Đến 21h ngày 19/9, sau hơn 8 tiếng trình bày, đã có 20/28 dự án hoàn thành bài thi thuyết trình tại vòng bán kết 1 – cuộc thi “Dự án khởi nghiệp ĐMST Thanh niên nông thôn 2020” diễn ra tại Thái Nguyên.
Theo kế hoạch, sáng 20/9, sau khi 8 dự án còn lại thực hiện xong phần thi, BTC sẽ công bố những dự án được chọn vào chung kết.
Là thí sinh đầu tiên, trình bày dự án “Sản xuất thức hỗn hợp hoàn chỉnh cho thú cưng”, trưởng nhóm Lương Mạnh Quyết (Lào Cai) cho biết, từ tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, tháng 5/2017, Quyết và cộng sự đã tiến hành mua dây truyền, lắp đặt thiết bị, mua nguyên liệu và cho ra đời những sản phẩm thức ăn khô dành cho thú cưng đầu tiên với quy mô nhỏ.
Qua hơn 3 năm, với nhiều sự thay đổi, hiện, nhóm bạn trẻ này đã tự nghiên cứu, tự sản xuất được sản phẩm thức ăn khô cho thú cưng ở mức hoàn thiện. Sản phẩm hiện đã có chứng nhận thương hiệu được phân phối và tiêu thụ trên thị trường với tên gọi CUNCUN, nhận phản hồi tích cực từ nhiều người tiêu dùng, với 3 mặt hàng chính là: Thức ăn cho chó mini, thức ăn cho chó phổ thông và thức ăn khô cho mèo.
Sản phẩm được sản xuất từ các nguyên liệu sạch như ngô, thịt gà, thịt bò, phụ gia, hương liệu… Các sản phẩm nông sản sẽ được ưu tiên chọn lựa tại địa phương, giúp người nông dân tiêu thụ, còn lại được nhập ngoại, có nguồn gốc rõ ràng. Qua phần trình bày, dự án này được ban giám khảo đánh giá khá cao. Tuy nhiên, ngay sau đó, có nhiều dự án thể hiện sự vượt trọi6, do đó, kết quả vẫn phải chờ các dự án còn lại thi xong.
Trong khi đó, Lê Khắc Hưng (Hải Phòng), chủ dự án chế biến thực phẩm Chả chìa Cậu Ấm cho rằng nghề làm chả chìa đã có từ cách đây hơn 30 năm, là một trong những nghề truyền thống của người dân khu vực làng hoa Hạ Lũng. Hưng cho biết là từ trước đến nay, người dân chỉ bán lẻ tại chỗ nên lợi nhuận thấp. Do đó, thanh niên này tìm cách quy trình hóa quá trình sản xuất, xây dựng thương hiệu thành sản phẩm đặc trưng của Hải Phòng, tạo ra giá trị lớn hơn, từ đó góp phần đưa đến tay người tiêu dùng ngon miệng và mới lạ. Tuy nhiên, nhìn nhận sâu vấn đề, sản phẩm này chưa có nhiều sự đổi mới, sáng tạo trong sản xuất lẫn kinh doanh.
Nhóm tác giả Hoàng Thế Quỳnh, Phạm Văn Vinh và Lưu Thị Phương Dung ở Thái Nguyên chọn sản xuất dược mỹ phẩm từ cây cỏ thiên nhiên, đặc biệt là sử dụng nguồn nguyên liệu bản địa đặc trưng là Trà Thái Nguyên để sản xuất các sản phẩm là mỹ phẩm, nước tăng lực, khẩu trang ẩm chống bụi mịn và diệt virut, tạo thuốc chống lão hoá. Ngoài ra nhóm tác giả này còn sử dụng cây Kusimi để làm tăm xỉa răng. Dự án cũng được các giám khảo quan tâm, tuy nhiên, để phát triển tốt, nhóm bạn trẻ khởi nghiệp này còn nhiều việc phải làm, trong đó có cả vấn đề tham gia và trở thành sản phẩm Ocop.
Hầu hết các dự án trải qua phần thi của mình có sự chuẩn bị tốt cho bài thi, trình bày trôi chảy. Thế nhưng, vẫn còn nhiều vấn đề được ban giám khảo góp ý để hoàn thiện. Trong đó, cần chú trọng đến các yếu tố như nguồn nguyên liệu, quy trình sản xuất, nhất là các vấn đề ĐMST và những cách thức tạo được sự khác biệt trên thị trường về chất lượng, bao bì hay giải pháp kinh doanh, nhất là vấn đề áp dụng công nghệ trong kinh doanh.
Một số hình ảnh dự thi của các dự án:
28 dự án đầu tiên tranh tài vòng bán kết 1 – Cuộc thi khởi nghiệp 2020
Cuộc thi Dự án khởi nghiệp ĐMST Thanh niên nông thôn 2020 chính thức diễn ra vào chiều 19/9/3030
Tại vòng bán kết này, BTC đã có những phần quà tặng dành cho hội đồng giám khảo và tất cả 28 dự án. Quà tặng là những sản phẩm của các doanh nghiệp HVNCLC như Vinamit, Trung Nguyên, Tân Hoàn Cầu, Quy Phúc, An Phước, Duy Anh, Minh Long, P&K…
Đại diện BTC tặng quà cho các dự án tại vòng bán kết 1