(Vietnamtimes) Ông Hoàng Khải thừa nhận lẽ ra tại cửa hàng phải có khăn lụa “Khaisilk made in Việt Nam” và “Khaisilk made in Trung Quốc” cho người tiêu dùng dễ chọn lựa, chứ không thể đánh lận con đen.
Báo cáo trước ngày 28/10
Trang Thông tin Chính phủ mới đây cho biết mấy ngày qua, các phương tiện truyền thông, báo chí đã đưa tin và đề cập đến vụ việc một cửa hàng tại Hà Nội của Tập đoàn Khaisilk bán khăn vừa có mác “Made in Vietnam” vừa có mác “Made in China”.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh vừa chỉ đạo Cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra, xem xét và làm rõ các thông tin trên; nếu có dấu hiệu vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa, hàng giả, hàng nhái, bảo vệ người tiêu dùng, các đơn vị đề nghị ngay hướng xử lý.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu Cục Quản lý thị trường báo cáo Bộ trưởng trước gày 28/10/2017.
Đã nhập lụa Trung Quốc từ lâu
Trả lời phỏng vấn Zing chiều 25/10, doanh nhân Hoàng Khải – chủ thương hiệu Khaisilk thừa nhận có bán lụa tơ tằm xuất xứ Trung Quốc và lên tiếng xin lỗi người tiêu dùng.
Trước kia lụa vốn là sản phẩm cốt lõi làm nên thương hiệu riêng của Khaisilk. Tuy nhiên, “khi mở rộng ra nhiều lĩnh vực và vùng miền, khả năng quản lý doanh nghiệp của tôi còn hạn chế. Tôi đã không bao quát được tất cả lĩnh vực và gần như không để ý nhiều đến mảng kinh doanh lụa nữa, dù đây là sản phẩm làm nên thương hiệu Khaisilk.
Và sai lầm tôi phải chịu. Tôi không trốn tránh gì trách nhiệm mà đang đối diện với những sai lầm của mình. Tôi cúi đầu xin lỗi khách hàng với tư cách là chủ tịch tập đoàn”, ông Hoàng Khải nói.
Về hướng giải quyết, ông Hoàng Khải cho biết sẽ thu hồi và bồi thường các sản phẩm đã bán ra thị trường có xuất xứ Trung Quốc nếu khách hàng có mong muốn đổi trả.
Chia sẻ câu chuyện kinh doanh, ông Hoàng Khải cho biết đã nhập lụa Trung Quốc từ lâu do ngành sản xuất tơ lụa của Việt Nam suy thoái khiến doanh nghiệp không thể tìm đủ nguồn hàng phù hợp với chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng ở các làng nghề. Trong khi đó nhu cầu thị hiếu của thị trường luôn luôn thay đổi và đòi hỏi cao hơn. Do vậy ông quyết định sang Trung Quốc tìm nguồn hàng nhập về.
Ông nói mình chỉ nghĩ đơn giản các thương hiệu nổi tiếng đều nhập hàng từ Trung Quốc về phân phối ở các nước khác bằng tên của họ.
“Cái sai của tôi là khi thấy các thương hiệu lớn của nước ngoài đặt hàng, may sản phẩm tại Trung Quốc vẫn bán với thương hiệu của họ thì mình có thể đặt hàng may tơ lụa Trung Quốc về bán với thương hiệu Khaisilk mà không làm rõ xuất xứ hàng hóa”. Trong khi lẽ ra tại cửa hàng phải có “Khaisilk made in Việt Nam” và “Khaisilk made in Trung Quốc” chứ không thể đánh lận con đen.
Theo ông Hoàng Khải, hiện nguồn tơ lụa trong hệ thống của Khaisilk là nhập khẩu 50%. 50% còn lại nhập từ các làng nghề nổi tiếng của Việt Nam, chủ yếu là làng Nha Xá (Hà Nam).
Cuối cùng, ông nhấn mạnh mảng lụa đã gắn bó và làm nên thương hiệu của riêng ông và là “hồn cốt” của doanh nghiệp nên dù có biến cố gì cũng cương quyết gìn giữ và gầy dựng lại bằng mọi giá, từ từ sản xuất, phân phối và quản lý, vẫn nhập hàng ở nơi khác về nhưng sẽ ghi rõ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm…
“Tôi không bao giờ muốn khách hàng nghĩ là chúng tôi đánh lừa họ”, ông Hoàng Khải nói trên Zing.
Hàng xuất đi Hong Kong nên có nhãn “made in China”?
Cách đây vài ngày, một doanh nghiệp ở Hà Nội cho biết đã mua sản phẩm của Khaisilk tại cửa hàng số 113 trên phố Hàng Gai (Q.Hoàn Kiếm) để làm quà tặng cho đối tác. Số khăn tay lụa tơ tằm Việt Nam thương hiệu Khai Silk (kích thước 50 x 50 cm), giá 644.000 đồng/chiếc.
Khách sau khi nhận hàng phát hiện một chiếc khăn trong lô hàng 60 chiếc này có gắn 2 nhãn mác khác nhau: một nhãn ghi “Khaisilk made in Vietnam” còn một nhãn ghi “made in China”. Khi kiểm tra 59 chiếc khăn còn lại khách hàng phát hiệu dấu hiệu cắt mác cùng màu với dòng chữ “made in China”.
Nhận được phản ánh của khách hàng, đại diện cửa hàng trên khẳng định chất liệu khăn được làm từ 100% lụa tơ tằm.
Về việc có gắn mác với nội dung “made in China” là do nhân viên bộ phận kho khi soạn lô 60 khăn cho đơn hàng, thấy bị thiếu một chiếc đã lấy ngay trên máy may đang sản xuất khăn cho một khách hàng khác mà không kiểm tra kỹ. Đơn hàng bị lấy nhầm lại đang sản xuất 350 chiếc cho một khách hàng khác ở Hong Kong, được may nhãn “made in China” là theo yêu cầu của khách.
P.V tổng hợp