BGK nói gì về các dự án tại bán kết 1 cuộc thi Khởi nghiệp xanh 2024?

Tại vòng bán kết 1 của Cuộc thi Ý tưởng/Dự án khởi nghiệp xanh – Phát triển bền vững 2024, tổ chức tại Đồng Tháp, Ban giám khảo đã đưa ra nhiều nhận xét sâu sắc về các ý tưởng khởi nghiệp xanh, tập trung vào tính sáng tạo, khả năng ứng dụng, và tính bền vững. Một số dự án nổi bật nhờ vào việc áp dụng các công nghệ mới, tuy nhiên, cũng có những ý tưởng cần điều chỉnh về tính khả thi và quy mô thị trường. Ban giám khảo khuyến khích các nhóm thí sinh tiếp tục cải thiện sản phẩm, tập trung vào việc giải quyết vấn đề cụ thể và nâng cao chất lượng mô hình kinh doanh để phù hợp với thị trường thực tế. Các lời khuyên chủ yếu xoay quanh việc làm rõ kế hoạch phát triển, tăng cường tính cạnh tranh và tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ.
Bà Nguyễn Cẩm Chi – Phó Tổng giám đốc điều hành – Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam:
Trong bảng A là các dự án về ý tưởng khởi nghiệp và đã một số dự án đã bắt đầu thương mại, điểm giống những năm trước là các dự án đều đi từ đặc trưng của địa phương. Như ở Đồng Tháp có nhiều sản phẩm từ sen, các các chế phẩm và điều đấy cũng thấy rằng là các bạn rất yêu quê hương mình.
Ngoài ra, năm nay có một điểm khác biệt, các dự án thi nói nhiều đến biến đổi khí hậu, đến Net Zero và có nhiều yếu tố liên quan đến phát triển bền vững. Trong đó có những dự án về tái tạo nhựa, hay làm thế nào để có thể phát triển thêm các sản phẩm tuần hoàn nhiều hơn…
Nhưng tuy nhiên để được thương mại hóa tốt thì còn nhiều điều phải làm. Và khi đến cuộc thi này các dự án đã được những góp ý trên tinh thần xây dựng từ những ban giám khảo tâm huyết.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Viên – Sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty TNHH Hương Đất_thương hiệu rau hữu cơ Happy Vegi:
Dù có nhiều ý tưởng, dự án hay, tuy nhiên để biến thành một dự án khởi nghiệp thực sự có hiệu quả, các dự án cần phải tập trung vào nhiều hơn đến vùng nguyên liệu. Ở đây các bạn chưa cho thấy hết được vùng trồng như thế nào, đạt được cái tiêu chí gì, có minh bạch không… Điều này cũng không quá khó để thực hiện, bởi bây giờ có nhiều tiêu chuẩn của các tổ chức hỗ trợ điều này. Nếu không có tiêu chuẩn đủ để người tiêu dùng an tâm, tin tưởng sẽ rất khó bán sản phẩm và xây dựng, nghiên cứu sản phẩm đạt chuẩn.
Ngay như hệ sinh thái Trung tâm BSA cũng là nơi mà các dự án có thể tìm đến để được tư vấn tốt hơn về tiêu chuẩn vùng trồng, tiêu chuẩn nhà máy sản xuất…
Tôi luôn kỳ vọng ở các bạn thi vòng bán kết thứ nhất này các dự án thi phải rất là rõ về nguyên liệu đầu vào, về ứng dụng những công nghệ mang tính đột phá, mang tính thiết thực.
Một mặt nữa, ở phần kêu gọi vốn đầu tư của các dự án, các dự án định vị mình quá cao, phải hiểu rõ chúng ta ở đâu, bài toán càng chi tiết, rõ ràng thì càng có tính thiết thực và thuyết phục ban giám khảo hơn.
TS Phan Văn Minh – Nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Công nghệ Sinh học Môi trường – Viện Nghiên cứu Công nghệ Sinh học và Môi trường – Trường ĐH Nông lâm TP.HCM:
Dù các sự án ở bảng A còn nhiều hạn chế, tuy nhiên phải thừa nhận là vẫn có những dự án, ý tưởng tốt có thể đưa vào sản xuất lớn hơn, thương mại hóa ở tầm lớn hơn. Đơn cử như một số dự án từ Đồng Tháp, An Giang, cũng dần thể hiện mức độ đa dạng hóa trong sản phẩm. Trong đó có dự án như trà Oolong sen, cá nhân tôi đánh giá khá hay, có tính chiều sâu, bởi các bạn người đã sử dụng cái quy trình sản xuất trà ô long của Đài Loan để vào làm cho trà lá sen. Tuy nhiên còn nhiều điều tôi sẽ hỏi một số dự án, nếu họ tiếp tục được vào vòng trong.
TS Dương Đức Minh – – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch:
Hơn một ngày chấm thi, tôi thấy nổi lên một số nội dung sau:
Thứ nhất là dựa vào nguồn nguyên liệu tại chỗ gắn liền với tài nguyên bản địa, các dự án triển khai thành các hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ có tính ổn định và tính phát triển bền vững. Nhưng ý nghĩa về mặt thương mại hóa thì còn rất là hạn chế.
Thứ hai, các dự án cũng đang cố gắng lồng ghép giá trị công nghệ mới hoặc là những công nghệ mà thế giới đã triển khai để tích hợp vào sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa và kỹ thuật của mình. Từ đây giúp gia tăng cái giá trị cho sản phẩm. Đây là điều chúng ta nên cần khuyến khích tất cả các đội thi, vì họ đưa hàm lượng khoa học, nghiên cứu vào trong đó.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, những thông số, kỹ thuật, dữ liệu mà các thí sinh ở những dự án đưa ra trình bày cần có mang tính minh bạch, những dữ liệu này có ý nghĩa với người tiêu dùng trong tương lai.
Nhiều dự án đi vào các tiêu chí bền vững
Trong phần trình bày từ dự án từ TP.HCM mang tên là “PHYTOPHARM – Sản phẩm kháng khuẩn từ lá bàng kết hợp với vỏ tỏi cho nông nghiệp hiệu suất cao và bên vững”. Nhóm trình bày cho thấy, sản phẩm giúp giải quyết vấn đề tồn dư kháng sinh trong thủy sản, dùng kháng sinh tự nhiên có trong lá bàng và vỏ tỏi. Sản phẩm đạt 4/17 dự án phát triển bền vững từ Liên Hợp Quốc.
Tương tự, có nhiều dự án, dù ban giám khảo cho rằng, các bạn nâng tầm dự án mình một cách cao so với thực tế, nhưng không thể nhìn nhận, các dự án này đều mong muốn thực hiện thay đổi môi trường, năng lượng, CO2, metan, rơm rạ, lục bình….
Một số dự án như: “Green Choice – The Green Journey from Waste to Sustainable Value– Bộ sản phẩm tuần hoàn từ sầu riêng”;  “Vật liệu lọc nhuyễn thể Ecoshell Filter”; “Ứng dụng vi sinh vật hữu hiệu trong phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn tại địa phương thích ứng biến đổi khí hậu”; “Hệ thống quan trắc phát thải khí CO2 và khí CH4 từ cây lúa theo thời gian thực”; “LucbinhGauze: Băng gạc Sinh học từ cây Lục Bình”; “Hệ thống thu gom và xử lý nước mưa thích ứng biến đổi khí hậu”…
Một số hình ảnh tại buổi thi:
Bài, ảnh: Trần Quỳnh