Bản tin thị trường, từ 7-13/9/2024

Tiêu điểm: Dư địa mới cho gạo Việt trong bối cảnh Nhật Bản khan hiếm gạo?

Xuất khẩu gạo Việt Nam tiếp đà thuận lợi

Nguồn cung gạo hạn chế trong khi nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường lớn như Philippines và Indonesia gia tăng, dự kiến xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2024 có thể đạt kỷ lục 5 tỉ USD. Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giá lúa đã tăng từ 200 – 1.200 đồng/kg so với 2 tháng trước. Các giống lúa Jasmine 85, Đài Thơm 8 và OM 18 được nông dân bán với giá 8.300 – 8.900 đồng/kg, giúp nông dân thu lãi cao. Tính đến tháng 8-2024, Việt Nam đã gieo cấy 6,6 triệu ha lúa, thu hoạch 4,45 triệu ha, và xuất khẩu 6,16 triệu tấn gạo, thu về 3,85 tỉ USD, tăng 21,7% về giá trị nhờ giá xuất khẩu tăng 14,8%.
Dự báo tình hình xuất khẩu từ nay đến cuối năm tiếp tục thuận lợi, đặc biệt khi Philippines cần nhập thêm 1,8 triệu tấn và Indonesia dự kiến nhập 900.000 tấn để bảo đảm an ninh lương thực. Tuy nhiên, nguồn cung gạo trong nước không còn nhiều, chỉ còn tồn kho theo kế hoạch, trong khi gạo vụ thu đông chủ yếu là gạo thơm đặc sản. Các doanh nghiệp có thể không tham gia thầu mới vì đã ký hợp đồng cũ, chủ yếu phục vụ các thị trường cao cấp như Trung Đông, Mỹ, châu Âu và nhu cầu trong nước dịp Tết. Doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng chuyển hướng sang đáp ứng nhu cầu lớn từ Philippines và Indonesia.
Việt Nam đang có cơ hội lớn để tăng giá trị xuất khẩu gạo, không chỉ chạy theo số lượng, trong bối cảnh nhiều thị trường cao cấp đang thiếu hụt lương thực. Tại Nhật Bản, người dân đang gặp khó khăn vì khủng hoảng nguồn cung gạo, giá gạo tăng mạnh và lượng tồn trữ thấp kỷ lục. Tuy nhiên, việc thâm nhập thị trường Nhật không dễ dàng do yêu cầu chất lượng và tiêu chuẩn an toàn cao.
Ngoài Nhật Bản, các thị trường cao cấp khác như EU, Mỹ, Canada, và Úc cũng đang tăng cường nhập khẩu gạo chất lượng cao. Giá gạo Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường này đã đạt từ 1.050 USD đến 1.200 USD/tấn. Tuy nhiên, phần lớn xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn tập trung vào các thị trường truyền thống với giá bán thấp hơn.
Người Nhật chuyển sang ăn gạo Mỹ
Người tiêu dùng Nhật Bản đang chuyển sang mua gạo Calrose nhập khẩu từ California, Mỹ, do tình trạng khan hiếm gạo trong nước và giá gạo Nhật tăng cao. Giá lúa tại Nhật tăng 14% vào tháng 6, khiến Calrose trở thành lựa chọn phổ biến nhờ giá chỉ bằng 50% so với gạo Nhật, và có hương vị tương tự. Nippon Brice, một hãng buôn gạo tại Fukuoka, cho biết doanh số Calrose đã tăng gấp 10 lần so với năm trước.
Hiện tại, các siêu thị Nhật Bản đang giới hạn lượng gạo mỗi khách hàng có thể mua và xin lỗi về tình trạng hết hàng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nông nghiệp Tetsushi Sakamoto lạc quan rằng tình hình sẽ cải thiện khi sản lượng lúa năm nay dự kiến tăng. Bộ Nông nghiệp đã nhập khẩu 31.102 tấn gạo Calrose từ Hoa Kỳ vào năm 2023. Gạo nhập khẩu để sử dụng làm lương thực chính ở Nhật Bản được giới hạn ở mức 100.000 tấn một năm để bảo vệ nông dân trong nước.
Nhật Bản xuất khẩu gạo tăng cao kỷ lục dù trong nước thiếu trầm trọng
Theo Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, xuất khẩu gạo từ tháng 1 đến tháng 7 năm 2024 đạt 24.469 tấn, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2014, khi cơ quan này bắt đầu thu thập dữ liệu. Nguyên nhân chính là nhu cầu nhập khẩu gạo từ các nhà hàng Nhật Bản tại các nước như Hong Kong, Mỹ và Singapore. Hong Kong là thị trường xuất khẩu lớn nhất, tiếp theo là Mỹ và Singapore.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu gạo lại đang diễn ra trong nước. Tại các siêu thị trên toàn Nhật Bản, giá gạo đã tăng tới 30%, nhưng nguồn cung vẫn khan hiếm. Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 3/9, Bộ trưởng Sakamoto Tetsushi cho biết chính phủ đã đề ra nhiều biện pháp để bình ổn thị trường. Dự kiến vào cuối tháng 9, việc phân phối gạo sẽ được đẩy mạnh với 40% lô hàng hàng năm được vận chuyển từ các khu vực sản xuất. Một số khu vực sẽ thu hoạch sớm hơn, giúp cải thiện tình trạng thiếu hụt gạo.
Lượng dự trữ gạo của khu vực tư nhân tại Nhật Bản đã giảm 20% so với năm 2023, xuống mức thấp nhất từ năm 1999, khiến các siêu thị phải hạn chế số lượng gạo mỗi người dân được mua. Tình trạng thiếu hụt gạo này do nắng nóng gay gắt kéo dài từ năm trước, làm giảm năng suất và chất lượng gạo. Xuất khẩu gạo tăng hơn 46%, nhưng tăng trưởng xuất khẩu tháng 7 của Nhật Bản lại thấp hơn kỳ vọng. Giá xuất khẩu gạo cũng tăng vọt do tình trạng nguồn cung khan hiếm.
Liên quan đến thiệt hại do cơn bão số 10, ông Sakamoto cho biết hiện không có báo cáo về thiệt hại lớn đối với cây lúa. Cơ quan này đang điều tra, nhưng chưa phát hiện bất kỳ tác động đáng kể nào đến sản lượng thu hoạch lúa trong năm nay.
Nhật Bản khan hiếm gạo vì du khách nước ngoài tăng kỷ lục?
Nhu cầu gạo nội địa và lượng du khách quốc tế tăng đột biến là nguyên nhân chính gây thiếu hụt và tăng giá gạo tại Nhật Bản. Tình trạng này dự kiến sẽ dịu bớt vào cuối tháng 9 khi các vùng Tohoku và Hokkaido bắt đầu thu hoạch lúa. Nhật Bản hiện tự cung cấp gần như toàn bộ lượng gạo tiêu thụ, với sản lượng khoảng 10 triệu tấn mỗi năm.
Du khách quốc tế, với con số kỷ lục 21 triệu người trong 7 tháng đầu năm, đóng góp đáng kể vào việc tăng tiêu thụ gạo. Theo Bộ Nông nghiệp, nếu mỗi du khách ăn hai bữa cơm mỗi ngày, họ sẽ tiêu thụ khoảng 51.000 tấn gạo mỗi năm. Nhu cầu tăng còn do gạo giữ giá ổn định hơn so với các thực phẩm chủ lực khác.
Thêm một lý do ít ai ngờ khiến Nhật Bản rơi vào tình trạng thiếu gạo
Tình trạng thiếu gạo gần đây ở Nhật Bản đã gây ra sự chú ý khi giá gạo tăng đột biến, mặc dù năng suất mùa màng không có dấu hiệu bất thường. Nhật Bản sản xuất gần 100% gạo trong nước, và các chỉ số về mùa màng cho thấy sản lượng khá ổn định so với trung bình nhiều năm. Theo chuyên gia Kazuhito Yamashita, nguyên nhân chính của vấn đề là chính sách thu hẹp diện tích canh tác gạo kéo dài hơn nửa thế kỷ của Nhật Bản. Chính sách này nhằm giữ giá gạo ổn định bằng cách giới hạn diện tích canh tác và hỗ trợ nông dân chuyển sang các loại cây trồng khác như lúa mì và đậu nành.
Ông Yamashita lý giải rằng, dù nhu cầu từ du khách có tăng lên, ảnh hưởng của họ trên thị trường gạo là không đáng kể, chỉ chiếm khoảng 0,5% tổng tiêu thụ gạo. Việc duy trì chính sách này dẫn đến việc Nhật Bản phải nhập khẩu gạo, mặc dù sản lượng nông nghiệp có thể đáp ứng nhu cầu nội địa nếu chính sách được điều chỉnh.
Ông cũng khuyên rằng Nhật Bản nên xem xét việc bãi bỏ chính sách giảm diện tích canh tác gạo, tăng sản lượng để cải thiện an ninh lương thực và có thể tham gia vào thị trường xuất khẩu gạo quốc tế với sản phẩm chất lượng cao như gạo Koshihikari, được so sánh như “Rolls-Royce của gạo”. Điều này có thể mang lại lợi ích lớn cho Nhật Bản và cũng giúp giảm thiểu nguy cơ thiếu hụt gạo và giá cả bất ổn trong tương lai.
Nguồn:

