Bản tin thị trường, từ 22-27/9/2023

Xe điện sẽ là tương lai của LG

Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử

1. Amazon tìm cách hóa giải mối đe dọa từ các đối thủ bán hàng giá rẻ của Trung Quốc
Sự trỗi dậy nhanh chóng Temu và Shein trong hoạt động mua sắm của người tiêu dùng Mỹ khiến Amazon giật mình và đang tìm cách đáp trả. Nhiều năm qua, Amazon tập trung cạnh tranh với các đối thủ trong nước như hai chuỗi siêu thị bán lẻ tạp hóa Walmart và Target. Nhưng Temu và Shein, cả hai đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, đang khai thác nhu cầu đối với những mặt hàng giá rẻ mà người tiêu dùng Mỹ không cần phải giao nhanh chóng.
Theo nguồn thạo tin, cho đến nay, Amazon chưa có động thái nào để so kè giá cả với các mặt hàng bán trên Temu và Shein. Nhưng họ cho biết, ban lãnh đạo của Amazon đang cân nhắc chiến lược ứng phó với hai đối thủ của Trung Quốc khi nhận thấy có một thị trường lớn dành cho những mặt hàng giá rẻ. Ban lãnh đạo Amazon đang tìm hiểu xem liệu có nên cung cấp những sản phẩm như vậy trên trang web bán hàng của Amazon hay không.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/amazon-tim-cach-hoa-giai-moi-de-doa-tu-cac-doi-thu-ban-hang-gia-re-cua-trung-quoc/
2. Mùa lên ngôi của hàng giảm giá trên sàn thương mại điện tử
Thương mại điện tử giảm giá sẽ thống trị toàn cầu trong mùa mua sắm Giáng sinh sắp tới ở phương Tây và ngày Độc thân (11-11) ở Trung Quốc, theo nhận định của các nhà phân tích. Xu hướng xuất khẩu thương mại điện tử giảm giá của Trung Quốc ra thế giới đang làm rung chuyển hoạt động mua sắm trực tuyến trên toàn cầu. Các nền tảng mua sắm trực tuyến chi phí thấp ở Trung Quốc, cũng như các công ty đa quốc gia xuất khẩu hàng hóa từ nước này, dường như sẽ định hình hoạt động mua sắm vào những ngày lễ cuối năm. Xu hướng mua sắm trên nền tảng bán hàng giá rẻ được củng cố một phần là do những thách thức kinh tế vĩ mô mà nhiều thị trường đang đối mặt, gồm tình trạng thắt lưng buộc bụng trong bối cảnh kinh tế bất ổn ở Trung Quốc và lạm phát cao ở Mỹ và châu Âu gây áp lực lên chi tiêu của người tiêu dùng.
Môi trường vĩ mô hiện nay đang mở đường cho cuộc đua xuống đáy này, nhưng sự thay đổi trong các xu hướng rộng hơn cũng có thể tạo sự thay đổi đáng chú ý đối với người mua sắm cũng như các nền tảng thương mại điện tử. Nếu kinh tế bắt đầu phục hồi, người tiêu dùng sẽ chuyển sang mua hàng hóa chất lượng hơn và điều này có thể kìm hãm tốc độ tăng trưởng của các nền tảng thương mại điện tử tập trung vào hàng giảm giá.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/mua-len-ngoi-cua-hang-giam-gia-tren-san-thuong-mai-dien-tu/
3. Quy định mới của Indonesia ‘hãm đà’ phát triển của TikTok Shop
Tham vọng mở rộng lĩnh vực mua sắm trực tuyến của TikTok đang bị cản trở từ các quy định mới ở Indonesia nhằm hạn chế hoạt động thương mại điện tử các công ty truyền thông xã hội tại nước này. Theo South China Morning Post, trong thông báo ngày 26/9, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan cho biết Chính phủ nước này sẽ ban hành quy định cấm các công ty truyền thông xã hội cho phép thanh toán trên nền tảng của họ, đồng nghĩa với việc nền tảng chỉ có thể quảng bá sản phẩm chứ không thể thực hiện các giao dịch trực tiếp. Bộ trưởng Zulkifli Hasan nhận định, quy định mới sẽ tạo cơ hội phát triển cho hơn 64 triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của Indonesia, đóng góp 61% tổng sản phẩm quốc nội, đồng thời ngăn chặn sự độc quyền của các công ty thương mại xã hội lớn khác.
Về phía TikTok, ứng dụng có 325 triệu người dùng hoạt động hằng tháng tại Đông Nam Á, trong đó 125 triệu người dùng ở Indonesia. Công ty chia sẻ thêm, có hơn 2 triệu doanh nghiệp nhỏ tại Indonesia đang hoạt động trên TikTok Shop. Vì vậy, nền tảng phản đối chính sách được đề xuất, tranh luận việc tách bạch mạng xã hội và thương mại điện tử không chỉ ảnh hưởng đến đổi mới hoạt động kinh doanh mà còn gây bất lợi cho hàng triệu người bán hàng và người tiêu dùng Indonesia bởi thu nhập của một số người dựa vào TikTok. Theo Nikkei Asia, các nhà bán lẻ trực tuyến như Shopee, Tokopedia có thể hưởng lợi nếu TikTok Shop bị hạn chế.
Nguồn: https://mekongasean.vn/quy-dinh-moi-cua-indonesia-ham-da-phat-trien-cua-tiktok-shop-post27388.html
4. Vì sao người Việt thích mua hàng online trên TikTok?
Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me mới đây công bố báo cáo về lý do người Việt thích mua hàng online trên TikTok. Theo khảo sát công ty triển khai, đây hiện là nền tảng mạng xã hội phổ biến thứ 3 Việt Nam sau Facebook và YouTube, được người Việt sử dụng thường xuyên với tần suất ít nhất một lần một tuần. Khảo sát được thực hiện trong tháng 9 của Q&Me cho thấy 41% đáp viên sử dụng TikTok để mua sắm online thường xuyên, tương đương tỷ lệ của Facebook. Shopee vẫn là nền tảng TMĐT được sử dụng nhiều nhất với 72%, xếp sau đó là Lazada với 51%. Cụ thể, có tới 65% tổng số người dùng TikTok đã mua sắm trực tuyến trên nền tảng này. Trong đó, 29% mua hàng qua TikTok với tần suất một lần/tuần trở lên, 41% mua 2-3 lần/tháng – chiếm tỷ lệ cao nhất.
Về lý do lựa chọn mua hàng trên TikTok, có tới 61% đáp viên cho biết là vì có giá tốt . Lý do phổ biến thứ hai, chiếm 46% câu trả lời, là sự đa dạng phong phú của sản phẩm . 39% nói rằng họ mua hàng vì có nhiều đánh giá/review hữu ích. Những lý do khác được liệt kê bao gồm: dịch vụ vận chuyển tốt (32%), xem nội dung thấy vui vẻ (30%), các deal độc quyền (30%), người có tầm ảnh hưởng gợi ý mua (28%), trình bày về sản phẩm tốt (27%), hỗ trợ khách hàng tốt (27%), giao diện người dùng tốt (20%). Khi được hỏi về lợi thế độc nhất của TikTok, 45% đáp viên cho rằng đó là các deal độc quyền chỉ có trên nền tảng này. Thông tin về sản phẩm nhanh chóng và niềm tin vào những người có tầm ảnh hưởng/nhà sáng tạo nội dung cũng được đánh giá là lợi thế quan trọng, chiếm lần lượt 38% và 37% ý kiến. Trải nghiệm mua sắm mang tính tương tác và giải trí cũng ghi điểm lớn trong mắt người dùng.
