Bản tin thị trường (từ 21 đến 28-2)

Cơ chế làm việc linh hoạt "ba ngày trong tuần ở văn phòng" đang được nhiều doanh nghiệp châu Á áp dụng. Đồ họa: Great People Inside

Tiêu điểm: 

Châu Á với xu hướng “tuần làm việc ba ngày ở văn phòng”

Cơ chế làm việc linh động với chỉ ba ngày làm việc tại văn phòng đang được xem là “phúc lợi lao động có giá trị nhất” tại châu Á, với các doanh nghiệp Singapore và Nhật Bản đang dẫn dắt làn sóng này. “Phúc lợi” này được xếp trên bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm y tế tư nhân và ngày nghỉ phép bổ sung.

Hays, một công ty tuyển dụng chuyên gia toàn cầu, thực hiện khảo sát trực tuyến với phản hồi của hơn 9.000 nhân viên và nhà tuyển dụng tại Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia và Singapore.

Hays nói các chuẩn mực văn phòng làm việc truyền thống đã được định hình lại ở Singapore và Nhật Bản, với chưa đầy 40% số chuyên gia dành toàn bộ tuần làm việc của họ tại văn phòng. Hays nói các chính sách của chính phủ nhằm cải thiện sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống giúp thúc đẩy sự chuyển dịch sang các mô hình làm việc linh hoạt hơn.

Ngược lại, tại Trung Quốc, hơn 60% các tổ chức được khảo sát yêu cầu nhân viên phải có mặt tại văn phòng năm ngày một tuần.

Ở châu Á, ba ngày một tuần ở văn phòng dường như là “điểm lý tưởng” cho cả tổ chức và nhân viên, theo Hays. Ở Singapore, tuần làm việc ba ngày ở văn phòng là hình thức phổ biến nhất, với 32% công ty áp dụng. Khoảng một nửa số tổ chức được khảo sát tại Hồng Kông, Malaysia và Thái Lan đã áp dụng mô hình làm việc linh hoạt.

Làm việc linh hoạt đã nổi lên, trở thành công cụ quan trọng nhằm giúp doanh nghiệp giữ chân nhân tài, trong bối cảnh thiếu hụt nhân viên có kỹ năng. Cuộc khảo sát cho thấy 47% chuyên gia làm việc trong khu vực xếp hạng làm việc linh hoạt là phúc lợi có giá trị nhất, tiếp theo là bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm y tế tư nhân và ngày nghỉ phép bổ sung.

Khó khăn trong việc giữ chân nhân viên đặc biệt nghiêm trọng ở Nhật Bản, nơi nhân viên ít quan tâm đến công việc ổn định hơn so với trước đây. Khoảng 66% người khảo sát ở Nhật Bản trả lời rằng họ hiện đang tìm kiếm vai trò mới, tỷ lệ cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong khu vực. Grant Torrens, giám đốc điều hành tại Hays Specialist Recruitment Japan, nhận định: “Điều này khiến Nhật Bản trở thành lực lượng lao động biến động nhất ở châu Á hiện nay”.

https://bsamedia.vn/singapore-va-nhat-ban-dan-dat-lan-song-tuan-lam-viec-ba-ngay-tai-van-phong/

Tin nổi bật:

Các thương hiệu mỹ phẩm Trung Quốc đang chú trọng đến mở rộng thị phần các nước Đông Nam Á có giá trị đến 15 tỉ đô la. Tại Việt Nam, mỹ phẩm Trung Quốc đứng thứ năm về doanh số nhập khẩu, xếp sau Hàn Quốc, Pháp, Nhật Bản và Mỹ.

https://bsamedia.vn/my-pham-trung-quoc-mo-rong-thi-phan-tai-viet-nam-va-dong-nam-a/

Samsung Việt Nam có tổng giám đốc mới: Ông Na Ki Hong chính thức điều hành Samsung Việt Nam trên cương vị tổng giám đốc từ ngày 1-3-2025. Ông Hong gia nhập Samsung Electronics từ năm 1990 và đã đảm nhận hàng loạt các vị trí liên quan đến công tác nhân sự tại Tập đoàn; Văn phòng chiến lược tương lai; Viện nghiên cứu Truyền thông đa phương tiện kỹ thuật số (DMC); Mảng kinh doanh thiết bị không dây… Đặc biệt từ năm 2020 đến năm 2024, với tư cách là Phó tổng giám đốc bộ phận Hành chính nhân sự Tập đoàn, tổng phụ trách công tác nhân sự của Samsung Electronics, ông Hong đã đóng góp lớn cho việc tăng cường năng lực cạnh tranh của tập đoàn.

