Bản tin công nghệ, từ 7 – 12/3/2024

Mỹ thúc đẩy ByteDance thoái vốn TikTok hoặc đối mặt với lệnh cấm: Theo ông Gallagher, đây là thông điệp của Mỹ gửi đến TikTok, yêu cầu công ty mẹ của nó thoái vốn nếu muốn tiếp tục hoạt động tại Mỹ.
Dự luật đề xuất một thời hạn 165 ngày cho ByteDance để thoái vốn khỏi TikTok. Nếu không thực hiện, ứng dụng này sẽ trở thành bất hợp pháp đối với các cửa hàng ứng dụng hàng đầu như Apple và Google. Tuy nhiên, dự luật sẽ không ảnh hưởng đến người dùng cá nhân của ứng dụng này.
Công ty mẹ của TikTok đã phản ứng quyết liệt trước dự luật mới này, gọi nó là một lệnh cấm hoàn toàn đối với TikTok và đe dọa quyền lợi của hàng triệu người Mỹ. Tuy nhiên, nhà lập pháp Mỹ khẳng định rằng việc đưa ra dự luật này là vì mục tiêu bảo vệ an ninh quốc gia và quyền lợi của người dân Mỹ.
Điện thoại 2G nhập lậu giảm nhanh sau khi ‘siết’ không cho hoà mạng: Từ ngày 1/3, Cục Viễn thông đã yêu cầu các nhà mạng chặn các máy điện thoại “cục gạch” 2G nhập lậu, không hợp quy, hòa mạng.
Ông Nguyễn Phong Nhã cho biết, trong 3 ngày đầu thực hiện, các nhà mạng đã chặn 5.400 máy điện thoại “cục gạch” 2G kết nối mạng, trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tính đến phương án sử dụng nguồn Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích và nguồn vốn hỗ trợ từ các địa phương… để giúp người dân chuyển đổi sang smartphone.
Các nhà mạng đã xây dựng các chính sách hỗ trợ người dùng khi dừng sóng 2G, tập trung vào việc hỗ trợ thiết bị đầu cuối và hỗ trợ cước sử dụng để khách hàng chủ động chuyển đổi sang sử dụng smartphone. Nhà mạng chuẩn bị các dòng điện thoại “cục gạch” 4G giá rẻ, khoảng vài trăm nghìn đồng, chỉ dùng dịch vụ thoại và nhắn tin để phục vụ cho một lớp khách hàng nhỏ có nhu cầu này.
Sẽ triển khai đấu giá băng tần 5G vào ngày 8/3: Ông Lê Văn Tuấn khẳng định, triển khai 5G đã là xu thế trên thế giới. Dự báo đến năm 2030, 56% kết nối di động sẽ qua 5G. Nhiều nhà mạng trên thế giới đã triển khai 5G. Tại Việt Nam, theo quy hoạch hạ tầng TT&TT vừa được công bố, đến năm 2025, tốc độ 5G đạt 100Mbits và đến năm 2030, mạng băng rộng di động 5G phủ sóng 99% dân số.
Vào ngày 8/3/2024, Bộ TT&TT sẽ tổ chức đấu giá băng tần 5G – khối băng tần B1. Việc đấu giá tần số 5G theo hình thức cấp phép.
Về triển khai 5G, ông Nguyễn Phong Nhã cho biết thêm, Việt Nam đã thử nghiệm công nghệ này vài năm gần đây. Hiện, doanh thu dịch vụ viễn thông truyền thống cũng đã có xu hướng giảm, các dịch vụ viễn thông truyền thống thoại như dịch vụ OTT dần thay thế.
Ấn Độ thông qua Sứ mệnh Trí tuệ nhân tạo: “Sứ mệnh AI của Ấn Độ” sẽ cung cấp tài chính cho các công ty khởi nghiệp AI deep-tech cũng như tìm cách phát triển cơ sở dữ liệu nguồn mở có thể được sử dụng để đào tạo các mô hình AI và các ứng dụng khác. Bên cạnh đó, sẽ cung cấp một khuôn khổ để phát triển các đơn vị xử lý đồ họa (GPU) theo quan hệ đối tác công-tư cũng như các mô hình ngôn ngữ miền chuyên biệt lớn, đa dạng, hỗ trợ các nền tảng AI tổng hợp.