Nguồn: https://markettimes.vn/vi-sao-nguoi-viet-thich-mua-hang-online-tren-tiktok-41284.html
5. Thêm một hệ thống siêu thị hàng đầu của Pháp đồng hành cùng sản phẩm Việt
Sau khi tiếp cận thành công hai hệ thống bán lẻ lớn nhất tại Pháp là Carrefour và E.Leclerc trong vòng 2 năm qua, Tuần hàng Việt Nam 2023 một lần nữa đến gần hơn với người tiêu dùng Pháp thông qua hệ thống phân phối Système U. Ngày 25/9, siêu thị Super U tại thành phố Noisiel (ngoại ô Paris) tổ chức lễ khai trương “Tuần hàng Việt Nam 2023” với sự tham dự của Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, Chủ tịch-Tổng Giám đốc hệ thống Système U Dominique Schelcher, Thượng nghị sĩ Vincent Eblee, Thị trưởng hai thành phố Lognes và Noisiel, nơi có siêu thị Super U.
Càng ngày càng có nhiều người tiêu dùng tại Pháp biết tới và yêu thích các hương vị đặc trưng của ẩm thực Việt Nam qua các món phở hoặc bún. Người dân Pháp cũng dần dần tìm hiểu về cách thức nấu nướng các món ăn này. Do đó, sự hiện diện của các mặt hàng thực phẩm và thủ công của Việt Nam tại các siêu thị Super U giúp cho người tiêu dùng tại Pháp có nhiều sự lựa chọn hơn với những món ăn Việt Nam mà họ yêu thích.
Nguồn: https://nhandan.vn/them-mot-he-thong-sieu-thi-hang-hang-dau-cua-phap-dong-hanh-cung-san-pham-viet-post774426.html
6. Doanh nghiệp bán lẻ và chiến lược thích ứng với thị trường
Bước sang những tháng cuối năm 2023, song hành với những tín hiệu khả quan của nền kinh tế, hầu hết các doanh nghiệp ngành bán lẻ đang bày tỏ kỳ vọng, tình hình thị trường bán lẻ sẽ dần được cải thiện hơn so với nửa đầu năm nay, dù sự phục hồi chưa thực sự rõ rệt và tốc độ khá chậm chạp. Trước thực tế này, các doanh nghiệp bán lẻ đã chủ động có những động thái thay đổi chiến lược để thích ứng với xu thế thời cuộc, thích ứng với sự thay đổi về thói quen và văn hóa của người tiêu dùng.
Theo ông Vũ Đăng Vinh – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), để củng cố vị thế của chuỗi bán lẻ, đáp ứng nhu cầu mua sắm linh hoạt của người tiêu dùng, chiến lược đa kênh được coi là ưu tiên hàng đầu đối với các doanh nghiệp bán lẻ. Tiếp đến, gần 64% số doanh nghiệp ngành bán lẻ cho biết sẽ tiếp tục triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng, thực hiện chính sách giá cạnh tranh, chương trình thành viên… để cải thiện sức mua. Song song với đó, chú trọng đến kiểm soát chi phí để tối ưu lợi nhuận cũng là một giải pháp quan trọng được doanh nghiệp bán lẻ thực hiện trong năm nay.
Tác động từ những khó khăn trong giai đoạn vừa qua cũng ảnh hưởng phần nào đến nguồn vốn và chi phí dành cho việc tăng cường số hóa các hoạt động vận hành của doanh nghiệp trong ngành, Tuy nhiên, nhìn chung, các doanh nghiệp vẫn khẳng định, đây là xu thế tất yếu và họ sẽ tiếp tục tập trung đầu tư trong thời gian tới. Đáng chú ý, là chiến lược nâng cao hình ảnh doanh nghiệp, đẩy mạnh marketing cũng nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong năm nay. 83,3% số doanh nghiệp bán lẻ tham gia khảo sát của Vietnam Report cho biết dự kiến tăng phân bổ ngân sách cho marketing nói chung lên khoảng 14% so với năm 2022; trong đó, các hạng mục được nhiều doanh nghiệp dự kiến tăng chi tiêu nhất liên quan đến marketing kỹ thuật số (digital marketing), quản trị quan hệ khách hàng và trải nghiệm khách hàng.
Nguồn: https://bnews.vn/doanh-nghie-p-ba-n-le-va-chie-n-luo-c-thi-ch-u-ng-vo-i-thi-truo-ng/307516.html
7. Thiên Long lập cú hattrick về danh hiệu và giải thưởng
Vì những nỗ lưc mở rộng hệ sinh thái sản phẩm phục vụ đọc viết – vẽ – nghe – nhìn và chiến lược phát triển bền vững, Tập đoàn Thiên Long liên tiếp được vinh danh ở các hạng mục giải thưởng lớn trong nước và quốc tế. Là Tập đoàn Văn phòng phẩm hàng đầu châu Á, trong những năm qua, Thiên Long đã chinh phục được rất nhiều giải thưởng uy tín ở trong nước và quốc tế.
Gần đây, Thiên Long tiếp tục được vinh danh ở hàng loạt giải thưởng lớn, bao gồm: Top doanh nghiệp có doanh thu dưới 1 tỷ USD tốt nhất Châu Á do Forbes Châu Á bình chọn; Top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam của Nhịp cầu đầu tư; Doanh nghiệp xanh TP HCM… Đặc biệt, sắp tới, Thiên Long sẽ chính thức nhận giải thưởng Top 25 thương hiệu công ty hàng tiêu dùng cá nhân & công nghiệp dẫn đầu do Forbes Việt Nam bình chọn
Nguồn: https://toquoc.vn/thien-long-lap-cu-hattrick-ve-danh-hieu-va-giai-thuong-20230922094229882.htm
8. Ngành đường sắt tiếp tục triển khai app bán hàng trên tàu khách
Ngày 27/9, lãnh đạo Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Hà Nội (Haraco) cho biết, sau thành công của app bán hàng được triển khai trên các đoàn tàu SE1/2, SE19/20, các đoàn tàu trên tuyến Hà Nội – Hải Phòng. Vì vây, kể từ 8h00 ngày 28/9, Haraco tiếp tục triển khai trên tàu SE5/6, NA1/2 và các đoàn tàu trên tuyến Hà Nội – Lào Cai. Theo đó, trên các toa ghế ngồi hoặc trong khoang giường ngủ sẽ dán các mã QR code, khách dùng điện thoại thông minh quét mã QR sẽ link vào trang web bán hàng. Trên trang này, hành khách có thể chọn mua đồ ăn, thức uống để dùng ngay trên tàu bằng cách tích vào đồ muốn mua. Hệ thống ghi nhận và báo về nhân viên toa xe, nhân viên sẽ đến gặp hành khách để xác nhận lại và báo nhân viên phục vụ ăn uống phục vụ sản phẩm đến hành khách.
Tương tự, nếu khách chọn đặt mua (order) đặc sản vùng miền, nhân viên cũng đến xác nhận lại với hành khách về mặt hàng, số lượng. Sau khi đơn của khách hàng được xác nhận chắc chắn, hàng sẽ được giao đến ga để khi tàu dừng, nhân viên trên tàu nhận hàng, giao đến hành khách. Hành khách có thể chọn các hình thức thanh toán khác nhau: tiền mặt hoặc chuyển khoản… Về giá thành, các chi nhánh vận tải làm việc với các nhà cung cấp để đảm bảo hàng chất lượng, giá cả hợp lý.
Nguồn: https://bnews.vn/nganh-duong-sat-tiep-tuc-trien-khai-app-ban-hang-tren-tau-khach/307853.html

Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực

1. Tham vọng của Starbucks khi đầu tư ‘khủng’ vào Trung Quốc
Gã khổng lồ cà phê Starbucks (Mỹ) đã đầu tư hơn 220 triệu USD vào một cơ sở mới ở Trung Quốc, một dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc vẫn đóng vai trò quan trọng đối với chuỗi cà phê toàn cầu bất chấp nguy cơ suy thoái kinh tế lớn. Starbucks cho biết, đây là khoản đầu tư lớn nhất mà họ từng thực hiện cho một trung tâm sản xuất và phân phối cà phê bên ngoài nước Mỹ. Địa điểm này có một cơ sở rang cà phê lớn và một khu vực cho phép du khách xem cách pha chế đồ uống.
Việc khai trương “Công viên đổi mới” rộng 7.400 m2 nằm ở thành phố Côn Sơn, gần Thượng Hải, diễn ra vào ngày 19/9/2023, sau một năm trì hoãn kéo dài. Tổng số vốn đầu tư cao hơn gần 50% so với con số 150 triệu USD mà Starbucks dự kiến phân bổ trước đó vào năm 2020. Việc khai trương cơ sở mới tại Trung Quốc được đánh giá là một bước tiến lớn trong tham vọng chinh phục thị trường Trung Quốc của Starbucks.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/tham-vong-cua-starbucks-khi-dau-tu-khung-vao-trung-quoc-2193033.html
2. Sau Trung Quốc, ông Đặng Lê Nguyên Vũ mở tiếp cửa hàng cà phê tại California – Mỹ
Mới đây, Trung Nguyên Legend Cafe đã mở cửa hàng đầu tiên tại thị trường Mỹ, theo hình thức nhượng quyền. Tọa lạc tại trung tâm khu Little Saigon (Westminster, California), cửa hàng này có diện tích rộng hơn 120 m2, phục vụ các món uống cà phê phin và espresso sử dụng 100% hạt cà phê Robusta và Arabica trồng tại Buôn Ma Thuột, Việt Nam. Đồng thời, Trung Nguyên Legend cũng sẽ đem đến những món uống sáng tạo trên nền tảng espresso như latte, mocha, cappuccino, cùng với các menu cà phê trứ danh của Việt Nam như cà phê trứng. H&L Wholesale Food Corporation – công ty phân phối có trụ sở tại Los Angeles là đơn vị đứng đằng sau địa điểm nhượng quyền của Trung Nguyên Legend Cafe tại xứ cờ hoa.
Như vậy, Mỹ là thị trường tiếp theo mà mô hình cửa hàng Trung Nguyên Legend Cafe đặt chân tới, sau Trung Quốc. Trước đó, tập đoàn của ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã gây chú ý khi lần lượt mở 2 cửa hàng tại Thượng Hải (Trung Quốc) vào tháng 9/2022 và tháng 7/2023. Ngoài ra, Trung Nguyên Legend cũng đã có động thái mở văn phòng đại diện tại Hàn Quốc, qua đó gia tăng sự hiện diện của thương hiệu này tại xứ sở kim chi.
Nguồn: https://markettimes.vn/sau-trung-quoc-ong-dang-le-nguyen-vu-mo-tiep-cua-hang-ca-phe-tai-california-my-phuc-vu-100-ca-phe-buon-ma-thuot-41145.html
3. Chuỗi ‘VietNam Coffee House’ của Vinanutrifood chinh phục CAEXPO 2023 thành công ngoài mong đợi
Tại Hội chợ Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Trung Quốc – ASEAN (CAEXPO) 2023, vừa được tổ chức tại thành phố Nam Ninh, Trung Quốc, Vinanutrifood đã ghi ấn tượng với gian hàng VietNam Coffee House, chứng tỏ sự phát triển đặc biệt của công ty trong ngành cà phê nói riêng và thực phẩm nói chung. Tại CAEXPO 2023, gian hàng VietNam Coffee House đã thu hút một lượng lớn khách hàng Trung Quốc và quốc tế. Thiết kế gian hàng với hình ảnh chiếc phin cà phê Việt Nam lớn nhất thế giới đã gây chú ý và tạo sự thích thú. Thực đơn đa dạng với các đồ nước uống độc đáo như cafe muối, cafe trứng, cafe dừa và cafe sầu riêng đã nhanh chóng chinh phục vị giác của khách hàng.
CAEXPO là hội chợ thường niên được tổ chức từ năm 2004 theo sáng kiến của Trung Quốc và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các quốc gia thành viên ASEAN. Trong những năm qua, hội chợ đã trở thành nền tảng hợp tác kinh tế, thương mại đa phương quan trọng của ASEAN và Trung Quốc, thu hút một lượng lớn doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Nguồn: https://tienphong.vn/chuoi-vietnam-coffee-house-cua-vinanutrifood-chinh-phuc-caexpo-2023-thanh-cong-ngoai-mong-doi-post1571708.tpo

