Theo các chuyên gia, nhượng quyền là ngành đóng góp lớn vào GDP quốc gia khi được đầu tư đúng mức để ngành phát triển. Tại Singapore, ngành nhượng quyền đóng góp 3% vào GDP, tại Philippines là 5%, tại Malaysia là 6.3%, tại Mỹ là 5.1%, tại Úc là 9%, tại Canada là 10%. Ngoài GDP, đây cũng là ngành tạo công ăn việc làm, lao động tầm cỡ cho nền kinh tế. Nhiều quốc gia đã cấu trúc ngành nhượng quyền thành ngành chiến lược để phát triển kinh tế quốc gia, nhất là khối kinh tế tư nhân và đặc biệt ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong nhiều ngành nghề nhượng quyền tại Việt Nam, ẩm thực được xem là một trong những ngành tiềm năng nhất để đi theo con đường nhượng quyền, nhờ tính khác biệt cao và người tiêu dùng mong chờ. Việt Nam với những món ăn truyền thống và ngày càng được khách hàng quốc tế biết đến như phở, bún, bánh cuốn, bánh mì… đang đứng trước cơ hội vàng để bước ra thế giới thông qua một mô hình phù hợp.
Chia sẻ tại sự kiện triển lãm, kết nối nhà đầu tư và hội thảo về chủ đề “Hiểu đúng để đầu tư nhượng quyền thành công”, do Công ty Go Global Holdings tổ chức, sáng ngày 27/5, tại TP.HCM, chuyên gia nhượng quyền quốc tế, bà Nguyễn Phi Vân, sáng lập và là chủ tịch của Go Global Holdings chỉ ra, “ba chìa khóa đầu tư nhượng quyền thành công”. Đó là:
Chìa khoá 1: Chọn cách đầu tư phù hợp với khả năng và cam kết của bản thân. Mỗi cá nhân có quỹ thời gian khác nhau, phong cách sống khác nhau, khả năng tài chính khác nhau, khả năng điều hành, kinh doanh, quản trị khác nhau. Do vậy, là nhà đầu tư, trước hết cần phải hiểu rõ bản thân để chọn cách đầu tư phù hợp. 50% thành công của việc chọn cách đầu tư đến từ việc hiểu chính mình và phần còn lại đến từ kỷ luật, cam kết. Chỉ đầu tư tài chính, thuê doanh nghiệp nhượng quyền vận hành hộ, hay đầu tư và tự vận hành phải là quyết định từ chính việc hiểu mình.
Chìa khoá 2: Tận dụng nguồn lực và sự hỗ trợ của doanh nghiệp nhượng quyền. Điều hay nhất của nhượng quyền là nhà đầu tư được tham gia vào một hệ thống chuyên nghiệp, đã chứng minh thành công và có nền tảng hỗ trợ bền vững. Đó chính là nguồn lực mà bên nhận quyền nên tận dụng hết mức có thể, thay vì tập trung vào việc đàm phán phí nhượng quyền như cách hiểu sai phổ biến hiện nay. Chìa khóa của thành công nằm ở chỗ việc nhà đầu tư nhận quyền tận dụng nguồn lực có sẵn của thương hiệu như thế nào để kinh doanh hiệu quả.
Chìa khoá 3: Cộng tác – cộng tác – cộng tác. Các thương hiệu nhượng quyền luôn luôn có chính sách ưu tiên hỗ trợ các đối tác nhận quyền tích cực, làm tốt vai trò của mình và cộng tác tốt với thương hiệu vì sự thành công chung. Do đó, hãy là người cộng tác, đừng trở thành người than phiền và tranh chấp.
Những người thành công
Tại Việt Nam, nhượng quyền hiện chưa được hiểu đúng, hiểu đủ và ứng dụng một cách chuyên nghiệp. Từ phía các doanh nghiệp nhượng quyền, rất nhiều chủ thương hiệu vẫn chưa hiểu đúng về nhượng quyền, xây dựng nền tảng chưa chuyên nghiệp, ứng dụng các hình thức nhượng quyền chưa hợp lý và hiểu biết pháp lý chưa đầy đủ. Kết quả là đã xảy ra những mâu thuẫn và tranh chấp đáng tiếc trong thời gian qua, làm nhiễu loạn thị trường.
Sau đại dịch COVID, ngành nhượng quyền hiện trở nên sôi động khi nhiều nhà đầu tư chọn đồng hành cùng những hệ thống và thương hiệu đã có mô hình được kiểm chứng, kinh nghiệm kinh doanh, có hệ thống quản trị bài bản, có hỗ trợ xuyên suốt.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong năm 2022, có 18 thương hiệu nhượng quyền nước ngoài hoặc tái ký hợp đồng vào Việt Nam. Trong hai năm đại dịch, số lượng thương hiệu gia nhập hoặc tái ký hợp đồng để tiếp tục ở lại thị trường là 26 trong năm 2021 và 22 trong năm 2020.
