1. TP HCM ra mắt “trường bán trú” cho người cao tuổi
Ngày 2-8, Tập đoàn Đầu tư Khôi Nguyên (KNI) và Công ty TNHH Năng lượng sống – Genki chính thức ra mắt Trung tâm sinh hoạt và chăm sóc người cao tuổi Genki House tại phường Phú Thuận, quận 7, TP HCM.
Genki House là mô hình sinh hoạt mở. Các thành viên khi “đến trường” hàng ngày sẽ được chăm sóc, sinh hoạt, giải trí và tập luyện trong môi trường phù hợp với người cao tuổi như: thiền, vẽ tranh, thư pháp, trà đạo, đánh cờ, trò chơi trí não, yoga, thể dục dưỡng sinh…
Với hội đồng cố vấn y khoa gồm các bác sĩ lão khoa, bác sĩ y học cổ truyền và bác sĩ vật lý trị liệu từ nhiều bệnh viện lớn tại TP HCM, các hội viên của Genki House không chỉ được theo dõi sức khỏe thường xuyên mà còn nhận được tư vấn riêng về chế độ chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt và dinh dưỡng khi cần thiết.
Việc tổ chức cho người cao tuổi “đến trường” ban ngày và trở về với con cháu vào chiều tối là giải pháp hài hòa, hợp lý hơn việc cách ly hoàn toàn khỏi gia đình như các mô hình viện dưỡng lão khác.
2. FPT Retail bước chân vào ngành điện máy, thách thức vị thế của Thế giới di động
CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT đã chính thức khai trương 10 cửa hàng điện máy trên toàn quốc. Đây là bước tiến quan trọng trong chiến lược mở rộng của công ty, với mỗi cửa hàng mới có diện tích hơn 200m². Bên cạnh đó, FPT Retail cũng thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 30 thương hiệu điện máy lớn như Samsung, LG, Casper, Toshiba, Xiaomi, Daikin, TCL, Aqua, Sharp, Midea, và Hisense. Mục tiêu của công ty là tăng số lượng cửa hàng điện máy lên 50 điểm vào năm 2024.
Việc FPT Retail mở rộng sang lĩnh vực điện máy làm tăng sự cạnh tranh với Thế giới Di động (MWG). Cả hai công ty đã có sự cạnh tranh quyết liệt trong lĩnh vực bán lẻ công nghệ và dược phẩm. Tuy nhiên, thị trường điện thoại và máy tính đã bão hòa, làm cho sự cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn và không còn đủ hấp dẫn.
Tính đến cuối tháng 6/2024, chuỗi Thế giới Di động (bao gồm Topzone) của MWG còn 1.046 cửa hàng, giảm 24 cửa hàng so với cuối tháng 5/2024 và giảm 134 cửa hàng so với cuối tháng 6/2023.
Tương tự, chuỗi FPT Shop của FPT Retail đã đóng 113 cửa hàng trong nửa đầu năm 2024, đưa tổng số cửa hàng xuống còn 642 vào cuối tháng 6/2024.
Hiện nay, ngành điện máy tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn bão hòa, với sự cạnh tranh từ các hệ thống lớn như Media Mart, Điện máy Xanh, Điện máy Chợ Lớn, HC và Nguyễn Kim.
MWG hiện có 2.093 cửa hàng Điện máy Xanh, nhưng đã thu hẹp quy mô với việc giảm 196 cửa hàng so với một năm trước.
Theo báo cáo của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), các sản phẩm ICT/CE (điện thoại di động và điện máy) đang bước vào giai đoạn bão hòa với tỷ lệ thâm nhập cao và doanh số bán hàng trì trệ. Tỷ lệ thâm nhập ICT/CE tại Việt Nam gần đạt mức trần, chỉ có thể tăng trưởng một con số nhờ vào xu hướng cao cấp hóa và chu kỳ thay thế trong trung hạn.
Thói quen tiêu dùng chuyển dịch từ cửa hàng vật lý sang trực tuyến đã gây tổn hại lớn cho các nhà bán lẻ ICT/CE. Mặc dù MWG và FPT Retail đã bắt đầu chuyển đổi mô hình kinh doanh sang phụ thuộc nhiều hơn vào bán hàng trực tuyến, nhưng họ vẫn gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các nền tảng thương mại điện tử.
3. Ngành xi măng vẫn “đỏ mắt” chờ chính sách hỗ trợ
Năm 2023 là thời điểm gặp nhiều khó khăn nhất của ngành xi măng Việt Nam. Trong 12 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán có tới 10 doanh nghiệp báo lỗ. Bước sang 6 tháng đầu năm 2024, tình hình sản xuất, tiêu thụ xi măng vẫn sụt giảm nghiêm trọng.
Trong 6 tháng đầu năm, tổng lượng sản xuất xi măng đạt khoảng 44 triệu tấn, tương đương cùng kỳ năm 2023 và các nhà máy cũng chỉ đạt khoảng 70 – 75% tổng công suất thiết kế; tồn kho lũy kế khoảng 5 triệu tấn. Về tiêu thụ, tổng sản lượng tiêu thụ xi măng đạt khoảng 44 triệu tấn, tương đương cùng kỳ năm 2023.
Những khó khăn của ngành xi măng trong thời gian gần đây được ông Nguyễn Quang Cung – Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) – lý giải, trước hết là do nhu cầu tiêu thụ nội địa thấp vì các dự án đầu tư công triển khai còn chậm, thị trường nhà ở, bất động sản trầm lắng.
Mặt khác, ở khía cạnh công nghệ xây dựng, các dự án xây dựng đường giao thông, trong đó có đường cao tốc vẫn sử dụng công nghệ truyền thống, chủ yếu là nền đường đắp và mặt đường bê tông asphalt, giải pháp xây dựng đường dạng cầu cạn bằng bê tông cốt thép còn rất hạn chế; công nghệ sử dụng xi măng để gia cố, ổn định nền đất chưa được sử dụng… Những yếu tố trên cũng làm hạn chế nhu cầu tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, những yếu tố đầu vào cho sản xuất như giá nhiên liệu, năng lượng tăng cao, đặc biệt là giá than cũng gây nhiều khó khăn cho hoạt động của ngành xi măng. Ngoài ra, thuế xuất khẩu clinker tăng gấp đôi (từ 5% lên 10%) từ ngày 01/01/2023 làm cho giá clinker xuất khẩu của Việt Nam kém cạnh tranh trên thị trường quốc tế so với các nước cùng xuất khẩu như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Nhật Bản… Đây là khó khăn lớn cho việc bình ổn sản xuất xi măng bằng giải pháp xuất khẩu khi tiêu thụ nội địa giảm.
Ông Cung kiến nghị Nhà nước cần sớm nghiên cứu triển khai xây dựng các tuyến đường dạng cầu cạn; thay thế loại đường bê tông xi măng cốt thép cho đường đắp nền đất ở những nơi thích hợp. Công nghệ này phù hợp với những nơi có nền đất yếu và những nơi cần cho thoát lũ như miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng thời, trong điều kiện nguồn cung xi măng trong nước hiện khá dồi dào, cần sử dụng công nghệ gia cố nền đường bằng xi măng – đất thay cho công nghệ truyền thống để nâng cao chất lượng và tuổi thọ công trình đường giao thông.
Cùng với những giải pháp kích cầu tiêu thụ nội địa, để khơi thông cho kênh xuất khẩu, đại diện VNCA kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội bãi bỏ thuế xuất khẩu clinker, vì đây là loại sản phẩm chế biến sâu chứ không phải sản phẩm thô. Trong ngắn hạn, nếu chưa bãi bỏ thuế xuất khẩu clinker, VNCA kiến nghị giữ nguyên thuế xuất khẩu với clinker trong 2 năm tới ở mức 5% (như mức thuế áp dụng trước năm 2023) và xem xét sửa đổi chính sách thuế giá trị gia tăng đối với sản xuất clinker theo hướng sản xuất clinker thuộc đối tượng hàng hóa được khấu trừ thuế giá trị gia tăng.
Cũng bàn về giải pháp để tăng lượng tiêu thụ xi măng nội địa, ông Trần Bá Việt – nguyên Phó viện trưởng Viện khoa học công nghệ xây dựng, Phó Chủ tịch Hội bê tông cho rằng, Chính phủ cần nhanh chóng có biện pháp giải ngân vốn đầu tư công. Bởi nếu không giải ngân thì không có kinh phí để đầu tư công trình và không có công trình thì không tiêu thụ được xi măng cũng như các vật liệu khác.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, kênh bán lẻ hiện đại chiếm 25% thị phần nên thị trường bán lẻ hiện đại Việt Nam và còn nhiều dư địa phát triển. Với cơ cấu dân số trẻ, xu hướng mua sắm tại các kênh hiện đại diễn ra mạnh hơn và dần dần thay thế hình thức tạp hóa truyền thống. Cùng với đó, sự gia tăng tầng lớp trung lưu và phát triển của ngành du lịch cũng là yếu tố thúc đẩy mảng cửa hàng tiện lợi tăng tốc.
Theo Tổng cục Thống kê, mảng cửa hàng tiện lợi là một trong những mô hình phát triển nhanh nhất trong các loại hình bán lẻ hiện đại tại Việt Nam. Mặc dù chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa (khoảng 0,3%) nhưng đây là loại hình chứng kiến sự tăng trưởng mạnh, với tốc độ tăng trưởng CAGR giai đoạn 2020-2022 đạt khoảng 18,4%.
Thực tế, đây từ lâu đã là sân chơi sôi động của các tên tuổi trong ngoài nước với hàng ngàn cửa hàng trên toàn quốc. Bên cạnh các thương hiệu nước ngoài như Circle K, FamilyMart, Ministop…nhiều Tập đoàn Việt Nam cũng không bỏ qua “miếng bánh” lớn với loạt kế hoạch đầy tham vọng mang tên Co.op Smile của Saigon Co.op, Winmart+ của Masan, FujiMart của liên danh Tập đoàn BRG và Nhật Bản.
Kết quả khảo sát của Nielsen Việt Nam cho thấy, hiện Circle K đang giữ vị trí dẫn đầu với thị phần ở mức 48%, tiếp theo là Family Mart 18,8%, Ministop 14,3% và 7-Eleven 7,3%.
Sôi động là vậy, thị trường chuỗi bán lẻ hiện đã và đang đối mặt với sự cạnh tranh mang tính sống còn. Khó khăn khi tìm kiếm mặt bằng, giá thuê tăng… là những rào cản chính.
Bên cạnh cuộc đua mở rộng thị phần thì kênh bán hàng này còn chịu áp lực cạnh tranh lớn từ sự bùng nổ thương mại điện tử (TMĐT).
Và trong cuộc chiến “đốt tiền” đó, hầu hết các bên đều đang thua lỗ. Dẫn đầu là chuỗi GS 25 với mức lỗ vẫn hơn 100 tỷ trong năm 2023. Thua lỗ hàng trăm tỷ còn có 7-Eleven, tổng thua lỗ 2 năm liên tiếp 2022-2023 hơn 200 tỷ đồng. Co-op Smile (cuộc chơi mới của Saigon Co.op) tăng lỗ thêm chục tỷ trong năm qua. Circle K và K-Market là 2 cái tên duy nhất có lãi. Trong đó, K-Market được xem là siêu thị Hàn Quốc đầu tiên tại Việt Nam, phục vụ cộng đồng người Hàn Quốc sống tại đây. Sau 18 năm, K-Market hiện đã mở được 69 cửa hàng tại các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM, Hải Phòng….
1. Thống kê bất ngờ: Người lương càng thấp càng đi cà phê nhiều
Theo một nghiên cứu thị trường của Mibrand khảo sát, nhóm đi cà phê nhiều nhất là nhóm thu nhập thấp (từ 5-10 triệu đồng/tháng) với tần suất 1-3 lần/tuần (~38%). Nhóm đi cà phê nhiều thứ nhì là nhóm có thu nhập từ 10-20 triệu đồng/tháng, tần suất phổ biến tương tự như nhóm thu nhập thấp.
Mibrand cho biết tầng lớp thu nhập thấp và trung lưu tập trung đông đảo các đối tượng người tiêu dùng trẻ. Dựa trên các báo cáo thị trường ngành F&B của Mibrand, trong vòng vài năm gần đây, nhu cầu và mức chi tiêu cho ăn uống của nhóm người tiêu dùng này tăng trưởng đáng kể và vẫn tiếp tục gia tăng.
Thực tế, nhóm người tiêu dùng trẻ cũng đang là phân khúc trọng tâm mà các thương hiệu cố gắng khai thác thông qua xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ.
Mibrand chỉ ra rằng, người tiêu dùng trẻ thể hiện sự chi tiêu mạnh tay cho các dịp thông thường (~ 80 nghìn VNĐ), nhưng khá dè dặt với món đồ ăn thức uống đặc biệt.
Có thể thấy, nhóm người tiêu dùng này đang cố gắng tối ưu chi phí cho mỗi dịp đến quán để có thể tăng số dịp/tháng với mức thu nhập của bản thân.
Các báo cáo của Mibrand cho thấy người tiêu dùng trẻ thể hiện xu hướng ưa thích các quán cà phê mặt phố, quy mô quán nhỏ, với 51% người tiêu dùng phân khúc 5-10 triệu VNĐ và 53% sự lựa chọn của phân khúc 10-20 triệu VNĐ.
Giải thích về kết quả này, Mibrand kết luận người tiêu dùng giờ đây có xu hướng lựa chọn những sản phẩm cao cấp hơn bởi họ có ý thức hơn về giá trị, và có mục đích cụ thể chi tiêu của mình.
Nhóm người tiêu dùng trẻ (18-30) có sự đa dạng về đối tượng (nhân viên văn phòng, sinh viên, làm việc tự do…) với đa dạng nhu cầu.
Những quán cà phê nhỏ, mặt phố đáp ứng nhu cầu về vị trí quán (dễ tiếp cận), nhưng lại không quá đắt đỏ so với các nhà hàng lớn hay quán cà phê nằm trong khu vực sang trọng.
Ngoài ra, Mibrand cho biết các quán ở phân khúc này thường có ý tưởng trẻ trung, độc đáo, đa dạng về loại hình không gian, phù hợp với thị hiếu và mục đích của phần đông giới trẻ.
Từ ngày 1/8, Liên minh châu Âu (EU) chính thức kích hoạt Đạo luật quản lý trí tuệ nhân tạo (AI), với kỳ vọng rằng sẽ bảo vệ quyền công dân trong khi vẫn thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Đạo luật AI (AI Act) là một phần của luật pháp EU về quản lý AI, được Ủy ban châu Âu đề xuất lần đầu tiên vào năm 2020, nhằm giải quyết những tác động tiêu cực của AI.
Đạo luật đặt ra một khuôn khổ quản lý toàn diện và hài hòa cho AI trên toàn EU, áp dụng cách tiếp cận dựa trên rủi ro để quản lý công nghệ. Đồng thời, luật sẽ tác động đến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp phát triển hệ thống AI; nhưng cũng có thể tác động đến doanh nghiệp không phải công ty công nghệ nhưng triển khai hoặc chỉ sử dụng AI trong một số trường hợp nhất định.
Luật áp dụng cách tiếp cận dựa trên rủi ro để quản lý AI, nghĩa là các ứng dụng khác nhau của công nghệ sẽ được quản lý khác nhau tùy thuộc vào mức độ rủi ro mà AI gây ra cho xã hội. Chẳng hạn, nhà cung cấp AI có rủi ro cao phải tiến hành đánh giá rủi ro và đảm bảo sản phẩm tuân thủ luật pháp EU trước khi ra mắt công chúng. Các hình ảnh, văn bản hay video do AI sản sinh sẽ phải được ghi rõ là sản phẩm của AI…
Có thể nói, nếu hệ thống có rủi ro cao, công ty sẽ phải thực hiện luật và nghĩa vụ chặt chẽ hơn để bảo vệ quyền công dân. Ví dụ, rủi ro đối với sức khỏe hoặc quyền lợi của người châu Âu càng cao thì các công ty càng phải có nghĩa vụ lớn hơn trong việc bảo vệ cá nhân khỏi bị tổn hại.
Ngoài ra, các lệnh cấm sử dụng AI để giám sát dựa trên tổng hợp dữ liệu và các hệ thống sử dụng thông tin sinh trắc học để suy đoán chủng tộc, tôn giáo hoặc khuynh hướng tình dục của một cá nhân sẽ được áp dụng 6 tháng sau khi Luật có hiệu lực.
Đạo luật AI của EU chia công nghệ thành các loại rủi ro, từ không thể chấp nhận – nghĩa là công nghệ sẽ bị cấm – đến mức độ rủi ro cao, trung bình và thấp.
Trong Đạo luật AI, các công ty vi phạm quy định về các hành vi bị cấm hoặc nghĩa vụ dữ liệu sẽ phải đối mặt với mức phạt từ 35 triệu euro (41 triệu USD) hoặc 7% doanh thu hằng năm trên toàn thế giới. Mức phạt sẽ tùy thuộc vào hành vi vi phạm và quy mô của công ty bị phạt.
2. Lợi nhuận hay đạo đức? – Mâu thuẫn “nội tâm” giằng xé OpenAI khi nắm trong tay công cụ phát hiện gian lận bằng ChatGPT
Theo tiết lộ từ The Wall Street Journal, OpenAI đã phát triển một hệ thống đánh dấu bản quyền cho văn bản do ChatGPT tạo ra, cùng với công cụ phát hiện dấu hiệu này, từ khoảng một năm trước. Tuy nhiên, việc có nên công bố công nghệ này hay không đang đặt OpenAI vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Công nghệ đánh dấu bản quyền này được mô tả như một “dấu vân tay kỹ thuật số” tinh vi, có khả năng nhận diện văn bản AI với độ chính xác lên đến 99,9%. Nó hứa hẹn trở thành công cụ hữu ích cho các nhà giáo dục trong việc phát hiện bài tập được viết bởi AI, đồng thời cũng có thể giúp phân biệt nội dung do con người và máy tạo ra trong thời đại số hóa này.
Một cuộc khảo sát do OpenAI thực hiện cho thấy đa số người dùng trên toàn cầu ủng hộ ý tưởng về công cụ phát hiện AI với tỷ lệ 4 trên một. Điều này phản ánh nhu cầu của xã hội về tính minh bạch và trách nhiệm trong việc sử dụng công nghệ AI.
Tuy nhiên, gần 30% người dùng ChatGPT được khảo sát cho biết họ sẽ giảm sử dụng nếu tính năng này được triển khai. Đây là một con số đáng lo ngại, có thể ảnh hưởng đáng kể đến lượng người dùng và doanh thu của công ty.
OpenAI đang cân nhắc các giải pháp thay thế, như việc nhúng metadata, một phương pháp có thể ít gây tranh cãi hơn nhưng vẫn chưa được chứng minh hiệu quả. Điều này cho thấy công ty đang nỗ lực tìm kiếm sự cân bằng giữa trách nhiệm đạo đức và lợi ích kinh doanh.
Quyết định cuối cùng của OpenAI sẽ không chỉ ảnh hưởng đến tương lai của công ty, mà còn có thể định hình cách thức mà công nghệ AI được sử dụng và quản lý trong xã hội. Đây là một ví dụ điển hình về những thách thức đạo đức mà các công ty công nghệ phải đối mặt trong kỷ nguyên AI, khi họ phải cân bằng giữa trách nhiệm xã hội và áp lực kinh doanh.
Liệu họ sẽ ưu tiên tính minh bạch và trách nhiệm, hay sẽ chọn bảo vệ lợi ích kinh doanh của mình? Câu trả lời có thể sẽ đặt ra một tiền lệ quan trọng cho toàn bộ ngành công nghiệp AI trong tương lai.
1. “Ông vua thời trang nhanh” Shein bị tố cáo chứa chất độc hại: Vì sao mặc quần áo giá rẻ cũng có thể gây ung thư, béo phì?
Theo báo cáo mới đây của tạp chí Oekotest (Đức), 2/3 trong số 21 sản phẩm may mặc của Shein được kiểm tra không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Các sản phẩm được lựa chọn ngẫu nhiên, bao gồm quần áo và giày dép dành cho mọi lứa tuổi từ trẻ sơ sinh đến người lớn.