Bộ trưởng Goyal nêu rõ: Sứ mệnh này đã liệt kê 7 mục tiêu chính gồm: xây dựng năng lực tính toán; mở các trung tâm đổi mới xây dựng Mô hình ngôn ngữ lớn (LLM); thiết lập một nền tảng bộ dữ liệu; thúc đẩy một “sáng kiến phát triển ứng dụng”; thúc đẩy sáng kiến ‘FutureSkills’; thúc đẩy một sáng kiến tài trợ khởi nghiệp; lựa chọn các biện pháp bảo vệ đầy đủ để thúc đẩy việc phát triển, triển khai và áp dụng AI có trách nhiệm.
Chính phủ Ấn Độ sẽ thành lập hai hoặc ba trung tâm đổi mới để phát triển LLM theo từng miền cụ thể. Ông nói thêm rằng nền tảng dữ liệu hợp nhất trong Sứ mệnh AI sẽ là “giải pháp toàn diện” hướng tới việc cung cấp dữ liệu cho các công ty khởi nghiệp và nhà nghiên cứu.
Nhà mạng đầu tiên trúng đấu giá “băng tần vàng” để triển khai mạng 5G: Tối 8/3, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel thông báo đã chính thức đấu giá thành công quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần 2500 – 2600 MHz trong vòng 15 năm.
Đối với Viettel, băng tần 2500-2600 MHz có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi đây là băng tần hiệu quả để Viettel triển khai đồng thời cho cả mạng di động 4G và mạng di động 5G, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ 4G hiện nay và chính thức cung cấp dịch vụ 5G. Đây cũng là băng tần tối ưu được vùng phủ với bán kính gấp 1,3 lần so với băng tần band C (3500 MHz). Bên cạnh đó, đây còn là lộ trình để thúc đẩy phát triển Hạ tầng Số Quốc gia, hệ sinh thái Dịch vụ Số, tạo ra động lực mới để tăng trưởng kinh tế và tăng năng suất lao động.
Hiện tại, các thiết bị 5G do Viettel nghiên cứu và sản xuất đã sẵn sàng để chạy triển khai trên băng tần 2500 – 2600 MHz. Viettel dự kiến sẽ khai trương mạng 5G trên toàn quốc trong thời gian sớm nhất.
Google đi theo Apple, bổ sung phí nhà phát triển mới ở châu Âu: Google, tuyên bố sẽ áp dụng một số phí mới cho các nhà phát triển ứng dụng trên Cửa hàng Play, tuân thủ theo Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) mới của Liên minh châu Âu.
Theo thông báo từ Google, nhà phát triển sẽ phải trả phí mua ban đầu và phí dịch vụ liên tục. Phí mua ban đầu sẽ là 10% cho mua hàng trong ứng dụng hoặc 5% cho đăng ký trong hai năm, trong khi phí dịch vụ liên tục sẽ là 17% hoặc 7% tương ứng.
Google chủ trương rằng việc thu phí là để phản ánh giá trị mà hệ sinh thái Android và Cửa hàng Play mang lại, bao gồm việc hỗ trợ cho việc phân phối Android miễn phí và cung cấp các dịch vụ phát triển liên tục. Tuy nhiên, sự ra đời của các khoản phí mới này đã gây ra nhiều tranh cãi từ cộng đồng nhà phát triển và các nhà quản lý ứng dụng.
Kết hợp vật lý và AI giúp nâng cao khả năng dự báo lượng mưa: Trong kỷ nguyên AI, các mô hình khí tượng và khí hậu thuần túy dựa trên dữ liệu đang dần bắt kịp, thậm chí vượt qua các mô hình số truyền thống. Các nhà nghiên cứu đã đề xuất một cách tiếp cận mới để giải quyết những thách thức này bao gồm việc kết hợp vật lý, động lực học khí quyển và các mô hình học sâu.
