Bản tin thị trường, 19-25/4/2024

Apple đầu tư kỷ lục vào Singapore

Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử

1.    Các tỉ phú bán lẻ giá rẻ ở châu Á phất lên trong thời kỳ lạm phát
Khối tài sản của các tỉ phú sở hữu các chuỗi bán hàng giá rẻ ở châu Á tăng thêm nhiều tỉ đô la Mỹ khi khách hàng đổ xô đến cửa hàng của họ trong thời kỳ lạm phát. Với nhu cầu tăng vọt, họ đang mở rộng hoạt động kinh doanh để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng trong khu vực. Theo dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor International, các cửa hàng tạp hóa, bao gồm cả các nhà bán lẻ đồng giá, chứng kiến ​​doanh thu tăng 5,1% lên 224,7 tỉ đô la Mỹ trên toàn cầu vào năm ngoái, sau mức tăng trưởng 2,3% trong năm 2022.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh trong phân khúc bán lẻ hàng giá rẻ đang gia tăng. Sự trỗi dậy của các nền tảng thương mại điện tử bán hàng giá rẻ của Trung Quốc như Temu của PDD Holdings và AliExpress của Alibaba Group khiến các cửa hàng đồng giá nổi tiếng ở Mỹ chịu áp lực. Các nhà bán lẻ giá rẻ ở Mỹ bao gồm 99 Cents Only Stores, Family Dollar Stores and Dollar Tree đã phải đóng cửa nhiều cửa hàng. Temu và AliExpress cũng đang xâm nhập mạnh mẽ vào thị trường Hàn Quốc.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/cac-ti-phu-ban-le-gia-re-o-chau-a-phat-len-trong-thoi-ky-lam-phat/
2.    Takashimaya sắp mở trung tâm thương mại ở Hà Nội
Takashimaya – một trong những hệ thống trung tâm thương mại nổi tiếng tại Nhật Bản – tính chi khoảng 13 triệu USD xây trung tâm thương mại mới ở Hà Nội. Khu phức hợp mới sẽ có một trung tâm mua sắm với diện tích bán hàng khoảng 10.000 m2 cùng với các cửa hàng đặc trưng. Tập đoàn này đang cân nhắc việc thuê người Nhật để bán các mặt hàng như thực phẩm, mỹ phẩm và quần áo trẻ em.
Hiện, Takashimaya đang gặp khó khăn trong việc phát triển tại thị trường Nhật Bản, do đó, “ông lớn” bán lẻ này đang đặc biệt hướng tới Đông Nam Á để tăng lợi nhuận của tập đoàn. Trong đó, Việt Nam đang được định vị là thị trường tăng trưởng lớn nhất của Takashimaya nhờ sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và thượng lưu.
Nguồn: https://znews.vn/takashimaya-sap-mo-trung-tam-thuong-mai-o-ha-noi-post1471281.html
3.    Các thương hiệu xa xỉ ‘tranh nhau’ tìm mặt bằng cao cấp ở trung tâm TP HCM
Các thương hiệu xa xỉ như Rene Caovilla, Cartier, Fendi… đều mở rộng mặt bằng kinh doanh ở trung tâm TP.HCM trong quý I. Thị trường trong các tháng đầu năm cũng đón thêm nhiều thương hiệu xa xỉ quốc tế khác trong lĩnh vực thời trang, đồng hồ, trang sức… Bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý cấp cao Dịch vụ cho thuê bán lẻ của Savills TP.HCM cho biết đa số thương hiệu cao cấp đều tìm kiếm mặt bằng co cụm tại các TTTM tọa lạc ở những trục đường, vị trí đắc địa đã tập trung nhiều thương hiệu xa xỉ khác (thường được gọi là “luxury cluster”).
Nhờ đó, tỷ lệ mặt bằng trống tại các TTTM ở trung tâm TP.HCM được lấp đầy đáng kể. Các chuyên gia tại CBRE cho rằng xu hướng mở rộng kinh doanh của các thương hiệu xa xỉ đã giúp diện tích mặt bằng trống tại khu vực trung tâm TP.HCM về ngưỡng rất thấp và mức giá thuê cũng đang tăng trưởng tốt. Theo báo cáo quý I/2024 của đơn vị này, tỷ lệ mặt bằng TTTM trống ở trung tâm TP đã giảm 1,1 điểm % so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4,7%. Trong khi đó, giá thuê đã gần chạm ngưỡng 240 USD/m2/tháng, tăng nhẹ 1,8% so với năm trước.
Nguồn: https://znews.vn/thuong-hieu-xa-xi-gianh-nhau-mat-bang-trung-tam-tphcm-post1471573.html
4.    8 năm Phiên chợ Xanh – Tử tế: Trao niềm tin và lan truyền thông điệp xanh cho người tiêu dùng
Phiên chợ Xanh – Tử tế là Phiên chợ do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (Trung tâm BSA) cùng Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (DN HVNCLC) tổ chức vào năm 2016. Đại diện cho Ban tổ chức Phiên chợ Xanh  – Tử tế, bà Vũ Kim Anh – Phó giám đốc Trung tâm BSA cho biết, 8 năm là một hành trình dài, tới thời điểm này đã là hơn 340 phiên chợ.
Theo bà Vũ Kim Anh, từ phiên chợ Xanh tử tế nhỏ này nhiều người tiêu dùng đã thấy rằng, nông sản Việt Nam có sự phong phú, đa dạng, cùng với đó là việc chế biến ra được rất nhiều sản phẩm từ nông sản. Người tiêu dùng Phiên chợ Xanh – Tử tế ngày một an tâm, đánh giá cao những sản phẩm nơi đây, vì họ biết rằng, chúng tôi có đi kiểm tra, đi khảo sát và kể cả hướng dẫn cho nông dân cách làm tiêu chuẩn… Cùng từ đây mà nhiều doanh nghiệp, người khởi nghiệp đã được lắng nghe những ý kiến phản hồi, để làm ra thêm những sản phẩm chất lượng đưa ra thị trường, hay cải tiến sản phẩm của mình ngày một tốt hơn.
Ngoài ra, Phiên chợ Xanh – tử tế này đã giúp cho một lực lượng doanh nghiệp là những doanh nông trẻ ngày càng phát triển, và nhận thức rằng là sản phẩm đưa ra thị trường phải là sản phẩm chất lượng tốt, đạt các tiêu chuẩn. Những bạn trẻ doanh nông này có sự sáng tạo trong ứng dụng khoa học công nghệ, trong bảo quản, chế biến, để đảm bảo cho sản phẩm có chất lượng ổn định, đảm bảo những cái quy trình pháp lí…. Nhiều doanh nghiệp trong số này đã trưởng thành và trở thành những Doanh nghiệp HVNCLC, HVNCLC – Chuẩn hội nhập, Ocop 3-4-5*; cùng với nhà xưởng và quy trình đạt các tiêu chuẩn quốc tế như HACCP, ISO và hữu cơ…
Nguồn: https://bsamedia.vn/8-nam-phien-cho-xanh-tu-te-trao-niem-tin-va-lan-truyen-thong-diep-xanh-cho-nguoi-tieu-dung/
5.    Doanh số trên các sàn TMĐT tăng mạnh
Theo nền tảng số liệu E-commerce Metric, tổng doanh số trên 5 sàn thương mại hàng đầu tại Việt Nam bao gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Tiktok Shop trong 3 tháng đầu năm 2024, đã đạt mức 71.200 tỉ đồng, tăng trưởng lên đến 78,69% so với cùng kỳ năm 2023. Con số này vượt xa những dự báo trước đó của chuyên gia rằng mức tăng trưởng chỉ khoảng 35%. Tổng cộng 766,7 triệu đơn hàng đã được giao thành công tới người tiêu dùng trong 3 tháng qua, tăng 83,21% so với cùng kỳ năm 2023.
E-commerce Metric lý giải để đạt được con số trên nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế trong nước. Cùng đó là việc triển khai nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, người dân hiện có xu hướng chi tiêu mạnh mẽ hơn so với giai đoạn sau đại dịch COVID-19. Hơn nữa, mua sắm trực tuyến trở thành một phần không thể thiếu trong thói quen tiêu dùng của người Việt. Dự kiến trong quý II/2024, tổng doanh số trên 5 sàn bán lẻ trực tuyến hàng đầu tại Việt Nam sẽ đạt mức 84,87 ngàn tỉ đồng với 882,12 triệu đơn hàng được bán ra, tăng tương ứng là 19,2% và 13,57% so với quý I.
Nguồn: https://nld.com.vn/choang-voi-so-tien-nguoi-viet-chi-mua-hang-online-196240423133925061.htm
6.    Đề xuất đánh thuế VAT với đơn hàng nhập khẩu chuyển qua Shopee, Lazada, TikTok
Theo số liệu của Tổng công ty cổ phần Bưu chính viễn thông, tại thời điểm tháng 3-2023, có trung bình khoảng 4-5 triệu đơn hàng/ngày được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam. Với giá trị mỗi đơn hàng được chia nhỏ từ 100.000 – 300.000 đồng; hằng ngày trung bình có khoảng 45 – 63 triệu USD, một tháng khoảng 1,3 – 1,9 tỉ USD giá trị hàng hóa được luân chuyển qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok…
Theo chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh, hiện nhiều nước đã bỏ quy định miễn thuế với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ để bảo vệ nguồn thu, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu. Đồng thời đề nghị Chính phủ tham khảo xu thế chung để cân nhắc bỏ quy định này, tạo điều kiện mở rộng và bao quát các nguồn thu trong bối cảnh hạn chế về ngân sách hiện nay.
Ông Mạnh nêu thêm mức thuế suất phổ thông 10% tại Việt Nam hiện nay là thấp hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Thuế suất trung bình trong khu vực châu Á là 12%, khối OECD 19%, EU 22%…, thuế suất trung bình toàn cầu hiện nay là 15%. Việt Nam có dư địa để tăng thuế suất thuế VAT trong tương lai, đặc biệt trong bối cảnh cần mở rộng cơ sở thu.
Nguồn: https://tuoitre.vn/don-hang-chuyen-qua-shopee-lazada-tiktok-hang-ti-usd-thang-co-nen-mien-thue-vat-202404231728376.htm