Điều đáng lo ngại là một số sản phẩm có chứa các chất hóa chất độc hại như antimon, dimetylformamide, chì, cadmium và phthalate. Trong đó, một chiếc váy liền thân in hình kỳ lân dành cho bé gái được phát hiện có chứa antimon, một chất có thể gây hại cho da và ảnh hưởng đến sức khỏe. Một đôi dép xăng đan khác lại chứa chì và cadmium, những kim loại nặng tích tụ lâu ngày trong cơ thể có thể gây tổn thương thận và xương.
Trước đó, vào hồi tháng 5/2024, các nhà chức trách Hàn Quốc cũng đã báo cáo rằng một số sản phẩm do Shein bán ra có chứa hàm lượng phthalate cao. Đây là một nhóm hóa chất gây rối loạn nội tiết tố liên quan đến béo phì, một số bệnh ung thư và các vấn đề về khả năng sinh sản.
Mặc dù trụ sở chính được đặt tại Singapore, nhưng các sản phẩm của Shein được sản xuất bởi khoảng 5.000 nhà máy ở Trung Quốc. Việc thiếu kiểm soát chặt chẽ trong chuỗi cung ứng được cho là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sản phẩm chứa hóa chất độc hại.
Thách thức không chỉ giới hạn ở Shein, cũng không chỉ ở các trang web mua sắm trực tuyến. Nhiều nhà bán lẻ chính thống lấy nguồn từ các nhà máy tương tự ở cùng các trung tâm sản xuất toàn cầu. Vấn đề có thể mang tính hệ thống đối với chính mô hình sản xuất khối lượng lớn, chi phí thấp.
Nhưng liệu rủi ro sức khỏe có khiến người tiêu dùng thay đổi hành vi của họ không?
Sức hấp dẫn của quần áo hợp thời trang với mức giá cực rẻ là điều khó cưỡng đối với nhiều người tiêu dùng. Một nghiên cứu quy mô nhỏ về thanh thiếu niên cho thấy rằng mặc dù họ nhận thức được những khía cạnh tiêu cực của thời trang nhanh, giá cả vẫn là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến quyết định mua hàng.
Một nghiên cứu khác, với phần lớn phụ nữ trong độ tuổi từ 21 đến 30, cho thấy giá cả là yếu tố quan trọng nhất khi mua hàng, với 80% ưu tiên yếu tố này.
Sẽ cần một nỗ lực bền bỉ để giáo dục người tiêu dùng, cải thiện hoạt động sản xuất và có lẽ quan trọng nhất là tạo ra các điều kiện kinh tế nơi các lựa chọn bền vững cũng có giá cả phải chăng. Cho đến lúc đó, chúng ta vẫn có thể bị ràng buộc bởi những sợi chỉ độc hại của thời trang không bền vững.
2. Cơn sốt chip bùng nổ, các nhà sản xuất “đau đầu” về tài nguyên nước
Theo phân tích của S&P Global, lượng nước mà ngành bán dẫn tiêu thụ trong năm 2021 bằng với lượng nước tiêu thụ của Hong Kong (Trung Quốc). Các cơ sở sản xuất chip hiện sử dụng hàng triệu thùng nước mỗi ngày để rửa sạch các tấm bán dẫn và làm mát thiết bị.
Lượng nước tiêu thụ cho các nhà máy sản xuất chip và trung tâm dữ liệu sẽ tăng lên khi nhu cầu về chip tăng lên. Những loại chip càng tiên tiến sẽ càng cần nhiều bước xử lý. Giờ đây khi khí hậu dần khô hơn và các quy định về tài nguyên nước ngày càng thắt chặt buộc các nhà máy phải nỗ lực giảm lượng nước thải.
Việc sản xuất chip tiêu tốn một lượng nước lớn vì đòi hỏi nguồn nước siêu tinh khiết, không chứa chất gây ô nhiễm, vi khuẩn và ion. Nguyên nhân là bởi tấm bán dẫn rất nhạy cảm với các hạt nhỏ, có thể làm gián đoạn quá trình sản xuất và khiến các công ty thiệt hại hàng tỷ USD.
Prakash Govindan, người đồng sáng lập và là COO của Công ty Công nghệ nước Gradiant, cho biết: ” Khi kích thước chip giảm, lượng nước cần thiết sẽ tăng lên, độ tinh khiết mà họ cần đòi hỏi chất lượng nguồn nước ngày càng trở nên nghiêm ngặt hơn”.
Sự khan hiếm nước tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu của các công ty sản xuất chip. Bang Arizona, nơi đặt trụ sở của nhiều nhà máy Intel và TSMC, tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu nước do hạn hán ở sông Colorado.
Một số nhà nghiên cứu đang tìm hiểu các cách để giảm thiểu và tái chế nước trong sản xuất chip. Paul Westerhoff, Giáo sư kỹ thuật bền vững tại Đại học bang Arizona đang tích cực làm việc với các nhóm nghiên cứu để chỉ cho các nhà sản xuất chip cách lọc nước thải từ quá trình xử lý chip và sử dụng để rửa những con chip tiếp theo.
Govindan cho biết công ty khởi nghiệp dịch vụ nước của ông – Gradiant có thể giúp các công ty như Micron, AMD và GlobalFoundries tái chế hơn 95% lượng nước trong một số trường hợp.
Anuradha Murthy Agarwal, người đứng đầu nhóm tại Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Vật liệu của MIT và đang tiến hành nghiên cứu về chuyển đổi lĩnh vực sản xuất vi mạch bền vững hơn, cho biết một trong những thách thức hiện nay là thiếu tiêu chuẩn hóa.
Agarwal hy vọng rằng các công ty sẽ nhanh chóng nghiên cứu về việc giảm thiểu tiêu thụ năng lượng và nước.
1. Nông dân lần đầu nhận tiền thưởng nhờ trồng lúa giảm phát thải
Ngày 30/7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ phối hợp với Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) đã trao thưởng tiền mặt cho 38 hộ nông dân tại xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, Cần Thơ nhờ thực hành trồng lúa giảm phát thải khí nhà kính. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam, nông dân trồng lúa giảm phát thải nhận thưởng chính thức bằng tiền mặt. Các hộ này đã tham gia cuộc khảo sát từ vụ lúa đông xuân (12/2023 – 4/2024), trong đó 30 hộ giảm được dưới 1 tấn CO2e/ha nhận 500.000 đồng/hộ, và 8 hộ giảm trên 1 tấn CO2e/ha nhận 1 triệu đồng/hộ.
Các nông dân tham gia được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa phát thải thấp, như sử dụng giống xác nhận, giảm lượng giống và phân hóa học, áp dụng tưới ngập khô xen kẽ, và sử dụng máy gặt đập liên hợp. Họ cũng được giới thiệu về công cụ số để ghi chép và đánh giá kết quả canh tác. Nhờ các phương pháp này, họ đã giảm sử dụng phân đạm, hạn chế đốt rơm, và giảm lượng khí thải nhà kính.
