
Căng thẳng địa chính trị, lạm phát và nền kinh tế Mỹ bất ổn do các hạn chế thương mại là ba thách thức lớn nhất với các công ty Trung Quốc đang làm ăn tại Mỹ, theo khảo sát của Tổng hội thương nghiệp Trung Hoa tại Mỹ (CGCC) công bố hôm 12-5. 80% lo ngại lạm phát tăng, 30% sợ doanh thu giảm và cuối cùng hơn 50% công ty sẽ giảm đầu tư tại Mỹ.
Thận trọng hơn
Cuộc khảo sát thường niên của CGCC cũng phát hiện rằng doanh nghiệp đại lục cũng thận trọng hơn khi đầu tư vào Mỹ, trong bối cảnh các quy định ngày càng siết chặt và tâm lý bài Trung lan rộng.
“Những yếu tố này đã cản trở nghiêm trọng các nỗ lực quảng bá thương hiệu và xây dựng hình ảnh, nhấn mạnh ảnh hưởng nặng nề của chính sách và nhận thức của công chúng đối với hoạt động tiếp thị”, báo cáo của CGCC viết.
Cuộc khảo sát được tiến hành ngay trước khi Washington và Bắc Kinh bắt đầu ăn miếng trả miếng trong cuộc chiến thuế qua vài tuần qua. Hôm 12-5 cả hai bên công bố rằng đã đạt được thỏa thuận tạm thời để cắt giảm thuế.
Cuộc khảo sát cho thấy số lượng các công ty lo ngại về áp lực lạm phát tại Mỹ đã tăng 9 điểm phần trăm lên 80% trong năm qua. Đây là thách thức lớn thứ hai sau quan hệ song phương giữa hai nước. Các nhà kinh tế đã cảnh báo về chi phí sinh hoạt tăng cao và khả năng suy thoái sau khi Tổng thống Donald Trump đưa ra các chính sách thuế quan toàn diện khiến hệ thống thương mại toàn cầu rơi vào tình trạng bất ổn.
Cùng với đó là các chính sách không thân thiện nhắm vào đầu tư và thương mại của Trung Quốc. Nhiều công ty đang thận trọng đưa ra các kỳ vọng doanh thu khiêm tốn hơn trong năm nay. Số lượng các công ty Trung Quốc dự kiến doanh thu hàng năm của họ tại Mỹ sẽ giảm trong năm nay đã tăng 12 điểm lên 30%.
“Tỷ lệ các công ty dự báo doanh thu giảm phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng về sự bất ổn trong môi trường thị trường”, báo cáo viết.
CGCC đã không tiết lộ số công ty khảo sát và khảo sát được thực hiện ngay trước khi Trump công bố mức thuế 125% đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc đầu tháng 4 do mất cân bằng thương mại. Mức thuế này được chồng lên thuế 20% mà nhà lãnh đạo Mỹ đã áp dụng đối với hàng hóa từ Trung Quốc sau khi nhậm chức vào tháng 1.
Bắc Kinh đã trả đũa bằng các hạn chế thương mại và thuế quan đối với hàng hóa của Mỹ
Nhưng sau các cuộc đàm phán tại Geneva vào cuối tuần, Mỹ và Trung Quốc đã thông báo rằng họ đã đồng ý giảm 115% thuế quan bổ sung áp dụng cho nhau, xuống còn 30% đối với hàng nhập từ Trung Quốc và 10% đối với hàng Mỹ vào Trung Quốc. Hai nước sẽ tạm dừng một số mức thuế quan đã giảm trong 90 ngày trong khi tiếp tục đàm phán.
Theo CGCC, doanh thu của các công ty Trung Quốc vào năm 2024 ổn định hơn so với những năm trước. Trong số các công ty được khảo sát, 30% báo cáo doanh thu tăng trưởng và 40% duy trì doanh thu ổn định từ năm 2023 đến năm 2024.
“Mặc dù lợi nhuận đang có xu hướng tăng, các công ty vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức”, báo cáo cho biết. Báo cáo cũng nói rằng quy mô tăng trưởng doanh thu chung vẫn còn hạn chế.
Nhận thức tiêu cực về môi trường kinh doanh của Mỹ đã giảm so với những năm trước. Cuộc khảo sát năm nay cho thấy niềm tin kinh doanh của các công ty Trung Quốc tại Mỹ trong năm 2024 đã có dấu hiệu phục hồi.
Và ngày càng cảnh giác
Hơn một nửa số công ty Trung Quốc vẫn cảnh giác với môi trường kinh doanh, bao gồm cả sự không chắc chắn xung quanh các chính sách đầu tư nước ngoài tại Mỹ, tăng 8 điểm phần trăm lên 60% trong năm nay. Trump đã ký bản ghi nhớ “Chính sách đầu tư lấy nước Mỹ làm trọng tâm” chỉ thị cho chính phủ tăng cường giám sát các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ và thắt chặt đầu tư của Mỹ vào các công ty Trung Quốc.
Do các chính sách của Trump, 50% các công ty được khảo sát cho biết họ sẽ giảm hoặc thậm chí rút các khoản đầu tư của mình tại Mỹ, trong khi 28% sẽ giữ nguyên và tỷ lệ còn lại tăng đầu tư.
Bối cảnh kinh doanh đã khiến nhiều công ty Trung Quốc gặp khó khăn trong việc đầu tư và hoạt động tại Mỹ. Chính quyền Biden đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với nhiều công ty và hàng hóa của Trung Quốc và tìm cách ngăn chặn quyền sở hữu của Trung Quốc đối với nền tảng truyền thông xã hội TikTok.
Gần ba phần tư các công ty cho biết “các quy định và lệnh trừng phạt phức tạp và mơ hồ của Mỹ đối với Trung Quốc” là thách thức hàng đầu đối với việc xây dựng thương hiệu và tiếp thị của họ.
CGCC thành lập năm 2005, với các thành viên là công ty nhà nước và tư nhân, chẳng hạn như Ngân hàng Trung Quốc, COSCO Shipping Holdings, China Petroleum and Chemical (còn được gọi là Sinopec), công ty xe điện BYD, tập đoàn Wanxiang Group và Tencent Cloud.
Cuộc khảo sát được công bố tại một sự kiện kín hôm 12-5, khác so với những năm trước, trùng thời điểm với hội nghị thượng đỉnh Đầu tư SelectUSA tại Washington.
Theo Nikkei Asia
Ricky Hồ / BSA Media
Nestlé tranh chấp với đối tác Thái Lan về thương quyền Nescafé