Bản tin thị trường, từ 17/11 – 24/11/2023

Thị trường đám mây Đông Nam Á: 'Miếng bánh béo bở' cả big tech Mỹ và Trung Quốc đều muốn có

Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử

1. Central Group thâu tóm chuỗi cửa hàng bách hóa Selfridges
Nhà điều hành cửa hàng bách hóa lớn nhất Thái Lan Central Group đã nắm quyền kiểm soát công ty điều hành cửa hàng bách hóa Selfridges nổi tiếng ở London (Anh) sau khi đối tác Áo Signa gặp khó khăn về tài chính. Trong một tuyên bố mới đây, tập đoàn bán lẻ thuộc sở hữu của gia tộc Chirathivat cho biết đã chuyển một khoản cho vay thành vốn chủ sở hữu và sẽ giành được phần lớn cổ phần trong công ty điều hành liên doanh. Giao dịch này cũng mang lại cho Central quyền kiểm soát các cửa hàng bách hóa khác trong Tập đoàn Selfridges, bao gồm Brown Thomas & Arnotts ở Ireland và De Bijenkorf ở Hà Lan.
Năm 2021, liên doanh Thái Lan-Áo đã mua Selfridges với giá khoảng 4 tỷ bảng Anh và đó là một trong những thương vụ bán lẻ lớn nhất ở “xứ sở sương mù” trong nhiều năm. Các đối tác kinh doanh cũng đồng sở hữu các cửa hàng bách hóa Globus ở Thụy Sỹ và KaDeWe ở Đức. Tuy vậy, Tập đoàn Signa do ông trùm bất động sản người Áo Rene Benko kiểm soát, đang được các nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ sau khi thuê chuyên gia tái cơ cấu trong bối cảnh khó khăn về tài chính.
Nguồn: https://bnews.vn/central-group-thau-tom-chuoi-cua-hang-bach-hoa-selfridges/315644.html
2. Chuỗi bán lẻ điện máy thua lỗ
Cuộc đua giảm giá, tăng khuyến mại để giành giật thị phần khiến nhiều nhà bán lẻ điện máy, công nghệ không còn lợi nhuận. Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý III/2023 đạt gần 39 tỉ đồng, giảm 96% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng năm 2023, lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ đạt 78 tỉ đồng, giảm đến gần 97% so với cùng kỳ và mới thực hiện chưa đến 2% mục tiêu cả năm. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của chuỗi FPT Shop chỉ đạt 12.222 tỉ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ.Tương tự, Công ty CP Thế Giới Số ghi nhận doanh thu thuần quý III/2023 giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng doanh thu mảng điện thoại giảm đến 26%, doanh thu mảng thiết bị điện gia dụng giảm 20%.
Nhiều chuỗi bán lẻ quy mô lớn khác tại TP HCM cũng thừa nhận từ đầu năm đến nay, do sức mua quá yếu nên phải giảm giá hầu hết sản phẩm, kéo theo giảm biên lợi nhuận. Thậm chí, nhiều mặt hàng điện máy như tivi, máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt… phải bán thấp hơn giá nhập.
Nguồn: https://nld.com.vn/oto-xe-dien-may/chuoi-ban-le-dien-may-thua-lo-20231118200501553.htm
3. Trung tâm thương mại đầu tiên ở Việt Nam bán hàng trên mạng xã hội
Tối 18-11, tại trung tâm thương mại Hùng Vương Plaza (quận 5, TP HCM), Tập đoàn Kido đã phối hợp cùng TikTok Việt Nam khởi động dự án Entertainment & Ecommerce (E2E), kênh mua sắm xúc tiến thương mại kết hợp giải trí đầu tiên trên nền tảng social (xã hội). Kido kỳ vọng việc đầu tư vào kênh E2E trên TikTok sẽ mang đến một kênh tiếp thị, một “trung tâm thương mại”, không chỉ dành cho nhãn hàng đang thuê mặt bằng tại hai trung tâm thương mại Vạn Hạnh Mall, Hùng Vương Plaza của Kido mà còn cho tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn tiếp cận lượng lớn người tiêu dùng.
Cụ thể, E2E là nơi đăng tải những video review thời trang, ẩm thực, trải nghiệm sản phẩm…, các hoạt động trình diễn giải trí chuyên nghiệp cùng những video giải trí độc quyền qua sự kết hợp giữa E2E cùng những tập đoàn truyền thông, giải trí hàng đầu trong và ngoài nước. Đồng thời là kênh để các nhãn hàng, hiệp hội doanh nhân, doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, marketing tiếp cận lượng lớn khách hàng, thực hiện livestream bán hàng trên nền tảng với chi phí thấp.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/trung-tam-thuong-mai-dau-tien-o-viet-nam-ban-hang-tren-mang-xa-hoi-20231119083803916.htm
4. Chợ truyền thống lay lắt bám trụ
Từ tháng 11 là thời điểm vào mùa hàng Tết của chợ truyền thống TPHCM. Vậy nhưng chợ bây giờ đìu hiu, vắng khách, thậm chí người bán còn nhiều hơn người mua. Trưa 21/11, tại chợ Bình Thới (quận 11), dù đang trong giờ cao điểm của chợ nhưng cảnh ế ẩm, thưa vắng khách diễn ra ở hầu hết các sạp hàng. Cũng trong chợ này, những sạp thịt heo, rau củ, hải sản… vắng cả người bán. Theo lời các tiểu thương, do kinh doanh ế ẩm, nhiều tiểu thương không chịu nổi đã trả sạp, sang quầy. Ông Nguyễn Hoàng Kiêu, Trưởng Ban quản lý (BQL) chợ Bình Thới thừa nhận, năm nay mãi lực chợ giảm tới 60% so với năm 2022 do kinh tế khó khăn. Chợ Bình Thới có 553 sạp đã được bố trí, trong đó có hơn 400 sạp đang hoạt động. Ngành hàng khó khăn nhất là các mặt hàng thời trang quần áo, giày dép…
Đại diện BQL chợ An Đông cho biết, hiện nay người tiêu dùng đang chuộng mua sắm trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử. BQL đã liên hệ, mời các Tiktoker đến giới thiệu tổng quan chợ và từng ngành hàng, thậm chí làm việc trực tiếp với các sạp để giới thiệu các mặt hàng… Ông Lê Hồng Minh, nhân viên quản lý kinh doanh chợ Bình Tây cho biết, dự báo sức mua thấp nên tiểu thương gần như không trữ hàng Tết, chỉ khi có khách đặt hàng thì mới nhập. Trước dịch bệnh COVID-19, chợ có khoảng 1.900 sạp hoạt động thì hiện nay chỉ còn khoảng 1.600 – 1.700 sạp.
Nguồn: https://tienphong.vn/cho-truyen-thong-lay-lat-bam-tru-post1588666.tpo

Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực

1. Nhân viên Starbucks đình công tại nhiều cửa hàng
Ngày 16/11, người lao động tại hơn 200 cửa hàng Starbucks tại Mỹ tiến hành đình công một nỗ lực được các nhà tổ chức miêu tả là lớn nhất từ trước tới nay – nhằm yêu cầu cải thiện môi trường làm việc và tiền lương. Theo hãng tin AP, công đoàn Worker United đã lựa chọn đình công ngày 16/11 – hay ngày Red Cup hàng năm của Starbucks – do đây thường là một trong những ngày bận rộn nhất trong năm. Trong ngày này, Starbucks thường tiến hành tặng hàng nghìn chiếc cốc có thể tái sử dụng cho những khách hàng đặt đồ uống của mình.
Cuộc đình công ngày 16/11 là cuộc đình công lớn thứ 5 của người lao động tại Starbucks kể từ khi một cửa hàng ở Buffalo, New York trở thành cửa hàng đầu tiên thành lập công đoàn vào cuối năm 2021. Trong ngày Red Cup năm 2022, người lao động tại 110 cửa hàng của chuỗi đồ uống này đã đình công. Tuy nhiên, các cuộc đình công trên không có khả năng gây ảnh hưởng tới doanh số bán hàng của Starbucks. Trong một phản hồi ngày 16/11, Starbucks cho biết nhiều cửa hàng có công nhân đình công vẫn mở cửa thông qua việc điều động đội ngũ giám sát, quản lý và nhân viên lựa chọn không đình công hoặc đến từ các cửa hàng gần đó.
Nguồn: https://mekongasean.vn/my-nhan-vien-starbucks-dinh-cong-tai-nhieu-cua-hang-post29248.html
2. Ý cấm thịt sản xuất trong phòng thí nghiệm
Ý vừa thông qua đạo luật cấm sản xuất thịt được nuôi từ tế bào động vật trong phòng thí nghiệm nhằm bảo vệ ngành nông nghiệp và văn hóa ẩm thực truyền thống của nước này. Hôm 16-11, Quốc hội Ý thông qua đạo luật cấm sản xuất thịt trong phòng thí nghiệm do chính phủ cánh hữu của Thủ tướng Giorgia Meloni đề xuất. Đạo luật mô tả sự phát triển của thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm và các thực phẩm phi truyền thống khác như bột côn trùng giàu protein là mối đe dọa đối với di sản ẩm thực của đất nước.
Năm ngoái, Coldiretti, một trong những hiệp hội nông nghiệp lớn nhất của Ý, bắt đầu vận động cấm thịt nuôi cấy vì cho rằng loại thịt mới đe dọa tương lai của các nông trại chăn nuôi và chuỗi thực phẩm của Ý. Chiến dịch vận động của Coldiretti đã thu hút được hơn 2 triệu chữ ký và sự ủng hộ của 3.000 chính quyền địa phương và khu vực của Ý.Liên minh protein bổ sung Ý, một tổ chức đại diện cho các công ty và nhà nghiên cứu về protein thịt được nuôi cấy và có nguồn gốc thực vật, cho rằng đạo luật mới quy định những gì người dân có thể và không thể ăn, ngăn cản sự đổi mới và có khả năng vi phạm luật pháp của EU.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/y-cam-thit-san-xuat-trong-phong-thi-nghiem/
3. Grab đưa món ngon Việt Nam đến ‘giao lộ của thế giới’
Từ ngày 13/11 – 20/11, 7 đối tác nhà hàng của Grab, gồm Bún bò An Cựu, Cơm thố Anh Nguyễn, Cơm tấm Phúc Lộc Thọ, Bánh mì Huynh Hoa, Pizza 4P’s, Maycha và The Coffee House đã được Grab hiển thị quảng cáo tại tòa nhà NASDAQ tại trung tâm Quảng trường Thời đại. Những thương hiệu mang đậm bản sắc ẩm thực Việt như bún bò, cơm tấm, cà phê, bánh mì… có thêm một bước tiến lớn ra bạn bè quốc tế. Hiện tại với đa số các đối tác, đơn hàng online chiếm tỷ trọng khá cao trong lượng đơn hằng ngày, giúp cho tình hình kinh doanh ổn định, thậm chí có thương hiệu tăng trưởng tốt, liên tục mở rộng chuỗi dù trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Việc Grab hỗ trợ các đối tác xuất hiện tại tòa nhà NASDAQ vừa đánh dấu một sự kiện đáng nhớ cho hành trình hợp tác của Grab với các thương hiệu, vừa thể hiện nỗ lực không ngừng của ứng dụng này, trong việc góp phần quảng bá ẩm thực Việt Nam ra quốc tế.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/grab-dua-mon-ngon-viet-nam-den-giao-lo-cua-the-gioi-2217458.html
4. Hụt hơi cuộc đua thịt heo thương hiệu
Phân khúc thịt heo thương hiệu cao cấp đang phát triển chậm lại khiến các doanh nghiệp bán lẻ ở mảng này gặp khó. Nhiều cửa hàng kinh doanh thịt heo ở TP HCM gần đây đóng cửa, trả mặt bằng. Một số thương hiệu thịt heo xuất hiện trên kệ các siêu thị, cửa hàng không được bao lâu thì lặng lẽ biến mất. Chỉ những thương hiệu có lợi thế về kênh phân phối mới có thể tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Một chuyên gia trong ngành bán lẻ chỉ ra nhiều cửa hàng thịt heo phải đóng cửa do chọn chiến lược không phù hợp. “Mở cửa hàng độc lập sẽ phải gánh chi phí cao lại không thuận tiện và không phù hợp với thói quen tiêu dùng của người Việt. Sản phẩm phải được bán trong siêu thị, cửa hàng thực phẩm tổng hợp hoặc nơi gần chợ thì mới có khách hàng” – chuyên gia này nói.
Bên cạnh đó, theo ông Trần Văn Trường, Giám đốc điều hành chuỗi bán lẻ Homefarm, dù thịt heo cung cấp đến hơn 60% nguồn đạm trong bữa ăn gia đình người Việt nhưng vẫn không tránh khỏi việc bị cắt giảm nhu cầu khi kinh tế khó khăn. Người tiêu dùng sẵn sàng chuyển từ thịt heo tiêu chuẩn cao sang tiêu chuẩn thấp hơn hoặc thực phẩm khác có giá rẻ hơn như cá, gà, đậu phụ…Ông Quách Phong, Giám đốc Bộ phận Tư vấn Ipsos Việt Nam, nhìn nhận sản phẩm thịt mát hiện mới chiếm thị phần 7% nên tiềm năng còn lớn. Mảng kinh doanh này đang gặp khó do giá cao trong khi kinh tế đang khó khăn nên người tiêu dùng ưu tiên sản phẩm vừa túi tiền. “Doanh nghiệp (DN) có thể cân nhắc đưa ra sản phẩm có giá và chất lượng ở điểm giữa thịt mát tiêu chuẩn cao và thịt bán ở chợ lẻ. Đây có thể là thịt nóng nhưng an toàn, có thương hiệu và giá hợp lý hơn” – ông Phong gợi ý.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/hut-hoi-cuoc-dua-thit-heo-thuong-hieu-20231117211519305.htm
5. Nhà hàng, quán ăn vắng khách, nhiều người lao đao
Sợ cảnh sát giao thông đo nồng độ cồn, kinh tế khó khăn… khiến nhiều người giảm đi nhậu. Nhiều nhà hàng, quán ăn lớn từng đông đúc ở TP.HCM bị giảm khách, phải đóng cửa hoặc giảm nhân viên. Nhiều điểm kinh doanh ăn uống cho biết tỉ lệ lợi nhuận 10 – 15% hiện nay gần như không có, mà chủ yếu chỉ còn được khoảng 3-4%, không tính toán kỹ là lỗ. Đại diện khu du lịch Bình Quới xác nhận lượng khách đến giảm nhiều so với các năm trước dịch, nhất là khách đến nhà hàng, tiệc buffet… giảm 50 – 60% so với thời điểm ăn nên làm ra.
Đại diện siêu thị Lotte Mart cho biết hiện sức mua với nhiều mặt hàng ở kênh bán sỉ như thực phẩm; hóa phẩm như nước rửa chén, lau sàn… đang chậm hơn hẳn mọi năm, đặc biệt ở khối khách hàng nhà hàng, bếp ăn. Trong khi đó, đại diện một chuỗi siêu thị lớn tại TP.HCM cho biết sức mua của khối khách hàng sỉ (chủ yếu nhà hàng, khách sạn) từ đầu năm đến nay giảm 30 – 35% so với trước dịch COVID-19, trong đó sức mua với nhóm sản phẩm thực phẩm thiết yếu như rau, thịt, cá… giảm đều các tháng qua.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nha-hang-quan-an-vang-khach-nhieu-nguoi-lao-dao-20231119224008916.htm
6. Cơ hội hợp tác kinh doanh mới cho các doanh nghiệp thực phẩm
Ngày 21/11, Triển lãm quốc tế lần thứ hai về thực phẩm, đồ uống, thiết bị làm bánh, nhà hàng, khách sạn và cung ứng dịch vụ (Food & Hotel Hanoi 2023) đã khai mạc tại Trung tâm triển lãm quốc tế I.C.E Hà Nội, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ngày 21/11, Triển lãm quốc tế lần thứ hai về thực phẩm, đồ uống, thiết bị làm bánh, nhà hàng, khách sạn và cung ứng dịch vụ (Food & Hotel Hanoi 2023) đã khai mạc tại Trung tâm triển lãm quốc tế I.C.E Hà Nội, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Sự kiện nhằm mục đích xúc tiến thương mại, tạo cầu nối để các thương hiệu quốc tế đến gần với những nhà nhập khẩu, phân phối, bán lẻ và kinh doanh ẩm thực, dịch vụ lưu trú tại Việt Nam. Food & Hotel Hanoi 2023 không chỉ đồng hành cùng cộng đồng ngành F&B, nhà hàng, khách sạn nước ta với vai trò là một điểm đến cập nhật những thông tin, xu hướng mới nhất về ngành, mà còn là nơi tôn vinh, ươm mầm những tài năng trẻ trong ngành ẩm thực, pha chế.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/co-hoi-hop-tac-kinh-doanh-moi-cho-cac-doanh-nghiep-thuc-pham-20231121105447742.htm

