Trải qua 2 ngày thi, Vòng bán kết Cuộc thi Ý tưởng/Dự án khởi nghiệp Xanh – Phát triển bền vững, do Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp – BSA, Công ty Cổ phần Vinamit, Tập đoàn cà phê Trung Nguyên và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, các thành viên ban giám khảo đã có những nhận định, đánh giá riêng trong nhiều hạng mục.
Ông Hoàng Sơn Công – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành bán lẻ VN
Khởi nghiệp không phải lúc nào cũng dễ dàng. Chúng tôi cho rằng, đã có những startup gắn liền với sinh kế, hoặc có thể hỗ trợ nhiều gia đình trong mạng lưới của họ sẽ bền vững hơn. Tuy nhiên những người khởi nghiệp còn mới trên thị trường do đó, không nên vội vàng đầu tư vào sản xuất hoặc mở rộng quy mô, nó dễ bị đứt gãy, đặc biệt với những người trẻ tuổi, rủi ro sẽ rất lớn và khó khởi nghiệp lại.
Các bạn cần tập trung hơn vào việc kiểm soát rủi và xây dựng các mô hình siêu nhỏ có thể nhân rộng lên quy mô lớn.
Cùng với đó, nên có những sự kết nối, ở đây là việc xây dựng mạng lưới kết nối, bao gồm: Mạng lưới các chuyên gia và các mối quan hệ đằng sau họ; Mạng lưới các hội, đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ và các khách hàng tiềm năng; Mạng lưới các startup khác để có thể liên kết và chia sẻ tài nguyên; Mạng lưới các chương trình kết nối về nguồn vốn, đầu tư…
Khi kết hợp được các yếu tố này, các startup sẽ có cơ hội phát triển bền vững.
Trên tinh thần góp ý và xây dựng, tôi không chỉ đơn thuần đánh giá và nhận xét các startup, mà còn học hỏi từ những góc nhìn mới của các bạn trẻ khởi nghiệp. Họ cũng nhận thấy rằng chia sẻ bí quyết với các dự án đôi khi lại là điều sống còn của họ.
Ông Phạm Hải Quỳnh – Viện trưởng Viện phát triển Du lịch Châu Á (ATI) – Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam
Các dự án thi về du lịch đều thể hiện giá trị văn hóa bản địa, đây là một yếu tố then chốt. Họ cố gắng tái hiện và bảo tồn các giá trị văn hóa, truyền thống của họ, biến chúng thành các sản phẩm du lịch.
Việc kết hợp giữa phát triển du lịch cộng đồng và bảo tồn giá trị cảnh quan thiên nhiên địa phương đã tạo ra nhiều sản phẩm sinh kế mới, từ nông nghiệp đến các nghề truyền thống. Điều này giúp định hướng phát triển kinh tế cho địa phương.
Tuy nhiên, theo tôi, vẫn còn một số điểm yếu cần cải thiện, như: Cách thức đưa cộng đồng tham gia vào dự án chưa phù hợp; Chưa có sự phân chia lợi ích rõ ràng cho cộng đồng; Còn nhiều sự nhầm lẫn giữa du lịch cộng đồng và du lịch dựa vào cộng đồng.
Do vậy, tôi khuyên các bạn, để phát triển du lịch cộng đồng bền vững, cần tập trung vào việc:
Tận dụng tối đa sức mạnh của cộng đồng; Đảm bảo cộng đồng được tham gia và hưởng lợi một cách công bằng; Có định hướng triển khai rõ ràng.
Ông Nguyễn Tiến Trung – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Khởi nghiệp Quốc gia (NSCI)
Theo quan sát của tôi, tại bảng A, các dự án trong đang ở giai đoạn đầu, với ý tưởng mới hoặc đã đưa sản phẩm ra thị trường dưới 1 năm. Các dự án này còn nhiều giả định và chưa có nhiều yếu tố kiểm chứng thực tế từ thị trường.
Chúng tôi khuyến khích các dự án này cần thử nghiệm sản phẩm ở giai đoạn đầu, từ đó mới đưa ra các giả định và kế hoạch kinh doanh phù hợp. Tuy nhiên, một số dự án đã bắt đầu bán hàng và có kế hoạch bán hàng tương đối sát với thực tế.
Nhóm này các bạn cần mô tả rõ hơn về phương thức bán hàng và phân khúc khách hàng mục tiêu để tăng khả năng thành công trên thị trường.
Còn tại bảng B, các dự án đã bán được sản phẩm trên thị trường nhiều năm. Dù vậy, để phát triển mạnh mẽ hơn, các dự án cần làm rõ hơn về các hoạt động bán hàng, đầu tư marketing, xây dựng thương hiệu, chuẩn bị cơ cấu tài chính.
Trong đó, quan trọng nhất là cần xác định rõ phân khúc khách hàng mục tiêu và cách thức tiếp cận họ cũng rất quan trọng.
Ông Nguyễn Thành Huy – Nguyên Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan – Nhà sáng lập Sáng kiến Mầm
Các dự án thi đã phần nào đó thể hiện tinh thần phát triển bền vững. Có nhiều thí sinh đã thể hiện được tư duy và tinh thần hướng tới sự phát triển bền vững trong các ý tưởng và sản phẩm của mình. Tuy nhiên, cần phải thể hiện rõ ràng và cụ thể hơn về cách thức đạt được sự phát triển bền vững này.
Phát triển bền vững không có nghĩa là không phát triển, mà phát triển bền vững không có nghĩa là không tiếp tục phát triển, mà là quay lại với những giá trị cũ và tạo ra những giá trị mới, phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Cùng với đó, nhiều đội thi đã thể hiện được tính thương mại hóa trong các ý tưởng và sản phẩm của mình. Tuy nhiên, vẫn còn một số đề tài và sản phẩm chưa thể hiện rõ ràng sự khác biệt giữa sản phẩm và dịch vụ.
Tôi hy vọng rằng, các đội thi sẽ có thời gian để nghiên cứu, hoàn thiện thêm sản phẩm của mình, nhằm định hình rõ ràng mục tiêu và đối tượng khách hàng mà họ hướng tới.
Ông Nguyễn Đông Triều – Chuyên gia đào tạo của Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao
Nhiều dự án của các thí sinh là đồng bào dân tộc, thì cần có thêm những sự thay đổi về cách mình đóng gói một sản phẩm. Đơn cử như sản phẩm du lịch là vô hình, nên đối với những sản phẩm này thì đã chuẩn bị mọi thứ rồi. Nhưng khi mình bán một sản phẩm du lịch là bán một sự trải nghiệm, do đó cần trình bày, đưa vào một cách rất chi tiết, cụ thể…
Một số hình ảnh các đội thi: