Bản tin thị trường – ngày 18/08/2020

Tiêu điểm :
Hàng không “xin” gói tín dụng đến 27,000 tỷ đồng.
Ông Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư Hiệp hội Hàng không Việt Nam (VABA) đã gửi văn bản lên Thủ tướng Chính phủ, trình bày năm kiến nghị về việc giải cứu toàn ngành hàng không. Trong đó, VABA đặc biệt đề xuất Chính phủ tạo điều kiện cho các hãng bay được vay gói tín dụng 25.000-27.000 tỉ đồng, hỗ trợ lãi suất 3-4 năm.
Trong văn bản gửi ngày 14/8, ông Nề nói từ cuối tháng 7 đến nay, dịch bệnh Covid 19 lại tái bùng phát ở một số địa phương, đặc biệt là thị trường Đà Nẵng, thị trường trọng điểm về du lịch – hàng không, ảnh hưởng, tác động lan tỏa mạnh mẽ đến tâm lý toàn xã hội. Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không giảm mạnh. Các hãng hàng không đều nỗ lực dùng mọi giải pháp để cắt giảm thiệt hại, như cắt giảm tổng chi phí 50-70% so với cùng kỳ năm trước, đàm phán giãn nợ, giảm lãi vay, bán tàu bay, giảm sâu lương nhân viên, giảm giá vé…
“Tất cả các hãng hàng không đều rơi vào tình trạng suy kiệt dòng tiền nghiêm trọng”, văn bản viết. Và trích dẫn thông tin từ dự báo của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (IATA), cho biết trong năm nay toàn ngành hàng không Việt Nam sẽ lỗ hơn 4 tỉ đô la Mỹ, dự kiến đến 2024 mới phục hồi về thời điểm như 2019.  Hơn lúc nào hết, ngành hàng không cần sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, các bộ ngành.
VABA đề nghị Chính phủ xem xét: tạo điều kiện cho các hãng hàng không được vay gói tín dụng 25.000 đến 27.000 tỉ đồng do Chính phủ hỗ trợ lãi suất trong thời hạn 3-4 năm. Đồng thời kéo dài thời gian miễn phí dịch vụ hàng không đến hết năm 2021. Hiệp hội này cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) giảm 50% các loại phí dịch vụ hàng không thuộc thẩm quyền của ACV đến hết thời gian này.
VABA đề nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết 2021.
Hiệp hội này mong muốn Chính phủ cho phép mở lại một số đường bay đối với những nước đã kiểm soát được dịch bệnh, nghiên cứu để ban hành những chuẩn mực hàng không về quy trình phòng ngừa dịch bệnh và kiểm soát lây nhiễm trong vận tải hàng không. Cũng có thể cho phép du khách nhập cảnh trở lại Việt Nam nếu họ đáp ứng những yêu cầu phòng dịch.
VABA cũng dẫn lời các chuyên gia thế giới đánh giá ngành hàng không tăng trưởng 2-2,5% sẽ góp phần kích thích tăng trưởng 1% của GDP.
Các hãng hàng không Việt Nam có khả năng phục hồi nhanh sau đại dịch sẽ kết nối lại những đứt gãy về kinh tế, đóng góp trở lại cho ngân sách. Và đây cũng chính là lý do Hiệp hội Hàng không Việt Nam đưa ra những đề xuất nêu trên.
Trước đó, ngoại trừ Vietnam Airlines công bố lỗ nặng vì dịch bệnh với mức lỗ năm nay ước tính khoảng hơn 15.000 tỉ đồng với các thông tin cụ thể, chi tiết, thì hai hãng hàng không khác là VietJet Air và Bamboo Airways không thông tin về việc thua lỗ. VietJet  Air công bố có lãi sau 6 tháng đầu năm; còn người đứng đầu Bamboo Airways, ông Trịnh Văn Quyết hôm 30-5 thông tin rằng ông chưa bao giờ nói tài chính của Bamboo Airways khó khăn. (Theo TBKTSG)
1/ Trong phiên giao dịch sáng ngày 18/8, giá vàng trong nước tăng mạnh trở lại ở các hệ thống kinh doanh trên toàn quốc. Giá mua vào tăng dao động từ 1,5 -1,6 triệu đồng/lượng, trong khi chiều bán ra tăng trong khoảng từ 1,3 – 1,95 triệu đồng/lượng. Cụ thể, vàng SJC được cửa hàng vàng bạc đá quí (VBĐQ) Sài Gòn chi nhánh Hà Nội và TP HCM điều chỉnh giá mua vào – bán ra lần lượt tăng 1,6 triệu đồng/lượng và 1,95 triệu đồng/lượng so với phiên giao dịch trước đó. Đạt mốc 56,80 triệu đồng/lượng giá trần mua vào và giá trần bán ra có ngưỡng 58,47 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới đã tăng trở lại và một lần nữa đang hướng đến ngưỡng 2.000 USD/ounce. Tính đến 7h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới đang đứng tại 1.982 USD/ounce, tăng 42,8 USD/ounce so với sáng hôm qua.
2/ Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc đã phục hồi trong quý II/2020, với mức tăng trưởng 13,5%, đạt hơn 157 triệu USD. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc đạt 226,7 triệu USD, giảm 2,9%. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, xuất khẩu tôm sang thị trường này giảm 27% trong quý 1 do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 ở Vũ Hán.
3/ Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu xoài từ Việt Nam do mạo danh mã số vùng trồng. Cục Bảo vệ Thực vật cho hay, liên quan đến thông tin phía Trung Quốc thông báo về 220 lô xoài (khoảng 3.300 tấn trong tổng số 750 ngàn tấn đã xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2019 và 2020 – chiếm khoảng 0,43% tổng lượng xuất khẩu) vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật với nhiều nguyên nhân khác nhau. Phía Trung Quốc yêu cầu tạm ngưng xuất khẩu xoài từ các vùng trồng và cơ sở đóng gói có liên quan để phối hợp tiến hành điều tra nguyên nhân, đề xuất biện pháp khắc phục và nâng cao công tác quản lý.
4/ Theo Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giống chuối già nuôi cấy mô cung cấp cho thị trường xuất khẩu gặp khó khăn về đầu ra, nhất là xuất khẩu sang Trung Quốc đang bị chững lại.
Giá chuối già nuôi cấy mô hiện được thương lái thu mua tại vườn ở tỉnh Đồng Nai với giá từ 2.000 đến 2.500 đồng/kg, thấp hơn rất nhiều so với mức giá từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg vào thời điểm thị trường xuất khẩu tốt. Đây là mức giá thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất khiến nông dân trồng giống chuối già cấy mô rơi vào cảnh thua lỗ.
Chuối già rớt giá ngoài nguyên nhân thị trường tiêu thụ gặp khó khăn còn do người dân đua nhau trồng chuối già xuất khẩu khiến sản lượng của mặt hàng trái cây này tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái.
5/ Việt Nam lọt vào top 10 địa điểm tốt nhất cho sinh viên tình nguyện ở nước ngoài vào năm 2020. Được xếp ở hạng 4, sau Sri Lanka, Ấn Độ và Nhật Bản, và đứng trước các quốc gia như Peru, Nepal, Costa Rica, Guatemala, Nam Phi và Puerto Rico. Theo FTNnews, Việt Nam với nền văn hóa đặc sắc và ẩm thực đặc trưng, sẽ thu hút rất nhiều sinh viên với mong muốn trải nghiệm và học hỏi về một niền văn hóa mới.
6/ Cơn sốt hoa lan đột biến gen tại nhiều tỉnh thành Việt Nam đã gây xôn xao giới kinh doanh hoa cảnh. Diện tích sản xuất hoa lan tại TP.HCM ngày càng tăng qua các năm. Năm 2010, diện tích sản xuất chỉ đạt 190 ha, đến hết năm 2018 diện tích trồng lan đã lên tới 375 ha. Cùng với sự gia tăng về diện tích, quy mô cung ứng hoa lan của TP.HCM cũng tăng từ mức 84,5 triệu cành năm 2010 lên 134,5 triệu cành vào năm 2018, gấp 1,6 lần. Từ các nguồn cung ra thị trường, hoa lan được bán cho các cửa hàng (19,5%), chợ đầu mối (45%), các tỉnh (30,5%) và xuất khẩu (5%). Đặc biệt trong năm 2018, TP.HCM đã xuất khẩu được 180.000 cành hoa lan Mokara sang thị trường Campuchia, tăng trên 45% so với năm 2017.
7/  Hàn Quốc đang chiến đấu với làn sóng Covid-19 thứ hai ập đến nước này. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội ngàn vàng để các tỷ phú Internet giàu lên chóng vánh, do người Hàn sử dụng các dịch vụ online nhiều hơn khi cách ly ở nhà. Trong số này, Kakao của nhà sáng lập kiêm chủ tịch Kim Beom-su vừa chứng kiến một phiên tăng giá trị chóng mặt trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc. Kết quả là ông Kim Beom-su đã kiếm thêm 5.000 tỷ won (4,2 tỷ USD) để nâng khối tài sản của mình lên con số 9.000 tỷ won (7,5 tỷ USD), qua mặt ‘thái tử Samsung’ Lee Jae-yong để trở thành người giàu thứ hai Hàn Quốc.
8/ Khoảng 660 triệu thanh niên trẻ trên thế giới mất việc làm hoặc phải đối mặt với sự gián đoạn thị trường lao động trong mùa dịch. Theo  báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), thanh niên tại châu Á – Thái Bình Dương sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với người lớn do đại dịch Covid-19 và có nguy cơ chịu các chi phí kinh tế và xã hội dài hạn hơn.
9/ Oracle bất ngờ xuất hiện trong cuộc đua thâu tóm TikTok ở Mỹ, Camada, Úc và New Zealand. Cụ thể, hãng công nghệ phần mềm cho doanh nghiệp đang làm việc cùng với một nhóm các công ty đầu tư mạo hiểm đã có cổ phần ở Tik Tok từ trước. Financial Times nói thêm rằng General Atlantic và Sequoia Capital có thể là hai trong số các nhà đầu tư đang tham gia đàm phán đầu tư cùng Oracle.
10/ Theo báo cáo tài chính mới được công bố, khoản lỗ ròng của hãng Thai Airways trong 6 tháng đầu năm là 900 triệu USD,  gấp 4,4 lần so với cùng kỳ năm trước, khiến hãng này gần như không có khả năng phục hồi. Đây là khoản lỗ kỷ lục của hãng này kể từ khi thành lập. Tổng khoản nợ mà hãng này đang phải gánh chịu, do hoạt động thua lỗ, đã lên tới hơn 10 tỷ USD, tăng 36,7% so với cuối năm 2019.

Bản tin thế giới – ngày 18/8/2020

Ricky Hồ-Lê Hiếu/BSA (tổng hợp)