh mì là một món ăn giản tiện, chỉ mất đôi ba phút và đủ no bụng để người Sài Gòn tiếp tục hoà nhịp vào vòng xoáy của công việc. Trên nhiều tuyến đường tại đây, mỗi buổi sáng, ta có thể dễ dàng bắt gặp những xe bánh mì lưu động, chuyên bán bánh mì ăn sáng cho người đi đường.
Bánh mì là món ăn sáng giản tiện của giới tài xế, nhân viên văn phòng, học sinh, sinh viên,…
Nguyễn Thị Thuỷ, sinh viên năm cuối trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM là một trong những người đầu tư xe bán bánh mì như vậy trên đường Lý Thường Kiệt (quận 11). Thuỷ đầu tư 3 xe bánh mì, bán mỗi buổi sáng từ 6h – 9h cho khách hàng, chủ yếu là nhân viên văn phòng, người lao động. Mỗi ổ bánh mì chả cá được bán với giá 15.000 đồng, rất phù hợp với túi tiền của đại đa số người dân.
Những xe bán bánh mì buổi sáng cho người đi đường.
Nguyễn Thị Thuỳ đầu tư 3 xe bán bánh mì buổi sáng, thuê nhân viên là các bạn sinh viên năm I, năm II để phụ giúp.
Chả cá được chiên nóng giòn ăn kèm với bánh mì.
Ổ bánh mì chả cá có giá 15.000 đồng.
Bánh mì cũng là món ăn rất phù hợp với giới học sinh – sinh viên vì ưu điểm giá rẻ và tiện lợi. Buổi sáng, đi ngang các trường trung học – đại học, không khó để bắt gặp hình ảnh từng tốp học sinh – sinh viên trên tay cầm ổ bánh mì và vô tư cười đùa với nhau.
Và tại các quán cà phê ven đường buổi sáng, ổ bánh mì là món ăn lót dạ quen thuộc và đơn giản để nhiều người thưởng thức cùng ly cà phê, chuẩn bị năng lượng cho một ngày làm việc.
Một phần bánh mì ốp la chỉ có giá từ 10-15.000 đồng, rất phù hợp với túi tiền của học sinh, sinh viên.
Anh Nguyễn Phương Tâm (28 tuổi), làm nghề thiết kế, chọn bánh mì làm điểm tâm sáng cùng với ly cà phê đá.
Một cô gái cũng chọn bánh mì làm bữa ăn sáng tại quán cà phê.
Không chỉ vậy, bánh mì Sài Gòn từ lâu còn là một thức quà phổ biến cho người dân mang về quê. Từ trẻ nhỏ đến người lớn, ai cũng trông người đi thành phố về, mang theo vài ổ bánh mì đặc ruột thơm bơ. Tại bến xe Miền Tây, những người bán bánh mì đã làm công việc này được hơn 20 năm nay.
Cứ mỗi sáng, các chủ lò bánh mì sẽ mang bánh tới, tập trung tại một góc bến xe để những người bán đến lấy bánh và đi khắp nơi trong bến, bán cho hành khách mang về quê. Người mua đôi ba ổ, cũng có người mua hàng chục ổ với giá mỗi ổ chỉ 5.000 đồng, chưa có món quà nào khiến nhiều người yêu thích và có giá rẻ đến vậy.
Bà Nguyễn Ngọc Dung, chủ một lò bánh mì tại bến xe miền Tây cho biết bà có 5 người bạn hàng bán bánh tại đây, mỗi ngày bán được 300 – 400 ổ.
Chị Lê Tài, bán bánh mì dạo tại bến xe Miền Tây hơn 20 năm.
Chị lấy bánh mì từ các lò bánh trong bến và đi khắp ngóc ngách bến xe để mời khách mua. Giá mỗi ổ bánh mì là 5.000 đồng.
Bánh mì cũng là món ăn gắn chặt với nhiều tầng lớp dân Sài Gòn, từ người nghèo đến người giàu. Ở đây có cả những tủ bánh mì từ thiện dành cho người nghèo. Các cô lao công, chú bảo vệ, người bán hàng rong… cứ thế đi ngang, lấy cho mình và người thân đôi ba ổ để lót dạ, vậy là qua bữa. Và ngay những người đi ôtô cũng chọn bánh mì làm món ăn chính, đơn giản thì tấp xe vào lề, gọi với người bán làm một ổ nhiều thịt, hoặc cầu kỳ hơn thì vào quán bánh mì gọi một phần bò beefsteak ăn cùng.