Hoạt động này không chỉ khuyến khích nông dân canh tác lúa thân thiện với môi trường mà còn hỗ trợ việc thực hiện đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
2. Từ ngày 1/8, đất nông nghiệp bỏ hoang sẽ bị Nhà nước thu hồi
Luật Đất đai 2024, có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, xác định cụ thể các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai và các biện pháp xử lý tương ứng. Trong số các quy định, Điều 81 nêu rõ rằng đất nông, lâm nghiệp bị bỏ hoang hoặc sử dụng sai mục đích có thể bị Nhà nước thu hồi. Cụ thể, đất trồng cây hàng năm hoặc nuôi trồng thủy sản không sử dụng trong 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm không sử dụng trong 18 tháng, và đất trồng rừng không sử dụng trong 24 tháng liên tục đều có nguy cơ bị thu hồi. Đất nông nghiệp chưa được sử dụng sau 12 tháng vẫn có thể không bị thu hồi ngay, nhưng nếu tiếp tục không sử dụng, nguy cơ thu hồi sẽ tăng lên.
Bên cạnh việc bỏ hoang, còn có 8 trường hợp khác mà Nhà nước có thể thu hồi đất, bao gồm: sử dụng đất không đúng mục đích được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận; người sử dụng đất hủy hoại đất; giao, cho thuê đất không đúng đối tượng hoặc thẩm quyền; và việc nhận chuyển nhượng đất từ người không được phép chuyển nhượng. Nhà nước cũng có quyền thu hồi đất nếu đất bị lấn chiếm hoặc người sử dụng không thực hiện nghĩa vụ tài chính. Đất được sử dụng cho dự án đầu tư nhưng không được triển khai đúng tiến độ hoặc không sử dụng trong thời hạn quy định cũng có thể bị thu hồi.
Trong những trường hợp này, nếu chủ đầu tư chậm tiến độ sử dụng đất so với tiến độ ghi trong dự án, họ có thể được gia hạn sử dụng đất tối đa 24 tháng, nhưng phải nộp thêm tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất cho thời gian gia hạn. Sau thời gian này, nếu vẫn không đưa đất vào sử dụng, Nhà nước sẽ thu hồi đất mà không bồi thường. Những quy định này nhằm đảm bảo việc sử dụng đất đai được quản lý chặt chẽ, bảo vệ tài nguyên đất và khuyến khích các hoạt động sử dụng đất hợp pháp và hiệu quả.
Ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk, cho biết sầu riêng Tây nguyên bắt đầu cho thu hoạch từ tháng 6, nhưng cao điểm từ tháng 8 – 10. Giai đoạn này, giá sầu riêng khá tốt và có xu hướng tăng do nguồn cung từ đối thủ Thái Lan giảm dần vì vào cuối vụ. Càng về cuối năm, giá sầu riêng VN càng cao nhờ ở thế một mình một chợ.
Sự tăng trưởng nóng về giá và lượng thời gian qua đã đẩy diện tích trồng sầu riêng tăng nhanh ở khắp các vùng miền trên cả nước. Theo cập nhật vào tháng 6.2024 của Cục Trồng trọt, đến cuối năm 2023 diện tích trồng sầu riêng cả nước đã lên tới 151.000 ha, tăng gần 40.000 ha so với năm 2022 và tăng gần gấp đôi so với năm 2021. Các tỉnh Tây nguyên chiếm một nửa diện tích trồng sầu riêng cả nước với 75.500 ha, kế đến là Đông Nam bộ (52.000 ha), các tỉnh ĐBSCL (43.000 ha); ngay cả các tỉnh duyên hải nam Trung bộ cũng đã kịp trồng tới hơn 7.000 ha. “Cần lưu ý là diện tích trồng sầu riêng của Thái Lan cũng chỉ có 137.000 ha vào năm 2022”, đại diện Cục Trồng trọt thông tin.
Theo nhiều nhà vườn và chuyên gia, cơn sốt sầu riêng có lẽ đã nóng hơn rất nhiều nếu những mặt hàng đối trọng như cà phê và hồ tiêu thời gian qua không tăng giá mạnh. Việc giá cà phê tăng 70 – 80%, giá hồ tiêu tăng hơn 120% đã giúp sầu riêng “bớt sốt” và tạo thế cân bằng hơn ngay trên từng mảnh vườn.
Ông Trần Đình Trọng, Giám đốc HTX nông nghiệp dịch vụ công bằng Eatu ở TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), cho biết nếu giá cà phê hay hồ tiêu vẫn thấp như mấy năm trước thì có lẽ người ta chuyển sang trồng sầu riêng còn nhiều hơn hiện tại. Tuy nhiên hiện nay, dù sầu riêng có lợi thế kinh tế cao hơn, nhưng đa phần bà con cũng ý thức được việc trồng chuyên canh hay độc canh một loại thì rủi ro rất cao, nên đa phần mọi người đều giữ thế kiềng 3 chân hiện tại.
Dù vậy, áp lực từ giá sầu riêng tăng mạnh vẫn khiến nhiều nhà nông đứng ngồi không yên. Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị VN (VPSA) cho biết trong đợt khảo sát tại 3 tỉnh Tây nguyên vào đầu tháng 7 vừa qua, nhiều nông dân cho biết dù giá hồ tiêu tăng cao và hiện đạt tới mức 150.000 đồng/kg, cao gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước, nhưng bà con không có ý định mở rộng diện tích do sầu riêng và cà phê cũng đang mang lại lợi ích kinh tế tốt. VN là nguồn cung hồ tiêu lớn nhất thế giới, nhưng vì nông dân không mở rộng diện tích ào ạt như trước kia nên khả năng giá tiếp tục tốt trong những niên vụ tới.
TS Đoàn Hữu Tiến, Giám đốc Trung tâm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật (Viện Cây ăn quả miền Nam), khuyến cáo không mở rộng bất chấp diện tích sầu riêng. Đầu tiên nên tránh mở rộng diện tích ở những vùng trồng không có điều kiện về đất đai, khí hậu, nguồn nước vì sẽ dẫn đến giá thành sản xuất cao, rất khó cạnh tranh. Bên cạnh đó, sầu riêng phải mất đến 4 – 5 năm sau khi trồng mới cho thu hoạch lứa đầu tiên, đòi hỏi nhà vườn có tiềm lực tài chính đủ tốt. Ước tính chi phí đầu tư cho 1 cây sầu riêng từ khi trồng đến vụ thu hoạch đầu tiên khoảng 5 triệu đồng/cây; nhưng lúc đó giá sầu riêng trên thị trường ra sao thì không ai biết. Sầu riêng cũng là loại cây đòi hỏi kỹ thuật canh tác cao và nhiều kinh nghiệm chăm sóc. Đó là những điều cần phải lưu ý để không mở rộng bất chấp diện tích sầu riêng.
