Chào mừng các bạn đến với bản tin tiêu chuẩn hàng tháng của chúng tôi! Trong số này, chúng tôi tổng hợp, cập nhật những quy định, những thay đổi và bổ sung mới nhất về các tiêu chuẩn quan trọng cả trong nước và quốc tế. Đây là những thông tin không thể bỏ qua để đảm bảo rằng các doanh nghiệp và cá nhân luôn tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng cao nhất, nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu của thị trường. Hãy cùng chúng tôi khám phá những điểm nổi bật và các quy định mới nhất để luôn dẫn đầu trong lĩnh vực của bạn.
Áp dụng TCVN ISO 18091 – tạo lòng tin cho người dân vào chính quyền và thể chế
(VietQ.vn) – Chiều ngày 24/5, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã có buổi làm việc trực tuyến với các Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng của 63 tỉnh thành.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Hà Minh Hiệp – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, khi áp dụng TCVN ISO 18091 tại các chính quyền địa phương, hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001 đã có sẽ được bổ sung, hoàn thiện hơn một cách tổng thể và toàn diện, bao trùm trên hầu hết các mặt quản lý của chính quyền địa phương.
Cụ thể thông qua việc kiểm soát 04 nhóm trụ cột quản lý chính sách công là thể chế, kinh tế, xã hội và môi trường được cụ thể hoá với 39 chỉ số đánh giá. Áp dụng TCVN ISO 18091:2020 là một bước nâng cao hơn hiệu lực và hiệu quả của HTQLCL theo TCVN ISO 9001 tại các địa phương, đưa việc kiểm soát và vận hành HTQLCL về đúng với chủ thể là các Chính quyền địa phương thông qua các hướng dẫn chi tiết và bộ chỉ số đánh giá QLCL tổng thể.
Đồng thời trong quá trình áp dụng TCVN ISO 18091:2020 giúp cho các địa phương định hình được hoạt động quản lý chất lượng dịch vụ công theo chức năng quản lý của mình một cách rõ nét và có hệ thống, và dần hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững.
Chia sẻ về TCVN ISO 18091, ông Nghiêm Thanh Hải – Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn và hợp quy cho biết, việc xây dựng áp dụng TCVN ISO 18091 giúp người dân được cung cấp dịch vụ công có chất lượng cao, bên cạnh đó, tạo lòng tin cho người dân vào chính quyền và thể chế của chính quyền, nâng cao hiệu lực hiệu quả của việc xây dựng áp dụng TCVN ISO 9001 tại địa phương, ngoài ra là nền tảng để xây dựng phát triển đô thị, thành phố thông minh theo TCVN ISO 37120 và TCVN ISO 37122.
Cũng theo ông Hải, trong thời gian qua, thí điểm áp dụng TCVN ISO 18091 đạt hiệu quả tại Tỉnh Thừa Thiên Huế và Thành phố Hải Phòng.
Tại Hải Phòng, triển khai thí điểm áp dụng TCVN ISO 18091 tại 12 đơn vị của Tp. Hải Phòng năm 2023 gồm 4 nội dung: thứ nhất, khảo sát thu thập thông tin sơ bộ tại 12 đơn vị (03 quận, 03 huyện, 03 phường, 03 xã). Thứ hai, đào tạo nhận thức cơ bản, chuyên sâu. Thứ ba, hướng dẫn triển khai xây dựng và áp dụng theo TCVN ISO 18091 tại 12 đơn vị; triển khai thực hiện chương trình hành động. Thứ tư, báo cáo kết quả triển khai thực hiện chương trình hành động xây dựng và áp dụng Tiêu chuẩn TCVN ISO 18091:2020.
Tại Tỉnh Thừa Thiên Huế, triển khai thí điểm áp dụng TCVN ISO 18091 tại 02 đơn vị của tỉnh trong năm 2023 bao gồm 3 nội dung: Lựa chọn 02 huyện; Xây dựng Kế hoạch; Triển khai thực hiện và đánh giá tổng kết.
Hai tỉnh, thành phố sau khi được thí điểm triển khai áp dụng đã xác định được bối cảnh, duy trì cải tiến gắn với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.
Chia sẻ về kinh nghiệm áp dụng TCVN ISO 18091 tại Thành phố Hải Phòng, ông Nguyễn Tiến Dũng – Phó Chi cục trưởng Chi cục TCĐLCL thành phố Hải Phòng cho biết, 12 UBND quận, huyện, phường, xã đã thực hiện công bố Bộ chỉ số đánh giá quản lý chất lượng tổng thể theo tiêu chuẩn TCVN ISO 18091:2020 năm 2023 và thực hiện đánh giá chấm điểm theo Bộ chỉ số nhằm xác định mức độ quản lý chất lượng tổng thể của Chính quyền địa phương đáp ứng theo 39 chỉ số trong tiêu chuẩn TCVN ISO 18091:2020.
Dựa trên kết quả đánh giá chấm điểm, 12 cơ quan đã phân tích, xác định các chủ điểm cần cải thiện theo từng giai đoạn để xây dựng Chương trình hành động việc áp dụng tiêu chuẩn TCVN ISO 18091:2020 và xác định các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các chủ điểm cần cải thiện.
Trong khuôn khổ buổi làm việc, ông Phạm Lê Cường – Phó Chánh Văn phòng Tổng chia sẻ một số ưu điểm về việc cải tiến và tích hợp Hệ thống Quản lý Chất lượng, An toàn Thông tin và Phòng chống hối lộ theo TCVN/ISO 9001:2015, TCVN/ISO 27001: 2022 và TCVN/ISO 37001:2018.
Theo đó, thứ nhất, tích hợp được 2 hoặc 3 hệ thống cùng tồn tại gây trùng lắp hoặc thiếu những nội dung cần thiết: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy định, quy chế; Hệ thống bản giấy theo Quy trình ISO 9001; Hệ thống các quy trình xử lý điện tử;
Thứ hai, tổng hợp được hết các văn bản quy phạm pháp luật và các quy chế nội bộ của Bộ, Tổng cục quy định về hoạt động quản lý (đã giúp cán bộ trong Tổng cục, cán bộ mới nắm bắt, tiếp cận và truy tìm tài liệu đọc khi muốn quan tâm về nội dung nào đấy);
Thứ ba, loại bỏ bớt các Quy trình không cần thiết (Quy trình đã được quy định tại Quy trình giải quyết điện tử; Quy trình xử lý những việc đã được quy định cụ thể tại Quy chế hoặc tại các VBQPPL …);
Thứ tư, bổ sung được Quy trình tiếp nhận và trả kết quả TTHC tại Bộ phận Một cửa được tích hợp rõ ràng hơn;
Thứ năm, tích hợp được ISO 27001 về an toàn thông tin và ISO 37001 về phòng chống hối lộ (Sổ tay thực hành tốt an toàn thông tin theo và Sổ tay thực hành tốt phòng chống hối lộ).
Tại buổi làm việc các địa phương đã trao đổi thảo luận liên quan đến việc áp dụng, triển khai áp dụng HTQLCL ISO 18091 trong thời gian tới.
Hà My
Quy định mới về kiểm tra chất lượng phương tiện đường sắt
Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGTVT quy định về việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt. Theo Thông tư, các loại hình kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường gồm: Kiểm tra sản xuất, lắp ráp; kiểm tra nhập khẩu; kiểm tra hoán cải; kiểm tra định kỳ.
