Bản tin thị trường, từ 8-14/7/2023

Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực

1. Giá lương thực thế giới tiếp tục giảm trong tháng 6
Chỉ số giá lương thực thế giới của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) là “thước đo” theo dõi các mặt hàng thực phẩm được giao dịch nhiều nhất trên toàn cầu. Trong tháng 6, chỉ số này đạt 122,3 điểm, giảm so với mức 124 điểm đã sửa đổi của tháng 5. Giá lương thực toàn cầu tháng 6 đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021, thấp hơn 23,4% so với mức cao nhất từ trước đến nay, ghi nhận vào tháng 3/2022, sau khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine bắt đầu. Nguyên nhân là do giá đường, dầu thực vật, ngũ cốc và các sản phẩm từ sữa đều giảm.
Theo FAO, chỉ số giá ngũ cốc giảm 2,1% trong tháng 6 so với tháng trước, với giá ngô, lúa mạch, lúa mì và gạo đều giảm. Chỉ số giá dầu thực vật giảm 2,4% so với tháng 5, chạm mức sàn kể từ tháng 11/2020, do giá dầu cọ và dầu hướng dương đều giảm sâu hơn so với mức tăng nhẹ của dầu đậu nành và dầu hạt cải. Giá đường ghi nhận giảm 3,2% so với tháng trước, đánh dấu mức giảm lần đầu tiên sau 4 tháng tăng liên tiếp. FAO giải thích đây có thể là do vụ thu hoạch mía ở Brazil đang tiến triển tốt, đồng thời nhu cầu nhập khẩu đường toàn cầu hiện đang chững lại. Chỉ số giá sữa giảm 0,8% so với tháng 5, trong khi chỉ số giá thịt hầu như không thay đổi.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/fao-gia-luong-thuc-the-gioi-tiep-tuc-giam-trong-thang-6-20230707172814942.htm
2. Nhiều cửa hàng McDonald’s tại Ấn Độ bỏ cà chua khỏi thực đơn
Nhiều nhà hàng trong chuỗi cửa hàng ăn nhanh của hãng McDonald’s tại Ấn Độ đã loại bỏ cà chua khỏi các món bánh mỳ kẹp và bánh mỳ sandwich, do thiếu nguồn cung và quan ngại về chất lượng sau khi giá rau củ tăng lên các mức cao chưa từng thấy. Thông báo tại hai cửa hàng McDonald’s ở thủ đô New Delhi ghi rõ: “Mặc dù đã nỗ lực hết sức, nhưng chúng tôi không thể nhập đủ số lượng cà chua đáp ứng các khâu kiểm định chất lượng nghiêm ngặt của hãng. Vì vậy, chúng tôi chỉ có thể phục vụ quý khách các món không có cà chua.” Các nhà quản lý cửa hàng McDonald’s cũng khẳng định vấn đề trên là do chất lượng cà chua trong chuỗi cung ứng, hơn là vì giá cả.
Trong khi đó, chuỗi nhà hàng Connaught Plaza, điều hành khoảng 150 cửa hàng nhượng quyền hương hiệu McDonald’s tại miền Bắc và miền Đông Ấn Độ, nêu rõ quyết định trên là vấn đề tạm thời theo mùa. Westlife Foodworld, bên điều hành 357 cửa hàng nhượng quyền thương hiệu McDonald’s tại miền Tây và miền Nam nước này, nhấn mạnh không có vấn đề nào nghiêm trọng liên quan tới cà chua. Quyết định mới nhất chỉ mang tính thời vụ và chỉ có khoảng 10-15% số cửa hàng của hãng tạm dừng sử dụng cà chua trong các món ăn.
Chính phủ Ấn Độ cho rằng giá cà chua cao hơn là do nguồn cung sụt giảm khi mưa gió mùa gây gián đoạn giao thông và hoạt động phân phối. Tuy nhiên, tình trạng này diễn ra sau khi người tiêu dùng “đau đầu” vì vật giá leo thang trong những tháng gần đây, từ sữa cho tới gia vị. Riêng trong ngày, 7/7, tại một số vùng, giá bán buôn các mặt hàng rau củ truyền thống của Ấn Độ đã tăng 288% so với tháng trước đó lên mức 140 rupee (1,7 USD)/kg.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/vi-sao-nhieu-cua-hang-mcdonalds-tai-an-do-bo-ca-chua-khoi-thuc-don/873654.vnp
3. Lan tỏa nét đặc trưng văn hóa ẩm thực châu Á trên Tiktok
Lễ hội ẩm thực #FoodFestOnTikTok với các hoạt động sáng tạo và đầy tính giải trí, thúc đẩy tình yêu với ẩm thực địa phương nói riêng và châu Á nói chung dành cho người dùng trong và ngoài nền tảng, đã được TikTok khởi động từ đầu tháng 6/2023. Được triển khai đồng thời tại 6 quốc gia: Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapore và Indonesia, đến nay, hashtag của chiến dịch đã thu hút hơn 12 tỷ lượt xem đối với các video trên nền tảng. Hàng triệu người dùng đã tham gia và có cơ hội kết nối với nhóm người chung sở thích, lan tỏa các trải nghiệm ăn uống, địa điểm ưa thích tới cộng đồng. Với các tính năng dễ sử dụng với đa đối tượng người dùng, TikTok trở thành “thiên đường” cho những người sành ăn, đầu bếp và những người muốn trải nghiệm các xu hướng ẩm thực mới nhất.
Trong khuôn khổ lễ hội tại Việt Nam, TikTok khởi xướng thử thách #FoodFestOnTikTok – cuộc thi dành cho người dùng trên nền tảng tham gia tranh tài, thực hiện các video sáng tạo giới thiệu những địa điểm độc đáo, tụ hội những tinh hoa của ẩm thực Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Trung Quốc. Có rất nhiều video trong thử thách nhận được sự yêu thích và ủng hộ của đông đảo người xem khi mang đến các đánh giá chân thực, gần gũi, đóng góp nội dung đáng tin cậy cho cộng đồng. Không chỉ xem, nhiều nhà sáng tạo trên nền tảng còn hướng dẫn cách thức để người dùng có thể tự khám phá các di sản ẩm thực, tìm hiểu về nấu nướng, pha chế… từ nguồn thực phẩm phong phú xung quanh. Những ý tưởng này khi kết hợp với các công cụ sáng tạo trên TikTok đã mang lại giá trị giải trí đầy bất ngờ cho người xem.
Nguồn: https://baotintuc.vn/ban-doc/lan-toa-net-dac-trung-van-hoa-am-thuc-chau-a-20230711205445204.htm
4. Sự kiện “Hương vị Việt Nam” giới thiệu nông sản và thực phẩm Việt Nam với các tập đoàn bán lẻ Thái Lan
“Hương vị Việt Nam” (Tasting Việt Nam) khai mạc sáng 7/7 tại khách sạn Okura Prestige ở Bangkok. Khoảng 40 khách mời là quan chức ngoại giao, doanh nhân và đại diện các tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Thái Lan gồm Central Retail, Siam Makro, Big C, The Mall Group va2 các doanh nghiệp được chỉ định trực tiếp nhập khẩu. Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan phối hợp cùng Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao (DN HVNCLC) tổ chức sự kiện trải nghiệm này. Tập đoàn ThaiBev của Thái Lan là đơn vị đồng hành cùng sự kiện, góp phần quảng bá sự phát triển ngành công nghiệp thực phẩm & đồ uống Việt Nam.
Sự kiện Hương vị Việt Nam tại Bangkok mang đến phương thức tiếp cận mới chú trọng đến trải nghiệm sản phẩm hoàn thiện theo hình thức giao thương giữa doanh nghiệp, hỗ trợ cho phương thức giao thương truyền thống.  Sự kiện thể hiện hướng tiếp cận mới mẻ của hoạt động xúc tiến thương mại tại nước ngoài, tận dụng sức mạnh cộng hưởng của các sản phẩm, thực phẩm tiêu biểu của mỗi vùng miền, chung tay xây dựng thương hiệu Việt Nam và ghi dấu ấn mạnh mẽ cho thế hệ sản phẩm mới, đổi mới sáng tạo trên thị trường quốc tế. Đây là hoạt động giao thương quan trọng góp phần cung cấp thông tin sản phẩm được thể hiện trực quan, khẳng định niềm tin vào chất lượng sản phẩm và góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp nhập khẩu lựa chọn sản phẩm phù hợp.
Nguồn: https://bsamedia.vn/su-kien-huong-vi-viet-nam-gioi-thieu-nong-san-va-thuc-pham-viet-nam-voi-cac-tap-doan-ban-le-thai-lan/
5. Vinamilk công bố nhận diện thương hiệu mới với khát vọng sữa toàn cầu
Chiều 6/7, Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) công bố nhận diện thương hiệu mới nhằm nâng tầm với chiến lược và định vị mới sau 47 năm không ngừng nỗ lực. Theo bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk, bộ nhận diện mới là thành quả sau một năm dài chuẩn bị của các chuyên gia, nhà tư vấn hàng đầu về chiến lược và thương hiệu của Việt Nam và quốc tế ở đẳng cấp thế giới. Ngôn ngữ thiết kế mới của Vinamilk là sự cân bằng tinh tế các khía cạnh cốt lõi của thương hiệu: giá trị truyền thống với bước tiến mới, và di sản Việt với khát vọng vươn tới toàn cầu.
Theo kế hoạch, bộ nhận diện mới sẽ được triển khai trên toàn hệ thống Vinamilk bao gồm website, kênh bán hàng trực tuyến, điểm bán lẻ, hệ thống cửa hàng và các ấn phẩm thương hiệu bao bì sản phẩm… từ tháng 7/2023. Ngoài ra, tái định vị thương hiệu chỉ là bước đầu trong chiến lược 5 năm tới của Vinamilk, đi cùng đó là hàng loạt thay đổi trong chuyển đổi số, tuyển dụng nhân sự, quy trình quản trị… với mục tiêu tiếp cận với người tiêu dùng nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Nguồn: https://vneconomy.vn/vinamilk-cong-bo-nhan-dien-thuong-hieu-moi-voi-khat-vong-sua-toan-cau.htm