 

Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực

1.    Làn sóng IPO của các hãng Trà sữa Trung Quốc
Ngày 23/4, chuỗi trà sữa lớn thứ ba của Trung Quốc – Sichuan Baicha Baidao Industrial phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), hướng tới mục tiêu thu về 300 triệu USD tại sàn chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc). Điều này sẽ giúp cặp vợ chồng Wang Xiaokun và Ms Liu Weihong, hai nhà thành lập Sichuan Baicha Baidao Industrial nâng tổng giá trị tài sản ròng lên 2,7 tỷ USD sau IPO dựa trên 73% cổ phần họ sở hữu.
Hai đối thủ lớn nhất của Baicha Baidao cũng đang xem xét IPO là Guming Holdings vốn có 9.000 cửa hàng ở Trung Quốc và Auntea Jenny – hãng bán lẻ trà sữa lớn thứ tư tại quốc gia tỷ dân. Nhà sản xuất trà sữa lớn nhất Trung Quốc Mixue Group cũng đang nghiên cứu IPO. Công ty này có khoảng 36.000 cửa hàng trong và ngoài nước. Anh em trai Zhang HongChao và Zhang Hongfu thành lập Mixue năm 1997 và họ đều trở thành tỷ phú với Bloomberg ước tính tài sản ròng của mỗi người là 1,5 tỷ USD.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/tra-sua-giup-san-sinh-hang-loat-ty-phu-moi-o-trung-quoc-20240423112855376.htm
2.    Giá thực phẩm sắp hạ nhiệt
Theo công ty dự báo phân tích kinh tế Oxford Economics (Mỹ), giá thực phẩm toàn cầu có thể chạm đáy trong năm 2024, qua đó giảm bớt áp lực lên người tiêu dùng. Theo Ngân hàng Thế giới, giá lương thực toàn cầu đã giảm 9% trong năm 2023. Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc cho biết chỉ số giá lương thực thế giới ở mức thấp nhất trong 3 năm vừa qua vào tháng 2-2024, song tăng nhẹ trong tháng 3 do giá bơ sữa, thịt và dầu thực vật tăng.
Nhà kinh tế trưởng Kiran Ahmed của Oxford Economics nhận định giá lương thực giảm thêm 5,6% trong năm nay nhưng có thể tăng trở lại vào năm tới do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi.
Nguồn: https://nld.com.vn/gia-thuc-pham-sap-cham-day-196240423213802045.htm
3.    Thêm một thương hiệu nước giải khát đến với người tiêu dùng Việt
Thums Up là một thương hiệu toàn cầu với tuổi đời hơn 45 năm, thuộc công ty Coca-Cola. Thums Up Charged® giờ sẽ có mặt tại tất cả các điểm bán hàng trong bao bì lon và chai tiện lợi. Thums Up Charged® – thương hiệu nước giải khát tiếp sinh lực có tên gọi và biểu tượng được lấy cảm hứng từ hình ảnh “Ngón Tay Cái” cùng tinh thần “Thích Thì Nhích” vừa chính thức ra mắt trên toàn quốc từ tháng 4 này.
Những năm gần đây, nhu cầu về đồ uống không cồn gia tăng, đặc biệt là nhóm đồ uống giúp nâng cao sự tỉnh táo về tinh thần và hiệu suất thể chất. Trong bối cảnh đó, Thums Up Charged® đã được giới thiệu đến người tiêu dùng Việt Nam trong 2 phiên bản: hương Kiwi và hương Dâu rừng. Được bổ sung vitamin B3, caffeine và kẽm, sản phẩm nước giải khát mang vị thơm ngon, sảng khoái này đã trở thành một lựa chọn lý tưởng cho nhu cầu “Tiếp sinh lực – Bừng tỉnh táo” của người tiêu dùng.
Nguồn: https://bnews.vn/them-mot-thuong-hieu-nuoc-giai-khat-den-voi-nguoi-tieu-dung/330869.html
 

Nhóm tin về nông nghiệp – thủy sản – chăn nuôi

1.    Giá gạo Ấn Độ hạ nhiệt
Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 tháng do nhu cầu yếu, trong khi kỳ nghỉ lễ kéo dài khiến hoạt động giao dịch ở Thái Lan trầm xuống. Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được báo giá ở mức 538-546 USD/tấn, giảm so với mức 540-548 USD/tấn của tuần trước. Hồi tháng trước, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã chạm mức cao kỷ lục 560 USD/tấn.
Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada, bang Andhra Pradesh cho biết nhu cầu vẫn yếu trong vài tuần qua. Người mua vẫn trì hoãn đặt hàng với dự đoán giá sẽ còn tiếp tục giảm.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/gia-gao-an-do-cham-day-cua-gan-3-thang-20240421091916301.htm
2.    Giá cà phê ngày càng nóng
Ngày 18-4, đại diện Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA) thông tin giá cà phê trong ngày đã lên mức 125.000 đồng/kg, tăng khoảng 25.000 đồng/kg so với cuối tháng 3. Ngày 24/4, giá cà phê Robusta trong nước tiếp tục tăng từ 2.500 đồng – 3.500 đồng/kg, tiến sát mốc 130.000 đồng/kg, xô đổ các kỷ lục về giá. Nguyên nhân chính vẫn là do nhu cầu mua quá cao trong khi nguồn cung còn rất ít. Hiện tại, trên thế giới cà phê Việt Nam đang “một mình một chợ” vì các nước như Indonesia, Brazil, Ấn Độ đều chưa vào mùa thu hoạch. Phải đến tháng 7, khi Brazil thu hoạch cà phê, nguồn cung mới cải thiện.
Trong khi đó, trên sàn London, giá cà phê Robusta tiếp tục nhảy vọt lên mức cao kỷ lục 4.234 USD/tấn cho kỳ hạn giao tháng 5, tăng 229 USD/tấn so với phiên trước. Đại diện VICOFA cho biết giá cà phê trên sàn London dùng để tham chiếu khi giao dịch quốc tế. Tuy nhiên, để ra giá xuất khẩu phải cộng thêm 800 – 900 USD/tấn. Tức là nhà mua hàng nước ngoài sẽ phải trả đến 5.000 USD/tấn để mua được cà phê Robusta Việt Nam.
Nguồn: https://nld.com.vn/gia-ca-phe-da-len-125000-dong-kg-196240418193806797.htm
https://www.nguoiduatin.vn/gia-ca-phe-robusta-trong-nuoc-tang-ky-luc-lo-ngai-nguon-cung-giam-a660532.html
 

Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu

1.    Thái Lan dự kiến xuất khẩu 1 triệu tấn sầu riêng trong năm nay
Thái Lan dự kiến xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn sầu riêng, trị giá ước tính 130 tỷ baht (3,53 tỷ USD) trong năm nay, với phần lớn trong đó là xuất sang thị trường Trung Quốc. Bộ trưởng Nông nghiệp Thái Lan Thammanat Prompao ngày 20/4 cho biết ông đã chỉ thị cho Ủy ban Trái cây gặp gỡ những người nông dân trồng sầu riêng, những người phân loại và cắt sầu riêng, các doanh nhân, những người điều hành nhà máy phân loại và đóng gói, các nhà xuất khẩu và Cục Xúc tiến hợp tác xã và khuyến nông nông nghiệp, để đảm bảo sầu riêng xuất khẩu đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và yêu cầu GAP của Trung Quốc. Ngoài ra, ông cũng yêu cầu tìm cách giảm chi phí phân bón và thuốc trừ sâu cho nông dân trồng sầu riêng.
Theo Cục trưởng Cục Nông nghiệp Rapeephat Chantarasriwong, hơn 64.000 ha vườn sầu riêng ở các tỉnh phía Đông Thái Lan đã đăng ký với cơ quan hải quan Trung Quốc và được cấp giấy chứng nhận GAP, điều này sẽ tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu sầu riêng của họ sang Trung Quốc.
Nguồn:   https://baotintuc.vn/the-gioi/thai-lan-du-kien-xuat-khau-1-trieu-tan-sau-rieng-trong-nam-nay-20240421224612342.htm
2.    Mỹ muốn tăng thuế gấp 3 lần với nhôm và thép Trung Quốc
Ngày 17/4, trong chuyến thăm công nhân thép tại bang Pennsylvania, ông Joe Biden nói yêu cầu muốn tăng thuế nhập khẩu đối với nhôm và thép Trung Quốc. Cụ thể, mức thuế mới được đề xuất là 22,5%, tăng gấp ba lần so với mức hiện hành là 7,5%. Theo Nhà Trắng, chính sách tăng thuế đối với nhôm và thép Trung Quốc là động thái bảo vệ ngành công nghiệp sản xuất trong nước.
Hiện, thông điệp của Tổng thống Joe Biden được nhà sản xuất sắt thép trong nước ủng hộ. Tuy nhiên, điều này có nguy cơ xảy ra rủi ro kinh tế. Thuế nhập khẩu tăng đồng nghĩa thép và nhôm đắt đỏ hơn, dẫn đến việc tăng chi phí, ảnh hưởng người dân Mỹ, tình trạng lạm phát tăng cao. Trong khi đó, ông Jared Bernstein – Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế Nhà trắng – cho rằng việc tăng thuế đối với kim loại nhập từ Trung Quốc là cần thiết, không ảnh hưởng lạm phát.
Nguồn: https://tienphong.vn/my-muon-tang-thue-gap-3-lan-voi-nhom-va-thep-trung-quoc-post1630028.tpo
3.    Trung Quốc xuất khẩu gần 26 triệu tấn thép trong quý I/2024
Làn sóng xuất khẩu thép lớn nhất của Trung Quốc đang gia tăng kể từ khi xảy ra tình trạng dư thừa toàn cầu vào giữa những năm 2010 đang gây ra căng thẳng thương mại trên toàn thế giới. Nước sản xuất thép lớn nhất thế giới này đã xuất khẩu gần 26 triệu tấn thép trong quý I/2024 – tăng 28% so với cùng kỳ năm trước đó.
Xuất khẩu thép của Trung Quốc tăng vọt đang ảnh hưởng tới những mối quan hệ thương mại trên toàn thế giới. Tổng thống Mỹ Joe Biden đang kêu gọi áp thuế lên tới 25% đối với một số sản phẩm thép của Trung Quốc.  Xuất khẩu thép của Trung Quốc sang Brazil trong quý I/2024 đã tăng 29% so với cùng kỳ năm trước đó, xuất khẩu sang Colombia và Chile lần lượt tăng 46% và 32%, theo Kallanish Commodities.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/trung-quoc-xuat-khau-gan-26-trieu-tan-thep-trong-quy-i-2024-2024042320321439.htm
4.    Thép nhập khẩu tăng nhanh, cần ứng phó để thị trường phát triển lành mạnh
Thép nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh về số lượng từ năm 2023 đến những tháng đầu năm 2024. Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, nếu trong cả năm 2023, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 13,33 triệu tấn, thì ngay tháng 1/2024, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 1,488 triệu tấn. Với lượng nhập khẩu chưa từng có trong lịch sử, sản xuất thép trong nước bị thiệt hại nặng nề. Trước tình thế này, mới đây, các DN sản xuất thép cán nóng (HRC) như Formosa, Hòa Phát đã nộp đơn lên Bộ Công Thương đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá với thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Hiện nay, các nhà máy sản xuất thép trong nước (bao gồm cả thép HRC) đều đã áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm trong nước và quốc tế vào quá trình sản xuất như TCVN, JIS, ASTM,… và các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu. Tuy nhiên, giá bán sản phẩm nhập khẩu thấp bất thường so với giá thành sản xuất do các yếu tố phi thị trường, như có trợ giá hoặc gian lận thương mại cần có sự điều tra, đánh giá của cấp có thẩm quyền áp dụng các biện pháp để bảo đảm sự bình đẳng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của quốc gia và nhà sản xuất trong nước.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/thep-nhap-khau-tang-nhanh-can-ung-pho-de-thi-truong-phat-trien-lanh-manh-post1089957.vov
5.    Việt Nam trở thành đối tác xuất khẩu gạo lớn nhất tại Singapore
Theo thống kê của Cơ quan quản lý doanh nghiệp của Singapore, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Singapore trong 3 tháng đầu năm 2024 tiếp tục tăng trưởng rất tốt, đạt kim ngạch khoảng 36,15 triệu SGD, tăng 80,46% so với cùng kỳ 2023. Đáng chú ý, bên cạnh mặt hàng thế mạnh truyền thống của Việt Nam là gạo tẻ trắng, 2 nhóm hàng khác là gạo nếp và gạo thơm xay xát hoặc tróc vỏ cũng vươn lên chiếm lĩnh phần lớn thị phần tại Singapore, lần lượt đạt 80,08% và 73,33%.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, Thái Lan, Ấn Độ và Nhật Bản đang là các đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam trên thị trường gạo Singapore. Đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam dường như đã mở rộng thành công thị trường sang các mặt hàng khác như gạo nếp và gạo thơm xay xát hoặc tróc vỏ. Dù vậy, xu hướng này vẫn cần thêm thời gian và sự cố gắng để đảm bảo duy trì bền vững vị trí đối tác lớn nhất.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/viet-nam-tro-thanh-doi-tac-xuat-khau-gao-lon-nhattaisingapore-20240420110015559.htm
6.    Xuất khẩu cà phê thêm khó với chính sách mới từ các nước
Không chỉ khó khăn về sản lượng giảm, giá thu mua vào cao, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê dự kiến sẽ đối diện thêm khó khăn mới. Cụ thể, theo Công văn số 133/SPS-BNNVN của Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa cho biết, Mexico yêu cầu hạt cà phê xuất khẩu vào nước này phải giữ tại cửa khẩu để kiểm tra cho đến khi nhận được kết quả phân tích. Nếu kết quả kiểm tra có đối tượng kiểm dịch, nhà nhập khẩu có thể chọn trả lại nơi xuất khẩu hoặc tiêu hủy. Nếu kết quả kiểm tra có côn trùng (không phải đối tượng kiểm dịch), có thể sẽ áp dụng biện pháp xử lý bằng hoạt chất Methyl bromide.
Ngoài Mexico, Văn phòng SPS Việt Nam cũng nhận thông báo từ UAE, Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Ả rập Xê út, Yemen liên quan đến lấy mẫu; phương pháp kiểm tra và thử nghiệm, đóng gói, vận chuyển, bảo quản và ghi nhãn đối với hạt cà phê rang nguyên hạt và cà phê rang xay thuộc giống (Coffea). Tổng doanh thu cà phê tại Mexico được dự báo lên tới 2,7 tỷ USD vào năm 2024, trong đó doanh thu cho nhóm đối tượng sử dụng tại nhà (thường là cà phê hòa tan) khoảng 1,2 tỷ USD. Việt Nam và Hoa Kỳ là hai quốc gia xuất khẩu cà phê nhiều nhất vào Mexico. Việc các thị trường đưa ra những quy định mới sẽ gây áp lực lên xuất khẩu cà phê của Việt Nam.
Nguồn: https://congthuong.vn/xuat-khau-ca-phe-gia-tang-ap-luc-moi-316462.html
7.    Xuất khẩu cá ngừ khó đạt kim ngạch tỷ USD năm 2024
Quý 1/2024, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam chỉ mang về hơn 200 triệu USD. Với kết quả này, ngành cá ngừ khó có thể lấy lại kim ngạch tỷ USD như đã từng đạt trong năm 2022. Nhận định về thực trạng ngành cá ngừ của Việt Nam, VASEP cho rằng còn nhiều khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu trong năm 2024. Theo đó, giá cá ngừ nguyên liệu tại Bangkok đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm qua nhưng căng thẳng Biển Đỏ vẫn tiếp tục gia tăng. Có thể trong quý 1/2024, điều này chưa ảnh hưởng nhiều tới xuất khẩu nhưng với tốc độ gia tăng giá cước phí vận chuyển như hiện nay và thời gian giao hàng kéo dài sẽ khiến cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt vấn đề về vốn.
Mặt khác, những vướng mắc liên quan đến thủy sản khai thác và quy định chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) cũng đang khiến cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp gặp nhiều thách thức. Đơn cử, thời gian cấp Giấy xác nhận nguyên liệu khai thác (S/C) của các cảng cá kéo dài hàng tháng đang gây ảnh hưởng lớn tới sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Nguồn: https://mekongasean.vn/xuat-khau-ca-ngu-kho-dat-kim-ngach-ty-usd-nam-2024-post34005.html
8.    Tỉ giá USD tăng nóng, doanh nghiệp nhập khẩu đau đầu, méo mặt
Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu cho hay tỉ giá tăng nóng đang là “nỗi ám ảnh lớn” vì phải dùng đồng USD để nhập nguyên liệu, đặc biệt doanh nghiệp nhập khẩu hàng tiêu dùng, thiết yếu. Ngay cả các ngành tưởng như thế mạnh, như xuất khẩu nông – lâm – thủy sản cũng phải nhập khẩu số lượng lớn nguyên liệu từ nước ngoài. Theo một lãnh đạo Hiệp hội Chế biến và Nuôi trồng thủy sản Việt Nam (VASEP), bình quân mỗi năm, ngành thủy sản phải chi hơn 300 triệu USD để nhập nguyên liệu.
Lãnh đạo Công ty Kinh doanh gạch ốp lát Viglacera cho rằng khi tỉ giá tăng, các doanh nghiệp xuất khẩu đương nhiên hưởng lợi, nhưng với doanh nghiệp xuất khẩu mà phải nhập khẩu nguyên liệu thì chuyện lợi, chuyện lãi chỉ dừng lại ở mức… cân bằng.
Nguồn: https://tuoitre.vn/ti-gia-usd-tang-nong-doanh-nghiep-nhap-khau-dau-dau-meo-mat-20240420105553606.htm
9.    Hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu gỗ dán nguy cơ đóng cửa
Theo thông tin từ Chi Hội Gỗ dán Việt Nam, vừa qua, phía Hàn Quốc tái điều chống bán phá giá sản phẩm gỗ dán Việt Nam xuất khẩu đi Hàn Quốc. Mức thuế phía Hàn Quốc dự kiến áp dụng đối với sản phẩm gỗ dán Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này sẽ tăng trên 4% so với mức thuế trước đây. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ dán của Việt Nam lo phải đóng cửa vì khó khăn do phía Hàn Quốc sắp ra các phán quyết cuối cùng về thuế chống bán phá giá gỗ dán với sự chênh lệch mức thuế biên độ dao động từ 4,2 – 13,04%.
Ông Trịnh Xuân Dương – Phó chi hội trưởng Chi hội Gỗ dán Việt Nam cho rằng, việc điều tra và áp thuế từ phía Hàn Quốc là chưa khách quan. Bởi lẽ, trong số các doanh nghiệp được điều tra thì chỉ chiếm số lượng rất nhỏ trong tổng số doanh nghiệp việt xuất khẩu mặt hàng này vào thị trường Hàn Quốc. Chi Hội Gỗ dán Việt Nam đã đề nghị Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) kiến nghị tới cơ quan quản lý của Chính phủ Hàn Quốc tạo điều kiện thông thoáng cho sản phẩm ván ép Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường này một cách tốt nhất.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/hang-loat-doanh-nghiep-xuat-khau-go-dan-nguy-co-dong-cua-post1090892.vov
10.  Hàng xuất khẩu Việt Nam bị khởi xướng điều tra nhiều tại Mỹ, Ấn Độ, Indonesia
Báo cáo thường niên Phòng vệ thương mại năm 2023 của Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) vừa công bố cho hay: tính đến hết tháng 12/2023, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của 242 vụ việc điều tra liên quan đến phòng vệ thương mại, trong đó quốc gia khởi xướng nhiều nhất là Mỹ, Ấn Độ, Indonesia, Australia, Thổ Nhĩ Kỳ… Riêng trong năm 2023 đã phát sinh 15 vụ việc mới do nước ngoài khởi xướng với hàng hóa xuất khẩu nước ta, bên cạnh nhiều vụ việc đang trong quá trình điều tra, hoặc thuộc diện rà soát hàng năm, rà soát cuối kỳ.
Chỉ ra nguyên nhân khiến hàng hóa xuất khẩu bị khởi kiện PVTM ngày càng nhiều, Bộ Công thương cho hay, Việt Nam là nền kinh tế mở, đã và đang tham gia đàm phán, ký kết nhiều FTA quan trọng, mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu. Sự vươn lên của các trung tâm sản xuất hàng hóa mới nổi như Việt Nam với thế mạnh hàng hóa có giá cả phải chăng, đạt tiêu chuẩn chất lượng đã làm cho nhiều thị trường nhập khẩu, đặc biệt là một số nền kinh tế phát triển áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với tần suất cao hơn.
Nguồn: https://baodautu.vn/hang-xuat-khau-viet-nam-bi-khoi-xuong-dieu-tra-nhieu-tai-my-an-do-indonesia-d213684.html
 