Thị trường và bán lẻ

  •  Doanh nghiệp Việt đã sẵn sàng cho ‘nền kinh tế bạc’?
Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 khi tỷ lệ người cao niên trên 60 tuổi bắt đầu vượt ngưỡng 10%. Tỷ lệ này tiếp tục tăng nhanh và đạt 25% vào năm 2050. Tuy vậy, “nền kinh tế bạc” (silver economy) chỉ mới chuyển động thật sự trong một hai năm nay, dù rằng nhiều doanh nghiệp đã nhận ra cơ hội này từ 10 năm trước. Sau hơn mười năm chuyển động, tỷ lệ hàng hóa và sản phẩm dịch vụ đang tăng dần, nhưng tốc độ khá khiêm tốn.
Dựa trên những nhu cầu nổi bật hiện nay, các chuyên gia lão khoa cho rằng cần phát triển hệ thống nhà dưỡng lão, chung cư, trung tâm y tế dành riêng cho người cao niên. Bên cạnh đó, phát triển nhiều dịch vụ tại nhà, như dọn nhà, đi chợ, cung cấp suất ăn, chăm sóc và phục hồi chức năng tại nhà…
Nguồn:https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-viet-da-san-sang-cho-nen-kinh-te-bac/ 
  • Thương vụ M&A giữa Circle K và 7-Eleven có nguy cơ đổ bể
Seven & I Holdings – công ty vận hành chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven – đã từ chối đề nghị mua lại từ chủ thương hiệu cạnh tranh Circle K, cho rằng giá trị của doanh nghiệp toàn cầu này cao hơn nhiều so với mức giá đề xuất.
Trong tuyên bố ngày 6/9, Seven & I Holdings khẳng định có thiện chí với bất kỳ đề nghị nào có lợi nhất cho cổ đông của công ty. Seven & I xác nhận rằng rằng Alimentation Couche-Tard của Canada – công ty vận hành Circle K – đề xuất mua lại toàn bộ cổ phiếu đang lưu hành với giá 14,86 USD/cổ phiếu bằng tiền mặt, theo đó giá trị giao dịch thương vụ này có thể lên tới 38,5 tỷ USD.
Ngoài ra, Seven & i cũng bày tỏ quan ngại về khả năng vi phạm luật chống độc quyền của Mỹ. Phía doanh nghiệp từ chối bình luận thêm về thông tin này.
Một trở ngại khác là Chính phủ Nhật Bản có quyền ngăn chặn hoặc yêu cầu điều chỉnh các điều khoản của thương vụ, do Seven & i nằm trong danh sách các công ty được coi là quan trọng đối với an ninh quốc gia.
Nguồn: https://baomoi.com/7-eleven-tu-choi-de-nghi-mua-lai-tu-chu-thuong-hieu-circle-k-c50097089.epi 
https://doanhnhanvn.vn/thuong-vu-ma-giua-circle-k-va-7-eleven-co-nguy-co-do-be.html 
  • Cuộc đua mở chuỗi bán lẻ nóng trở lại
Sau thời gian đóng cửa hàng loạt chi nhánh, gần đây các hệ thống bán lẻ lại đua nhau khai trương điểm bán mới, thậm chí mở ở khu trung tâm. Ghi nhận trên thị trường 1 – 2 năm trở lại đây, số lượng các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini tăng rất nhanh.
Các chuyên gia nhận định thị trường đang có sự chuyển dịch mô hình bán lẻ khi mà các nhà bán lẻ rất khó tìm được mặt bằng lớn để mở đại siêu thị. Vì vậy, họ phải nghiên cứu và chuyển dịch sang các mô hình nhỏ, phù hợp với các khu dân cư để tiếp cận thị trường.
Cùng với việc thay đổi mô hình, các nhà bán lẻ cũng thay đổi cơ cấu hàng hóa theo hướng tinh giản dần các mặt hàng phi thực phẩm, dành diện tích để tối ưu nhóm hàng thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến sẵn phục vụ bữa ăn hằng ngày.
Nguồn:https://baomoi.com/cuoc-dua-mo-chuoi-ban-le-nong-tro-lai-c50140356.epi 
  • Siêu thị liên tục bổ sung rau xanh và thực phẩm sau bão
Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và đánh giá nhu cầu mua hàng của người dân khi mưa bão lớn, các doanh nghiệp bán lẻ đã chủ động tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp 2 – 3 lần so với trước…
Qua khảo sát của phóng viên tại một số chợ dân sinh lớn trên địa bàn Hà Nội như các chợ Nguyễn Công Trứ, Thành Công, Hôm – Đức Viên, Gia Thụy, Nguyễn Thị Thập… ngày hôm qua, nhiều người dân đã đi chợ mua sắm thực phẩm. Tuy nhiên, tại các chợ, nhiều ki-ốt, quầy hàng đóng cửa, nghỉ bán, chỉ có một số quầy thịt lợn, rau xanh, gia cầm, trái cây… là mở bán.
Trong khi đó, ghi nhận tại hệ thống các siêu thị cho thấy, nhân viên siêu thị liên tục bổ sung thực phẩm vào quầy kệ. Lượng rau quả, thịt cá… dồi dào bảo đảm nhu cầu người dân.
Nguồn:https://vneconomy.vn/sieu-thi-lien-tuc-bo-sung-rau-xanh-va-thuc-pham-gia-ca-on-dinh.htm 
  • Gojek và Baemin rút lui khỏi thị trường Việt: Bài học đắt giá với app giao đồ ăn
Cuộc chiến trong ngành giao đồ ăn đã trở nên ngày càng khốc liệt giữa các app xe công nghệ. Để thu hút người dùng, các ứng dụng đã chi hàng triệu USD cho giảm giá và khuyến mãi, tạo ra một thị trường sôi động nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính. 
Để hút khách, các ứng dụng phải cạnh tranh bằng khuyến mãi, giảm giá. Đây được xem là cuộc chơi dài hạn cho các hãng còn đủ tiền để “đốt” và giành giật khách hàng. Hãng nào trụ lại được sẽ thành công.
Từ bài học hai “ông lớn” phải ra đi, để có hướng đi bền vững, các công ty cần phải phát triển hệ sinh thái toàn diện hơn, bao gồm các dịch vụ như đi chợ giùm, giao thuốc hoặc thậm chí là giao hàng từ siêu thị… Điều này giúp mở rộng nguồn thu và tạo sự khác biệt so với đối thủ cạnh tranh.
Nguồn:https://tuoitre.vn/gojek-va-baemin-rut-lui-khoi-thi-truong-viet-bai-hoc-dat-gia-voi-app-giao-do-an-20240908224744207.htm 
  • Grab mất dần miếng bánh tại Việt Nam
Báo cáo “Mức độ phổ biến của ứng dụng gọi xe máy năm 2024” thực hiện bởi Q&Me ghi nhận, khoảng cách giữa Grab và các đối thủ đang thu hẹp dần với sự gia tăng người dùng từ Be và sự xuất hiện của nhân tố mới Xanh SM.
Cụ thể, có 42% người Việt sẽ lựa chọn Grab khi muốn sử dụng dịch vụ di chuyển bằng xe máy. Đáng chú ý, Be vươn lên đứng vị trí thứ hai với tỷ lệ 32% và Xanh SM đạt tỷ lệ là 19%. Trong khi đó, chỉ 7% người dùng cho biết thường xuyên sử dụng Gojek, ứng dụng gọi xe từng khá phổ biến cách đây 2-3 năm về trước.
Đáng nói, đối tượng khách hàng tiềm năng hiện nay là GenZ đang ưu tiên chọn Be, thể hiện một mối lo lắng về tương lai của Grab.
Cụ thể, khách hàng trong độ tuổi từ 24 – 30 tuổi có đến 46% thường xuyên sử dụng Grab, con số thường xuyên dùng Be là 43% (xấp xỉ Grab) và 14% chọn Xanh SM.
Nguồn:https://cafef.vn/grab-mat-dan-mieng-banh-tai-viet-nam-be-va-xanh-sm-da-chiem-51-thi-phan-rieng-be-duoc-long-genz-voi-ty-le-no-cuoc-thuong-xuyen-43-188240907071408629.chn 
  • Loại vải làm cơ thể mát hơn đến 8 độ C
Các nhà khoa học tại Trường Đại học Amherst Massachusetts, Mỹ, đang đi sâu nghiên cứu loại vải này. Kết quả mới nhất của họ cho thấy một lớp tráng mềm dẻo có gốc phấn có thể dùng cho bất kỳ loại vải nào. Vải có lớp tráng này có khả năng giảm nhiệt độ cơ thể lên đến 15 độ C so với các loại vải khác.
Ưu điểm nổi trội của lớp tráng này là nó có thể dùng cho gần như tất cả các loại vải may mặc thông thường, nên tính ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày rất cao. Và bởi vì nó chỉ là một lớp phủ lên bề mặt, nên không làm biến đổi chất liệu của vải.
Lớp phủ này cũng đủ bền để vải có thể giặt được bằng máy, vì thế người sử dụng không phải lo lắng về độ bền của vải.
Nguồn:https://dantri.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/loai-vai-lam-co-the-mat-hon-den-8-do-c-20240828003356707.htm 
  • Bánh Trung thu bình dân “lên ngôi” nhưng thị trường vẫn “nóng” chậm
Một tuần nữa là đến Tết Trung thu, nhưng tại nhiều cửa hàng, quầy, sạp tại Hà Nội và TP.HCM, không khí mua sắm vẫn khá ảm đạm. Từ các thương hiệu từ quen thuộc đến cao cấp, các quầy kệ đều vắng bóng người mua…
Đại diện Công ty ABC Bakery, một trong những doanh nghiệp chuyên sản xuất bánh Trung thu lớn tại TP.HCM, thừa nhận sức mua của thị trường khá chậm, dù đã bước vào giai đoạn cao điểm. Đặc biệt, nhu cầu từ các đại lý giảm số lượng hàng, khách hàng là doanh nghiệp đặt mua bánh biếu tặng cũng giảm mạnh. So với những năm thị trường bánh trung thu ổn định, năm nay giảm khoảng 30 – 40%.
Nguồn:https://vneconomy.vn/banh-trung-thu-binh-dan-len-ngoi-nhung-thi-truong-van-nong-cham.htm 

Xu hướng tiếp thị – truyền thông

  • Ngày càng nhiều công ty muốn rút quảng cáo khỏi X
Khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường Kantar cho biết số công ty có kế hoạch cắt ngân sách quảng cáo trên X năm tới đã lên kỷ lục. Báo cáo được thực hiện với 1.000 lãnh đạo và 18.000 người tiêu dùng tại hơn 20 quốc gia. Theo đó, 26% doanh nghiệp có kế hoạch giảm chi cho quảng cáo trên nền tảng này năm tới, do lo ngại các nội dung cực đoan trên X có thể ảnh hưởng đến danh tiếng thương hiệu.
Kantar cho biết đây là tỷ lệ cao nhất trong các nền tảng quảng cáo lớn trên toàn cầu. Chỉ 4% cho rằng X vẫn là nơi “an toàn” và tin quảng cáo của họ sẽ không xuất hiện bên cạnh các nội dung cực đoan. Tỷ lệ này với Google Ads là 39%.
Nguồn:https://vnexpress.net/ngay-cang-nhieu-cong-ty-muon-rut-quang-cao-khoi-x-4789684.html 
Công nghệ
  • AI có thể thay đổi diện mạo ngành du lịch Việt như thế nào?
Đối với du khách, AI nâng cao toàn bộ trải nghiệm du lịch bằng cách cá nhân hóa các đề xuất và lịch trình. Thông qua việc phân tích những yếu tố như ngày đi, ngân sách và sở thích cá nhân, các hệ thống sử dụng AI có thể đưa ra kế hoạch du lịch phù hợp cho từng du khách và có tích hợp liền mạch với các nền tảng đặt chỗ. Nhờ vậy mà quá trình từ lập kế hoạch đến đặt chỗ sẽ trở nên dễ dàng, nhanh chóng và tiết kiệm chi phí hơn. Ngoài ra, các chatbot và trợ lý ảo do AI điều khiển cũng cung cấp hỗ trợ theo thời gian thực, giúp du khách nghiên cứu, đặt chỗ và tùy chỉnh suốt chuyến đi.
Cộng đồng doanh nghiệp du lịch cũng đang nhận thấy lợi ích đáng kể từ công nghệ này. Thuật toán AI tiên tiến có thể xử lý những tập dữ liệu lớn để dự đoán thay đổi trong nhu cầu của người tiêu dùng, cho phép định giá động (giúp quản trị tối ưu doanh thu) và triển khai các chiến lược tiếp thị có chủ đích chính xác, từ đó giảm thiểu ảnh hưởng từ biến động theo mùa.
Các hãng hàng không có thể sử dụng AI để dự đoán chuyến bay trễ và hành vi đặt phòng của khách hàng. Không ít khách sạn đã bắt đầu triển khai hệ thống làm thủ tục nhận phòng do AI hỗ trợ và robot lễ tân để cải thiện dịch vụ khách hàng. Hơn nữa, AI có thể phân tích phản hồi của khách hàng, dư luận trên mạng xã hội và xu hướng trực tuyến để xác định những mảng cần phải cải thiện, qua đó giúp doanh nghiệp tinh chỉnh dịch vụ mà họ cung cấp.
Nguồn:https://bsamedia.vn/ai-thay-doi-dien-mao-nganh-du-lich-viet-nam-nhu-the-nao/ 
  • Ứng dụng AI quan trắc phòng ngừa từ sớm, từ xa nguy cơ sập cầu
Thông thường, các cuộc kiểm tra tình trạng cầu thường dựa vào đánh giá trực quan (bằng mắt) và các công cụ đơn giản (búa). Điều này dẫn đến sự khác biệt về cách giải thích và kết luận hiện trạng. Không chỉ vậy, việc sử dụng nhân lực con người trực tiếp tiếp xúc hiện trạng, cũng là một mối nguy hiểm tiềm tàng.
Tại Anh, Arcadis, tập đoàn tư vấn thiết kế giải pháp kỹ thuật bền vững đa quốc gia, đã bắt tay với Niricson để xây dựng một quy trình số hóa kiểm tra công tác bảo trì và đánh giá hiện trạng những cây cầu từ sớm, từ xa.
Giải pháp sử dụng thiết bị robot tự động như máy bay không người lái (drone) để thu thập ba lớp dữ liệu.
Từ đó, các kỹ sư quan trắc sử dụng thông tin để “hội chẩn”, đánh giá tình trạng cầu một cách nhất quán và toàn diện. Dữ liệu này được đưa vào hệ thống quản lý rủi ro và tài sản, cho phép đưa ra quyết định hiệu quả về sự an toàn và độ bền lâu dài của tài sản.
Nguồn:https://vietnamnet.vn/ung-dung-ai-quan-trac-phong-ngua-tu-som-tu-xa-nguy-co-sap-cau-2320423.html 

