
Ba quỹ lớn liên kết với chính phủ Malaysia sẽ rót thêm 120 tỉ ringgit (27 tỉ đô la) cho startup và các công ty đầu tư trong nước trong vòng năm năm tới, nhằm giúp doanh nghiệp trong nước thêm nội lực chống chỏi với tình hình bất định bên ngoài.
Hồi tháng 3, Bộ trưởng Tài chính thứ hai Amir Hamzah Azizan nói rằng quỹ hưu trí Employees Provident Fund, quỹ đầu tư quốc gia Khazanah Nasional và công ty quản lý đầu tư Permodalan Nasional Berhad (PNB) sẽ hợp lực thực hiện chương trình này.
“Chúng tôi khuyến khích các quỹ của tổ chức tái đầu tư vào Malaysia, không phải vào các lĩnh vực truyền thống như trái phiếu có thu nhập cố định hoặc cổ phiếu được giao dịch công khai, mà là vào các thị trường tư nhân”, Bộ trưởng Hamzah nói. Ông cũng cho biết chính phủ đặt mục tiêu bơm nguồn vốn này vào các lĩnh vực tăng trưởng cao như công nghệ và cơ sở hạ tầng.
Ba quỹ trên cùng nhau quản lý tổng tài sản khoảng 1.700 tỉ ringgit (gần 385 tỉ đô la). Nguồn quỹ 120 tỉ ringgit ở trên sẽ bổ sung thêm nguồn lực cho ngân khoản 440 tỉ ringgit hàng năm của chính phủ Malaysia. Bộ trưởng nói rằng động thái này là một phần của chiến lược rộng hơn nhằm giảm sự phụ thuộc của Malaysia vào vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và tăng cường khả năng phục hồi kinh tế khi rủi ro địa chính trị xuất hiện.
“Điều này làm giảm rủi ro của Malaysia vì chúng tôi không còn chỉ dựa vào FDI nữa. Thay vào đó, chúng tôi đang xây dựng một nền kinh tế phục hồi và đa dạng hơn bằng cách tận dụng cả đầu tư trong nước và nước ngoài”, Bộ trưởng Hamzah cho biết.
Năm ngoái, Malaysia đã đạt được kỷ lục 378,5 tỉ ringgit FDI được phê duyệt, tăng 14,9% so với năm 2023. Bộ trưởng nhấn mạnh “Các khoản đầu tư đang chuyển thành hoạt động kinh tế thực sự”. Tuy nhiên, triển vọng FDI vẫn còn mờ mịt đối với trung tâm sản xuất Đông Nam Á này, đặc biệt là khi các chính sách thương mại bảo hộ của Tổng thống Donald Trump đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Ông Hamzah nói thêm rằng các cam kết gia tăng của các nhà đầu tư nhà nước đối với các doanh nghiệp trong nước sẽ giúp mở rộng thị trường tài chính của Malaysia và khiến thị trường vốn của nước này “sôi động hơn”, góp phần thúc đẩy đà tăng trưởng của đất nước.
Nền kinh tế Malaysia tăng trưởng 5,1% vào năm 2024, tăng so với mức 3,6% của năm 2023, nhờ vào chi tiêu hộ gia đình mạnh mẽ. Thị trường chứng khoán địa phương đã bùng nổ, với nhiều công ty niêm yết cổ phiếu vào năm ngoái.
“Mức năng lượng trong nước đã tăng vọt. Mọi người đang chi tiêu, đầu tư và các doanh nghiệp đang mở rộng. Đây là cách chúng tôi biết mình đang đi đúng hướng”, Bộ trưởng Hamzan nói.
Malaysia vẫn tiếp tục tăng cường đầu tư cho startup dù rằng Khazanah và PNB đã thua lỗ 43,9 triệu ringgit (gần 9,8 triệu đô la) trong thương vụ đầu tư vào nền tảng thời trang trực tuyến FashionValet của Malaysia.
Trước đó, Khazanah đã bơm 27 triệu ringgit và PNB đầu tư 20 triệu ringgit vào nền tảng FashionValet. Đến cuối năm 2023, hai quỹ đã bán lỗ cổ phần chung thiểu số với giá chỉ 3,1 triệu ringgit.
Thông qua các khoản đầu tư trong nước từ các quỹ nhà nước, Hamzah cho biết chính phủ đang tìm cách đa dạng hóa các động lực kinh tế của Malaysia, mở rộng các ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và trung tâm dữ liệu, đồng thời tiếp tục phát triển các ngành truyền thống như du lịch.
Ông cho biết ngay cả trong bối cảnh kinh tế không chắc chắn, Malaysia vẫn tiếp tục được hưởng lợi từ sự thay đổi chuỗi cung ứng trong các ngành công nghiệp như bán dẫn. “Malaysia luôn là một nền kinh tế thương mại cởi mở và điều này phản ánh sức mạnh của hệ sinh thái Malaysia. Khi các chuỗi cung ứng toàn cầu được sắp xếp lại, việc Malaysia trở thành điểm đến được ưa chuộng là điều dễ hiểu”, Hamzah nói.
Ông cũng cho biết, bằng cách mời các doanh nghiệp mang lại giá trị gia tăng cho đất nước và mở rộng năng lực của họ, Malaysia đang xây dựng một khuôn khổ kinh tế kiên cường hơn. “Khả năng phục hồi này sẽ là thứ đưa chúng ta vượt qua những bất ổn và thách thức”.
Theo Nikkei Asia, New Straits Times
Ricky Hồ / BSA Media