Nhóm tin về xu hướng xanh – bền vững

1.   Lần đầu tiên bỉm đã qua sử dụng được tái chế và bán trong siêu thị
Một công ty ở Nhật Bản bắt đầu bán bỉm tái chế đầu tiên trên thế giới, khi xã hội già hóa của đất nước Mặt Trời mọc trải qua sự chuyển đổi nhu cầu về bỉm trẻ em sang bỉm dành cho người lớn tuổi. Tờ Mainichi Shimbun đưa tin công ty Unicharm, có trụ sở tại tỉnh Kagoshima phía tây nam Nhật Bản, với sự hợp tác của chính quyền địa phương bắt đầu bán bỉm tái chế người lớn và trẻ em trong tháng này tại các trung tâm mua sắm ở Kyushu – một trong bốn hòn đảo chính của Nhật Bản.
Sản phẩm được được mô tả là tái chế “theo chiều ngang”, tức bỉm được tái chế thành bỉm chứ không phải thành một loại sản phẩm khác. Unicharm cho biết hãng đã sử dụng công nghệ khử trùng, tẩy trắng và khử mùi bằng ozone để đảm bảo bỉm tái chế không có mùi khó chịu và vi khuẩn. Bỉm tái chế sẽ được chuỗi siêu thị Aeon Kyushu triển khai dần dần tới 68 cửa hàng. Một gói 42 chiếc có giá 1.078 yen (7 USD).
Nguồn: https://lifestyle.znews.vn/dieu-chua-tung-thay-tren-the-gioi-lan-dau-xay-ra-o-nhat-ban-post1470707.html
2.   Ngành hàng không trước xu hướng chuyển đổi sang nhiên liệu xanh
Theo ông Võ Tân Thành, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF), có thể giúp cắt giảm tới 80% lượng khí thải carbon so với sử dụng nhiên liệu truyền thống. Thế nhưng, chi phí sản xuất loại nhiên liệu này khá cao nên sẽ là thách thức không nhỏ. Theo ước tính, nếu một chuyến bay sử dụng 100% nhiên liệu xanh thì giá vé máy bay tăng gần 50% so với giá vé máy bay sử dụng nhiên liệu truyền thống.
Các hãng bay trên thế giới đã chuyển đổi. Cuối năm ngoái hãng hàng không Virgin Atlantic của Anh đã thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên trên thế giới sử dụng 100% SAF. Trong năm 2024, AirFrance (Pháp) sẽ sử dụng 50% nhiên liệu trộn giữa hóa thạch với SAF cho hãng bay của mình. Ở Đông Nam Á, Singapore đã sử dụng SAF từ năm 2017 và đang tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ. Ông Kelvin Lee, Phó giám đốc Hiệp hội vận tải hàng không thế giới (IATA) cho biết có 320 hãng bay thuộc IATA , chiếm 83% lưu lượng vận chuyển hàng không toàn cầu đều hướng đến mục tiêu giảm phát thải bằng 0. Tại Việt Nam Vietnam Airlines, VietJet và Bamboo Airlines cũng đang theo đuổi mục tiêu này.
Vấn đề hiện nay mức giá SAF hiện khá là cao nên ảnh hưởng vào giá vé bay. Ông Kevin Lee, phó giám đốc IATA, cho rằng Chính phủ mỗi quốc gia và các hãng hàng không cần nỗ lực nâng cao nhận thức cho hành khách để khách hàng của ngành hàng không có sự thấu hiểu và chia sẻ về ý nghĩa của SAF. Đây là phương pháp mà Singapore đã thực hiện trước khi bắt buộc tỷ lệ nhiên liệu SAF.
Nguồn: https://tuoitre.vn/hang-bay-xai-nhien-lieu-xanh-gia-ve-tang-the-nao-20240423182216058.htm
 

