1. Alibaba là kênh quan trọng để các doanh nghiệp châu Âu bán hàng vào Trung Quốc
Theo SMCP, các nền tảng thương mại điện tử do Tập đoàn Alibaba điều hành đã và đang trở thành một kênh quan trọng để các công ty châu Âu thâm nhập vào thị trường Trung Quốc. Theo một nghiên cứu của Trường Quản lý SDA Bocconi của Ý, tổng giá trị xuất khẩu từ 27 quốc gia châu Âu trên nền tảng của Tập đoàn Alibaba đạt tổng trị giá khoảng 32,3 tỷ euro (34,6 tỷ USD) vào năm ngoái, cao hơn 1/3 so với năm 2019. Nghiên cứu do Alibaba ủy quyền cho biết, từ năm 2019 – 2022, các công ty ở những quốc gia này đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 121,4 tỷ euro cho người tiêu dùng Trung Quốc thông qua nền tảng của Alibaba.
Nghiên cứu cho thấy doanh số bán hàng trên các nền tảng của Alibaba đang tạo ra khoảng 172.600 việc làm tại bốn nền kinh tế lớn này vào năm ngoái trong ba năm qua. Bên cạnh đó, Chính phủ các nước Châu Âu cũng đang hưởng lợi từ thương mại điện tử xuyên biên giới. Theo nghiên cứu, Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha đã thu được doanh thu thuế trị giá hơn 6,6 tỷ euro vào năm ngoái chỉ từ việc bán hàng trên nền tảng của Alibaba.
Mùa Tết 2024, các doanh nghiệp (DN) dự đoán người tiêu dùng tiếp tục dịch chuyển nhu cầu mua sắm từ phân khúc trung bình khá xuống phân khúc thấp hơn nên đã chủ động nguồn cung hàng hóa ở phân khúc bình dân. Ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Phòng Phát triển hàng nhãn riêng Co.op, cho biết điểm nhấn của giỏ quà Tết Co.op năm nay là mức giá rất mềm, chỉ từ 99.000 – 249.000 đồng. Trong đó, giỏ quà ưu đãi giá 99.000 đồng được thiết kế đẹp hơn, có lợi hơn cho người tiêu dùng.
Dự đoán thị trường Tết, bao gồm mảng quà tặng, sẽ chậm, Công ty TNHH Công nghệ và Thương mại UFO (FoodMap) đã chuẩn bị và chào hàng giỏ quà Tết từ rất sớm. Anh Phạm Ngọc Anh Tùng, nhà sáng lập FoodMap, cho biết kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp đến mức chi trả của khách hàng lẻ lẫn DN. Hệ thống Emart dự kiến cũng giảm phân khúc giỏ quà cao cấp, tăng giỏ quà bình dân với 20/30 mẫu giỏ quà Tết có giá từ 300.000 đồng đến dưới 1 triệu đồng (Tết 2023 là 15/30).
1. Trung Quốc vượt Mỹ thành thị trường chuỗi cà phê lớn nhất thế giới
Được mệnh danh là “quốc gia uống trà” nhưng Trung Quốc đã vượt Mỹ thành thị trường quán cà phê có thương hiệu, tức theo chuỗi, lớn nhất thế giới. Thông tin mới được công bố bởi cổng thông tin thị trường cà phê World Coffee Portal. Công ty nghiên cứu này cho biết số lượng cửa hàng cà phê có thương hiệu (branded coffee shop) ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng 58% trong 12 tháng qua, đạt 49.691. Trong khi đó, Mỹ hiện có 40.062 cửa hàng. Tăng trưởng ở Trung Quốc năm qua được dẫn dắt bởi sự mở rộng nhanh chóng của mô hình cửa hàng nhỏ và tập trung vào giao hàng của Luckin Coffee và Cotti Coffee, lần lượt có thêm 5.059 và 6.004 cửa hàng mới năm qua.
Hơn 90% trong số 4.000 người tiêu dùng tại quán cà phê Trung Quốc được khảo sát cho biết có uống cà phê nóng hàng tuần, trong khi 64% uống cà phê đá ít nhất một lần một tuần. Có 89% khách hàng đến quán hoặc đặt mua ít nhất một lần mỗi tuần và 20% thực hiện hàng ngày. World Coffee Portal dự báo tăng trưởng cửa hàng cà phê theo chuỗi ở Trung Quốc sẽ bùng nổ ở mức 24% vào năm 2024 và chậm lại dần còn 6% năm 2028.
2. Sau Mixue, thêm thương hiệu trà sữa Hey Tea (Trung Quốc) gây sốt tại Mỹ
Mới đây chuỗi trà nổi tiếng của Trung Quốc – Heytea đã chính thức ra mắt tại New York (Mỹ). Ngay lập tức thương hiệu này đã thu hút một lượng khách hàng lớn háo hức đến nếm thử đồ uống đặc trưng độc đáo của hãng với một lớp kem phô mai béo ngậy được phủ bên trên. Theo Heytea, cửa hàng ở khu trung tâm Manhattan đã bán được 2.500 cốc vào ngày 8 tháng 12, ngày đầu tiên kinh doanh. Sáu ngày sau khi khai trương, hàng dài khách hàng vẫn tụ tập quanh một góc phố.
Heytea cho biết công ty tự tin về sự tăng trưởng của đồ uống trà tại thị trường Mỹ. Yujia Gu, Phó Giám đốc chiến lược của Heytea cho biết trong một phát biểu trước truyền thông: “Chúng tôi háo hức mong đợi cơ hội giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ hàng đầu tới người tiêu dùng Mỹ thông qua các sản phẩm trà đích thực. Mục tiêu của chúng tôi là không ngừng nâng cấp chất lượng sản phẩm và liên tục mở rộng không gian trên thị trường đồ uống trà của Mỹ.”