Nhóm tin về ngành du lịch

1. Hãng hàng không cho du khách thuê quần áo
Hãng bay Japan Airlines mới đây đã đưa ra sáng kiến cho hành khách thuê quần áo trên các chuyến bay quốc tế. Japan Airlines (JAL) muốn giúp hành khách quốc tế giảm bớt gánh nặng khi phải sắp xếp quần áo cho chuyến đi dài ngày bằng dịch vụ cho thuê quần áo đặc biệt này. Trong một năm, hành khách quốc tế trên các chuyến bay do JAL khai thác sẽ được thuê quần áo trong thời gian họ ở lưu trú tại Nhật Bản. Sáng kiến “Bất cứ trang phục nào, ở bất cứ đâu” sẽ được thực hiện đến hết ngày 31/08/2024 với mục tiêu cắt giảm lượng khí thải carbon qua việc giảm tải trọng lượng trên các chuyến bay của JAL.
Việc cho thuê sẽ do Tập đoàn Sumitomo điều hành, chịu trách nhiệm giao nhận và giặt sấy tất cả quần áo. JAL cho biết để đẩy mạnh hơn các nỗ lực phát triển bền vững, các mặt hàng cho thuê sẽ được chọn lọc từ hàng may mặc tồn kho và quần áo đã qua sử dụng, từ đó thúc đẩy khái niệm về nền kinh tế tuần hoàn. Để đặt trước quần áo, khách du lịch có thể đăng ký trực tuyến và nhập mã chuyến bay cùng địa chỉ khách sạn (hoặc địa chỉ nơi lưu trú ngắn hạn). Du khách nên đặt trước chuyến đi một tháng và có thể thuê lượng quần áo sử dụng được trong vòng hai tuần. Khách du lịch có thể chọn từ đa dạng các mẫu mã với quần áo được sắp xếp theo mùa và dịp (trang phục thường ngày, trang phục công sở hoặc kết hợp). Giá thuê cơ bản khởi điểm từ 4.000 yen (khoảng 27 USD) cho 3 mẫu áo và 2 mẫu quần.
Nguồn: https://lifestyle.zingnews.vn/hang-hang-khong-cho-du-khach-thue-quan-ao-post1445705.html
2. Cục Du lịch và Nestlé Việt Nam thúc đẩy du lịch ẩm thực thông qua ứng dụng công nghệ số
Trung tâm Thông tin du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và nhãn hàng MAGGI, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam vừa công bố thỏa thuận về hợp tác chiến lược thúc đẩy du lịch – ẩm thực – văn hóa Việt Nam, góp phần quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam ra thế giới thông qua đề án “Biến Tấu Vạn Nguyên Liệu, Nấu Triệu món Việt”. Chương trình nhằm tôn vinh giá trị văn hóa – ẩm thực đa dạng, đồng thời góp phần phát triển du lịch Việt Nam thông qua câu chuyện biến tấu nguyên liệu địa phương nấu triệu món Việt tại 63 tỉnh thành/phố như một niềm tự hào quốc gia. Hợp tác còn hướng đến kiến tạo giá trị du lịch – ẩm thực cho du khách trong nước, giúp kích cầu du lịch nội địa, trải nghiệm ẩm thực và tìm hiểu văn hóa địa phương. Từ đó, xây dựng bản đồ ẩm thực đa dạng, tạo dựng cộng đồng ẩm thực địa phương tại các tỉnh thành trên toàn quốc.
Đồng thời, đề án cũng hướng đến quảng bá nền ẩm thực phong phú của Việt Nam tới du khách quốc tế, đưa du lịch ẩm thực trở thành một sản phẩm chiến lược thu hút du khách quốc tế trên toàn cầu đến Việt Nam. Để đạt các mục tiêu này, trong giai đoạn 2023-2026, nhãn hàng MAGGI, Nestlé Việt Nam cùng Trung tâm Thông tin du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ triển khai các hoạt động đẩy mạnh truyền thông du lịch ẩm thực trên các nền tảng trực tuyến, ứng dụng công nghệ hỗ trợ quảng bá du lịch ẩm thực, tổ chức sự kiện, lễ hội ẩm thực…
Nguồn: https://vnbusiness.vn/thong-tin-doanh-nghiep/thuc-day-du-lich-am-thuc-thong-qua-ung-dung-cong-nghe-so-1093830.html

Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử

1. TikTok Shop xâm nhập thị trường Mĩ – mối đe dọa đang trỗi dậy đối với Amazon
Hồi tháng 11 năm ngoái, TikTok ra mắt tính năng mua sắm trong ứng dụng tại Mỹ, với chùm cửa hàng nhỏ được liên kết với hồ sơ của những người có ảnh hưởng và người sáng tạo. Sau đó, tính năng này được mở rộng cho các thương hiệu ở Mỹ. Kế hoạch tiếp theo trong những tháng tới của công ty là triển khai một thị trường mua bán, gần giống với nền tảng web mua sắm truyền thống hơn. Điều này giúp người tiêu dùng Mỹ có thể tìm kiếm, so sánh và mua sản phẩm cùng ở một nơi. Hiện tại, Bytedance đang mời chào các nhà sản xuất và xuất khẩu Trung Quốc niêm yết hàng và giao hàng miễn phí trên TikTok để cuối cùng xâm nhập vào thị trường Mỹ. Các nguồn thạo tin cho biết, TikTok đang thiết lập các kho hàng và trung tâm hoàn thiện đơn hàng ở Mỹ.
Đó là một chiến lược khiến TikTok trở nên khác biệt với các nền tảng xã hội của Mỹ như Instagram và YouTube, vốn tránh quản lý hàng hóa thực tế ngay cả khi họ cố gắng mở rộng sang thương mại điện tử. Chiến lược đó cũng đặt TikTok vào thế cạnh tranh trực tiếp với Amazon trên sân nhà của người khổng lồ thương mại điện tử này. Trong một động thái tập trung hơn cho thương mại điện tử, TikTok đang thuê các cựu nhân viên của thương hiệu thời trang và phong cách sống để giám sát các danh mục bán lẻ như thời trang, gia đình và sắc đẹp. Dự kiến, những người này sẽ đóng vai trò then chốt trong việc tuyển dụng người bán và hướng dẫn họ cách tạo ra loại video phù hợp cũng như cách hợp tác thành công với người sáng tạo nội dung. Tuy nhiên, thị trường Mỹ không phải là sân chơi dễ dàng đối với TikTok dù ứng dụng này đã có 150 triệu người ở đây. Cạnh tranh trên thị trường bán lẻ Mỹ có nghĩa là cạnh tranh với những tay chơi Trung Quốc khác như ứng dụng Temu của hãng thời trang nhanh Shein, cũng như Amazon.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/tiktok-shop-moi-de-doa-dang-troi-day-doi-voi-amazon/
2. Nhiều công ty lớn phương Tây âm thầm rút cam kết rời khỏi Nga
Cuộc tháo chạy chưa từng có của các công ty phương Tây khỏi Nga vào năm 2022 được cho là đã tác động nghiêm trọng về mặt tài chính cũng như có ý nghĩa biểu tượng đối với nền kinh tế Nga. Giờ đây, khi cuộc xung đột đã vượt qua mốc 500 ngày, Giáo sư Sonnenfeld, tại Đại học Yale và nhóm cộng sự của ông đã công bố kết quả cuộc điều tra, nêu tên hàng loạt công ty mà họ cáo buộc đã không rời Nga như cam kết, hoặc ít nhất là giảm mạnh sự hiện diện ở Nga. Trong số này có nhiều công ty nổi tiếng như Heineken, Unilever, Philip Morris hay nhà sản xuất bánh Oreo Mondelez…
Bên cạnh đó, một số chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh của Mỹ vẫn đang hoạt động ở Nga, dẫu đã hơn một năm sau khi McDonald’s và Starbucks quyết định rời khỏi đất nước này. Nhóm của Sonnenfeld phát hiện ra rằng Sbarro Pizza vẫn có một địa điểm hoạt động ở Moskva. Chuỗi thức ăn nhanh của Mỹ, Carl’s Jr. vẫn có mặt ở Nga và thậm chí còn giới thiệu đồ ăn của mình trên trang Instagram bằng tiếng Nga. Một số công ty đã bảo vệ việc tiếp tục hiện diện ở Nga bằng cách viện dẫn mong muốn tránh gây ra nhiều vấn đề hơn cho nhân viên và khách hàng tại nước này.
Nghiên cứu của Đại học Yale, được chia sẻ độc quyền với CNN, dựa trên những người tố giác, các chuyên gia thực địa, sinh viên đang sống ở Nga, các tài liệu của công ty và báo cáo của các phương tiện truyền thông đại chúng. Sonnenfeld, người đã làm chứng trước Quốc hội Mỹ về việc các công ty rời khỏi Nga, không cáo buộc các tập đoàn này vi phạm pháp luật. Thay vào đó, ông lập luận rằng bằng cách ở lại Nga, họ đang vi phạm quy tắc đạo đức và đồng thời “tự đốt bỏ thương hiệu của mình”.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/nhieu-cong-ty-lon-phuong-tay-am-tham-rut-cam-ket-roi-khoi-nga-20230711124553472.htm
3. Nền tảng mua trước, trả sau rút khỏi Việt Nam chỉ sau một năm
Atome – công ty mua trước, trả sau (buy now pay later) do Tập đoàn Advance Intelligence có trụ sở tại Singapore điều hành – đã xác nhận rút khỏi thị trường Việt Nam sau khi gia nhập thị trường vỏn vẹn một năm. Đại diện công ty này nói với Tech In Asia rằng đóng góp của thị trường Việt Nam vào hoạt động kinh doanh chung vẫn còn hạn chế. Tháng 4/2022, Atome đã ra mắt tại Việt Nam với chương trình thử nghiệm trải rộng trên 20 đối tác bán lẻ. Trong một cuộc phỏng vấn với Tech in Asia vào tháng 11 cùng năm, công ty cho biết đã tiếp cận hơn 100 doanh nghiệp trong nước và tập trung nhắm đến các khách hàng mục tiêu thuộc thế hệ gen Y và gen Z.
Sau khi rút khỏi thị trường Việt Nam, Atome vẫn hoạt động ở một số thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á gồm Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines. Định giá tập đoàn này hiện ở mức 2 tỷ USD, trở thành một trong những công ty khởi nghiệp về công nghệ độc lập lớn có trụ sở tại Singapore. Các nhà đầu tư chính bao gồm Softbank Vision Fund 2, Warburg Pincus, Northstar, Vision Plus Capital, Gaorong Capital và nhà đầu tư quốc tế EDBI tại Singapore.
Nguồn: https://zingnews.vn/nen-tang-mua-truoc-tra-sau-rut-khoi-viet-nam-chi-sau-mot-nam-post1445946.html
4. Người Việt chi hơn 500 tỷ đồng mỗi tháng mua smartphone trên sàn thương mại điện tử
Thống kê hàng ngày từ hơn 24.000 gian hàng trên các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam, Younet ECI cho biết, tính từ cuối năm 2022, trung bình mỗi tháng người Việt bỏ ra khoảng 515 tỷ đồng để mua smartphone trên các sàn thương mại điện tử.Theo các chuyên gia, đây được cho là một xu hướng tích cực của chuyển đổi số, khi các kênh bán hàng trực tuyến giờ đây đã được người dân tin tưởng nhiều hơn để mua sắm các sản phẩm có giá trị như điện thoại, máy tính bảng, đồ gia dụng điện tử.
Không chỉ điện thoại di động, theo ghi nhận của các sàn thương mại điện tử, người tiêu dùng đang ngày càng có xu hướng tìm kiếm, đặt mua những mặt hàng có giá trị cao qua kênh mua sắm trực tuyến. Ông Nguyễn Bình Minh – Ủy viên Hiệp hội thương mại điện tử, Giảng viên Đại học Thương mại cho biết: “Trước đây chủ yếu thương mại điện tử dùng để mua đơn hàng giá rẻ để an toàn bởi vì nếu không đạt giá trị như họ mong muốn thì họ không tiếc. Cùng với chất lượng dịch vụ như giao hàng hay hoạt động thanh toán ngày càng thuận tiện nên xu hướng mua thiết bị đắt tiền trên thương mại điện tử ngày càng bùng nổ. Đây là xu hướng bền vững của thương mại điện tử Việt Nam và là dấu hiệu rất tốt để thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục phát triển trong thời gian tới”.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/nguoi-viet-chi-hon-500-ty-dong-moi-thang-mua-smartphone-tren-san-thuong-mai-dien-tu-20230711093159682.htm