Xu hướng Xanh – Bền vững

  • Lộc Trời bao tiêu 50% diện tích trồng lúa chất lượng cao ở Long An
Chiều ngày 4/9, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An thông báo đang củng cố 60.000ha đất trong khuôn khổ dự án Chuyển đổi Nông nghiệp Bền vững tại Việt Nam (VnSAT) nhằm chuẩn bị cho Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp” tại Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Dự án hiện đã được triển khai tại 7 huyện và thị xã Kiến Tường, với Tập đoàn Lộc Trời ký kết bao tiêu 30.000ha lúa.
Trong giai đoạn 2026-2030, Long An sẽ mở rộng thêm 65.000ha đất canh tác, hướng đến mục tiêu đạt tổng diện tích 125.000ha lúa chất lượng cao và giảm phát thải. Tỉnh cũng định hướng phát triển bền vững cho nông hộ và hợp tác xã thông qua việc tổ chức sản xuất quy mô lớn, đầu tư bài bản, và tăng cường liên kết chuỗi giá trị. Hiện nông dân đang áp dụng các tiêu chuẩn canh tác tiên tiến như 1P5G, sử dụng công nghệ cao, giống lúa nguyên chủng và cơ giới hóa để nâng cao giá trị sản xuất.
Nguồn: https://nguoiquansat.vn/xuat-hien-dai-gia-bao-tieu-50-dien-tich-trong-lua-chat-luong-cao-o-long-an-155549.html 
  • Rơm và trấu dùng để sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững
Theo báo cáo từ Hội thảo về vật liệu sinh học bền vững do Boeing hỗ trợ, trữ lượng nguyên liệu thô sinh học trong khu vực có thể đáp ứng khoảng 12% nhu cầu SAF toàn cầu vào năm 2050, góp phần đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0. 
Báo cáo đánh giá trữ lượng nguyên liệu thô tại 11 quốc gia Đông Nam Á, với khoảng 45,7 triệu tấn SAF tiềm năng mỗi năm đến năm 2050. Trong đó, rơm và trấu là hai nguyên liệu quan trọng nhất để sản xuất SAF, bên cạnh các phế phẩm nông nghiệp khác như sắn, mía và chất thải đô thị. Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Philippines đóng góp khoảng 90% nguồn nguyên liệu thô cần thiết để sản xuất SAF cho toàn khu vực.
Nghiên cứu không chỉ đánh giá tiềm năng trữ lượng mà còn xem xét các yếu tố môi trường như nạn phá rừng, nguồn nước và an ninh lương thực nhằm đảm bảo tính bền vững. SAF “sạch”, hoàn toàn không chứa nhiên liệu hóa thạch, có khả năng giảm lượng phát thải carbon lên đến 84% trong suốt vòng đời, đóng vai trò chính trong việc giảm khí thải ngành hàng không trong 30 năm tới.
Nguồn: https://thanhnien.vn/rom-va-trau-dung-de-san-xuat-nhien-lieu-hang-khong-ben-vung-185240906121512109.htm 
  • Trung Quốc coi phát triển xanh là màu cơ bản của phát triển chất lượng cao
Hội nghị lần thứ 3 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX đã đặt trọng tâm vào phát triển kinh tế xanh và bền vững, với khái niệm “lực lượng sản xuất chất lượng mới” (NQPF). Đây là lần đầu tiên việc cắt giảm khí thải carbon được đề cập trong một văn bản quan trọng của Hội nghị Trung ương. Chủ tịch Tập Cận Bình giới thiệu khái niệm này vào năm 2023, nhấn mạnh phát triển xanh là yếu tố cốt lõi của năng suất mới và là màu sắc chủ đạo của phát triển kinh tế chất lượng cao. NQPF hướng đến đổi mới mô hình kinh tế truyền thống, nâng cao hiệu quả công nghệ và thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, bền vững.
Những cải cách lớn được yêu cầu bao gồm việc thúc đẩy nền kinh tế dựa trên thị trường, cải cách doanh nghiệp nhà nước, cùng với hệ thống tài chính và chăm sóc sức khỏe. NQPF sẽ đóng vai trò hỗ trợ phát triển bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình nâng cấp ngành công nghiệp và phát triển công nghệ tiên tiến. 
Giới quan sát cho rằng chính sách này không chỉ giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu trở thành một siêu cường công nghệ, mà còn mang lại sự an toàn trước các biến động quốc tế, rút kinh nghiệm từ sự rạn nứt với Liên Xô trước đây. Các chuyên gia nhấn mạnh rằng NQPF đại diện cho một sự chuyển đổi toàn diện, giúp Trung Quốc xây dựng một nền kinh tế mạnh mẽ, bền vững, và kiên cường hơn, đồng thời giảm phụ thuộc vào công nghệ bên ngoài.
Nguồn: https://vneconomy.vn/trung-quoc-coi-phat-trien-xanh-la-mau-co-ban-cua-phat-trien-chat-luong-cao.htm 
  • Doanh nghiệp Ấn Độ tìm kiếm cơ hội đầu tư dự án tín chỉ carbon ở Việt Nam
Việt Nam đang tích cực triển khai các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính và phát triển thị trường tín chỉ carbon nhằm ứng phó với tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Việt Nam có tiềm năng lớn trong lĩnh vực này, đặc biệt trong ngành lâm nghiệp, với ước tính 57 triệu tín chỉ carbon, tương đương 52 triệu tấn CO2. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam, trong đó có ReNew Energy Global – một công ty Ấn Độ chuyên cung cấp các giải pháp khử carbon.
Tại một sự kiện kết nối đầu tư vào ngày 9/9/2024, ReNew Energy Global đã giới thiệu các giải pháp dựa trên năng lượng xanh, dữ liệu, lưu trữ và thị trường carbon. Công ty đã đề xuất mô hình phát triển “một cửa”, bao gồm bốn giải pháp: tránh phát thải thông qua dự án năng lượng, giảm thiểu phát thải bằng cách sử dụng thiết bị gia dụng sạch, ứng dụng các phương pháp nông lâm nghiệp bền vững, và áp dụng công nghệ tiên tiến như thu giữ và lưu trữ carbon.
ReNew Energy Global cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc hợp tác giữa các nhà đầu tư, phát triển dự án, tư vấn kỹ thuật, đối tác thực hiện và cộng đồng địa phương để phát triển các dự án carbon hiệu quả tại Việt Nam. Công ty đang trong quá trình tìm hiểu để cung cấp tài chính và công nghệ cho thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam.
Nguồn: https://vneconomy.vn/doanh-nghiep-an-do-tim-kiem-co-hoi-dau-tu-du-an-tin-chi-carbon-o-viet-nam.htm 
  • Trung Quốc thống trị nguồn cung cấp tấm pin mặt trời và tua bin gió toàn cầu
Năm ngoái, Trung Quốc gia tăng sự kiểm soát đối với chuỗi cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, làm gia tăng căng thẳng thương mại với Mỹ và châu Âu. Theo nghiên cứu của Nikkei, các công ty Trung Quốc trong top 5 nhà cung cấp của 71 sản phẩm và dịch vụ chính đã tăng thị phần trong 21 hạng mục so với năm 2022. Thị phần của họ vượt quá 30% ở 13 hạng mục.
Trong ngành pin mặt trời, top 5 công ty hàng đầu đều là của Trung Quốc, tăng từ 4/5 vào năm 2022, với tổng thị phần tăng 7,5 điểm phần trăm, đạt 59,3%. Trong ngành tua-bin gió, Trung Quốc chiếm 4 trong số 5 vị trí hàng đầu, với thị phần tăng gần gấp đôi, đạt 44,2%. Công ty Goldwind vươn lên vị trí số 1 với thị phần tăng từ 13,1% lên 13,9%, trong khi đối thủ Vestas của Đan Mạch giảm từ 14% xuống 10,5%.
Từ năm 2018, thị phần của các công ty Trung Quốc trong ngành năng lượng mặt trời và gió đã tăng gấp đôi nhờ chiến lược phát triển công nghệ năng lượng sạch. Goldwind và Ming Yang Smart Energy đã vượt qua các đối thủ châu Âu nhờ giá thành thấp.
Trong lĩnh vực xe điện (EV), BYD – nhà sản xuất đứng thứ hai thế giới – tăng 3,1 điểm phần trăm, đạt 14,7% thị phần, thu hẹp khoảng cách với Tesla (18,3%). Chuỗi cung ứng EV phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, với các nhà cung cấp hàng đầu về pin lithium-ion đều là các công ty Trung Quốc, chiếm hơn 60% thị phần.
Chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ 230,9 tỷ USD cho ngành công nghiệp xe điện từ 2009 đến 2023, giúp các công ty chi mạnh cho phát triển cơ sở hạ tầng và xuất khẩu. Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc mất thị phần ở 13 hạng mục khác, bao gồm camera giám sát và đồng hồ thông minh.
Nhìn chung, các công ty Mỹ dẫn đầu trong 26 hạng mục, trong khi các công ty Trung Quốc đứng thứ hai với 17 hạng mục.
Nguồn: Tổng hợp
  • Singapore đẩy nhanh nỗ lực nhập khẩu điện các-bon thấp, nâng mục tiêu từ 4GW lên 6GW vào năm 2035
Singapore đang tăng cường nỗ lực giảm lượng khí thải carbon trong ngành điện với mục tiêu mới là nhập khẩu 6 GW điện ít carbon từ các quốc gia láng giềng vào năm 2035, tăng 50% so với mục tiêu trước đó là 4 GW đặt ra vào năm 2021. Theo Cơ quan Thị trường Năng lượng Singapore (EMA), nhập khẩu điện dự kiến sẽ chiếm khoảng 1/3 nhu cầu năng lượng của Singapore vào năm 2035, với một số hợp đồng thương mại có thể bắt đầu từ năm 2028.
Hiện tại, Singapore phụ thuộc vào khí tự nhiên – một nhiên liệu hóa thạch – cho khoảng 95% sản lượng điện, trong khi 40% lượng khí thải carbon của quốc gia đến từ ngành điện. EMA đã nâng mục tiêu nhập khẩu do nhận thấy sự quan tâm mạnh mẽ từ các đối tác tiềm năng trong việc tham gia các dự án nhập khẩu điện và để đảm bảo nguồn cung đủ đáp ứng nhu cầu năng lượng trong tương lai.
Đến cuối năm 2023, Singapore đã bắt đầu đàm phán với các công ty tại Indonesia, Campuchia và Việt Nam để nhập khẩu tổng cộng 4,2 GW điện, con số này đã vượt qua mục tiêu ban đầu. Quá trình nhập khẩu điện bao gồm ba giai đoạn, từ việc đánh giá tính khả thi kỹ thuật và thương mại cho đến việc cấp giấy phép chính thức khi các dự án đã sẵn sàng về tài chính và có đủ phê duyệt pháp lý. Hiện tại, năm dự án năng lượng mặt trời tại Indonesia đã được cấp giấy phép điều kiện từ EMA, bao gồm các công ty như Pacific Medco Solar Energy và Keppel Energy, với kế hoạch cung cấp 2 GW năng lượng xanh cho Singapore từ năm 2028.
Tại Diễn đàn Phát triển Bền vững Quốc tế Indonesia vào tháng 9/2023, Bộ trưởng Thứ hai của Bộ Công Thương Singapore, ông Tan See Leng, khẳng định rằng các dự án này đang ở giai đoạn phát triển tiên tiến và đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của cả Singapore và Indonesia. Ngoài ra, EMA cũng đã cấp giấy phép điều kiện cho hai công ty khác tại Indonesia để nhập khẩu 1,4 GW điện. Một trong hai dự án là của Singa Renewables, dự kiến xuất khẩu 1 GW năng lượng mặt trời từ Indonesia sang Singapore, trong khi dự án còn lại sẽ cung cấp 0,4 GW điện từ các nhà máy năng lượng mặt trời và hệ thống lưu trữ pin ở Quần đảo Riau, Indonesia.
Bên cạnh đó, Singapore cũng đã thử nghiệm các thỏa thuận nhập khẩu điện từ Lào thông qua Thái Lan và Malaysia với mục tiêu nhập khẩu 100 MW thủy điện từ Lào kể từ năm 2022. Tuy nhiên, theo Reuters, việc mở rộng thỏa thuận này gặp khó khăn do những bất đồng liên quan đến việc truyền tải điện qua Thái Lan và Malaysia. Singapore cũng đang tiến hành thử nghiệm nhập khẩu điện từ Malaysia với thỏa thuận nhập khẩu 100 MW điện trong hai năm từ một nhà máy điện chạy bằng khí đốt tại Johor, Malaysia, bắt đầu từ năm 2024.
Ngoài việc nhập khẩu điện, EMA cũng tiếp tục nghiên cứu các giải pháp giảm carbon khác cho ngành điện như năng lượng hydro, năng lượng mặt trời, địa nhiệt sâu, năng lượng hạt nhân và công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững cho Singapore trong tương lai.
Nguồn: Tổng hợp

Nông nghiệp – Thủy sản – Chăn nuôi 

  • Giá lúa ST25 tăng ‘kinh khủng’
Ngày 5-9, Anh hùng lao động Hồ Quang Cua, “cha đẻ” của gạo ST25, cho biết nông dân miền Tây đang vào mùa thu hoạch lúa hè thu với giá lúa tăng mạnh, mang lại thu nhập đáng kể cho nông dân. Đặc biệt, lúa ST25 tăng giá cao kỷ lục, đạt 11.000 đồng/kg, cao hơn 3.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù giá lúa tăng, doanh nghiệp của ông Cua vẫn giữ giá gạo ổn định để bảo vệ khách hàng.
Ông Huỳnh Văn Giai, nông dân tại Sóc Trăng, vừa thu hoạch 1ha lúa ST25 và nhờ ứng dụng kỹ thuật canh tác mới, ông đã giảm được chi phí. Với năng suất trên 7 tấn/ha và giá mua 11.000 đồng/kg tại ruộng, ông Giai thu về lợi nhuận trên 50 triệu đồng, mức lời cao nhất từ trước đến nay.
Theo ông Cua, giá lúa ST25 tăng cao không chỉ do nhu cầu tiêu dùng, mà còn vì người dân và doanh nghiệp thu gom làm giống lúa cho vụ đông xuân với giá 24.000 đồng/kg. Ông cảnh báo việc này ảnh hưởng đến chất lượng và uy tín của gạo Việt Nam, đồng thời kêu gọi cơ quan chức năng kiểm tra và xử lý tình trạng giả mạo giống lúa ST25.
Nguồn: https://tuoitre.vn/gia-lua-st25-tang-kinh-khung-20240905143826813.htm?gidzl=by2gAuIYeGAPtQWhZhce09lTg2UGjACDXTsf8Pcve0dPsVrqcR7tKuNJh7cJu_TUZj7-93CbKJWUWA6h0G 
  • Thời tiết xấu, dịch bệnh làm giảm sản lượng thanh long Bình Thuận
Mùa vụ từ tháng 6 đến tháng 10-2024 tại Bình Thuận chứng kiến sự sụt giảm mạnh về sản lượng thanh long do thời tiết khắc nghiệt và tình trạng sâu bệnh lan rộng. Theo ông Huỳnh Cảnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, năng suất cây trồng giảm đến 50% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến tháng 8-2024, có hơn 3.000 hecta thanh long nhiễm bệnh đốm nâu, trong khi nhiều diện tích khác bị ốc sên, bệnh thán thư, và bệnh thối rễ tấn công. Các trận mưa lớn gần đây cũng gây ngập úng, ảnh hưởng đến sản lượng thanh long ở các vùng trũng thấp.
Sản lượng thanh long hiện giảm còn 1.500 tấn/ngày, thấp hơn đáng kể so với 2.000 tấn/ngày những năm trước. Bên cạnh thời tiết, cây thanh long già cỗi cũng là nguyên nhân làm giảm năng suất, yêu cầu người trồng phải tái đầu tư và thay mới trụ thanh long.
Giá thanh long hiện tăng 5-10% do khan hiếm trái đẹp và chi phí vận chuyển tăng vì mưa lũ. Sản lượng thu hoạch của các hộ dân giảm từ 30 tấn/hecta xuống còn 25 tấn/hecta, trong khi chi phí lao động và phân bón vẫn cao, chiếm 50% giá thành sản xuất. Việc sử dụng đèn LED giúp giảm chi phí điện, nhưng nông dân vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc khôi phục cây trồng sau mưa lũ.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/thoi-tiet-xau-dich-benh-lam-giam-san-luong-thanh-long-binh-thuan/ 
  • Vựa trái cây ĐBSCL đang… thất thế!
Mặc dù Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 70% sản lượng trái cây cả nước, giá trị xuất khẩu từ khu vực này lại không cao. Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, ĐBSCL có diện tích lớn về cây ăn trái nhưng không đóng góp nhiều cho kim ngạch xuất khẩu các loại trái cây giá trị như sầu riêng, thanh long và chuối. Đặc biệt, sầu riêng – loại cây mang về gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây – chủ yếu được trồng ở Tây Nguyên chứ không phải ĐBSCL.
Nhiều loại trái cây chủ lực của ĐBSCL như bưởi, nhãn, chôm chôm và măng cụt có giá trị xuất khẩu không cao. Sản lượng cam của ĐBSCL tuy lớn nhưng chủ yếu tiêu thụ nội địa. Nguyên nhân chính khiến ĐBSCL không phát huy tiềm năng xuất khẩu là do quy mô canh tác manh mún, giống cây cũ, và khó đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về mã số vùng trồng, an toàn thực phẩm.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/vua-trai-cay-dbscl-dang-that-the/ 
  • Nhiều vựa nông sản bôi đất đỏ Đà Lạt lên khoai tây Trung Quốc
Công an tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện nhiều vựa nông sản tại huyện Đơn Dương và Đức Trọng trộn đất đỏ Đà Lạt vào khoai tây Trung Quốc nhằm thay đổi xuất xứ. Cụ thể, trong ngày 5-9, lực lượng công an tiến hành kiểm tra đột xuất tại vựa Huyền Thủy Trang và một điểm khác ở xã Ka Đô. Tại đây, khoảng 2,5 tấn khoai tây Trung Quốc đang được trộn với đất đỏ để bán cho một khách hàng tại TP.HCM. Chủ vựa xác nhận nguồn gốc khoai tây từ Trung Quốc, nhưng phủ nhận việc giả mạo xuất xứ Đà Lạt, cho rằng việc trộn đất chỉ để khoai giống hàng Quảng Đông.
Kiểm tra các vựa khác tại huyện Đức Trọng như Thương Vui, Tâm Uyên và Chúc Quỳnh, lực lượng công an phát hiện thêm khoảng 1 tấn khoai tây đã được trộn đất đỏ. Nhiều khoai tây Trung Quốc tại đây cũng bị úng, thối rữa, được các công nhân rửa sạch và phơi khô trước khi tiêu thụ. Tại thời điểm kiểm tra, các chủ cơ sở không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc và xuất xứ của số khoai tây này.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nhieu-vua-nong-san-boi-dat-do-da-lat-len-khoai-tay-trung-quoc-2024090511413399.htm?gidzl=k4avG7wdZdMsL3j0TBo7TB1NDK9kie9qhbSqH6U_WN3oKs0HPxVMAgvPCHnjvTOdfLjZGJFmtOG2UgI4TW 
  • Ngành mía đường Việt Nam đang hồi sinh, lần đầu tiên năng suất đường vươn lên vị trí số 1 khu vực
Kể từ năm 2021, sau khi Việt Nam áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường mía nhập khẩu, ngành mía đường trong nước đã ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ. Diện tích trồng mía tăng từ 146.938 ha trong niên vụ 2021/22 lên 174.842 ha trong niên vụ 2023/24, trong đó 93% diện tích do nông dân liên kết với nhà máy. Sản lượng mía thu hoạch cũng tăng đáng kể, đạt 11,2 triệu tấn trong niên vụ 2023/24, tăng 17,9% so với niên vụ trước. Tuy nhiên, cơ cấu giống mía tại Việt Nam vẫn chưa cân đối, khi giống KK3 chiếm 68,3% diện tích, tương tự cơ cấu giống của Thái Lan.
Việc cơ giới hóa trong sản xuất mía đã có những bước tiến quan trọng, đặc biệt là khâu làm đất, tưới tiêu, và thu hoạch. Tuy nhiên, một số công đoạn như chăm sóc và thu hoạch mía vẫn còn hạn chế. Một số doanh nghiệp đã tiên phong ứng dụng công nghệ 4.0, như giải pháp RICULT và VIGREEN, giúp nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất.
Về giá cả, giá mua mía tại Việt Nam hiện ở mức 1,2-1,3 triệu đồng/tấn, cao hơn 35% so với Thái Lan. Cùng với đó, sản lượng mía và đường đã tăng liên tục qua các vụ gần đây, với sản lượng đường đạt 1,1 triệu tấn trong niên vụ 2023/24, đưa Việt Nam vào vị trí dẫn đầu về năng suất đường trong khu vực. Khu vực Miền Trung – Tây Nguyên hiện chiếm 62% sản lượng mía của cả nước, trở thành trung tâm sản xuất lớn nhất.
Nguồn: https://vneconomy.vn/nganh-mia-duong-viet-nam-dang-hoi-sinh-lan-dau-tien-nang-suat-duong-vuon-len-vi-tri-so-1-khu-vuc.htm 

Du lịch – Ẩm thực

  • Du lịch Việt Nam bắt đầu ‘cuộc đua’ Net Zero
Tại diễn đàn “Chuyển đổi xanh, du lịch Net Zero – kiến tạo tương lai” diễn ra ngày 5-9 ở TPHCM, các chuyên gia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xác định “dấu chân carbon” trong ngành du lịch để phát triển theo hướng Net Zero. Dấu chân carbon thể hiện tổng lượng khí thải CO² phát sinh từ các hoạt động du lịch, bao gồm di chuyển, ăn uống, lưu trú và giải trí. Ông Lương Quang Huy từ Cục Biến đổi Khí hậu cho rằng các doanh nghiệp du lịch cần xác định lượng khí thải để tập trung cải thiện và giảm phát thải hiệu quả.
Ông Wesley Chen và ông Trương Minh Huy Vũ cũng chia sẻ quan điểm rằng doanh nghiệp cần khuyến khích khách hàng thay đổi hành vi tiêu dùng và ưu tiên các sản phẩm du lịch giảm phát thải. 
Ngoài ra, việc thực hiện du lịch Net Zero phải đảm bảo lợi ích cho cộng đồng địa phương, giúp tham gia và hưởng lợi từ du lịch bền vững. Công nghệ cũng đóng vai trò lớn trong việc hỗ trợ các giải pháp xanh như năng lượng tái tạo, quản lý tài nguyên thông minh và xe điện.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/du-lich-viet-nam-bat-dau-cuoc-dua-net-zero/ 
  • Đường bộ thuận lợi giúp du lịch nhiều địa phương bội thu
Kỳ nghỉ lễ 2/9 năm 2024, du khách trong nước đổ xô đi du lịch bằng tàu hỏa hoặc xe tự lái để né vé máy bay cao, trong đó du lịch nội vùng và các điểm đến có biển được yêu thích. Tổng cộng, ngành du lịch Việt Nam phục vụ khoảng 3 triệu lượt khách, tăng 20% so với cùng kỳ 2023, với công suất phòng trung bình đạt 56%. Các tỉnh Bình Định, Bình Thuận, Khánh Hòa, Thanh Hóa và Ninh Bình đều ghi nhận lượng khách và doanh thu tăng trưởng đáng kể nhờ vào sự thuận lợi của hệ thống đường cao tốc.
Nguồn: https://vneconomy.vn/duong-bo-thuan-loi-giup-du-lich-nhieu-dia-phuong-boi-thu.htm 

Khởi nghiệp 

  • Startup về AI nở rộ ở Việt Nam
Nhiều startup công nghệ gần đây lựa chọn trí tuệ nhân tạo để đáp ứng nhu cầu thị trường và thu hút đầu tư. Vbee, ra đời năm 2018, phát triển giải pháp xử lý ngôn ngữ tự nhiên và trí tuệ nhân tạo đàm thoại, tạo ra trợ lý ảo có thể giao tiếp qua giọng nói và văn bản. Với hơn 2 triệu người dùng và hơn 300 doanh nghiệp sử dụng, Vbee đã giành quán quân tại Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam (QVIC 2024), nhận giải thưởng 100.000 USD. Tương tự, Olli Technology phát triển hệ điều hành “BuddyOS for AI Toys”, giúp tạo ra đồ chơi thông minh tương tác với trẻ em.
Trí tuệ nhân tạo đã thu hút sự chú ý với các tiến bộ trong học máy và học sâu, giúp cải thiện các giải pháp nhận diện hình ảnh và xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Tại Việt Nam, 70% các giải pháp tại QVIC 2024 ứng dụng AI, và phần lớn startup áp dụng công nghệ này nhằm tăng tính cạnh tranh và thu hút đầu tư. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải đối mặt với thách thức trong việc đổi mới liên tục để duy trì vị thế, cũng như xây dựng thói quen tiêu dùng AI trong thị trường Việt Nam. Các chuyên gia nhận định rằng AI vẫn có tiềm năng phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam trong tương lai.
Nguồn: https://vnexpress.net/startup-ve-ai-no-ro-o-viet-nam-4788959.html?gidzl=gIze1DJNmKUdCce4tip8HwSsPWN2pPWKkpDZKf6QcqJYOZS7dCh9GBDYOmR9py14u69kKJLBovfqqDJBH0 
  • Khởi nghiệp từ công nghệ carbon
Xu hướng công nghệ carbon đang mở ra cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam, với sự hỗ trợ từ Chính phủ và dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực xanh. Việt Nam đã chuẩn bị từ năm 2012 để hình thành và phát triển thị trường carbon, dự kiến thí điểm từ năm 2025 và hoàn thiện vào năm 2028. Thị trường này là một trách nhiệm và cũng là cơ hội cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh, tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đối mặt với thách thức về công nghệ. Điều này mở ra cơ hội cho các startup triển khai công nghệ carbon nội địa với chi phí hợp lý.
Một số startup nổi bật trong lĩnh vực này bao gồm AirX Carbon với sản phẩm NetZero Pallet từ phế phẩm nông nghiệp, thay thế cho pallet gỗ và nhựa truyền thống. Alterno cũng phát triển giải pháp lưu trữ năng lượng bằng pin cát, giúp giảm phát thải carbon trong nông nghiệp. Dù thị trường công nghệ carbon tại Việt Nam còn non trẻ, nhưng nhu cầu ngày càng tăng cao, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận và phát triển.
Chính phủ và các tổ chức như Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia cũng hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp qua các cuộc thi và chương trình ươm tạo. Đội ngũ nhân lực có năng lực và sự hỗ trợ tài chính là yếu tố quyết định để các dự án khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực này.
Nguồn: https://baophapluat.vn/tin-chi-carbon-buoc-tien-toi-tuong-lai-khoi-nghiep-tu-cong-nghe-carbon-post524291.html 
  • Xu hướng khởi nghiệp quy mô siêu nhỏ trỗi dậy ở Mỹ
Kể từ sau đại dịch Covid-19, số lượng nhân viên mà các doanh nghiệp mới thành lập ở Mỹ giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp chỉ sử dụng lao động tự do, làm việc ngắn hạn hoặc theo mùa vụ, và chủ doanh nghiệp thường kiêm luôn vai trò nhân viên. Xu hướng này phản ánh khó khăn trong tuyển dụng sau đại dịch và sự thay đổi trong mô hình kinh doanh, như làm việc từ xa và sự phát triển của nền kinh tế tự do.
Dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy các doanh nghiệp thành lập từ tháng 3-2020 đến tháng 3-2021 chỉ tuyển trung bình 4,6 nhân viên, giảm so với 5,3 nhân viên của năm trước. Một số doanh nghiệp chọn quy mô nhỏ để cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Các công ty như Front Page Retail và Oliver Charles tận dụng lao động tự do để duy trì đội ngũ nhân viên gọn nhẹ. Điều này giúp họ linh hoạt về nhân sự và giảm chi phí. Nhiều doanh nghiệp mới thành lập, như Nettie và Pottery by Eleni, chọn phát triển chậm với quy mô nhỏ để duy trì sự linh hoạt và tránh căng thẳng từ việc mở rộng quy mô quá nhanh.
Số lượng doanh nghiệp mới thành lập vẫn ở mức cao, nhưng chưa rõ có bao nhiêu trong số đó có khả năng tồn tại và phát triển lâu dài.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/xu-huong-khoi-nghiep-quy-mo-sieu-nho-troi-day-o-my/ 

