Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực
1. Bain Capital mua chuỗi nhà hàng bít tết Fogo de Chão của Brazil với giá 1,1 tỷ USD
Công ty cổ phần tư nhân Bain Capital (Mỹ) vừa thông báo đồng ý mua chuỗi nhà hàng bít tết Fogo de Chão của Brazil với giá khoảng 1,1 tỷ USD, bao gồm cả nợ. Thỏa thuận này là thắng lợi đối với công ty cổ phần tư nhân Rhone Capital, công ty đã mua lại Fogo de Chão với giá 560 triệu USD trong năm 2018. Rhône đã kiếm được gấp ba lần số tiền mà họ đầu tư vào điều hành nhà hàng, các nguồn tin cho biết.
Được thành lập ở miền Nam Brazil vào năm 1979, Fogo có mặt ở 76 địa điểm trên toàn thế giới. Bain Capital có lịch sử đầu tư lâu dài vào ngành nhà hàng và đã hỗ trợ một số thương hiệu lớn, bao gồm Burger King, Dunkin’ Brands Inc, Domino’s Pizza Inc và Bloomin’ Brands Inc.
Nguồn: https://bnews.vn/bain-capital-mua-chuoi-nha-hang-bit-tet-fogo-de-chao-cua-brazil-voi-gia-1-1-ty-usd/303231.html
2. Từ Ấn Độ đến Nigeria: hạt kê được xem là giải pháp trước biến đổi khí hậu
Cách mạng nông nghiệp vào thập niên 60 của thế kỷ trước đã chứng kiến những chính sách thúc đẩy trồng lúa gạo và lúa mì với mức giá bán ra được đảm bảo. Điều này đã làm giảm tỷ trọng kê của Ấn Độ xuống còn khoảng 6% hiện nay so với 20% trong những năm 1950. Tuy nhiên, kê hiện nay lại được mệnh danh là loại cây trồng “cứu cánh” trước tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm nhiệt độ cao, hạn hán và lũ lụt. Với những mối quan tâm đó, Liên hợp quốc (LHQ) đã đặt năm 2023 là Năm Quốc tế của kê. Loại ngũ cốc này cũng đã được góp mặt trong thực đơn của bữa tối chay tại Nhà Trắng dành cho Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong chuyến thăm Mỹ của ông hồi tháng 6 năm nay.
Nằm trên bờ biển của Vịnh Bengal đầy biến động, lốc xoáy, lũ lụt và hạn hán, cuộc sống và thu nhập của người dân bang Odisha (Ấn Độ) thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề, làm gia tăng tình trạng di cư và nạn đói tại nơi đây. Bang này đang “đặt cược” vào cây kê để bảo vệ mức thu nhập của nông dân, giải quyết được nạn suy dinh dưỡng và quảng bá các lựa chọn thực phẩm lành mạnh. Những nỗ lực tương tự cũng đang xuất hiện từ quốc gia sản xuất kê lớn nhất châu Phi, Nigeria, nơi chính phủ đưa món biskin gero, một món ăn giống cơm couscous, được dùng kèm với nước mắm cay, vào thực đơn học đường cho trẻ em ở khu vực phía Bắc. Tại Nigeria, chính phủ đang tuyên truyền đặc tính của kê là một loại cây trồng “khỏe mạnh, bền vững và kiên cường” để chống lại nạn đói và suy dinh dưỡng ở một quốc gia có ít nhất 25 triệu người đang đối mặt với khủng hoảng lương thực theo LHQ.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/tu-an-do-cho-toi-nigeria-lieu-sieu-thuc-pham-ke-co-the-la-cuu-canh-truoc-bien-doi-khi-hau-20230817123047241.htm
3. Dịch vụ ‘độc lạ’ cho khách hàng thân thiết tại nhà hàng lẩu nổi tiếng Trung Quốc
Thưởng thức một nồi lẩu thơm ngon là điều tuyệt vời, nhưng mùi thức ăn bám trên tóc hàng giờ lại khiến nhiều người phiền lòng. Nỗi trăn trở đã được giải quyết khi HaiDiLao, chuỗi nhà hàng lẩu lớn nhất Trung Quốc, gần đây cho ra mắt dịch vụ gội đầu miễn phí tại một trong những nhà hàng của thương hiệu ở thành phố Vô Tích thuộc tỉnh Giang Tô. Theo trang Oddity Central, dịch vụ gội đầu như ở salon sẽ chỉ phục vụ những khách hàng thân thiết, những người thường xuyên ăn lẩu của chuỗi nhà hàng HaiDiLao và tích được nhiều “Lao coins” (tạm dịch: xu Lao). Để được gội đầu miễn phí, khách hàng cần có 200 xu Lao. Khách hàng sẽ được lựa chọn dùng nhiều loại dầu gội khác nhau, và tận hưởng dịch vụ mát-xa đầu thư giãn từ các chuyên gia làm đẹp chuyên nghiệp.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/dich-vu-doc-la-cho-khach-hang-tai-nha-hang-lau-haidilao-trung-quoc-2180397.html
4. Các hiệp hội của Hoa Kỳ ‘đặt hàng’ doanh nghiệp Việt Nam làm bánh Trung thu
Sáng 12-8, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM đã tổ chức sự kiện ra mắt dòng bánh trung thu mang đậm nét đặc trưng Hoa Kỳ – Việt Nam tại nhà máy của Công ty TNHH MTV Bánh Kẹo Á Châu – ABC Bakery (quận Bình Tân, TPHCM). Tại buổi lễ, bà Susan Burns, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM cho biết, mùa lễ Trung thu năm nay, Hiệp hội Sữa bang California, Hiệp hội Việt quất Hoa Kỳ, Hiệp hội Xuất khẩu thực phẩm vùng Trung Tây Hoa Kỳ và Hiệp hội Xuất khẩu thực phẩm vùng Đông Bắc Hoa Kỳ phối hợp với ABC Bakery giới thiệu tới người tiêu dùng những chiếc bánh trung thu được kết hợp giữa các nguyên liệu hảo hạng của Hoa Kỳ như việt quất, hạnh nhân, kem phô mai và trái thanh long Việt Nam.