Cụ thể, kiểm tra sản xuất, lắp ráp được thực hiện đối với thiết bị, phương tiện sản xuất, lắp ráp mới; kiểm tra nhập khẩu được thực hiện đối với thiết bị, phương tiện nhập khẩu mới, phương tiện nhập khẩu đã qua sử dụng; kiểm tra hoán cải được thực hiện đối với phương tiện chạy trên đường sắt quốc gia, phương tiện chạy trên đường sắt chuyên dùng.
Kiểm tra định kỳ được thực hiện đối với phương tiện chạy trên đường sắt quốc gia, phương tiện chạy trên đường sắt chuyên dùng, phương tiện chạy trên đường sắt đô thị, thiết bị tín hiệu đuôi tàu. Chu kỳ kiểm tra định kỳ được quy định rõ theo loại phương tiện, thời gian khai thác. Đơn cử, với phương tiện nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp mới trên đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, chu kỳ kiểm tra đầu của đầu máy, phương tiện chuyên dùng tự hành là 18 tháng, của toa xe khách là 28 tháng, của toa xe hàng, phương tiện chuyên dùng không tự hành là 36 tháng.
Với phương tiện đã khai thác trên đường sắt quốc gia dưới hoặc bằng 30 năm tính từ năm sản xuất, chu kỳ kiểm tra định kỳ của đầu máy, phương tiện chuyên dùng tự hành là 18 tháng, của toa xe khách là 14 tháng, của toa xe hàng, phương tiện chuyên dùng không tự hành là 20 tháng.
Phương tiện khai thác trên 30 năm tính từ năm sản xuất và còn niên hạn sử dụng, thì chu kỳ kiểm tra định kỳ của đầu máy, phương tiện chuyên dùng tự hành là 15 tháng, của toa xe khách là 12 tháng, của toa xe hàng, phương tiện chuyên dùng không tự hành là 15 tháng.
Với phương tiện đã khai thác trên đường sắt đô thị dưới hoặc bằng 30 năm tính từ năm sản xuất, chu kỳ kiểm tra định kỳ của phương tiện chuyên dùng tự hành là 18 tháng, của toa xe đường sắt đô thị là 14 tháng, của phương tiện chuyên dùng không tự hành là 20 tháng. Với phương tiện khai thác trên 30 năm tính từ năm sản xuất và còn niên hạn sử dụng, chu kỳ kiểm tra định kỳ của phương tiện chuyên dùng tự hành là 15 tháng, của toa xe đường sắt đô thị là 12 tháng, của phương tiện chuyên dùng không tự hành là 15 tháng.
Thông tư cũng quy định chủ phương tiện, chủ khai thác phương tiện có trách nhiệm thực hiện kiểm tra tình trạng hoạt động của phương tiện để phương tiện bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trước khi tham gia giao thông; chịu trách nhiệm sửa chữa, bảo dưỡng bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giữa hai kỳ kiểm tra của cơ quan kiểm tra…Thông tư có hiệu lực thi hành từ 15/3/2024.
Truy xuất nguồn gốc từ đầu đến cuối chuỗi cung ứng sữa và sản phẩm sữa theo tiêu chuẩn
Theo quy định tại Mục 4 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13805:2023 do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố hướng dẫn, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung ứng sữa và sản phẩm sữa phải đáp ứng các nguyên tắc chung nêu trong TCVN 12850. Cơ sở phải xác định đối tượng truy xuất (vật phẩm có thể truy xuất). Phải có sự thống nhất giữa các đối tác thương mại về vật phẩm có thể truy xuất, nhằm đảm bảo rằng các bên truy xuất xuôi cùng một đối tượng. Mỗi đối tác thương mại phải xác định ít nhất một cấp độ vật phẩm có thể truy xuất cho từng chuyến hàng.
Việc truy xuất nguồn gốc từ đầu đến cuối chuỗi cung ứng yêu cầu phải thực hiện có hiệu quả các quy trình truy xuất nguồn gốc nội bộ và truy xuất nguồn gốc bên ngoài. Mỗi đối tác truy xuất nguồn gốc phải có khả năng định danh nguồn trực tiếp và bên tiếp nhận trực tiếp (khách hàng) của vật phẩm có thể truy xuất (nguyên tắc “một bước trước – một bước sau”). Điều này đòi hỏi các đối tác thương mại thu thập, lưu giữ và chia sẻ các thông tin tối thiểu để truy xuất nguồn gốc.
Để có một hệ thống truy xuất nguồn gốc hiệu quả trên toàn bộ chuỗi cung ứng thì tất cả các vật phẩm cần truy xuất xuôi hoặc cần truy xuất ngược đều phải được định danh đơn nhất toàn cầu. Tất cả các bên trong chuỗi cung ứng cần thực hiện các biện pháp truy xuất nguồn gốc nội bộ và bên ngoài. Việc thực hiện truy xuất nguồn gốc nội bộ phải đảm bảo duy trì được những mối liên kết cần thiết giữa đầu vào và đầu ra.
Ít nhất, việc định danh các sản phẩm để truy xuất nguồn gốc cần ấn định mã số lô/mẻ; Khi sản phẩm được cấu trúc lại và/hoặc bao gói lại, sản phẩm mới phải được ấn định một mã truy vết sản phẩm đơn nhất mới (GTIN mới), khi đó phải duy trì mối liên hệ giữa sản phẩm mới với các đầu vào của nó; Khi một đơn vị logistic được cấu trúc lại, đơn vị logistic mới phải được ấn định một mã định danh đơn nhất mới (SSCC mới), thì phải duy trì mối liên hệ giữa đơn vị logistic mới với các đầu vào của nó.
Như vậy theo quy định trên thì việc truy xuất nguồn gốc từ đầu đến cuối chuỗi cung ứng sữa và sản phẩm sữa phải thực hiện có hiệu quả các quy trình truy xuất nguồn gốc nội bộ và truy xuất nguồn gốc bên ngoài.
Mỗi đối tác truy xuất nguồn gốc phải có khả năng định danh nguồn trực tiếp và bên tiếp nhận trực tiếp (khách hàng) của vật phẩm có thể truy xuất (nguyên tắc “một bước trước – một bước sau”). Điều này đòi hỏi các đối tác thương mại thu thập, lưu giữ và chia sẻ các thông tin tối thiểu để truy xuất nguồn gốc.
Yêu cầu chung đối với chuỗi cung ứng sữa, Tiêu chuẩn hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc cá nhân có thể sử dụng GLN (mã số phân định) để định danh cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc địa điểm mà họ quản lý và chia sẻ mã số này với các nhà cung cấp và khách hàng. Có thể sử dụng các mã khác để định danh địa điểm hoặc định danh tổ chức, tuy nhiên GLN là đơn nhất, do đó tránh được xung đột tiềm ẩn về trùng lặp mã số.
GLN là phương tiện thống nhất để định danh một cơ sở chăn nuôi gia súc cho sữa. GLN được sử dụng để định danh cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng như địa điểm, bao gồm cánh đồng hoặc lô cụ thể trong cơ sở. GLN có thể do Cơ quan GS1 quốc gia cấp hoặc cơ sở tự cấp bằng cách sử dụng tiền tố mã doanh nghiệp.
GLN cũng được sử dụng để truyền thông tin trong chuỗi cung ứng (bao gồm EDI), để định danh địa điểm “vận chuyển đến” hoặc các địa điểm khác (có thể là địa điểm vật lý hoặc không gian ảo như hộp thư điện tử).
Các hoạt động chế biến và bao gói khác nhau diễn ra trong chuỗi cung ứng sữa. Sữa có thể trải qua nhiều lần “biến đổi” trước khi đến tay người tiêu dùng cuối cùng. Sản phẩm cần được truy xuất nguồn gốc trên tất cả các cấp bao gói khác nhau. Các đối tượng truy xuất bao gồm cả sản phẩm rời và đã được bao gói, thùng cac-tông, thùng chứa có thể tái sử dụng được dùng để vận chuyển và dùng cho các phương tiện vận chuyển.