4. Châu Âu có thể cấm nhập khẩu một số nông thủy sản từ Việt Nam
Theo TS Ngô Xuân Nam – phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam ghi nhận sự gia tăng bất thường về số lượng cảnh báo từ EU, với tổng cộng 57 cảnh báo, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm 2023 (31 cảnh báo). Đặc biệt, TP.HCM có tỉ lệ lớn với 23/57 lượt cảnh báo.
Sự gia tăng này dẫn đến việc EU tăng cường tần suất kiểm tra biên giới đối với nông sản xuất khẩu từ Việt Nam. Hiện tại, 4 mặt hàng nông sản phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt hơn, bao gồm thanh long (30%), ớt (50%), đậu bắp (50%) và sầu riêng (10%).
EU không quy định về khối lượng hàng, nên đôi khi chỉ có vài chục ký ớt xuất sang cũng bị kiểm tra và cảnh báo vi phạm. Với nhóm hàng bị cảnh báo ở mức độ cao, nếu không kịp thời chấn chỉnh, cải thiện có thể sẽ bị EU không cho nhập vào. Do đó doanh nghiệp không thể chủ quan.
Với nhóm hàng rau quả, ông Đặng Phúc Nguyên – tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – xác nhận dù giá trị xuất khẩu đạt kỷ lục, nhưng 6 tháng qua ngành cũng bị những cảnh báo vi phạm từ nước nhập vì hàng rào kỹ thuật các nước dựng lên ngày càng khó. Do đó, xuất khẩu gia tăng nhưng vi phạm cũng còn nhiều.
Ông Lê Thanh Hòa – giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam – đánh giá nhận thức về xuất khẩu của doanh nghiệp đôi lúc còn chưa đầy đủ, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu. Quy trình, công nghệ sản xuất, chế biến của doanh nghiệp, người dân nhiều khâu chưa kiểm soát được 100%.
Ông Hòa lấy ví dụ, nguồn nước tưới, đất, bình tưới… tất cả đều có thể là nguy cơ lây nhiễm, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng.
“Chúng ta khai không đúng cũng không được vì nhà nhập khẩu chỉ cần một phép thử họ xác định hết các loại thuốc được sử dụng. Do đó, ngành nông nghiệp đang rất chú trọng vấn đề này, bản thân doanh nghiệp phải làm nghiêm hơn, không thể xuề xòa mãi được”, ông Hòa nhấn mạnh.
5. Gạo Việt Nam vững chắc “ngôi đầu” tại thị trường Đông Nam Á
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia là 3 thị trường lớn nhất của xuất khẩu gạo Việt Nam. Trong 7 tháng năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 1,98 triệu tấn gạo sang Philippines, chiếm 38,2% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Indonesia đứng ở vị trí thứ hai, với lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này đạt 830 nghìn tấn. So với cùng kỳ năm 2023, xuất khẩu sang thị trường này tăng 44,6% về lượng và tăng mạnh 82,1% về giá trị. Thị trường Indonesia chiếm 16% trong tổng lượng gạo xuất khẩu gạo của nước ta.
Tại Singapore, trong 6 tháng năm 2024, Việt Nam vẫn giữ vị trí là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất sang Singapore, chiếm 32,69% thị phần. Điều này đạt được là nhờ mức tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu, đạt giá trị 73,40 triệu SGD (hơn 54,6 triệu USD), tăng 54,67% so với cùng kỳ năm 2023.
Báo Nikkei Asia ngày 2/8/2024 có bài viết nhận định các nhà xuất khẩu gạo của Việt Nam đang trong cuộc cạnh tranh với các nhà xuất khẩu gạo của Thái Lan để chiếm lĩnh thị phần lớn hơn tại thị trường gạo tại các quốc gia Đông Nam Á.
Theo Nikkei Asia, Philippines và Indonesia đang đẩy mạnh nhập khẩu gạo từ các nước láng giềng do nguồn cung trong nước sụt giảm. Việt Nam và Thái Lan đang cạnh tranh quyết liệt để nâng cao thị phần gạo tại các nước này. Tuy nhiên, dường như Thái Lan đã thua so với Việt Nam, khi Việt Nam chiếm tới 70-85% thị phần nhập khẩu gạo của hai quốc gia nêu trên, trong khi Thái Lan chỉ chiếm được 10-20% thị phần.
Ngày 1-8, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) thông tin quả bưởi của Việt Nam chính thức được phép nhập khẩu vào Hàn Quốc.
Sau 3 tháng lấy ý kiến rộng rãi của các bên liên quan, Cục Kiểm dịch Động thực vật Hàn Quốc (APQA) đã chính thức công bố trên website của APQA quy định nhập khẩu đối với quả bưởi tươi từ Việt Nam sang Hàn Quốc.
Đồng thời, ngày 18-7-2024, Cục Bảo vệ thực vật cũng đăng tải trên website của Cục dự thảo các yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với quả bưởi tươi của Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc để các tổ chức, cá nhân quan tâm có thể tìm hiểu và nắm trước thông tin về các quy định này.
Theo đó, các vùng trồng sản xuất quả bưởi tươi xuất khẩu sang Hàn Quốc phải đăng ký vùng trồng và nhà đóng gói xuất khẩu, được phân loại, xử lý hơi nóng, đóng gói và dán nhãn theo quy định.
Bên cạnh đó, việc kiểm tra xuất khẩu sẽ được thực hiện bởi cán bộ kiểm dịch thực vật Hàn Quốc và Việt Nam, trên 2% của tổng số thùng carton hoặc 600 quả cho mỗi lô hàng. Nếu phát hiện ruồi sống, lô hàng sẽ bị từ chối và việc kiểm tra xuất khẩu sẽ bị đình chỉ cho đến khi xác định được nguyên nhân và thực hiện các biện pháp khắc phục…
Như vậy, bưởi là quả tươi thứ 3 của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Hàn Quốc, cùng với các loại quả thanh long và xoài.
7. Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Hàn Quốc tăng ”phi mã”
Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, liên tục trong 3 tháng trở lại đây, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Hàn Quốc tăng trưởng ”phi mã” ở mức 3 con số. Đáng chú ý, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này trong tháng 6 lập đỉnh. Giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt gần 6 triệu USD, tăng gấp gần 6 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Với kết quả này, tính lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cá ngừ sang Hàn Quốc đạt hơn 14 triệu USD, tăng 144% so với cùng kỳ. Hàn Quốc trở thành 1 trong 10 thị trường đơn lẻ nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam.