Theo ông Kao Siêu Lực, Tổng Giám đốc ABC Bakery, từ trước đến nay, Hoa Kỳ chưa có bánh trung thu mang hương vị riêng. Với bánh trung thu được dùng nguyên liệu từ nông sản Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ tạo được thói quen tiêu dùng cho người dân nước này sử dụng nhiều hơn. Dự kiến đợt này, ABC Bakery sẽ xuất khẩu hơn 40.000 bánh trung thu “made in Hoa Kỳ – Việt Nam” và dòng sản phẩm trung thu truyền thống Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/cac-hiep-hoi-cua-hoa-ky-dat-hang-doanh-nghiep-viet-nam-lam-banh-trung-thu-post702448.html
5. Tiệm mỳ tự nấu chuẩn Hàn ‘đốn tim’ giới trẻ TP.HCM
Nấu mỳ trên những chiếc máy tự động vốn phổ biến ở Hàn Quốc, song lại là một trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ ở Việt Nam. Vì thế ngay khi ra mắt, cửa hàng MYTO đã lập tức thu hút đông đảo giới trẻ Sài thành. Ngoài không gian lạ và bắt mắt, MYTO mang trải nghiệm cực xịn từ Đại Hàn về – máy nấu mỳ tự động để các thực khách có thể “nhìn tận mắt, sờ tận tay” như trong các bộ phim Hàn. Do đó, MYTO nhanh chóng trở thành “hotspot” của các bạn học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng yêu thích văn hóa, ẩm thực Hàn.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/tiem-my-tu-nau-chuan-han-don-tim-gioi-tre-tp-hcm-2178583.html
Nhóm tin về ngành du lịch
1. Thêm lựa chọn cho đường bay tới Canada
Emirates mới đây đã mở rộng quan hệ đối tác liên danh với Air Canada áp dụng cho các chuyến bay đến và đi từ Montreál. Giờ đây, khách hàng của Emirates có thể lên kế hoạch khám phá 11 điểm đến du lịch nội địa nổi tiếng tại Canada cũng như các điểm đến khác trên mạng lưới rộng lớn của Emirates thông qua Montreál, được sử dụng dịch vụ của cả hai hãng hàng không thuận tiện chỉ với một chiếc vé duy nhất.
Emirates hiện đang khai thác các chuyến bay hàng ngày từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Với sự mở rộng hợp tác này, hành khách từ Việt Nam có thể được hưởng lợi từ sự linh hoạt và kết nối liền mạch tới bất kỳ điểm đến nào ở Canada.
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/them-lua-chon-cho-duong-bay-toi-canada/20230818093812147
Nhóm tin về ngành dịch vụ
1. Nhiều tiềm năng cho đối tác nước ngoài khi đầu tư vào thị trường chăm sóc người cao tuổi Việt Nam
Theo Báo cáo Triển vọng thị trường dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại Việt Nam của VCCI, Việt Nam có một thị trường đầy hứa hẹn cho các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, với 20 triệu khách hàng tiềm năng vào năm 2035. Số liệu này phù hợp với thực tế là khoảng 80% người cao tuổi ở Việt Nam hiện có nhu cầu cần giúp đỡ các hoạt động sinh hoạt hàng ngày và nhận sự chăm sóc từ người khác. Bên cạnh đó, khoảng 36% người cao tuổi và gia đình họ sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi. Trong bối cảnh này, các công ty nước ngoài trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi có thể coi Việt Nam là thị trường cốt lõi với vô số cơ hội phát triển.
Một thị trường thứ hai có thể mang lại lợi nhuận là cung cấp các lựa chọn nghỉ hưu tại Việt Nam cho người nước ngoài về hưu. Theo Travel + Leisure, Việt Nam là một điểm đến hưu trí rất phải chăng, đặc biệt đối với những người về hưu đánh giá cao vẻ đẹp của bãi biển, phong cảnh, ẩm thực, lịch sử và văn hóa. Hiện tại, du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam cũng đang ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể với sự ra đời của nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Nguồn: https://toquoc.vn/nhieu-tiem-nang-cho-doi-tac-nuoc-ngoai-khi-dau-tu-vao-thi-truong-cham-soc-nguoi-cao-tuoi-viet-nam-20230817100622901.htm
2. Thị trường chăm sóc người bệnh vẫn mênh mông
Dịch vụ chăm sóc người bệnh ở các thành phố lớn như TPHCM hình thành tự phát từ hàng chục năm nay, phí dịch vụ thường ở mức vài trăm ngàn đồng, cá biệt lên đến 1,5-2 triệu đồng/ngày. Ngày cuối tuần và ngày lễ, như Tết Nguyên đán chẳng hạn, giá sẽ tăng vài lần, có khi hơn mười lần. Một số dịch vụ mới ra đời gần đây đã chứng minh hiệu quả của các mô hình mới. Wecare 247 được thành lập như là mô hình mới về dịch vụ người nuôi bệnh – kết nối và hình thành đội ngũ người nuôi bệnh một cách chuyên nghiệp, lành nghề tại TPHCM qua trang mạng hoặc ứng dụng (app).
Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Quận 2, nói rằng chuyên nghiệp hóa nghề nuôi người bệnh là bước đi cần thiết, có nhiều lợi ích, giúp quá trình điều trị hiệu quả hơn, với thời gian điều trị rút ngắn, đỡ tốn chi phí hơn cho bệnh nhân lẫn quỹ bảo hiểm y tế, góp phần giảm áp lực, quá tải cho các bệnh viện.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/thi-truong-cham-soc-nguoi-benh-van-menh-mong/
Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử
1. Chuỗi siêu thị Aldi mua 400 cửa hàng tạp hóa khắp miền Đông Nam nước Mỹ
Chuỗi siêu thị giá rẻ Aldi của Đức, công bố một thỏa thuận mua 400 cửa hàng tạp hóa trên khắp miền Đông Nam nước Mỹ, tiến tới mục tiêu mở rộng sự hiện diện của “gã khồng lồ” bán lẻ này tại nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cụ thể, theo thỏa thuận đã được ký kết với Southeastern Grocer, chi nhánh Mỹ của Aldi sẽ mua lại các chuỗi siêu thị Winn-Dixie và Harveys trên khắp các bang Alabama, Florida, Georgia, Louisiana và Mississippi.
Giám đốc điều hành (CEO) của Aldi tại Mỹ, Jason Hart, cho biết đây là thời điểm thích hợp để triển khai kế hoạch mở rộng hoạt động của Aldi tại Mỹ. Thỏa thuận đã giúp Aldi đạt được mục tiêu bổ sung 120 siêu thị/cửa hàng mới trong năm nay, nâng tổng số siêu thị/cửa hàng mà Aldi sở hữu tại Mỹ lên tới 2.400 siêu thị/cửa hàng.
Nguồn: https://bnews.vn/chuoi-sieu-thi-aldi-mua-400-cua-hang-tap-hoa-khap-mien-dong-nam-nuoc-my/303577.html
2. Thị hiếu của người tiêu dùng Mỹ bất ngờ chuyển hướng
Những người tiêu dùng có kinh tế eo hẹp có thể đang hạn chế mua sắm tại chuỗi siêu thị bán lẻ Target của Mỹ, nhưng họ đang chi tiêu nhiều cho những thương hiệu nổi tiếng và hàng gia dụng có mức giá thấp tại tập đoàn đa quốc gia điều hành chuỗi cửa hàng bách hóa giảm giá TJX Cos, có trụ sở chính tại Framingham, Massachusetts (Mỹ).
TJX Cos đã nâng triển vọng cả năm sau khi công bố doanh số bán hàng quý II/2023 tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận tăng 23%. TJX Cos cho hay điều này là do lượng khách hàng tăng cao và nhờ lượng hàng hóa cao cấp lớn từ các nhà bán lẻ cao cấp hơn mong muốn giảm bớt hàng tồn kho của họ.
Nguồn: https://bnews.vn/thi-hieu-cua-nguoi-tieu-dung-my-bat-ngo-chuyen-huong/303557.html
3. ‘Gã khổng lồ’ bán lẻ Wilko (Anh) bất ngờ phá sản
Wilko, chuỗi cửa hàng bán lẻ lâu đời của Anh được thành lập vào năm 1930, mới đây đã tuyên bố phá sản. Là một cửa hàng truyền thống phụ thuộc vào lượng khách tới mua, Wilko cho biết lượng khách của họ đã giảm 40% kể từ đợt phong tỏa chống dịch tháng 3/2020. Trong bối cảnh đó, Wilko rơi vào tình trạng doanh số bán hàng sụt giảm. Doanh thu ế ẩm và những khoản nợ khổng lồ khiến Wilko, gã khổng lồ bán lẻ có tuổi đời gần một thế kỷ, không thể tự cứu mình và tuyên bố phá sản như một phương án cuối cùng.
Kể từ năm ngoái, tình hình lạm phát ở Anh ngày càng xấu đi. Để kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Trung ương Anh đã nhiều lần tăng lãi suất và nền kinh tế tiếp tục chịu áp lực. Dưới tác động của lãi suất cao, nhiều nền tảng thương mại điện tử và nhà bán lẻ châu Âu và Mỹ đã tuyên bố phá sản. Sự phá sản của Wilco là một hồi chuông cảnh tỉnh, phơi bày những thách thức to lớn mà ngành bán lẻ truyền thống đang phải đối mặt.
Nguồn: https://viettimes.vn/ga-khong-lo-ban-le-anh-bat-ngo-pha-san-400-cua-hang-bi-thau-tom-12000-nguoi-co-the-mat-viec-post169336.html
4. Tô Châu (Trung Quốc) chi đậm thúc đẩy livestream thương mại điện tử
Tô Châu, thành phố đông dân nhất tỉnh Giang Tô, đã đưa ra 17 biện pháp, trong đó hỗ trợ tối đa 1 triệu NDT (137.000 USD) tiền mặt cho những streamer có doanh thu thường niên trên 50 triệu NDT và đóng thuế tại địa phương. Giới chức thành phố cũng cung cấp cho các mạng đa kênh tối đa 1,2 triệu NDT khi ký hợp đồng độc quyền với các streamer nổi tiếng, những người có doanh số hàng năm hơn 100 triệu NDT. Các biện pháp khác còn có tuyển dụng thêm “nhân tài cấp cao” cho lĩnh vực livestream thương mại điện tử của thành phố. Chính quyền Tô Châu cho biết, những người này sẽ đủ điều kiện hưởng các chính sách ưu đãi khác nhau, như trợ giá nhà ở hay hỗ trợ học tập của con cái.