Sử dụng mã số sản phẩm toàn cầu (GTIN). GTIN có thể được sử dụng để định danh sản phẩm sữa với lượng lớn (sữa chưa bao gói), sản phẩm sữa chế biến hoặc sản phẩm đã bao gói sẵn ở bất kỳ giai đoạn nào của chuỗi cung ứng, cho đến người tiêu dùng cuối cùng.
Để đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc trong toàn bộ chuỗi cung ứng, GTIN phải được ấn định càng sớm càng tốt. Chủ sở hữu thương hiệu (ví dụ: cơ sở chăn nuôi bò sữa, cơ sở chế biến) thường chịu trách nhiệm ấn định GTIN.
Ghi nhãn và in mã vạch đối với đối tượng truy xuất thì việc mã hóa các phần tử dữ liệu khác như ngày sản xuất hoặc ngày đóng gói cũng rất cần thiết. Điều này có thể đạt được bằng cách sử dụng mã vạch và thẻ RFID.
Tất cả các bên tham gia trong chuỗi cung ứng sữa và sản phẩm sữa đều có trách nhiệm chia sẻ khi cần truy xuất nguồn gốc. Chịu trách nhiệm cung cấp dữ liệu gốc của sản phẩm và dữ liệu truy xuất, bên thu hồi/bên nhận sản phẩm thu hồi. Chịu trách nhiệm đáp ứng các yêu cầu quy định cụ thể liên quan đến thử nghiệm sản phẩm, đánh giá rủi ro, khai báo sản phẩm, đăng ký động vật.
Tiêu chuẩn ISO 31000 – ‘khắc tinh’ của rủi ro trong doanh nghiệp
Bộ tiêu chuẩn ra đời từ khủng hoảng
Hiện nay, quản lý rủi ro là yếu tố quan trọng ngày càng được chú trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Rủi ro có thể có ngay tại các quyết định chiến lược, có thể là nguyên nhân gây nên sự không ổn định trong tổ chức hoặc nói đơn giản hơn nó nằm ngay bên trong các hoạt động của tổ chức.
Một cách tiếp cận về quản lý rủi ro trong phạm vi qui mô doanh nghiệp sẽ giúp tổ chức xem xét tác động tiềm ẩn của tất cả các loại rủi ro trong quá trình, hoạt động, các bên liên quan, sản phẩm và dịch vụ. Triển khai cách tiếp cận toàn diện sẽ giúp tổ chức được hưởng lợi từ những gì thường được gọi là “mặt trái rủi ro”.
Có thể nói, cuộc khủng hoảng năm 2007-2008 là phôi thai cho sự ra đời của bộ tiêu chuẩn ISO 31000. Bộ tiêu chuẩn này nhằm đưa ra nguyên tắc và hướng dẫn cho quá trình quản lý rủi ro một cách tốt nhất tại doanh nghiệp.
Tháng 11/2009, Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO đã ban hành ISO 31000:2009, 1 – tiêu chuẩn về quản lý rủi ro với mục đích giúp tất cả doanh nghiệp, tổ chức về những nguyên tắc và hướng dẫn cụ thể trong quá trình quản lý rủi ro một cách hiệu quả nhất. Cùng với tiêu chuẩn ISO 31000:2009, tổ chức ISO ban hành tiêu chuẩn ISO/Guide 73:2009 – Quản lý rủi ro, cơ sở và từ vựng nhằm cung cấp tập hợp các điều khoản và định nghĩa liên quan đến quản lý rủi ro bổ sung cho tiêu chuẩn ISO 31000:2009 và ISO/IEC 31010:2009 – Kỹ thuật đánh giá rủi ro.
Ở Việt Nam, Tiêu chuẩn quốc gia TCVN/ISO 31000:2011 được ban hành năm 2011 hoàn toàn tương đương với ISO 31000:2009. Hiện, tiêu chuẩn ISO 31000:2018 là phiên bản mới nhất do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 176 Quản lý chất lượng và đảm bảo chất lượng biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp
Tiêu chuẩn ISO 31000 đưa ra nguyên tắc và hướng dẫn chung về quản lý rủi ro. Do đó, ISO 31000 không cụ thể cho bất kỳ ngành công nghiệp hoặc lĩnh vực nào. Tiêu chuẩn này có thể được áp dụng trong toàn bộ thời gian tồn tại của tổ chức, cho một loạt hoạt động, bao gồm các chiến lược và quyết định, vận hành, quá trình, chức năng, dự án, sản phẩm, dịch vụ và tài sản.
Mặc dù ISO 31000 đưa ra các hướng dẫn chung, nhưng không nhằm tạo nên sự đồng nhất trong quản lý rủi ro ở tất cả tổ chức. Việc thiết kế và thực hiện các khuôn khổ và kế hoạch quản lý rủi ro cần phải tính đến nhu cầu khác nhau của một tổ chức cụ thể, mục tiêu cụ thể, bối cảnh, cơ cấu, hoạt động, quá trình, chức năng, các dự án, sản phẩm, dịch vụ hoặc tài sản và các công việc cụ thể được triển khai.
Tuy nhiên, quản lý rủi ro không thể chỉ là lý thuyết trên giấy, không chỉ là nhận biết để tránh phải đối mặt. Các doanh nghiệp nếu không khéo sẽ biến lý thuyết về rủi ro chỉ mãi là lý thuyết riêng biệt xa rời với những rủi ro thực tế mà họ phải trực tiếp gặp phải. Quản lý rủi ro cần phải bám sát tình hình thực tế đang diễn ra của công ty. Rõ ràng, bản chất của rủi ro là không thể lường trước được nhưng việc doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch giảm thiểu hậu quả do rủi ro gây ra luôn hiệu quả hơn là bị động chờ rủi ro đến mới bắt tay vào đối phó.
Nguồn: https://vietq.vn/tieu-chuan-iso-31000-la-khac-tinh-cua-rui-ro-trong-doanh-nghiep-d220545.html
Tiêu chuẩn quốc tế đóng vai trò then chốt trong giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu
Việc tìm cách “làm chủ thiên nhiên” để phục vụ nhu cầu con người đã dẫn đến những hậu quả khó lường và đáng báo động. Tin tức ngày nay tràn ngập những lời nhắc nhở đáng kinh ngạc về biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng như thế nào đến con người trên khắp thế giới, từ cháy rừng, lũ lụt đến mất đa dạng sinh học, thậm chí cả mạng sống con người. Nhưng chính xác thì biến đổi khí hậu là gì?
Biến đổi khí hậu đề cập đến sự biến đổi lâu dài của điều kiện thời tiết trên Trái đất. Hiện tượng này được gây ra bởi một số yếu tố tự nhiên và do con người gây ra. Hãy tưởng tượng Trái đất như một nhà kính khổng lồ, thông thường sức nóng của mặt trời chiếu vào và giữ cho mọi thứ đủ ấm để chúng ta có thể sống thoải mái. Nhưng khi đốt nhiên liệu hóa thạch như than, dầu và khí đốt để lấy năng lượng, chúng ta thải thêm khí vào không khí. Những khí này giữ nhiệt nhiều hơn, làm cho “nhà kính” của chúng ta ấm hơn mức cần thiết. Điều này dẫn đến các sông băng tan chảy, mực nước biển dâng cao và các hiện tượng thời tiết như bão và hạn hán trở nên cực đoan, thường xuyên hơn.
