
Một số tập đoàn hàng đầu của Thái Lan đang bắt tay với các startup Nhật Bản, đặc biệt trong các nỗ lực giảm khí phát thải và phát triển bền vững.
Sự xuất hiện của các startup công nghệ sâu (deep tech) của Nhật Bản cũng được xem là mở đầu mới cho sự hiện diện của các công ty vừa và nhỏ (SME) của Nhật Bản tại xứ chùa vàng.
Chú trọng công nghệ phát triển bền vững
Startup Algal Bio từ Đại học Tokyo đã ký hợp tác tập đoàn khai thác than Banpu của Thái Lan về việc thu giữ khí CO2 bằng vi tảo.
Dự án này nhằm thu khí thải CO2 từ một nhà máy nhiệt điện do hãng điện lực quốc doanh EGCO điều hành. Sau đó, người ta sẽ thu hoạch tảo siêu nhỏ để chiết xuất các thành phần sử dụng cho các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp, cùng nhiều sản phẩm khác.
Công nghệ của Algal Bio đã gần đạt đến khả năng thương mại hóa, Giám đốc vận hành (COO) Masafusa Oe phát biểu tại một diễn đàn kinh doanh do Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tổ chức ở Bangkok hồi tháng 3.
Dự án đã được triển khai từ năm 2024. Việc nuôi trồng tảo siêu nhỏ sẽ bắt đầu vào tháng 8-2025 sắp tới, nhưng ở quy mô hẹp. Kết quả ban đầu sẽ được công bố vào cuối năm và cả hai bên quyết định có nên phát triển dự án thành một công ty độc lập hay không.
Charoen Pokphand Group (CP), tập đoàn hàng đầu của Thái Lan cũng tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Công ty CP Foods (CPF) thuộc CP sẽ làm việc với Thermalytica, startup có nguồn gốc từ Viện Khoa học Vật liệu Quốc gia Nhật Bản. Dự án thí điểm sẽ sử dụng vật liệu cách nhiệt tiên tiến do Thermalytica phát triển để giảm nhiệt độ tại các trang trại nuôi gà của CP Foods.
Startup nuôi trồng thủy sản Umitron có trụ sở ở Tokyo sẽ nghiên cứu sẽ ứng các công cụ AI, hệ thống cảm biến từ xa, internet vạn vật (IoT)… để cải thiện hiệu quả và quản lý trong các trang trại nuôi tôm của CPF. Dự án thử nghiệm sẽ kết thúc cuối năm nay.

Mở đầu làn sóng nương tựa các startup nước ngoài
Theo số liệu từ Bộ Ngoại giao Nhật Bản, tính đến tháng 10-2024, có 5.856 doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Thái Lan. Đây là số lượng doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động ở nước ngoài lớn nhất trong khu vực ASEAN. Trong suốt nhiều thập niên, Nhật Bản luôn là đứng trong top 3 các nhà đầu tư nước ngoài tại Thái Lan. Năm ngoái, tổng đầu tư tại Nhật Bản đạt hơn 121 tỉ baht, hơn 3,6 tỉ đô la Mỹ, chiếm 27% tổng vốn FDI của Thái Lan.
Thái Lan đã phê chuẩn thỏa thuận khí hậu Paris vào năm 2016 và đặt mục tiêu đạt mức trung hòa carbon vào năm 2050. Chính phủ đang cân nhắc áp dụng thuế carbon, điều này sẽ gây tốn kém cho các bên phát thải khí nhà kính. Các công ty Thái Lan đang nỗ lực chạy nước rút nhằm bù đắp thời gian chậm trễ trong việc giảm phát thải carbon.
Điều này tạo ra cơ hội để hình thành quan hệ đối tác với các công ty khởi nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt là các startup công nghệ sâu của Nhật Bản thường tập trung vào các nghiên cứu công nghệ tiên tiến, các lĩnh vực có tác động rộng rãi như biến đổi khí hậu.
Làn sóng đầu tư vào Thái Lan của các công ty, tập đoàn lớn của Nhật Bản bùng nổ từ đầu thập niên 1960. Đến năm 2010, những doanh nghiệp công nghệ như startup phần mềm dưới dạng dịch vụ (SaaS) của Nhật Bản lại không được thị trường chào đón.
Làn sóng lao động phổ thông từ Campuchia và Myanmar kéo về Thái Lan đã giúp giá nhân công duy trì ở mức thấp. Vì thế, giám đốc điều hành của một startup SaaS ở Thái Lan nói rằng “Vì vậy, khó có thể đưa phần mềm giúp cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh đến các doanh nghiệp này”.
Eisuke Matsuura, giám đốc phụ trách các công ty khởi nghiệp tại Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) Bangkok, cho biết các công ty Thái Lan có “xu hướng mạnh mẽ” là áp dụng công nghệ tiên tiến mới từ các startup nước ngoài.
“Các công ty khởi nghiệp công nghệ sâu Nhật Bản đang ở trong một môi trường mà họ có thể hy vọng vào các cơ hội kinh doanh”, Matsuura nói.
Tuy nhiên, một giám đốc điều hành người Nhật tại Thái Lan cho rằng nhiều biên bản ghi nhớ đã được ký kết nhưng “các văn bản không dẫn đến sự ra đời của các doanh nghiệp thực sự”.
Thái Lan ít ưu đãi về thuế hơn cho các startup so với Singapore và các quốc gia khởi nghiệp khác, nhưng Thái Lan có ngành nông nghiệp và nhiều ngành công nghiệp có thể ứng dụng công nghệ sâu.
“Chìa khóa không chỉ là công nghệ mà còn là khả năng chứng minh loại giá trị nào có thể được tạo ra”, Oe từ Algal Bio nhận xét.
Từ đầu thập niên 1960, các công ty lớn, tập đoàn đa quốc gia của Nhật Bản đổ xô đầu tư ở mọi lĩnh vực ở Thái Lan. Dệt may là một trong những ngành đầu tiên thu hút dòng vốn lớn từ xứ hoa anh đào, với sự mở đường của tập đoàn thương mại Marubeni Corp hay hãng dệt may Toukai Bouseki. Vốn và công nghệ của Toyota, Nissan, Isuzu, Mitsubishi hay Mazda đã biến Thái Lan thành “căn cứ” hàng đầu về sản xuất xe ở Đông Nam. Tương tự là sự hiện diện của Toshiba, Sharp, Hitachi, Sanyo và nhiều công ty khác trong ngành thiết bị điện và điện tử…
Thập niên 1980-1990 là sự đổ bộ của các công ty vừa và nhỏ, và quá trình đó kéo dài đến nay, nhưng có sự phân chia lĩnh vực và vai trò rất rõ ràng. Thời gian đầu là sự bùng nổ của ngành công nghệ hỗ trợ cho các ngành dệt may và công nghệ chế tạo xe hơi. Từ năm 2000 trở đi là quá trình đa dạng hóa và nâng cao chuỗi cung ứng. Các nghiên cứu của Nhật Bản và Thái Lan chỉ ra rằng giai đoạn 2010-2014, SME của Nhật Bản đã vượt qua các doanh nghiệp lớn, tập đoàn khổng lồ chiếm đến 54% tổng vốn đầu tư của Nhật Bản tại Thái Lan.
Theo Nikkei Asia, Japan Times, Bangkok Post, The Nation
Ricky Hồ / BSA Media