Thông qua EarthLab – một cơ sở mô phỏng số hóa khoa học về hệ thống Trái Đất mới do IAP phát triển, nhóm nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu và khả năng tính toán để nâng cao kỹ năng dự báo lượng mưa của mô hình số. Họ tập trung vào việc ghép các biến vật lý thông qua mạng lưới đồ thị để đưa ra các ràng buộc vật lý và cải thiện độ chính xác của dự báo lượng mưa.
Nhóm nghiên cứu cho biết trong kỷ nguyên AI, việc kết hợp vật lý là một thách thức lớn với nhiều cách tiếp cận và quan điểm khác nhau.
Thị trường điện thoại thông minh bùng nổ ở khu vực Đông Nam Á: Các biện pháp ứng phó với lạm phát của chính phủ và các chương trình khuyến mãi vào cuối năm 2023 đã góp phần giúp tâm lý của người tiêu dùng và hoạt động chi tiêu phục hồi ở Đông Nam Á.
Doanh số bán điện thoại thông minh tại Đông Nam Á tiếp tục tăng vào đầu năm 2024. Ông Chiew cho biết để tận dụng sự phục hồi của thị trường này, các nhà sản xuất điện thoại thông minh đang triển khai các chiến thuật tích cực để giành vị thế thống trị thị trường, với các xu hướng đáng lưu ý như 5G giá cả phải chăng, tích hợp AI, phát triển hệ sinh thái.
Trong báo cáo của Canalys, Indonesia vẫn là thị trường điện thoại thông minh lớn nhất Đông Nam Á. Thị trường lớn thứ hai là Philippines, nơi doanh số bán tăng 77% trong tháng 1/2024 so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường lớn tiếp theo là Thái Lan, Việt Nam và Malaysia.
Samsung bắt đầu xây dựng dây chuyền sản xuất màn hình OLED thế hệ 8.6: Công ty sản xuất màn hình hàng đầu Hàn Quốc Samsung Display ngày 10/3 thông báo bắt đầu xây dựng dây chuyền sản xuất màn hình OLED thế hệ thứ 8.6 đầu tiên trên thế giới. Đây được xem là bước đi chiến lược của hãng điện tử Hàn Quốc nhằm củng cố vị trí thống lĩnh thị trường màn hình toàn cầu.
Công ty Samsung Display sẽ chuyển đổi dây chuyền L8 hiện có sang dây chuyền A6 mới dành cho tấm nền OLED thế hệ 8.6 mới nhắm đến các thiết bị công nghệ thông tin sử dụng màn hình lớn.
Đây sẽ là dây chuyền sản xuất OLED thứ 6 của Samsung Display và dự kiến sẽ trở thành dây chuyền sản xuất OLED thế hệ cao nhất trên thế giới, kế hoạch hoàn thành quá trình lắp đặt các thiết bị quan trọng trong năm nay và bắt đầu sản xuất hàng loạt quy mô lớn vào năm 2026.
Thị trường smartphone Việt Nam đầu năm 2024: Điểm sáng Xiaomi: Trong hơn 2 tháng đầu năm 2024, thị trường điện thoại thông minh (smartphone) tại Việt Nam đã có sự phục hồi dù chậm hơn so với kì vọng, trong đó các mẫu iPhone 15, 13 và Xiaomi Redmi Note 13 nằm trong số những sản phẩm bán chạy nhất.
“Xiaomi đang nỗ lực khôi phục sự hiện diện của mình tại thị trường Việt Nam và tăng thị phần từ 5% vào tháng 1 năm 2023 lên 19% vào năm 2024 nhờ doanh số điện thoại thông minh tăng trưởng 288%. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy nhờ việc giới thiệu dòng Note 13, mang đến giá trị hấp dẫn phù hợp với tầng lớp trung lưu đang ngày càng mở rộng của Việt Nam”.