Giải pháp biến đổi khí hậu cho tương lai lành mạnh
Biến đổi khí hậu đã gây ra sự gián đoạn trên mọi khía cạnh của cuộc sống, bao gồm cơ sở hạ tầng quan trọng như giao thông, mạng lưới thông tin liên lạc, năng lượng và tài nguyên nước. Các nhà khoa học dự đoán những thay đổi này sẽ dẫn đến dịch bệnh bùng phát thường xuyên hơn, tỷ lệ tử vong tăng và sự di dời dân cư, đặc biệt ảnh hưởng đến các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.
Chúng ta rất cần những chiến lược đổi mới để chống lại tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Việc áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên mang lại cách tiếp cận toàn diện để chống lại biến đổi khí hậu, đồng thời nuôi dưỡng tài nguyên thiên nhiên của hành tinh cho các thế hệ mai sau.
Mục tiêu phát triển bền vững
Phát triển bền vững là một hành động cân bằng – đó là tìm cách để mọi người sống hạnh phúc, khỏe mạnh và thịnh vượng mà không gây hại cho hành tinh. Hãy coi đó như một cuộc hành trình mà tất cả chúng ta cùng nhau thực hiện, trong đó mỗi người đều có vai trò trong việc đảm bảo giữ cho thế giới của chúng ta khỏe mạnh và thịnh vượng trong nhiều năm tới. Về cơ bản, nó nhấn mạnh rằng tăng trưởng và phát triển không được làm tổn hại đến sức khỏe môi trường của chúng ta và đó phải là quá trình liên tục và toàn diện.
Để giúp đạt được điều này, Liên Hợp Quốc đã vạch ra 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) như một phần của chương trình nghị sự toàn cầu nhằm chấm dứt nghèo đói, bảo vệ hành tinh và đảm bảo thịnh vượng cho tất cả mọi người vào năm 2030. Hành động vì khí hậu được công nhận là cơ hội quan trọng nhất để thúc đẩy các Mục tiêu của Liên Hợp Quốc và hướng dẫn nỗ lực phát triển quốc gia, khu vực và toàn cầu của các quốc gia trên toàn thế giới.
Cơ bản về hệ thống quản lý môi trường
Trong bối cảnh kinh doanh phát triển nhanh chóng ngày nay, tính bền vững là một mệnh lệnh chiến lược. Tham gia hệ thống quản lý môi trường (EMS), một công cụ mạnh mẽ giúp cách mạng hóa cách các tổ chức giải quyết thách thức môi trường. EMS về cơ bản là một bộ quy tắc và công cụ giúp công ty theo dõi, giảm thiểu tác động tiêu cực mà các hoạt động của công ty có thể gây ra đối với môi trường – chẳng hạn như khí thải, chất thải, tiêu thụ tài nguyên và tác động đến đa dạng sinh học.
Nhưng EMS không chỉ đơn thuần là giấy tờ. Đó là về việc thúc đẩy văn hóa quản lý môi trường trong tổ chức. Bằng cách thiết lập vai trò và trách nhiệm rõ ràng, thúc đẩy sự tham gia của nhân viên và cung cấp đào tạo về các phương pháp thực hành tốt nhất về môi trường, EMS trao quyền cho nhân viên ở mọi cấp độ để đóng góp vào các nỗ lực bền vững. Nó cũng giúp các công ty tuân thủ quy định và tiêu chuẩn môi trường, giảm nguy cơ bị phạt hoặc vấn đề pháp lý, đồng thời nâng cao danh tiếng với tư cách là những doanh nghiệp có trách nhiệm.
ISO 14001 là tiêu chuẩn vàng về quản lý môi trường, giúp các tổ chức có trách nhiệm hơn với môi trường và thực hiện nghĩa vụ pháp lý của mình. Với các lợi ích từ tiết kiệm chi phí đến nâng cao nhận thức của công chúng và giảm bớt trách nhiệm pháp lý, tiêu chuẩn quốc tế này có thể giúp định hình lại lộ trình phát triển bền vững cho doanh nghiệp trên toàn thế giới.
Tiêu chuẩn ISO và biến đổi khí hậu
Giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu là thách thức nhiều mặt và các tiêu chuẩn ISO có thể đóng vai trò then chốt trong việc định hình phản ứng toàn cầu. Cung cấp một khuôn khổ toàn diện, chúng trao quyền cho các tổ chức đo lường, quản lý và báo cáo các tác động môi trường một cách hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi sang một tương lai bền vững hơn.
Từ ISO 14001 về quản lý môi trường đến ISO 50001 về quản lý năng lượng, tiêu chuẩn quốc tế đưa ra các hướng dẫn thực tế và biện pháp thực hành tốt nhất để giải quyết rủi ro liên quan đến khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững. Bằng cách tuân thủ tiêu chuẩn ISO, các tổ chức có thể nâng cao hiệu quả hoạt động môi trường, giảm lượng khí thải carbon và đóng góp vào nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại biến đổi khí hậu.
Việc áp dụng các tiêu chuẩn ISO là một bước quan trọng hướng tới hoạt động kinh doanh bền vững, đặc biệt vì tất cả tiêu chuẩn hệ thống quản lý hiện nay đều kết hợp các cân nhắc về biến đổi khí hậu. Điều này phản ánh cam kết chung vì một thế giới bền vững và kiên cường hơn, nơi tăng trưởng kinh tế được cân bằng với quản lý môi trường. Biến đổi khí hậu là thách thức chưa từng có trong lịch sử loài người và chỉ bằng cách hợp tác cùng nhau, chúng ta mới có thể đảm bảo rằng các hành động cần thiết được thực hiện vì một tương lai bền vững.
Xây dựng và quản lý mã số vùng trồng góp phần nâng cao uy tín nông sản Việt Nam
Hiện nay, việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói được xem như “hộ chiếu” giúp nông sản Việt Nam xuất khẩu theo đường chính ngạch sang nhiều thị trường trên thế giới, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
Việc thiết lập vùng trồng để cấp mã số bao gồm xác định diện tích, sử dụng thống nhất một quy trình sản xuất trong vùng trồng, kiểm soát các sinh vật gây hại thuộc danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật của các nước, có nhật ký canh tác, thực hành nông nghiệp tốt, tối thiểu là theo quy trình VietGAP. Qua đó giúp thay đổi tập quán canh tác, thúc đẩy sản xuất theo tiêu chuẩn và thị hiếu của thị trường, hướng dẫn nông dân thực hành sản xuất chuyên nghiệp hơn.
Tính đến nay, cả nước đã có 6.883 mã số vùng trồng và 1.588 mã số cơ sở đóng gói nông sản được cấp. Các mã số này tập trung chủ yếu vào sản phẩm xuất khẩu chính như xoài, thanh long, nhãn, gạo, sầu riêng. Số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói được cấp nhiều nhất từ các thị trường Trung Quốc, Mỹ, New Zealand và Australia. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng dẫn đầu về số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Ví dụ như với mặt hàng sầu riêng, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) dẫn số liệu cập nhật mới nhất của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết, Việt Nam hiện có 876 mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu vào quốc gia tỉ dân này. Trong đó, có 708 mã số vùng trồng được cấp phép.
Theo quy định của Trung Quốc, sầu riêng nhập khẩu vào quốc gia này bắt buộc phải có thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm và yêu cầu cơ quan thẩm quyền của nước xuất khẩu phải cung cấp thông tin mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói cho cơ quan thẩm quyền của Trung Quốc. Như vậy, việc cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói ngoài việc giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, còn đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, thể hiện trách nhiệm trong sản xuất của nước xuất khẩu.