Nhóm tin về nông nghiệp – thủy sản – chăn nuôi

1. Cam sành đạt chuẩn nhưng giá chỉ… 2.000 đồng/kg
Nhà vườn ĐBSCL đang có một vụ cam buồn. Những trái cam đạt chuẩn, đẹp chỉ có giá bán 2.000 đồng/kg. Một khu vườn thu hoạch được 1 tấn nhưng bán chỉ được 2 triệu đồng. Chỉ riêng năm nay, cam sành đã 2 lần rớt giá. Cam sành vốn chủ yếu chỉ tiêu thụ nội địa. Chính vì thế cần có những giải pháp căn cơ hơn để có thể giải quyết bình quân 3.000 tấn cam mỗi ngày. Con số này mới chỉ là sản lượng của một địa phương, đó là Vĩnh Long. ĐBSCL còn nhiều địa phương cũng có cam như Trà Vinh, Hậu Giang, Đồng Tháp…
Ông Nguyễn Văn Liêm – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Chúng tôi đã đề xuất các đề tài về chế biến, vừa rồi cũng đã có hội thảo về các nước ép từ cam. Trước mắt, chúng tôi đang xúc tiến thương mại để tìm thị trường các khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh phía Bắc”. Ông Ngô Quốc Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam thông tin: “Cục đã làm hồ sơ gửi sang Trung Quốc từ tháng 5/2023 và đang đàm phán các tiêu chí kĩ thuật để xúc tiến mở cửa thêm cho cây có múi sang Trung Quốc”.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/cam-sanh-dat-chuan-nhung-gia-chi-2000-dong-kg-20231119175312001.htm
2. Giá lúa Thu Đông cao kỷ lục
Vụ lúa Thu Đông năm 2023 đang bước vào cao điểm thu hoạch, thời tiết thuận lợi, năng suất cao, giá các loại lúa tươi bán tại ruộng tăng “kỷ lục”, cao hơn ít nhất từ 1.000-2.500 đồng/kg so cùng kỳ năm ngoái. Bà con rất phấn khởi vì chưa năm nào giá lúa cao như hiện nay. Niềm vui càng nhân đôi khi vụ Thu Đông vừa trúng mùa vừa được giá.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, vụ Thu Đông 2023, toàn tỉnh xuống giống được hơn 157.000 ha, đến nay đã thu hoạch được hơn 50.000 ha, đạt hơn 32% diện tích xuống giống, năng suất bình quân ước đạt 57,8 tạ/ha. Hiện, tỉnh An Giang còn hơn 100.000 ha diện tích lúa chuẩn bị thu hoạch. Với những tín hiệu khả quan từ thị trường lúa gạo, bà con rất háo hức, kỳ vọng giá lúa tiếp tục duy trì ổn định đến thời điểm thu hoạch để việc thu hoạch và tiêu thụ được thuận lợi.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/gia-lua-thu-dong-cao-ky-luc-20231117131351908.htm
3. Người nuôi cá chẽm lỗ nặng vì giá bán giảm mạnh
Sau con tôm, cá tra… nay đến lượt cá chẽm giảm giá mạnh. Giá bán cá chẽm hiện thấp hơn giá thành, khiến người nuôi ở miền Tây lao đao. Ngày 18-11, ông Võ Điền Trung Dũng – giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đại Ngư Nghiệp (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) – cho biết giá cá chẽm so với hai tháng trước giảm từ 15.000 – 20.000 đồng/kg. Hiện thương lái mua vào chỉ với giá 55.000 – 60.000 đồng/kg, trong khi giá thành nuôi cá chẽm dao động từ 60.000 – 65.000 đồng/kg.
 Một doanh nghiệp thu mua cá cho biết ngoài xuất khẩu gặp khó, hiện các nước như Thái Lan, Malaysia sau khi nuôi tôm không lời đã chuyển đổi một số diện tích sang nuôi cá chẽm. “Họ đang vào mùa thu hoạch, sản lượng lớn, chi phí giá thành cũng thấp hơn nên một số nước cắt đơn hàng từ Việt Nam”, một doanh nghiệp thu mua cá xuất khẩu cho hay.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nguoi-nuoi-ca-chem-lo-nang-vi-gia-ban-giam-manh-20231118151858257.htm

Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu

1. Thái Lan tăng mục tiêu xuất khẩu gạo năm 2023 lên 8,5 triệu tấn
Thái Lan đã tăng mục tiêu xuất khẩu gạo trong năm nay lên 8,5 triệu tấn, cao hơn 0,5 triệu tấn so với dự kiến trước đó, trong bối cảnh một số nước như Philippines và Indonesia tăng cường đặt hàng gạo từ Thái Lan. Chủ tịch danh dự của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan Chookiat Ophaswongse cho biết, hiện gạo Thái Lan được bán với giá khoảng 550 USD/tấn đến 555 USD/tấn, thấp hơn đáng kể so với các đối thủ cạnh tranh khác nên một số nước như Philippines và Indonesia đang tăng cường đặt hàng gạo Thái Lan.
Cũng theo Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, sản lượng lúa gạo của nước này năm nay chỉ chịu tác động hạn chế từ hình thái thời tiết El Nino. Vụ mùa 2023 – 2024 dự kiến sẽ mang lại sản lượng 33 – 34 triệu tấn, tăng 2 triệu tấn so với cùng kỳ vụ trước.
Nguồn: https://vtv.vn/the-gioi/thai-lan-tang-muc-tieu-xuat-khau-gao-nam-2023-len-85-trieu-tan-20231117055440842.htm
2. Xuất khẩu rau quả tháng 11 giảm mạnh vì sầu riêng hết mùa
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, với số liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, đơn vị đã tính toán sơ bộ kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu rau quả tháng 11. Theo đó, tháng 11-2023 kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt sơ bộ hơn 375 triệu USD, giảm 38,4% so với tháng 10 (hơn 608 triệu USD), nhưng tăng 22,5% so với tháng 11 năm ngoái (hơn 306 triệu USD). Tổng kim ngạch 11 tháng ước đạt hơn 5,19 tỉ USD, tăng hơn 70% so với cùng kỳ 2022.
Ông Đặng Phúc Nguyên, tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết giá trị xuất khẩu rau quả tháng 11 giảm mạnh so với tháng 9 và 10 chủ yếu do mặt hàng sầu riêng bị giảm mạnh lượng xuất vì đã hết chính vụ. Cũng theo ông Nguyên, tháng cuối năm với các mặt hàng như chuối, mít, xoài… sẽ gia tăng lượng xuất. Tuy nhiên, lượng tăng này không nhiều và vẫn không thể bù lại so với khoản giá trị bị hụt từ sầu riêng. Do đó nếu không có gì đột biến, giá trị xuất khẩu trong tháng tới khả năng chỉ quanh quẩn ở mức trên dưới 350 triệu USD. Với tính toán trên, ông Nguyên cho rằng giá trị xuất khẩu rau quả của năm 2023 sẽ đạt trên dưới 5,5-5,6 tỉ USD, thấp hơn mức 6 tỉ USD như kỳ vọng của một số chuyên gia.
Nguồn: https://tuoitre.vn/xuat-khau-rau-qua-thang-11-giam-manh-vi-sau-rieng-het-mua-20231121163216266.htm