Dự kiến trong tháng 3.2024, thị trường smarphone tại Việt Nam sẽ hồi phục mạnh mẽ với sự hiện diện của một số dòng sản phẩm mới trong đó có Oppo Reno11 F 5G…
Thêm chế tài để xử lý cuộc gọi rác: Tháng 3.2023, Cục Viễn thông yêu cầu các nhà mạng cương quyết dừng hoạt động của các thuê bao (sim điện thoại) có thông tin không chính xác. Sau 1 năm, khoảng 127 triệu thuê bao đã được chuẩn hóa thông tin. Tuy nhiên, tình trạng cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo vẫn tồn tại.
Thời điểm tháng 3.2023, 3 nhà mạng hàng đầu Việt Nam là Viettel, VNPT, Mobifone đã hướng dẫn người dùng chuẩn hóa thông tin thuê bao. Thuê bao bị dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều nếu không thực hiện sau 15 ngày nhận thông báo, dừng hai chiều nếu không thực hiện sau 15 ngày tiếp theo. 30 ngày sau đó, thuê bao không cập nhật sẽ bị chấm dứt hợp đồng.
Mỗi tháng, các doanh nghiệp viễn thông đã chặn khoảng 50 triệu tin nhắn rác, 50.000 thuê bao phát tán cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo.Tuy nhiên, vẫn phát sinh các cuộc gọi rác, các cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo. Thời gian tới, Bộ TTTT sẽ triển khai các giải pháp để hạn chế tình trạng này. Triển khai các biện pháp bảo đảm sim chính chủ, xử lý triệt để tình trạng một thuê bao sở hữu nhiều sim.
ChatGPT ngốn điện gấp 17.000 lần mức sử dụng trong gia đình: New Yorker dẫn tính toán của Alex de Vries, rằng ChatGPT phải đáp ứng khoảng 200 triệu câu lệnh từ người dùng mỗi ngày, từ đó ngốn nửa triệu kWh. AI rất tốn điện, mỗi máy chủ có thể tiêu thụ bằng hơn 10 hộ gia đình ở Anh cộng lại. Tuy nhiên theo The Verge, rất khó ước tính lượng điện ngành AI đang sử dụng trong giai đoạn bùng nổ này, do có sự khác biệt đáng kể trong cách mô hình ngôn ngữ lớn vận hành.
Vries ước tính toàn ngành AI sẽ tiêu thụ từ 85 đến 134 tWh (134 tỷ kWh) mỗi năm. Con số trên được tính toán dựa trên thông số do Nvidia, nhà sản xuất chip hiện chiếm 95% thị phần GPU dành cho AI, công bố. Điện năng tiêu thụ của riêng ngành AI được đánh giá rất lớn khi so với các công ty sử dụng điện nhiều nhất trên thế giới hiện nay, như Samsung cần gần 23 tWh, Google hơn 12 tWh còn Microsoft tiêu thụ 10 tWh để vận hành trung tâm dữ liệu, mạng và thiết bị người dùng. OpenAI chưa bình luận về mức tiêu thụ điện năng khủng của ChatGPT.
Samsung buộc điện thoại vào khí cầu để chụp ảnh Trái đất từ không gian: Samsung đã thực hiện sự kiện sáng tạo khi đưa chiếc điện thoại thông minh Galaxy S24 Ultra lên tầng bình lưu bằng khí cầu, mở ra những cơ hội mới cho việc chụp ảnh Trái đất từ không gian.
Samsung đã thực hiện một sứ mệnh độc đáo, gửi 4 chiếc điện thoại Galaxy S24 Ultra lên tầng bình lưu bằng khí cầu, sử dụng một khung sợi carbon nhẹ để cố định điện thoại trên một quả bóng bay ở tầng bình lưu, và gắn chúng trên gimbal 3D tùy chỉnh. Các điện thoại được điều khiển bởi máy tính bay để chụp ảnh từ các góc và hướng khác nhau. Quá trình này đã tạo ra hơn 150 bức ảnh tuyệt đẹp về Trái đất từ không gian, mang lại cái nhìn mới lạ và đầy mê hoặc về hành tinh chúng ta.