Liên quan đến vấn đề cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã quan tâm, chỉ đạo với nhiều văn bản như: Công văn 5841/BNN-BVTV ngày 26/8/2020 về việc tăng cường công tác giám sát, quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; Công văn số 2425/BNN-BVTV ngày 27/4/2021 về việc kiểm tra, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói để cấp mã số phục vụ xuất khẩu; Công văn số 1776/BNN-BVTV ngày 23/3/2023 về việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu…
Tiêu chuẩn cùng doanh nghiệp ‘vượt rào’ kỹ thuật thương mại
Kể từ khi nước ta chủ trương đổi mới nền kinh tế, hoạt động tiêu chuẩn hóa là một trong những lĩnh vực luôn đi đầu và tham gia tích cực trong hoạt động hội nhập quốc tế và khu vực. Năm 2006, với việc ban hành Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật nhằm cam kết thực thi Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Hiệp định WTO/TBT) và trở thành thành viên Tổ chức thương mại Thế giới, việc xây dựng TCVN trên cơ sở chấp nhận và hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực đã trở thành chủ trương xuyên suốt của Việt Nam trong kế hoạch xây dựng TCVN hằng năm (chiếm trên 90%). Tính đến nay, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam (TCVN) đã có hơn 13.000 TCVN, đứng đầu trong nhóm các nước ASEAN, trong đó, tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực là trên 60%.
Theo đó, hệ thống TCVN được bổ sung về số lượng, nâng cao về mức độ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế/ khu vực, bao quát đầy đủ hơn các lĩnh vực kinh tế – xã hội, đặc biệt là lĩnh vực ưu tiên, các sản phẩm chủ lực của nền kinh tế góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường cả trong nước và quốc tế, đáp ứng nhu cầu thị trường, yêu cầu quản lý nhà nước về bảo đảm an toàn vệ sinh sức khỏe con người và môi trường.
Các TCVN trong một số lĩnh vực chủ lực, chiến lược như nông nghiệp hữu cơ, đô thị thông minh, sản xuất thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, an ninh thông tin, biến đổi khí hậu, quản lý nguồn nước, xử lý chất thải, an toàn thực phẩm, cơ khí chế tạo… đã được ưu tiên soát xét, xây dựng trong thời gian qua trên cơ sở chủ yếu là chấp nhận các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực giúp doanh nghiệp Việt nâng cao trình độ khoa học công nghệ, cập nhật các xu hướng mới của thế giới để tiếp cận và đáp ứng nhu cầu thị trường.
Với việc áp dụng các TCVN hài hòa tiêu chuẩn quốc tế và khu vực, doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc tránh và vượt qua các hàng rào kỹ thuật trong thương mại một cách bài bản và thúc đẩy xuất khẩu bền vững, tạo cơ hội cho việc hợp tác, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
Giới chuyên gia đánh giá, tiêu chuẩn hóa đã đóng góp một phần quan trọng, cơ bản cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ nói riêng và nền kinh tế quốc gia nói chung. Cựu Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Kofi Annan từng nhận định: “Tiêu chuẩn có vai trò quan trọng để phát triển một cách bền vững, nó có vai trò vô giá giúp các nước phát triển kinh tế và xây dựng năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu”.
Tuy nhiên, nhận thức về vai trò của tiêu chuẩn hóa hiện nay của nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế. Vì vậy, doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức và kỹ năng về tiêu chuẩn hóa nói chung và tiêu chuẩn hóa trong lĩnh vực chuyên ngành của doanh nghiệp nói riêng cho cán bộ, nhân viên, đặc biệt là người đứng đầu.
Mặt khác, cũng có một thực tế rằng nhiều doanh nghiệp chưa thực sự coi trọng tiêu chuẩn, hoặc hiểu về tiêu chuẩn chưa tới. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần dẫn dắt, xây dựng tiêu chuẩn, truyền thông cho doanh nghiệp, giúp họ thay đổi tư duy trong xây dựng tiêu chuẩn; xây dựng chứng nhận tiêu chuẩn cho doanh nghiệp…
Nguồn: https://vietq.vn/tieu-chuan-cung-doanh-nghiep-vuot-rao-ky-thuat-thuong-mai-d221510.html
Thị trường TPCN cần phải có các tiêu chuẩn kỹ thuật
Thị trường thực phẩm chức năng với các sản phẩm bảo vệ sức khỏe đang ngày càng phát triển mạnh do nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao. Tuy nhiên, những ‘khe hở’ trong công tác quản lý thực phẩm chức năng hiện nay khiến các loại sản phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng được bán tràn lan… từ đó dẫn đến những rủi ro cho sức khỏe cho người tiêu dùng.
Bàn về thị trường thực phẩm chức năng xách tay cùng với thực trạng người tiêu dùng đang “cuồng tín” các sản phẩm này, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, kiêm Phó Chủ tịch Hội Dược học Việt Nam cho rằng, những năm gần đây việc sử dụng thực phẩm chức năng (TPCN) bùng nổ; nhiều doanh nghiệp tăng cường sản xuất, nhập khẩu, phân phối…
Tuy nhiên, theo quy định, TPCN phải được sản xuất (hoặc nhập khẩu) trong dây chuyền đạt chuẩn thực hành sản xuất tốt (GPM). Có sản phẩm mang tiếng TPCN nhưng sản xuất bằng “công nghệ xô, chậu” là chủ yếu, tức mua vỏ viên nang về, trộn nguyên liệu rồi cho vào là xong. Bên cạnh đó, hiện chưa có điều khoản, quy định nào cấm bán TPCN trong chợ, trên sàn thương mại điện tử nên việc quản lý, xử lý gặp nhiều khó khăn. Nhiều TPCN được bán ở các nhà thuốc và được quảng cáo quá sự thật, coi như thuốc điều trị bệnh.
Vấn đề TPCN còn rất nhiều bất cập, do đó bên cạnh tập huấn cho nhân viên các nhà thuốc tư vấn cho người dân dùng đúng thì đòi hỏi ý thức người hành nghề và sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý.
Đồng thời nên siết nhập khẩu đối với những mặt hàng thực phẩm trong nước đã làm được và hạn chế số đăng ký bằng các tiêu chuẩn kỹ thuật. Nhiều người cùng kinh doanh, dễ nảy sinh cạnh tranh không lành mạnh như giẫm đạp nhau hay đại hạ giá thuốc. Lâu dài, điều này gây hại cho nền công nghiệp dược vì chúng ta không khuyến khích được những nhà sản xuất bền vững, chân chính.
Thuốc là thị trường mà thị trường thì có cao có thấp, nếu cứ muốn mua thuốc thấp, chất lượng sẽ không tốt. Chất lượng thuốc không tốt, sẽ ảnh hưởng tới người bệnh, số ngày điều trị tăng lên và đồng thời gián tiếp bóp chết ngành công nghiệp dược, bóp chết những doanh nghiệp muốn phát triển bền vững, muốn đầu tư vào chất lượng.
Còn theo Tiến sĩ Tạ Thanh Sơn, chuyên gia về dược học, từng có thời gian dài nghiên cứu tại Viện công nghệ dược sinh học, Đại học Marburg ở Đức, về bản chất, thực phẩm chức năng là một loại sản phẩm tốt cho sức khoẻ nếu như con người biết sử dụng đúng cách, hợp lý. Tuy nhiên, người dân không được xem thực phẩm chức năng là thuốc để điều trị bệnh, mà các sản phẩm này chỉ cung cấp, bổ sung thêm vitamin, khoáng chất… Việc lạm dụng thực phẩm chức năng có thể gây các phản ứng dị ứng, làm rối loạn quá trình đồng hóa trao đổi chất do cơ thể nhận dư thừa chất bổ, chất dinh dưỡng.
