Ấn Độ lo ngại hàng hóa Trung Quốc thâm nhập thị trường nội địa qua ngõ ASEAN

Hàng hóa ở cảng Kolkata, bang Đông Bengal. Cán cân thương mại song phương đang nghiêng về ASEAN, khi xuất khẩu của Ấn Độ đạt 41,2 tỉ đô la, nhập khẩu đạt 80 tỉ đô la trong năm tài chính kết thúc hồi tháng 3. Ảnh: Getty Images

Ấn Độ và ASEAN đang xem xét lại thỏa thuận thương mại song phương ký kết 15 năm trước nhân cuộc gặp cấp cao giữa hai bên từ ngày 18 đến 22-11 tại thủ đô New Delhi.

Đây là nỗ lực mới nhất của New Delhi nhằm tìm cách tiếp cận với thị trường hàng hóa ASEAN, cập nhật các quy định xuất xứ nguồn gốc hàng hóa trong bối cảnh Ấn Độ đang nhập siêu hơn 38 tỉ đô la từ ASEAN. Và Ấn Độ ngày càng lo ngại rằng hàng hóa Trung Quốc đang thâm nhập thị trường nội địa Ấn Độ thông qua cửa ngõ các nước ASEAN.

Mất ba năm để đánh giá lại

Thỏa thuận thương mại hàng hóa ASEAN-Ấn Độ (AITIGA) được ký kết vào tháng 8-2009 và có hiệu lực vào tháng 1-2010. Quá trình đánh giá lại AITIGA được khởi xướng vào tháng 9-2022 với mục đích tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thương mại vì lợi ích của cả hai bên. Hai bên hy vọng sẽ hoàn tất quá trình đánh giá vào năm tới.

ASEAN hiện là đối tác thương mại quan trọng của Ấn Độ với khoảng 11% thị phần thương mại toàn cầu của quốc gia Nam Á này. Tuy nhiên, thương mại đang nghiêng nhiều về phía ASEAN. Xuất khẩu của Ấn Độ sang khối này đạt 41,2 tỉ đô la, trong khi nhập khẩu đạt 80 tỉ đô la trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3-2024.

“Chúng tôi đang cố gắng tối đa hóa khối lượng thương mại với các nước ASEAN và cố gắng đảm bảo thương mại cân bằng hơn”, Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Sunil Barthwal phát biểu tuần rồi. Ông nói thêm rằng bất kỳ thỏa thuận thương mại nào mà Ấn Độ đã ký kết, luôn có sự theo dõi về mặt sử dụng, bản chất của hoạt động xuất nhập khẩu và cách thức cải thiện thương mại giữa hai bên.

Tại cuộc họp đánh giá ở New Delhi, Rajesh Agrawal, thư ký bổ sung của Bộ Thương mại, cho biết Ấn Độ kỳ vọng sẽ đạt được tiến triển trên nhiều hướng. Động lực chính của thỏa thuận AITIGA này, các lĩnh vực thách thức chính, là các quy tắc xuất xứ và tiếp cận thị trường. “Đó là điều chúng tôi muốn thấy – một số nguyên tắc cơ bản cơ bản … về hai điều này được thống nhất trong vòng đám phán lần này”, ông Agrawal nói.

Ấn Độ đang tìm kiếm sự linh hoạt trong một số nhượng bộ thuế quan trong các lĩnh vực đang bị tổn hại do sự gia tăng đáng kể lượng hàng nhập khẩu. “Thép là một trong những lĩnh vực như vậy”, theo Raj Kumar Sharma, nghiên cứu viên cao cấp tại NatStrat, tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại New Delhi.

“Người ta lo ngại rằng thép Trung Quốc có thể được chuyển hướng sang Ấn Độ thông qua FTA (thỏa thuận thương mại tự do) của chúng tôi với các nước ASEAN”, Sharma nói với Nikkei Asia. Ông cho rằng thép nhập khẩu giá rẻ gây tổn hại đến các nhà sản xuất trong nước khi nhu cầu thép nội địa gia tăng do các chương trình phát triển cơ sở hạ tầng của chính phủ Ấn Độ. “Điều này có nghĩa là chính phủ Ấn Độ không thể bỏ qua những lo ngại của ngành công nghiệp địa phương”, Sharma nói.