Nhóm tin về nông nghiệp – thủy sản – chăn nuôi

1. Nội các Thái Lan thông qua kế hoạch giãn nợ cho nông dân
Ngày 26/9, Nội các Thái Lan đã thông qua kế hoạch giãn nợ 3 năm đối với nông dân. Giảm bớt gánh nặng nợ cho nông dân là một trong các mục tiêu đã được chính phủ của Thủ tướng Srettha Thavisin đưa vào Tuyên bố Chính sách để thực hiện trong nhiệm kỳ hiện tại. Phát biểu với báo giới, Thứ trưởng Tài chính Thái Lan Julapun Amornvivat cho biết giai đoạn đầu tiên của chương trình giãn nợ sẽ bắt đầu từ ngày 1/10-30/9/2024, với chi phí khoảng 12 tỷ baht (khoảng 330 triệu USD).
Ông Julapun cho biết khoảng 2,7 triệu nông dân với khoản nợ tổng cộng khoảng 300 tỷ baht đủ điều kiện tham gia chương trình này và họ có thể đăng ký tham gia chương trình từ ngày 1/10 đến 31/1/2024. Ngoài việc được hoãn trả nợ, mỗi nông dân cũng được phép vay tới 100.000 baht (hơn 65 triệu đồng) từ BAAC để tạo kế sinh nhai trong thời gian được giãn nợ. Ông Julapun cho biết Nội các cũng đã phê duyệt các biện pháp nâng cao kỹ năng cho nông dân tham gia chương trình, theo đó Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã Nông nghiệp sẽ làm việc với các cơ quan liên quan để tổ chức các buổi đào tạo nghề để giúp nông dân theo đuổi các nghề nghiệp khác nhằm bổ sung thu nhập, trả nợ và cải thiện sinh kế lâu dài.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/noi-cac-thai-lan-thong-qua-ke-hoach-gian-no-cho-nong-dan/898839.vnp
2. Tất tay với sầu riêng rồi ‘bỏ của chạy lấy người’
Lao theo cơn sốt sầu riêng tại Daklak, nhiều thương lái đã gom hết vốn liếng, thậm chí vay mượn để tất tay với ngành hàng đang ‘hot’. Khi giá sầu riêng quay đầu cũng là lúc thương lái ngấm đòn thua lỗ. Không ít thương lái chỉ cắt một ít, hoặc vào dao đầu (thu đợt 1) rồi “bỏ của chạy lấy người”.
Theo khảo sát, giá sầu riêng hiện đã giảm nhiều so với đầu vụ thu hoạch. Cụ thể, doanh nghiệp đang mua sầu riêng hàng loại I (tức hàng đẹp, được tuyển chọn kỹ), là 80.000 đồng/kg; còn hàng loại II, loại III thấp hơn nhiều. Trước tình trạng tranh mua, tranh bán, đẩy giá lên cao gây nhiễu loạn thị trường sầu riêng, các chuyên gia đã đưa ra khuyến cáo về hệ lụy của việc đứt gãy chuỗi liên kết và người thiệt hại cuối cùng là người nông dân…
Nguồn: https://tienphong.vn/tat-tay-voi-sau-rieng-roi-bo-cua-chay-lay-nguoi-post1571980.tpo
3. Vượt hơn 600 đối thủ, startup Việt trở thành ‘hạt giống’ nông nghiệp số hóa
Thị trường kinh doanh nông nghiệp và Fintech đạt mức 1,7 tỷ USD vào năm 2022, theo báo cáo của Quỹ đầu tư mạo hiểm toàn cầu AgFunder. Gần đây, AgFunder quyết định lựa chọn đầu tư vào một số dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ hơn 600 đơn đăng ký, startup DHF Platforms (Dalat Hill Farms) của Việt Nam được lựa chọn và nhận vốn đầu tư. DHF Platforms hợp tác với hộ nông dân sản xuất nhỏ để chế biến sản phẩm tươi thành hàng hóa có giá trị gia tăng, đưa ra thị trường đảm bảo nhanh và tươi gấp 6 lần so với thông thường mà giá chỉ bằng 1 nửa. Dự án còn giúp tăng cường tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc thông qua việc tích hợp các giải pháp công nghệ vào chuỗi cung ứng.
Để đảm bảo cung cấp đủ sản phẩm các siêu thị B2B, cửa hàng tiện lợi, DHF Platforms ký hợp đồng với rất nhiều hộ nông dân sản xuất nhỏ và hỗ trợ họ chuyển đổi sang trồng các giống cây trồng mới có giá trị lợi nhuận cao hơn, chu trình sản xuất chỉ kéo dài dưới 30 ngày, đảm bảo dòng tiền đầu tư. Trong đó, công ty tiên phong sản xuất món salad ăn liền tại Việt Nam.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/vuot-hon-600-doi-thu-startup-viet-tro-thanh-hat-giong-nong-nghiep-so-hoa-2192546.html
4. Giá lúa gạo tăng “nóng”: Cần có chiến lược về giá
Tính đến đầu tháng 9 này, xuất khẩu gạo mang về 3,17 tỷ USD, tăng gần 37% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức tăng trưởng kỷ lục ngành gạo đạt được. Rõ ràng thị trường xuất khẩu đang rộng mở, tuy nhiên việc giá tăng “nóng” thời gian qua đang đặt ra nhiều vấn đề cho ngành gạo Việt Nam. Một kg gạo doanh nghiệp mua vào với giá 15.000 đồng. So với cùng kỳ năm 2022, giá đã tăng đến 40%. Đầu vào tăng kỷ lục khiến các doanh nghiệp gạo gặp không ít khó khăn khi xuất khẩu.
Giá gạo xuất khẩu tăng sẽ có lợi cho nông dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, mức tăng phải chấp nhận được. Để hài hòa vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng ngành lúa gạo Việt Nam cần sớm minh bạch quyền lợi giữa các bên và nên có chiến lược về giá trong thời gian tới. Theo ý kiến của doanh nghiệp, các cơ quan chức năng có thẩm quyền nên can thiệp vào thị trường giá cả trong nước, bởi ảnh hưởng từ việc cò lái thu gom, đẩy giá gạo trong nước lên cao, khiến doanh nghiệp xuất khẩu không tiếp cận được với nguồn gạo trong nước, trong khi nguồn gạo trong nước lại xuất đi các nước cũng gặp nhiều khó khăn.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/gia-lua-gao-tang-nong-can-co-chien-luoc-ve-gia-20230925093114713.htm
5. Triển vọng hợp tác nuôi trồng thủy sản Việt Nam – Bỉ
Cơ hội hợp tác giữa các trung tâm nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản nói riêng và nông nghiệp nói chung giữa Bỉ và Việt Nam đang rất rộng mở.Bỉ dù không có ngành nuôi trồng thuỷ sản phát triển với quy mô lớn, song lại sở hữu nhiều ứng dụng nghiên cứu khoa học hàng đầu thế giới về nuôi trồng thuỷ sản. Trong khi đó, Việt Nam sở hữu ngành nuôi trồng thuỷ sản có quy mô lớn và ngày càng phát triển. Theo nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Bỉ giúp nâng cao năng suất nuôi trồng thuỷ sản, bằng việc phát triển công cụ phân tích có độ phân giải và thông lượng cao, các nhà khoa học sẽ xác định được hình thái đường tiêu hoá của một số loài thuỷ sinh.
Ông Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Chúng ta phải nâng tầm hợp tác giữa các nhà khoa học của Đại học Gent với các viện, các trường đặc biệt là ở khu vực ĐBSCL để giải quyết được hai việc: Thứ nhất là thích ứng được với biến đổi khí hậu dịch bệnh; Thứ hai nữa là tạo ra cái giá trị gia tăng từ công nghệ sinh học, từ công nghệ gen mà đó là thế mạnh của các nhà khoa học của Bỉ”.
Nguồn: http://agro.gov.vn/vn/tID32600_Trien-vong-hop-tac-nuoi-trong-thuy-san-Viet-Nam-Bi.html

Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu

1. Ùn ứ tại cửa khẩu Móng Cái, hải sản tươi sống chết hàng loạt
Chiều 22/9, một lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) xác nhận khoảng 3 ngày qua, phía Trung Quốc đã kiểm tra kĩ hơn mặt hàng hải sản tươi sống, khiến doanh nghiệp của Việt Nam gặp khó khăn. Hàng tấn hải sản tươi sống chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo Chi cục Hải quan Cửa khẩu Móng Cái, tính đến 15 giờ ngày 22-9, toàn bộ các mặt hàng thủy sản của doanh nghiệp, cư dân biên giới xuất khẩu qua lối mở cầu phao tạm KM3+4 Hải Yên, Móng Cái đã được xuất sang Trung Quốc. Hiện không còn xe hàng nào tồn đọng tại khu vực cảng.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/un-u-tai-cua-khau-mong-cai-hai-san-tuoi-song-chet-hang-loat-20230922171349995.htm
2. Xuất khẩu cà phê sẽ chậm lại do nguồn cung không dồi dào
Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, 8 tháng năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt gần 1,2 triệu tấn, trị giá thu về gần 3 tỷ USD, giảm 5,7% về lượng nhưng tăng 32,3% về trị giá nhờ giá bán tăng cao. Thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng là Đức chiếm 13% thị phần, tiếp đến Italy với 10%, Hoa Kỳ 9%, Nhật Bản 8%… Tuy nhiên, theo số liệu được công bố bởi Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 8/2023 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2022, với khối lượng đạt 84.647 tấn, trị giá 258,5 triệu USD, giảm 22,3% về lượng và 16% về trị giá so với tháng trước.
Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương dự báo, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong quý III/2023 sẽ chậm lại do nguồn cung không còn dồi dào. Tuy nhiên, cà phê xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng lợi về giá do thị hiếu tiêu dùng của thế giới có xu hướng dịch chuyển sang cà phê robusta. Với sản lượng trong niên vụ hiện tại được dự báo chỉ vào khoảng 1,5 – 1,6 triệu tấn, giảm từ 10 – 15% so với niên vụ 2021 – 2022, nguồn cung cà phê dành cho xuất khẩu đến nay gần như đã cạn. Nguồn cung cà phê dự kiến sẽ cải thiện kể từ tháng 11 tới khi vào vụ thu hoạch mới 2023 – 2024.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/xuat-khau-ca-phe-se-cham-lai-do-nguon-cung-khong-doi-dao-20230922164145174.htm
3. Ethiopia cấm xuất khẩu, giá cà phê thế giới có thể tăng vọt
Chính quyền Ethiopia đã tạm thời cấm hành khách đi máy bay mang cà phê sản xuất trong nước ra khỏi nước này, Đại sứ quán Nga tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia tuyên bố hôm 25/9 (theo giờ địa phương). Đại sứ quán thông tin trong một tuyên bố: “Liên quan đến việc cơ quan hải quan Ethiopia đưa ra lệnh cấm xuất khẩu mới, việc xuất khẩu cà phê của Ethiopia bằng đường hàng không tạm thời bị cấm dưới mọi hình thức và số lượng”. Đại sứ quán Nga không nêu chi tiết về lệnh cấm xuất khẩu cà phê mới cũng như lý do đằng sau lệnh cấm này. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng quyết định này có thể có tác động đáng kể đến thị trường cà phê toàn cầu và có thể khiến giá cà phê tăng vọt.
Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế có trụ sở tại London (Anh), Ethiopia là nước sản xuất cà phê Arabica lớn nhất trong số các quốc gia châu Phi và đứng thứ 5 toàn cầu về sản lượng cà phê sau Brazil, Việt Nam, Colombia và Indonesia. Hơn 25% người Ethiopia sống nhờ buôn bán cà phê, tạo ra tới 30% thu nhập ngoại hối của nước này.
Nguồn: https://vtv.vn/the-gioi/ethiopia-cam-xuat-khau-gia-ca-phe-the-gioi-co-the-tang-vot-20230927054608126.htm

Nhóm tin về xu hướng xanh – bền vững

1. Cơ hội việc làm xanh rộng mở tại Đông Nam Á
Kinh phí đang được rót vào các lĩnh vực ‘xanh’ ở khu vực Đông Nam Á và tạo ra hàng nghìn việc làm mới. Một báo cáo mới nhấn mạnh rằng đến năm 2030 có thể có tới 30 triệu việc làm liên quan đến lĩnh vực bền vững ở Đông Nam Á, với nền kinh tế xanh của khu vực dự kiến mang lại cơ hội kinh tế hàng năm lên tới 1 nghìn tỷ USD.
Tổ chức phi lợi nhuận Bridgespan đã nghiên cứu thị trường việc làm ở Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và xác định 5 lĩnh vực then chốt cho quá trình chuyển đổi nền kinh tế xanh. Năm lĩnh vực đó là năng lượng Mặt Trời, điện di động, môi trường xây dựng, nông nghiệp bền vững và quản lý rác thải.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/co-hoi-viec-lam-xanh-rong-mo-tai-dong-nam-a-20230925170413685.htm
2. Biến rác thải nông nghiệp thành tiền
Nhiều start-up trẻ đã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào sản xuất và kiếm được thu nhập từ việc biến các loại vật liệu là rác thải nông nghiệp thành sản phẩm hữu ích, thời thượng. Ecosoi là đơn vị sản xuất sợi dứa đầu tiên vào năm 2021, dựa trên nền tảng là Hợp tác xã Nông sản Hạnh Phúc (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). Không chỉ tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương, Ecosoi còn mang lại nguồn lợi lớn cho nông dân nhiều vùng khác ở miền Bắc, Tây Nam Bộ từ lá dứa – trước đây vốn là rác thải nông nghiệp. Tương tự Ecosoi, nhiều doanh nghiệp đã gặt hái thành công nhờ biết cách biến rác thải thành tiền. Đơn cử, chỉ sau 2 tháng ra đời, dự án “khử mùi Lộc Nhân” từ bã cà phê đã mang lại lợi nhuận cho Công ty TNHH Tái chế cà phê Lộc Nhân (TP HCM).
Hợp tác xã Thanh Bình (Đồng Nai) chuyên về chuối già Nam Mỹ. Ba năm nay, bên cạnh nguồn thu từ chuối tươi và chuối sấy, hợp tác xã có thêm nguồn thu từ bẹ chuối khô. Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc Hợp tác xã Thanh Bình, cho hay mỗi năm xơ bẹ chuối khô mang về cho hợp tác xã 5-7 tỉ đồng, chiếm khoảng hơn 10% tổng doanh thu. Theo ông Hùng, mảng này hiện rất tiềm năng khi nhu cầu thị trường rất lớn trong khi nguyên liệu trong nước rất nhiều.
Nguồn: https://nld.com.vn/khoi-nghiep/bien-rac-thai-nong-nghiep-thanh-tien-20230924202842095.htm
3. Một doanh nghiệp Việt được tài trợ vốn ‘khủng’ làm các dự án xanh
Ngày 25-9, Tập đoàn Tín Thành và Acuity Funding đã tổ chức lễ ký kết chấp thuận tài trợ vốn với tổng cộng lên đến 6,4 tỉ USD. Theo thông tin tại lễ ký kết, Acuity Funding cam kết sẽ tài trợ vốn lên đến 1 tỉ USD để phát triển 4 nhà máy điện sinh khối tại Đà Nẵng, Kon Tum và An Giang với tổng công suất 165MW, và hàng nghìn ha để trồng cao lương tại miền Trung và miền Nam Việt Nam.
Tại Mỹ, Acuity Funding cam kết sẽ tài trợ khoảng 1,7 tỉ USD cho Tập đoàn Tín Thành để xây dựng nhà máy đắp lốp và dịch vụ xe tải tại bang Nam Carolina. Nhà máy này sẽ phục vụ hơn 1 triệu xe tải ở Mỹ với mục tiêu giảm lượng khí thải, tiết kiệm chi phí và chuyển đổi sử dụng năng lượng xanh. Trong đó, Tập đoàn Tín Thành đã được cấp đất và bang Nam Carolina đưa ra những ưu đãi rất lớn lên tới hơn 500 triệu USD. Ngoài ra, khoảng 3,7 tỉ USD sẽ tài trợ để xây dựng cơ sở sản xuất hydrogen xanh ở Nam Carolina. Tập đoàn Tín Thành cho hay hiện doanh nghiệp này đã nhận được chấp thuận cấp đất và hưởng ưu đãi đầu tư từ bang Nam Carolina.
Nguồn: https://tuoitre.vn/mot-doanh-nghiep-viet-duoc-tai-tro-von-khung-lam-cac-du-an-xanh-20230925215651305.htm?gidzl=r8hXV1A3DKxLdE1u6PWyIDYRw7u3oMaTmPg_V0oQEHd1oULx1izWIyMTvNDKdp8NaChkT6BrCUG04uatH0