Tại sự kiện, ông Trần Nhật Vũ, nhà sáng lập, chủ tịch của thương hiệu Phúc Tea, chuỗi trà sữa với nguyên liệu thuần Việt có 135 chi nhánh trên toàn quốc, 80% là nhượng quyền sau 6 năm kinh doanh và bà Trần Thảo Vi, nhà sáng lập của chuỗi spa chăm sóc mẹ và bé Care With Love với 11 chi nhánh, đạt 20 chi nhánh đến cuối 2023 đã đưa ra những quan điểm về chân chung của các nhà đầu tư nhượng quyền thành công gồm: hiểu rõ mô hình và hình thức đầu tư nhờ chịu khó học hỏi, tích lũy kinh nghiệm từ các sự kiện triển lãm, hội thảo chuyên ngành trong bối cảnh thị trường nhượng quyền tại Việt Nam quá mới và thiếu các kênh thông tin, giáo dục chính thống.
Đồng thời phải chọn được thương hiệu phát triển bền vững để hợp tác dựa trên lịch sử tồn tại và vận hành trên thị trường; nhà sáng lập có kinh nghiệm, trải nghiệm chuyên môn trong ngành và mang lại niềm tin khi tiếp xúc, cùng hệ giá trị; các đối tác nhượng quyền khác đã đạt được những thành công cũng như nhận được các nền tảng hỗ trợ về vận hành, marketing, bán hàng, đào tạo, chuỗi cung ứng.
Trong khi đó, ông Lê Phước Phúc, sáng lập của Heramo, một startup công nghệ cung cấp dịch vụ giặt ủi cao cấp thông qua ứng dụng (app) và ông Võ Trần Đại, bộ phận Đầu tư Phát triển, Run Together VN, mô hình bán lẻ giày công nghệ có gắn chip NFC, kết nối với web để khách hàng tham gia các giải chạy thực tế và trên vũ trụ ảo (metaverse) nhìn nhận rằng, nhượng quyền mô hình công nghệ là xu hướng của tương lai, phù hợp với xu hướng tất yếu của kinh tế sáng tạo và kinh tế số. Trên thế giới, các mô hình startup công nghệ tài chính (fintech), công nghệ quản lý tài sản (wealth tech), công nghệ thiết bị bay không người lái (drone), các dịch vụ cung cấp qua app, thương mại điện tử, dịch vụ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), phần mềm… đều đã có những mô hình nhượng quyền và cấp phép được triển khai. Các startup công nghệ tại Việt Nam xây dựng và đóng gói mô hình kinh doanh thành công hoàn toàn có thể sử dụng hình thức nhượng quyền để tăng tốc phát triển.
Các diễn giả cũng cho rằng, việc đưa công nghệ vào tối ưu hoá quy trình vận hành, quản trị, nâng cao trải nghiệm vừa trực tuyến vừa trực tiếp cho khách hàng tạo ra những lợi thế cạnh tranh rất lớn cho các mô hình nhượng quyền công nghệ, không chỉ ở việc tối ưu hoá chi phí vận hành mà còn giúp tạo ra nhiều kênh doanh thu mới, gia tăng doanh số và tăng độ trung thành và tương tác của khách hàng với thương hiệu. Tuy nhiên, dù là mô hình công nghệ hay không thì để nhượng quyền thành công vẫn phải giải được bài toán hiệu quả kinh doanh với những yếu tố tài chính là điểm mấu chốt thu hút nhà đầu tư.
Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Phước Phúc cho hay, “Hiện tại, một cửa hàng giặt ủi cao cấp 4.0 Heramo chỉ cần đầu tư ở mức 200 triệu đồng, hoàn vốn từ 3-6 tháng”.
“Với Run Together Vietnam có mức đầu tư khoảng 500 triệu đồng cho 1 chi nhánh với thời gian hoàn vốn dự kiến trong vòng 12 tháng”, ông Võ Trần Đại nói.
Tại sự kiện, Go Global Holdings cũng đã công bố thành lập Go Global Franchise Funds, quỹ đầu tư nhượng quyền đầu tiên và tiên phong tại Việt Nam và Đông Nam Á. Go Global Franchise Funds dự kiến sẽ tạo ra những sản phẩm đầu tư tài chính mới, ít rủi ro dành cho những nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ muốn tham gia đầu tư nhượng quyền nhưng không có khả năng vận hành và quản lý các cơ sở nhượng quyền.
Go Global Holdings là công ty đầu tư được sáng lập bởi chuyên gia Nguyễn Phi Vân và Nguyễn Tuấn Quỳnh, những người đã nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhượng quyền thương mại, quản lý kinh doanh, đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp SME và phát triển quốc tế. Go Global Holdings ra đời với mục tiêu tạo ra một hệ sinh thái độc đáo để mở rộng quy mô các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp SME một cách nhanh chóng, bền vững bằng hình thức nhượng quyền và cấp phép. Go Global Holdings hiện đang có 8 thương hiệu trong hệ sinh thái gồm Phúc Tea, Care With Love, Phở’S, Star Home Spa, Arkki, Heramo, Run Together Vietnam, và Limart.
bài, ảnh: T. Quỳnh