Nhóm tin về xu hướng xanh – bền vững

1. Kiến nghị điều chỉnh việc triển khai cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR)
Theo Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), ngành công nghiệp tái chế còn yếu và nhiều “nút thắt” từ hệ thống phân loại rác tại nguồn tới công đoạn thu hồi, tái chế. Cụ thể, hệ thống phân loại rác tại nguồn vận hành chưa hiệu quả, phế liệu thu hồi do đó hạn chế về số lượng lẫn chất lượng. Hầu hết hoạt động tái chế đang sử dụng nguyên liệu đầu vào là phế liệu nhập khẩu, chỉ có khoảng 6% rác thải nhựa phát sinh trong nước được tái chế. Vì vậy, PRO Việt Nam đề xuất cần có biện pháp hạn chế dần việc nhập khẩu phế liệu, tạo động lực cho thu gom trong nước.
Theo PRO Việt Nam, giai đoạn đầu triển khai cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR), nhiều doanh nghiệp còn đang phải xây dựng giải pháp tái chế, khó có thể đảm bảo đạt được ngay 100% khối lượng tự tái chế theo quy định. Việc chỉ cho phép doanh nghiệp lựa chọn một hình thức: hoặc đóng tiền vào VEPF (Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam) hoặc tự tổ chức tái chế rất khó, không khuyến khích doanh nghiệp tự tổ chức tái chế theo đúng chủ trương của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện trách nhiệm, PRO Việt Nam đề nghị trong giai đoạn bắt đầu của EPR, doanh nghiệp được lựa chọn hình thức kết hợp tự tái chế và đóng tiền vào VEPF cho phần chưa tái chế được.
Nguồn: https://tuoitre.vn/rac-ngay-cang-nhieu-cong-nghiep-tai-che-van-chiu-nhieu-nut-that-2023111914534735.htm
2. Đổi mới sáng tạo cho một Việt Nam xanh hơn
Hội nghị Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (Vietnam Innovation Summit – VIC 2023) là sự kiện thường niên do InnoLab Asia phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức. Năm nay, diễn đàn sẽ diễn ra vào ngày 25,26/11 cùng sự đồng hành của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), S-World với chủ đề “Đổi mới sáng tạo cho một Việt Nam xanh hơn” (Innovation for a Greener Vietnam).
Nhằm tìm hiểu những cơ hội và thách thức xoay quanh chủ đề trên, VIC 2023 quy tụ các lãnh đạo, quản lý tại những doanh nghiệp, tập đoàn đạt thành tựu nổi bật trong nước và quốc tế như Vingroup, Vinfast, Sơn Kim, Biti’s, Phúc Sinh, Lazada, Qualcomm, Standard Chartered,… cũng như các startup có nhiều dấu ấn trên thị trường như Datbike và Ecotruck. Các chuyên gia quốc tế từ các tổ chức đầu tư, hỗ trợ và tư vấn về đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững như UNDP, 01BOOSTER, Business Finland, Budding Innovations, Lead The Change,… cũng mang đến những kinh nghiệm và nguồn lực đa dạng cho cộng đồng sáng tạo.
Nguồn: https://vneconomy.vn/doi-moi-sang-tao-cho-mot-viet-nam-xanh-hon.htm

Nhóm tin về ngành thời trang – làm đẹp

1. Alibaba rót vốn vào chuỗi cửa hàng mỹ phẩm Hasaki tại Việt Nam
Theo DeelStreetAsia, ngày 20/11, tập đoàn bán lẻ hàng đầu Trung Quốc Alibaba đã đồng ý mua cổ phần thiểu số trong chuỗi mỹ phẩm và làm đẹp Hasaki có trụ sở tại Việt Nam. Thương vụ này được thực hiện thông qua đơn vị Alibaba International Digital Commerce. Chia sẻ với DealStreetAsia, ông Hiep Dinh, Giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập Hasaki cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng được chào đón Alibaba International với tư cách là nhà đầu tư tài chính. Bất chấp những điều kiện kinh tế vĩ mô đầy thách thức, thương vụ này là minh chứng cho năng lực và mô hình kinh doanh của đội ngũ Hasaki”.
Hiện Hasaki được hậu thuẫn bởi quỹ đầu tư mạo hiểm Excelsior Capital Asia của Hồng Kông (Trung Quốc). Ngoài ra, quỹ đầu tư Koru Capital có trụ sở tại TP HCM cũng đóng vai trò cố vấn tài chính cho Hasaki. Về nhà đầu tư mới của Hasaki, Alibaba International Digital Commerce (AIDC) là một mảng kinh doanh được tách ra từ Alibaba Group sau đợt tái cấu trúc của công ty vào hồi tháng 3 năm nay. Trong đợt tái cơ cấu này, Alibaba đã tiến hành tách thành 6 doanh nghiệp. Trong đó, AIDC đảm nhiệm vận hành trang web Alibaba.com, cũng như mảng bán lẻ ở nước ngoài bao gồm Lazada, AliExpress, Trendyol và Daraz.
Nguồn: https://mekongasean.vn/alibaba-rot-von-vao-chuoi-cua-hang-my-pham-hasaki-tai-viet-nam-post29331.html