Những bức ảnh được chụp từ độ cao 3.600m so với mặt đất, vượt xa khả năng của các máy ảnh thông thường. Từ độ cao này, ống kính của Galaxy S24 Ultra đã ghi lại được những khung cảnh rộng lớn, chi tiết phức tạp và sự tương tác của ánh sáng và bóng tối trên bề mặt Trái đất.
Smartphone tích hợp ví blockchain đầu tiên tại Việt Nam: Ngày 11.3, start-up blockchain Việt Nam Ninety Eight thông báo đã hợp tác với Jambo, để ra mắt thế hệ smartphone mới, tích hợp sẵn ví Web3, giá từ 2,5 triệu đồng.
JamboPhone không chỉ là một sản phẩm mà nó còn là một phong trào hướng tới tự do tài chính cho các thị trường mới nổi. Jambo là một trong số những công ty năng động trong việc thúc đẩy chuyển đổi số thông qua các công nghệ thân thiện với người dùng, đi cùng giá thành dễ tiếp cận.
Điểm đặc biệt trên JamboPhone đến từ việc smartphone này được tích hợp mặc định ứng dụng ví blockchain Coin98 Super Wallet, cho phép hàng tỉ người dùng tiềm năng truy cập Web3 nhanh chóng, liền mạch và thuận tiện. Coin98 là siêu ví blockchain được thiết kế để kết nối liền mạch hàng tỉ người dùng với thế giới Web3 một cách an toàn và bảo mật. Coin98 cung cấp cho người dùng trên toàn cầu một hệ sinh thái toàn diện và đáng tin cậy gồm các dịch vụ thiết yếu như: ví blockchain và NFT, Multichain, DEX, Crosschain và Trình duyệt DApp…
5 thay đổi lớn của Apple sau khi tuân thủ EU: Apple đã tích cực thay đổi để tuân thủ Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) của Liên minh châu Âu, nhằm mục đích làm cho thị trường kỹ thuật số ở EU trở nên cạnh tranh và công bằng hơn. Vì vậy, Apple đã đưa ra những thay đổi quan trọng để có thể tuân theo đạo luật này.
Tải ứng dụng: Apple đang giới thiệu các cửa hàng ứng dụng thay thế cho iPhone, đặc biệt dành cho người dùng ở Liên minh Châu Âu (EU) bắt đầu với iOS 17.4 vào tháng 3.2024.
Cho phép các phương thức thanh toán thay thế: Tại Liên minh Châu Âu, Apple đang giới thiệu các tùy chọn mới cho giao dịch hàng hóa và dịch vụ kỹ thuật số trên App Store.
Thay đổi trình duyệt Safari: Apple đã thực hiện những thay đổi đáng kể đối với trình duyệt Safari của mình nhằm đáp ứng DMA. Những thay đổi này bao gồm việc cung cấp màn hình lựa chọn cho người dùng ở EU khi họ mở Safari lần đầu tiên sau khi cập nhật lên iOS 17.4.
Các lựa chọn mới để phân phối ứng dụng: Apple đã giới thiệu các tùy chọn mới để phân phối ứng dụng. Điều này mở ra một thị trường cạnh tranh công bằng hơn cho các nhà phát triển.
Kiểm soát và bảo vệ người dùng nâng cao: Apple đã tăng cường kiểm soát và bảo vệ người dùng hơn. Những thay đổi này của Apple nhằm giảm thiểu rủi ro về quyền riêng tư và bảo mật cho người dùng iOS tại EU.
Cuộc chiến giành nhân tài trí tuệ nhân tạo nóng lên ở châu Âu: cuộc đua tranh giành nhân tài trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đang leo thang ở châu Âu, khi các công ty lớn như Google DeepMind đối diện với áp lực từ các đối thủ cạnh tranh đầy triển vọng.
Với sự thành công của ChatGPT của OpenAI, sự quan tâm và đầu tư vào các công ty khởi nghiệp AI tại châu Âu đang tăng mạnh. Các công ty quốc tế như Cohere (Canada), Anthropic và OpenAI (Mỹ) đã mở văn phòng ở châu Âu, đẩy thêm áp lực lên các công ty công nghệ địa phương.
Với sự gia tăng của các công ty AI tại châu Âu, cuộc chiến giành nhân tài dường như sẽ còn nóng hơn trong thời gian tới, khi mọi người lao động có nhiều lựa chọn hơn để đáp ứng yêu cầu của thị trường công việc ngày càng phát triển.
Chính phủ Pháp bị tấn công mạng “với cường độ chưa từng có”: Ngày 11/3, Văn phòng Thủ tướng Pháp thông báo một số cơ quan nhà nước của Pháp đã bị tấn công mạng với “cường độ chưa từng có” đồng thời nhấn mạnh rằng chính phủ đã có thể hạn chế tác động từ vụ việc này. “Nhiều cơ quan cấp bộ đã bị nhắm mục tiêu từ hôm Chủ nhật (10/3) bằng cách sử dụng các phương tiện kỹ thuật quen thuộc nhưng với cường độ chưa từng có.
Theo Văn phòng Thủ tướng Pháp, nước này đã triển khai các biện pháp đối phó để giảm thiểu tác động của các cuộc tấn công này đối với hầu hết các cơ quan và khôi phục quyền truy cập vào các trang web của nhà nước.
Trong khi đó, một nhóm tin tặc tự xưng là Anonymous Sudan đã nhận đứng sau vụ việc trên, được cho là một cuộc tấn công từ chối dịch vụ phân tán (DDoS) nhằm vào cơ sở hạ tầng mạng của Chính phủ Pháp.
Đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt: Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối năm 2023, số lượng tài khoản thanh toán của cá nhân đạt hơn 182,88 triệu tài khoản, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2022. Các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) có mức tăng trưởng khá. Đặc biệt, thanh toán qua phương thức QR code tăng mạnh với mức tăng 892,95% về số lượng và 1.062,01% về giá trị. Trong khi đó, giao dịch qua ATM lại tiếp tục giảm 15,14% về số lượng và giảm 18,76% về giá trị. Số liệu trên cho thấy xu hướng dịch chuyển từ thanh toán bằng tiền mặt sang TTKDTM.
NHNN cho biết, đã khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai chuyển đổi số, kết nối, hợp tác với các ngành, lĩnh vực khác nhau.Các TCTD, tổ chức trung gian thanh toán đã ứng dụng các công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm giao dịch khách hàng.
Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp tại Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng và Chiến lược phát triển các hệ thống thanh toán Việt Nam đến năm 2030.
Thị phần của Apple, Tesla giảm do Trung Quốc ưu tiên hàng nội địa: Apple và Tesla đang gặp phải những khó khăn trong chiến lược kinh doanh tại Trung Quốc, các sản phẩm nội địa tại đây ngày càng lấn át các thương hiệu nước ngoài.
Thị phần và doanh thu giảm sút trong tháng Ba cho thấy hai “gã khổng lồ” đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, giá cổ phiếu của Apple giảm 9% trong năm nay và giá cổ phiếu của Tesla giảm 28% khiến cổ phiếu của Apple và Tesla trở thành những cổ phiếu hoạt động kém nhất trong “Magnificent Seven”. Theo nhóm nghiên cứu Counterpoint, trong 6 tuần đầu năm nay, doanh số bán điện thoại thông minh của Apple đã giảm 24% so với một năm trước, ngược lại, doanh số của Huawei lại tăng 64%.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm là do người dân Trung Quốc đang dần chuyển hướng khỏi các sản phẩn của Apple, trong khi các sản phẩm của Huawei ngày càng được ưa chuộng.

Dinh Lê/Bsa Media