Bhutan chơi canh bạc Bitcoin để thoát nghèo?

Nguồn tài nguyên thủy điện của Bhutan là chìa khóa then chốt để đất nước khai thác Bitcoin thành công. Ảnh: Reuters

Vương quốc nhỏ bé trên dãy Himalaya đang bắt tay vào một dự án khai thác tiền mã hóa với mong muốn xây dựng một nền kinh tế có thu nhập cao trong thế kỷ 21 này. Nếu thành công, đây sẽ đất nước thứ hai trên thế giới sau El Salvador trực tiếp vận hành đào mỏ Bitcoin.

Chính phủ Bhutan hy vọng sẽ đa dạng hóa và tiến vững trên con đường xây dựng một nền kinh tế có thu nhập cao trong thập niên tới. Bhutan đang xem xét các cơ hội – không chỉ đối với các loại tiền tệ công nghệ số như Bitcoin mà cả ở các lĩnh vự như trí tuệ nhân tạo, người máy và công nghệ sinh học. Hệ thống giáo dục cũng đang được cải cách để nhấn mạnh tư duy phản biện, tính sáng tạo và hiểu biết về kỹ thuật số, với các bài học viết code cho học sinh từ 8 tuổi trở lên.

Giấc mơ đổi đời

Bhutan đã hợp tác với tập đoàn công nghệ Bitdeer được niêm yết trên Nasdaq, có trụ sở tại Singapore, để phát triển một trang trại khai thác Bitcoin có sức tiêu thụ đến 600 MW điện. Bitdeer dự định thành lập một quỹ đóng vào cuối tháng 5, nhằm huy động 500 triệu USD từ các nhà đầu tư quốc tế cho dự án. Một nguồn tin đã xác nhận rằng đợt gây quỹ đã tiến hành như dự định.

CEO Ujjwal Deep Dahal của Druk Holding & Investments (DHI) – cơ quan chính phủ hợp tác với Bitdeer – cho rằng: “Mặc dù Bhutan phải đối mặt với những hạn chế về địa lý và thách thức về lưu thông với bên ngoài, do không giáp biển và nhiều đồi núi, nhưng năng lượng xanh tương đối rẻ hơn của quốc gia này mang đến cơ hội đầu tư vào tài sản kỹ thuật số để xây dựng một nền kinh tế bền vững và kết nối hơn”.

Vị CEO cũng nói rằng việc hợp tác giúp nhân lực địa phương đào sâu chuyên môn, bắt kịp các trào lưu công nghệ và giúp công dân tham gia vào nền kinh tế toàn cầu hiện đại từ bên trong Bhutan.

Việc chuyển sang ngành khai thác tiền điện tử đầy tranh cãi diễn ra trong bối cảnh vương quốc nhỏ bé có nền kinh tế lạc hậu này vẫn đang phục hồi sau những năm Covid, khiến nền kinh tế bị thu hẹp 10% vào năm 2020. Dự trữ ngoại tệ giảm, các khoản nợ xấu trong lĩnh vực sản xuất và du lịch các ngành đã tăng lên, và tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đạt 29% vào năm ngoái.

Các hệ quả này đã phủ bóng đen lên “câu chuyện thành công về phát triển” của Bhutan, như cách nói của Ngân hàng Thế giới. Ước tính 12,4% trong tổng dân số 786.000 người của vương quốc sống dưới chuẩn nghèo quốc gia (3,2 USD/ngày) trong năm ngoái, tăng gấp rưỡi từ mức 8,2% vào năm 2017 – theo khảo sát của chính phủ Bhutan.

Tăng trưởng được dự báo ở mức 4,6% trong năm nay. Tuy nhiên, du lịch – ngành mang lại doanh thu lớn thứ hai của đất nước – dự kiến sẽ không đạt mức trước đại dịch cho đến năm 2025 do các quy định mới (tăng thuế du lịch từ 65 USD lên 200 USD/ngày/du khách chưa kèm các chi phí khác) và sự phục hồi chậm trong hoạt động du lịch toàn cầu.

Đối với thợ đào tiền điện tử, nguồn năng lượng xanh có chi phí tương đối thấp của Bhutan – chủ yếu từ thủy điện, khiến “vương quốc hạnh phúc” này trở thành một điểm đến hấp dẫn.

Trong một thông cáo hồi tháng 5-2023, tỷ phú Trung Quốc Jihan Wu, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ Bitdeer, nói rằng: “Chúng tôi rất vui mừng được hợp tác với DHI trong việc tiếp cận nguồn năng lượng không phát thải của Bhutan để kích hoạt bền vững các công nghệ chuỗi khối, tạo nền tảng bất biến cho kho lưu trữ giá trị toàn cầu”.

Hoạt động khai thác chiếm 100 MW đầu tiên dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 9 sắp tới, trước khi đạt 600 MW trong ba năm tới. Điện sẽ được bán cho nhà điều hành trang trại khai thác Bitcoin với giá thỏa thuận.

Với công suất 100 MW, dự án sẽ là nơi tiêu thụ năng lượng lớn nhất của vương quốc. Khi lên đến 600 MW, dự án sẽ sử dụng nhiều năng lượng hơn so với phần còn lại của quốc gia cộng lại. Nhu cầu cao nhất của Bhutan được ghi nhận vào khoảng 488 MW vào tháng 12-2021, theo dữ liệu của Tập đoàn Điện lực Bhutan.

Bhutan có công suất thủy điện lắp đặt khoảng 2.400 MW và bán đến 80-85% sản lượng thủy điện cho Ấn Độ vào mùa hè. Vào mùa đông, họ phải nhập khẩu điện từ láng giềng khi công suất phát điện giảm xuống còn khoảng 414 MW. Nhưng nguồn cung ổn định sẽ tăng lên sau khi một nhà máy điện mới 118 MW đi vào hoạt động vào cuối năm nay và một cơ sở 1.020 MW khai trương vào tháng 10-2024.

Hiện tại, sản lượng điện theo mùa đã được bàn trong thỏa thuận với Bitdeer: Nhu cầu tiêu thụ điện trong nước được ưu tiên hàng đầu và các hoạt động sẽ ngừng hoạt động vào mùa đông khi lượng điện giảm.

Mặc dù vốn chủ sở hữu của Bhutan trong dự án sẽ nhỏ, nhưng thỏa thuận này hứa hẹn sẽ tạo ra một nguồn ngoại tệ từ việc bán điện, thuế và chia sẻ lợi nhuận. Kế hoạch là sử dụng số tiền này để tăng cường hơn nữa mạng lưới điện và mạng lưới viễn thông.

Dự án sẽ tạo ra 300-400 việc làm. “Đây sẽ là mở đầu cho một ngành hoàn toàn mới, trong đó chúng tôi có thể thiết lập các trung tâm tài nguyên để xem xét kỹ hơn về thiết kế tài sản và chuỗi khối, đồng thời liên lạc với trường đại học của Bhutan để xây dựng các dự án R&D”, CEO Dahal của DHI nói.

Nông sản bày bán trên đường cao tốc Thimphu – Paro. Hơn 50% dân số Bhutan sống nhờ vào nông nghiệp. Ảnh: Nikkei Asia

Canh bạc Bitcoin

Chip bán dẫn đã trở thành mặt hàng nhập khẩu hàng đầu trong hai năm 2021 và 2022 – theo dữ liệu từ Bộ Tài chính Bhutan.

Bhutan nhập lượng chip máy tính trị giá 142 triệu USD năm 2022, chiếm hơn 10% tổng giá trị nhập khẩu và tương đương 15% ngân sách hàng năm (khoảng 930 triệu USD), trong khi năm 2020 chỉ là 1,1 triệu USD. Các nguồn tin trong ngành công nghiệp tiền số nói lượng chip này có thể đủ dùng cho trung tâm dữ liệu có diện tích bằng nhiều sân bóng đá.

Tuy nhiên, sự phấn khích đi kèm với một số lo lắng về việc sử dụng các nguồn lực quốc gia để tham gia vào một ngành công nghiệp mà ít người thực sự am hiểu và không thể lường trước. Nhiều quốc gia đã hăm hở này vào khai thác tiền số hóa và đã gặp vấn đề.

Tại đất nước Kazakhstan ở Trung Á, sự bùng nổ đột ngột trong hoạt động khai thác tiền điện tử đã gây căng thẳng cho lưới điện, dẫn đến mất điện cục bộ và góp phần gây ra các cuộc biểu tình làm rung chuyển đất nước vào tháng 1-2022. Một số quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc – nơi vốn đứng đầu ngành công nghiệp “cờ bạc” này, đã cấm các trang trại Bitcoin hoạt động vì chúng ngốn lượng năng lượng khổng lồ.

Riêng thợ đào sẽ đối mặt với thiệt hại đáng kể trong những tháng mùa đông. “Mỏ đào đóng cửa dài hạn khiến họ không thể bù lại vốn đầu tư. Máy đào không chạy đồng nghĩa với không có tiền”, như cảnh báo của nhà nghiên cứu kinh tế Alex de Vries thuộc Đại học Vrije ở Amsterdam, Hà Lan.