Sáng kiến của Tô Châu – quê hương của hơn 300 doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng bán dẫn Trung Quốc năm 2022 – phản ánh mối quan tâm ngày càng tăng của các thành phố lớn trong việc khai thác livestream thương mại điện tử để kích thích tiêu dùng. Tô Châu đang muốn bắt kịp những tên tuổi nổi tiếng khác trong lĩnh vực như Hàng Châu và Thâm Quyến.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/to-chau-chi-dam-thuc-day-livestream-thuong-mai-dien-tu-2179094.html
5. Alibaba tái đầu tư mảng thương mại điện tử khi Trung Quốc đặt hi vọng vào kinh tế nền tảng
Alibaba Group Holding, tập đoàn công nghệ khổng lồ, sau vài năm chịu sức ép tái cơ cấu, đang chuyển trọng tâm trở lại thương mại điện tử (TMĐT) nhằm thúc đẩy doanh thu, khai thác những người sáng tạo nội dung và giá rẻ để cạnh tranh trong một thị trường ngày càng đông đúc. Nikkei Asia ghi nhận một tuần trở lại đây, nền tảng TMĐT Taobao của Alibaba đã tăng cường phát luồng video trực tiếp trên khắp cả nước, một tính năng mới được sàn giao dịch này ra mắt vào tháng 7/2023, cho phép người sáng tạo bán sản phẩm và kiếm tiền “tip” qua livestream. Alibaba tin rằng các nội dung mới, dù có vẻ khác xa so với TMĐT truyền thống, sẽ giúp thu hút những người mua sắm trực tuyến trẻ tuổi đến với ứng dụng.
Alibaba cũng đang tập trung vào chiến lược giá rẻ hơn, với việc ra mắt chuyên mục mới trên Taobao dành riêng cho những mặt hàng có giá chỉ 1 NDT (khoảng 0,14 USD) hoặc được giảm giá mạnh. Chiến lược giá rẻ đã trở thành xu hướng chủ đạo trong lĩnh vực TMĐT Trung Quốc, khi các nền tảng tiếp thị giá thấp ngay cả bên ngoài các đợt giảm giá lớn. JD.com, đối thủ của Taobao cũng đã chuyển trọng tâm sang giảm giá kể từ đầu quý II/2023.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/alibaba-tai-dau-tu-mang-cot-loi-khi-trung-quoc-dat-hi-vong-vao-kinh-te-nen-tang-2180373.html
Nhóm tin về ngành thời trang – làm đẹp
-
Ngành thời trang làm đồ da từ… nấm
Công ty khởi nghiệp sáng tạo MycoWorks ở California (Mỹ) đang nắm trong tay bằng sáng chế công nghệ biến đổi sợi nấm để tạo ra một chất liệu sinh học giống như da. Họ chuẩn bị khánh thành một nhà máy và sẽ sản xuất hàng triệu m2 sợi nấm mỗi năm. Sau khi đi vào hoạt động, “da nấm” sẽ được cung cấp cho các hãng dùng rất nhiều da như hãng thời trang siêu xa xỉ nổi tiếng về đồ da Hermès, nhà cung cấp đồ gia dụng cao cấp Ligne Roset hay hãng ô tô General Motors. Hầu hết những thương hiệu này đều đang nỗ lực tìm kiếm chất liệu mới để thay thế da động vật.
Rõ ràng, tương lai của ngành vật liệu thay thế dành cho thời trang xa xỉ đang được MycoWorks nhận thức một cách sâu sắc. “Mọi người yêu thích sản phẩm da làm từ sợi nấm vì cảm giác và vẻ ngoài nhẵn mịn của nó mang lại. Tính bền vững chỉ là một phần của câu chuyện. Người tiêu dùng không muốn hy sinh chất lượng chỉ dành cho riêng sự bền vững và các thương hiệu biết điều đó”, CEO MycoWorks khẳng định.
Nguồn: https://diendandoanhnghiep.vn/nganh-thoi-trang-lam-do-da-tu-nam-249312.html
2. Shein đang phát triển thần tốc ở Nam Phi
Shein hiện là ứng dụng mua sắm được tải xuống nhiều nhất trên Google Play tại Nam Phi. Điều đáng nói là Shein đã không phải mất nhiều công sức để đạt được thành tích này. Thương hiệu thời trang nhanh có trụ sở tại Singapore đã ra mắt tại Nam Phi trong đại dịch Covid-19 và đang mở rộng hơn nữa chỉ nhờ thông qua… truyền miệng và bằng cách giảm giá cho người mua lần đầu. Shein đã gây chấn động đến nỗi các nhà bán lẻ địa phương lo sợ và các cơ quan quản lý đang điều tra xem liệu công ty có lợi dụng kẽ hở về thuế nhập khẩu khi gửi bưu kiện cho người mua hàng hay không.
Shein đang giành được chỗ đứng trong thị trường thương mại điện tử non trẻ ở quốc gia công nghiệp hóa bậc nhất châu Phi. Điều đáng nói là Shein hiện đang cạnh tranh với những gã khổng lồ Mỹ gồm Walmart và Amazon.com – những công ty cũng luôn muốn làm điều tương tự. Walmart đã cố gắng lấy lòng người dân Nam Phi theo cách truyền thống, mua lại tập đoàn bán lẻ nội địa Massmart Holdings từ hơn một thập kỷ trước. Khoản đầu tư này được đánh giá là tốn kém và cho đến nay vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Còn Amazon đã cung cấp dịch vụ web tại quốc gia có khoảng 60 triệu dân này kể từ năm 2004, dự kiến sẽ triển khai hoạt động kinh doanh giao hàng thương mại điện tử tại Nam Phi trong những tháng tới.
