Bản tin 24/7: Giá vàng thế giới lập đỉnh; Giá hạt tiêu tăng vọt sau kỳ nghỉ Tết

Giá vàng thế giới lập đỉnh, vàng miếng SJC tăng mạnh: Chiều 10/2, Công ty SJC bất ngờ điều chỉnh giá vàng miếng SJC tăng cả triệu đồng, lên 88,3 triệu đồng/lượng mua vào, 91,3 triệu đồng/lượng bán ra. Các công ty PNJ, DOJI, Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý cũng đồng loạt thay bảng giá niêm yết mới, đưa giá vàng miếng tăng thêm 1 triệu đồng/lượng so với buổi sáng.

Đây là mức tăng rất mạnh của giá vàng miếng trong những ngày qua. Sau ngày Thần Tài mọi năm, giá vàng thường lao dốc nhưng diễn biến năm nay lại khác.

Tương tự, giá vàng nhẫn và vàng trang sức 99,99 cũng tăng mạnh. Các doanh nghiệp giao dịch mua vào 87,9 triệu đồng/lượng, bán ra 90,6 triệu đồng/lượng, tăng 600.000 đồng mỗi lượng so với buổi sáng.

Trên thị trường quốc tế, giá vàng hôm nay gây bất ngờ khi tiếp tục phá đỉnh cũ, lập đỉnh mới. Mốc đỉnh lịch sử mới của giá vàng lên tới 2.894 USD/ounce, tăng tới 35 USD/ounce so với phiên cuối tuần.

Giá USD đồng loạt tăng: Sáng 10/2, tỷ giá trung tâm giữa VND với USD do Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.487 đồng, tăng 25 đồng so với cuối tuần qua. Với biên độ 5%, giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch nằm trong khoảng từ 23.263 – 25.711 đồng.

Tại các ngân hàng thương mại, giá USD đồng loạt tăng 20 đồng như ngân hàng Vietcombank mua chuyển khoản ở mức 25.130 đồng, bán ra 25.490 đồng; ACB mua chuyển khoản lên 25.130 đồng, bán ra 25.490 đồng… Tương tự, giá USD tự do cũng tăng 20 đồng khi mua vào lên 25.630 đồng, bán ra 25.730 đồng.

Giá USD thế giới cũng tăng trở lại. Chỉ số USD-Index đạt 108,19 điểm, tăng 0,26 điểm so với hôm qua.

Giá hạt tiêu tăng vọt sau kỳ nghỉ tết: Trước Tết Nguyên đán, giá hạt tiêu duy trì mức cao với từ 145.000 – 147.000 đồng/kg. Trong tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ tết, giá hạt tiêu tăng từng ngày và đến cuối tuần trước nhiều nơi chạm mốc 160.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. 

Giá tiêu đen Việt Nam ở mức 6.500 – 6.650 USD/tấn; giá tiêu đen Lampung của Indonesia là 7.276 USD/tấn; tiêu đen ASTA 570 Brazil đạt 6.500 USD/tấn; còn tiêu đen Kuching Malaysia có giá là 9.000 USD/tấn.

Giá tiêu trắng của Việt Nam vẫn đứng ở mức thấp nhất là 9.550 USD/tấn; giá tiêu trắng Malaysia ASTA mức 11.600 USD/tấn; tiêu trắng Muntok Indonesia với 9.770 USD/tấn.

Yêu cầu truy xuất nguồn gốc mới tại Bắc Âu: Thị trường mật ong Bắc Âu, gồm các quốc gia như Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy, đang áp dụng các quy định truy xuất nguồn gốc nghiêm ngặt theo Chỉ thị Mật ong EU (Directive 2024⁄1438). Những thay đổi này nhằm nâng cao tính minh bạch, ngăn chặn tình trạng pha trộn mật ong và đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Ghi nhãn xuất xứ rõ ràng: Các loại mật ong pha trộn phải ghi rõ từng quốc gia xuất xứ trên nhãn chính.