Chuỗi cà phê Top 4 thế giới Cotti Coffee vừa khai trương gần như cùng lúc ba cửa hàng tại TPHCM. Các dấu hiệu ban đầu cho thấy chuỗi này rất thận trọng với chiến lược ‘chất lượng, nhưng giá cả cạnh tranh’. Hôm 11-12, Cotti Coffee khai trương cửa hàng đầu tiên tại Pearl Plaza, quận Bình Thạnh. Hai hôm sau, thương hiệu này khai trương thêm cửa hàng tại cơ sở chính của Đại học Sài Gòn trên đường Nguyễn Trãi, quận 5 và tòa nhà văn phòng Hà Đô Airport gần sân bay Tân Sơn Nhất ở quận Tân Bình. Cuối tháng 12 này hoặc đầu năm 2024, thương hiệu cà phê từ Trung Quốc sẽ có thêm chín cửa hàng nữa, trong đó có hai tại Hà Nội và bảy tại TPHCM, bà Jen Yang – đại diện của Cotti Coffee – cho hay.
Đến nay, sau hơn 13 tháng từ khi khai trương cửa hàng đầu tiên, Cotti Coffee đã có mặt trên 300 thành phố ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Canada, Hồng Kông… với hơn 6.000 cửa hàng, trở thành chuỗi cà phê lớn thứ tư trên toàn thế giới. Thị trường Đông Nam Á đang là điểm đến tiếp theo của Cotti Coffee khi ngoài Việt Nam, Cotti cũng mở cửa hàng đầu tiên tại Malaysia, Thái Lan trong tháng này.
4. Ra mắt chuỗi quảng bá thực phẩm, đồ uống Anh tại Việt Nam
Ngày 14/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Lãnh sự quán Anh tại Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Chuỗi siêu thị Annam Gourmet ra mắt và công bố hoạt động với tên gọi “Ẩm thực Anh mùa lễ hội” nhằm quảng bá các sản phẩm thực phẩm và đồ uống của Vương quốc Anh tại Việt Nam.
Được tổ chức từ ngày 14-31/12, tại 10 cửa hàng của Annam Gourmet ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, chuỗi hoạt động tập trung vào các sản phẩm mùa Giáng sinh, hướng tới quảng bá các sản phẩm thực phẩm của Anh được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi trong mùa lễ hội này như chocolate, bánh quy, rượu gin và whisky, trà … đến từ các thương hiệu hàng đầu của Vương quốc Anh như Cadbury’s, Walkers, English Tea Shop… Chuỗi sự kiện sẽ mang hơn 200 sản phẩm của Vương quốc Anh tới gần hơn với người tiêu dùng tại Việt.
Ngày 16/12, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh cho biết, công ty vừa ra mắt sản phẩm trà túi lọc Cascara Blue Sơn La sau 4 năm thử nghiệm. Theo ông Thông, Trà Cascara được làm từ vỏ cà phê arabica chín mọng, thu hái và chế biến tươi ngay trong ngày. Loại trà này đã được các nước Nam Mỹ, nơi có vùng trồng cà phê arabica đặc sản lớn trên thế giới sản xuất hơn 50 năm qua nhưng còn mới mẻ tại Việt Nam.
Công ty Cổ phần Phúc Sinh là đơn vị đầu tiên chế biến và sản xuất trà Cascara theo quy mô lớn, chuyên nghiệp tại Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Dây chuyền chế biến Trà Cascara được xây dựng từ tháng 10/2023, với công suất 10 tấn quả chín/ngày, tương đương 1 tấn trà thành phẩm/ngày.
Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) vừa ra mắt dòng sản phẩm mới Vinamilk Green Farm, được sản xuất với kỹ thuật nông nghiệp xanh trung hòa carbon và công nghệ kép hút chân không đột phá. Sự kiện đánh dấu cột mốc quan trọng của Vinamilk trên lộ trình trở thành công ty thực phẩm hàng đầu, tiên phong nghiên cứu và ứng dụng những tiến bộ công nghệ để nâng tầm hương vị và chất lượng sản phẩm, phục vụ sứ mệnh “chăm sóc” cốt lõi.
Đây là thành quả của hành trình hơn 10 năm từ ngày đặt những nền móng đầu tiên cho mục tiêu tiến đến trung hòa carbon (Net Zero) của ngành công nghiệp chế biến sữa, cùng 5 năm chuẩn bị, nghiên cứu và hoàn thiện kỹ thuật về hương vị. Doanh nghiệp Vinamilk tự hào là thương hiệu đi đầu và dẫn dắt thị trường trong lĩnh vực Net Zero tại Việt Nam, từng bước tiến gần đến tương lai xanh, tiên phong hiện thực hóa mục tiêu chăm lo chất lượng cuộc sống cho mọi gia đình Việt Nam.
Hàng trăm hộ nông dân ở xã Đức Thắng, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi đang phải đối diện cảnh trắng tay vì giá củ đậu (địa phương gọi là củ sắn) chạm đáy nhưng không có thương lái đến mua. Hiện đang vào vụ thu hoạch chính, nhưng hàng trăm hộ nông dân ở nơi đây lại như “ngồi trên đống lửa”, chưa năm nào củ đậu vừa mất giá, vừa khó bán như năm nay.
Ông Nguyễn Tấn Việt – Chủ tịch UBND xã Đức Thắng cho biết, của đậu là cây trồng truyền thống, mang lại nguồn thu nhập chính của người dân ở địa phương. Những năm trước các tỉnh phía Nam thường nhập củ đậu ở xã, nhưng nay nhiều nơi ở phía Nam người dân trồng giống này rất nhiều, thương lái phía Nam không còn ra Quảng Ngãi mua do tốn chi phí, mất lợi thế cạnh tranh về giá.
2. Người chăn nuôi điêu đứng vì heo, bò rớt giá mạnh
Bán một con heo hơi, người nuôi lỗ 500.000 – 700.000 đồng, trong khi bò hơi còn không có người mua. Bên cạnh đó, giá gia cầm cũng giảm khiến gần như toàn bộ ngành chăn nuôi điêu đứng. Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, xác nhận giá bò hơi thời gian qua giảm mạnh, hiện chỉ còn 60.000 – 65.000 đồng/kg nhưng rất khó tiêu thụ. Không chỉ bò mà heo và gia cầm cũng đang trong xu hướng giảm dù đang vào cao điểm mùa tiêu thụ cuối năm. So với lúc cao điểm, giá gia cầm các loại giảm khoảng 5.000 – 7.000 đồng/kg tùy loại.
Một số người trong ngành giải thích giá bò giảm mạnh là do kinh tế khó khăn nên đây là mặt hàng bị cắt giảm nhiều nhất trong danh mục tiết giảm chi tiêu hằng ngày của đa số người dân. Bên cạnh đó, bò lậu từ Thái Lan, Campuchia về VN theo đường tiểu ngạch nhiều. Nhưng đáng kể nhất chính là thịt trâu đông lạnh nhập khẩu từ Ấn Độ.
3. ‘Thủ phủ’ hoa, kiểng miền Tây sẵn sàng cho thị trường Tết và lễ hội hoa
Còn chưa đầy 2 tháng nữa là bước vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Những ngày này, nông dân tại Làng hoa Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) – ‘thủ phủ’ hoa, kiểng miền Tây đang tất bật với việc chăm sóc để chuẩn bị sẵn sàng cung ứng nhiều hoại hoa cho thị trường Tết và Festival hoa, kiểng Sa Đéc lần đầu tiên được tổ chức từ ngày 30/12/2023 đến 5/1/2024.
Theo lãnh đạo UBND thành phố Sa Đéc, Trung tâm thương mại hoa kiểng Đồng Tháp (tọa lạc tại phường Tân Quy Đông, thành phố Sa Đéc) đã thành lập vào đầu năm 2021 để làm đầu mối trung chuyển, mua bán trong nước và xuất khẩu sang thị trường ngoài nước. Sản phẩm hoa, kiểng Sa Đéc được đưa đi tiêu thụ ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đặc biệt, hoa, kiểng đã được người dân xuất bán sang Lào, Campuchia. Trung bình mỗi năm, ngành công nghiệp hoa, kiểng tại Làng hoa Sa Đéc đã mang về cho địa phương nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung hơn 3.200 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động.
Tại Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc ngày 13/12 nhân chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, phía Trung Quốc cho biết sẽ mở thị trường cho nhiều loại nông sản tiềm năng của Việt Nam, gồm dừa tươi, sản phẩm trái cây đông lạnh, hoa quả có múi, bơ, na, roi của Việt Nam xuất sang nước này. Các mặt hàng khác như dược liệu đông y có nguồn gốc thực vật, thịt bò, thịt heo, sản phẩm từ gia súc, gia cầm cũng được nước láng giềng tạo điều kiện nhập khẩu. Ngược lại, Việt Nam sẽ tăng nhập cá tầm từ Trung Quốc, trao đổi và thúc đẩy lĩnh vực, nghề liên quan phát triển lành mạnh.
Ba năm qua Việt Nam chú trọng nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc nông sản, nên sản lượng các mặt hàng nhóm này xuất sang Trung Quốc tăng vọt. 10 tháng, Trung Quốc chi hơn 3,2 tỷ USD nhập rau quả từ Việt Nam, đưa kim ngạch nhập nông sản lên con số kỷ lục, trên 7,5 tỷ USD.
Sở Công Thương TP.HCM cho biết, hiện giá gạo xuất khẩu đã tăng khoảng 40% so với đầu năm. Cụ thể, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam loại 5% tấm ở mức 663 USD/tấn, tăng 40,2% so với đầu năm; gạo 25% tấm ở mức 643 USD/tấn, tăng 41,9% so với đầu năm. Tình hình trên đã tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu gạo và có lợi cho người nông dân. Ghi nhận thực tế cho thấy, kim ngạch xuất khẩu gạo từ đầu năm đến nay đã lập kỷ lục mới, cán mốc 4 tỷ USD – con số cao nhất sau 34 năm gạo Việt tham gia vào thị trường thế giới.
Hiện tại, hoạt động xuất khẩu lúa mì của Ukraine bị gián đoạn, làm giảm 10% nguồn cung cho thị trường lúa mì thế giới, 15% ngô và 13% lúa mạch. Mặt khác, hàng loạt quốc gia lần lượt áp lệnh cấm xuất khẩu lương thực như Ấn Độ (gạo, lúa mì, đường), Nga (gạo, lúa mì), Thổ Nhĩ Kỳ (ngũ cốc), Kyrgyzstan (ngũ cốc)…, Ngoài ra, mùa màng tại Pakistan không thuận lợi, Thái Lan khuyến khích người dân giảm trồng lúa… đã và đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung lương thực trên toàn cầu.
3. Gạo ngon nhất thế giới ST25 được hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu vào EU
ST25 – giống gạo từng đạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới do tổ chức The Rice Trade tổ chức – đã chính thức được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu (EU). Ngoài ST25, ông Lê Thanh Hoà, Phó cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, giống ST24 cũng được hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu vào EU. Trước khi ST24 và ST25 được hưởng ưu đãi, 9 loại giống của Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu vào EU, bao gồm Jasmine 85, ST5, ST20, Nàng Hoa 9, VĐ20, RVT, OM 4900, OM 5451 và Tài Nguyên Chợ Đào.
Theo cam kết của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA), EU dành cho Việt Nam lượng hạn ngạch ưu đãi thuế 80.000 tấn/năm, trong đó, 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Theo cam kết của EVFTA, EU sẽ tự do hoá hoàn toàn đối với gạo tấm; các sản phẩm chế biến từ gạo, thì EU đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm (EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020).
4. Cua Cà Mau được công ty khởi nghiệp đưa sang Mỹ
Ngày 16-12, bà Đoàn Thị Anh Thư, Giám đốc điều hành Công ty CP thương mại và dịch vụ Vua Cua (TP HCM), thông tin sau 2 năm chuẩn bị, lô hàng cua Cà Mau và ốc hương chế biến sẵn, đông lạnh đã xuất khẩu thành công sang thị trường Mỹ. Chuyến hàng đầu tiên được vận chuyển bằng đường hàng không để kịp phục vụ người tiêu dùng mùa Noel. Sau Tết, hàng sẽ được vận chuyển bằng đường tàu biển để tiết kiệm chi phí vì sản phẩm đông lạnh có hạn sử dụng 12 tháng.
Đơn hàng được đối tác Mỹ đặt hàng có số lượng khoảng 21.000 con cua Cà Mau, tương đương 11 tấn, sẽ được bán tại 200 điểm tại chợ và siêu thị Mỹ. Giám đốc điều hành Vua Cua cho biết sau đơn hàng đầu tiên, Vua Cua tiếp tục phát triển các sản phẩm chế biến sẵn từ các loại hải sản Việt Nam như: tôm sú, ghẹ, mực, tôm hùm,… và các món ăn từ cua: miến xào cua, cơm chiên cua, xôi cua để phục vụ nhiều phân khúc khách hàng.
5. Dệt may Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD năm 2024
Tại Hội nghị tổng kết Hiệp hội dệt may Việt Nam năm 2023 diễn ra sáng 16/12, tại Hà Nội, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, sản xuất và xuất khẩu dệt may trong năm 2023 chịu nhiều áp lực, thách thức lớn từ suy thoái kinh tế toàn cầu, dư âm của đại dịch Covid-19 vẫn còn hiện hữu, lượng hàng tồn kho lớn do nhu cầu sụt giảm… Từ những khó khăn này, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may năm 2023 ước đạt 40,324 tỷ USD, giảm hơn 9% so với năm 2022.
Căn cứ vào triển vọng phục hồi kinh tế thế giới cũng như dự báo tình hình kinh tế Việt Nam, VITAS đưa ra mục tiêu phấn đấu tăng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2024 đạt 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2023. Phân tích những cơ hội cho mục tiêu này, ông Cẩm cho rằng, hiện nay tình hình kinh tế tại các thị trường nhập khẩu dệt may lớn của Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi, điều này làm tăng khả năng cải thiện nhu cầu về hàng dệt may cao hơn năm 2023. Tuy nhiên, để chinh phục mục tiêu năm 2024, Phó Chủ tịch VITAS cho rằng, ngành dệt may sẽ đối diện với những khó khăn thách thức lớn về yêu cầu của thị trường. Cụ thể như việc áp dụng cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) cũng như Chiến lược “thời trang bền vững” thay cho “thời trang nhanh”.
Theo Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng qua kim ngạch xuất khẩu thức ăn chăn nuôi của cả nước đạt trên 1,1 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường Trung Quốc dẫn đầu trong số các nhà nhập khẩu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam. Trong 11 tháng của năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt gần 540 triệu USD tăng gần 33% so với cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc hiện chiếm gần 49% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Đứng thứ 2 sau Trung Quốc là thị trường Campuchia, trong 11 tháng đạt kim ngạch tới 155,5 triệu USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường Malaysia xếp thứ 3 về kim ngạch, đạt gần 109 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.
1. Singapore: Lượng túi nylon ở siêu thị giảm mạnh kể từ khi bị tính phí
Ngày 3/7, Singapore bắt đầu áp dụng khoản phí tối thiểu 5 xu cho mỗi chiếc túi dùng một lần trong siêu thị. Quy định này áp dụng cho khoảng 400 siêu thị, chiếm 2/3 tổng số siêu thị tại đây, bao gồm FairPrice, Cold Storage, Giant, Sheng Siong và Prime. Theo Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore (NEA), những khách hàng khi đi mua sắm trong siêu thị đã sử dụng ít túi nylon hơn kể từ khi nước này bắt đầu tính phí túi nylon vào tháng 7. Báo cáo sơ bộ từ một số siêu thị cho thấy số lượng túi nylon dùng một lần mà khách hàng sử dụng đã giảm từ 50-80% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong một cuộc khảo sát được thực hiện trước khi áp dụng chính sách tính phí túi nylon, 14% trong số những người thường xuyên đi mua sắm tại các cửa hàng cho biết họ sẽ chuyển sang mua hàng trực tuyến nhiều hơn để tránh bị tính phí và để tiện lợi hơn. Tuy nhiên, gần 70% số người được hỏi cho biết họ sẽ sử dụng túi của mình để đi siêu thị, mà lý do chính là bởi không muốn trả khoản phí 5 xu cho một chiếc túi nylon.
Anh cho biết sẽ đánh thuế carbon nhập khẩu vào năm 2027 với hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia có phí carbon thấp hơn hoặc không có phí carbon. Quyết định của Chính phủ Anh ngày 18/12 cho biết khoản thuế này như một phần của nỗ lực khử carbon của Anh. Cơ chế nói trên được gọi là Điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), sẽ áp dụng cho các sản phẩm sử dụng nhiều carbon trong lĩnh vực sắt, thép, nhôm, phân bón, hydro, gốm sứ, thủy tinh và xi măng nhập khẩu.
Theo Reuters, khoản phí áp dụng sẽ phụ thuộc vào lượng carbon thải ra trong quá trình sản xuất hàng hóa nhập khẩu và khoảng cách giữa giá carbon áp dụng tại quốc gia xuất xứ (nếu có) và giá carbon mà các nhà sản xuất ở Anh phải chịu. Bộ trưởng tài chính Jeremy Hunt cho biết mức thuế này sẽ đảm bảo các sản phẩm sử dụng nhiều carbon từ nước ngoài, như thép và gốm sứ, phải đối mặt với mức giá carbon tương đương với các sản phẩm được sản xuất ở Anh để hỗ trợ chiến lược khử cacbon của Anh. CBAM sẽ hoạt động cùng với Chương trình mua bán khí thải của Vương quốc Anh.
3. VinFast và Marubeni hợp tác tái sử dụng pin xe điện
Ngày 18/12, tại Tokyo, VinFast và Tập đoàn Marubeni (Marubeni) đã chính thức công bố Biên bản ghi nhớ (MOU) về việc hợp tác tái sử dụng pin xe điện hướng đến mục tiêu phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Theo thỏa thuận, VinFast và Marubeni sẽ hợp tác nghiên cứu, sản xuất các hệ thống pin lưu trữ năng lượng (BESS) từ pin xe điện đã qua sử dụng. Trong đó, VinFast sẽ là đơn vị cung ứng pin xe điện; Marubeni đảm nhiệm việc đánh giá khả thi, tư vấn kỹ thuật và triển khai lắp đặt BESS. Hai bên cũng đồng thời hợp tác thúc đẩy các cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực pin xe điện đã qua sử dụng, nhằm hướng tới mục tiêu thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn.
Dự kiến, Marubeni sẽ ứng dụng công nghệ độc quyền từ đối tác chiến lược để tái sử dụng pin xe điện VinFast, phát triển thành BESS với giá cả phải chăng, sản xuất dễ dàng mà không cần tháo dỡ, xử lý và đóng gói lại pin.
4. Từ 15/12, áp dụng Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh
Từ ngày 15/12/2023, Thông tư số 10/2023/TT-BKHĐT quy định Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có hiệu lực thi hành. Bộ chỉ tiêu này được xem là cơ sở để giám sát, đánh giá việc thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; đồng thời, sẽ thúc đẩy các chủ thể trong nền kinh tế, nhất là các doanh nghiệp chuyển động theo xu thế xanh.
Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh bao gồm 72 chỉ tiêu, được xếp theo 4 mục tiêu của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh từ việc giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, cho đến phản ánh mức độ “xanh hoá” trong các ngành kinh tế. Theo Thông tư số 10/2023/TT-BKHĐT, Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh là cơ sở giám sát, đánh giá thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cả nước.
5. Quảng Bình thu hơn 80 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon
Ngày 18/12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình xác nhận tỉnh này vừa được nhận 82,4 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon của rừng. Trong số tiền trên, 80 tỷ sẽ được dùng để chi trả cho các đối tượng hưởng lợi là chủ rừng (bao gồm hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng, tổ chức và UBND xã); 2,4 tỷ đồng còn lại sẽ được trích lại Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Quảng Bình.
Trước đó, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc bán tín chỉ carbon của các vùng rừng thuộc các tỉnh Bắc Trung Bộ. Tổng khối lượng khí CO2 thu được từ rừng ở các tỉnh Bắc Trung Bộ trong thời gian qua là 10,2 triệu tấn và số tín chỉ carbon này sẽ được chuyển cho Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế và sẽ được nhận lại một số tiền.
1. Shein đặt mục tiêu định giá lên tới 90 tỷ USD khi IPO ở Mỹ
Shein đang đi tiên phong trong thị trường thời trang số trên toàn cầu, công ty liên tiếp ra mắt những mẫu mã mới và phong cách như áo sơ mi và đồ bơi với giá chỉ 2 USD/1 sản phẩm. Mới đây, Shein đã thông báo với các nhà đầu tư tiềm năng rằng công ty đặt mục tiêu đạt được mức định giá từ 80 tỷ USD đến 90 tỷ USD khi niêm yết. Shein là công ty khởi nghiệp có giá trị lớn thứ ba thế giới vào năm 2022, khi có một vòng cấp vốn định giá công ty ở mức 100 tỷ USD.
Shein dự kiến lợi nhuận ròng sẽ đạt 2,5 tỷ USD trong năm nay, bất chấp tình hình cạnh tranh gay gắt. Lợi nhuận ròng của công ty vào năm 2019 là khoảng 1 tỷ nhân dân tệ (137 triệu USD).
1. Việc nhận và trả phòng linh hoạt – Định hình mới trong ngành khách sạn
Trong thời kỳ đại dịch Covid-19, nhu cầu du lịch đã thay đổi đáng kể, thúc đẩy các khách sạn thay đổi chiến lược, tối ưu hóa quy trình nhận và trả phòng để phù hợp với thị trường đang biến đổi. Trong số những cải tiến này, việc nhận và trả phòng linh hoạt đã trở thành một xu hướng quan trọng, đáp ứng yêu cầu đa dạng của khách hàng, không bị ràng buộc bởi giờ giấc cố định. Việc nhận và trả phòng linh hoạt có thể trở thành tiêu chuẩn mới trong tương lai, khi mà khách hàng ngày càng có nhiều sự lựa chọn và yêu cầu khác nhau.
Việc linh hoạt trong việc nhận và trả phòng không chỉ làm hài lòng khách hàng mà còn mở ra cơ hội kinh doanh mới cho các khách sạn và đang được nhiều khách sạn trên thế giới thực hiện. Cụ thể, chuỗi khách sạn Hoxton, với 11 khách sạn boutique tại các thành phố trên khắp Châu u và Hoa Kỳ, cho phép khách tự chọn thời gian nhận và trả phòng suốt ngày đêm mà không phải trả thêm phí khi đặt phòng trên trang web của họ. The Standard, điều hành chín khách sạn ở Thái Lan, Maldives, Úc, Châu u và Hoa Kỳ, cung cấp dịch vụ Standard Time – Giờ tiêu chuẩn “nhận phòng và ra bất cứ khi nào phù hợp với bạn” tại bốn cơ sở kinh doanh của mình.
2. Du khách Trung Quốc ‘thắt lưng buộc bụng’ khi đi du lịch
Gần một năm sau khi hủy bỏ chính sách Zero Covid, một lượng lớn du khách Trung Quốc đã và đang trở lại với nền du lịch toàn cầu. Tuy nhiên, cách họ đi du lịch và chi tiêu trong chuyến đi đã khác. Đa số những người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài giờ đây là nhóm người dưới 40 tuổi. Họ có xu hướng chọn các tour qua ít quốc gia hoặc điểm đến, từ chối các chuyến tham quan trên những chiếc xe bus lớn đưa du khách đến các trung tâm mua sắm… Thay vào đó, họ sử dụng các ứng dụng du lịch để tìm kiếm các trải nghiệm mới mẻ hoặc các địa điểm mới để ghé thăm và chụp ảnh check-in.
“Trước đại dịch, khách du lịch từ Trung Quốc đại lục tập trung nhiều vào việc mua sắm, đặc biệt là những mặt hàng xa xỉ khi đi du lịch quốc tế. Sau đại dịch, việc chi tiêu cho những hoạt động như giải trí và ăn uống đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ hơn so với các lĩnh vực chi tiêu khác. Sự thay đổi trong ưu tiên chi tiêu du lịch này cho thấy các cơ quan quản lý du lịch và nhà bán lẻ toàn cầu có thể phải điều chỉnh chiến lược của mình nhằm duy trì sức hấp dẫn đối với du khách Trung Quốc”, ông David Mann, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Mastercard cho biết.
Định hướng du lịch cưới là một trong những phân khúc thị trường quan trọng trong thời gian tới, tọa đàm “Thực trạng và giải pháp phát triển du lịch cưới thành phố Đà Nẵng” được tổ chức nhằm kết nối các nhà làm chính sách và cộng đồng doanh nghiệp để cùng phát triển Đà Nẵng thành điểm đến du lịch cưới hấp dẫn, truyền tải thông điệp “Đà Nẵng, Nơi khởi nguồn hạnh phúc”. Không chỉ có cơ hội nhờ xu hướng tăng trưởng du lịch cưới nói chung của khu vực Đông Nam Á, Đà Nẵng đang có lợi thế từ sự gia tăng và mối quan tâm đáng kể của thị trường khách Ấn Độ, một trong những quốc gia nổi tiếng với các đám cưới du lịch xa hoa với giá trị thị trường cưới đạt hơn 45 tỉ USD năm 2022 và ước tính đạt 100 tỉ USD vào năm 2025.
Ông Prabhakar Singh (Parker), Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị của Furama Resort cho biết, với bờ biển đẹp trải dài, hệ thống cáp treo Bà Nà cũng như lợi thế về địa lý là trung điểm của các di sản văn hóa, Đà Nẵng sẽ là điểm đến lý tưởng cho khách du lịch Ấn Độ đến tham quan, du lịch và tổ chức đám cưới… Đại diện Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cũng chia sẻ, tọa đàm được đánh giá là cú hích, khởi động cho hàng loạt kế hoạch phát triển du lịch cưới trong năm 2024-2025, thu hút sự quan tâm cũng như những ý kiến quý báu của những người làm du lịch cũng như tổ chức sự kiện cưới.
Liên minh Nissan, Renault và Mitsubishi đã cam kết tăng cường hợp tác để tăng khả năng cạnh tranh của liên minh, đặc biệt là trong lĩnh vực ô tô điện. Lãnh đạo ba công ty cho biết sẽ tập trung hợp tác vào Ampere, đơn vị xe điện mới của Renault được thành lập tháng 11/2023. Nissan và Mitsubishi đã đồng ý đầu tư 800 triệu euro (862 triệu USD) vào Ampere như một phần của việc tái cân bằng liên minh với Renault, nhằm mở rộng doanh số bán xe điện của họ ở châu Âu.
Tháng 11/2023, Nissan và Renault đã cân bằng cổ phần mà họ nắm giữ của nhau sau một cuộc đàm phán kéo dài. Kết quả là Renault giảm cổ phần trong công ty Nhật Bản từ 43,4% xuống 15%, trong khi Nissan vẫn giữ 15% cổ phần trong hãng ô tô của Pháp. Trong chiến lược kinh doanh cho Ampere được công bố vào tháng 11/2023, Renault đặt mục tiêu doanh số hằng năm là 1 triệu chiếc vào năm 2031. Công ty Pháp cũng đặt mục tiêu niêm yết Ampere vào nửa đầu năm 2024.
2. Nhà cung cấp dịch vụ sạc xe điện tranh giành địa điểm ‘đẹp’ ở châu Âu, Mỹ
Nhiều công ty điều hành trạm sạc xe điện ở châu Âu hiện tại nhận được sự hẫu thuẫn tài chính từ các nhà đầu tư dài hạn. Lệnh cấm ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch sắp được áp dụng ở nhiều nước khác nhau ở châu Âu. Điều này khiến lĩnh vực trạm sạc trở nên hấp dẫn hơn đối với các quỹ đầu tư hạ tầng như Infracapital thuộc Công ty quản lý đầu tư toàn cầu M&G (Anh) hay EQT của Thụy Điển.
Một phân tích của Reuters cho thấy, có hơn 900 công ty điều hành trạm sạc xe điện trên toàn cầu. Theo PitchBook, lĩnh vực này đã thu hút hơn 12 tỷ tỉ đô la Mỹ vốn đầu tư mạo hiểm kể từ năm 2012. Các công ty điều hành trạm sạc xe điện ở châu Âu và Mỹ đang lao vào cuộc tranh giành những vị trí tốt nhất cho để đặt trạm sạc nhanh công cộng. Các nhà quan sát dự báo sẽ có đợt thâu tóm mới trong ngành khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư lớn gia nhập cuộc chơi.
3. Nhà thiết kế chip hàng đầu thế giới thu hẹp hoạt động tại Trung Quốc
SCMP đưa tin, Arm Holdings – công ty thiết kế chip hàng đầu thế giới, đã sa thải và điều chuyển hơn 70 kỹ sư phần mềm ở Trung Quốc sang nước ngoài. Động thái này tương đồng với chuyển động của các tên tuổi sản xuất chip lớn, chẳng hạn như Qualcomm – công ty vừa trải qua đợt cắt giảm nhân sự lớn từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh lĩnh vực bán dẫn phải đối mặt suy thoái, gây ra bởi nhu cầu thiết bị điện tử giảm sút.
Tháng trước, giám đốc tài chính Jason Child nói với các nhà phân tích rằng, đóng góp của Trung Quốc vào doanh số toàn cầu của Arm đã giảm từ 25% xuống còn khoảng 20% do phần còn lại của thế giới tăng trưởng nhanh hơn nhiều. Arm với một số thiết kế độc quyền đang được sử dụng phổ biến trên các thiết bị di động tại Mỹ, đã bị ảnh hưởng tiêu cực từ những hạn chế mà Washington áp đặt với Bắc Kinh trong lĩnh vực công nghệ. Công ty này cũng vướng phải tình trạng hỗn loạn do tranh chấp kéo dài liên quan vụ đối đầu giữa các nhà đầu tư và giám đốc điều hành Arm Trung Quốc.
Trưa ngày 13/12, giờ Mỹ (rạng sáng ngày 14/12 giờ Việt Nam) FPT bất ngờ công bố thành lập công ty FPT Automotive – công ty chuyên trong lĩnh vực phần mềm ô tô – trụ sở tại Texas, tập trung vào các thị trường trọng điểm như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam. FPT kỳ vọng công ty này sẽ đáp ứng nhu cầu chuyển dịch của ngành công nghiệp ô tô, mang đến những giá trị mới như tăng tốc độ đưa sản phẩm ra thị trường, mở rộng độ phủ, tăng hiệu quả phát triển sản phẩm cho các hãng xe trên toàn cầu. Từ đó, đạt quy mô doanh số 1 tỷ USD trong mảng này vào năm 2030.
Đây là công ty theo chuyên ngành (domain) đầu tiên FPT thành lập, minh chứng rõ nét hơn cho việc FPT đang đẩy mạnh tập trung hình thành kinh nghiệm, năng lực chuyên sâu trong các lĩnh vực chuyên ngành có tiềm năng và cơ hội phát triển tốt trong tương lai.
5. Làn sóng đổ bộ công nghiệp hỗ trợ từ Trung Quốc vào Việt Nam
Ngành công nghiệp hỗ trợ có khoảng 1.500 doanh nghiệp, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, điện và điện tử, nhựa, cao su và hóa chất… song năm vừa rồi sức khỏe của doanh nghiệp “suy giảm khá nghiêm trọng. Cụ thể, suy giảm doanh thu bình quân của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ lên tới 40%, tình trạng mất đơn hàng từ nhiều thị trường, đặc biệt là ở châu Âu diễn ra. Đáng lo ngại hơn, có làn sóng đổ bộ công nghiệp hỗ trợ của Trung Quốc vào Việt Nam với quy mô cực lớn và làm cực nhanh. Kéo theo đó là hệ thống các công ty con, hình thành chuỗi sản xuất cụm chi tiết để xuất khẩu sang châu Âu, Bắc Mỹ, tránh hàng rào kỹ thuật và hàng rào thuế quan.
Trong năm 2023, doanh thu ước tính của ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ đạt gần 8.700 tỉ đồng, giảm 20% so với năm 2022, do dung lượng thị trường ô tô Việt Nam giảm gần 30% sản lượng. Doanh thu xuất khẩu chỉ đạt hơn 105 triệu USD, giảm 75% so với năm 2022.
