AI không phải công cụ, AI đang thay đổi hoàn toàn cách chúng ta làm kinh doanh

    TS Trần Viết Huân, CTO Tập đoàn Sơn Kim Group & Chủ tịch CIO Việt Nam Phiên với tham luận: Tại sao các công ty Việt Nam cần chuyển mình trong số hóa với AI?
    Chuyển đổi số là cách người ta kinh doanh. Nếu các bạn chỉ xem công nghệ như một cái hộp công cụ thì nó chỉ sửa các lỗi, nhưng nếu nhìn nó như một lợi thế cạnh tranh thì nó thay đổi hẳn doanh nghiệp của bạn.

    Hội thảo “Ứng dụng AI trong marketing” do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao và Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) tổ chức tại khách sạn Caravelle Sài Gòn, ngày 21/9/2024.

    Mở đầu hội thảo, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC, cho rằng không chỉ người tiêu dùng thế giới, người tiêu dùng Việt Nam có vẻ đang đi trước chúng ta. Cho tới hôm nay không ít doanh nghiệp có vẻ vẫn đang không thấy “lửa đang đốt sau gáy”.

    “Từ Bắc Mỹ qua đến châu Âu, cho đến Việt Nam, tình hình thị trường đang biến đổi quá nhanh. Khi chúng ta không thể cạnh tranh trong 2 khâu quan trọng là marketing và bán hàng thì lập tức chúng ta sẽ bị bỏ lại phía sau. Đó là lý do Hội DN HVNCLC chúng tôi sẽ cố gắng tổ chức thêm ngày càng nhiều những chương trình như thế này. Để doanh nghiệp không chỉ am hiểu thị trường, mà còn biết mình đang ở đâu và sau đó là còn phải biết “thực chiến”, biết phải làm sao để bắt kịp các xu hướng mới nhất của thị trường” – bà Vũ Kim Hạnh nói.

    Đồng ý với nhận định này, TS Trần Viết Huân, CTO Tập đoàn Sơn Kim Group & Chủ tịch CIO Việt Nam, cho biết, trong báo cáo mới đây của McKenzie – một công ty tư vấn quản trị toàn cầu- thì ưu tiên số 1 chính là AI, và ưu tiên số 2 là tạo lợi thế cạnh tranh bằng công nghệ.

    “Hiện nay đang có vài ngàn chuyên gia về AI đang làm việc trong ngân hàng. Tại sao lại vậy? Chúng ta phải hiểu rằng Amazon là Online Internet, nhưng đằng sau nó là machine learning (học máy) là AI. Một mô hình hướng tới vài triệu, hàng trăm triệu khách hàng thì làm sao có đủ nhân lực nếu không có học máy, không có AI” – ông Huân nói.

    Nhưng công nghệ, AI không chỉ là bài toán tối ưu hóa nhân lực, bài toán tối ưu chi phí. “Khi một công nghệ mới ra, thì mình phải nhìn lại, nếu mình khởi sự kinh doanh hôm nay thì mình có làm khác không? Những công nghệ mới có giúp mình ra những quyết định kinh doanh mà trước đây mình không dám không?” – TS Trần Viết Huân nói.

    Theo TS Trần Viết Huân trong vài năm vừa rồi chúng ta vẫn là bình mới rượu cũ. Chúng ta làm tin học hóa nhưng ta gọi là là chuyển đổi số cho trending (xu thời), thay thế một số năng lực hiện hữu bằng năng lực số, hoặc tự động hóa, nhưng chúng ta không thay đổi quy trình.

    Chuyển đổi số, AI là vấn đề đang thu hút sự quan tâm của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, tập đoàn lớn.

    Trước đây, khi muốn bán một sản phẩm, mở một nhà hàng chúng ta nghĩ ngay đến chuyện thuê mặt bằng, tìm địa điểm, nhưng hiện nay với e-commerce, với Tiktok… chúng ta đã có thể làm cách khác. Không nhất thiết phải một cửa hàng offline dù làm gì, chúng ta có thể mở online. Đó chính là cách công nghệ đã thay đổi quy trình của chúng ta, chứ không đơn giản chỉ là tối ưu hóa.

    Chẳng hạn, chúng ta có thể vẫn nghĩ rằng chỉ với cửa hàng online trên nền tảng Internet mới có thể dễ dàng có data (dữ liệu) khách hàng, nhưng với cửa hàng offline, cửa hàng vật lý thì sao? Câu trả lời là chúng ta vẫn có thể có data (dữ liệu) khách hàng và vẫn có thể ứng dụng AI như thường.

    Trước đây để biết có bao nhiêu khách hàng vào trong cửa hàng mỗi ngày? Rồi làm sao biết được tỷ lệ khách hàng vào/khách hàng mua trong cửa hàng mỗi ngày là bao nhiêu? Cách truyền thống là để nhân viên kiểm đếm.

    Nhưng bây giờ tất cả các cửa hàng đều có camera giám sát. Đó chính là một đầu thu dữ liệu, chứ không chỉ đơn thuần với chức năng giám sát. Chúng ta sẽ biết được có bao nhiêu khách hàng đến với cửa hàng, họ thuộc nhóm tuổi nào, đi khách lẻ hay đi theo nhóm, tỷ lệ mua hàng mỗi nhóm ra sao v.v và v.v. Trên Internet là cookies thì cookies ở cửa hàng offline là khuôn mặt của khách hàng, hành vi của khách hàng, hành vi của nhân viên khi tiếp xúc của khách hàng và hiệu quả của việc tiếp xúc này. Tất cả đều có thể được ghi lại, biến thành dữ liệu và được phân tích để đưa ra các báo cáo theo thời gian thực. Trước đây, sau một tháng, một tuần chúng ta mới biết được hiệu quả của một việc điều chỉnh chiến lược tiếp xúc khách hàng của mỗi cửa hàng thì bây giờ với công nghệ, với AI chúng ta có thể điều chỉnh hàng ngày và có báo cáo theo thời gian thực.

    TS Trần Viết Huân nhấn mạnh: “Ngày nay, các lãnh đạo phải hiểu về công nghệ để hiểu rằng mình có thể làm gì khác hơn với công nghệ mới hay không”.

    Một ví dụ khác, không chỉ các thiết kế marketing, ngay cả các thiết kế kỹ thuật cũng có thể ứng dụng AI. Trước đây, khi đi gặp khách hàng một kiến trúc sư sẽ tiếp nhận yêu cầu, đưa ra phác họa và một tháng sau mới đưa ra được các phương án thiết kế cho khách hàng và có thể phải gặp nguy cơ bị khách hàng từ chối vì ông khách hàng mình gặp tuần trước đã khác hẳn ông khách hàng tuần sau gặp lại. Tuy nhiên, với công cụ AI thì khác, chỉ với phác họa đơn giản đưa vào, AI có thể đưa ra ngay lập tức các mẫu thiết kế 3D dựa trên đó và đưa ngay cho khách hàng lựa chọn ngay tại chỗ. Đó là một sự khác biệt hoàn toàn.

    Đó chính là cách công nghệ thay đổi chúng ta, thay đổi cách chúng ta làm kinh doanh. Năm 2022, IBM đã đưa ra tuyên bố rằng: Chuyển đổi số là cách người ta kinh doanh. Nếu các bạn chỉ xem công nghệ như một cái hộp công cụ thì nó chỉ sửa các lỗi, nhưng nếu nhìn nó như một lợi thế cạnh tranh thì nó thay đổi hẳn doanh nghiệp của bạn.

    “Công nghệ đó chỉ có hiệu quả khi người lãnh đạo thay đổi mindset, thay đổi lối tư duy, phải đặt ra được câu hỏi rằng với công nghệ mới thì chúng ta có thể làm gì khác hơn không? Ngày nay, các lãnh đạo phải hiểu về công nghệ để hiểu rằng mình có thể làm gì khác hơn với công nghệ mới hay không” – TS Trần Viết Huân nhấn mạnh.

    Một điều nữa TS Trần Viết Huân muốn nhấn mạnh đó là tốc độ của sự thay đổi. “Trước đây mỗi lần phải triển khai công nghệ tôi phải đưa các công ty về giới thiệu, nhưng bây giờ ngược lại, các nhân viên trong công ty yêu cầu ngược lại, đòi hỏi, yêu cầu các công nghệ mới” – ông Huân nói.

    “Nếu cách đây một năm chúng ta mang các câu trả lời bằng tiếng Việt của ChatGPT để cười cợt, thì đến hôm nay chúng ta có thể phải trố mắt thán phục về sự tinh tế trong các câu trả lời bằng tiếng Việt của ChatGPT, với những yêu cầu rất khó. Điều này có gợi cho chúng ta về sự thay đổi đang diễn ra nhanh, thậm chí rất nhanh hay không?” – TS Trần Viết Huân nói.

    Chương trình Hội thảo buổi sáng tiếp tục với tham luận: “Toàn cảnh các công ty quốc tế đang chấp nhận AI trên thế giới và một số bước tiến nhỏ ở Việt Nam” của bà Trần Nguyễn An Ninh, Giám đốc Marketing phụ trách nhãn hàng Oreo, khu vực Đông Nam Á của Mondelez Kinh Đô.
    Buổi chiều, Hội thảo sẽ tiếp tục với tham luận của các chuyên gia:
    – Bà Lê Thanh Tú, Giám đốc Marketing và Phát triển Bền vững Lavie LLC – Nesle Waters Việt Nam:  Nghiên cứu trường hợp Lavie – cách công ty quốc tế tại Việt Nam áp dụng AI vào toàn bộ quá trình lập kế hoạch & thực hiện tiếp thị với kết quả rất tích cực.
    – Bà Châu Đỗ, nhà đồng sáng lập UNIKON: Tại sao các công ty Việt Nam cần áp dụng AI NGAY BÂY GIỜ?
    – Bà Maggie Maggie, Chiến lược gia về Thương hiệu và AI: Cách tạo nội dung chất lượng cao với AI cho các nguồn lực marketing hạn chế trong các công ty Việt Nam, vấn đề chính của các công ty nhỏ.