Nguồn: https://markettimes.vn/khong-chi-my-shein-con-dang-lam-mua-lam-gio-o-mot-quoc-gia-ma-amazon-va-walmart-no-luc-suot-hang-chuc-nam-van-chua-thanh-cong-37244.html
Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ
1. 1/10 lượng iPhone 15 sẽ được lắp ráp từ Ấn Độ
Mặc dù Trung Quốc vẫn là quốc gia chịu trách nhiệm chính trong việc lắp ráp mọi mẫu iPhone 15, nhưng Ấn Độ sẽ lắp ráp cả hai mẫu tiêu chuẩn từ năm 2023 đến năm 2024. Và theo nhà phân tích Abhilash Kumar của TechInsights, quốc gia Nam Á này sẽ chịu trách nhiệm lắp ráp 1/10 số lượng mẫu iPhone 15 trong năm nay. Được biết, nhà máy của Foxconn ở Sriperumbudur (Ấn Độ) sẽ chịu trách nhiệm lắp ráp iPhone mới. Sau khi Foxconn bắt đầu lắp ráp các mẫu iPhone 15 mới nhất, Pegatron Corp. và Wistron Corp sẽ sớm nối gót công ty này trong việc sản xuất iPhone 15 tại Ấn Độ.
Một điều cần lưu ý là, trong khi Apple hướng sự chú ý đến Ấn Độ khi họ giữ mục tiêu đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình, điều quan trọng cần lưu ý là quốc gia Nam Á này vẫn không sản xuất các bộ phận cần thiết để sản xuất iPhone ở đó. Do đó, Ấn Độ vẫn phụ thuộc vào linh kiện từ Trung Quốc và các nước châu Á khác để lắp ráp các mẫu iPhone mới nhất. Như vậy, Trung Quốc vẫn sẽ là nhà sản xuất iPhone hàng đầu cho Apple trong vài năm tới.
Nguồn: https://vov.vn/cong-nghe/tin-cong-nghe/110-luong-iphone-15-se-duoc-lap-rap-tu-an-do-post1040433.vov
2. Huawei đang bí mật xây chuỗi cung ứng chip riêng?
Hiệp hội lớn nhất của các công ty chip toàn cầu cảnh báo Huawei Technologu đang xây dựng một tập hợp các cơ sở chế tạo chất bán dẫn bí mật trên khắp Trung Quốc, một mạng lưới ngầm sẽ cho phép công ty nằm trong trong “danh sách đen” lách lệnh trừng phạt của Mỹ và thúc đẩy tham vọng tự chủ về chip của Trung Quốc. Huawei đang nhận một khoản “tài trợ” trị giá 30 tỷ USD từ nhà nước Trung Quốc và thành phố Thâm Quyến, theo Hiệp hội công nghiệp bán dẫn (SIA). Họ đã mua ít nhất 2 nhà máy và xây dựng ít nhất 3 nhà máy khác. SIA xác định 5 nhà máy sản xuất chip mà Huawei đang hỗ trợ dưới tên công ty khác, chủ yếu đặt ở Thâm Quyến. Nếu các cơ sở này hoạt động không có nhãn Huawei, nhà cung cấp có thể khó biết họ đang giao dịch với ai.
Trung Quốc đang đổ số tiền chưa từng có vào ngành bán dẫn trong nước. SIA ước tính có ít nhất 23 cơ sở chế tạo chip đang hoạt động tại nước này với khoảng đầu tư dự kiến hơn 100 tỷ USD đến năm 2023. SIA cho hay đến năm 2029 hoặc 2030, Trung Quốc có thể đạt được hơn 1 nửa công suất toàn cầu của ngành về chất bán dẫn công nghệ cũ (28 hoặc 45 mm). Quy mô của gói hỗ trợ tài chính cho Huawei, do đó, được xem là đáng kinh ngạc. SIA mô tả số tiền này là “tài trợ”, mà không nói rõ đó có phải là trợ cấp tiền mặt, khoản vay hay các ưu đãi.
Nguồn: https://markettimes.vn/huawei-dang-bi-mat-xay-chuoi-cung-ung-chip-rieng-38520.html
3. Lao động Singapore áp dụng kỹ năng AI nhanh nhất thế giới
Người lao động ở Singapore nhanh nhất thế giới trong việc áp dụng các kỹ năng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công việc, theo báo cáo ‘Tương lai việc làm’ của nền tảng mạng xã hội việc làm LinkedIn. Báo cáo của LinkedIn, công bố trong tuần qua, thu thập dữ liệu từ 25 quốc gia, cho thấy Singapore có tốc độ thành viên (người dùng LinkedIn) bổ sung các kỹ năng AI vào hồ sơ của họ nhanh nhất, tăng 20 lần kể từ tháng 1-2016. Con số này cao hơn đáng kể so với mức trung bình toàn cầu là 8 lần, Theo báo cáo, trong cùng kỳ, 5 nước có tỷ lệ người lao động áp dụng kỹ năng AI tăng mạnh tiếp theo là Phần Lan (16 lần), Ireland (15), Ấn Độ (14) và Canada (13).
Khi AI bắt đầu tự động hóa nhiều lĩnh vực của lực lượng lao động, các kỹ năng mềm ngày càng trở nên quan trọng, báo cáo của LinkedIn nhận định. Ví dụ, tại Mỹ, các kỹ năng công việc phát triển nhanh nhất theo yêu cầu của các nhà tuyển dụng kể từ tháng 11-2022 là tính linh hoạt, đạo đức nghề nghiệp, khả năng nhận thức xã hội và khả năng tự quản lý. Tương tự, báo cáo “Chỉ số xu hướng công việc năm 2023” của Microsoft cho thấy, ba kỹ năng hàng đầu mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp xem là cần thiết gồm phán đoán phân tích, tính linh hoạt và trí tuệ cảm xúc (EQ).
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/lao-dong-singapore-ap-dung-ky-nang-ai-nhanh-nhat-the-gioi/
4. VinBigdata phát triển công nghệ AI tạo sinh, sẽ sớm cho ra mắt ‘ChatGPT phiên bản Việt’
Ngày 21/08/2023, Công ty Cổ phần VinBigdata (Tập đoàn Vingroup) công bố xây dựng thành công mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt, đặt nền móng cho việc xây dựng các giải pháp tích hợp AI tạo sinh. Theo đó, VinBigdata sẽ tích hợp công nghệ để đưa VinBase (nền tảng trí tuệ nhân tạo đa nhận thức toàn diện) trở thành nền tảng AI tạo sinh đầu tiên tại Việt Nam, đồng thời cung cấp các giải pháp phát triển trên nền công nghệ AI tạo sinh như Generative AI chatbot, callbot hay Trợ lý ảo ViVi thế hệ mới…
Hiện VinBigdata đã ứng dụng thành công công nghệ mới trên dòng sản phẩm VinBase KB (VinBase Knowledge Base Portal). Sản phẩm có khả năng truy xuất thông tin và tự động tạo ra câu trả lời dựa trên các thông tin được thu thập từ các tập dữ liệu lớn trong hệ tri thức. Nằm trong lộ trình xây dựng hệ sinh thái các sản phẩm ứng dụng AI tạo sinh quy mô lớn, dự kiến cuối tháng 12/2023, VinBigdata sẽ chính thức ra mắt cộng đồng hai dòng sản phẩm chính. Đó là Nền tảng AI tạo sinh đa nhận thức VinBase 2.0 với các giải pháp phục vụ doanh nghiệp, cơ quan chính phủ và ứng dụng ViGPT – “ChatGPT phiên bản Việt” sẽ được mở cho cộng đồng truy cập và thử nghiệm.
Nguồn: https://markettimes.vn/vinbigdata-phat-trien-cong-nghe-ai-tao-sinh-se-som-cho-ra-mat-chatgpt-phien-ban-viet-38333.html
5. Hàng loạt đại lý ô tô Mỹ muốn hợp tác với Vinfast sau khi lên sàn Nasdaq
Các đại lý phân phối ô tô tại Mỹ đang bày tỏ sự cởi mở và quan tâm lớn đối với Vinfast sau khi hãng xe Việt có những thành công ban đầu ở thị trường này. Theo tờ Reuters, rất nhiều các đại lý phân phối xe hơi tại Mỹ đang cố gắng liên lạc để bày tỏ sự quan tâm đối với xe điện Vinfast, họ hi vọng hãng sẽ cung cấp cụ thể hơn thông tin về kế hoạch và chiến lược bán hàng, yêu cầu thực tế đối với các đại lý, kế hoạch phân phối phụ tùng thay thế và chính sách bảo hành đối với xe.
Dù cho sự quan tâm và mong muốn hợp tác với Vinfast đang là nhu cầu hiện tại của các đại lý ô tô ở Mỹ, tuy nhiên vẫn còn không ít các thắc mắc và những điều khoản cần được làm rõ khiến cho những công ty này còn e dè. Theo đại diện của một số đại lý, còn khá nhiều câu hỏi tồn đọng của họ vẫn chưa được Vinfast Bắc Mỹ trả lời, bao gồm cả việc hãng sẽ phân phối các bộ phận cần thiết để sửa chữa và thay thế cho xe khi gặp sự cố như thế nào.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/hang-loat-dai-ly-o-to-my-muon-hop-tac-voi-vinfast-sau-khi-len-san-nasdaq-2179098.html
6. Kinh doanh trạm sạc ô tô điện sẽ ‘lên ngôi’
Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) dự đoán số xe điện được sở hữu tại Việt Nam sẽ đạt khoảng 1 triệu chiếc vào năm 2030 và tăng lên 3,5 triệu chiếc vào năm 2040. Từ đó, có thể thấy thị trường ô tô điện Việt Nam sẽ đầy tiềm năng trong thời gian tới. Xe điện phát triển sẽ kéo theo hạ tầng trạm sạc phát triển. Đây sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư phát triển trạm sạc pin dành cho xe điện.
Tại Việt Nam hiện có 2 doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ trạm sạc pin xe điện là Công ty VinFast và Công ty EVIDA với sản phẩm sạc xe điện thông minh EBOOST. VinFast đang phát triển các trạm sạc với khoảng 150.000 cổng sạc trên toàn quốc, với chi phí sạc 3.210,9 đồng/KWh. Còn EVIDA đang phát triển các trạm sạc công cộng với đơn giá 8.900 đồng/kWh, chưa bao gồm phí kích hoạt 4.900 đồng/lần sạc đối với xe máy và 19.900 đồng/lần sạc đối với ô tô. Bên cạnh đó, tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bắt đầu nhập cuộc với các trạm sạc dự kiến lắp đặt tại Hà Nội cùng một số địa phương khác. Ngoài ra, hàng loạt doanh nghiệp hàng đầu thế giới cũng đã bày tỏ ý định mở rộng thị trường kinh doanh trạm sạc điện tại Việt Nam như Siemens, ABB…
Nguồn: https://diendandoanhnghiep.vn/kinh-doanh-tram-sac-o-to-dien-se-len-ngoi-249134.html#
Nhóm tin về liên kết, đầu tư, start-up, DN mới
1. Ngân hàng lớn thứ hai Thái Lan đàm phán mua lại Home Credit Việt Nam với giá 1 tỉ đô la
Kasikornbank, ngân hàng lớn thứ hai Thái Lan, đang đàm phán để mua lại nhà cung cấp tài chính tiêu dùng Home Credit Việt Nam với giá lên tới 1 tỉ đô la nhằm thúc đẩy hơn nữa nỗ lực mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Ngân hàng Kasikornbank, còn gọi là KBank, có trụ sở tại Bangkok, , có tham vọng sẽ trở thành một trong 20 ngân hàng hàng đầu Việt Nam về giá trị tài sản vào năm 2027. Dữ liệu của Refinitiv cho thấy, KBank hiện có tổng tài sản trị giá 119,7 tỉ đô la Mỹ, chỉ đứng sau Ngân hàng Bangkok ở Thái Lan.