1. COP28 đạt thỏa thuận lịch sử về nhiên liệu hóa thạch
Ngày 13/12, các nước tham dự Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP28) tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), đã bế mạc và thông qua thỏa thuận cuối cùng. Thỏa thuận này mở đường cho việc giảm mức sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu, nhằm ngăn chặn những tác động tồi tệ của biến đổi khí hậu. Theo hãng tin Reuters, đây được xem là bước ngoặt đối với thế giới trong công cuộc cắt giảm khí thải nhà kính gây biến đổi khí hậu. Sau 2 tuần đàm phán khó khăn, dự thảo thỏa thuận này đã nhận được sự đồng thuận của gần 200 quốc gia tham dự COP28.
Thỏa thuận trên đặc biệt kêu gọi chuyển đổi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng một cách công bằng, có trật tự và hợp lý, qua đó tiến tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Văn bản này cũng kêu gọi tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu vào năm 2030, đẩy nhanh nỗ lực giảm sử dụng than và tăng tốc các công nghệ như thu giữ và lưu trữ carbon để có thể làm sạch các ngành công nghiệp khó khử carbon.
Với 122 tuổi đời và từng là doanh nghiệp giá trị nhất thế giới, tập đoàn thép US Steel (Mỹ) ngày càng sa sút và đồng ý để Nippon Steel, hãng thép lớn nhất Nhật Bản mua lại trong một thỏa thuận bằng tiền mặt trị giá 14,1 tỉ đô la Mỹ. Thương vụ trên, được công bố hôm 18-12, đánh dấu diễn biến mới nhất trong quá trình suy thoái dần dần của công ty từng có giá trị lớn nhất hành tinh.
Theo các điều khoản của thỏa thuận, các hoạt động của US Steel sẽ giữ nguyên tên và trụ sở chính tiếp tục đặt tại thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania. Công đoàn United Steelworkers (USW) bao gồm 11.000 công nhân của US Steel, đã chỉ trích thỏa thuận bán lại cho Nippon Steel. USW cho biết sẽ kêu gọi các cơ quan quản lý của chính phủ xem xét kỹ lưỡng thương vụ nói trên và xác định xem giao dịch được đề xuất có phục vụ lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ và mang lại lợi ích cho người lao động hay không. Ngoài ra, một số nhà lập pháp cũng lên tiếng phản đối thương vụ thâu tóm US Steel của Nippon.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương về chủ trương chủ trương nhập khẩu các dự án điện gió từ nước CHDCND Lào về khu vực tỉnh Quảng Trị, Việt Nam. Cụ thể, EVN kiến nghị Bộ Công Thương thẩm định và trình Thủ tướng chủ trương nhập khẩu điện từ nhà máy điện gió Trường Sơn, bổ sung thêm quy hoạch các đường dây để thực hiện đấu nối. Mức giá mua điện từ dự án này là 6,95 US cents/kWh, tương đương khoảng 1.700 đồng/kWh.
Theo Bộ Công Thương, nhà máy này sẽ đi vào vận hành vào quý IV/2025. Giá điện được chủ đầu tư cam kết áp dụng với mức giá trần nhập khẩu từ Lào về Việt Nam cho loại hình nhà máy điện gió là 6,95 US cents/kWh (tương đương khoảng 1.700 đồng/kWh). Theo báo cáo, đến nay tổng công suất nguồn điện tại Lào đã được phê duyệt chủ trương nhập khẩu điện về Việt Nam có thể đưa vào vận hành đến năm 2025 chỉ khoảng 1.977 MW, thấp hơn nhiều so với quy mô nhập khẩu theo biên bản ghi nhớ.
1. Các tập đoàn Thái Lan dự kiến tăng tốc đầu tư ra nước ngoài
Waranon Vanichprapa, đối tác quản lý quốc gia Thái Lan của hãng luật DLA Piper, cho biết các tập đoàn thuộc sở hữu gia đình và các công ty niêm yết khác ở nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á có khả năng tăng cường đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, dịch vụ tài chính, bất động sản, khách sạn và bán lẻ trong những năm tới. Việc các tập đoàn Thái Lan tăng cường đầu tư ra nước ngoài diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á đang phục hồi chậm chạp, chỉ đạt tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 1,9% trong thập niên qua.
Các công ty Thái Lan đã công bố các thương vụ trị giá khoảng 107 tỉ đô la Mỹ để mua tài sản ở nước ngoài kể từ năm 2012, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp. Các thương vụ này, dẫn đầu bởi Central Group của gia tộc Chirathivat, Charoen Pokphand Group của tỉ phú Dhanin Chearavanont, TCC Group của tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakdi và Tập đoàn dầu khí PTT thuộc sở hữu nhà nước, đã giúp các công ty Thái Lan thiết lập chỗ đứng trong lĩnh vực bán lẻ, đồ uống và năng lượng từ Việt Nam đến châu Âu và Mỹ.
Trưa 20-12, sau phiên đàm phán, thương lượng lần thứ hai, tất cả thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia có mặt tại phiên họp đã bỏ phiếu chốt mức tăng lương tối thiểu vùng 2024 là 6%, thời gian áp dụng từ 1-7-2024. Trao đổi với phóng viên ngay sau khi phiên họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia kết thúc, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, đánh giá mức tăng 6% là phù hợp trong bối cảnh người lao động chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp. Với mức tăng lương tối thiểu vùng này, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tiếp tục tuyên truyền, động viên để người lao động nâng cao năng suất, cùng doanh nghiệp vượt khó.