Sự bứt phá này phần lớn nhờ vào giá sản phẩm cạnh tranh của Việt Nam. Các doanh nghiệp đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng thủy sản tại Hàn Quốc, đặc biệt là khi người dân nước này có xu hướng giảm chi tiêu, tạo điều kiện thuận lợi để thủy sản Việt Nam tăng cường xuất khẩu.
Hiện thị trường Hàn Quốc nhập khẩu chủ yếu nhóm cá ngừ chế biến và đóng hộp từ Việt Nam, chiếm tới 99% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, Hàn Quốc nhập khẩu chủ yếu thịt loin cá ngừ vằn hấp đông lạnh.
Xu hướng tiêu dùng thủy sản ở Hàn Quốc có sự thay đổi theo xu hướng giảm chi tiêu của người tiêu dùng lại là cơ hội để thủy sản Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu những sản phẩm thủy sản có mức giá phù hợp.
Phố thương mại – ẩm thực Sky Garden ở quận 7 sẽ hoạt động cuối tháng 8, là điểm đến mới cho kinh tế đêm TP HCM. Đây là khu vực hội tụ 222 cơ sở kinh doanh, trong đó có 125 cơ sở kinh doanh về dịch vụ ăn uống, ẩm thực; 40 cơ sở chăm sóc sắc đẹp; 25 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ và 31 cơ sở lưu trú. Đặc biệt, khu vực này sẽ được nâng cấp đồng bộ, từ hạ tầng đến các dịch vụ tiện ích, với logo, cổng chào, wifi miễn phí và QR Code giới thiệu sản phẩm.
TP HCM đang có 9 phố đêm gồm hai phố đi bộ Bùi Viện và Nguyễn Huệ (đều ở quận 1), 5 phố ẩm thực là Hồ Thị Kỷ và kỳ đài Quang Trung cùng ở quận 10, Vĩnh Khánh (quận 4), Hậu Giang (quận 6), Nguyễn Thượng Hiền (quận 3), Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), phố đêm Thảo Điền (TP Thủ Đức).
Mới đây, huyện Bình Chánh kiến nghị mở phố đêm Trung Sơn, hoạt động 18-24h mỗi ngày, với 252 gian hàng, đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Huyện Cần Giờ vừa đưa vào hoạt động chợ đêm Cần Thạnh, mở 3 ngày cuối tuần, bán buôn đến 23h. Trong khi đó, Bình Tân đề xuất lập phố thương mại, dịch vụ sẽ phục vụ người dân, khách du lịch đến trải nghiệm các hoạt động mua sắm, giải trí, ăn uống.
Đến năm 2025, TP HCM dự kiến mở ra 22 tuyến phố đi bộ về đêm, phố ẩm thực tại trung tâm nội đô và rải rác ở các quận, huyện.
2. Các tiệm mì ramen truyền thống tại Nhật Bản liên tục phá sản
Trong báo cáo mới công bố, Teikoku Databank cho biết trong thời gian nói trên, có tới 49 cửa hàng mì ramen tại Nhật Bản phá sản – mức cao nhất kể từ năm 2014, và tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023.
Con số này làm gióng lên hồi chuông cảnh báo trên toàn ngành do số vụ phá sản hằng năm cao nhất được ghi nhận vào năm 2020 là 54 vụ và vào năm 2023 là 53 vụ.
Báo cáo của Teikoku Databank cũng cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chi phí các thành phần mì ramen tăng cao. Chi phí để làm ra mỗi bát mì ramen xương lợn tại Tokyo đã tăng hơn 10% kể từ tháng 6-2022. Điều này là do giá thịt lợn và mì tăng vọt, cùng chi phí tiện ích tăng.
Báo cáo lưu ý: “Nhiều cửa hàng không thể đối phó với tốc độ tăng giá nguyên liệu. Ngay cả những cửa hàng đã tăng giá để bù đắp chi phí cũng đang phải đối mặt với lượng khách hàng giảm, dẫn đến đóng cửa và phá sản”.
Trong bối cảnh sức ép chi phí ngày càng nghiêm trọng, Teikoku Databank dự báo số cửa hàng mì ramen phá sản sẽ vượt hơn 100 trong năm 2024.
3. Nhập cảnh không cần hộ chiếu – Singapore làm điều đó như thế nào?
Từ 5.8, một số hành khách đến sân bay Changi của Singapore không cần xuất trình hộ chiếu để làm thủ tục nhập cảnh.
Là một phần của cuộc thử nghiệm, cư dân Singapore đến Nhà ga số 3 sử dụng các làn đường được chỉ định cho chương trình xuất nhập cảnh bằng cách sử dụng quy trình xử lý sinh trắc học mắt và khuôn mặt, thay vì hộ chiếu, theo Cơ quan Kiểm soát và Nhập cư.
“Cư dân” theo định nghĩa của chương trình bao gồm công dân, thường trú nhân và người có thẻ cư trú dài hạn.
Theo chương trình nhập cảnh không cần hộ chiếu mới, người dân Singapore sẽ không cần xuất trình hộ chiếu để đến và khởi hành tại các trạm kiểm soát đường hàng không và đường biển.
Người nước ngoài cũng đủ điều kiện tham gia chương trình, nhưng chỉ khi rời khỏi Singapore. Cơ quan Kiểm soát và Nhập cư Singapore cho biết thêm, du khách nước ngoài cũng phải đăng ký sinh trắc học mống mắt, khuôn mặt và dấu vân tay tại quầy nhập cảnh thủ công.
Tuy nhiên, trẻ em dưới sáu tuổi không thể sử dụng giấy phép sinh trắc học hoặc làn đường tự động để làm thủ tục nhập cảnh.
Nhập cảnh không cần hộ chiếu là một phần trong “Khái niệm thông quan mới” rộng hơn của Singapore được công bố vào tháng 5, nhằm mục đích hiện đại hóa và tự động hóa các dịch vụ nhập cư trong nước.
Mặc dù việc xử lý sinh trắc học bị một số người phản đối nhưng đây là một phần trong nỗ lực của Singapore nhằm tăng cường an ninh biên giới đồng thời nâng cao trải nghiệm của khách du lịch. Theo các quan chức nhập cư, việc xử lý sinh trắc học dự kiến sẽ giảm 40% thời gian chờ đợi nhập cư.
1. Nhiều ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm ngay đầu tháng 8: xu hướng tăng được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài
Ngay đầu tháng 8, một loạt ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Trong đó, có cả những ngân hàng lớn trong hệ thống như Agribank, Sacombank, Eximbank, TPBank…
Theo giới phân tích, tiền gửi của người dân và doanh nghiệp tăng trưởng thấp trong những tháng đầu năm đi cùng tăng trưởng tín dụng hồi phục khiến nhiều nhà băng phải tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn, nhất là trong giai đoạn cao điểm cuối năm. Bên cạnh đó, hoạt động can thiệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua các công cụ tín phiếu và bán ngoại tệ cũng ảnh hưởng tới thanh khoản tiền Đồng của các ngân hàng.