Thương vụ tiềm năng nói trên sẽ làm nổi bật xu hướng hợp nhất trong lĩnh vực tài chính của châu Á. Nếu thành công, giao dịch của KBank sẽ trở thành thương vụ thâu tóm và sáp nhập (M&A) lớn thứ hai trong ngành tài chính Việt Nam trong năm nay sau thương vụ Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng khi bán 15% cổ phần cho Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) của Nhật Bản hồi tháng 3 với giá 1,5 tỉ đô la.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/ngan-hang-lon-thu-hai-thai-lan-dam-phan-mua-lai-home-credit-viet-nam-voi-gia-1-ti-do-la/
Nhóm tin về tài chính
1. 4 ngân hàng lớn đồng loạt giảm lãi suất huy động
Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank vừa công bố biểu lãi suất huy động mới, áp dụng từ hôm nay. Mức điều chỉnh từ 0,3-0,5% ở hàng loạt kỳ hạn và trở thành nhóm ngân hàng lãi suất thấp nhất thị trường. Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ còn ít ngân hàng đang duy trì lãi suất huy động cao từ 7-7,3% tại một vài kỳ hạn gồm: ABBank, PVCombank (kỳ hạn 6 tháng); PVCombank, NCB, CBBank, BaoVietBank (kỳ hạn 9 – 18 tháng); VietA Bank, HDBank (12 – 18 tháng); NamA Bank (12 tháng); và KienLong Bank, LPBank, OceanBank (18 tháng). Lãi suất huy động phổ biến hiện nay được hầu hết các ngân hàng niêm yết từ 6-6,9%/năm.
Nguồn: https://tienphong.vn/4-ngan-hang-lon-dong-loat-giam-lai-suat-huy-dong-post1562716.tpo
Nhóm tin về nông nghiệp – thủy sản – chăn nuôi
1. Thị trường gạo Thái Lan trở nên “hỗn loạn” sau lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ
Thị trường mua bán gạo trong nước của Thái Lan đã trở nên “hỗn loạn” sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ do các nhà buôn đầu cơ tích trữ, khiến nguồn gạo xuất khẩu trở nên hiếm hoi. Bên cạnh đó là tình trạng các nhà xuất khẩu Thái Lan liên tục đòi tái đàm phán với bạn hàng nước ngoài về giá cả của các hợp đồng đã ký trước đây. Giá gạo xay xát nội địa của Thái Lan đã tăng gần 20% trong tuần trước lên 21.000 baht (597 đô la) mỗi tấn, tăng từ mức 17.000 baht trong vài tuần trước đó.
Tình trạng này đã đẩy giá xuất khẩu gạo trắng chuẩn 5% của Thái Lan – bao gồm gạo 5% tấm – lên 610 đô la/tấn – mức giá kỷ lục trên toàn cầu trong 11 năm qua. Dù chính phủ Thái Lan không có kế hoạch hạn chế xuất khẩu gạo, nhưng các nhà xuất khẩu Thái Lan vẫn không muốn bán ra do nguồn cung không đảm bảo. Một số nhà xuất khẩu đã tái thương thảo với khách hàng nước ngoài về giá cả của các hợp đồng mua bán gạo đã ký trước đây. Tuy vậy, việc tái thảo luận các điều kiện đã ký có thể làm tổn hại đến danh tiếng quốc tế của các hãng buôn gạo Thái Lan.
Nguồn: https://bsamedia.vn/thi-truong-gao-thai-lan-tro-nen-hon-loan-sau-lenh-cam-xuat-khau-cua-an-do/
2. Doanh nghiệp lúa gạo ‘khát’ vốn đúng lúc chính vụ
Cập nhật từ thị trường cho thấy, giá lúa bình quân khoảng 8.500 đồng/kg. Theo Bộ Công Thương, từ nay đến cuối năm, lượng gạo có khả năng phục vụ cho xuất khẩu khoảng 2,7 triệu tấn, tương đương với 6 triệu tấn lúa. Như vậy, để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu nêu trên, các doanh nghiệp và thương nhân cần khoảng 50.000 tỷ đồng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 6/2023, dư nợ cho vay ngành lúa, gạo đạt khoảng 196.000 tỷ đồng, tăng gần 17% so với cuối năm 2022, chiếm 7% tổng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với trên 250.000 khách hàng còn dư nợ. Dù tốc độ tăng trưởng tín dụng vào lúa gạo nửa đầu năm tăng cao hơn so với mặt bằng chung nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết nhu cầu vốn cho ngày lúa gạo vẫn rất nóng và cấp thiết.