Áp dụng công nghệ kiểm tra hiện đại: Các mẫu mật ong sẽ được kiểm tra bằng công nghệ tiên tiến để đảm bảo tính xác thực.

Hệ thống truy xuất nguồn gốc đầy đủ: Toàn bộ chuỗi cung ứng, từ tổ ong đến sản phẩm cuối cùng, phải được ghi chép rõ ràng.

Tiêu chuẩn phân tích thống nhất: Đến năm 2028, EU sẽ áp dụng phương pháp phân tích tiêu chuẩn hóa trên toàn khu vực.

Doanh nghiệp quan tâm xem chi tiết tại đây.

158 thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo: Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa công bố danh sách thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đến ngày 6/2/2025.

Theo đó, tính đến ngày 6/2/2025, cả nước có 158 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số lượng thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo lớn nhất cả nước với 39 thương nhân.

Tiếp theo là Cần Thơ với 34 thương nhân; Long An 20 thương nhân; An Giang 15 thương nhân; Đồng Tháp 14 thương nhân… Một số địa phương có 1 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, gồm: Bạc Liêu, Bình Định, Đà Nẵng, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Nghệ An, Thanh Hóa. Xem danh sách tại đây.

Việt Nam là đối tác cung ứng hạt tiêu lớn thứ 2 cho Đài Loan năm 2024: Theo thống kê của Cơ quan quản lý Ngoại thương Đài Loan (TITA), Việt Nam hiện là nhà cung ứng hạt tiêu lớn thứ hai cho Đài Loan trong năm 2024.

Theo đó, trong năm 2024, Đài Loan đã nhập về hơn 2.862 tấn hạt tiêu nguyên hạt và đã nghiền (mã HS: 090411; mô tả tiếng Anh: Neither crushed nor ground) từ 17 đối tác trên toàn cầu, với kim ngạch nhập khẩu đạt 18,39 triệu USD, giảm 11,36% về lượng song tăng 18,88% về kim ngạch so với năm 2023.

Thống kê của TITA cho thấy, Indonesia hiện là nhà cung ứng nhóm hàng này lớn nhất cho Đài Loan trong năm 2024, với 1.467,94 tấn, kim ngạch đạt 9,73 triệu USD.

Việt Nam là nhà cung ứng nhóm hàng này lớn thứ 2 cho Đài Loan trong năm 2024, với tổng số 985,71 tấn hạt tiêu đã được xuất khẩu vào đảo này trong năm 2024, kim ngạch đạt 6,09 triệu USD giảm 23,69% về lượng song tăng 27,29% về kim ngạch so với năm 2023, đồng thời chiếm 34,43% tổng thị phần nhập khẩu nhóm hàng này về lượng và 33,12% về kim ngạch của Đài Loan trong năm 2024.

Mẫu điện thoại được mong chờ của Apple sắp lộ diện: Điện thoại iPhone SE 4 được cho là sẽ trở thành phiên bản iPhone cuối cùng loại bỏ thiết kế Touch ID cũ để thay bằng công nghệ nhận dạng khuôn mặt Face ID. Điện thoại iPhone SE 4 sẽ dựa trên thiết kế của điện thoại thông minh iPhone 14 song sử dụng chip A18 3nm tương tự như những mẫu điện thoại thông minh iPhone 16 và 16 Plus.

Dự kiến, điện thoại iPhone SE 4 sẽ chỉ có một camera sau với cảm biến 12 MP, có vẻ giống với những dự đoán về thiết kế của mẫu điện thoại iPhone 17 Air siêu mỏng. Điện thoại iPhone SE 4 sẽ có cấu trúc bằng nhôm, khả năng chống bụi và nước theo chuẩn IP68 và pin có dung lượng 3.279 mAh.

Bên cạnh đó, Apple cũng có thể trình làng tai nghe PowerBeats Pro 2, được cho sẽ là sản phẩm đầu tiên của “Táo khuyết” có màn hình theo dõi nhịp tim.