Các chuỗi phòng gym lớn đóng cửa đột ngột tại Trung Quốc ngày một nhiều hơn. Chỉ trong năm nay, ít nhất có ba chuỗi lớn. Có nhiều nguyên nhân, như quản lý yếu kém, môi trường cạnh tranh khốc liệt, ảnh hưởng của Covid-19, và quan trọng nhất là túi tiền của khách hàng ngày càng eo hẹp.
Hơn 30 phòng tập thuộc Will’s Group, đơn vị điều hành các thương hiệu Will’s Fitness, W Fitness và VIP, đã đột ngột đóng cửa trong tháng 12 vừa rồi tại Thượng Hải. Thành phố sôi động nhất Trung Quốc là thị trường chính của Will’s
Có phòng tập của Will’s đóng cửa đột ngột đến mức nhiều hội viên không có thời gian để đến lấy đồ cá nhân trong các locker. Có chi nhánh tại khu mua sắm xa hoa ở trung tâm Thượng Hải vẫn hoạt động, nhưng mặt tiền của phòng tập dán thông báo là Will’s còn nợ chủ nhà hơn 2,7 triệu nhân dân tệ (370.000 đô la) tiền thuê nhà và các chi phí khác. Một phòng tập thì ngổn ngang rác…
Các chuỗi phòng tập ở Trung Quốc khét tiếng với các chiêu trò dụ dỗ khách hàng ký hợp đồng nhiều năm và trả trước, đổi lại khách được nhiều khoản giảm giá và các ưu đãi lớn. Nay các phòng tập đột nhiên đóng cửa, khiến nhiều khách hoang mang.
Một người đàn ông nói đã mua thẻ hội viên trọn đời trong 25 năm tại Will’s, đang “bấn loạn” tìm nơi để đòi lại tiền. Một người khác nói rằng đã trả khoảng 25.000 nhân dân tệ cho hợp đồngn10 năm năm ngoái, nhưng phòng tập đóng cửa vào tháng 11 vừa rồi. Một hội viên của Will’s lại nói không hề xa lạ với cảnh này, bởi phòng tập trước đây đã đóng cửa và “tình trạng này trở nên rất phổ biến” từ năm 2022.
Wills’ do cựu vô địch cử tạ quốc gia Wang Wenwei thành lập năm 1996. Wang được truyền thông Trung Quốc tung hô người tiên phong trong các chuỗi phòng tập thể dục. Will’s đã mở nhiều điểm tại các trung tâm thương mại, chung cư cao cấp, với diện tích sàn lên tới 8.000m2. Will’s hiện có 180 câu lạc bộ thể dục tại 12 thành phố ở Trung Quốc, với hơn 5 triệu thành viên trả phí.
L Catterton Asia, một công ty đầu tư được gã khổng lồ hàng xa xỉ của Pháp LVMH hậu thuẫn, đã công bố “khoản đầu tư đáng kể” vào Will’s vào năm 2018. Có tin L Catterton Asia hiện chiếm 80% cổ phần của Will’s.
Các chuỗi gym ở Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề của chính sách “zero Covid” trong giai đoạn 2020-2022. Nhưng các chuỗi này, đặc biệt là những nơi nhắm đến tệp khách giàu có, lại phải vật lộn để sống còn khi chi tiêu trong nước giảm sút.
Physical Fitness & Beauty, một chuỗi gym có chi nhánh ở Hồng Kông và Trung Quốc đại lục, đã đóng cửa từ tháng 9-2024. Trước đó, chuỗi SpaceCycle cũng tuyên bố đóng cửa đột ngột vào tháng 5. Chuỗi Tera Wellness Club có khoảng 150 chi nhánh trên khắp cả nước, đã đóng cửa hầu hết các chi nhánh vào năm ngoái…
Nhưng kinh doanh phòng gym chưa bao giờ là một lĩnh vực dễ dàng tại Trung Quốc. Năm 2016, tòa tối cao Hồng Kông đã ra lệnh đóng cửa chuỗi California Fitness đóng cửa 12 chi nhánh ở Hồng Kông vì nợ chủ nhà 130 triệu đô la Hồng Kông tiền thuê nhà và các chi phí khác. Khi đóng cửa, chuỗi này còn nợ 500 nhân viên khoảng 10 triệu đô la tiền lương. Trong khi đó, 6 chi nhánh ở Singapore và nhiều chi nhánh ở đại lục của California Fitness cũng đóng cửa. Tại Singapore, California Fitness “nổi tiếng” với các vụ bị khách hàng phàn nàn và kiện tụng với Hiệp hội người tiêu dùng Singapore (CASE).
Giá bán thẻ hội viên một năm của Will’s cũng khá đa dạng. Nếu như có người trả đến 25.000 tệ (87 triệu đồng) cho hợp đồng 10 năm, thì có người trả 5.000 tệ (1,7 triệu đồng) cho thẻ tập 1 năm.
Đáp ứng nhu cầu của khách đang siết chặt hầu bao, các chuỗi phòng tập giá rẻ đã bán ra thị trường các gói tập theo tháng. Lefit, công ty điều hành chuỗi hơn 1.000 phòng tập, tính phí thấp hơn một nửa so với Will’s, giữ chi phí ở mức thấp bằng cách hạn chế nhân viên và không cung cấp thêm tiện nghi như vòi sen.
Chocozap của Nhật Bản, một chuỗi phòng tập giá rẻ nổi tiếng với việc trang bị máy giặt và thiết bị làm móng cho các phòng tập, đã thâm nhập vào Trung Quốc vào cuối năm 2023. Một chinh nhánh ở Thượng Hải cung cấp dịch vụ hội viên hàng tháng với mức phí chỉ 140 nhân dân tệ (490.000 đồng).
Theo Nikkei Asia, SCMP
Quỹ mạo hiểm xem trọng yếu tố “bình đẳng giới” khi rót vốn cho startup công nghệ