Nhóm tin về ngành dịch vụ

1. Ngành công nghiệp đám cưới 500 tỷ USD của Trung Quốc khủng hoảng
Vào thời đỉnh cao, Trung Quốc có tới 10 triệu người kết hôn mỗi năm, tạo “đất sống” cho hàng chục nghìn công ty liên quan đến dịch vụ đám cưới. Các nhà hàng, khách sạn hay các cửa hàng váy cưới, dịch vụ cưới hỏi cũng nở rộ, đóng góp một phần không nhỏ vào GDP của Trung Quốc trong nhiều năm liên tục. Tuy nhiên, ngành công nghiệp “hái ra tiền” này lại đang phải đối mặt với một thách thức nan giải, đó là nhiều người trẻ Trung Quốc không còn mặn mà với hôn nhân. Theo số liệu thống kê của chính phủ Trung Quốc, số lượng cuộc hôn nhân trong năm 2022 tại Trung Quốc đạt 6,83 triệu cuộc, giảm 800.000 cuộc so với năm 2021. Đồng thời, đây cũng là mức thấp nhất trong 37 năm qua.
Suy thoái kinh tế là một trong những nguyên nhân chính khiến giới trẻ Trung Quốc thờ ơ với hôn nhân. Vào năm 2023, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc trong độ tuổi từ 16 đến 24 đạt mức cao kỷ lục, 20,8%. Cạnh tranh trong thị trường việc làm đã vắt kiệt sức của nhiều thanh niên tại Trung Quốc. Hiện nay, hiều người trẻ Trung Quốc chọn phát triển sự nghiệp thay vì kết hôn sớm như những thế hệ trước. Theo SCMP, trình độ học vấn cao hơn cùng khả năng độc lập tài chính đã khiến hôn nhân không còn hấp dẫn trong mắt những người trẻ.
Nguồn: https://vietnamfinance.vn/mot-noi-dau-moi-nganh-cong-nghiep-500-ty-usd-cua-trung-quoc-khung-hoang-20180504224289122.htm

Nhóm tin về ngành du lịch

1. Bí quyết quảng bá quyền lực mềm ‘du lịch ẩm thực’ Thái Lan
Nhìn lại thời gian qua, Thái Lan đã phát huy tốt quyền lực mềm, trong đó có du lịch ẩm thực. Với các chiến dịch tiếp cận vô cùng hiệu quả, Thái Lan đã lồng ghép rất khéo léo trải nghiệm ẩm thực khi du khách đến nước này. Có thể nói, ẩm thực chính là quyền lực mềm trong phát triển du lịch Thái Lan sau đại dịch Covid-19. Chính sách “Thực phẩm Thái, thực phẩm toàn cầu” đã giúp Thái Lan trở thành nhà xuất khẩu thực phẩm lớn thứ 15 thế giới, với doanh thu hơn 40 tỉ USD/năm. Bên cạnh đó, chính sách “Quyền lực mềm ẩm thực Thái” đặt mục tiêu khiến người dân toàn cầu biết và ưa chuộng ẩm thực Thái Lan, thúc đẩy nhu cầu đối với sản phẩm và dịch vụ ở quốc gia này.
Lượng khách quốc tế đến Thái Lan và chi tiêu vẫn luôn ở top đầu thế giới. Trong số đó, phần lớn chi tiêu là dành cho việc ăn uống tại các nhà hàng. Một cách hấp dẫn nhất để hấp thụ văn hóa Thái Lan là ăn những món ăn tuyệt vời trong khi tham quan như đi du thuyền trên sông Chao Phraya, hay xếp hàng từ sớm tại những nhà hàng địa phương đông nghịt khách. Thái Lan cũng có những nhà hàng mang đến trải nghiệm thực sự từ trang trại đến bàn ăn, bằng cách phục vụ các bữa ăn sử dụng nhiều loại rau, dưa, trái cây không có hóa chất được trồng ngay tại trang trại… Có thể nói, du lịch ẩm thực Thái Lan chắc chắn có một vị trí lâu dài trong các sự kiện thương mại – du lịch của nước này trong nhiều năm tới.
Nguồn: https://vov.vn/du-lich/am-thuc/bi-quyet-quang-ba-quyen-luc-mem-du-lich-am-thuc-thai-lan-post1047647.vov
2. Nhu cầu đi du lịch tăng vọt tại Trung Quốc
Ngành du lịch Trung Quốc đang chuẩn bị bước vào các kỳ nghỉ lễ Trung thu và Quốc khánh tại nước này. Dự báo số lượng khách sẽ bùng nổ và du lịch đang được hy vọng trở thành ngành mũi nhọn để phục hồi nền kinh tế Trung Quốc sau đại dịch Covid-19. Tính đến ngày 15/9, số lượng đặt phòng khách sạn tại các điểm đến phổ biến trên nền tảng du lịch Qunar.com của Trung Quốc đã tăng hơn 500% so với năm 2019. Lượng đặt phòng trước cho các khách sạn nghỉ lễ Quốc khánh ở Bắc Kinh đã tăng 540% so với năm 2019, trong khi lượng đặt phòng khách sạn ở Hàng Châu và Vũ Hán lần lượt tăng 4,8 lần và 4,5 lần.
Tại Trung Quốc, số lượt đặt vé máy bay cho những kỳ nghỉ lễ sắp tới trên cùng một nền tảng đã tăng 20% so với năm 2019. Ngoài ra, số người thể hiện sự quan tâm đến các chuyến du lịch nước ngoài theo nhóm đã tăng gấp 4 lần trong tháng 8, cho thấy nhu cầu đi du lịch ngày càng tăng.
Nguồn: https://vov.vn/du-lich/nhu-cau-di-du-lich-tang-vot-tai-trung-quoc-post1048054.vov
3. Cần Thơ đưa nông nghiệp sạch, thiền và yoga vào sản phẩm du lịch
Phát triển mô hình du lịch nông nghiệp theo hướng bền vững dựa trên thế mạnh tài nguyên bản địa và tour du lịch kết hợp chữa lành bằng thiền và yoga đang là hướng đi mới, giúp ngành du lịch Cần Thơ khởi sắc hơn, thu hút thêm nhiều người đến trải nghiệm, khám phá. Du lịch đang trên đà lấy lại vị thế mũi nhọn tại Cần Thơ, trên cở sở xây dựng mô hình du lịch mới phù hợp nhu cầu du khách muốn tìm về bản thân, khám phá chốn vườn tược thanh bình, thành phố tiếp tục đẩy mạnh mô hình du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện). Với sự kết hợp vừa hiện đại, vừa đậm bản sắc văn hóa, du lịch Cần Thơ sẽ tạo thành nét đặc trưng riêng “xanh – sạch – bền vững”.
Nguồn: https://vov.vn/du-lich/can-tho-dua-nong-nghiep-sach-thien-va-yoga-vao-san-pham-du-lich-post1048262.vov

Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ

1. Cuộc chiến của hàng trăm mô hình AI ở Trung Quốc
Theo Công ty môi giới CLSA, Trung Quốc hiện có ít nhất 130 mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), nền tảng của các công cụ AI tạo sinh. Con số này chiếm 40% tổng số LLM toàn cầu và chỉ xếp sau mức 50% thị phần của Mỹ. Ngoài ra, các công ty Trung Quốc đã công bố hàng chục LLM cho các ngành chuyên biệt. Tuy nhiên, các nhà đầu tư và nhà phân tích cho biết, hầu hết họ vẫn chưa xây dựng được mô hình LLM có tính khả thi thương mại vì quá giống nhau. Hiện tại, họ đang phải vật lộn với chi phí tăng cao.
Cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh ở Trung Quốc đã kích hoạt cuộc chạy đua phát triển công cụ AI, với các công ty khởi nghiệp và tập đoàn công nghệ khổng lồ thông báo ra mắt sản phẩm mới gần như mỗi ngày. Tuy nhiên, giới đầu tư cảnh báo họ sẽ đối mặt với một cuộc sàng lọc khắc nghiệt khi áp lực chi phí và lợi nhuận tăng lên.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/cuoc-chien-cua-hang-tram-mo-hinh-ai-o-trung-quoc/
2. Xe điện sẽ là tương lai của LG
LG Electronics, một trong những nhà sản xuất đồ gia dụng hàng đầu thế giới, tin rằng xe điện sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng. Theo CEO William Cho, LG Eletronics đặt mục tiêu doanh thu 17 tỷ USD mỗi năm từ bộ phận giải pháp xe cộ vào năm 2023, chiếm khoảng 20% tổng doanh thu, tăng từ 14% nửa đầu năm nay. Xe điện sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính của công ty, ông Cho chia sẻ trong cuộc phỏng vấn đầu tiên kể từ khi nhậm chức CEO LG Electronics năm 2021.
Theo chiến lược dài hơi được công bố hồi tháng 7/2023, công ty sẽ chi ít nhất 50 nghìn tỷ won (37 tỷ USD) cho các mảng kinh doanh mới vào năm 2030. Nó giúp cho nỗ lực đa dạng hóa, tránh phụ thuộc vào mảng kinh doanh phần cứng chi phí cao, lợi nhuận mỏng, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát và lo ngại về suy thoái làm ảnh hưởng đến nhu cầu điện tử. LG đã có chỗ đứng trong thị trường phương tiện với lượng đơn hàng trị giá 80 tỷ USD cho các công nghệ như hệ thống truyền động điện tử, theo CEO. General Motors và hầu hết các hãng xe tại Bắc Mỹ, châu Âu là khách hàng của LG.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/xe-dien-se-la-tuong-lai-cua-lg-2194503.html
3. Một công ty bán thực phẩm đông lạnh ở Lào Cai lập liên doanh bán ô tô điện Trung Quốc
Ngày 20/9, Công ty Cổ phần Cencon Việt Nam đã ban hành Nghị quyết góp vốn thành lập Công ty TNHH Ô tô điện Cencon. Công ty Ô tô điện Cencon có trụ sở tại tỉnh Hà Giang, vốn điều lệ 80 tỷ đồng, trong đó Công ty Cổ phàn Cencon góp vốn 38,4 tỷ đồng. Người được ủy quyền đại diên quản lý toàn bộ phần góp vốn của Cencon Việt Nam là Chủ tịch HĐQT Lê Văn Bình. Theo đó, Công ty TNHH Ô tô điện Cencon sẽ chính thức lập công ty liên doanh để kinh doanh xe điện CHERY và tiếp theo là lắp ráp xe điện tại Việt Nam. Ban lãnh đạo Cencon cho biết, dự kiến quý 4/2023, công ty sẽ nhập lô ô tô điện Chery đầu tiên về bán thương mại và đến năm 2025 sẽ lắp ráp trong nước. Theo đại diện công ty, doanh thu dự kiến ở mảng nhập khẩu và bán xe điện khoảng 600-800 tỷ đồng/năm.
Nhà sản xuất Chery đến từ Trung Quốc đang cho thấy tham vọng thâm nhập vào phân khúc ô tô điện tại thị trường Đông Nam Á khi liên tục phân phối các mẫu xe và lên kế hoạch xây dựng nhà máy lắp ráp. Trong đó, Malaysia – với các ưu đãi về thuế cho xe điện, là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên mà thương hiệu này tiến vào. Tại Việt Nam, Chery cũng bắt đầu nhá hàng các mẫu ô tô điện của mình nhưng chưa công bố thời gian chính thức ra mắt.
Nguồn: https://markettimes.vn/lai-von-ven-1-trieu-dong-trong-nam-2022-mot-cong-ty-ban-thuc-pham-dong-lanh-o-lao-cai-lap-lien-doanh-ban-o-to-dien-trung-quoc-tham-chi-se-lap-rap-tai-vn-tu-2025-41115.html
4. Foodpanda xác nhận tình trạng sa thải hàng loạt, tương lai nào cho ứng dụng giao đồ ăn lớn nhất châu Á?
Dịch vụ giao đồ ăn có trụ sợ tại Singapore, Foodpanda ngày 22/9 đã xác nhận với báo giới rằng họ đang tiến hành đợt sa thải mới để đáp ứng với nhu cầu tinh giản bộ máy và phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay. Theo các phương tiện truyền thông, đây là đợt sa thải thứ ba của Foodpanda kể từ khi cắt giảm việc làm vào tháng 2 và tháng 9 năm ngoái trong bối cảnh kinh tế vĩ mô gặp khó khăn.
Việc sa thải diễn ra trong bối cảnh công ty mẹ của Foodpanda là Delivery Hero AG đang thảo luận sơ bộ với những bên mua tiềm năng về việc bán một phần hoạt động kinh doanh giao đồ ăn ở Đông Nam Á. Trước đó, hôm 20/9, hãng truyền thông Đức WirtschaftsWoche đưa tin rằng Delivery Hero đang bán hoạt động của mình dưới thương hiệu Foodpanda tại Singapore, Campuchia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Lào.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/foodpanda-xac-nhan-tinh-trang-sa-thai-hang-loat-tuong-lai-nao-cho-ung-dung-giao-do-an-lon-nhat-chau-a-20230922220831014.htm
5. Baemin muốn thu hẹp hoạt động tại Việt Nam
Baemin – ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến đến từ Hàn Quốc – quyết định thu hẹp hoạt động ở Việt Nam do cho rằng kinh doanh tại đây ‘không bao giờ có lãi’, theo Tech in Asia. Theo Tech in Asia, hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu nhân viên của Baemin Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm việc làm. Công ty đã ngừng hoạt động tại một số địa phương như Thái Nguyên, Hội An và Bắc Ninh.
Động thái thu hẹp quy mô Baemin Việt Nam được hiểu là một bước hướng tới việc rút lui hoàn toàn khỏi thị trường này, theo Tech in Asia. Baemin Việt Nam chỉ cạnh tranh với các nền tảng như Grab, Gojek và ShopperFood trong lĩnh vực giao đồ ăn mà không cung cấp dịch vụ gọi xe. Theo báo cáo gần đây từ nền tảng Momentum Works, Baemin nắm giữ 12% thị phần vào năm 2022, thấp hơn đáng kể so với 45% của Grab và 41% của ShopeeFood.
Nguồn: https://viettimes.vn/tech-in-asia-baemin-muon-thu-hep-hoat-dong-tai-viet-nam-post170235.html
Nhóm tin về ngành công nghiệp nặng – năng lượng
1. ‘Ông lớn’ sản xuất pin mặt trời tính đầu tư 400 triệu USD xây nhà máy tại Việt Nam
Trina Solar, một trong những công ty sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới tính theo doanh thu, dự kiến sẽ đầu tư 400 triệu USD để xây dựng một nhà máy có diện tích 25 ha tại Việt Nam. Một nguồn tin của Reuters cho biết, hoạt động sản xuất tại nhà máy mới dự kiến sẽ khởi đầu vào năm 2025.
Trina hiện là một trong những nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời lớn nhất tại Việt Nam và khoản đầu tư theo kế hoạch của công ty này nhấn mạnh mối quan tâm ngày càng tăng của các doanh nghiệp Trung Quốc trong việc thành lập nhà máy ở đó khi họ tìm cách tránh leo thang căng thẳng địa chính trị và thương mại giữa Bắc Kinh và Washington. Theo Bộ KH&ĐT, Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai tại Việt Nam trong năm nay, vốn đầu tư của Trung Quốc từ tháng 1 đến giữa tháng 8 vào Việt Nam là 2,7 tỷ USD, gấp hơn 5 lần giá trị đầu tư của các công ty Hoa Kỳ trong cùng kỳ.
Nguồn: https://vnbusiness.vn/the-gioi/apos-ong-lon-apos-san-xuat-pin-mat-troi-tinh-dau-tu-400-trieu-usd-xay-nha-may-tai-viet-nam-1095603.html

