Campuchia xuất khẩu mắm prahok dạng bột sang châu Âu

Bryan Fornari, trưởng đoàn hợp tác của EU tại Campuchia, đang thưởng thức các món ăn phương Tây kết hợp với mắm prahok truyền thống tại một sự kiện hôm 15-7 tại Phnom Penh. Ảnh: Hong Raksmey / Phnom Penh Post

Công ty Confirel của Campuchia sẽ bắt đầu đưa loại mắm truyền thống prahok của người Khmer sang thị trường châu Âu dưới dạng bột khô.

Sản phẩm mới là dự án hợp tác của Tố chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) và Campuchia, nhằm giới thiệu hương vị độc đáo của loại mắm truyền thống Khmer thích hợp cho khẩu vị phương Tây.

Sáng tạo cho mắm truyền thống

Shetty Seetharama Thombathu, chuyên gia trưởng về kỹ thuật thuộc UNIDO, nói rằng bột mắm prahok được chế biến hết sức cẩn trọng.

“Lúc đầu, chúng tôi nghĩ đến việc sử dụng sữa bột để khử mùi prahok hoặc là chất dẫn để biến loại mắm sệt thành sản phẩm dạng bột. Nhưng chúng tôi nhận ra là sữa bột có thể gây dị ứng với một số người dùng. Vì thế chúng tôi thay bằng bột gạo, phù hợp với nhiều người hơn”, Thombathu nói với Phnom Penh Post.

“Tuy nhiên, prahok của người Khmer có những phẩm chất độc đáo để trở nên khác biệt. Hương vị đặc trưng cùng sự tiện lợi của sản phẩm dạng bột sẽ mang điều gì đó mới mẻ và thú vị cho các đầu bếp và người tiêu dùng châu Âu”, theo Hay Ly Eang, chủ tịch kiêm CEO của Confirel, công ty sáng tạo ra loại bột mắm khô này.

Sản phẩm bột prahok đáp ứng các tiêu chuẩn HACCP nghiêm ngặt, chứng nhận chất lượng Cambodia Quality Seal (CQS).

Im Rachna, phát ngôn viên của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchai, nói rằng Chương trình hỗ trợ đầu tư chuỗi giá trị và truy xuất nhanh nguồn gốc (VCIS-FTS) đã mang lại lợi ích cho 28 doanh nghiệp, trong đó 17 doanh nghiệp đạt chứng nhận CQS. Bà cho biết bốn liên doanh có tiềm năng xuất khẩu sang EU đang nhận được hỗ trợ để triển khai hệ thống HACCP và truy xuất nguồn gốc kỹ thuật số.

Ông Thombathu lưu ý rằng các mặt hàng xuất sang châu Âu phải đạt CQS và tuân thủ các tiêu chuẩn của châu Âu. Nhiều sản phẩm Campuchia đang xuất hiện trên các kệ siêu thị châu Âu, nhưng các sản phẩm thủy hải sản Campuchia cần thêm nhiều thời gian trước khi có thể xuất khẩu chính thức sang châu Âu với số lượng lớn hơn.

Mặc dù nhiều nhãn hiệu địa phương đang xuất hiện trên các kệ hàng ở châu Âu, nhưng các sản phẩm thủy sản của Campuchia vẫn cần thêm thời gian trước khi có thể chính thức xuất khẩu sang EU.

Mắm prahok – hay mắm bò hóc trong tiếng Việt – là món ăn chính trong các căn bếp của người Campuchia trong nhiều thế kỷ. Prahok được làm từ cá lên men, trở thành “linh hồn” của ẩm thực Khmer. Dù vậy, những món ăn Campuchia vẫn chưa được phổ biến ở Đông Nam Á và vươn xa hơn.

Thành lập năm 2001, Confirel hướng đến giới thiệu nông sản nổi tiếng của Campuchia ra toàn cầu. Trước mắm prahok, Confirel có các sản phẩm như đường thốt nốt, tiêu Kampot. Eang nói sắp tới công ty sẽ tập trung vào các sản phẩm nước mắm và cá khô.

Mắm bột khô prahok là nguyên liệu chính trong các món finger food. Ảnh: Hong Raksmey / Phnom Penh Post

Thách thức thị trường

Tuy nhiên, việc đưa mắm prahok vào thị trường mang lại nhiều thách thức và cơ hội.

Các nhà sản xuất Campuchia phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm của hai nước láng giềng Việt Nam và Thái Lan. Đặc biệt là các loại nước mắm của Việt Nam hay nam pla của Thái Lan đã tạo tạo chỗ đứng trên thị trường quốc tế, được sử dụng rộng rãi hơn trong ẩm thực của nhiều nước.

Xuất khẩu thực phẩm của Thái Lan, bao gồm cả các loại mắm cá, đã tăng nhanh nhờ thị trường mở rộng. Năm 2023, xuất khẩu thực phẩm đạt 1.310 tỷ baht (hơn 36 tỷ USD ) và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024. Trang The Nation của Thái Lan nói Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của Thái Lan, nhưng đã có sự tăng trưởng đáng kể trong xuất khẩu sang châu Âu. Khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng cao và tính bền vững nghiêm ngặt của EU là một thế mạnh của Thái Lan.

Việt Nam cũng đã đạt được những bước tiến trong việc xuất khẩu mắm và các sản phẩm nông nghiệp khác sang châu Âu, nhờ vào Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực vào năm 2020. Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, ước tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2023 của Việt Nam đến châu Âu đat 5,34 tỷ USD, giảm 12,2% – thấp so với khu vực châu Á (25,91 tỷ USD, tăng 7%) và châu Mỹ (gần 12 tỷ USD, giảm 15,9%)…

“Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu Việt Nam phải tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của EU về chất lượng, khả năng tái tạo và an toàn thực phẩm nhằm duy trì và phát triển sự hiện diện trên thị trường EU”, Phnom Penh Post bình luận.

Ricky Hồ / BSA Media 

Vì sao Trung Quốc sẽ luôn dẫn đầu thế giới về mua vàng?