Nhóm tin về ngành thời trang – làm đẹp

1. Bán lẻ xa xỉ ngày càng chuyển sang doanh thu trực tuyến
Những tưởng sản phẩm đặc thù với giá trị cao sẽ khó có cơ hội bứt phá trên kênh online, nhưng tất cả đã thay đổi trong 3 năm gần đây. Trái với tình trạng phải cắt giảm mặt bằng kinh doanh, giảm tải nhân sự thì các kênh bán hàng trực tuyến lại được doanh nghiệp xa xỉ đầu tư mạnh để đáp ứng nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng tăng cao. Dựa trên phân tích dự báo của McKinsey, lĩnh vực thời trang cao cấp dự kiến sẽ tăng trưởng doanh thu trực tuyến từ 5 đến 10% vào năm 2023. Trong khi đó, mảng mua ô tô trực tuyến cũng được dự đoán sẽ đạt 515,6 tỷ USD vào năm 2027, đạt tốc độ CAGR là 11,60% trong giai đoạn 2022 – 2027 (ResearchAndMarkets.com). Chính vì thế, các nhà bán lẻ hàng xa xỉ đang lên kế hoạch tăng đáng kể chi tiêu cho công nghệ và truyền thông trong ba năm tới, khi doanh số bán hàng trực tuyến ngày càng tăng. Đó là theo nghiên cứu toàn cầu mới của công ty công nghệ truyền thông có trụ sở tại Vương quốc Anh Communications Specialist. Nghiên cứu này dự đoán mức tăng 36% chi tiêu cho công nghệ trong ba năm tới, trong đó cứ năm giám đốc điều hành thì có một người tin rằng chi tiêu sẽ tăng từ 50% trở lên để đầu tư cho nền tảng bán hàng online.
Tại thị trường xa xỉ trọng điểm, chỉ riêng trong quý 1/2023, doanh số bán lẻ trực tuyến của Trung Quốc đã tăng 8,6% lên 3,29 nghìn tỷ nhân dân tệ (477 tỷ USD), theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc. Vào năm 2022, các giao dịch trực tuyến của các thương hiệu cao cấp quốc tế ở Trung Quốc đã tăng 31% so với cùng kỳ năm trước lên 220 tỷ nhân dân tệ, theo Viện tư vấn Yaok của đại lục. Theo SCMP, nhờ sự phát triển chóng mặt của thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến là chiến lược chung cho các thương hiệu cao cấp quốc tế tại Trung Quốc từ năm 2023. Phần lớn, những thương hiệu đã thành lập cửa hàng bán nhỏ lẻ trên các trang mạng xã hội như WeChat, Douyin. Ước tính, khoảng 44% thương hiệu xa xỉ có tiếp thị đa kênh và xu hướng này được cho là sẽ phát triển mạnh mẽ.
Nguồn: https://vneconomy.vn/ban-le-xa-xi-ngay-cang-chuyen-sang-doanh-thu-truc-tuyen.htm
2. Thương hiệu ngoại âm thầm ‘lót ổ’ chờ thị trường tươi sáng
Sau khi mở 18 cửa hàng tại các thành phố lớn ở TPHCM, Hà Nội và Hải Phòng, mới đây lần đầu tiên nhà bán lẻ thời trang Uniqlo mở cửa hàng tại Bình Dương. Trong khi đó, Hublot, thương hiệu đồng hồ nổi tiếng của Thụy Sĩ cũng đã tạo cú hích lớn tại thị trường Việt Nam với việc khai trương cùng lúc 2 cửa hàng tại TTTM Union Square (TPHCM) và Tràng tiền Plaza (Hà Nội). Đáng chú ý, thương hiệu trang sức cao cấp nổi tiếng Tiffany hồi tháng 4 vừa qua cũng đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại TPHCM. Hay nước hoa mang đậm phong vị phiêu lưu từ Diptyque cũng lần đầu tiên có cửa hàng tại Việt Nam vào tháng 4 vừa qua.
Ngoài bốn thương hiệu nói trên, chuyển động thực tế trong thời gian qua cho thấy, TPHCM đã chào đón sự có mặt của một số tên nổi tiếng khác như Christian Louboutin mở cửa hàng tại Rex Hotel hay Rimowa tại TTTM Saigon Center. Các thương hiệu khác như Tory Burch, Jo Malone, Lush… cũng mở cửa hàng đầu tiên tại khu vực trung tâm của TPHCM. Trong khi đó, các dự án ở vị trí bán trung tâm như TTTM Thiso Mall (Khu đô thị mới Thủ Thiêm) hay TTTM Crescent Mall (quận 7) cũng được các nhãn hàng xa xỉ như Tudor & Tag Heuer hay Watches of Switzerland quan tâm và lựa chọn. Có thể thấy trong khi hàng loạt cửa hàng, thương hiệu nội địa đuối sức trong bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn thì trong lúc này hàng loạt thương hiệu ngoại hoặc các nhãn hàng cao cấp, xa xỉ lại liên tục gia nhập thị trường Việt Nam.
Các chuyên gia phát triển thương hiệu nhận định, các thương hiệu lớn vẫn đang mở rộng tại thị trường Việt Nam trước triển vọng tích cực của thị trường bán lẻ, tốc độ tăng trưởng dân số ổn định, thu nhập đang tăng cũng như khả năng phục hồi của nền kinh tế…  Đáng chú ý, các thương hiệu trên thế giới đang thay đổi chiến lược bán hàng hoặc thúc đẩy quảng bá các sản phẩm cao cấp để hướng đến nhóm khách hàng giàu có, những người được cho là không bị ảnh hưởng bởi những “cơn gió ngược” của kinh tế. Thực tế cho thấy những khách hàng trẻ tuổi hơn bị tác động bởi tình trạng tăng giá hàng hóa nhiều hơn so với những khách hàng lớn tuổi có thu nhập cao. Điều này cũng lý giải phần nào các thương hiệu với sản phẩm cao cấp, xa xỉ ngày càng gia tăng vào nền kinh tế gần 100 triệu dân trong nước.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/thuong-hieu-ngoai-am-tham-lot-o-cho-thi-truong-tuoi-sang/
3. Khai mạc chuỗi hội chợ – triển lãm quốc tế chuyên ngành da và giày
Ngày 12/7, chuỗi hội chợ – triển lãm quốc tế da và giày lần thứ 23 – Việt Nam (SHOES & LEETHER – VIETNAM), kết hợp hội chợ – triển lãm quốc tế sản phẩm thành phẩm da và giày – Việt Nam (IFLE – VIETNAM) đã khai mạc tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC), Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh. Chuỗi sự kiện do công ty TOP REPUTE phối hợp với Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam, cùng nhiều đối tác trong và ngoài nước tổ chức thường niên hàng năm. Chuỗi hội chợ – triển lãm quốc tế da và giày, kết hợp hội chợ – triển lãm quốc tế sản phẩm thành phẩm da và giày cũng là sự kiện lớn nhất và toàn diện nhất trong khu vực ASEAN của ngành. Tại sự kiện, doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu nhiều loại máy móc đóng giày tiên tiến, máy móc sản xuất đồ da, máy dệt kim, dây chuyền sản xuất tự động hóa, nguyên liệu giày, da, tổng hợp, hóa chất và phụ kiện…
Năm nay, sự kiện thu hút sự tham dự của hàng trăm doanh nghiệp đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ, gồm: Italy, Đức, Argentina, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) , Trung Quốc; khu vực châu Á, châu Âu… Đây là dịp để cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, người mua hàng… tham quan, kết nối giao thương, tiếp cận khách hàng tiềm năng và cơ hội hợp tác đầu tư. Bên cạnh đó, khách tham quan và người tiêu dùng cũng có thể trải nghiệm không gian mua sắm, tìm nguồn cung cấp từ nguyên vật liệu đầu vào cho đến thành phẩm của đa dạng thương hiệu trên toàn cầu như sản phẩm ngành da, giày, túi xách… Đặc biệt, tại sự kiện người mua hàng cũng dễ dàng tìm kiếm những sản phẩm có năng lực sản xuất, xuất khẩu, cạnh tranh của các doanh nghiệp tiêu biểu trong ngành da và giày Việt Nam.
Nguồn: https://bnews.vn/khai-mac-chuoi-hoi-cho-trien-lam-quoc-te-chuyen-nganh-da-va-giay/299005.html

Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ

1. Foxconn xin ưu đãi ở Ấn Độ sau khi rút khỏi siêu dự án sản xuất chip 19,5 tỉ USD
Ngày 10.7, Foxconn đã rút khỏi liên doanh với tập đoàn kim loại hóa dầu Vedanta (Ấn Độ), một bước lùi với kế hoạch sản xuất chip của Thủ tướng Narendra Modi cho Ấn Độ. Tiếp đó, ngày 11.7, Foxconn cho biết đang làm việc để nộp đơn xin được hưởng ưu đãi theo chương trình sửa đổi Semiconductors and Display Fab Ecosystem của Ấn Độ. Đây là kế hoạch trị giá 10 tỉ USD cung cấp các ưu đãi lên tới 50% chi phí vốn cho các dự án sản xuất chất bán dẫn và màn hình. Dù Foxconn sẽ bắt đầu lại từ đầu, việc công ty Đài Loan (TQ) rút khỏi liên doanh với Vedanta là thất bại cho thủ tướng Ấn Độ, ông Narendra Modi. Ông đã xem việc sản xuất chip là ưu tiên hàng đầu để theo đuổi “kỷ nguyên mới” trong ngành sản xuất điện tử và từng ca ngợi liên doanh giữa Foxconn với Vedanta là “bước đột phá” vào năm ngoái. Ấn Độ kỳ vọng thị trường chất bán dẫn của họ sẽ có trị giá 63 tỉ USD vào năm 2026, nhưng kế hoạch của ông Narendra Modi cho đến nay vẫn thất bại.
Giải thích về việc rút khỏi liên doanh với Vedanta, Foxconn cho biết “cả hai bên đều thừa nhận rằng dự án không tiến triển đủ nhanh và có những khoảng trống đầy thách thức khác mà chúng tôi không thể vượt qua một cách suôn sẻ”, nhưng công ty này không cung cấp thêm thông tin chi tiết. Hai nguồn tin Reuters cho biết chính quyền Ấn Độ và Foxconn đều lo ngại về tài chính của Vedanta, điều này cũng góp phần khiến công ty Đài Loan quyết định kết thúc liên doanh.
Nguồn: https://1thegioi.vn/foxconn-xin-uu-dai-o-an-do-sau-khi-rut-khoi-sieu-du-an-san-xuat-chip-19-5-ti-usd-202112.html
2. Công nghệ giáo dục (EdTech) tại Việt Nam: Giàu tiềm năng cho đầu tư nước ngoài
Hiện tại, có rất nhiều sản phẩm EdTech thông dụng như các nền tảng học tập trực tuyến, ứng dụng học tập, trang web học tập trực tuyến và nhiều kênh YouTube. Những sản phẩm này đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các giải pháp học tập linh hoạt và dựa trên công nghệ. Theo báo cáo Triển vọng thị trường học tập điện tử Việt Nam đến năm 2023 của Ken Research đã ước tính doanh thu của ngành dịch vụ công nghệ sẽ tăng đáng kể. Cụ thể, ngành dịch vụ công nghệ ước đạt tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm (CAGR) là 23,4% từ năm 2019 đến năm 2023. Xu hướng trên, cùng với một số khoản đầu tư lớn vào EdTech tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2023, mang đến những cơ hội lớn cho các công ty nước ngoài làm việc trong lĩnh vực này.
Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy quá trình phát triển hạ tầng giáo dục số và Việt Nam đã nhanh chóng thích ứng. Khoảng 73,2% dân số Việt Nam có truy cập internet và đang sử dụng web để tiếp cận nhiều tài nguyên số. Câu chuyện thành công của các công ty EdTech, chẳng hạn như TEKY, Mclass và MindX, nêu bật sức mạnh của nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong việc thúc đẩy nền giáo dục Việt Nam. Các công ty này đã tận dụng vốn và chuyên môn nước ngoài để mở rộng phạm vi tiếp cận, tăng cường dịch vụ và cung cấp các giải pháp giáo dục chất lượng cao cho sinh viên trên toàn quốc. Lĩnh vực công nghệ giáo dục của Việt Nam là một thị trường đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Với cách tiếp cận và quan hệ đối tác phù hợp, các nhà đầu tư nước ngoài có thể góp phần chuyển đổi hệ sinh thái giáo dục của Việt Nam đồng thời gặt hái những lợi ích từ một thị trường đang mở rộng nhanh chóng.
Nguồn: https://toquoc.vn/cong-nghe-giao-duc-edtech-tai-viet-nam-giau-tiem-nang-cho-dau-tu-nuoc-ngoai-20230711090002241.htm

Nhóm tin về ngành công nghiệp nặng – năng lượng

1. Nhập khẩu than từ Nga tăng mạnh trong tháng 6
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, nhập khẩu than về Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng mạnh trong tháng 6. Cụ thể, trong tháng 6, nhập khẩu than các loại của cả nước đạt hơn 7,2 triệu tấn với kim ngạch hơn 993 triệu USD, tăng 43,6% về lượng và tăng 46,2% về trị giá so với tháng trước đó. Tính chung trong 6 tháng đầu năm, nhập khẩu than của cả nước đạt hơn 24,1 triệu tấn với kim ngạch hơn 3,6 tỷ USD, tăng mạnh 46% về lượng tuy nhiên lại giảm 13,8% về trị giá so với nửa đầu năm 2022.
Đáng chú ý, kể từ đầu năm đến nay, nhập khẩu than từ thị trường Nga liên tục tăng mạnh. Trong tháng 6, nhập khẩu than các loại từ Nga đạt hơn 457.000 tấn với trị giá hơn 79,1 triệu USD, sản lượng tăng mạnh 1.284% so với tháng 6/2022 và tăng 44,6% so với tháng trước đó, đánh dấu tháng thứ 6 nhập khẩu tăng trưởng liên tiếp.  Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu than các loại từ Moscow đạt hơn 1,7 triệu tấn với kim ngạch hơn 377 triệu USD, tăng 22% về lượng và tuy nhiên lại giảm hơn 6% về giá trị.
Nguồn: https://markettimes.vn/mat-hang-nay-cua-nga-dang-o-at-tran-vao-viet-nam-nhap-khau-tang-hon-1-200-trong-thang-6-san-luong-cua-nga-gap-14-lan-so-voi-nuoc-ta-33874.html
2. Giá xăng nhích nhẹ lên sát 21.500 đồng/lít, giá dầu tăng gần 500đ/lít
Liên Bộ Tài chính – Công Thương vừa phát đi thông tin về việc điều hành giá xăng dầu từ 15h ngày 11/7. Theo đó, cơ quan điều hành quyết định giảm 60 đồng trên mỗi lít xăng E5 RON 92, trong khi đó xăng RON 95 tăng 70 đồng/lít. Sau điều chỉnh, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 20.410 đồng/lít và xăng RON 95 là 21.490 đồng/lít. Giá các mặt hàng dầu đồng loạt tăng. Cụ thể, dầu diesel là 18.610 đồng một lít, tăng 450 đồng. Dầu hỏa có mức giá mới là 18.320 đồng, tăng 400 đồng, dầu mazut tăng 660 đồng, có giá mới là 15.280 đồng/kg.
Trong kỳ điều chỉnh lần này, cơ quan điều hành đã quyết định không trích lập, cũng không chi sử dụng Quỹ Bình ổn với tất cả mặt hàng xăng dầu. Tính từ đầu năm đến nay, mặt hàng này đã có 10 lần tăng, 7 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.
Nguồn: https://markettimes.vn/gia-xang-nhich-nhe-len-sat-21-500-dong-lit-gia-dau-tang-gan-500d-lit-33823.html

