Các hãng dược phẩm lớn nhất thế giới đang đầu tư hàng tỉ đô la vào Singapore nhằm mở rộng các cứ điểm sản xuất dược phẩm tại hòn đảo. Nhưng quan trọng hơn, các gã khổng lồ đang tìm cách tiếp cận thị trường châu Á rộng lớn với tốc độ lão hóa dân số đang gia tăng.
Tháng 7-2024, gã khổng lồ dược phẩm Pfizer của Mỹ đã mở một cơ sở trị giá 1 tỉ đô la Singapore (740 triệu đô la Mỹ) để sản xuất các thành phần chính cho thuốc ung thư, thuố giảm đau và nhiều biệt dược khác. Hồi tháng 5, AstraZeneca đã cam kết 1,5 tỉ đô la Mỹ để xây dựng cơ sở đầu tiên tại Singapore sản xuất các loại thuốc hóa trị đặc biệt.
Đầu năm nay, hãng dược Novartis của Thụy Sĩ công bố sẽ đầu tư 256 triệu đô la Mỹ để mở rộng nhà máy dược sinh học tại đây.
Kể từ khi chính phủ đưa ra tầm nhìn vào năm 2000, Singapore đã thu hút ngành y sinh như một phần trong quá trình chuyển sang sản xuất tiên tiến, cung cấp các ưu đãi và trợ cấp hào phóng. Jacqueline Poh, CEO của Ủy ban phát triển kinh tế Singapore (EDB) – cơ quan chính phủ có nhiệm vụ thu hút đầu tư nước ngoài, cho biết đầu tư của các hãng dược “củng cố vị thế của Singapore như một trung tâm khoa học dược sinh học hàng đầu”. Hòn đảo cũng đã xây dựng các cụm nghiên cứu và phát triển như Biopolis cho các công ty dược sinh học cùng với các cơ quan chức năng và trường đại học.
Ngày nay, Singapore đã trở thành thủ đô dược sinh học toàn cầu, là nơi đặt cơ sở sản xuất của bảy trong số 10 công ty y sinh hàng đầu, sản xuất nhiều loại thuốc từ thành phần hoạt tính đến sinh học và liệu pháp tế bào. Theo EDB, có hơn 9.000 người làm việc trong ngành này, tăng gấp đôi so với đầu những năm 2000.
Ngành công nghiệp dược sinh học đã trở thành trụ cột của sự phát triển kinh tế. Năm 2022, ngành y sinh chiếm 2,3% GDP, sản xuất gần 39 tỉ đô la Singapore giá trị sản phẩm cho thị trường toàn cầu.
Ngành công nghiệp này tiếp tục mở rộng sản xuất tại Singapore do tầm quan trọng ngày càng tăng của hòn đảo đối với các công ty muốn mở rộng hoạt động tại các thị trường mới nổi ở châu Á.
Dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2029, cơ sở sản xuất mới của AstraZeneca chuyên sản xuất các hợp chất thuốc kháng thể (ADC), một loại thuốc sinh dược dùng để điều trị ung thư.
ADC là phương pháp đặc biệt hiệu quả để điều trị ung thư và các nhà sản xuất thuốc tin rằng ADC là phương pháp điều trị đột phá vì thuốc chỉ đưa độc chất tấn công trực tiếp vào tế bào ung thư, tránh tổn thương cho các tế bào mạnh khỏe bên cạnh.
“ADC dự kiến sẽ là một trong những phân khúc phát triển nhanh nhất trong nhóm thuốc điều trị ung thư đang phát triển nhanh chóng”, theo Giám đốc Chiến lược vốn cổ phần Damien Conover của quỹ Morningstar.
Châu Á là một trong những khu vực có nhiều người bệnh ung thư nhất, một phần do tốc độ lão hóa dân số gia tăng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nói châu Á chiếm 49,2% tổng số ca ung thư và 56,1% số ca tử vong do ung thư trên toàn cầu vào năm 2022.
Dân số già hóa đang dẫn đến nhu cầu điều trị ung thư cao hơn. Theo Ủy ban Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc về Châu Á và Thái Bình Dương, năm 2020, 13,6% dân số Châu Á – Thái Bình Dương ở độ tuổi 60 trở lên và con số này dự kiến sẽ đạt 25% vào năm 2050.
Conover cho biết các khoản đầu tư lớn vào Singapore có thể báo hiệu nhu cầu ngày càng tăng đối với các loại thuốc điều trị ung thư và giảm đau, cùng với thuốc kháng sinh. Ông nói Morningstar kỳ vọng thuốc điều trị ung thư và giảm đau sẽ là động lực tăng trưởng đáng kể của hãng trong nhiều năm.
Theo Nikkei Asia, Straits Times
Ricky Hồ / BSA Media