Ấn Độ sẵn sàng cắt giảm thuế đối với hơn một nửa lượng hàng nhập khẩu từ Mỹ với tổng trị giá 23 tỉ đô la trong giai đoạn đầu của thỏa thuận thương mại mà hai bên đang đàm phán. Đây là đợt cắt giảm lớn nhất trong nhiều năm qua, theo Reuters, nhằm tránh mức thuế đối ứng mà Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ công bố ngày 2-4 sắp tới.
Một báo cáo nội bộ của chính phủ cho thấy New Delhi ước tính rằng mức thuế quan qua lại như vậy sẽ ảnh hưởng đến 87% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt 66 tỉ đô la của nước này, Reuters dẫn hai nguồn tin của chính phủ Ấn Độ.
Mỹ đang chịu thâm thủng mậu dịch 45 tỉ đô la
Theo thỏa thuận, Ấn Độ sẽ giảm thuế đối với 55% hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ hiện đang chịu mức thuế 5-30%. Trong danh mục hàng hóa này, Ấn Độ sẵn sàng giảm “đáng kể” thuế quan hoặc thậm chí xóa bỏ hoàn toàn một số loại thuế đối với hàng nhập từ Mỹ.
Dữ liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hàng hóa Ấn Độ chịu mức thuế quan Mỹ trung bình là 2,2%, trong khi hàng hóa của Mỹ chịu mức thuế trung bình của Ấn Độ là 12%. Mỹ đang chịu mức thâm hụt mậu dịch 45,6 tỉ đô la với Ấn Độ.
Nhân chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Narendra Modi vào tháng 2, Mỹ và Ấn Độ đã nhất trí bắt đầu các cuộc đàm phán hướng tới việc ký kết một thỏa thuận thương mại sớm và giải quyết bế tắc về thuế quan.
New Delhi muốn đạt được thỏa thuận này trước khi mức thuế đối ứng – hay mức thuế “có đi có lại” (reciprocal) – được công bố. Hiện Trợ lý Đại diện Thương mại Mỹ tại Nam và Trung Á Brendan Lynch đang dẫn đầu một phái đoàn gồm các quan chức Mỹ tham gia đàm phán thương mại từ ngày 25-3 tại New Delhi. Lynch sẽ làm việc với phía Ấn Độ trong năm ngày.
Các quan chức chính phủ Ấn Độ cảnh báo rằng việc cắt giảm thuế đối với hơn một nửa lượng hàng nhập khẩu từ Mỹ phụ thuộc vào “chắc chắn đạt được việc giảm thuế đối ứng giữa hai bên”.
Tuy vậy, quyết định giảm thuế quan chưa phải là quyết định cuối cùng, với các lựa chọn khác đang được thảo luận như điều chỉnh thuế quan theo ngành và đàm phán từng sản phẩm thay vì cắt giảm rộng rãi, một quan chức Ấn Độ nói với Reuters.
Ấn Độ cũng đang cân nhắc cải cách thuế quan rộng hơn để giảm rào cản một cách đồng đều, nhưng các cuộc thảo luận như vậy vẫn đang trong giai đoạn đầu và có thể không được đưa vào đàm phán ngay với Mỹ, một quan chức khác cho biết.
Tình hình “không quá căng thẳng”
Thủ tướng Narendra Modi là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên chúc mừng ông Trump tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11-2024. Nhưng Trump vẫn tiếp tục gọi Ấn Độ là “kẻ lạm dụng thuế quan” và “vua thuế quan”, và nói rằng sẽ không bỏ qua bất cứ quốc gia nào trong tuyên bố thuế đối ứng ngày 2-4 sắp tới.
New Delhi ước tính thuế quan đối với các mặt hàng như ngọc trai, nhiên liệu khoáng sản, máy móc, nồi hơi và thiết bị điện, chiếm một nửa kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ, sẽ tăng từ 6% đến 10%, theo cả hai nguồn tin.
Quan chức thứ hai cho biết xuất khẩu dược phẩm và xe hơi trị giá 11 tỉ đô la có thể chịu tác động gián đoạn lớn nhất do thuế quan đối ứng, do phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
Quan chức này cho biết thêm rằng mức thuế quan mới có thể có lợi cho các nhà cung cấp thay thế như Indonesia, Israel và Việt Nam.
Để đảm bảo sự chấp thuận về mặt chính trị của các đồng minh của Thủ tướng Modi và phe đối lập, Ấn Độ đã đặt ra các ranh giới đỏ, rõ ràng cho các cuộc đàm phán.
Một quan chức chính phủ thứ ba cho biết mức thuế quan đối với hàng nhập từ Mỹ như thịt, bắp, lúa mì và các sản phẩm từ sữa hiện dao động từ 30% đến 60%, đã bị loại bỏ. Nhưng thuế đối với hạnh nhân, hạt dẻ cười (pistachio), yến mạch và hạt diêm mạch có thể được nới lỏng.
Một quan chức thứ tư cho biết, New Delhi cũng sẽ thúc đẩy việc cắt giảm thuế xe Mỹ theo từng giai đoạn, hiện đã vượt ngưỡng 100%.
Ấn Độ đang đối mặt với tình huống tế nhị. Trong một cuộc họp trước Quốc hội hôm 10-3, Bộ trưởng Thương mại Sunil Barthwal nói Ấn Độ không muốn mất một đối tác quan trọng như Mỹ, nhưng ông sẽ không nhân nhượng trước các lợi ích quốc gia. Còn trước đó, Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick đã yêu cầu Ấn Độ “suy nghĩ thận trọng” sau khi giảm thuế đối với xe máy sang trọng và rượu whisky bourbon vào năm 2025.
“Cho đến nay, chính phủ Modi tỏ ra không mấy mặn mà với việc cắt giảm thuế quan toàn diện theo kiểu mà Trump đang tìm kiếm”, theo Milan Vaishnav, chuyên gia về chính trị và kinh tế Nam Á tại tổ chức nghiên cứu Carnegie Endowment for International Peace.
“Có khả năng chính phủ Modi có thể sử dụng áp lực bên ngoài từ chính quyền Trump để ban hành các biện pháp giảm thuế có thể tổn hại đến uy tín chính trị trong nước, trên diện rộng. Nhưng tôi tin rằng tình hình không có vẻ quá căng thẳng, nín thở”, Vaishnav nói.
Theo Reuters
Ricky Hồ / BSA Media