Chỉ trong một năm, nền tảng thương mại điện tử Temu của Trung Quốc đã có bước tiến đáng kể ở thị trường Đông Nam Á. Ban đầu là vào Philippines tháng 6-2023, Malaysia tháng 9-2023 và Thái Lan cuối tháng 7-2024 vừa rồi, với các khoán giảm giá lên đến 90%.
“Lý lịch” của Temu khá phức tạp, giống như các nền tảng TikTok và Shein của Trung Quốc né tránh đối đầu Mỹ – Trung đã đăng ký ở Singapore. Temu đăng ký tại Boston, Mỹ vào tháng 9-2022, và thuộc sở hữu của Tập đoàn Pinduoduo của Trung Quốc. Nhưng Pinduoduo lại đăng ký ở quần đảo Cayman – lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh ở vùng biển Caribbean, Bắc Mỹ.
Tiến sĩ Majo George, giảng viên cấp cao ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Đại học RMIT đã trao đổi với chúng tôi vì sao Temu lại có thể bán hàng giá siêu rẻ và Việt Nam và các nước bảo vệ hàng nội địa như thế nào:
Chúng ta có thể giải thích như thế nào về phản ứng của người tiêu dùng, người bán hàng và doanh nghiệp trong khu vực? Có phải tất cả chúng ta đều cảm thấy sốc khi thấy Temu giảm giá đến 90%?
Các động thái tiếp cận thị trường của Temu với mức chiết khấu (giảm giá) đến 90% đã gây những phản ứng trái chiều đối với người tiêu dùng, doanh nghiệp và chính phủ các nước. Tình hình này phản ánh sự phức tạp và thách thức của quá trình thâm nhập thị trường nhanh chóng.
Temu cung cấp mức giảm giá “khủng” là do nền tảng này đã tận dụng được mạng lưới chuỗi cung ứng rộng lớn ở Trung Quốc, cung cấp sản phẩm với chi phí thấp đáng kể. Thứ đến, nền tảng này vận hành với chi phí tiếp thị và chi phí hoạt động tối thiểu, do quy mô của tập đoàn mẹ Pinduoduo, cũng là “bầu sữa” của Temu. Ngoài ra, mô hình bán hàng trực tiếp giúp loại bỏ các bên trung gian, giúp cắt giảm chi phí. Temu đã kết hợp và chuyển trực tiếp cả ba khoản tiết kiệm này cho người tiêu dùng, hạ giá bán sản phẩm và tạo cuộc chiến giá cả trên thị trường.
Các đợt giảm giá lớn của Temu đã thu hút một lượng lớn người tiêu dùng Đông Nam Á, đặc biệt là những người nhạy cảm về giá. Tuy nhiên, sự hào hứng mua hàng thường bị cảm giác hoài nghi kiềm hãm. Người tiêu dùng ASEAN cảnh giá với chất lượng và tính xác thực của các sản phẩm giá cực thấp, lo ngại các món hàng có chi phí ẩn như nguyên vật liệu kém chất lượng, tuổi thọ sản phẩm ngắn hoặc dịch vụ hậu mãi không đầy đủ. Sự cảnh giác này đặc biệt rõ rệt ở những thị trường mà người tiêu dùng ngày càng thông minh và nhận thức được những cạm bẫy tiềm ẩn của những món hời quá tốt để có thể là sự thật.
Đối với các doanh nghiệp địa phương và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại Đông Nam Á, sự gia nhập thị trường của Temu đặt ra một thách thức to lớn. Khả năng hạ giá các nhà bán lẻ Trung Quốc trên Temu đã tạo ra áp lực rất lớn, buộc doanh nghiệp các nước sở tại phải thích nghi nhanh chóng. Nhiều nhà bán hàng (merchant) địa phương phải tập trung vào các chiến lược khác biệt hóa để tồn tại.