Nhóm tin về ngành du lịch

1. Du lịch y tế của Malaysia hút ngoại tệ từ khách hàng Indonesia
Năm 2022, lượng khách du lịch y tế của Indonesia chiếm 54% bệnh nhân nước ngoài đến Penang, một tiểu bang của Malaysia khám và chữa trị. Nhưng sang năm 2023, con số này đã tăng mạnh. Theo dữ liệu của Trung tâm Du lịch y tế Penang (PMED), trong 9 tháng của năm 2023, khoảng hơn 287.000 bệnh nhân nước ngoài đã đến Penang, tính trung bình mỗi ngày có 1.069 bệnh nhân đến khám và chữa bệnh, trong đó, 90% là từ nước láng giềng Indonesia
Theo một lãnh đạo của PMED, tiểu bang Penang ưu tiên khách Indonesia vì vị trí địa lý gần, hầu hết bệnh nhân đến từ Medan trên đảo Sumatra. “Penang cũng cách Medan một chuyến phà. Người dân Medan cũng sang đây chăm người nhà đang trị bệnh”, vị này nói. Cách thức quảng bá “miệng truyền miệng” đã khiến danh tiếng của Penang từ Medan lan tỏa khắp xứ vạn đảo. Lo ngại mất đi nhiều tỉ đô la Mỹ mỗi năm nên Indonesia đang tìm cách cải thiện dịch vụ y tế trong nước để ‘ngăn cản’ tình trạng chảy máu ngoại tệ sang láng giềng.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/du-lich-y-te-cua-malaysia-hut-ngoai-te-tu-khach-hang-indonesia/
2. Sở Du lịch TP.HCM đánh giá chính sách visa vẫn chưa thông thoáng
Trong 10 tháng đầu năm, du lịch TP.HCM đón hơn 4,1 triệu lượt khách, so với mục tiêu đề ra đầu năm, con số này đạt 82% kế hoạch. Tuy nhiên, du lịch quốc tế vẫn chưa phục hồi so với năm 2019. Dự kiến, du lịch TP.HCM sẽ đạt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách trong năm nay, khi hai tháng cuối năm là cao điểm đón khách du lịch quốc tế. Đặc biệt sức hấp dẫn của điểm đến này được hỗ trợ bởi chính sách visa cởi mở hơn, có hiệu lực từ ngày 15-8. Tuy vậy, theo Sở Du lịch TP, dù nút thắt visa điện tử được mở ở tất cả thị trường, nhưng thực tế các hồ sơ, thủ tục liên quan đến duyệt visa vẫn còn chậm và chưa thật sự thông thoáng, gây mất khá nhiều thời gian để hoàn tất thủ tục.
So với các nước trong khu vực, các quốc gia được Việt Nam miễn thị thực còn quá thấp, điển hình như Indonesia miễn thị thực cho công dân khoảng 169 quốc gia và vùng lãnh thổ, Philippines miễn thị thực cho công dân khoảng 166 quốc gia và vùng lãnh thổ… Điều này dẫn đến việc lượng khách từ các thị trường trọng điểm, thị trường mới có tiềm năng vẫn mất chi phí cao, tốn nhiều thời gian để được duyệt, nên dần dần chuyển sang các thị trường khác cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong lĩnh vực du lịch như Thái Lan, Singapore… Sở Du lịch TP kiến nghị để hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp lữ hành đón các đoàn khách du lịch quốc tế lớn đến Việt Nam, Cục Quản lý xuất nhập cảnh rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ xin cấp thị thực theo đoàn của các doanh nghiệp lữ hành.
Nguồn: https://tuoitre.vn/so-du-lich-tp-hcm-danh-gia-chinh-sach-visa-van-chua-thong-thoang-20231121154405924.htm

Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ

1. Thị trường đám mây Đông Nam Á: ‘Miếng bánh béo bở’ cả big tech Mỹ và Trung Quốc đều muốn có
Theo dữ liệu từ nhà nghiên cứu thị trường IDC, các công ty Hoa Kỳ hiện đang thống trị thị trường điện toán đám mây ở Đông Nam Á. Microsoft và Amazon Web Services (AWS) có thị phần tổng hợp hơn 60% thị trường dịch vụ, cung cấp điện toán đám mây cho các công ty khác. Nhưng các công ty Trung Quốc cũng đang đầu tư mạnh vào khu vực, đưa ra những mức giá chiết khấu hấp dẫn mà các công ty Mỹ đang phải vật lộn để bắt kịp.
Đông Nam Á đang nổi lên như một trung tâm toàn cầu cho các nhà cung cấp dịch vụ đám mây. Theo IDC, doanh thu cơ sở hạ tầng đám mây của khu vực đã tăng lên 2,18 tỷ USD vào năm 2022, tăng 25% so với năm trước. Singapore chiếm khoảng một nửa tổng số, trong khi Philippines, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Indonesia đều ghi nhận mức tăng trưởng hàng năm trên 30%, vượt xa các thị trường châu Á khác và toàn cầu, với mức tăng trưởng lần lượt là 25% và 29%.
Nguồn: https://vneconomy.vn/thi-truong-dam-may-dong-nam-a-mieng-banh-beo-bo-ca-big-tech-my-va-trung-quoc-deu-muon-co.htm
2. Dừng IPO mảng điện toán đám mây, Alibaba ‘bốc hơi’ 22 tỉ đô la vốn hóa
Trong phiên giao dịch hôm 17-11, cổ phiếu của Alibaba ở Hồng Kông có lúc giảm sâu hơn 10%, khiến vốn hóa sụt giảm hơn 22 tỉ đô la. Cổ phiếu của Alibaba bị bán tháo sau khi ban lãnh đạo công ty thông báo dừng kế hoạch tiến hành chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) đối với mảng dịch vụ điện toán đám mây Cloud Intelligence Group (CIG). Ngoài ra, hai công ty quản lý tài sản của Jack Ma, người đồng sáng lập Alibaba, cũng tiết lộ kế hoạch bán gần 900 triệu trị giá cổ phiếu Alibaba.