Bà Phùng Thị Trọng (68 tuổi), bán bánh da lợn, bánh cam tại chợ Hàng Xanh. Trên đường đi bán, bà ghé ngang tủ bánh mì từ thiện trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh lấy hai ổ bánh mì, một ổ cho bà và một ổ cho chồng bà đang bị bệnh nằm ở nhà.
Ôtô tấp vào ven đường mua bánh mì.
Bánh mì cũng là món ăn trưa quen thuộc của dân văn phòng.
Từ trong chợ ra ngoài phố, từ ngõ hẻm đến đường lộ, từ trung tâm ra ngoại thành… đâu đâu ta cũng có thể dễ dàng bắt gặp những hàng quán bán bánh mì với đủ các loại nhân như: xíu mại, bì, thịt chả, thịt nướng, heo quay, gà, chả cá, thịt bò… Hoặc đơn giản hơn, người ta còn có thể mua ổ bánh mì không về, chấm với sữa đặc hay sữa tươi đều được, hoặc xịt vào tí nước tương, hay nước mắm, vậy là cũng thành bữa ăn.
Ổ bánh mì kẹp chả cá, kèm thêm rau, dưa chua và một chút nước mắm.
Hàng bánh mì heo quay trên đường Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh). Hàng bánh mì chả cá của chị Phan Nguyễn Khánh Châu trong chợ Nguyễn Đình Chiểu, Q.Phú Nhuận.
Xe bánh mì thịt nướng của bà Nguyễn Thị Loan (quê ở Quảng Ngãi). Bà bán bánh mì đã được hơn 20 năm.
Anh Phil Joseph đến từ Canada mua bánh mì Sài Gòn.
Ông Christopher Lane cho rằng bánh mì Sài Gòn giống ở New Orleans(Mỹ).
Anh Phil Joseph, khách du lịch chọn mua bánh mì tại một cửa hàng nổi tiếng ở quận 1, cho biết: “Tôi đã ở Việt Nam được hơn 1 tháng và từng ăn bánh mì ở nhiều nơi như Hà Nội, Đà Nẵng… “Có vẻ như món ăn này xuất hiện ở mọi nơi ở đất nước các bạn. Tuy nhiên, ấn tượng hơn cả đối với tôi là bánh mì Sài Gòn, bởi không chỉ bánh và nhân ngon mà điều đặc biệt còn nằm ở các loại rau gia vị đi kèm như hành, ngò, dưa chua… Chúng làm cho ổ bánh mì Sài Gòn trở nên khác biệt”, vị khách đến từ Canada nói.
Ông Christopher Lane (45 tuổi), cựu phóng viên ảnh, từng làm việc cho nhiều tờ báo ở thành phố New Orleans (Mỹ) mua đến 3 ổ bánh mì một lần.
Ông chia sẻ: “Tôi nghiện món ăn này ngay từ khi ở Mỹ và thường mua bánh ở khu cộng đồng người Việt sinh sống tại New Orleans. Khi đi du lịch Việt Nam, tôi đã thử ngay món này và đã không thất vọng. Điều làm bánh mì Sài Gòn trở nên hấp dẫn hơn so với những nơi khác là nó rất giòn. Khi dùng, tôi nhớ lại cảm giác ăn ổ bánh mì ngon nhất tại New Orleans”.
Từ khi người Pháp mang ổ bánh mì đầu tiên đến Việt Nam, đến nay, ổ bánh mì đã được cải tiến và thay đổi rất nhiều để phù hợp với khẩu vị của người Việt. Và món ăn này sẽ còn mãi gắn bó với đời sống ẩm thực của người Sài Gòn – nói riêng – và cả người Việt Nam – nói chung.
Nhà báo Robyn Eckhardt trên chuyên trang ẩm thực nổi tiếng EatingAsia khẳng định, món ăn đặc trưng nhất của Sài Gòn là bánh mì.
Không chỉ vậy, bài viết Những món ăn đường phố ngon nhất thế giới (The world’s best street food) trên tờ The Guardian cũng đề cập: “Một điều bí mật mà ít người biết là ổ bánh mì ngon nhất thế giới không phải được tìm thấy ở Rome, Copenhagen hay thậm chí ở New York, mà là trên đường phố ở Việt Nam.”
Và, từ “banh mi” cũng đã được đưa vào từ điển Oxford từ tháng 3 năm 2011, với định nghĩa: “bánh baguette được kẹp nhiều thành phần như thịt, rau, ớt”.
Liêu Lãm (theo Zing)