UOB giữ dự báo tăng trưởng Việt Nam 7% năm 2025 dù đánh giá 8% khả thi: Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng, “ít nhất 8%” vào năm 2025 và “hai con số” giai đoạn 2026-2030, vượt xa dự báo chính thức 6,5-7%. Tuy nhiên, trả lời Nhịp Cầu Đầu Tư, ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu thuộc Ngân hàng UOB của Singapore cảnh báo đây là đây là thách thức lớn. Dù Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ, sự phụ thuộc lớn vào thương mại quốc tế (xuất khẩu chiếm 90% GDP) và đặc biệt là thị trường Mỹ (30% tổng kim ngạch xuất khẩu) khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương trước các chính sách thuế quan của Mỹ. Tăng trưởng GDP ấn tượng năm 2024 (xuất khẩu tăng 14%, FDI đạt 25,4 tỉ đô la) có thể bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan của Trump và chu kỳ bán dẫn suy giảm. Do đó, UOB vẫn giữ dự báo tăng trưởng Việt Nam ở mức thận trọng 7% cho năm 2025.

Gần hai năm không có hợp đồng, Garmex Sài Gòn cho thuê đất để làm sân pickleball: Theo đó, doanh nghiệp dệt may này cho sẽ cho đối tác Công ty cổ phần VinaPrint thuê tối đa 3.000m2 đất để mở sân pickleball và các hoạt động thể thao khác. Hợp đồng thuê mặt bằng có thời hạn một năm, VinaPrint trả tiền khoảng 2 tỉ đồng, gấp đôi doanh thu của Garmex trong cả năm 2024.

Garmex là doanh nghiệp dệt may lâu đời từ năm 1976. Với năm nhà máy và hơn 70 dây chuyền sản xuất trải dài từ TP.HCM đến Quảng Nam, Garmex từng đạt doanh thu ngàn tỉ đồng trong giai đoạn 2012-2021. Năm 2022, đối tác lớn của Garmex là Gilimex bị Amazon Robotics LLC cắt giảm đơn hàng đột ngột, khiến Garmex lao đao. Doanh nghiệp này phải bán bớt tài sản, giải phóng hàng tồn kho và sa thải hàng ngàn lao động.

Từ cuối năm 2024, giá gạo xuất khẩu Việt Nam giảm mạnh do nguồn cung toàn cầu tăng, đặc biệt sau khi Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo 100% tấm. Nguồn cung dồi dào từ Ấn Độ, Thái Lan và Bangladesh khiến giá gạo thế giới chịu áp lực lớn, làm khách hàng truyền thống của Việt Nam trì hoãn giao dịch. Sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2024-2025 dự kiến đạt kỷ lục 532,66 triệu tấn, trong đó Ấn Độ đạt 145 triệu tấn. Đại diện Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) dự báo giá gạo xuất khẩu Việt Nam có thể duy trì dưới 400 USD/tấn trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, khi nhu cầu nhập khẩu ổn định, giá gạo có thể phục hồi. MXV khuyến nghị doanh nghiệp theo dõi thị trường, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm để duy trì lợi thế cạnh tranh.

EU từ bỏ kế hoạch cắt giảm thuốc trừ sâu: Tuy vậy, Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư vào công nghệ canh tác sạch và tuân thủ các tiêu chuẩn mới để duy trì và tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu.

Theo Bộ Công Thương, EU là thị trường trái cây và rau quả trị giá 62 tỉ euro (64,4 tỉ đô la), chiếm 43% giá trị thương mại toàn cầu. Kim ngạch xuất khẩu ngành này của Việt Nam sang EU là 200 triệu đô  la trong năm 2022 và 399 triệu đô la trong năm 2023.