Đầu tư – tài chính

  • Giới nhà giàu Trung Quốc tăng cường đầu tư ra nước ngoài
Giới nhà giàu Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài do tăng trưởng kinh tế trong nước chậm lại. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, từ đầu năm đến tháng 7-2024, đầu tư phi tài chính ra nước ngoài tăng 16,2%, đạt 83,55 tỉ USD, với hơn 6.100 doanh nghiệp tại 152 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận được vốn đầu tư. Nhiều nhà đầu tư Trung Quốc tìm cơ hội ở Nhật Bản, nơi kinh tế đang chững lại và đồng yên yếu, thúc đẩy nhu cầu mua lại doanh nghiệp.
Các doanh nhân Trung Quốc muốn toàn cầu hóa chiến lược đầu tư khi đối mặt với áp lực kinh tế nội địa. Điều này thể hiện qua việc tài sản của Noah Holdings ở nước ngoài tăng gần 15%, trong khi tài sản trong nước giảm hơn 6%. Dù chính phủ Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ dòng chảy vốn, những người giàu có vẫn tìm cách đưa tài sản ra nước ngoài qua mua lại công ty và đầu tư bất động sản.
Xu hướng này cũng dẫn đến nhu cầu bay quốc tế bằng máy bay riêng tăng cao, với nhiều chuyến bay đến Đông Nam Á, Trung Đông và châu Phi để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Theo các chuyên gia, xu hướng đầu tư toàn cầu của doanh nhân Trung Quốc, đặc biệt là thế hệ trẻ, dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/gioi-nha-giau-trung-quoc-tang-cuong-dau-tu-ra-nuoc-ngoai/ 
  • Tiền mặt dôi dư, doanh nghiệp Nhật tìm kiếm các thương vụ M&A lớn ở nước ngoài
Năm 2023, các công ty Nhật Bản thực hiện khoảng 660 thương vụ M&A ở nước ngoài, tăng 6% so với năm trước, với Mỹ là điểm đến hàng đầu. Các giao dịch nổi bật bao gồm Nippon Steel mua U.S. Steel với giá 14 tỉ USD và Panasonic Connect mua Blue Yonder Group Inc. với giá 7,1 tỉ USD. Dù vậy, môi trường chính trị tại Mỹ có thể ảnh hưởng đến tiến độ hoàn tất các thương vụ.
M&A tại các nước Đông Nam Á và Ấn Độ cũng là trọng tâm, nhưng doanh nghiệp Nhật chỉ chiếm cổ phần thiểu số để tận dụng mối quan hệ địa phương. Ông Yoshinobu Agu từ Citi Tokyo nhận định rằng các công ty Nhật Bản đang có tham vọng đầu tư lớn hơn, dù giá trị đồng yen suy yếu không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động M&A. Theo Bộ Tài chính, doanh nghiệp Nhật sở hữu lượng tiền mặt kỷ lục, đạt 600.900 tỉ yen trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3-2024.
Bất chấp các yếu tố ngoại vi, hoạt động M&A của các công ty Nhật vẫn tăng bền vững. Chính phủ và nhà đầu tư đang gây áp lực để doanh nghiệp Nhật Bản sử dụng lượng tiền mặt dồi dào này cho các thương vụ. Tuy nhiên, theo ông Agu, điều quan trọng là các công ty phải duy trì lòng tin từ nhà đầu tư để tránh những rủi ro tiềm ẩn.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/tien-mat-doi-du-doanh-nghiep-nhat-tim-kiem-cac-thuong-vu-ma-lon-o-nuoc-ngoai/ 
  • Vốn mạo hiểm Đài Loan đổ mạnh vào Nhật Bản
Đầu tư từ Đài Loan vào Nhật Bản đang tăng mạnh, đặc biệt trong bối cảnh các công ty Đài Loan tìm kiếm thị trường thay thế cho Trung Quốc đại lục. Tính đến tháng 7/2024, có 48 công ty Nhật Bản nhận đầu tư từ Đài Loan, cao nhất trong một thập kỷ. Chính phủ Nhật Bản đang tích cực thu hút nhà đầu tư mạo hiểm nước ngoài, với sự tham gia của nhiều startup công nghệ từ Đài Loan.
Darwin Ventures, một quỹ đầu tư mạo hiểm Đài Loan, đã đầu tư vào bảy startup tại Nhật Bản trong năm nay, bao gồm Zehitomo và ROXX. Quỹ này đặt mục tiêu tăng đầu tư vào 25 startup Nhật Bản vào năm 2026, đặc biệt quan tâm đến các công ty liên kết với các trường đại học như Đại học Waseda. Nhà đầu tư cũng nhận thấy tiềm năng cao từ các công ty nghiên cứu công nghệ sâu tại Nhật.
Khả năng IPO tại Nhật Bản cũng là yếu tố hấp dẫn, với 96 vụ IPO vào năm 2023. Trong bối cảnh nhu cầu trong nước giảm và dân số già hóa, Đài Loan đang tìm kiếm các thị trường khác ngoài ngành chip, trong đó Nhật Bản là điểm đến đầu tư tiềm năng. Các startup Trung Quốc cũng hấp dẫn nhưng rủi ro địa chính trị khiến các nhà đầu tư Đài Loan thận trọng hơn.
Nguồn: https://bsaonline.vn/von-mao-hiem-dai-loan-do-manh-vao-nhat-ban/ 
  • Thêm 1 tập đoàn năng lượng toàn cầu hủy kế hoạch đầu tư ở Việt Nam
Tập đoàn năng lượng tái tạo Enel của Ý đang chuẩn bị rút khỏi Việt Nam, theo Reuters. Đây là động thái mới nhất của một công ty phương Tây trong bối cảnh các kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam còn nhiều bất định. Trước Enel, Equinor của Na Uy và Orsted từ Đan Mạch cũng đã quyết định tương tự.
Năm 2022, Enel từng thông báo ý định đầu tư vào các nhà máy năng lượng tái tạo có khả năng sản xuất tới 6 gigawatt (GW) tại Việt Nam, với tiềm năng phát triển năng lượng gió và mặt trời. Tuy nhiên, nguồn tin cho biết việc rút khỏi Việt Nam là một phần trong kế hoạch tái cơ cấu toàn cầu của tập đoàn.
Thông tin về thời gian cụ thể Enel rút khỏi Việt Nam vẫn chưa được tiết lộ, và cả Enel lẫn Bộ Công Thương Việt Nam đều từ chối bình luận. Đơn vị năng lượng tái tạo của Enel, Enel Green Power, hiện đang quản lý hơn 1.300 nhà máy trên toàn thế giới, với tổng công suất 64 GW.
Trước đó, Equinor đã hủy bỏ kế hoạch đầu tư vào điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, còn Orsted thông báo tạm dừng các dự án trang trại điện gió ngoài khơi lớn vào năm ngoái.
Nguồn: https://vietnamfinance.vn/them-1-tap-doan-nang-luong-toan-cau-huy-ke-hoach-dau-tu-o-viet-nam-d115895.html 

Thị trường xuất nhập khẩu

  • Việt Nam xuất siêu sang Mỹ và nhập siêu từ Trung Quốc
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt gần 78 tỉ đô la Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất với giá trị hơn 92 tỉ đô la.
Cụ thể, trong 8 tháng năm 2024, xuất siêu sang Mỹ ước đạt 68,1 tỉ đô la, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 23,6 tỉ đô la, tăng 22%; xuất siêu sang Nhật Bản 1,7 tỉ đô la, tăng 30,5%; nhập siêu từ Trung Quốc 54,4 tỉ đô la, tăng 69,6%; nhập siêu từ Hàn Quốc 20 tỉ đô la, tăng hơn 12%; nhập siêu từ ASEAN là 5,8 tỉ đô la, tăng 14,8%.
Như vậy, Việt Nam đang “bán nhiều hơn mua” ở các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản nhưng lại “mua nhiều hơn bán” từ các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN.
Nguồn:https://thesaigontimes.vn/viet-nam-xuat-sieu-sang-my-va-nhap-sieu-tu-trung-quoc/ 

BSAi