Kế hoạch IPO bị trì hoãn là bước thụt lùi so với chiến lược được công bố vào tháng 5, khi CIG cho biết sẽ tách khỏi công ty mẹ trong vòng 12 tháng tới và cuối cùng sẽ niêm yết độc lập. Alibaba đổ lỗi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip cao cấp của Mỹ đã buộc công ty phải dừng kế hoạch IPO cho CIG. Trong cuộc họp báo với các nhà phân tích hôm 16-11, ban lãnh đạo Alibaba khẳng định tập đoàn sẽ tiếp tục đầu tư vào bộ phận đám mây.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/dung-ipo-mang-dien-toan-dam-may-alibaba-boc-hoi-22-ti-do-la-von-hoa/
3. OpenAI sa thải CEO Sam Altman
Sam Altman, một trong những nhân vật nổi bật nhất trong thế giới trí tuệ nhân tạo (AI), bị cách chức CEO của OpenAI, công ty mà ông đồng sáng lập và đứng sau chatbot ChatGPT nổi tiếng. Hội đồng quản trị OpenAI giải thích, quyết định này được đưa ra vì mất niềm tin vào Altman với tư cách là người lãnh đạo công ty. Giá cổ phiếu của Microsoft, công ty đã bơm 10 tỉ đô la vào OpenAI, đã giảm tới 2,4% sau tin tức về sự ra đi của Altman.
Giám đốc công nghệ Mira Murati, một kỹ sư gốc Albania, 34 tuổi, người đã giúp phát triển một số sản phẩm nổi tiếng nhất của OpenAI sẽ giữ chức CEO tạm thời của OpenAI. Murati, người đã gia nhập OpenAI vào năm 2018, đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý ChatGPT và Dall-E (công cụ tạo hình ảnh của OpenAI).
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/openai-sa-thai-ceo-sam-altman/
4. Vừa bị OpenAI sa thải, Sam Altman đã có việc mới tại Microsoft
Cựu Giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman sẽ gia nhập Microsoft để lãnh đạo một nhóm nghiên cứu AI tiên tiến mới, theo tuyên bố của Giám đốc điều hành Microsoft Satya Nadella. Ông Nadella công bố thông tin này trên nền tảng X (Twitter). Ông viết rằng ông Altman và Greg Brockman, cựu CEO và cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị OpenAI, cùng với các đồng nghiệp khác, sẽ gia nhập Microsoft để lãnh đạo một nhóm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo tiên tiến mới. Gã khổng lồ công nghệ Microsoft đã đầu tư hàng tỉ USD vào OpenAI và có mối quan hệ đối tác công nghệ chặt chẽ với công ty này.
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/cuoc-doi-ngoi-cua-cha-de-chatgpt-20231120211613523.htm
5. Ông Sam Altman đồng ý quay trở lại làm Giám đốc Điều hành của OpenAI
OpenAI ngày 22/11 thông báo ông Sam Altman đã đồng ý quay trở lại làm Giám đốc Điều hành (CEO) của công ty phát triển Trí tuệ Nhân tạo (AI) này. Động thái diễn ra chỉ vài ngày sau khi Sam Altman – người cũng là đồng sáng lập OpenAI – bị Hội đồng Quản trị sa thải.
Trước đó, hơn 740 nhân viên trong tổng số 770 người làm việc tại OpenAI đã cùng ký vào một bức thư ngỏ yêu cầu Hội đồng Quản trị công ty từ chức và khôi phục chức vụ Giám đốc điều hành của ông Sam Altman, nếu không họ sẽ đồng loạt nghỉ việc để chuyển tới Microsoft – nơi làm việc mới của ông Altman.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/ong-sam-altman-dong-y-quay-tro-lai-lam-giam-doc-dieu-hanh-cua-openai-post909189.vnp
6. Doanh số vượt dự đoán, công cụ AI của Baidu bắt đầu kiếm ra tiền
Baidu đã ra đòn đáp trả lớn đầu tiên của Trung Quốc đối với ChatGPT của OpenAI. Mới đây, Baidu công bố doanh thu tăng mạnh hơn một chút so với dự kiến là 6% lên 34,4 tỷ nhân dân tệ (4,8 tỷ USD) từ tháng 7 đến tháng 9. Baidu ước tính Ernie, biệt danh của công ty cho mô hình AI tổng quát, sẽ giúp tạo thêm hàng trăm triệu nhân dân tệ doanh thu quảng cáo trong quý cuối cùng của năm 2023. Cổ phiếu của công ty đã tăng hơn 1% trong giao dịch trên thị trường ở New York.
Baidu đã đưa Ernie vào các sản phẩm chủ lực của mình từ tìm kiếm, bản đồ và chia sẻ tệp, đồng thời công ty hiện tính phí đăng ký hàng tháng khoảng 8 USD đối với người dùng chatbot mới nhất của mình. Li nói với các nhà phân tích trong một cuộc gọi hội nghị rằng họ cũng vận hành một dịch vụ đám mây làm nền tảng cho các dịch vụ AI, dự kiến sẽ quay trở lại mức tăng trưởng doanh thu hàng năm trong quý này. Các mô hình AI có thể trở thành nguồn doanh thu lâu dài.
Nguồn: https://vneconomy.vn/doanh-so-vuot-du-doan-cong-cu-ai-cua-baidu-bat-dau-kiem-ra-tien.htm

Nhóm tin về ngành công nghiệp nặng – năng lượng

1. Giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh vào thứ Năm hằng tuần
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 80/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu (Nghị định 80), có hiệu lực từ ngày 17-11. Theo Nghị định 80, đã rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống 7 ngày. Thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày thứ Năm hằng tuần.
Cũng tại lần sửa đổi này, đã cho phép đại lý kinh doanh xăng dầu được lấy xăng dầu từ tối đa 3 nguồn nhằm tạo cạnh tranh về chiết khấu xăng dầu trên thị trường, đồng thời tăng tính chủ động cho các đại lý bán lẻ xăng dầu trong việc tạo nguồn, cung ứng xăng dầu, thay vì quy định chỉ được nhập từ 1 nguồn như trước đây.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/gia-xang-dau-se-duoc-dieu-chinh-vao-thu-nam-hang-tuan-20231117174029687.htm
2. Đề xuất giá điện bậc thang mới: Cao nhất hơn 3.600 đồng/kWh
Theo dự thảo thay thế Quyết định 28/2018 mới nhất được Bộ Công Thương gửi Bộ Tư pháp thẩm định, biểu giá điện mới sẽ được rút từ 6 bậc xuống còn 5 bậc. Cùng với điều chỉnh giảm số bậc thang, giá điện các bậc cũng có sự điều chỉnh, trong đó, giá điện bậc 5 áp dụng cho hộ dung từ 701 kWh/tháng trở lên được đề xuất là 3.612,22 đồng/kWh.
Dự thảo mới của Bộ Công Thương cũng đưa ra 2 đề xuất với nhóm khách hàng sử dụng điện cho mục đích trạm, trụ sạc xe điện. Theo phương án 1 được đưa ra, biểu giá điện cho cấp điện áp từ trung áp trở lên sẽ áp dụng theo các khung giờ cao điểm, bình thường và thấp điểm với mức tăng lần lượt 175%, 112% và 68%. Giá điện cho trụ, trạm sạc dùng cấp điện áp hạ áp dưới 0,1kV cho các khung giờ cao điểm, bình thường và thấp điểm sẽ là 205%, 119% và 70%. Với phương án 2, Bộ Công Thương đề xuất áp dụng giá điện theo giá điện kinh doanh.
Nguồn: https://tienphong.vn/de-xuat-gia-dien-bac-thang-moi-cao-nhat-hon-3600-dongkwh-post1588775.tpo

