Asian Games 19 (Á vận hội lần thứ 19) khai mạc lúc 7 giờ tối 23-9 (tức 6 giờ tối nay giờ Hà Nội) tại Hàng Châu, Triết Giang. Ngoài việc phô bày sức mạnh thể thao của Trung Quốc, Asian Games 19 cũng đồng thời là gian triển lãm các công nghệ mới nhất của Hàng Châu. Thành phố xinh đẹp này từng là cái nôi phát xuất của gã khổng lồ Alibaba – niềm tự hào của Trung Quốc.
Theo Nikkei Asia, Đại hội thể thao năm nay được sự tài trợ của 170 thương hiệu hàng đầu của Trung Quốc và quốc tế, từ Alibaba – dĩ nhiên rồi, đến hãng xe điện Geely Auto và Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC)
Triết Giang, với thủ phủ Hàng Châu, là một trong những vành đai công nghiệp tư nhân quan trọng nhất của đất nước khổng lồ này. Nhà lãnh đạo Tập Cận Bình từng là Bí thư Triết Giang trong giai đoạn 2002-2007. Những nhân vật thân cận từ Triết Giang của ông Tập nay cũng giữ các vai trò quan trọng ở Bắc Kinh: như Thủ tướng Lý Cường và Thái Kỳ – Bí thư Ban Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Những hãy quên các đại gia và những gã khổng lồ đi, những con robot bốn chân hay kính thực tế ảo tăng cường (AR) của những startup Trung Quốc mới là những điều chúng ta cần chú ý trong tham vọng đỉnh cao công nghệ của Bắc Kinh.
CEO Misa Zhu của Rokid, hãng sản xuất kính mắt thông minh AR được quỹ đầu tư Temasek của chính phủ Singapore hậu thuẫn, hy vọng rằng các thiết bị của hãng sẽ trở thành thiết bị “tiêu chuẩn” trong các sự kiện thể thao có quy mô toàn cầu.
Kính AR của Rokid đang được nhân viên bảo an và nhân viên kỹ thuật sử dụng ở nhiều cơ sở khác nhau tại Asian Games lần này. Bằng cách đeo kính gắn vào tai nghe, người dùng có thể giao tiếp với trung tâm điều hành theo thời gian thực nhờ truy cập vào mạng Internet vạn vật (IoT). Rokid nói nhờ thế mà hiệu quả và độ chính xác của việc giám sát tại các phòng điều hành của Asian Games được tăng cường.
Ngoài các ứng dụng công nghiệp, kính của Rokid còn được sử dụng trong giải trí gia đình tại hơn 80 nước trên thế giới. Thị phần nội địa hiện chiếm 50%, nhưng con số này sẽ bị thị phần nước ngoài lấn lướt vào năm tới do việc triển khai số hóa ở các thị trường phát triển như Bắc Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc được mở rộng.
Một công ty khởi nghiệp khác, Deep Robotics, đã triển khai chó robot tại các cơ sở cung cấp điện dưới lòng đất tại Asian Games. Đây là một ví dụ về việc sử dụng công nghệ để giảm thiểu rủi ro cho con người, nhưng tăng hiệu quả công việc.
Được ươm tạo tại Đại học Triết Giang , Deep Robotics do hai nhà khoa học Zhu Qiuguo và Li Chao thành lập năm 2017. Robot bốn chân của Deep Robotics được trang bị camera và cảm biến để truyền dữ liệu phục vụ phân tích.
“Qua Á vận hội lần này, chúng tôi hy vọng sẽ nâng cao vị thế của các công ty công nghệ cao ngoài các công ty Internet ở Hàng Châu”, Giám đốc tiếp thị Qian Xiaoyu có ý nhắc đến quy mô phát triển trong tương lai của các startup Hàng Châu so với gã khổng lồ Alibaba.
Kuai-e là một startup khác hy vọng Á vận hội sẽ là bệ phóng cho máy bán đồ ăn sẵn của mình. Thực đơn từ máy gồm cơm thịt bò và mì hải sản. Các máy bán hàng của công ty được lắp tại năm địa điểm ở sân vận động để phục vụ các tình nguyện viên của Á vận hội.
CEO Chen Xiaoqiang của Kuai-e cho biết: “Sự khác biệt của chúng tôi là ở chất lượng”. Chen nói rằng việc phục vụ món ăn nóng là rất quan trọng trong ẩm thực Trung Quốc.
Mỗi máy bán hàng tự động có khả năng phân phát tới 40 hộp cơm được hâm nóng trước khi phục vụ. Việc đặt hàng được thực hiện thông qua ứng dụng điện thoại thông minh, cho phép công ty truy cập dữ liệu bán hàng quan trọng và kiểm soát đồ còn tồn đọng trong máy. Trong một năm qua, máy móc của Kuai-e đã phục vụ các tòa nhà văn phòng, bệnh viện, trường cao đẳng và ga xe lửa ở Hàng Châu. Nhưng startup này đang tìm cách mở rộng ra toàn quốc trong thời gian ba năm tới.
Tuy nhiên, Chen cho biết việc huy động vốn để mở rộng chỉ là chuyện nhỏ bởi nhu cầu ở thị trường này vẫn lớn. Nhưng Chen thừa nhận nhu cầu đối với các công ty như Kuai-e đã chậm lại trong những năm gần đây sau chấn chỉnh các hãng công nghệ của Bắc Kinh.
Trước khi Á vận hội khai mạc, hôm 20-9 ông Tập đã thị sát thị trấn Nghĩa Ô gần đó. Đây là một trung tâm sản xuất các lại hàng hóa nhỏ cho cả Trung Quốc và thế giới. Qatar 2020 đã sử dụng những chiếc ô, cờ phướn, áo thun hay những món đồ lưu niệm nho nhỏ từ Nghĩa Ô.
Chuyến đi của ông Tập diễn ra vào thời điểm sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc suy giảm do nhu cầu trong nước và toàn cầu chậm lại.
Ricky Hồ / BSA Media