(Vietnamtimes) “Chắc chắn năm 2020 sẽ hoàn thành cơ sở dữ liệu dân cư, khi đó Bộ Công an sẽ đề xuất bỏ sổ hộ khẩu”, Trung tướng Trần Văn Vệ cho biết
Sáng 7/11, Bộ Công an đã tổ chức họp báo về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư; trong đó có thông tin về xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư, lộ trình “khai tử” sổ hộ khẩu, CMND và nhiều thủ tục hành chính khác…
Tại buổi họp báo, Trung tướng Trần Văn Vệ cho biết, trước khi xây dựng Luật căn cước công dân, Bộ Tư pháp, Bộ Công an được Chính phủ thảo luận rất kỹ. Chính phủ giao Bộ Công an quản lý bởi vì cơ sở dữ liệu quốc gia được xác định là để dung quản lý chung về 15 thông tin cơ bản của công dân. Vì Bộ Công an có cơ sở dữ liệu bằng giấy tờ: hồ sơ hộ khẩu… quản lý từ trung ương tới địa phương. Dữ liệu này sẽ phục vụ cho tất cả các thủ tục hành chính của các ngành khác.
Bộ Công an có 2 cơ sở dữ liệu về dân cư và căn cước, cơ sở dữ liệu hộ tịch năm 2017 đã cấp cho trẻ sơ sinh tại 17 tỉnh. Việc cấp cơ sở dữ liệu hộ tịch cho trẻ sơ sinh rất nhanh, chỉ mất vài phút. Đây chính là dữ liệu xác định số định danh cá nhân.
Trước khi xây dựng đề án, Bộ Công an, Tư pháp tổng hợp tại 24 bộ ngành, có hơn 1.400 thủ tục hành chính, các bộ thống nhất sửa đổi nội dung 201 tờ khai, đơn giản hóa hơn 220 giấy tờ hóa đơn, đề xuất đơn giản hóa hơn 406 thủ tục hành chính. Đây là dự án công nghệ thông tin đầu tiên quy mô quản lý trên cả nước.
Bộ Công an đã thí điểm tại Hải Phòng, do đó có kinh nghiệm trong quản lý dân cư, mô hình thực hiện sẽ được nhân rộng tại các tỉnh, thành, huyện, xã địa phương. Vì vậy, chậm trễ trong thủ tục cấp thẻ căn cước thời gian không ảnh hưởng tới việc xây dựng cơ sở dữ liệu công dân. Chính phủ giao trong 2 năm sẽ hoàn thành, tuy nhiên sẽ có nhiều khó khăn nhưng Bộ Công an sẽ cố gắng hoàn thành trong 2-3 năm tới.
Cũng theo Trung tướng Trần Văn Vệ, việc thay CMND bằng thẻ căn cước tới 1/1/2020 sẽ cấp trên toàn quốc. Việc thay CMND bằng thẻ căn cước không có nghĩa là xóa bỏ CMND hoàn toàn.
Trường hợp người dân chưa đổi sang thẻ căn cước vẫn có thể dùng CMND làm giấy tờ tùy thân, việc này sẽ được cơ quan công an thông báo, đề nghị thay đổi sau đó. Việc bỏ sổ hộ khẩu, phấn đấu 2-3 năm khi cơ sở dữ liệu hoàn thành sẽ thực hiện. Khi đó, các cơ quan Nhà nước sẽ sử dụng dữ liệu này để giải quyết các thủ tục cho người dân. “Chắc chắn năm 2020 sẽ hoàn thành cơ sở dữ liệu dân cư, khi đó Bộ Công an sẽ đề xuất bỏ sổ hộ khẩu”, tướng Vệ nói.
Thiếu tướng Lương Tam Quang Chánh văn phòng Bộ Công an cho biết, Nghị quyết 112/NQ-CP nói về hạn chế thủ tục hành chính trong 8 lĩnh vực, trong đó 2 lĩnh vực được người dân và dư luận quan tâm nhất là: cấp quản lý CMND và đăng ký quản lý cư trú. Việc cấp CMND, Nghị quyết quy định bãi bỏ các thủ tục cấp, thay thế số CMND bằng số định danh cá nhân. Có nghĩa, ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký, quản lý cư trú
“Ở đây là thay đổi cách quản lý. Bỏ sổ hộ khẩu, CMND không có nghĩa bỏ quản lý mà thay cách quản lý thủ công bằng việc áp dụng công nghệ vào quản lý để hạn chế thủ tục hành chính. Bộ Công an đã đề xuất Chính phủ, Quốc hội thay đổi Luật Cư trú và Luật sửa đổi Luật cư trú, sửa đổi 5 thông tư liên tịch, 18 thông tư của Bộ Công an”, Thiếu tướng Lương Tam Quang nói.
Trước đó, ngày 30/10 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP, trong đó có nội dung bãi bỏ hộ khẩu nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Theo đó, thủ tục đăng ký thường trú sẽ bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là “sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thay thế bản khai nhân khẩu (HK01), phiếu báo thay đổi hộ khẩu nhân khẩu (HK02) ban hành kèm theo Thông tư số 36/2014/TT-BCA ngày 9/9/2014 của Bộ Công an quy định về biểu mẫu sử dụng trong đăng ký, quản lý cư trú bằng một biểu mẫu mới bao gồm: nội dung về thay đổi nơi đăng ký thường trú, nơi ở hiện nay và các thông tin về công dân có thay đổi so với thời điểm khai phiếu thu thập thông tin dân cư (nếu có), giảm tải các thông tin đã khai thác được trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bỏ giấy chuyển hộ khẩu (HK07); Bỏ giấy tờ chứng minh về mối quan hệ gia đình, giấy khai sinh đối với trẻ em đăng ký thường trú. Thủ tục đăng ký tạm trú tại công an cấp xã sẽ bãi bỏ hình thức quản lý dân cư tạm trú bằng “sổ tạm trú” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân.
Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là “sổ tạm trú” và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bãi bỏ các thủ tục hành chính này quy định tại Luật Cư trú; Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18/4/ 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú; Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 9/9/2014 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 31/2014/NĐ- CP ngày 18/4/ 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú.
Theo Tiền Phong