Nhóm tin về ngành thời trang – làm đẹp

1.   Prada và Hermes đứng vững trong tâm bão suy thoái của ngành hàng xa xỉ
Thương hiệu LVMH đã “yên tâm” với kết quả kinh doanh của mình trong nhiều năm nhưng năm nay thì không như vậy. Điều đáng lo ngại là doanh số bán hàng của LVMH tại châu Á, ngoại trừ Nhật Bản đã giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này đã khẳng định rằng, ngay cả những thương hiệu lớn nhất cũng không thoát khỏi sự suy thoái của ngành hàng xa xỉ toàn cầu.
Giữa tâm bão suy thoái của toàn ngành hàng xa xỉ, Prada dường như đang thách thức sự suy thoái của Trung Quốc. Doanh số bán hàng của Tập đoàn Prada đã tăng 17% trong quý 4/2023. Phần lớn sự tăng trưởng của Prada đến từ châu Á. Thương hiệu Miu Miu đã đạt được thành công to lớn khi mở rộng phân khúc khách hàng của mình từ giới trẻ cho đến bất kỳ ai có năng lượng trẻ trung.
Những khách hàng siêu giàu của Hermes từ xưa đến nay vẫn được cho là miễn nhiễm với chu kỳ kinh tế. Chính vì vậy mà thương hiệu này cũng không bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái trong ngành hàng xa xỉ. Chiến lược của Hermes tại Trung Quốc cũng như các nơi khác, tập trung vào việc thu hút nhóm khách hàng cực kỳ giàu có ở các cửa hàng và các sự kiện riêng tư. Hoạt động này trái ngược với việc mua sắm trực tuyến của tầng lớp trung lưu.
Nguồn: https://thuonggiaonline.vn/prada-va-hermes-dung-vung-trong-tam-bao-suy-thoai-cua-nganh-hang-xa-xi-post551773.html
2.   Trùm bán lẻ thời trang Mỹ phá sản vì khách hàng giảm chi tiêu
Ngày 22/4, chuỗi bán lẻ thời trang Express Inc đã nộp đơn xin phá sản theo Chương 11 của Luật phá sản Mỹ và dự định đóng hơn 100 cửa hàng.Theo hồ sơ tại Tòa án Phá sản bang Delaware (Mỹ), nhà bán lẻ thời trang sở hữu các thương hiệu như Express, Bonobos và UpWest Express có tổng tài sản và nợ phải trả trong khoảng từ 1 tỷ USD đến 10 tỷ USD
Là một phần của quá trình tái cơ cấu hậu phá sản, Express Inc tuyên bố họ sẽ đóng khoảng 95 cửa hàng bán lẻ Express và tất cả các cửa hàng UpWest bắt đầu từ ngày 23/4, mà không nêu chi tiết địa điểm cụ thể. Nhà bán lẻ thời trang đa thương hiệu này cho biết họ dự định duy trì hoạt động kinh doanh như bình thường trong khi tiến hành thủ tục phá sản do tòa án giám sát để tạo điều kiện cho việc nối lại hoạt động bán hàng chính thức.
Nguồn: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/trum-ban-le-thoi-trang-my-pha-san-vi-khach-hang-giam-chi-tieu-d48031.html
3.   Tiktok Shop kết hợp cùng thương hiệu bán hàng xa xỉ tại Anh để thu hút gen Z
Tại thị trường Anh, nền tảng mua sắm trực tuyến TikTok Shop đang hướng đến đối tượng khách hàng Gen Z với bước tiến mới – hợp tác với các công ty bán hàng xa xỉ uy tín. Luxe Collective, Sellier Knightsbridge, Sign of the Times, Hardly Ever Worn It và Break Archive là 5 thương hiệu bán hàng xa xỉ uy tín của Anh hợp tác cùng nền tảng trong chiến lược bán hàng mới nhất. Người dùng giờ đây có thể săn các mặt hàng túi xách hàng hiệu đã qua sử dụng, từ những chiếc túi đeo vai monogram Louis Vuitton cổ điển, túi tote Bottega Veneta thời thượng, hay các túi xách từ Fendi, Chanel, theo Vogue Business.
Nhắm mục tiêu rõ ràng vào Gen Z, nền tảng này giới hạn giá niêm yết các sản phẩm hàng hiệu dưới 4.000 bảng Anh (khoảng 4.900 USD), đồng thời khuyến khích các nhà bán hàng đưa mức giá đa dạng để thu hút người tiêu dùng trẻ bước chân vào phân khúc hàng xa xỉ. Trên TikTok có 62.000 video gắn hashtag #prelovedfashion (tạm dịch: thời trang đã qua sử dụng), cho thấy nhu cầu tìm kiếm các mặt hàng xa xỉ bền vững và hợp túi tiền của người dùng trẻ.
Nguồn: https://lifestyle.znews.vn/tu-thien-duong-hang-nhai-den-noi-san-tui-hermes-birkin-louis-vuitton-post1471625.html
 

Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ

1.    Apple đầu tư kỷ lục vào Singapore
Trong chuyến thăm Singapore, CEO Apple Tim Cook công bố kế hoạch đầu tư kỷ lục 250 triệu USD vào quốc đảo sư tử, với mục tiêu mở rộng cơ sở sản xuất và tăng trưởng doanh số thiết bị trong bối cảnh tình hình kinh doanh gặp khó khăn ở Trung Quốc. Singapore đang là trung tâm khu vực của gã khổng lồ công nghệ Cupertino, với vai trò quan trọng về phần cứng, phần mềm, dịch vụ và hỗ trợ.
Với kế hoạch đầu tư 250 triệu USD, “nhà táo” cho biết sẽ mở rộng vai trò mới cho Singapore, bao gồm cả công nghệ trí tuệ nhân tạo. Khoản đầu tư mới cũng sẽ nâng cấp cơ sở vật chất và phòng thí nghiệm của công ty, gồm cả việc mở rộng 50% quy mô trung tâm phần cứng.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/apple-dau-tu-ky-luc-250-trieu-usd-vao-singapore-2271969.html
2.    Huawei ‘tung đòn’, Apple thêm đau đầu ở Trung Quốc
Giữa lúc người Trung Quốc đang dần “chán” iPhone, Huawei lại tung ra con át chủ bài Pura 70, khiến thị phần của Nhà Táo tại đất nước tỷ dân thêm phần lung lay. Doanh số bán iPhone đã giảm ở mức đáng báo động – 24% trong 6 tuần đầu năm so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu từ Counterpoint Research.
Counterpoint ước tính doanh số bán điện thoại thông minh của Huawei tăng 64% trong 6 tuần đầu năm. Apple đang bộc lộ sự yếu thế trước cạnh tranh nội địa ở Trung Quốc. Doanh thu ròng ở khu vực Trung Quốc đại lục là 20,8 tỷ USD trong 3 tháng cuối năm ngoái, giảm so với 23,9 tỷ USD cùng kỳ năm 2022.
Nguồn: https://vtcnews.vn/huawei-tung-don-apple-them-dau-dau-o-trung-quoc-ar866162.html
3.    Doanh nghiệp Trung Quốc ở châu Âu bị đột kích
Ngày 23/4, lực lượng chức năng của Ủy ban châu Âu (EC) đã đột kích các văn phòng ở Hà Lan và Ba Lan của một công ty thiết bị an ninh Trung Quốc. Hành động trên diễn ra trong bối cảnh các cơ quan quản lý của Liên minh châu Âu (EU) tăng cường trấn áp các công ty bị tình nghi nhận được trợ cấp không chính đáng từ nước ngoài. Phía EU nêu rõ: “Có dấu hiệu cho thấy công ty được kiểm tra có thể đã nhận trợ cấp nước ngoài, có thể làm biến dạng thị trường nội địa”.
Quy định trợ cấp nước ngoài của khối 27 thành viên cho phép cơ quan điều hành EU kể từ tháng 7/2023 đánh giá liệu trợ cấp có cho phép các công ty đưa ra những đề nghị có lợi thế quá mức trong đấu thầu mua sắm để vượt qua các đối thủ EU hay không. Kể từ đó, khối đã tiến hành 4 cuộc điều tra, nhắm vào các công ty Trung Quốc.
Nguồn: https://baoquocte.vn/doanh-nghiep-trung-quoc-o-chau-au-bi-dot-kich-bac-kinh-noi-rat-soc-va-khong-hai-long-268916.html
4.    Tesla có thể tiến vào thị trường Ấn Độ
Đài CNN đưa tin tỷ phú Elon Musk dự kiến sang Ấn Độ vào tuần tới. Hãng Reuters cùng trang The Financial Times dẫn nguồn tin tiết lộ tỷ phú Musk sẽ nhân chuyến thăm công bố khoản đầu tư 2 – 3 tỉ USD vào quốc gia Nam Á, chủ yếu để xây nhà máy Tesla. Nhà máy này sẽ góp phần thúc đẩy nỗ lực biến Ấn Độ thành trung tâm sản xuất lớn toàn cầu của Thủ tướng Modi.
Động thái tiến vào nền kinh tế đang phát triển nhanh nhất thế giới cũng đem lại lợi ích cho tỷ phú Musk. Mặc dù hiện tại xe điện chiếm chưa đến 2% tổng doanh số xe ở Ấn Độ, nhưng đây sẽ là điểm đến hấp dẫn trong những năm tới đối với Tesla khi tình hình kinh doanh ở các thị trường lớn khác ảm đạm.
Nguồn: https://1thegioi.vn/tesla-co-the-tien-vao-thi-truong-an-do-216288.html
5.    Hãng xe điện Tesla sẽ ra mắt nhiều mẫu xe mới sớm hơn dự kiến
Ngày 23/4, tập đoàn sản xuất xe điện Tesla của Mỹ cho biết hãng sẽ cho ra mắt các mẫu xe mới vào đầu năm 2025, sớm hơn so với kế hoạch ban đầu. Sau thông báo này, cổ phiếu của Tesla đã có lúc tăng gần 11% trong phiên giao dịch cùng ngày. Các mẫu xe mới sẽ được sản xuất trên các dây chuyền hiện tại của Tesla, kết hợp nền tảng công nghệ hiện tại và nền tảng thế hệ mới. Ngoài ra, Tesla cũng đề cập một mẫu taxi tự lái (robotaxi) mang tính “đột phá”, song không nói rõ thời điểm cụ thể công bố mẫu này.
Tesla cho rằng kế hoạch sản xuất mẫu xe mới sẽ giúp hãng kiểm soát tốt hơn các khoản chi phí đầu tư vào thời điểm khó khăn về doanh thu và bán hàng. Thông tin về việc cho ra mắt những mẫu xe mới, bao gồm những mẫu xe có giá cả phải chăng hơn và được sản xuất từ dây chuyền sản xuất hiện hành, đã giúp cải thiện niềm tin của giới đầu tư đối với Tesla.
Nguồn: https://baotintuc.vn/o-to-xe-may/hang-xe-dien-tesla-se-ra-mat-nhieu-mau-xe-moi-som-hon-du-kien-20240424091858909.htm
6.    Tesla có thể bắt đầu bán robot Optimus vào cuối năm tới
Giám đốc điều hành (CEO) Elon Musk ngày 23/4 cho biết robot hình người có tên gọi là Optimus của nhà sản xuất ô tô điện Tesla vẫn đang được phát triển trong phòng thí nghiệm, nhưng có thể sẵn sàng để được đưa ra thị trường vào cuối năm sau. Vị CEO cũng cho hay Optimus dự kiến có thể thực hiện các nhiệm vụ trong nhà máy vào cuối năm 2024.
Tỷ phú Musk trước đó đã nói rằng doanh số bán robot có thể trở thành một phần lớn hơn trong hoạt động kinh doanh của Tesla so với các phân khúc khác, bao gồm cả sản xuất ô tô. Theo ông, Tesla có lợi thế tốt hơn bất kỳ nhà sản xuất robot hình người nào để có thể đạt được sản lượng lớn trong khi đảm bảo robot có khả năng tự suy luận hiệu quả.
Tesla đã đưa ra thế hệ đầu tiên của robot Optimus – được đặt tên là Bumblebee – vào tháng 9/2022. Năm nay, công ty đã đăng một đoạn video cho thấy thế hệ thứ hai của robot hai chân này đang gấp áo phông tại cơ sở của công ty.
Nguồn: https://bnews.vn/tesla-co-the-bat-dau-ban-robot-optimus-vao-cuoi-nam-toi/330956.html
7.    “Đốt tiền” trong nhiều năm, dự án xe tự lái của Baidu buộc phải kiếm lợi nhuận
Khi nguồn vốn cạn kiệt trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc suy thoái, nhiều công ty xe tự hành đang chịu áp lực kiếm tiền, trong đó có gã khổng lồ Baidu. Theo một lá thư nội bộ được cho được viết bởi một lãnh đạo của Baidu, dự án xe tự lái đang thua lỗ của Baidu, Apollo, sẽ tập trung vào việc tạo ra doanh thu và lợi nhuận sau giai đoạn thử nghiệm kéo dài 7 năm, khi gã khổng lồ tìm kiếm internet của Trung Quốc chuyển hướng sang trí tuệ nhân tạo tổng hợp (AI).
Baidu chính thức thành lập đơn vị giải pháp lái xe tự động nội bộ vào tháng 4 năm 2017, nhiều năm sau khi bắt đầu phát triển các công nghệ liên quan. Tuy nhiên, những rào cản về công nghệ và quy định cho đến nay vẫn khiến công ty không thể kiếm tiền từ sản phẩm của mình. Li Zhenyu, cựu giám đốc Apollo, cho biết vào năm 2020 rằng hoạt động kinh doanh xe tự lái của Baidu đã trải qua 7 năm không kiếm được tiền, nhưng công ty vẫn cam kết đầu tư vào lĩnh vực này ít nhất 7 năm nữa.
Nền tảng lái xe tự động Apollo của Baidu được ra mắt vào năm 2017 và dịch vụ taxi tự lái Apollo Go ra mắt ba năm sau đó. Dịch vụ taxi có tài xế cầm lái trong trường hợp khẩn cấp bắt đầu hoạt động vào năm 2020 và đã mở rộng đến Bắc Kinh, Thượng Hải và 8 thành phố khác. Apollo Go cho biết họ đã cung cấp 213.000 chuyến đi trong quý cuối cùng của năm 2021, khiến nó trở thành dịch vụ taxi tự lái bận rộn nhất thế giới.
Nguồn: https://vneconomy.vn/automotive/dot-tien-trong-nhieu-nam-du-an-xe-tu-lai-cua-baidu-buoc-phai-kiem-loi-nhuan.htm
8.    Google đầu tư hơn 100 tỉ USD vào AI
Với tham vọng vượt mặt Microsoft, gã khổng lồ Google đang có kế hoạch chi ‘đậm’ vào lĩnh vực nghiên cứu AI. Theo TechSpot, gã khổng lồ công nghệ Google vừa tuyên bố cam kết đầu tư hơn 100 tỉ USD vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) trong tương lai gần, vượt xa mức đầu tư được cho là của đối thủ cạnh tranh Microsoft. Thông tin này được tiết lộ bởi Demis Hassabis, người sáng lập DeepMind, một công ty nghiên cứu AI hàng đầu được Google mua lại vào năm 2014. Phát biểu tại hội nghị TED ở Vancouver (Canada), Hassabis cho biết Google sẽ dành nguồn vốn khổng lồ này để phát triển các công nghệ AI tiên tiến và ứng dụng chúng vào nhiều lĩnh vực khác nhau.
Mục tiêu của Google là vượt qua Microsoft trong cuộc đua phát triển AI, đặc biệt là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tạo sinh (AGI) – một loại AI có khả năng học hỏi và thực hiện các nhiệm vụ như con người. Microsoft được cho là đang đầu tư 100 tỉ USD vào dự án Stargate, một siêu máy tính được thiết kế để thúc đẩy nghiên cứu AGI. Tuy nhiên, Hassabis tin rằng Google có thể vượt qua Microsoft nhờ vào nguồn lực tài chính dồi dào, đội ngũ nhân tài AI hàng đầu thế giới và sự hợp tác chặt chẽ với DeepMind.
Nguồn: https://thanhnien.vn/google-dau-tu-hon-100-ti-usd-vao-ai-185240420085142251.htm
9.    Hãng xe điện TQ GAC AION sắp vào thị trường Việt Nam
Tập đoàn GAC Energy Technology chuẩn bị ra mắt thương hiệu xe điện AION tại Việt Nam với trọng tâm là phát triển các đại lý kinh doanh trên khắp cả nước. Với hơn 480,000 xe xuất xưởng năm 2023, GAC AION chiếm đến 5.2% thị phần xe điện toàn cầu năm 2023.
Sự tham gia của GAC AION vào thị trường xe điện ít nhiều sẽ thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc phát triển xe điện trong nước, vì GAC AION vốn là hãng xe điện tự phát triển hoàn toàn các kết cấu cốt lõi trong sản phẩm của mình, từ thiết kế trạm sạc, công nghệ pin, sản xuất dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) hay tối ưu nền tảng giải trí hướng tới người dùng.
Nguồn: https://vneconomy.vn/gac-aion-hang-xe-dien-thi-phan-top-3-the-gioi-tuyen-dai-ly.htm
10.  VinFast mở rộng mạng lưới dịch vụ hậu mãi toàn diện cho khách hàng châu Âu
Theo đó, khách hàng sử dụng ô tô điện VinFast có thể sử dụng các dịch vụ hậu mãi chất lượng cao tại mạng lưới gồm 1.200 xưởng dịch vụ của Mobivia tại Pháp và Đức. Theo thỏa thuận, Mobivia sẽ cung cấp dịch vụ bảo hành, tư vấn bảo dưỡng, cung cấp trang thiết bị, phụ kiện mới cho ô tô điện VinFast tại hai thị trường này theo quy trình tiêu chuẩn của hãng.
Thông qua thỏa thuận hợp tác này, VinFast cũng sẽ hỗ trợ Mobivia đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang hoạt động cung cấp dịch vụ hậu mãi cho ô tô điện. Với triết lý “Đặt khách hàng làm trọng tâm”, thỏa thuận phát triển các dịch vụ hậu mãi với Mobivia thể hiện cam kết của VinFast trong việc đồng hành cùng người tiêu dùng Pháp và Đức trong quá trình chuyển đổi sang phương tiện di chuyển thân thiện với môi trường.
Nguồn: https://bnews.vn/vinfast-mo-rong-mang-luoi-dich-vu-hau-mai-toan-dien-cho-khach-hang-chau-au/330498.html
11. VinFast tiếp tục mở rộng hệ thống đại lý tại thị trường Mỹ
Tối 23/4, VinFast Auto công bố chính thức ký hợp đồng hợp tác với 12 đại lý mới tại Mỹ, qua đó tiếp tục mở rộng mạng lưới bán lẻ và sự hiện diện tại thị trường này. Với các thỏa thuận này, tính đến nay, VinFast đã hợp tác với tổng cộng 18 đại lý (mỗi đại lý mở một cửa hàng VinFast) tại 7 bang ở Mỹ, bao gồm North Carolina, New York, Texas, Florida, Kansas, Connecticut và Kentucky. Các cửa hàng đại lý mới sẽ bắt đầu kinh doanh mẫu xe VF 8, tiếp theo đó là VF 9 và VF 7 ngay sau khi những mẫu xe này có mặt tại Mỹ.
Ngoài ra, kho phụ tùng của VinFast luôn sẵn sàng hỗ trợ đại lý trên toàn nước Mỹ để đảm bảo chất lượng dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng dành cho khách hàng VinFast. Các đại lý chính thức của VinFast chỉ cần gửi yêu cầu lên hệ thống chuyên trách, đơn xử lý sẽ được hoàn thiện và gửi lại định kỳ.
Nguồn: https://mekongasean.vn/vinfast-tiep-tuc-mo-rong-he-thong-dai-ly-tai-thi-truong-my-post33994.html
12.  Mỹ và Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo về AI
Hội thảo Khu vực AI Connect II lần đầu tiên tại TP.HCM từ ngày 22 đến 24 tháng 4- 2024, với sự tham gia của các đại diện từ 15 quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Sự kiện không chỉ là một bước ngoặt trong việc khuyến khích phát triển AI có trách nhiệm mà còn là một nền tảng quan trọng để giải quyết những thách thức phức tạp về chính sách và thực thi AI trên toàn khu vực. Hội thảo cũng nhấn mạnh cam kết chung trong việc định hình một tương lai nơi các công nghệ AI được phát triển một cách có trách nhiệm và bao trùm, mang lại lợi ích cho tất cả mọi người trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và xa hơn nữa.
AI Connect II đang kết nối các nhà hoạch định chính sách, người hành nghề, học giả và đại diện khu vực kinh tế tư nhân từ các quốc gia được chọn lựa, những người sẽ nhận được sự hỗ trợ và cơ hội để tương tác với các chuyên gia thông qua một cộng đồng toàn cầu được tăng cường bởi các mạng lưới phụ khu vực.
Nguồn: https://tuoitre.vn/my-va-viet-nam-phoi-hop-to-chuc-hoi-thao-ve-ai-20240423192051555.htm
 