Ông Sơn cũng cho rằng, với những loại thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu và lợi nhuận của doanh nghiệp chân chính mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp cứng rắn để hạn chế tối đa hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường; đặc biệt thực phẩm chức năng phải được sản xuất theo tiêu chuẩn như thuốc. Cùng với đó, người tiêu dùng cần tỉnh táo, cập nhật những kiến thức trước khi sử dụng thực phẩm chức năng hỗ trợ sức khoẻ.
Ngoài ra các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng cần sớm đưa các giải pháp công nghệ vào quản lý, truy vết sản phẩm. Điều này giúp các nhà sản xuất, nhà phân phối, đơn vị vận chuyển (logistics) cho đến cơ quan quản lý và người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm.
Thông tư số: 43/2014/TT-BYT quy định về quản lý thực phẩm chức năng
Tại Điều 3 của Thông tư này thực phẩm chức năng nhập khẩu và sản xuất trong nước đã có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố hợp quy và đăng ký bản công bố hợp quy tại Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
Thực phẩm chức năng nhập khẩu và sản xuất trong nước chưa có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và đăng ký bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm tại Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
Tiêu chuẩn đầu tiên cho mực in bao bì thực phẩm – nâng cao chất lượng ngành bao bì
Bao bì thực phẩm là một trong những loại bao bì nhiều người quan tâm, thường được in nhiều thông tin như thành phần, hướng dẫn sử dụng, số lô, ngày hết hạn, mã vạch,… đáp ứng đúng nhu cầu của pháp luật. Mực được sử dụng trên nhiều chất liệu khác nhau và có thể in trực tiếp lên các loại vật liệu như nhựa, giấy, bìa,… Mực có khả năng thẩm thấu vào bề mặt bên trong bao bì và tiếp xúc với thực phẩm bởi nhiều lý do và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Mực không đảm bảo chất lượng cũng có thể gây tác hại nghiêm trọng nếu không được kiểm soát và quản lý chặt chẽ. Mực in có thể chứa các chất hóa học độc hại như toluene, benzophenone, photphat… Các chất này có thể thấm qua bao bì và tiếp xúc với thực phẩm, gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng và ô nhiễm môi trường khi bao bì bị vứt bỏ. Vì vậy, cần quan tâm đến quy định về mực in trong bao bì thực phẩm để đảm bảo an toàn, chất lượng và bền vững cho ngành bao bì.
Trước tầm quan trọng ngày càng tăng của mực in an toàn dành cho bao bì thực phẩm ở Việt Nam, cuối năm 2023, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố và ban hành Tiêu chuẩn quốc gia -TCVN 13928:2023 “Mực in bao bì thực phẩm – Yêu cầu chung”. Kể từ đây, Việt Nam đã có tiêu chuẩn đầu tiên cho sản phẩm mực in bao bì thực phẩm, góp phần nâng cao tiêu chuẩn an toàn thực phẩm trong toàn ngành bao bì.
Theo giới chuyên gia, việc có tiêu chuẩn quốc gia về mực in cho bao bì thực phẩm là một bước tiến mới trong ngành in. Thực tế bấy lâu nay, với doanh nghiệp in cung ứng sản phẩm cho thị trường quốc tế, việc lựa chọn nguyên liệu như giấy, mực in là rất nghiêm ngặt. Tuy nhiên, với thị trường trong nước thì còn tùy tiện, thậm chí có những hộp bánh kẹo khi người tiêu dùng bóc ra tay còn bị lem mực in từ bao bì.
Siegwerk, công ty hàng đầu thế giới về mực in và mực phủ cũng cam kết ủng hộ và hỗ trợ phổ biến nội dung tiêu chuẩn mới này. “Thông qua sự đổi mới liên tục, các biện pháp kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt và tập trung vào tính bền vững, Siegwerk tái khẳng định cam kết của mình trong việc cung cấp các loại mực in đáp ứng tiêu chuẩn an toàn cao nhất cho các ứng dụng đóng gói thực phẩm”, Giám đốc điều hành tại Siegwerk Đông Nam Á, ông Janarthanan Nallasura cho biết.
Bà Nguyễn Thị Thu Hòa, đại diện Perfetti Van Melle Việt Nam chia sẻ, kể từ năm 2020, dựa trên yêu cầu của thị trường châu Âu và hướng dẫn từ tập đoàn Perfetti Van Melle, chi nhánh Việt Nam đã chuyển đổi sang mực in không chứa toluene. Sự chuyển đổi này đòi hỏi đánh đổi về chi phí nên cần thời gian chuyển đổi từ từ.
Năm 2020, công ty hướng đến thị trường xuất khẩu và từ 2021 trở đi bao bì cho thị trường nội địa cũng được sản xuất từ mực in không chứa toluene. Kết quả, công ty không chỉ giảm được nguy cơ về sức khỏe trong các bao bì sản phẩm, mà còn gia tăng xuất khẩu tại thị trường châu Âu và Trung Quốc.
Tại Việt Nam, các tiêu chuẩn về mực in bao bì thực phẩm do Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam đưa ra chỉ mang tính chất tự nguyện áp dụng. Theo lãnh đạo Viện, khi nào tiêu chuẩn trở thành quy chuẩn bắt buộc phải phụ thuộc vào Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế). Trước mắt, chưa có văn bản quy phạm pháp luật thì bản thân doanh nghiệp cần tự ý thức và tính toán chi phí chuyển đổi để lên lộ trình phù hợp.
Bán hàng qua Ấn Độ ngoài các tiêu chuẩn sản phẩm, tiêu chuẩn hệ thống quản lý… Doanh nghiệp còn cần có Chứng nhận BIS, CN BIS là gì?
Chứng nhận BIS (Bureau of Indian Standards – Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ) là Giấy phép BIS bắt buộc phải có đối với nhà sản xuất nước ngoài cũng như nhà sản xuất tại Ấn Độ nếu muốn sản phẩm được phép phân phối, tiêu thụ tại thị trường Ấn Độ.
Dòng sản phẩm bắt buộc phải có BIS: tham khảo website https://www.bis.gov.in/
Điều kiện lấy chứng nhận BIS:
- Doanh nghiệp và nhà máy sản xuất có đầy đủ hồ sơ đăng ký đáp ứng yêu cầu.
- Có phòng thử nghiệm nội bộ hoặc gửi mẫu thử nghiệm tại Phòng thử nghiệm có năng lực do BIS chỉ định.
- Bắt buộc phải có đại lý/đại diện tại Ấn Độ, đại diện này có thể là pháp nhân 1 công ty ở Ấn Độ hoặc 1 cá nhân là công dân của Ấn Độ. Đại diện này phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định.
- Kết quả thẩm định thực tế nhà máy sản xuất phải đáp ứng yêu cầu của BIS
- Kết quả thử nghiệm sản phẩm đáp ứng theo các Tiêu chuẩn của Ấn Độ (tiêu chuẩn IS)
- Các thông tin ghi nhãn sản phẩm đáp ứng đúng theo hướng dẫn ghi nhãn của BIS Ấn Độ.
Các bước lấy chứng nhận BIS:
Bước 1: Hoàn thiện hồ sơ, nộp tài liệu hồ sơ đăng ký chứng nhận với BIS Ấn Độ và nộp lệ phí.
Bước 2: BIS thẩm định hồ sơ, phản hồi về tính đầy đủ cũng như loại chứng nhận phải làm
Bước 3: BIS thành lập đoàn kiểm tra, yêu cầu thanh toán phí và qua Việt Nam thẩm tra trực tiếp tại Nhà máy sản xuất (chỉ bắt buộc với chương trình chứng nhận BIS ISI, còn BIS CRS không phải sang đánh giá nhà máy).
Bước 4: Lấy mẫu, gửi mẫu tới thử nghiệm được BIS phê duyệt.
Bước 5: Kết quả đánh giá hồ sơ/đánh giá nhà máy và kết quả thử nghiệm đạt yêu cầu BIS thẩm tra hồ sơ, yêu cầu nộp phí thẩm định.
Bước 6: BIS cấp Giấy chứng nhận và số đăng ký BIS
Phát triển thành phố bền vững góp phần giảm lượng khí thải carbon toàn cầu
Phát triển bền vững
Phát triển bền vững được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau, nhưng định nghĩa được trích dẫn phổ biến nhất là: “Phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng đến khả năng của tương lai, thế hệ để đáp ứng nhu cầu của chính họ”.
Mục tiêu Phát triển Bền vững
Tính bền vững là nền tảng của khuôn khổ hợp tác quốc tế hàng đầu hiện nay – Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững và 17 Mục tiêu Phát triển bền vững đã được các Quốc gia Thành viên Liên hợp quốc thông qua vào năm 2015, với 169 mục tiêu sẽ đạt được vào năm 2030. Các mục tiêu và chỉ tiêu này mang tính phổ quát, nghĩa là chúng áp dụng cho tất cả quốc gia trên thế giới.
Khí hậu và phát triển bền vững
Biến đổi khí hậu đang gây nguy hiểm cho các thành tựu phát triển, đặc biệt ảnh hưởng nặng nề đến cộng đồng dễ bị tổn thương. Những rủi ro liên quan đến một hiểm họa khí hậu nhất định phụ thuộc vào mức độ dễ bị tổn thương và mức độ phơi bày của mỗi quốc gia. Ô nhiễm không khí ở các thành phố, là mối đe dọa sức khỏe lớn, góp phần gây ra hàng triệu ca tử vong sớm mỗi năm. Nếu không có hành động nào được thực hiện, hậu quả sẽ tiếp tục đe dọa đến sự an toàn, khả năng phục hồi và tính bền vững của đô thị.
Xây dựng thành phố bền vững
Việc tích hợp các dịch vụ thời tiết, khí hậu, nước và môi trường đô thị cũng như quản trị hiệu quả ở cấp địa phương là cần thiết để giúp các thành phố đạt được Mục tiêu 11 (Thành phố và Cộng đồng bền vững) của Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững. Các dịch vụ thời tiết được thiết kế riêng này, kết hợp với quy hoạch thành phố và quản lý cơ sở hạ tầng dựa trên kết quả, có tiềm năng cải thiện khả năng phục hồi khí hậu của thành phố, đồng thời mang lại lợi ích cho phát triển đô thị bền vững.
Ví dụ về phát triển bền vững
Năng lượng mặt trời: Các tấm pin mặt trời là một trong những cách hiệu quả nhất để giảm sự phụ thuộc của chúng ta vào nhiên liệu hóa thạch. Khả năng thích ứng cao, chúng có thể được lắp đặt trên các tòa nhà có hình dạng và kích thước khác nhau và giá cả phải chăng.
Tua bin gió: Gió là nguồn năng lượng tái tạo dồi dào – và hoàn toàn miễn phí! Bằng cách khai thác năng lượng gió, các thành phố trên toàn thế giới có tiềm năng thay đổi cách họ sản xuất và tiêu thụ năng lượng trong môi trường đô thị.
Không gian xanh: Các thành phố có thể xây dựng các không gian xanh để làm mát thành phố và lọc ô nhiễm không khí, đồng thời là một đặc điểm thiết yếu của phát triển đô thị bền vững.
Xây dựng bền vững: Việc kết hợp các biện pháp xây dựng bền vững trong dự án xây dựng có thể làm giảm đáng kể tác động đến môi trường. Chúng bao gồm phát triển nhà ở bền vững sử dụng các tính năng, cơ sở hạ tầng và công nghệ được thiết kế thông minh để giảm thiểu lượng khí thải carbon của tòa nhà.
Các thiết bị cấp nước hiệu quả: Các thiết bị tiết kiệm nước đơn giản (ví dụ như vòi chảy chậm, bồn cầu hai chế độ xả và bồn cầu có nút chặn) giúp tiết kiệm nước sử dụng cho các dịch vụ thiết yếu và nhờ đó giảm chi phí vận hành và nâng cao tính bền vững.
Phát triển nhà ở bền vững
Nhà ở bền vững, như được nêu trong Mục tiêu 11 của Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, nhằm đảm bảo rằng mọi người đều có quyền tiếp cận những ngôi nhà đầy đủ, an toàn và giá cả phải chăng vào năm 2030. Những ngôi nhà được thiết kế thông minh mang đến môi trường sống thoải mái, lành mạnh và an toàn bằng cách sử dụng các kỹ thuật nhà ở bền vững giúp giảm lượng khí thải carbon của chủ sở hữu, giảm chi phí năng lượng và thúc đẩy lối sống năng động.
Phát triển nhà ở bền vững có bốn ưu điểm chính: Giảm thiểu biến đổi khí hậu: Nhà ở bền vững giúp giảm lượng khí thải carbon bằng cách kết hợp công nghệ tiết kiệm năng lượng, nguồn năng lượng tái tạo và vật liệu xây dựng bền vững thân thiện môi trường.
Bảo tồn tài nguyên: Phát triển nhà ở bền vững ưu tiên vật liệu tái chế và có nguồn gốc địa phương, giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên.
Giảm tiêu thụ năng lượng: Bằng cách kết hợp các tính năng tiết kiệm năng lượng như tấm pin mặt trời, cách nhiệt tốt hơn, công nghệ thông minh và kỹ thuật sưởi và làm mát thụ động, giảm chi phí năng lượng.
Nâng cao chất lượng không khí trong nhà: Phát triển nhà ở bền vững ưu tiên chất lượng không khí trong nhà bằng cách sử dụng vật liệu xây dựng không độc hại và thúc đẩy hệ thống thông gió thích hợp. Điều này góp phần tạo nên môi trường sống trong lành hơn.
Tiêu chuẩn cho cuộc sống bền vững
Xây dựng một thành phố bền vững là công việc phức tạp vì mỗi thành phố đều có những thách thức riêng. Một mẫu số chung có thể khiến nhiệm vụ trở nên đơn giản – tiêu chuẩn ISO. Tiêu chuẩn quốc tế cung cấp hướng dẫn có giá trị về mọi khía cạnh của đời sống thành phố, từ hiệu quả năng lượng và giao thông thông minh đến chất lượng không khí và quản lý chất thải.
Lãnh đạo thành phố có thể giải quyết hiệu quả mối đe dọa của biến đổi khí hậu bằng cách đưa các tiêu chuẩn vào quy hoạch đô thị. Các tiêu chuẩn chính như ISO 50001 cho hệ thống quản lý năng lượng và ISO 52000 để quản lý hiệu suất năng lượng của các tòa nhà là công cụ thúc đẩy các hoạt động xây dựng nhà ở bền vững. Phát triển đô thị bền vững không chỉ làm giảm lượng khí thải carbon toàn cầu mà còn thúc đẩy điều kiện sống tốt hơn.
