
Tỷ lệ của đồng đô la trong dự trữ ngoại hối toàn cầu đã giảm xuống mức thấp nhất vào cuối năm 2024 khi các nước ngày càng tăng nguồn dự trữ và ít muốn phụ thuộc vào một tài sản duy nhất.
Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đồng bạc xanh chiếm 57,8% trong tổng số 12.360 tỉ đô la dự trữ của thế giới, giảm 0,6 điểm phần trăm. Đây là mức thấp nhất theo dữ liệu tính từ năm 1995. Tỷ lệ dự trữ bằng đô la đạt đỉnh 70% vào khoảng năm 2000.
Ưu tiên cho tài sản “không quốc tịch”
Nhiều quốc gia và ngân hàng trung ương đang tìm cách đa dạng hóa nguồn dự trữ. Ngoài đồng đô Mỹ, vàng được ưu tiên là giải pháp thay thế, bởi đây là tài sản không quốc tịch.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), tính đến tháng 12, Nga đã nắm giữ khoảng 2.300 tấn vàng trong dự trữ ngoại hối, chiếm 32% tổng dự trữ ngoại hối. Lượng vàng dự trữ của Nga đã tăng gần gấp đôi so với thập niên trước.
Trung Quốc cũng đang gia tăng dự trữ vàng giữa lúc chiến tranh thương mại toàn cầu leo thang. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã bổ sung khoảng 70.000 ounce vàng (khoảng 2 tấn) vào kho dự trữ trong tháng 4-2025. Như vậy, trong vòng 6 tháng qua, lượng vàng tích trữ đã tăng gần 1 triệu ounce, tương đương khoảng 30 tấn vàng. Hiện lượng vàng dự trữ của Trung Quốc đạt khoảng 2.290 tấn.
Mỹ đã sử dụng quyền tiếp cận thanh toán bằng đô la như một công cụ để trừng phạt tài chính các quốc gia như Nga và Trung Quốc. Sau khi Nga xâm lược Ukraine vào năm 2022, các ngân hàng lớn của Nga đã bị cắt khỏi mạng lưới thanh toán toàn cầu SWIFT.
“Các quốc gia phẫn nộ với Mỹ và các nước phương Tây khác dường như đang nỗ lực xây dựng một hệ thống thanh toán bằng các loại tiền tệ khác ngoài đô la”, Kiyotaka Sato, giáo sư kinh tế tại Đại học Quốc gia Yokohama cho biết.
Mối lo ngại ngày càng gia tăng rằng thế giới sẽ ngày càng xa rời đồng bạc xanh dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump.
Hiện tại, quan điểm chung là ông Trump sẽ không đi xa đến mức từ bỏ vị thế tiền tệ chủ chốt của đồng đô la. Nhưng “có một nỗi lo sâu sắc trên thị trường rằng vị thế của đồng đô la như một loại tiền tệ chủ chốt sẽ bị lung lay”, Keiichi Iguchi, chiến lược gia cấp cao tại Resona Holdings cho biết.
Xu hướng “bán đô la, tích lũy yen”
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ của rổ năm loại tiền tệ chính trong dự trữ ngoại hối toàn cầu như sau: đô la 57,8%, euro 19,83%, yen và bảng xoay quanh mốc 5% mỗi loại, và nhân dân tệ là 2,18%.
Các quốc gia cũng đang có cái nhìn mới về đồng yen của Nhật Bản, với tỷ lệ của yen trong dự trữ ngoại hối quốc gia tăng trong năm thứ ba liên tiếp, tăng 0,1 điểm lên 5,82%. Tỷ lệ này đã giảm xuống dưới 3% trong năm 2009 giữa khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Khi Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) tăng lãi suất trở lại mức dương, lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản đã tăng, có khả năng khuyến khích tăng lượng nắm giữ đồng yen.
“Ban đầu, người ta tránh đồng yen do lãi suất thấp, nhưng xu hướng đó đã giảm bớt”, Yoshimasa Maruyama, chuyên gia kinh tế thị trường tại SMBC Nikko Securities phân tích.
Theo dữ liệu thương mại của chính phủ, trong nửa cuối năm 2024, 35,5% kim ngạch xuất khẩu và 24,2% kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản được thanh toán bằng đồng yen. Những con số này tăng lên gần một nửa khi chỉ tính riêng thương mại với Hàn Quốc.
Tsuyoshi Ueno, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Viện nghiên cứu NLI cho biết, nhiều chính phủ và ngân hàng trung ương nắm giữ đồng yen là “các quốc gia châu Á có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Nhật Bản”
“Với việc Trump có lập trường cứng rắn ngay cả với các đồng minh, việc bán đô la và tích lũy đồng yen nắm giữ có thể đã tăng tốc như một hình thức phòng ngừa rủi ro”, theo Akira Moroga, chiến lược gia thị trường trưởng tại Ngân hàng Aozora.
Khoảng một nửa dự trữ ngoại hối trên toàn thế giới do các nước châu Á nắm giữ. Riêng Trung Quốc chiếm khoảng một phần tư tổng dự trữ toàn cầu ở mức 3.450 tỉ đô la tính đến năm 2024.
Cách Bắc Kinh quản lý nguồn dự trữ quốc gia được thế giới theo dõi chặt chẽ và được xem như là một chỉ báo cho các xu hướng rộng hơn.
“Có nhiều đồn đoán ngày càng tăng về sự thay đổi từ hệ thống do đồng đô la thống trị hiện tại sang hệ thống có nhiều lựa chọn tiền tệ như đồng euro và đồng yên”, Daisuke Karakama, nhà kinh tế thị trường trưởng tại Ngân hàng Mizuho cho biết. “Trong quá trình đó, có thể có sự ưu tiên cho đồng yen do vị trí gần gũi của Nhật Bản với các nước ở châu Á”.
Theo Nikkei Asia, Auronum, Bloomberg, IMF, WGC
Ricky Hồ / BSA Media