Nhóm tin về liên kết, đầu tư, start-up, DN mới

1. Thái Lan dự kiến nhận 5 tỷ USD từ các doanh nghiệp lớn của Mỹ
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin ngày 24/9 cho biết, nước này dự kiến sẽ nhận được khoản đầu tư ít nhất 5 tỷ USD từ ba công ty lớn của Mỹ là Tesla, Google và Microsoft. Ông nói: “Tesla sẽ xem xét xây dựng một cơ sở sản xuất xe điện, trong khi Microsoft và Google đang cân nhắc thiết lập các trung tâm dữ liệu tại Thái Lan”. Tuy nhiên, ông Srettha không nêu chi tiết liệu 5 tỷ USD dự kiến sẽ là khoản đầu tư kết hợp hay được thực hiện riêng lẻ bởi mỗi công ty.
Tesla, Google và Microsoft hiện vẫn chưa trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận về thông tin này. Các dự án đầu tư nước ngoài mới sẽ thúc đẩy nền kinh tế đang suy yếu của Thái Lan, dự kiến sẽ tăng 2,8% trong năm nay, thấp hơn dự kiến trước đó, do xuất khẩu yếu hơn.
Nguồn: https://bnews.vn/thai-lan-du-kien-nhan-5-ty-usd-tu-cac-doanh-nghiep-lon-cua-my/307512.html
2. Hơn 10 doanh nghiệp bao bì lớn của Việt Nam bị ‘thôn tính’
Ngày 27-9, trao đổi bên lề Triển lãm Quốc tế lần thứ 21 ngành công nghiệp bao bì và in ấn 2023 – Vietnam PrintPack 2023, ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, cho biết ngành bao bì và in ấn Việt Nam đang có cơ hội lớn để phát triển nhưng cũng đứng trước rủi ro rất đáng lo ngại. Cụ thể, gần đây, rất nhiều đoàn doanh nghiệp từ Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan đến khảo sát, tìm cơ hội hợp tác làm ăn trong lĩnh vực in ấn, bao bì.
Theo đánh giá của Hiệp hội In, các doanh nghiệp lĩnh vực in ấn, bao bì nước ngoài đang chuẩn bị đổ bộ Việt Nam. Đây là điều đáng mừng nhưng cũng là tín hiệu đáng lo ngại bởi các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư làm ăn có thể “thôn tính” doanh nghiệp trong nước. Lý do là nhiều doanh nghiệp Việt không có người kế thừa, không thu hút được nguồn lực lao động, bản lĩnh kinh doanh chưa đủ mạnh để đương đầu với thử thách thị trường khi doanh nghiệp nước ngoài vào. Với tình hình này, nếu doanh nghiệp Việt không nhanh chóng cải thiện chất lượng quản trị sẽ ngày càng đuối sức, phải chịu thua trên sân nhà. Hiện nay, khoảng 400 doanh nghiệp in có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, chiếm 1/5 tổng số doanh nghiệp in trên cả nước nhưng chiếm đến hơn 1/3 thị phần. Đặc biệt, các doanh nghiệp ngoại đang chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/hon-10-doanh-nghiep-bao-bi-lon-cua-viet-nam-bi-thon-tinh-20230927144141002.htm
BSAi