Bộ trưởng Lê Minh Hoan và chuyện nhỏ khởi nghiệp thứ ba: ‘Chuyện thác Bản Giốc’

>> Bộ trưởng Lê Minh Hoan và ‘hai câu chuyện nhỏ khởi nghiệp’

BSA vừa tổ chức vòng thi bán kết thứ 3 về ý tưởng và dự án khởi nghiệp xanh khu vực phía Bắc tại trường Đại học Thuỷ lợi, tôi lại không thu xếp tham dự được, nên hơi bị “nóng máu”, và lại phải gõ vội mấy dòng.

Câu chuyện thứ ba: chuyện thác Bản Giốc

Đi trải nghiệm non nước Cao Bằng, sau khi viếng thăm hang Pắc Bó thì không thể không đến thác Bản Giốc, một điểm du lịch nổi tiếng ở xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh. Thác nước hùng vĩ chảy xuống dòng sông Quây Sơn, bên kia là đất nước bạn. Đến Bản Giốc còn là địa điểm thiêng liêng của đất nước.

Thăm Trùng Khánh mới biết nơi đây còn có một đặc sản nổi tiếng là gạo nếp ong, bông dài hạt to. Loại lúa nếp này hưởng thụ không khí mát mẻ trong lành, thổ nhưỡng màu mỡ của miền biên ải. Đặc biệt, để giữ trọn những hạt thóc quý, bà con dân tộc thu hoạch theo phương pháp cổ truyền, cắt từng bông lúa, buộc thành từng bó nhỏ đem về treo trên gác, hiên nhà. Từ loại nếp dẻo thơm này, bà con đồ thành xôi ngũ sắc cũng là đặc sản bao đời trong vùng.

Gạo nếp ong (tên địa phương là Khẩu Phjẩng) là đặc sản nổi tiếng của huyện Trùng Khánh. Loại lúa nếp đặc sản này được trồng chủ yếu ở các xã Ngọc Côn, Ngọc Khê, Phong Châu, Đình Phong, Chí Viễn… Trong ảnh: Nếp ong và sản các món ăn truyền thống của người dân địa phương được làm từ nếp ong. Ảnh: Báo Cao Bằng.

Đây là câu chuyện giàu cảm xúc của một đặc sản địa phương nhưng rất tiếc không được đưa lên bao bì. Người tiêu dùng không phân biệt được sự khác biệt độc đáo của loại đặc sản này ngoài những thông tin như: không phân bón hoá học, không thuốc bảo vệ thực vật, không chất tạo mùi, không chất bảo quản. Trong một túi gạo nhỏ của nước ngoài người ta còn định vị xuất xứ sản phẩm bằng một chấm đỏ trên bản đồ quốc gia, kèm theo những câu chuyện về đặc sản đó.

Ngày nay, người ta không chỉ mua sản phẩm mà mua “câu chuyện tạo ra sản phẩm” đó, câu chuyện về người nông dân bản địa thực hiện quy trình sản xuất thu hoạch, bảo quản. Câu chuyện càng giàu cảm xúc càng đi vào tâm trí người tiêu dùng. Câu chuyện càng khác biệt giá cả càng khác biệt. Câu chuyện càng đặc biệt càng dễ truyền thông, quảng bá sản phẩm đến thị trường.

Khi ấy chuyển từ bán giá cả sang bán giá trị. Hãy bán sự khác biệt!

Cuộc thi Ý tưởng/Dự án khởi nghiệp xanh – Phát triển bền vững lần 10/2024 do Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp – BSA, Công ty Cổ phần Vinamit, Tập đoàn cà phê Trung Nguyên và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức. Trải qua 3 ngày thi, 6-8/10, Vòng bán kết 3 Cuôc thi Ý tưởng/Dự án khởi nghiệp Xanh – Phát triển bền vững tổ chức tại tòa nhà VCCI (Hà Nội), đã tìm ra 14 ý tưởng/dự án cuối cùng vào vòng chung kết. Trước đó, từ ngày 13-15/9, vòng bán kết thứ nhất được tổ chức tại Khu vực đồng bằng sông Cửu Long (tỉnh Đồng Tháp), đã tìm ra 13 dự án đầu tiên lọt vào vòng Chung kết. Vòng bán kết ở Đắk Lắk trong 2 ngày 21-22/9 đã tìm ra 9 dự án vào vòng chung kết.

Lê Minh Hoan*

———–

(*) Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.