Nhóm tin về ngành công nghiệp nặng – năng lượng

1.    Giá dầu có thể lên tới 130 USD/thùng
Các nhà phân tích không loại trừ khả năng giá dầu sẽ đạt 100 USD/thùng trong trường hợp căng thẳng leo thang hơn nữa. Thậm chí, giá dầu có thể lên tới 130 USD/thùng nếu xung đột lan rộng và làm gián đoạn dòng chảy dầu ở eo biển Hormuz, nơi có khoảng 21 triệu thùng dầu mỗi ngày được các nhà xuất khẩu hàng đầu Trung Đông đưa ra thị trường toàn cầu.
Tổ chức Các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) một lần nữa nắm lại quyền kiểm soát thị trường dầu mỏ. OPEC+ có thể tác động đến giá dầu bằng cách phục hồi một phần trong số sản lượng 2 triệu thùng/ngày hiện đang bị cắt giảm theo kế hoạch. Song điều này có thể không xảy ra nếu eo biển Hormuz bị chặn.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/gia-dau-co-the-len-toi-130-usd-thung-20240420053322385.htm
2.    Mỹ mở rộng lệnh cấm với Nga, giá nhiều kim loại quan trọng tăng vọt
Theo dữ liệu từ Trading Economics, tính đến sáng ngày 22/4, giá hàng loạt kim loại công nghiệp đều tăng mạnh. Cụ thể, giá đồng đã tăng 1,12% lên mức 4,5478 USD/pound, mức cao nhất trong vòng gần 2 năm qua. Giá nhôm đạt 2.689 USD/tấn, tăng 0,75% so với phiên trước đó, tăng cao nhất trong 2 năm trở lại đây. Trong khi đó, giá thiếc cũng tăng vọt, đạt 35.582 USD/tấn, tăng 4,72%, đạt đỉnh kể từ tháng 6/2022. Niken cũng chứng kiến giá tăng lên mức 19.468,5 USD/tấn, tăng 4,9%, cao nhất kể từ tháng 9/2023.
Nguyên nhân tăng giá hàng loạt này là do lo ngại thị trường thắt chặt hơn do lệnh cấm của Mỹ và Anh với kim loại Nga, cùng với đó là sự leo thang căng thẳng tại “chảo lửa” Trung Đông. Các lệnh trừng phạt của Mỹ và Anh đối với kim loại của Nga sẽ củng cố Trung Quốc trở thành người mua cuối cùng của Moscow đối với các mặt hàng quan trọng. Rusal, nhà sản xuất nhôm lớn nhất của Nga, cho biết các lệnh trừng phạt mới nhất sẽ không ảnh hưởng đến khả năng bán sản phẩm của họ vì vẫn có “nhu cầu lớn” đối với kim loại của Nga trên toàn cầu.
Nguồn: https://markettimes.vn/my-mo-rong-lenh-cam-voi-nga-gia-nhieu-kim-loai-quan-trong-tang-vot-55220.html           
3.    Các nhà máy nhiệt điện than lãi đậm, có doanh nghiệp tăng lãi 1.424%
Các nhà máy nhiệt điện ăn nên làm ra trong 3 tháng qua khi được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng mua, khiến kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhiệt điện khởi sắc, thậm chí lãi đậm. Ông Võ Quang Lâm – phó tổng giám đốc EVN – cho biết tập đoàn này tăng huy động các nguồn điện giá cao trong mùa khô này, trong đó nhiệt điện than sẽ tăng huy động khoảng 145% so với năm 2023 để đảm bảo điện.
Trái ngược với kết quả kinh doanh của nhiệt điện, các nhà máy thủy điện lại giảm doanh thu và lợi nhuận khi lưu lượng nước thấp, sản lượng điện không như kỳ vọng. Theo ông Tuấn – tổng giám đốc Công ty CP Thủy điện Miền Trung, đến hết quý 1-2024, doanh nghiệp này chỉ đạt lợi nhuận sau thuế hơn 31 tỉ đồng, giảm đến 71% so với thời điểm này năm ngoái.
Nguồn: https://tuoitre.vn/evn-tang-mua-cac-nha-may-nhiet-dien-than-lai-dam-co-doanh-nghiep-tang-lai-1-424-20240422185505231.htm
4.    Đàm phán tăng nhập khẩu điện
Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã lên 2 kịch bản cho mùa nắng nóng, trong đó có tăng nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong 3 tháng đầu năm, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt gần 70 tỷ kWh, cao hơn 1,35 tỷ kWh so với kế hoạch, tăng 10,4% so với cùng kỳ. Tháng 4, sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày toàn hệ thống dự kiến ở mức 865,7 triệu kWh/ngày, tăng 10% so với cùng kỳ.
Theo phương án cơ sở của EVN, sản lượng điện toàn hệ thống được điều chỉnh tăng thêm 4,2 tỷ kWh, lên khoảng 310,6 tỷ kWh (tăng 10,4% so với năm ngoái). Với phương án cao, khi nhu cầu điện tăng trưởng đột biến, sản lượng toàn hệ thống sẽ đạt mức 313,4 tỷ kWh (tăng 11,4% so với năm ngoái) và cao hơn phương án cơ sở 2,8 tỷ kWh.
Ngoài ra, EVN đã đàm phán để tăng nhập khẩu thêm gần 700 triệu kWh từ Trung Quốc, lên mức 1,8 tỷ kWh. Cùng đó, tiếp tục đàm phán với đối tác Lào tăng nhập khẩu điện về Việt Nam, đặc biệt là các nguồn điện nhập từ Lào qua khu vực Nghệ An, Quảng Trị.
Nguồn: https://tienphong.vn/dam-phan-tang-nhap-khau-dien-post1631141.tpo
 

Nhóm tin về liên kết, đầu tư, start-up, DN mới

1.    Malaysia ra loạt chính sách hấp dẫn, thu hút quỹ đầu tư mạo hiểm và kỳ lân toàn cầu
Theo Nikkei, Malaysia đã triển khai các gói khuyến khích mới để thu hút các công ty khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm hàng đầu thế giới, với hy vọng xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước. Cụ thể, chính phủ Malaysia đang triển khai Đề án KL20 Golden Pass Unicorn dành cho các công ty khởi nghiệp và công nghệ để nghiên cứu các giải pháp đột phá đi đầu trong công nghệ AI và việc cung cấp cơ sở hạ tầng cần thiết để thực hiện điều đó rất quan trọng. Chương trình này mang lại nhiều lợi ích, bao gồm miễn phí cấp thẻ làm việc cho quản lý cấp cao, trợ cấp tiền thuê nhà và thuế suất ưu đãi đối với lợi nhuận doanh nghiệp. Những ưu đãi này được thiết kế để biến Malaysia trở thành lựa chọn ưu tiên của các công ty khởi nghiệp toàn cầu và khu vực đang muốn thành lập cơ sở của họ.
Chính phủ cũng đã triển khai chương trình VC Golden Pass nhắm vào các công ty đầu tư mạo hiểm, bao gồm miễn phí thị thực làm việc cho các giám đốc điều hành cấp cao của các quỹ đầu tư mạo hiểm và cấp giấy phép cấp tốc cho việc thành lập quỹ trong nước. Theo chính phủ Malaysia, các quỹ đầu tư mạo hiểm toàn cầu hoặc khu vực có tài sản được quản lý hơn 100 triệu USD, có thành tích đầu tư mạnh mẽ và nhân rộng các công ty khởi nghiệp công nghệ thành công đều đủ điều kiện tham gia chương trình này.
Nguồn: https://vneconomy.vn/malaysia-ra-loat-chinh-sach-hap-dan-thu-hut-quy-dau-tu-mao-hiem-va-ky-lan-toan-cau.htm
2.    Thất bại với mạng xã hội “Made in Vietnam”, Gapo quyết đặt cược vào GapoWork
Gapo từng khá quen thuộc với nhiều người Việt Nam khi ra mắt mạng xã hội cùng tên vào năm 2019. Sau chưa đầy 2 tháng ra mắt, Gapo công bố đã cán mốc 2 triệu người dùng. Tuy nhiên sức nóng của nó giảm dần và hiện đã không được nhắc đến nhiều. Từ tháng 5/2021, Gapo dồn tâm huyết phát triển sản phẩm GapoWork, nhắm đến thị trường B2B, dành cho các doanh nghiệp, tổ chức.Giao diện của GapoWork tương tự một mạng xã hội nhưng có nhiều tính năng dành cho doanh nghiệp, bao gồm giao tiếp và trao đổi công việc, giao việc và báo cáo, quản trị thông tin tổ chức,… hệ thống API mở giúp tích hợp với các hệ thống khác trong doanh nghiệp.
Gapo vừa có động thái “bắt tay” chiến lược với NEWING – một tên tuổi mới đang nổi lên như “Lò đào tạo về văn hóa doanh nghiệp và phát triển năng lực lãnh đạo”. Động thái nay của Gapo nhằm đưa GapoWork (không gian làm việc số) nhanh chóng tiếp cận tới nhiều doanh nghiệp Việt hơn.
Nguồn: https://baodautu.vn/that-bai-voi-mang-xa-hoi-made-in-vietnam-gapo-quyet-lam-lai-cuoc-doi-voi-gapowork-d213325.html
 

Nhóm tin về tài chính

1.    Giá vàng thế giới tăng 5 tuần liên tiếp
Vào lúc 0 giờ 45 phút sáng ngày 20/4 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,7% lên 2.395,15 USD/ounce, sau khi có thời điểm trong phiên vọt lên 2.417,59 USD/ounce. Giá kim loại quý này đã tăng 2,2% trong tuần này. Giám đốc giao dịch kim loại tại High Ridge Futures, ông David Meger cho hay tình hình lúc leo thang, lúc hạ nhiệt tại Trung Đông đã chi phối thị trường vàng.
Căng thẳng tại Trung Đông đã tạo đà đi lên cho giá vàng thế giới ngay từ phiên đầu tuần 15/4. Sang đến phiên 16/4, giá vàng thế giới ổn định nhờ nhu cầu với các tài sản an toàn trong bối cảnh căng thẳng tiếp diễn tại Trung Đông. Nhà phân tích thị trường Everett Millman của Gainesville Coins nhận định rằng nếu căng thẳng tiếp tục leo thang ở Trung Đông, giá vàng có thể tăng lên mức 2.500-2.600 USD/ounce, còn nếu có lệnh “đình chiến”, giá vàng có thể giảm xuống mức 2.200 USD/ounce.
Nguồn: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/vang-tang-gia-5-tuan-lien-tiep-20240420115946376.htm
2.    Vàng miếng đấu thầu ế ẩm tại phiên đầu tiên
Ngân hàng Nhà nước trưa 23-4 đã phát đi thông báo về kết quả đấu thầu vàng miếng diễn ra vào sáng cùng ngày. Theo đó, chỉ có 2 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng 34 lô, tương đương 3.400 lượng vàng. Như vậy, còn tới 13.400 lượng vàng mang ra đấu thầu bị “ế”. Chủ một DN kinh doanh vàng hàng đầu ở Hà Nội cho rằng các điều kiện đấu thầu vàng miếng SJC có phần chưa hợp lý. Bởi lẽ, với quy định 1 đơn vị phải đặt mua tối thiểu 1.400 lượng và mức giá tham chiếu trên 80 triệu đồng/lượng, DN phải đặt cọc 10%, tức khoảng 11 tỉ đồng. Sau khi có kết quả, đơn vị trúng thầu phải thanh toán ngay số tiền mua vàng cả trăm tỉ đồng. Điều này khiến không ít đơn vị không đủ năng lực tài chính để tham gia.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại nhận định giá trúng thầu vàng miếng quanh 81,3 triệu đồng/lượng vẫn còn quá cao để có thể thu hút các đơn vị tham gia bỏ thầu. Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cũng cho rằng mức giá khởi điểm đấu thầu mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra vẫn còn cao trong bối cảnh giá vàng thế giới lao dốc mạnh.
Nguồn: https://nld.com.vn/vang-mieng-dau-thau-e-am-196240423212955447.htm

BSA Media tổng hợp