Volkswagen, Stellantis, Renault, BMW và Mercedes – năm hãng xe lớn nhất châu Âu – báo cáo lợi nhuận giảm trong nửa đầu năm, do nhu cầu xe điện yếu, cạnh tranh giá cả mạnh mẽ từ các hãng Trung Quốc và chi phí R&D (nghiên cứu và phát triển) tăng vọt.
CEO Oliver Blume của hãng Volkswagen đã nhiều lần đề cập đến chi phí leo thang phát sinh bên cạnh tỷ lệ công suất hiệu dụng (capacity utilisation rate) của chính Volkswagen trong buổi báo cáo về kết quả kinh doanh của hãng hôm 1-8.
“Chúng tôi đã đưa ra tất cả các quyết định kỹ thuật. Chúng tôi đã thực hiện tất cả các bước tổ chức cần thiết. Vấn đề hiện giờ là chi phí, chi phí và chi phí”, Blume phát biểu.
Nguyên nhân sâu xa của những khó khăn mà Volkswagen đối diện là mảng kinh doanh xe điện. Trong sáu tháng đầu năm, doanh số bán xe điện tại châu Âu đã giảm 15% so với cùng kỳ năm trước xuống còn khoảng 180.000 xe, trong khi doanh số tại Mỹ cũng giảm 15%.
Lợi nhuận ròng trong nửa đầu năm đã giảm 14% so với cùng kỳ xuống còn 7,3 tỉ euro (8 tỉ đô la). Do doanh thu tăng 2%, biên lợi nhuận hoạt động giảm từ 7,3% xuống 6,3%, thấp hơn mục tiêu hàng năm của công ty là 6,5-7%.
Mặc dù Volkswagen đã cắt giảm chi phí khoảng 1 tỉ euro vào tháng 10 năm ngoái, nhưng hãng xe Đức vẫn không đạt được mục tiêu lợi nhuận mong muốn, Giám đốc tài chính Arno Antlitz cho biết hôm 1-8.
Antlitz nhấn mạnh về “nhu cầu rõ ràng trong tăng cường cắt giảm chi phí” trong nửa cuối năm nay. Volkswagen đang cân nhắc đóng cửa một nhà máy ở Brussels sản xuất xe điện cho thương hiệu Audi của tập đoàn.
Lợi nhuận ròng của hãng xe liên doanh Stellantis giữa Ý, Mỹ và Pháp có trụ sở tại Hoofddorp, Hà Lan đã giảm mạnh 48% trong nửa đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái. Liên doanh đang có kế hoạch tung ra 20 mẫu xe trong năm nay, chủ yếu là xe điện, nhưng doanh số bán hàng tại Mỹ đã giảm 18% do những thất bại trong chiến lược tiếp thị của hãng. Doanh số bán xe tại châu Âu của Stellantis đã giảm 6% trong sáu tháng đầu năm.
BMW, Renault và Mercedes-Benz đều chứng kiến lợi nhuận ròng giảm trong nửa đầu năm. Các nhà sản xuất xe châu Âu đã nhức đầu với những chiếc xe từ Trung Quốc, nơi chi tiêu của người tiêu dùng đã nguội lạnh.
Đối với BMW của Đức, doanh số bán hàng tại Trung Quốc đã giảm 4% trong năm xuống còn khoảng 370.000 xe. Nhưng BMW kỳ vọng sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nhờ nhu cầu dự kiến đối với mẫu xe điện Mini Aceman sắp ra mắt của hãng, theo CEO Oliver Zipse.
Với Mercedes-Benz Group, CEO Ola Kallenius đã bày tỏ tâm trạng bi quan sau khi doanh số bán hàng của hãng tại Trung Quốc giảm 9% trong nửa đầu năm.
“Tôi nghĩ mọi người đều biết rằng kể từ các hạn chế chống dịch Covid-19 được gỡ bỏ đầu năm ngoái tại Trung Quốc, tâm lý người tiêu dùng đã không được cải thiện”, Kallenius cho biết. Ông nói thêm rằng tình hình thị trường hiện tại ở Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục kéo dài trong 12 hoặc 18 tháng tới.
Cuộc chiến giá cả khốc liệt giữa các hãng xe điện Trung Quốc đã làm giảm biên lợi nhuận cũng như doanh số bán hàng tại thị trường đại lục của các hãng xe châu Âu.
“Bạn có hơn 100 công ty cung cấp BEV”, Kallenius nói, ám chỉ đến xe điện chạy bằng pin. “Tôi chưa xem những con số mới nhất, nhưng tôi đoán rằng hơn 90 công ty BEV ở Trung Quốc đang đốt tiền”.
Liên minh châu Âu (EU) đang áp thuế đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất và Bắc Kinh đang cân nhắc tăng thuế nhập khẩu đối với xe chạy bằng xăng kích thước lớn của EU từ 15% lên 25% như một biện pháp trả đũa. Điều này sẽ ảnh hưởng đến doanh số bán xe sang béo bở của các hãng xe EU tại đại lục.
Bắt đầu từ năm sau, EU sẽ thắt chặt các quy định về khí thải. Các hãng xe châu Âu có kế hoạch tung ra những chiếc xe điện tuân thủ các quy định sắp tới, đẩy chi phí R&D tăng cao.
Mercedes đã chi hàng trăm triệu euro để xây dựng một trung tâm R&D pin xe điện, và nhà máy đã khai trương tháng 7 vừa rồi. Chi phí R&D của BMW đã tăng 25% trong nửa đầu năm trước khi tung ra xe điện từ năm 2025.
Theo Nikkei Asia
Ricky Hồ / BSA Media
https://bsaonline.vn/startup-hong-kong-do-ve-tham-quyen-tim-co-hoi/