Nhóm tin về liên kết, đầu tư, start-up, DN mới

1. SC Capital dự kiến rót 660 triệu USD đầu tư trung tâm dữ liệu tại Nhật Bản
SC Capital Partners, nhà đầu tư bất động sản đến từ Singapore, đang lên kế hoạch xây dựng hai trung tâm dữ liệu ở Osaka (Nhật Bản) với giá trị ước tính 100 tỷ yen (660 triệu USD) và dự kiến khai trương vào năm 2027. Theo kế hoạch, ban đầu SC Capital sẽ cho các khách hàng doanh nghiệp thuê các trung tâm dữ liệu này và sau đó sẽ bán dần. Sau khi bán, công ty sẽ lên kế hoạch thu phí để vận hành trung tâm. Dự kiến yêu cầu về năng lượng – thước đo quy mô của các trung tâm dữ liệu, của dự án này là 50 megawatt.
SC Capital đã đầu tư vào các trung tâm dữ liệu trên khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương thông qua công ty con SC Zeus Data Centers. Hiện công ty đang xem xét phát triển thêm các trung tâm dữ liệu bổ sung ở cả Tokyo và Osaka. Trong khi đó, tập đoàn trung tâm dữ liệu Equinix của Mỹ cũng cho biết sẽ mở rộng hoặc xây dựng thêm nhiều trung tâm mới ở Tokyo và Osaka, Nhật Bản.
Nguồn: https://bnews.vn/sc-capital-du-kien-rot-660-trieu-usd-dau-tu-trung-tam-du-lieu-tai-nhat-ban/315770.html
2. Kết nối các startup với hệ sinh thái khởi nghiệp Hàn Quốc
Ngày 29/11, SK Group (Hàn Quốc) sẽ tổ chức Demo Day của chương trình SK Startup Fellowship 2023 (SKSF 2023). Đây là lần thứ tư liên tiếp (SKSF Batch#4) chương trình được tổ chức kể từ năm 2020 nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác và đầu tư vào các startup tiềm năng. Top 10 startup SKSF Batch#4, được chọn lọc từ hàng trăm hồ sơ ứng tuyển, đã trải qua hành trình 6 tháng với các hoạt động hỗ trợ chuyên sâu như cố vấn 1:1 với mentor, networking với hệ sinh thái là các nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm, và tập đoàn tại Việt Nam.
Trong sự kiện đặc biệt Demo Day, những startup xuất sắc của SKSF 2023 sẽ chia sẻ bức tranh toàn diện về doanh nghiệp và hành trình phát triển, những cột mốc kinh doanh quan trọng đã đạt được trong chương trình. Thông qua đó, các tập đoàn, nhà đầu tư, quỹ đầu tư có thể nắm bắt các thông tin hữu ích nhất về các mô hình kinh doanh sáng tạo này để tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư và đồng hành với các startup trong chiến lược tăng trưởng kinh doanh đột phá.
Nguồn: https://vneconomy.vn/ket-noi-cac-startup-voi-he-sinh-thai-khoi-nghiep-han-quoc.htm
3. Diễn đàn Mekong Connect 2023: Hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững
Trong 2 ngày 15 và 16/11/2023, tại Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra diễn đàn Mekong Connect 2023 với chủ đề “Kết nối chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị giữa vùng kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững”, dưới sự chủ trì của Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Khoa học và Công nghệ. Mekong Connect 2023 được phối hợp điều phối và thực hiện bởi: Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, Hội hàng Việt Nam chất lượng cao, VCCI Cần Thơ. Mekong Connect 2023 là lần thứ 8 Diễn đàn diễn ra, năm nay do Thành phố Hồ Chí Minh đăng cai tổ chức, và sự tham gia của 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.
Diễn đàn với nhiều nội dung quan trọng, bao gồm Triển lãm: Nền kinh tế xanh và bền vững của Việt Nam. Trong đó, có sự tham gia của các doanh nghiệp Xanh, đều là doanh nghiệp Hội hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập đang mạnh trên thị trường tham gia, như: Vinamilk, Lộc Trời, Vinamit, Thiên Long, Minh Long I, Điện Quang, Duy Tân, Phú Lễ, Faslink, DannyGreen, … với những sản phẩm công nghệ, tái chế, sản phẩm từ nông nghiệp công nghệ cao, có tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.
Bên cạnh đó là những sản phẩm đặc sản bản địa, đặc trưng vùng miền, sản phẩm chế biến sâu trong nông nghiệp của gần 100 doanh nghiêp, doanh nông trẻ. Những doanh nông trẻ này hình thành từ Cuộc thi Dự án Khởi nghiệp Xanh trong suốt 10 năm qua.  Từ sân chơi này, hàng trăm bạn trẻ trên khắp vùng miền cả nước đã tận dụng tài nguyên bản địa trong nông nghiệp, để vươn lên làm giàu cho quê hương, đất nước. Họ được nhìn nhận là những doanh nông trẻ, tương lai của đất nước trong chặng đường phát triển tương lai. Đây là một thành quả của hoạt động liên kết giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, cùng lực lượng khởi nghiệp nông nghiệp cả nước.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/kinh-te/dien-dan-mekong-connect-2023-huong-toi-nen-kinh-te-xanh-va-ben-vung-652478.html

Nhóm tin về tài chính

1. Đề xuất giảm 2% thuế VAT kéo dài hết năm 2024, với tất cả hàng hóa
Chính phủ đề xuất giảm 2% thuế VAT với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (giảm còn 8%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ). Tuy nhiên, nhiều ý kiến đại biểu đã đề xuất nên kéo dài thời gian áp dụng giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2024 và mở rộng các nhóm hàng hóa được giảm.
Các đại biểu cho rằng ban đầu có thể nghĩ giảm thuế sẽ giảm nguồn thu ngân sách nhưng điều này giống như nuôi dưỡng nguồn thu, hỗ trợ lại cho người dân, doanh nghiệp thì sẽ giúp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như tiêu thụ hàng hóa được thuận lợi hơn thì kinh tế tiếp tục phát triển và nguồn thu ngân sách vẫn tiếp tục tăng. Thực tế còn nhiều dư địa để thực hiện tiếp các chính sách giảm thuế, phí để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Nguồn: https://tuoitre.vn/giam-2-thue-vat-nen-keo-dai-het-nam-2024-voi-tat-ca-hang-hoa-20231121082627427.htm
BSAi