Với việc các ngân hàng có quy mô tiền gửi lớn nhất hệ thống như Agribank, VietinBank, BIDV,…. mới đây đều đã tăng lãi suất huy động, mặt bằng lãi suất huy động được dự báo sẽ tiếp tục lên cao hơn trong thời gian tới.
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định, việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động đến từ việc thiếu hụt thanh khoản trên thị trường do những động thái can thiệp ổn định tỷ giá của NHNN.
KBSV dự báo lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng thêm từ nay cho tới cuối năm, lên mức tương đương vùng đáy Covid-19 giai đoạn 2020-2021 do áp lực từ tỷ giá và cầu tín dụng hồi phục.
Trong đó, tỷ giá trong ngắn hạn vẫn là áp lực chính khiến lãi suất huy động tiếp tục tăng. Trong kịch bản cơ sở, KBSV dự báo tỷ giá chưa thể sớm hạ nhiệt, thậm chí còn căng thẳng cục bộ ở một vài thời điểm khiến NHNN phải tiếp tục can thiệp bán ngoại tệ, cùng với đó là định hướng giữ nền lãi suất liên ngân hàng ở mức cao vừa đủ để hạn chế hoạt động đầu cơ tỷ giá. Những điều này sẽ tác động trực tiếp đến thanh khoản hệ thống và làm tăng lãi suất huy động ở thị trường 1, đặc biệt là ở nhóm NHTM tư nhân vừa và nhỏ có nguồn huy động kém linh hoạt và các ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng tốt.
Bên cạnh đó, cầu tín dụng kỳ vọng hồi phục kéo theo nhu cầu huy động vốn, từ đó khiến đà tăng của lãi suất huy động tiếp diễn vào cuối năm.
Trong báo cáo phân tích mới công bố, Chứng khoán MB cũng cho rằng, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang tăng nhanh gấp 3 lần so với tốc độ tăng của huy động vốn, các ngân hàng ráo riết tăng lãi suất huy động nhằm nâng cao tính cạnh tranh của kênh tiết kiệm so với các kênh đầu tư khác trên thị trường.
Nhóm phân tích cho rằng lãi suất đầu vào sẽ tiếp tục tăng trong nửa sau năm 2024 do cầu tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên mạnh hơn từ giữa năm 2024 khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm. Dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các NHTM lớn sẽ có thể nhích thêm 0,5 điểm %, quay về mức 5,2-5,5%/năm vào cuối năm 2024.
Tổng cục Thống kê vừa có số liệu mới nhất về tình hình xuất nhập khẩu hàng hoá trong tháng 7 và 7 tháng năm.
Về xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7 ước đạt 35,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 226,98 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 63,08 tỷ USD, tăng 21,1%, chiếm 27,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 163,9 tỷ USD, tăng 13,8%, chiếm 72,2%.
Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7 ước đạt 33,8 tỷ USD, tăng 11% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 212,9 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 78 tỷ USD, tăng 21,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 134,9 tỷ USD, tăng 16,9%.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 7 tháng, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 66,1 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 79,2 tỷ USD.
Về cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng, ước tính xuất siêu 14,08 tỷ USD (cùng kỳ năm 2023 xuất siêu 16,5 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 14,92 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 29 tỷ USD.
2. Điều tra chống bán phá giá thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ
Bộ Công thương vừa ban hành quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ. Một số hàng hóa bị điều tra là sản phẩm thép HRC hợp kim hoặc không hợp kim; chưa được gia công quá mức cán nóng; đã tẩy gỉ hoặc không tẩy gỉ…
Thời kỳ điều tra xác định hành vi bán phá giá và xác định thiệt hại là từ ngày 1.7.2023 đến ngày 30.6.2024. Theo Bộ Công thương, bên yêu cầu điều tra đã cung cấp các cơ sở chứng cứ để chứng minh hành vi bán phá giá của hàng hoá, xác định biên độ phá giá của HRC nhập khẩu từ Ấn Độ và Trung Quốc ở mức 27,83%.
Cơ quan điều tra đã tiến hành thẩm định và xác định rằng bên yêu cầu đáp ứng về tính đại diện cho ngành sản xuất trong nước; có bằng chứng rõ ràng về việc hàng hóa nhập khẩu bán phá giá là nguyên nhân gây ra thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất trong nước. Căn cứ các quy định liên quan, Bộ Công thương quyết định tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm HRC có xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 6 vừa qua Việt Nam nhập khẩu 886.000 tấn thép HRC, tương đương 151% sản lượng sản xuất trong nước. Trong đó, lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 77%. Nguyên nhân là giá sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc rất thấp, bình quân 560 USD/tấn, thấp hơn các quốc gia khác từ 45 – 108 USD/tấn.
Vừa trở về từ Hội chợ Triển lãm Dệt may và Thời trang – Texworld New York (Mỹ), bà Trần Hoàng Phú Xuân, Tổng Giám đốc Công ty CP Kết nối thời trang Faslink kiêm Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM (AGTEX), báo tin vui khu vực Vietnam Ho Chi Minh Pavillion tại sự kiện này đã đón rất nhiều khách tham quan trong suốt thời gian diễn ra triển lãm. Sau triển lãm, nhiều DN đã xác định Mỹ là thị trường trọng điểm cần khai thác.
Theo ông Trần Phú Lữ, Giám đốc ITPC, hiện nay Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành dệt may và thị trường này đang có sự phục hồi rất tốt. Thị trường Mỹ còn dư địa lớn để DN Việt khai thác, dù đang có sự so kè gay gắt từ các đối thủ cạnh tranh khác. “Các nhà mua hàng quốc tế và cả DN sản xuất, xuất khẩu dệt may từ Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, Sri Lanka… cũng rất quan tâm đến gian hàng của DN dệt may Việt Nam. Ngược lại, các DN Việt rất tự tin có thể cạnh tranh được với hàng dệt may của các nước cả về chất lượng lẫn giá cả” – ông Lữ nhìn nhận.
Khảo sát mới đây của Hiệp hội Thời trang Mỹ (USFIA) về lợi thế cạnh tranh giữa các quốc gia xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ cho thấy Việt Nam có tổng điểm số cao hơn Trung Quốc và Bangladesh khi Mỹ đang có xu hướng chuyển đổi nhà cung cấp khỏi Trung Quốc. Vì vậy, trong dài hạn, ngành dệt may Việt Nam được kỳ vọng sẽ chiếm dần thị phần tại thị trường Mỹ.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy so với các quốc gia xuất khẩu dệt may khác, các DN dệt may Việt Nam đang có lợi thế hơn nhờ vị trí địa lý, hệ thống cảng lớn, khả năng sản xuất đa dạng các sản phẩm giá trị cao như áo vest, áo khoác mùa đông, đồ bơi… với mẫu mã phong phú, giao hàng nhanh.