Kế đến, sự biến thiên liên tục giá trị của các loại tiền mã hóa cần phải được xem xét thấu đáo. Năm 2021, giá trị của Bitcoin đã giảm từ 68.000 USD xuống còn 17.000 USD. Năm nay, giá Bitcoin đã bật lên trở lại ngưỡng 30.000 USD và hiện xoay quanh mức 25.000 USD.

Hồi tháng 4, chính cơ quan DHI đã bị chỉ trích mạnh mẽ khi sự phá sản của BlockFi – một nền tảng giao dịch tiền mã hóa – đã lộ ra rằng DHI đã bí mật đầu tư và giao dịch các tài sản kỹ thuật số. CEO Dahal thừa nhận rằng Bhutan đã tham gia thị trường khi Bitcoin được giao dịch ở mức khoảng 5.000 USD vào năm 2019.

Dahal nhấn mạnh rằng DHI nhận thức được những cạm bẫy. “Chúng tôi có sẵn một khuôn khổ quản lý rủi ro chặt chẽ và chúng tôi cần quan tâm đến những gì nằm trong tầm kiểm soát. Đó là vận hành khai thác tiền mã hòa một cách hiệu quả nhất có thể. Và với Bitdeer là đối tác, chúng tôi tự tin có thể làm tốt điều đó”.

Nhiều người ở Bhutan coi việc khai thác Bitcoin là một rủi ro đáng chấp nhận, vì nguồn cung ngoại tệ ít ỏi của vương quốc trên cao này. Do đó, khai thác Bitcoin là khao khát, ít nhất là trên lý thuyết. Trong số 21 triệu Bitcoin có thể có, hơn 19 triệu đã được khai thác, một số người cho rằng vẫn tồn tại nhu cầu cho phần chưa khai thác. Một số người cũng đang tin tưởng rằng tiền mã hóa sẽ trở thành xu hướng chủ đạo.

Tshering Cigay, cựu CEO của trung tâm phát triển công nghệ thông tin Thimphu Techpark, cho rằng: “Bhutan nên tham gia vào ngành khai thác tiền mã hóa”. Ông cho biết trong thời gian ông tại nhiệm, Techpark đã nhận được một số đề nghị từ nước ngoài về việc thành lập các trang trại khai thác Bitcoin.

“Bhutan nên tận dụng lợi thế cạnh tranh và đa dạng hóa thị trường năng lượng của mình. Dù vậy, thật khó để nói về chuyện buôn bán hay đánh đổi”, Cigay cảnh báo.


Lâu đài Tashichho Dzong từ thế kỷ 17 ở thung lũng Thimphu hiện là nơi đặt trụ sở của chính phủ Bhutan.
Ảnh: Nikkei Asia

BOX: Cú sốc 200 USD!

Theo trang The Bhutanese, từ ngày 23-9-2022 – một tháng sau khi Bhutan mở cửa du lịch và bắt đầu thu phí phát triển bền vững (SDF) – đến đầu tháng 4 vừa rồi, có 36.251 khách du lịch đến nước này. Trong đó, 6.990 người trả mức thuế SDF 200 USD/ngày, hơn 8.000 người trả theo mức thu cũ 65 USD/ngày do hồ sơ xin visa được thông qua trước khi luật mới ban hành. Phần còn lại trả mức thuế du khách khu vực, như khách Ấn Độ chẳng hạn, chỉ 16 USD/ngày. Khách Ấn Độ chiếm 60-70% lượng du khách nước ngoài đến Bhutan.

Việc thuế SDF tăng vọt hơn ba lần cũng gặp sự phản ứng của ngành du lịch Bhutan.

Sonam Maekay Penjor, Chủ tịch Hiệp hội Nhà hàng khách sạn Bhutan, nói: “Chúng tôi đã yêu cầu chính phủ không tăng thuế. Nếu muốn tăng thuế thì hãy tăng từ từ, có thể là tối đa 100 USD. Chúng tôi đã đệ trình điều này lên quốc hội trước khi dự luật được ban hành”.

Nhưng chính phủ đã khước từ và cho rằng đây là thời điểm để thiết lập lại cỗ máy kinh doanh mới. Các quan chức cho rằng sẽ mất từ hai đến ba năm để du lịch toàn cầu phục hồi hoàn toàn và cho biết Bhutan có thể sử dụng thời gian này để nâng cấp các dịch vụ du lịch và cơ sở hạ tầng bằng tiền thuế thu được.

Trong năm 2019, Bhutan đón khoảng 340.000 du khách trên dân số hơn 770.000 người trong năm 2019, mang lại nguồn ngoại tệ 89 triệu USD.

Nguồn: Nikkei Asia, Forbes, The Bhutanese

Ricky Hồ / BSA