Kịch bản nào cho mở cửa biên giới, tái kích hoạt hàng không và du lịch?
Khách quốc tế đến TP.HCM trong năm nay dự kiến đạt khoảng 1,3 triệu lượt, giảm hơn 84% so với năm 2019. Trong khi đó, Sở Du lịch TP.HCM ước số khách nội địa đạt khoảng 15 triệu lượt, giảm từ con số 33 triệu lượt của năm ngoái – tức hơn 54%. Tổng thu du lịch ước đạt 84.000 tỷ đồng, giảm 56.070 tỷ đồng so với năm trước.
Ngành du lịch thành phố cũng đưa ra ba kịch bản phát triển ngành trong năm 2021.
Đầu tiên là kịch bản lạc quan nhất. Việt Nam mở lại tất cả các đường bay quốc tế ngay từ đầu năm 2021. Tổng thu ngành du lịch TP.HCM sẽ đạt ngang con số 140.000 tỷ đồng của năm 2019.
Kịch bản thứ hai kém lạc quan chỉ có thể mở lại một số đường bay quốc tế đến một vài nước an toàn từ đầu năm. Tổng thu sẽ giảm hơn 30% so với năm 2019.
Kịch bản xấu nhất là thế giới chưa thể kiểm soát được Covid-19, tình hình dịch bệnh trong nước phức tạp và các đường bay quốc tế vẫn tạm ngưng, TP.HCM sẽ không có khách quốc tế. Tổng thu sẽ giảm khoảng 80% so với năm 2019, tức là tệ hơn năm 2020 rất nhiều.
Dường như đó sẽ là kịch bản chung cho ngành du lịch và hàng không Việt Nam trong năm tới. Một số chuyên gia đã đánh giá rằng kịch bản số 2 vẫn có tỷ lệ cao nhất.
Tuy nhiên, với những diễn biến mới nhất của khu vực trong việc chuẩn bị mua sắm vaccine ngừa Covid-19 và tái kích hoạt ngành du lịch các nước, kịch bản số 2 vẫn phụ thuộc nhiều vào kế hoạch kiểm soát dịch bệnh của từng nước. Hay nói cách khác, các nước mở cửa lại biên giới để đón khách quốc tế, nhưng đồng thời tăng cường các biện pháp phòng chống và kiểm soát Covid-19.
Hôm nay, Cục Du lịch Singapore (STB) đã khẳng định lần nữa sẽ tiếp tục thí điểm chương trình tái hoạt động ngành du thuyền sau khi có một hành khách 83 tuổi trên du thuyền Quantum of the Seas bị báo động dương tính giả với Covid-19 hôm 9/12. Đang lênh đênh trên biển ngày thứ ba trong chuyến đi dài bốn ngày, Quantum of the Seas buộc phải hủy chuyến đi và quay vào bờ. Người nghi nhiễm bệnh và hơn 2.000 hành khách được cô lập ngay lập tức. Dù STB đã nói chệch vụ việc sang hướng “hành động nhanh chóng và hiệu quả” trong phòng chống dịch, nhưng hãng tin Bloomberg vẫn nói đây là tổn hại danh tiếng lớn cho du lịch hòn đảo này.
Kế hoạch bong bóng du lịch giữa Singapore và Hong Kong với ngày khai trương 22/11 đã được dời lại đến năm 2021 vô hạn định, với lý do ban đầu là số ca nhiễm Covid-19 bùng phát ở Hong Kong. Nay với vụ báo động giả, kế hoạch dường như sẽ xa vời. Với sự trì hoãn bong bóng Singapore – Hong Kong, Đài Loan cũng tạm thời chưa thảo luận việc hình thành bong bóng du lịch giữa hai hòn đảo.
Trong khi đó, Nhật Bản đang chạy đua để hoàn tất tiêm chủng đại chúng toàn dân trước cuối tháng 6/2021 trước khi khai mạc Thế vận hội mùa hè Tokyo Olympic 2020 bị dời lại đến tháng 7 năm tới. Dù đã đặt đủ vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer, Moderna và AstraZeneca cho hơn 126 triệu dân, chiến dịch tiêm chủng cũng tùy thuộc vào kế hoạch thử nghiệm ba loại vaccine trên người Nhật Bản và chuẩn thuận của Cơ quan vật phẩm y tế và dược phẩm Nhật Bản (PMDA).
Về lý thuyết, Hàn Quốc vẫn chưa đóng cửa biên giới nhưng số du khách quốc tế cũng sụt giảm tương tự như bất cứ quốc gia nào đang đóng cửa biên giới. Hàn Quốc cũng gặp khó tương tự như Nhật Bản khi đặt mua vaccine từ 5 nguồn khác nhau: các hãng dược Pfizer, Moderna, AstraZeneca và Janssen và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Hàn Quốc sẽ nhận được các liều vaccine đầu tiên từ tháng 3 tới. Nhưng Bộ trưởng Y tế Park Neung-hoo nói sẽ không vội tiêm chủng cho dân chúng và chờ kết quả tiêm chủng từ các nước khác. Dự kiến, từ tháng 6/2021 trở đi, các chiến dịch tiêm chủng ở Hàn Quốc mới bắt đầu.
Singapore cũng lập hội đồng chuyên gia để đánh giá hiệu quả của từng loại vaccine trước khi thực hiện các chiến dịch tiêm chủng.
Trong khi đó hôm qua, Văn phòng TP.HCM của Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) đã thực hiện các chiến dịch kêu gọi du khách người Việt đi du lịch nước này. TAT cũng khuyến cáo về kết quả xét nghiệm âm tính, 7 ngày bị “nhốt” trong phòng khách sạn và 7 ngày được đi lại tự do trong khách sạn. Sau đó, khách mới được phép tham quan và du lịch. Trước đó, khách phải xin loại visa đặc biệt STV từ chính phủ Thái Lan.
Và có lẽ, mọi kế hoạch mở cửa biên giới và kích hoạt ngành du lịch, hàng không hoạt động trở lại đều không có ý nghĩa nếu không đi kèm các chiến dịch phòng chống và kiểm soát dịch chặt chẽ ở giai đoạn hiện nay và giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine trong tương lai, hoặc cả hai cùng lúc khi dịch Covid-19 vẫn còn là ẩn số với thế giới.
1/ Giá vàng miếng SJC ở mức 54,75 – 55,25 triệu đồng/lượng, tăng trở lại 250.000 đồng chiều mua vào và 150.000 đồng chiều bán ra, chênh lệnh hai đầu 500.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, hiện giá vàng trên sàn Kitco đang được giao dịch ở mức 1.837 USD/ounce, giảm 2,3 USD, tương đương 0,13% so với chốt phiên trước.
2/ Hai container bưởi đầu tiên của Bắc Giang đã được xuất khẩu sang Nga bằng đường biển. Doanh nghiệp Công ty cổ phần Công nghệ nông nghiệp hữu cơ Kim Hằng Lục Ngạn (Bắc Giang) cũng đã ký hợp đồng tiếp tục xuất khẩu 4 xe container sang Nga trong tháng 12 này. Doanh nghiệp phía Nga đã cử người sang Việt Nam hơn 4 tháng tìm hiểu các vùng trồng cây có múi đạt các tiêu chuẩn chất lượng mà họ có nhu cầu, gồm các yếu tố, như: Sản xuất theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường; hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm ở mức cho phép. Cuối cùng doanh nghiệp này đã chọn vùng trồng cây có múi của Bắc Giang để thu mua. Sản phẩm phía bạn nhập khẩu là bưởi đào đường, trọng lượng loại 1 từ 1,4-1,6 kg/quả.
3/ Hôm nay, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc đồng chủ trì tổ chức khánh thành Trung tâm Tư vấn và giải pháp công nghệ Việt– Hàn (VITASK). Trung tâm VITASK là dự án ODA hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc với mục tiêu là thông qua các hoạt động hỗ trợ đa dạng giúp doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp ô tô và điện – điện tử tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Để hoàn thành mục tiêu này, Trung tâm VITASK sẽ xúc tiến nhiều chương trình hỗ trợ đa dạng, như: chương trình hỗ trợ kỹ thuật với đội ngũ chuyên gia tư vấn giàu kinh nghiệm của Hàn Quốc giúp các doanh nghiệp giải quyết các vấn đề kỹ thuật ngay tại nơi sản xuất, chương trình đào tạo kỹ sư với đối tượng là sinh viên…
5/ Tập đoàn chuyên cung cấp các dịch vụ bất động sản Savills vừa công bố báo cáo toàn cảnh thị trường khách sạn Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2020 với một viễn cảnh u tối. Thị trường được cho là càng thêm khó do tiếp tục xuất hiện ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Chỉ số ADR (giá phòng trung bình) trong tháng 10 của cả nước đã giảm hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái, và gần 40% so với đầu năm. Tại TP HCM, kể từ đợt giãn cách xã hội vào tháng 4/2020 đến nay, công suất phòng vẫn đang nằm dưới mức 20% và thấp hơn các thành phố khác tại khu vực châu Á, giảm mạnh so với công suất 72% đạt được vào năm 2019. Hiện tại, hầu hết khách sạn đều tập trung cắt giảm chi phí để có thể đạt được điểm hòa vốn hoạt động, chỉ một số ít có thể kỳ vọng đạt kết quả khả quan cho năm 2020.
6/ CTCP Kinh doanh Khí Miền Nam (Gas South, PGS) vừa công bố Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế từ Cục thuế TP HCM với tổng số tiền bị phạt, truy thu và chậm nộp gần 1,8 tỷ đồng. Theo Quyết định xử phạt, PGS đã có hành vi khai sai thuế giá trị gia tăng những không dẫn đến thiếu số thuế phải nộp và hành vi khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp. Vì vậy, công ty bị phạt hành chính gần 260 triệu đồng, bị truy thu gần 1,3 tỷ đồng cho Thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp. Thêm vào đó, PGS cũng phải nộp phạt 215 triệu đồng với tiền thuế chậm nộp, số tiền này tính đến hết ngày 7/12. Ngoài ra, Công ty buộc phải điều chỉnh giảm khấu trừ thuế giá trị gia tăng 192 triệu đồng của kỳ tính thuế nhận được quyết định này.
7/ Các nhà phát triển vaccine của Australia cho biết họ đã ngừng sản xuất các loại vaccine Covid-19 nội địa sau khi các thử nghiệm cho thấy nó có thể gây trở ngại cho việc chẩn đoán HIV. Thay vào đó, chính phủ hiện đang tìm kiếm thêm các liều vaccine từ các nhà sản xuất khác. Nhà sản xuất vaccine CSL cho biết mặc dù không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào được phát hiện trong thử nghiệm Giai đoạn 1 với 216 người tham gia, nhưng dữ liệu cho thấy các kháng thể đã can thiệp vào việc chẩn đoán HIV và dẫn đến tình trạng dương tính sai trong một số xét nghiệm cho HIV. Hiện tại, CSL sẽ sản xuất thêm 20 triệu liều vaccine do AstraZeneca Plc của Anh phát triển, trong khi chính phủ cũng đã đảm bảo thêm nhiều liều vaccine Novavax.
8/ Người tiêu dùng Anh đang đối mặt với nguy cơ giá lương thực và thực phẩm sẽ tăng cao từ năm 2021 khi hàng hóa nhập khẩu từ các nước Liên minh châu Âu (EU) sẽ chịu mức thuế quan mới trong trường hợp quốc gia này không đạt được thỏa thuận thương mại với EU sau khi giai đoạn chuyển tiếp Brexit (Anh rời khỏi EU) kết thúc vào ngày 31/12. Theo ông Andrew Opie, Giám đốc phụ trách thực phẩm thuộc BRC, thì 4/5 hàng hóa ở Anh được nhập khẩu từ các nước EU và nếu hai bên không có thỏa thuận miễn thuế, người tiêu dùng Anh sẽ phải đối mặt với tiền thuế hàng hóa lên tới 3 tỷ bảng Anh (4 tỷ USD) từ năm 2021. Mức thuế trung bình hàng hóa nhập khẩu từ EU vào Anh sẽ tăng hơn 20%, trong đó 48% đối với thịt bò xay, 16% đối với dưa chuột và 10% đối với xà lách.
9/ Hôm nay, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định chi thêm hơn 385 tỷ yen (khoảng gần 4 tỷ USD) từ quỹ dự phòng để ứng phó với đại dịch Covid-19, trong đó phần lớn sẽ được sử dụng để tài trợ cho việc gia hạn chương trình kích cầu du lịch “Go To Travel.” Theo kế hoạch, Nhật Bản sẽ chi gần 312 tỷ yen cho việc gia hạn chương trình “Go To Travel.” Bắt đầu triển khai từ tháng Bảy, chương trình dự kiến sẽ hết hạn vào cuối tháng 1/2021, nhưng đã được gia hạn thêm năm tháng. Bên cạnh đó, Nhật Bản sẽ chi gần 74 tỷ yen để tăng số tiền trợ cấp cho các hộ gia đình đơn thân có thu nhập thấp.
10 / Lãnh đạo 27 nước thành viên EU đã đạt được thỏa thuận về ngân sách dài hạn cùng gói phục hồi kinh tế trị giá 1.800 tỷ euro (2.190 tỷ USD) nhằm giải quyết những hậu quả về kinh tế, xã hội do đại dịch Covid-19. Gói phục hồi EU bao gồm ngân sách dài hạn cho giai đoạn từ năm 2021-2027 trị giá 1.100 tỷ euro và một gói chi tiêu có tên gọi “EU Thế hệ mới” trị giá 750 tỷ euro. Ngoài việc hỗ trợ các nước phục hồi từ hậu quả của đại dịch Covid-19, thì gói phục hồi này cũng sẽ giúp các quốc gia thành viên EU thực hiện chuyển đổi thông qua nhiều chính sách lớn khác. EU đã đạt được tiến triển này sau khi Ba Lan và Hungary cùng với Đức, hiện giữ chức Chủ tịch EU, nhất trí về phương án mới đối với ngân sách dài hạn 2021-2027 của khối.