Sáng ngày 26/11, tại khách sạn Rex (số 141, đường Nguyễn Huệ, Quận 1, TP.HCM), UBND tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị giới thiệu tiềm năng đầu tư và quảng bá sản phẩm đặc trưng tỉnh An Giang với chủ đề “An Giang: Không gian mới – Giá trị mới”.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hồ Văn Mừng – Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết:
“An Giang là một vùng đất đặc biệt, nơi vừa có đồng bằng trù phú, đất đai màu mỡ được bồi đắp bởi hai con sông Tiền và sông Hậu rất thích hợp để phát triển kinh tế nông nghiệp quy mô lớn, đặc biệt là lúa gạo, thủy sản và trái cây. Nơi vừa có đồi núi trải dài từ Đông sang Tây hình thành nên dãy Thất Sơn hùng vĩ với nhiều cảnh quan tươi đẹp, hữu tình, sinh động kết hợp những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có bốn dân tộc anh em chủ yếu là kinh, hoa, chăm và Khơ me đã tạo ra những tiềm năng phát triển du lịch văn hóa, tâm linh, nghỉ dưỡng, sinh thái, vui chơi giải trí đặc sắc nhất vùng.
Ngoài ra, tỉnh An Giang còn có tuyến biên giới giáp Vương quốc Campuchia dài gần 100 km với 02 Cửa khẩu Quốc tế: Vĩnh Xương, Tịnh Biên và 01 Cửa khẩu Quốc gia Khánh Bình chuẩn bị nâng cấp thành Cửa khẩu Quốc tế trong thời gian gần nhất. Đây là đầu mối giao thương quan trọng với Vương quốc Campuchia và các quốc gia tiểu vùng sông Mekong nên đã được Chính phủ chọn Khu kinh tế Cửa khẩu An Giang là 01 trong 08 Khu kinh tế Cửa khẩu quan trọng ưu tiên đầu tư trong thời gian tới, biến nơi đây thành Khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: Công nghiệp – thương mại – dịch vụ – du lịch – logistics – đô thị và nông, lâm, ngư nghiệp”.
Mục tiêu phát triển đến năm 2030 của tỉnh An Giang đặt trọng tâm ở ba lĩnh vực, kinh tế nông nghiệp, phát triển du lịch và kinh tế biên mậu, ông Mừng nói.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng nhấn mạnh, “An Giang: Không gian mới – Giá trị mới” như là một thông điệp tỉnh An Giang mong muốn truyền tải đến tất cả nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước những giá trị, nội dung cốt lõi của Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời, tỉnh An Giang cũng mong muốn có cơ hội được quảng bá hình ảnh, giá trị văn hóa, lịch sử, những sản phẩm đặc trưng của địa phương thông qua không gian trưng bày tại Hội nghị.
Với thông điệp này, tỉnh An Giang đã kết nối thành công với hơn 10 nhà đầu tư chiến lược mong muốn hợp tác và nghiên cứu khảo sát đầu tư các dự án thuộc các lĩnh vực quan trọng, nhiều tiềm năng phát triển của tỉnh như: (1) phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, các khu chức năng khu kinh tế cửa khẩu; (2) công nghiệp chế biến lương thực – thực phẩm, các công nghiệp nhẹ; (3) phát triển đô thị và nhà ở thương mại; (4) năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; (5) thương mại – dịch vụ logistics – du lịch; (6) phát triển nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn và được trao Biên bản thỏa thuận hợp tác và khảo sát đầu tư ngay tại Hội nghị.
Là một trong những nhà đầu tư về lĩnh vực phát triển năng lượng sinh khối, đã có dự án tại Hậu Giang và đang chuẩn bị đầu tư vào An Giang, ông Tomoki Kakuta – Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Erex (Nhật Bản) cho biết, “định hướng của chúng tôi còn muốn xây dựng các nhà máy điện sinh khối tại khu vực phía Bắc. Cái chúng tôi quan tâm nhất hiện nay là nguyên liệu đầu vào trong việc vận hành nhà máy. Trong đó khu vực ĐBSCL được ví như vựa lúa lớn nhất của Việt Nam, và chắc chắn là sẽ có những nguyên liệu cần thiết cho chúng tôi làm nguyên liệu đầu vào cho nhà máy điện, đó là vỏ trấu, rơm rạ, và các phụ phẩm nông nghiệp khác. Trong khi đó, những nhà máy điện nhiệt điện Việt Nam đa phần dùng than để đốt, điều này gây ô nhiễm môi trường. Còn chúng tôi làm điện sinh khối có giá thành nguyên liệu đầu vào chỉ bằng ½ so với than và lượng điện làm ra đảm bảo cung cấp cho địa phương và khu vực xung quanh của tỉnh. Điều này phù hợp với chủ trương của Việt Nam là giảm phát thải CO2 theo lộ trình đã cam kết”.
Ông Trần Lê Hùng – Giám đốc công ty TNHH bánh hạnh nhân Tiến Anh cho hay, chúng tôi mong tìm các nhà đầu tư để nguyên liệu đầu vào tốt hơn, bởi nguyên liệu đầu vào hiện nay chúng tôi đang phụ thuộc vào nhập khẩu. Và mong muốn tìm thêm các đối tác xuất khẩu chính ngạch ra quốc tế với những sản phẩm bánh của Tiến Anh.
Bà Lý Hứa Thị Lan Phương – Tổng Giám đốc công ty Chân Phương chia sẻ, chúng tôi mang đến những đặc sản các sản phẩm từ cây thốt nốt và yến sào đặc trưng của An Giang. Những sản phẩm này chúng tôi đang chuẩn bị xuất sang thị trường Mỹ do đó phải tuân thủ nhiều tiêu chuẩn, trong đó có FDA. Và chúng tôi đến đây cũng mong muốn tìm thêm những đối tác từ quốc tế khác.
Chia sẻ bên lề chương trình, bà Ayaco Endo – Đại diện tỉnh Shiga Nhật Bản, cho biết, tỉnh Shiga có hồ nước lớn nhất tại Nhật Bản, do đó chúng tôi có những cách khai thác nguồn nước để làm sao bảo đảm không bị ô nhiễm, tạo được công ăn việc làm cho bà con những khu vực quanh hồ nước này. Tôi nghĩ tỉnh An Giang nói chung và ĐBSCL nói riêng cũng có những nét tương đồng với tỉnh Shiga của chúng tôi về khai thác nguồn nước, và chúng tôi có kinh nghiệm làm tốt điều này.
Đến với Hội nghị, ông Paul Antoine Croizé– Chủ tịch, Tiểu ban Thực phẩm, Nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản thuộc EuroCham (FAABS) cho hay, chúng tôi đã tìm hiểu kỹ và thấy An Giang có những nét khác về nông nghiệp, thủy sản, du lịch… so với một số tỉnh thành vùng ĐBSCL, những thế mạnh này phù hợp cho các doanh nghiệp châu Âu tìm đến làm nông nghiệp xanh, sạch, và công nghệ cao…
Một số hình ảnh tại sự kiện: