Cơ quan Hải quan Trung Quốc (GACC) hôm qua tiếp tục ban lệnh cấm mới nhắm vào gỗ và lúa mạch từ Australia. Sự việc xảy ra chỉ chưa đầy 24 tiếng đồng hồ sau khi các lô tôm hùm của Australia bị không được Hải quan Trung Quốc cho thông quan.
Trong cuộc họp báo tối 2/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân nói rằng: “Từ tháng 1, Hải quan Trung Quốc đã phát hiện côn trùng còn sống trên các lô gỗ nhập khẩu từ Australia. Điều này có thể gây nguy hại lớn đến sản xuất lâm nghiệp và an toàn sinh thái của Trung Quốc”. Ông Vương cũng xác nhận vụ ách giữ tôm hùm ở hải quan “nhằm bảo vệ an toàn cho người tiêu dùng khi mua thực phẩm nhập khẩu từ nước ngoài”.
GACC cũng cho biết họ đã phát hiện thấy chất lạ trong lô hàng lúa mạch từ nhà xuất khẩu ngũ cốc của Australia là Emerald Grain và đã ngừng nhập khẩu từ công ty này vào Trung Quốc.
Trung Quốc tiêu thụ đến 70% sản lượng lúa mạch của Australia, và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này. Vào tháng 5, ngành này đã phải hứng chịu một đòn giáng mạnh sau khi Trung Quốc áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đến 80,5%.
Australia xuất khẩu lượng gỗ trị giá 680 triệu AUD, tức 478 triệu USD, trong năm kết thúc vào tháng 6 vừa rồi. Trong đó, 84% là sang Trung Quốc.
1/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 56,25 – 56,75 triệu đồng/lượng, tăng 250.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Giá vàng thế giới trên sàn Kitco đang được giao dịch ở mức 1.898,2 USD/ounce, tăng 19,6 USD, tương đương 1,04% giá trị so với chốt phiên trước. Giá vàng tiếp tục tăng cao khi có nhiều chắc chắn xung quanh kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 3/11.
2/ Xuất khẩu sắn (khoai mì) tăng rất mạnh trong năm nay, bất chấp ảnh hưởng của Covid-19. Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 9/2020, xuất khẩu sắn đạt 17,09 nghìn tấn; trị giá 4,43 triệu USD, tăng tới 63,4% về lượng và tăng 59,4% về trị giá so với tháng 9/2019. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu sắn đạt 497,65 nghìn tấn; trị giá 113,07 triệu USD; tăng tới 85,1% về lượng và tăng 94,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Giá bình quân xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam trong tháng 9/2020 ở mức 395 USD/tấn; tăng 8,1% so với tháng 8/2020, nhưng giảm 0,5% so với tháng 9/2019.
3/ Suốt từ năm 2019 đến tháng 9 năm nay, giá cá tra nguyên liệu chỉ quanh quẩn dưới mức 20.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất hơn 21.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện tại thì tình hình đã chuyển biến tích cực từ tháng 10 khi giá cá tra bắt đầu tăng dần. Đến cuối tháng 10/2020, giá cá tra nguyên liệu tại Đồng Tháp đã tăng lên mức 22.000-23.000 đồng/kg. Còn tại An Giang, giá cá tra đầu tháng 11 cũng ở mức 21.000-22.000 đồng/kg, người nuôi bắt đầu có lãi trở lại. Hơn một năm qua, do giá quá thấp nên người nuôi hạn chế cá tra giống, hiện nhu cầu mua để thả nuôi mới tăng trở lại nên giá cá dần tăng trở lại. Tính đến hết tháng 9/2020, diện tích thả nuôi cá tra tại ĐBSCL đạt 4.968 ha, bằng 91% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng sản lượng cá tra 9 tháng đầu năm ước đạt trên 1 triệu tấn, bằng 93,6% so với cùng kỳ 2019.
4/ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2020 có 42.837 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, giảm hơn 59% so với 9 tháng đầu năm 2019. Theo đó, khu vực Đông Bắc Á vẫn là thị trường chính của lao động Việt Nam với 41.453 người, chiếm tỷ trọng 96,77% trong tổng số, giảm 59,1% số lượng lao động đưa đi so với cùng kỳ năm trước. Tại thị trường Đông Nam Á, có 336 lao động Việt Nam đi làm việc, giảm hơn 33% so với số lao động đưa đi trong 9 tháng năm 2019. Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, đã báo cáo Bộ LĐ-TB&XH điều chỉnh số lượng lao động dự kiến đưa đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2020 từ 120.000 người xuống còn 70.000 người và năm 2021 là 90.000 người.
5/ Theo Business Times của Singapore, tốc độ chuyển đổi số của Việt Nam dẫn đầu trong số các nền kinh tế tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Theo đó, Việt Nam có mức tăng điểm cao nhất từ năm 2016-2019 xét về tốc độ chuyển đổi kỹ thuật số. Tính đến hết năm 2019, Việt Nam xếp ở mức 49 điểm, tăng 12 điểm so với cách đây 3 năm. Việt Nam đã đạt được kết quả này nhờ bước tiến đáng kể trong “thành tố kết nối” của hệ thống xếp hạng sau khi ra mắt và mở rộng nhanh chóng mạng 4G. Ngoài ra, các thành tố khác như “nhận dạng kỹ thuật số, quyền công dân kỹ thuật số và lối sống kỹ thuật số” cũng có sự cải thiện. Trên thực tế, nếu tính tổng thể, Việt Nam xếp thứ 8 trong số 11 thị trường được khảo sát.
6/ Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu thị trường bảo hiểm nhân thọ ước đạt 89.914 tỷ đồng, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2019. Số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm tỷ trọng 53,7%; sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm tỷ trọng 7,3%; sản phẩm phụ chiếm tỷ trọng 10,4%; sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 26,7%. Bên cạnh đó, 9 tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã thực hiện chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng với số tiền là 18.126 tỷ đồng.
7/ Singapore sẽ dừng phát hành tờ 1.000 đôla Singapore (SGD) kể từ ngày 1/1/2021 để giảm thiểu nguy cơ rửa tiền và tài trợ khủng bố. Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) hôm nay đã cho biết rằng đây là một biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố liên quan đến tiền giấy mệnh giá lớn. Nguyên nhân là do tiền mệnh giá lớn cho phép các cá nhân có thể mang theo một số lượng tiền lớn mà khó bị phát hiện. Tiền giấy mệnh giá 1.000 SGD hiện đang lưu hành sẽ vẫn hợp pháp và có thể tiếp tục được sử dụng làm phương tiện thanh toán. MAS cho biết các ngân hàng có thể tiếp tục lưu hành các tờ tiền 1.000 SGD mà khách hàng nộp vào tài khoản của họ. Từ nay đến tháng 12, Singapore mỗi tháng sẽ vẫn phát hành một lượng hạn chế tiền giấy mệnh giá lớn này.
8/ Theo Bloomberg, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo đối với tỷ phú Jack Ma và các giám đốc điều hành cấp cao của Ant Group rằng gã khổng lồ fintech sẽ phải đối mặt với những hạn chế mới trong việc mở rộng, làm nổi bật rủi ro pháp lý ngày càng tăng đối với đợt phát hành lần đầu ra công chúng lớn nhất thế giới chỉ vài ngày trước khi ra mắt giao dịch. Ant đã phải đối mặt với một làn sóng các quy tắc mới trong những tháng gần đây khi Trung Quốc thắt chặt kiểm soát đối với các công ty cho vay trực tuyến và các công ty hoạt động trên nhiều lĩnh vực kinh doanh tài chính.
9/ TikTok đã cho biết rằng họ vừa ký kết một thỏa thuận với Sony Music Entertainment để cung cấp cho tất cả người dùng của mình quyền truy cập vào danh mục âm nhạc của Sony, bao gồm các nghệ sĩ quốc tế như Beyonce, Martin Garrix và Harry Styles. Thỏa thuận sẽ cho phép Sony Music sử dụng nền tảng của TikTok, nơi có nhiều xu hướng internet lan truyền và nơi các nghệ sĩ mới nổi thu hút người hâm mộ một cách nhanh chóng, để quảng bá cho các nghệ sĩ của mình. TikTok cũng đã ký các thỏa thuận tương tự với tổ chức phi lợi nhuận Merlin, có trụ sở tại Vương quốc Anh vào đầu năm nay, trong nỗ lực mở rộng thư viện âm nhạc và quan hệ đối tác với Believe, có trụ sở tại Paris, một nền tảng âm nhạc dành cho các nghệ sĩ độc lập.