Nhóm tin về liên kết, đầu tư, start-up, DN mới

1. Google thúc đẩy sự phát triển của các công ty khởi nghiệp công nghệ Việt Nam
Sáng 11/7, tại Hà Nội, Google hợp tác cùng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam ra mắt chương trình “Google for Startups Accelerator, Southeast Asia: Việt Nam bứt phá đổi mới” nhằm thúc đẩy sự phát triển của các công ty khởi nghiệp công nghệ Việt Nam. Chương trình hướng tới mục tiêu tăng cường hỗ trợ công cuộc chuyển đổi số quốc gia thông qua việc cung cấp các chương trình đào tạo và mạng lưới cố vấn chuyên sâu dành cho các startups (doanh nghiệp khởi nghiệp) Việt hướng đến mục tiêu tăng tốc phát triển doanh nghiệp.
Chương trình năm nay được xây dựng trên sự thành công của chương trình ‘Google for Startup: Startup Academy Vietnam’ ra mắt và triển khai lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2022 cho 50 startups đến từ 16 lĩnh vực chủ đạo khác nhau trên cả nước. Năm nay, chương trình sẽ đào tạo sáu ngành nghề chính thay vì 16 như năm ngoái, nhằm đảm bảo sự tập trung chuyên sâu; đồng thời, phù hợp với các lĩnh vực phát triển cốt lõi của quốc gia: giáo dục, sức khỏe, nông nghiệp, bán lẻ, công nghệ tài chính và đô thị thông minh. “Google for Startups Accelerator, Southeast Asia” là chương trình kéo dài ba tháng, mở đầu bằng một trại đào tạo trực tiếp trong năm ngày, sau đó là năm hội thảo trực tuyến trong thời gian tới ngày Tốt nghiệp và Ngày hội đầu tư Demo Day. Các startups tham dự khóa đào tạo sẽ trải qua những phiên cố vấn với các chuyên gia từ Google và trong ngành chuyên môn xuyên suốt ba tháng. Ngoài ra, để đảm bảo nhiều startups có thể hưởng lợi từ nội dung chương trình, Google và NIC sẽ đồng thiết kế những hội thảo tập huấn trực tuyến cho 200 startups trên toàn quốc.
Nguồn: https://bnews.vn/thuc-day-su-phat-trien-cua-cac-cong-ty-khoi-nghiep-cong-nghe-viet-nam/298881.html
2. Thomson Medical công bố thương vụ mua lại chủ sở hữu Bệnh viện FV
Theo Straits Times, tập đoàn y tế Thomson (TMG) tại Singapore đã thực hiện thương vụ mua lại lớn nhất trong ngành chăm sóc sức khỏe ở Đông Nam Á kể từ năm 2020. Cụ thể, TMG đã mua lại đơn vị chăm sóc sức khỏe tư nhân lớn nhất Việt Nam, Bệnh viện FV, với giá khoảng 381,4 triệu USD. Theo các điều khoản của thỏa thuận, TMG sẽ mua lại 100% Công ty TNHH Y tế Viễn Đông Việt Nam, đơn vị điều hành một loạt các cơ sở chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam, bao gồm Bệnh viện FV và mạng lưới nhiều phòng khám chính và chuyên khoa.
Động thái này đánh dấu sự gia nhập chiến lược của TMG vào Việt Nam – một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất của khu vực và mang lại cho nó sự hiện diện lớn ở một quốc gia có dân số 98 triệu người, Straits Times nhận định. Phó chủ tịch điều hành của TMG, Kiat Lim, đã ký thỏa thuận này sau một cuộc đấu thầu cạnh tranh với 20 đối thủ toàn cầu khác. Theo ông Lim, thương vụ mua lại này mở đường cho các khoản đầu tư khác trong chuỗi giá trị chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam. Du lịch y tế từ các nước láng giềng Lào và Campuchia đến Việt Nam dự kiến sẽ mang lại doanh thu khoảng 2 tỷ USD vào năm 2023. Ông Lim cho biết Bệnh viện FV tọa lạc tại Thành phố Hồ Chí Minh, thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long đông dân cư, nơi chi tiêu cho chăm sóc y tế dự kiến sẽ tăng ở mức hai con số trong những năm tới.
Bệnh viện FV được Bác sĩ Jean-Marcel Guillon cùng với một nhóm các bác sĩ người Pháp thành lập vào năm 2003. Nằm tại Quận 7 của Thành phố Hồ Chí Minh, nơi này đã phát triển thành một nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao một cửa và cung cấp đầy đủ dịch vụ cho cả bệnh nhân trong nước, cũng như từ Campuchia, Lào và Myanmar. Bác sĩ Guillon và đội ngũ quản lý của ông sẽ ở lại với TMG để tiếp tục điều hành bệnh viện.
Nguồn: https://toquoc.vn/thuong-vu-mua-lai-benh-vien-tu-nhan-lon-nhat-viet-nam-cho-thay-tiem-nang-cua-du-lich-y-te-quoc-gia-20230712094242302.htm

Nhóm tin về nông nghiệp – thủy sản – chăn nuôi

1. Giá lợn hơi tăng mạnh
Chỉ trong vòng một tuần trở lại đây, giá lợn hơi liên tục tăng mạnh. Đến nay, giá lợn hơi đã lập mốc mới cao nhất 67.000 đồng/kg. Nhiều nơi giá lợn hơi tăng 3.000 – 5.000 đồng so với tháng trước, lên mốc mới 64.000 – 67.000 đồng một kg. Khảo sát tại miền Bắc cho thấy, giá lợn hơi ngày 7/7 được thu mua ở mức 65.000 – 67.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng so với tuần trước. Tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, giá lợn hơi cũng đồng loạt vượt ngưỡng 60.000 đồng/kg và giao dịch từ 60.000 – 63.000 đồng/kg. Với miền Nam, giá lợn hơi tăng 1.000 – 2.000 đồng/kg so với tuần trước. Giá lợn tại chợ của Công ty C.P Việt Nam – doanh nghiệp có thị phần lợn lớn nhất cả nước đang ở mức 64.000 đồng/kg cho hàng loại 1, loại 2 là 60.500 đồng/kg, tăng lên 1.000 – 2.000 đồng/kg so tuần trước.
Theo Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, nguyên nhân khiến giá lợn tăng mạnh trở lại do những tháng đầu năm giá lợn xuống thấp, người nuôi lỗ nặng nên giảm đàn hoặc phải thu hẹp quy mô chăn nuôi nên nguồn cung có xu hướng giảm. Ngoài ra, sức mua thịt lợn trên thị trường đang dần cải thiện cũng là nguyên nhân giúp giá lợn bật tăng nhanh. Nhu cầu mua thịt lợn chế biến cho các loại sản phẩm thực phẩm dần được cải thiện. Cục Chăn nuôi cho rằng, giá lợn hơi có xu hướng tăng do nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trong mùa du lịch bắt đầu. Theo chu kỳ, giá lợn hơi thường tăng cao trong quý 3, 4 nên dự báo giá lợn hơi vẫn duy trì ở mức trong thời gian tới.
Nguồn:  https://tienphong.vn/gia-lon-hoi-tang-manh-sap-can-moc-70000-dongkg-post1549392.tpo
2. Cà Mau tìm hướng đi đột phá cho sản phẩm Cua hướng đến xuất khẩu chính ngạch
Những tháng đầu năm 2023, lượng xuất khẩu thủy sản của tỉnh Cà Mau ghi nhận sự sụt giảm, trong đó có việc xuất khẩu mặt hàng Cua. Hiện nay, Cà Mau đang tìm hướng đi đột phá cho sản phẩm Cua, hướng đến xuất khẩu chính ngạch mặt hàng này. Lý giải điều này, tỉnh Cà Mau cho rằng, sản phẩm cua Cà Mau chủ yếu xuất tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc. Do xuất tiểu ngạch nên gặp nhiều rủi ro, khó tổ chức sản xuất theo hướng bền vững. Trong cuộc làm việc mới đây với tỉnh Cà Mau, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, phối hợp với Bộ Công Thương đàm phán với phía Trung Quốc về mở cửa thị trường chính ngạch cho cua Cà Mau.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, khi mở cửa thị trường thì tỉnh cần tổ chức lại ngành hàng cua, phải đáp ứng tất cả các chuẩn mực của thị trường đó. Thời gian qua, có tình trạng khi mở cửa thị trường lúc đầu giá cao, sau đó xuống thấp. Vì vậy, mở cửa thị trường đã khó, giữ thị trường tối ưu giá còn khó hơn. Trước thực trạng đó, mới đây, UBND tỉnh Cà Mau và Tập đoàn Viettel, Viettel Post thống nhất cùng xây dựng Đề án tổ chức lại sản xuất và xuất khẩu chính ngạch sản phẩm Cua Cà Mau với 3 đột phá: đột phá phát triển nghề cua, trong đó tập trung nghiên cứu áp dụng khoa học, công nghệ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; đột phá trong Logistic, tập trung xây dựng hệ thống giảm sát quản lý tối ưu thời gian vận chuyển, đảm bảo chất lượng và độ tươi ngon của Cua trong quá trình vận chuyển; đột phá trong thương mại, trong đó tập trung cho phát triển thương mại đa kênh, gồm cả thương mại điện tử, tiếp cận nhiều thị trường tiềm năng ở Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và các nước lân cận.
Nguồn: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/ca-mau-tim-huong-di-dot-pha-cho-san-pham-cua-huong-den-xuat-khau-chinh-ngach-107347.htm
3. Ngành gỗ tìm hướng đi riêng biệt
Ngành chế biến, xuất khẩu gỗ gặp nhiều khó khăn từ cuối năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu liên tục tuột dốc bởi lượng hàng tồn kho của nước ngoài, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu đối với những mặt hàng không thiết yếu. Mặc dù, xuất khẩu gỗ giảm mạnh trong nửa đầu năm 2023, trong các sản phẩm, vẫn có những nhóm hàng tăng trưởng. Điển hình như: mặt hàng ván sợi có kim ngạch xuất khẩu sang Ấn Độ đạt hơn 31,7 triệu USD, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Với sản phẩm dăm gỗ, nửa đầu năm 2023 đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc và Nhật Bản vẫn là 2 thị trường chính tiêu thụ dăm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam; trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm trên 70%, bà Cao Thị Cẩm, đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết.
Hiệp hội Gỗ và Lâm Sản Việt Nam cũng cho hay, dự kiến trong thời gian tới, nhu cầu viên nén tại thị trường Hàn Quốc sẽ tăng trở lại với lương tiêu thụ 100.000 tấn/tháng. Còn tại Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt đã kí được các hợp đồng dài hạn 2-3 năm cung cấp viên nén. Có thể thấy, hai thị trường nhập khẩu lớn viên nén của Việt Nam là Hàn Quốc và Nhật Bản, (chiếm 98% tổng lượng) đang có tín hiệu tốt. Còn thị trường châu Âu dần ổn định sau cơn sốt các nguồn cung ứng năng lượng, bao gồm cả nhiên liệu sinh khối. Tuy nhiên, với những cam kết giảm mạnh phát thải và tăng cường sử dụng năng lượng sinh học, xuất khẩu viên nén sẽ phục hồi cả về giá và khối lượng từ những tháng cuối năm 2023. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành gỗ Việt Nam.
Cùng lúc đó, nhiều doanh nghiệp cũng tìm hướng đi riêng biệt để tìm kiếm khách hàng mới cho giai đoạn tiếp theo của ngành gỗ ứng phó khó khăn hiện nay. Ông Patrick Mui, Giám đốc tư vấn điều hành Centdegrés Việt Nam đánh giá, đồ gỗ vào thị trường châu Âu có mảng đồ trang trí được xem là thị trường ngách dự kiến tăng trưởng 4,27%/năm cho giai đoạn 2023-2026, đến năm 2026 có thể đạt 7,05 tỷ USD. Với những mặt hàng trang trí nội thất càng có nét bản địa, bản sắc riêng thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam càng có nhiều thị trường ngách hơn, sẽ hướng tới đối tượng khách hàng nhất định tại thị trường châu Âu. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn tái cấu trúc lại nhà máy, cắt giảm các khoản chi phí không cần thiết và nâng cao năng suất. Từ đó, các nhà xưởng có thể cho ra sản phẩm có mức giá cạnh tranh hơn để tăng khả năng thu hút, nhận thêm đơn hàng từ khách hàng cũ.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/nganh-go-tim-huong-di-rieng-biet-20230712110551093.htm

Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu

1. Quả vải tươi Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Thái Lan
Ngày 7/7, lô vải thiều Bắc Giang tươi đầu tiên do Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu VIFOCO xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Thái Lan đã được tập đoàn The Mall giới thiệu với người tiêu dùng Thái Lan tại 7 trung tâm thương mại của tập đoàn này. Được biết, mặc dù đã xuất hiện trên thị trường Thái Lan từ một vài năm trước, nhưng đây là lần đầu tiên, vải thiều Bắc Giang được một doanh nghiệp Việt Nam chính thức xuất khẩu và đưa vào một hệ thống siêu thị lớn của Thái Lan. Theo đó, lô vải thiều Bắc Giang xuất khẩu lần này sẽ được đưa ra bán tại các siêu thị Gourmet Market nằm trong 7 trung tâm thương mại lớn của Tập đoàn The Mall – đây là các siêu thị chuyên bán các loại thực phẩm, đồ ăn và đồ gia dụng hàng đầu ở Thái Lan.
Đánh giá cao chất lượng của quả vải Việt Nam, ông Somkiat Wongsakulchai- Giám đốc Điều hành của công ty Ekthai, là đơn vị phân phối tại Thái Lan – cho biết, “Vải Việt Nam có vị ngon hơn vải của Thái Lan và Trung Quốc. Quả vải có mầu đẹp, hạt nhỏ, cùi mọng nước và rất thơm, ngọt. Đây là lần đầu tiên chúng tôi bán quả vải Việt Nam tại 7 cửa hàng tại Bangkok của Mall Group và sẽ mở rộng ra tất cả các chi nhánh trong năm tới. Tôi nghĩ rằng, người tiêu dùng Thái sẽ rất quan tâm nhiều tới mặt hàng vải của Việt Nam”.
Nguồn: https://congthuong.vn/qua-vai-tuoi-viet-nam-xuat-khau-chinh-ngach-sang-thi-truong-thai-lan-261385.html
2. Giá gạo Việt tăng kỷ lục trong 2 năm
Xuất khẩu gạo đang gặp thuận lợi nhất trong vòng 10 năm trở lại đây khi chỉ trong vòng nửa năm đã đạt được kim ngạch 2,3 tỷ USD, tăng gần 35% so với cùng kỳ năm trước. Giá lúa gạo tại ĐBSCL đang tăng liên tục và hiện đang ở mức 500 – 510 USD/tấn. Giá gạo Việt Nam đã đạt kỷ lục mới trong 2 năm gần đây. Hiện giá gạo của Việt Nam cao xấp xỉ Ấn Độ, cao hơn Thái Lan. Trước ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nhiều quốc gia đang bị sụt giảm sản lượng lúa gạo, cộng với ảnh hưởng xung đột trên thế giới đã khiến việc cung ứng lúa gạo tại nhiều quốc gia bị đứt gãy.
Trong 6 tháng đầu năm, việc tập trung thay đổi chuyển từ số lượng sang nâng cao chất lượng, tăng tỷ lệ gạo hữu cơ, gạo bổ sung vi chất… đã giúp có loại gạo Việt chạm mức 1.200 USD/tấn. Giá trung bình của hạt gạo đã tăng lên 540 USD/tấn, cao hơn gạo Thái Lan và Ấn độ từ 10 – 50 USD/tấn. Mục tiêu xuất khẩu 7 triệu tấn gạo với kim ngạch kỷ lục là 5 tỷ USD được dự báo là khả thi khi nhiều nước trên thế giới có xu hướng tăng lượng dự trữ trong bối cảnh El Nino tác động toàn cầu.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/gia-gao-viet-tang-ky-luc-trong-2-nam-20230707114636282.htm
3. Xuất khẩu trái cây và bài toán thiếu cây giống chất lượng
Mỗi năm, Trung Quốc chi khoảng 4 tỷ USD để nhập khẩu sầu riêng. Chính vì vậy, chiếm lĩnh được thị trường này là mục tiêu của cả ngành hàng rau quả trong thời gian tới. Tuy nhiên đây là câu chuyện dài hơi, cần sự đồng bộ của nhiều khâu; trong đó, quan trọng hơn cả là đảm bảo chất lượng từ cây giống ban đầu. “Chúng ta đang thua về chất lượng giống, hiện nay Trung Quốc quen ăn sầu riêng Monthong của Thái Lan hay Musang King của Malaysia, do vậy sầu riêng của ta dù rẻ nhưng tiêu thụ ít và giá cũng thấp hơn”, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho hay. Thương hiệu là một chuyện, còn chuyện quan trọng khác là chúng ta chưa thực sự làm tốt công tác giống, chưa có những giống cây ăn trái chất lượng. Đó cũng là lý do khiến không chỉ sầu riêng mà nhiều loại trái cây như xoài, nhãn yếu thế trước sự cạnh tranh của các nước xuất khẩu khác.
Báo cáo mới đây của Cục Trồng trọt cho thấy, số lượng cây đầu dòng (cây có năng suất, chất lượng cao và ổn định) của các tỉnh phía Nam chỉ vỏn vẹn 666 cây; trong khi nhu cầu thực tế mỗi năm của cả nước lên đến 250 triệu cây giống. Điều này cũng có nghĩa nông dân đang sử dụng cây giống không rõ nguồn gốc hoặc kém chất lượng để sản xuất cây ăn trái. Kết quả kiểm tra 5 đơn vụ sản xuất giống và 201 đơn vị kinh doanh giống cây ăn trái của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phía Nam trong năm 2022 cho thấy, chỉ có 18 đơn vị kinh doanh giống đảm bảo yêu cầu theo quy định. Như vậy, có tới 91% số cơ sở không đạt yêu cầu. Đây thực sự là mối e ngại về khâu đầu vào của ngành hàng xuất khẩu trái cây tỷ đô và còn rất nhiều dư địa này.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/xuat-khau-rau-qua-co-the-dat-tren-5-ty-usd-20230709143248572.htm
4. Trung Quốc xây kho lạnh và cơ sở chế biến để nhập khẩu sầu riêng Việt Nam
Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn cũng đã làm thủ tục thông quan cho hơn 1.600 lô hàng sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, tương đương gần 60.000 tấn. Trong đó, riêng tháng 5/2023 đã đạt trên 17.500 tấn. Điều này cũng được ghi nhận tại các cửa khẩu đường bộ của Trung Quốc, đặc biệt là Hữu Nghị Quan và Đông Hưng ở Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Theo đánh giá của ông Nông Úy Bằng, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác xuyên biên giới thuộc Ban Quản lý Khu vực Sùng Tả của Khu Thương mại Tự do Thí điểm Quảng Tây Trung Quốc, nơi có cửa khẩu Hữu Nghị Quan, tình hình nhập khẩu sầu riêng Việt Nam năm nay tương đối khả quan.
Trước nhu cầu nhập khẩu sầu riêng tươi hiện vẫn khá lớn, theo tiết lộ của ông Lưu Nghiệp Khoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển thành phố Sùng Tả, Trung Quốc đang tập trung xây dựng một khu kho lạnh kết hợp chế biến tại đây, nơi chỉ cách biên giới với Việt Nam gần 100km. Theo quan chức này, đầu tư trong giai đoạn I cho cơ sở này sẽ vào khoảng 1,8 tỷ nhân dân tệ (254 triệu USD) và thời điểm đưa vào sử dụng dự kiến là khoảng năm 2025. Hiện chính quyền Sùng Tả và Quảng Tây đang cùng phía Việt Nam bàn bạc cùng nhau phát triển cơ sở này. Với kỳ vọng tiêu thụ sầu riêng sẽ tiếp tục tăng, các quan chức địa phương và thương nhân Trung Quốc cho biết, các cải tiến trong phương thức vận tải và thông quan hàng hóa sẽ cho phép sầu riêng Việt Nam đến tất cả các vùng ở nước này trong vòng từ một đến ba ngày.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/trung-quoc-xay-kho-lanh-va-co-so-che-bien-de-nhap-khau-sau-rieng-viet-nam-post1031612.vov
5. Xuất khẩu cá tra sang Đức tăng trưởng
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tính đến nửa đầu tháng 6/2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Đức tiếp tục ghi nhận tăng trưởng dương trong khi hầu hết các thị trường chính đều sụt giảm từ 3% – 61%. Đức là một trong số ít các thị trường giữ được đà tăng trưởng dương 2 con số về nhập khẩu cá tra Việt Nam trong những tháng đầu năm 2023.
Từ đầu năm đến ngày 15/6/2023 giá trị xuất khẩu cá tra sang Đức đạt hơn 17 triệu USD, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 2,1% tổng giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam đi các thị trường. Năm 2022, Đức nằm trong Top 2 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá tra Việt Nam trong khối EU sau Hà Lan, chiếm 14% tỷ trọng trong khối thị trường EU với gần 30 triệu USD, tăng 169% so với năm 2021.
Nguồn: https://congthuong.vn/xuat-khau-ca-tra-sang-duc-tang-truong-2-con-so-261890.html
BSAi