Các chuỗi thức ăn nhanh tại Nhật Bản đang lo ngại về nguồn cung ứng khoai tây bị thiếu hụt do đứt gãy chuỗi cung ứng. Một số chuỗi đã thông báo sẽ hạn chế hoặc tạm dừng bán các phần french fries (khoai tây chiên). Chẳng hạn, McDonald’s Holdings Japan thông báo sẽ tạm ngừng bán các phần french fries cỡ trung và lớn trong vòng một tuần, bắt đầu từ ngày mai 24-12.
Các cửa hàng McDonald’s tại Nhật Bản đang phải đối mặt với các đợt giao khoai tây chậm trễ do sự suy giảm nguồn cung do Covid và gián đoạn vận chuyển tại cảng Vancouver ở Canada sau đợt lũ lụt gần đây. McDonald’s sẽ chỉ có thể bán khoai tây chiên cỡ nhỏ tại 2.900 cửa hàng cho đến hết ngày 30-12. McDonald’s cho biết hạn chế này nhằm bảo đảm “có nhiều khách hơn được tiếp tục thưởng thức khoai tây chiên của chúng tôi”.
Khoai tây chiên của McDonald được chế biến tại Mỹ và Canada, nơi nguồn nguyên liệu được đông lạnh trước khi chuyển đến Nhật Bản. Công ty cho biết họ có kế hoạch đảm bảo đủ lượng hàng tồn kho để khởi động lại hoạt động bán hàng bình thường bằng cách hạn chế các phần trong một tuần.
Trong thời gian đó, khách hàng sẽ được giảm giá 50 yên (44 xu) cho mỗi phần ăn do suất ăn đã nhỏ hơn. Trong khi đó, hash brown (khoai tây nghiền nướng) sẽ không bị ảnh hưởng.
Vancouver đã bị ảnh hưởng bởi mưa lớn và lũ lụt vào tháng 11. Đường bộ và đường sắt bị hư hỏng do sạt lở khiến việc giao hàng bị đình trệ.
Theo McDonald’s Holdings Japan, các hoạt động tại cảng Vancouver, điểm trung chuyển của dịch vụ vận chuyển chở khoai tây của hãng, vẫn bị trì hoãn. Chuỗi cho biết hậu cần cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. McDonald’s hiện đang xem xét phương án vận chuyển bằng máy bay.
KFC Holdings Japan phải đối mặt với vấn đề tương tự vào tháng 10. Tập đoàn không thể cung cấp khoai tây chiên ở khoảng 20% số cửa hàng, chủ yếu ở khu vực thủ đô Tokyo do vận chuyển chậm trễ.
Gà rán là món ăn phổ biến trong dịp Giáng sinh ở Nhật Bản. Người phát ngôn của KFC nói với Nikkei Asia rằng công ty “hy vọng có thể tiếp tục bán khoai tây chiên cho đến hết Tết Dương lịch vào thời điểm này.”
KFC đã đa dạng hóa chuỗi cung ứng bằng cách đặt hàng thêm từ các nhà cung ứng châu Âu, không phụ thuộc vào các nhà cung cấp Bắc Mỹ. Tuy vậy, đại diện của KFC dự đoán rằng kho hàng của chuỗi này sẽ gặp một số khó khăn tích tụ từ trước trong tháng 1 và tháng 2 năm tới.
Hiện tại, các chuỗi thức ăn nhanh khác như Lotteria và Mos Burger vẫn đang phục vụ khoai tây chiên. Một đại diện của Lotteria cho biết công ty “đã đảm bảo có đủ nguyên liệu dự trữ từ bây giờ, nhưng chúng tôi vẫn đang ở trong một tình huống không thể đoán trước”.
Mos Burger, do Mos Food Services điều hành, cho biết họ đang cân nhắc các biện pháp để giải quyết các vấn đề của chuỗi cung ứng. Mặc dù hiện tại, chuỗi cửa hàng bánh mì kẹp thịt không gặp vấn đề gì với việc cung cấp khoai tây chiên, nhưng họ dự kiến sẽ có sự chậm trễ do thiếu container. Một người phát ngôn cho biết, “Không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.”
Đây không phải là lần đầu tiên Nhật Bản gặp phải tình trạng yếu kém trong chuỗi cung ứng khoai tây của mình.
Vào tháng 12-2014, McDonald’s đã tạm dừng bán các phần khoai tây chiên cỡ vừa và lớn, chỉ phục vụ các suất nhỏ, vào thời điểm các cuộc đàm phán về lao động ở bờ Tây nước Mỹ bị kéo dài, khiến hàng hóa tắc ở cảng. Cùng lúc KFC Holdings Japan cũng buộc phải tạm ngừng bán khoai tây chiên vào tháng 1-2015.
Việt Nam có 3 kỳ lân, 11 công ty trị giá hơn 100 triệu đô từ vườn ươm 3.000 startup