Thâm hụt thương mại tăng gần 8 lần trong 14 năm

Prerna Gandhi, cộng sự tại tổ chức nghiên cứu Vivekananda International Foundation của Ấn Độ, nói rằng Trung Quốc mong muốn nâng cấp thỏa thuận thương mại với ASEAN vào cuối năm nay, kết hợp mở rộng thương mại điện tử và chuỗi cung ứng. “Điều này làm tăng thêm tính cấp thiết cho mục tiêu của Ấn Độ là hoàn thành quá trình xem xét kéo dài về AITIGA”.

“Những khác biệt về mặt cấu trúc đã mang lại lợi thế cho các nền kinh tế ASEAN, vốn chủ yếu hướng đến xuất khẩu với nền tảng sản xuất vững chắc. Điều này trái ngược với Ấn Độ, quốc gia có nền kinh tế hỗn hợp, trong đó lĩnh vực dịch vụ, bao gồm công nghệ thông tin, chiếm ưu thế hơn sản xuất. Ấn Độ chưa thể tận dụng hết hiệp định AITIGA”, bà Gandhi nói với Nikkei.

Bà chỉ ra rằng thâm hụt thương mại của Ấn Độ với ASEAN đã tăng từ khoảng 5 tỉ đô la trong giai đoạn từ tháng 4-2010 đến tháng 3-2011, năm đầu tiên thực hiện đầy đủ thỏa thuận thương mại về hàng hóa, lên hơn 38 tỉ đô la trong năm tài chính gần nhất.

“Nền kinh tế Trung Quốc không thể mở rộng tiêu dùng trong nước. Chính vì thế, nhu cầu mở rộng thị trường xuất khẩu vẫn rất mạnh mẽ. Bản chất không công bằng của các điều khoản được cấp theo hiệp định thương mại giữa Trung Quốc – ASEAN và giữa Ấn Độ – ASEAN đương nhiên làm dấy lên mối lo ngại về việc hàng hóa Trung Quốc trên thực tế sẽ tràn vào Ấn Độ thông qua ASEAN. Tuy nhiên, Ấn Độ hiểu rằng các thỏa thuận FTA, mặc dù mang tính kinh tế, nhưng có tác động khu vực và song phương. Do đó, việc nâng cấp kịp thời là thực tế nhất”, bà Gandhi nói.

Sharma của NatStrat cho biết cũng có những lo ngại về sự bất đối xứng thuế quan giữa hai bên. “Ấn Độ đã giảm thuế đối với khoảng 74% dòng thuế đối với các nước ASEAN. Nhưng ASEAN chỉ giảm 56% dòng thuế trong các lĩnh vực như nông nghiệp và dệt may. Điều này tạo ra bất lợi lớn cho Ấn Độ”.

Về thâm hụt thương mại tăng vọt của Ấn Độ với ASEAN sau khi thỏa thuận AITIGA thành hiện thực, Sharma nói rằng có nhiều yếu tố đằng sau xu hướng này, như khả năng tiếp cận thị trường thấp đối với hàng hóa của Ấn Độ, rào cản phi thuế quan cao, hàng nhập khẩu rẻ hơn từ ASEAN và Ấn Độ ít có thể xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế so sánh.

Việc xem xét lại hiệp định thương mại Ấn Độ – ASEAN cũng nằm trong kế hoạch 10 điểm của Thủ tướng Narendra Modi nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ với các nước Đông Nam Á. Trong bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ-ASEAN lần thứ 21 tại Vientiane,  Lào vào tháng 10, Thủ tướng Modi nói rằng việc xem xét lại AITIGA phải được hoàn thành trong năm 2025. “Điều này sẽ củng cố mối quan hệ kinh tế của chúng ta và sẽ giúp tạo ra một chuỗi cung ứng an toàn, kiên cường và đáng tin cậy”, Thủ tướng Ấn Độ nhấn mạnh.

Theo Nikkei Asia

Ricky Hồ / BSA Media

Singapore thử nghiệm thanh toán bằng lòng bàn tay