Nguồn: https://vietq.vn/phat-trien-thanh-pho-ben-vung—giam-luong-khi-thai-carbon-toan-cau-s9-d221180.html
Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa là yêu cầu tất yếu
Người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn theo xu hướng tìm hiểu sâu về thông tin sản phẩm, hàng hóa. Do đó, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc sản phẩm là tất yếu, doanh nghiệp phải đáp ứng.
- Mỹ, năm 2002, Luật chống khủng bố sinh học đã quy định về lưu trữ, hồ sơ truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
- Châu Âu, năm 2005, yêu cầu các nước thành viên trong EU phải thực hiện truy xuất nguồn gốc.
- Úc, năm 2017, bắt đầu thực hiện hoạt động truy xuất nguồn gốc với sản phẩm, hàng hóa.
- Nhật, năm 2005, bắt đầu thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc ở thịt bò…
- Việt Nam, tháng 1/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt Ðề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Ðề án 100).
Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, hiện hoạt động truy xuất nguồn gốc và áp dụng tem truy xuất nguồn gốc nước ta đang tồn tại một số vấn đề khó khăn, bất cập, như: Truy xuất nguồn gốc mới chỉ tập trung áp dụng ở một số sản phẩm và một số thị trường lớn.
Các giải pháp truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam chưa được kết nối và có được sự thừa nhận của quốc tế gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu; Việc khai báo, cập nhật thông tin truy xuất, in và dán tem chưa được kiểm soát; Chưa có chương trình, hệ thống, cơ quan đánh giá chứng nhận các hệ thống truy xuất nguồn gốc mang tính khách quan để tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng…
Theo ông Hà Minh Hiệp, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, việc xây dựng Cổng thông tin do Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia (NBC) làm chủ đầu tư đã hoàn thành vào năm 2022; trong 10 tháng vận hành thử nghiệm, hệ thống này đã có sự kết nối với một số địa phương và hơn 4.000 doanh nghiệp tham gia.
Đây là nội dung quan trọng được lãnh đạo Bộ KH&CN rất quan tâm và đặt mục tiêu đưa vào vận hành Cổng thông tin trong quý II/2024. Đến nay, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã chuẩn bị một số yếu tố để sẵn sàng đưa vào vận hành chính thức Cổng thông tin.
Cổng thông tin sẽ kết nối các hệ thống truy xuất nguồn gốc trong nước và quốc tế; quản lý và cập nhật cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hóa trong nước và quốc tế; chia sẻ dữ liệu truy xuất nguồn gốc giữa các hệ thống. Cổng thông tin cũng dựa trên số liệu báo cáo, thống kê và công nghệ để phân tích trợ giúp cơ quan quản lý đưa ra chính sách kịp thời, phù hợp với biến động của thị trường.
Theo: https://vietq.vn/truy-xuat-nguon-goc-san-pham-hang-hoa-la-yeu-cau-tat-yeu-d220168.html
Lợi ích của việc dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ
Tại Việt Nam, mặc dù việc việc dán tem truy xuất nguồn gốc trên các sản phẩm thủ công mỹ nghệ không bắt buộc nhưng việc áp dụng tem truy xuất nguồn gốc mang lại nhiều lợi ích cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, bao gồm: Giúp người tiêu dùng xác minh được nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, từ đó yên tâm về chất lượng và tính an toàn của sản phẩm. Nhờ tem truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng có thể dễ dàng phân biệt được sản phẩm thủ công mỹ nghệ chính hãng với sản phẩm giả mạo, nhái thương hiệu.
Tem truy xuất nguồn gốc thường chứa các thông tin như tên sản phẩm, tên cơ sở sản xuất, địa chỉ, nguyên liệu sản xuất…. giúp người tiêu dùng có được thông tin chi tiết về sản phẩm. Việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc thể hiện sự chuyên nghiệp và cam kết về chất lượng sản phẩm của cơ sở sản xuất, từ đó góp phần nâng cao uy tín thương hiệu…
Tem truy xuất nguồn gốc mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, cơ sở sản xuất và cơ quan quản lý. Do đó, các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ nên sử dụng tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm của mình để nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ thương hiệu và thu hút khách hàng.
Việc dán tem truy xuất nguồn gốc là biện pháp hiệu quả để đảm bảo tính chất và nguồn gốc các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ nên cân nhắc việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm của mình để mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, người tiêu dùng, góp phần phát triển ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam.
Tiêu chuẩn ISO 56000 về đổi mới sáng tạo
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đổi mới sáng tạo? Theo đó, bộ tiêu chuẩn ISO 56000 đã ra đời như một giải pháp hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận việc đổi mới sáng tạo có hệ thống nhằm tích hợp đổi mới sáng tạo vào tất cả các tầng của tổ chức. Bộ tiêu chuẩn được phát triển bởi các chuyên gia đổi mới sáng tạo từ khắp nơi trên thế giới, giúp doanh nghiệp dễ dàng nắm bắt và tạo cơ hội cho việc phát triển giải pháp, hệ thống, sản phẩm và dịch vụ mới.
Áp dụng cho mọi tổ chức, doanh nghiệp. Bộ tiêu chuẩn này có thể được áp dụng cho tất cả tổ chức, bất kể loại hình, khu vực, mức độ trưởng thành hoặc quy mô. Bộ tiêu chuẩn đặc biệt hữu ích đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp này thường thiếu bí quyết công nghệ, phương pháp quản trị và nguồn lực để thực hiện hoạt động đổi mới.
ISO 56000 tập hợp quy trình vận hành tiêu chuẩn được thiết kế để cung cấp khuôn khổ chung để thực hiện thành công, duy trì và cải tiến liên tục hệ thống quản lý đổi mới. ISO 56000 cho phép kết hợp với các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO khác nhau như ISO 9000 về hệ thống quản lý chất lượng hay ISO 14000 về hệ thống quản lý môi trường…
Bộ tiêu chuẩn ISO 56000 được ban hành từ năm 2019 với 10 tiêu chuẩn thành phần. Trong đó bao gồm cả các tiêu chuẩn đã được ban hành và các tiêu chuẩn vẫn đang trong quá trình xây dựng, bao gồm:
ISO 56000:2020: Quản lý đổi mới – Các nguyên tắc cơ bản và từ vựng.
ISO/AWI 56001: Quản lý đổi mới – Hệ thống quản lý đổi mới – Yêu cầu (đang xây dựng).
ISO 56002:2019: Quản lý đổi mới – Hệ thống quản lý đổi mới – Hướng dẫn.
ISO 56003:2019: Quản lý đổi mới – Các công cụ và phương pháp để hợp tác đổi mới – Hướng dẫn.
ISO/TR 56004:2019: Đánh giá Quản lý Đổi mới – Hướng dẫn.
ISO 56005:2020: Quản lý đổi mới – Các công cụ và phương pháp quản lý tài sản trí tuệ – Hướng dẫn.
ISO/DIS 56006: Quản lý đổi mới – Các công cụ và phương pháp để quản lý trí tuệ chiến lược – Hướng dẫn (đang xây dựng).
ISO/ AWI 56007: Quản lý đổi mới – Các công cụ và phương pháp để quản lý ý tưởng – Hướng dẫn (đang xây dựng).
ISO/ AWI 56008: Quản lý đổi mới – Các công cụ và phương pháp đo lường hoạt động đổi mới – Hướng dẫn (đang xây dựng).
ISO/WD TS 56010: Quản lý đổi mới – Các ví dụ minh họa về ISO 56000 (đang xây dựng).
Nguồn: https://vietq.vn/tieu-chuan-iso-56000-ve-doi-moi-sang-tao-nang-cao-uy-tin-doanh-nghiep-d220413.html
BSAS (DỰ ÁN HVNCLC – CHUẨN HỘI NHẬP)