Doanh nghiệp buộc phải chú trọng chất lượng hơn, hàng có nguồn gốc xác thực và dịch vụ khách hàng vượt trội – những điều mà Temu có thể còn thiếu sót. Doanh nghiệp cũng sẽ có sự thay đổi đáng chú ý, hướng tới các hoạt động bền vững và nguồn cung ứng tại địa phương khi các doanh nghiệp nỗ lực thu hút nhóm người tiêu dùng có lương tâm hơn. Trong một thị trường ngày càng cạnh tranh, sự đổi mới và tính linh hoạt không còn chỉ là lợi thế mà còn là nhu cầu thiết yếu để tồn tại.
Tại sao Đông Nam Á phải lo sợ về sự tràn ngập của các sản phẩm Trung Quốc giá rẻ nhưng kém chất lượng trên đất nước mình? Khi các mặt hàng do Trung Quốc sản xuất đạt tiêu chuẩn nhưng giá rẻ, liệu chúng ta có nên tiếp tục mua hay không?
Một trong những mối quan ngại đáng kể nhất phát sinh từ việc Temu mở rộng kinh doanh là khả năng tràn ngập các sản phẩm Trung Quốc kém chất lượng ở Đông Nam Á. Mặc dù mức giá thấp có thể hấp dẫn người mua trong ngắn hạn, nhưng trong dài hạn lại làm suy yếu lòng tin và an toàn cho người tiêu dùng.
Rủi ro tràn ngập thị trường bằng hàng hóa giá rẻ, chất lượng thấp là một mối quan ngại nghiêm trọng, bởi điều này có thể dẫn đến sự gia tăng các sản phẩm không an toàn hoặc gây hại cho môi trường, cuối cùng làm xói mòn lòng tin của người tiêu dùng vào hệ sinh thái thương mại điện tử rộng lớn hơn.
Làm thế nào chúng ta có thể đẩy lùi hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và bảo vệ sản xuất trong nước?
Các chính phủ và cơ quan quản lý trên khắp Đông Nam Á được khuyến khích thực hiện các biện pháp chủ động để bảo vệ chất lượng và sự an toàn của hàng hóa nhập khẩu. Điều này bao gồm việc thực thi nghiêm ngặt hơn các tiêu chuẩn hiện hành và đưa ra các quy định mới để đảm bảo rằng chỉ những sản phẩm đáp ứng các tiêu chí chất lượng nghiêm ngặt mới được phép đưa vào thị trường.
Để giảm thiểu các rủi ro liên quan đến sự mở rộng của Temu, Đông Nam Á cần áp dụng một chiến lược toàn diện và đa phương:
1/ Tăng cường quản lý: Các chính phủ cần tăng cường và thực thi nghiêm ngặt các tiêu chuẩn sản phẩm để ngăn chặn sự xâm nhập của hàng hóa kém chất lượng. Điều này bao gồm thử nghiệm nghiêm ngặt, quy trình chứng nhận và yêu cầu dán nhãn chính xác đối với các sản phẩm nhập khẩu.
2/ Quảng bá thương hiệu địa phương: Các thương hiệu địa phương nên được ủng hộ thông qua các chiến dịch tiếp thị có mục tiêu nhấn mạnh vào chất lượng, tính bền vững và sự liên quan đến văn hóa. Xây dựng lòng trung thành với thương hiệu mạnh mẽ sẽ rất quan trọng để cạnh tranh với mức giá thấp do các nền tảng nước ngoài như Temu cung cấp.
3/ Hỗ trợ cho các doanh nghiệp SME: Cung cấp hỗ trợ tài chính, nâng cấp công nghệ và tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ giúp họ cạnh tranh hiệu quả hơn với các gã khổng lồ toàn cầu. Sự hỗ trợ này rất cần thiết để duy trì tính đa dạng và khả năng phục hồi của thị trường địa phương.
4/ Giáo dục người tiêu dùng: Điều cần thiết là giáo dục người tiêu dùng về những rủi ro liên quan đến các sản phẩm kém chất lượng. Các chiến dịch nâng cao nhận thức có thể nêu bật tầm quan trọng của chất lượng, độ bền và giá trị lâu dài của việc hỗ trợ sản xuất tại địa phương. Một nhóm người tiêu dùng được thông tin đầy đủ có nhiều khả năng đưa ra quyết định mua hàng phù hợp với lợi ích và giá trị lâu dài của họ.
Song Hảo thực hiện