EU đã chính thức từ bỏ kế hoạch cắt giảm 50% việc sử dụng thuốc trừ sâu vào năm 2030 – một mục tiêu quan trọng trong chính sách nông nghiệp bền vững của khối. Đề xuất này, được đưa ra vào tháng 6-2022 trong khuôn khổ Thỏa thuận Xanh châu Âu (Green Deal), đã bị loại bỏ sau sự phản đối mạnh mẽ từ nông dân và các đảng phái cánh hữu.

Việc rút lại kế hoạch trên giúp giảm áp lực đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, trong đó có Việt Nam, trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường khắt khe. Tuy nhiên, EU vẫn sẽ duy trì các tiêu chuẩn cao về dư lượng thuốc trừ sâu trong thực phẩm nhập khẩu. Ngoài ra, khối này đang thúc đẩy Đạo luật Công nghệ Sinh học (Biotech Act) nhằm tìm kiếm giải pháp thay thế an toàn hơn cho thuốc trừ sâu truyền thống.

Thái Lan đang đẩy mạnh chiến lược “Nhà bếp của thế giới” thông qua dự án “Mỗi làng một Đầu bếp Thái”, đào tạo đầu bếp chuyên nghiệp từ 78.000 làng nghề. Dự án 4 năm (2024-2027) cung cấp khóa học miễn phí, nâng cao kỹ năng ẩm thực từ công thức hoàng gia đến đặc sản vùng miền. Tại sự kiện “Hương vị Thái Lan tuyệt vời thế giới”, bếp trưởng Chumphol Jangprai nhấn mạnh đào tạo chuyên nghiệp là cần thiết với 25.000 nhà hàng Thái toàn cầu. Chương trình 90 giờ lý thuyết và 150 giờ thực hành với 50 món ăn, cấp chứng chỉ trong nước và quốc tế. Chính phủ tài trợ, đào tạo tại các viện giáo dục, Trung tâm học tập Di sản Ẩm thực Thái Lan là trung tâm. Bà Yuwapha Jaiboon (NFI) cho biết chương trình tạo đầu bếp có tầm ảnh hưởng, quảng bá ẩm thực Thái. Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra khẳng định tại WEF 2025, Thái Lan sẵn sàng hiện thực hóa tham vọng, dự án là chiến lược phát triển bền vững ngành thực phẩm.

Startup một năm tuổi Miguo AI đang có kế hoạch phát hành 100 đầu truyện tranh và phim hoạt hình trong năm nay, các công cụ AI sẽ giúp việc tạo hình nhanh và rẻ hơn. Liệu Miguo sẽ là thành công kế tiếp của ngành công nghệ Trung Quốc, sau thành công của DeepSeek và bộ phim hoạt hình Na Tra, đặc biệt là tập 2 “Na Tra: Ma đồng quá hải”.

https://bsamedia.vn/startup-truyen-tranh-trung-quoc-dung-ai-de-vuot-mat-cac-doi-thu-nhat-han/

Thường thì người ta chỉ trọng “nhìn đẹp” – đánh giá hình thức của sản phẩm bằng thị giác, hay “ăn ngon” chú trọng với vị giác. Giờ đây, nhiều doanh nghiệp đang tiếp cận với “nghe hay” hay vui tai bằng thính giác. Xu hướng trải nghiệm sản phẩm bằng cả năm giác quan đang được nhiều doanh nghiệp khám phá.

https://bsamedia.vn/khong-con-la-nhin-dep-va-an-ngon-ma-phai-la-nghe-hay-va/

Cảng Tuas ớ phía tây hòn đảo sẽ hợp nhất với các cảng khác ở Singapore để tạo thành “cảng của tương lai”, vượt qua Thượng Hải để đứng đầu thế giới về công suất bốc dỡ hàng hóa. Các hoạt động của cụm cảng hoàn toàn được tự động hóa và do AI hỗ trợ.

https://bsamedia.vn/singapore-xay-dung-cang-tu-dong-lon-nhat-the-gioi/

BSA Media thực hiện

Nguồn: BSA Media, Nikkei Asia, Reuters, Bloomberg, Tuổi Trẻ, Dân Trí, Người Lao Động…

Bản tin thị trường (từ 14 đến 20-2)