Nguồn: https://vneconomy.vn/doanh-nghiep-lua-gao-khat-von-dung-luc-chinh-vu.htm
3. Cung vượt cầu, giá chanh leo xuống đáy
Sau thanh long, cam, mít… từng vỡ trận, hiện chanh leo, sầu riêng đang là 2 loại trái cây phát triển nóng để chớp cơ hội xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Hệ lụy đã có thể thấy rõ tại các vùng sản xuất trọng điểm. Năm 2022, giá chanh leo nguyên liệu cho các nhà máy chế biến ở mức 17.000 – 18.000 đồng/kg. Riêng tỉnh Gia Lai, diện tích đã tăng thêm 500 ha so với năm trước đó. Năm nay, hệ lụy đã thấy rõ, khi giá giảm sâu, nhiều vườn chanh leo đã bị bỏ mặc. Cung vượt cầu nên giá giảm từng ngày. Ngay cả khi tỉnh Gia Lai có 3 nhà máy chế biến lớn cũng không tiêu thụ hết số lượng chanh leo nông dân đã sản xuất. 5 tháng qua, nhà máy của Công ty TNHH xuất nhập khẩu rau quả Doveco Gia Lai luôn duy trì công suất 250 – 300 tấn mỗi ngày.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/cung-vuot-cau-gia-chanh-leo-xuong-day-20230817202322221.htm
4. Vietfish 2023 có hơn 200 đơn vị triển lãm với trên 420 gian hàng
Sáng 23/8, Triển lãm quốc tế Thủy sản Việt Nam 2023 (Vietfish 2023) do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) tổ chức đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), Tp. Hồ Chí Minh. Vietfish 2023 quy tụ hơn 200 đơn vị triển lãm với trên 420 gian hàng đến từ 14 quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau. Bên cạnh hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm, hàng loạt hội nghị, hội thảo chuyên ngành cũng được tổ chức nhằm cung cấp cho doanh nghiệp cái nhìn tổng thể về tình hình sản xuất, thông tin thị trường, xu hướng tiêu dùng sản phẩm thủy sản, từ đó có kế hoạch sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Trong suốt thời gian diễn ra triển lãm (từ 23 -25/8), khách tham dự có thể trải nghiệm trực tiếp các mô hình, công nghệ và đánh giá trực tiếp chất lượng thủy sản thông qua các sản phẩm tươi sống hoặc chế biến sẵn tại gian hàng. Người tiêu dùng Việt Nam cũng có dịp tìm hiểu và thưởng thức những sản phẩm thủy sản 100% Việt Nam đạt những tiêu chuẩn cao nhất về an toàn thực phẩm.
Nguồn: https://bnews.vn/vietfish-2023-co-hon-200-don-vi-trien-lam-voi-tren-420-gian-hang/304039.html
Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu
1. Người tiêu dùng Thái Lan mê nhãn tươi Việt Nam
Nhiều người tiêu dùng tham quan, mua sắm tại siêu thị Tops (nằm trong Trung tâm thương mại CentralwOrld (thủ đô Bangkok, Thái Lan) thích thú chọn mua những túi nhãn tươi nhập khẩu từ Việt Nam. Đây là kết quả sau nhiều nỗ lực của Central Retail Việt Nam và đối tác trong việc thúc đẩy xuất khẩu trái nhãn của Việt Nam sang thị trường Thái Lan qua kênh bán lẻ hiện đại.
Trước đó, vào giữa tháng 7 năm nay, Central Retail Việt Nam đã phối hợp cùng đối tác thực hiện xuất khẩu chính ngạch 3 tấn vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang sang thị trường Thái Lan. Việc Central Retail phối hợp cùng đối tác liên tiếp thực hiện xuất khẩu thành công trái vải và nhãn sang Thái Lan, cho thấy thị trường này có nhiều tiềm năng, và nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/nguoi-tieu-dung-thai-lan-me-nhan-tuoi-viet-nam-du-gia-khong-he-re-20230819094432635.htm
2. Campuchia với giấc mơ trở thành ‘vựa gạo của ASEAN’
Kể từ năm 2010, ngành lúa gạo và đặc biệt là ngành xay xát của Campuchia đã được hiện đại hóa nhanh chóng và hiện đã đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết trên thị trường quốc tế. Xuất khẩu gạo của Campuchia tăng nhanh trong 7 năm qua. Thị phần xuất khẩu chính là gạo thơm (63%), tiếp theo là gạo trắng hạt dài (25%) và gạo đồ (12%). Theo chương trình ưu đãi chung, Campuchia được miễn thuế nhập khẩu vào Liên minh châu Âu theo Điều khoản ‘Mọi thứ trừ vũ khí’ dành cho các nước kém phát triển nhất. Do đó, EU là điểm đến lớn nhất của gạo Campuchia, tiếp theo là Trung Quốc và các nước ASEAN. Campuchia đã phát triển một số giống lúa thơm như Phka Rumdoul, Phka Romeat và Phka Rumdeng và gạo thơm Campuchia đã nhiều năm liền đạt danh hiệu “Gạo ngon nhất thế giới”.
Theo Liên đoàn Lúa gạo Campuchia (CRF), Vương quốc này phải đặt mục tiêu cải thiện năng suất và giảm chi phí sản xuất để gạo có thể cạnh tranh trên thị trường gạo toàn cầu. “Ngành gạo đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nền kinh tế quốc gia ở Campuchia. Nước này đã xuất khẩu hơn 630.000 tấn gạo trị giá 418 triệu USD và 3,4 triệu tấn thóc trị giá 881 triệu USD vào năm ngoái. Tổng xuất khẩu gạo và lúa đạt hơn 1,2 tỷ USD mỗi năm”, Chủ tịch CRF, ông Chan Sokheang, cho biết. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn và đạt được danh hiệu ‘Vựa gạo của ASEAN’, ít nhất là tạm thời, thì xuất khẩu gạo xay xát phải tăng gấp đôi. Mặc dù CRF và chính phủ Campuchia đã liên tục hỗ trợ nông dân trồng lúa để tối đa hóa sản lượng của họ, nhưng các chuyên gia chỉ ra nhiều lỗ hổng mà họ bắt buộc phải khắc phục.
Nguồn: https://markettimes.vn/campuchia-voi-giac-mo-tro-thanh-vua-gao-cua-asean-38389.html
BSA Media