Châu Á chú trọng du lịch tâm linh và du lịch sức khỏe trong năm 2024

Tổng cục Du lịch Thái Lan đã phát hành sách điện tử giới thiệu 60 điểm đến cho du lịch tâm linh ở Thái Lan, gồm đền chùa nổi tiếng, hang động lịch sử, cây cối kỳ lạ… Ảnh: Getty Images

Trong một thế giới bất ổn, con người ngày càng cảm thấy bất an và lo lắng về mọi chuyện, từ bệnh tật đến đại dịch, chiến tranh, công việc ổn định, hôn nhân hạnh phúc… Điều chỉnh hành vi cá nhân hay thay đổi chiến lược kinh doanh dường như không thỏa đáng với nhiều người. Họ tìm đến với những thế lực siêu nhân, bí ẩn để tìm nguồn hỗ trợ sức mạnh nội tại.

Tất cả những điều đó khiến du lịch tâm linh và du lịch sức khỏe sẽ có vị trí mới trong năm mới 2024. Du khách cũng muốn đến những nơi vắng vẻ hơn để được tĩnh tâm và thư giãn.

Thái Lan: quảng bá 60 điểm đến tâm linh

Từ đầu tháng 11-2023, ngôi đền Sri Maha Mariamman ở Bangkok lại nhộn nhịp khách hành hương từ khắp nơi trên khắp đất nước Thái Lan tề tựu. Họ đến không chỉ chiêm ngưỡng công trình kiến trúc đầy màu sắc của đạo Hindu, mà còn mua thức ăn và những vật được xem là mang lại may mắn tronhg tình yêu và công việc. Ở xứ chùa vàng, đa số dân theo đạo Phật, nhưng trên màn hình điện thoại nhiều người lại lấy hình ảnh của thần Vishnu để làm nền.

Từ mutelu hay mu – có nghĩa là sức mạnh siêu nhiên, mang lại may mắn – trong một bộ phim Indosia đã du nhập vào tiếng Thái. Mutelu đã được thế hệ trẻ chú ý trong những năm Covid vừa rồi. Họ tìm đến bùa may mắn hay những tín vật, những nghi lễ huyền bí. Ngay cả chính phủ Thái cũng muốn quảng bá “du lịch mutelu”.

Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) đã cho ấn hành sách điện tử hướng dẫn du lịch “Kết nối với Thái Lan tâm linh: Danh sách 60 điểm đến linh thiêng”. Quyển e-book này giới thiệu 60 địa điểm tâm linh ở mọi miền đất nước, cũng như Bangkok, từ những ngôi chùa và đền thờ lịch sử nổi tiếng đến những hang động linh thiêng và cây cối kỳ dị. Sách cũng giải thích bối cảnh và các hoạt động thờ cúng được thực hiện tại mỗi nơi.

Thống đốc Tổng cục Du lịch Thái Lan Yuthasak Supasorn dự đoán thị trường du lịch tâm linh này tăng đã 40% lên 15 tỉ baht (422 triệu đô la) trong năm 2023 so với mức 10,8 tỉ baht năm 2019. Dự kiến, đến năm 2033 thị trường này sẽ lên đến 40,9 tỉ baht.

Các doanh nhân Thái cũng rất nhanh nhạy. Một chuỗi quán ăn ở Bangkok có tên Nakorn Mu Burger đã cho in các lá bùa bình yên hay may mắn trên bánh burger. Chuỗi cửa hàng này ra mắt trong năm 2022, được dân Bangok và cả du khách nước ngoài ưa chuộng. Cũng trong năm ngoái, một công ty khởi nghiệp đã tung ra thương hiệu thời trang đường phố với những thiết kế mutelu, gồm áo thun và nón có hình con hổ.

Yuko Ito tại Viện nghiên cứu Cuộc sống và sức khỏe Hakuhodo của Nhật Bản cho rằng: “Những người trẻ tuổi ở Thái Lan phải đối mặt với một tương lai không chắc chắn và đây là một phần lý do khiến họ đón nhận mutelu một cách ngẫu nhiên và đầy phong cách”.

Du khách Việt trong trang phục cổ Thái Lan tại chùa Wat Arun Tết Nguyên đán năm ngoái. Ảnh: Reuters

Ấn Độ: người trẻ cũng hành hương

Dịch Covid đã khiến thế giới phải số hóa, nhưng nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần và thể trạng của phát sinh. Do đó, giải độc công nghệ số và tái tạo tâm thức cũng ngày trở nên phổ biến. Theo các hãng du lịch ở Ấn Độ, người dân nước này ngày càng quan tâm đến du lịch tâm linh và chăm sóc sức khỏe, trong đó có những chuyến hành hương đến các thánh địa tôn giáo. Thế hệ Z (sinh năm 1997-2012) và thế hệ Thiên niên kỷ lớn tuổi hơn chút.

Trang đặt phòng trực tuyến Agoda đã thực hiện cuộc khảo sát “Xu hướng du lịch” với 10.000 du khách ở 12 quốc gia, trong đó có Ấn Độ. Từ kết quả này, Agoda kết luận rằng: “Sức khỏe xếp thứ hai trong ba động lực hàng đầu thôi thúc người Ấn du lịch trong năm 2023. Nhiều người mong muốn thực hiện chuyến đi để nạp lại năng lượng cho bản thân, cả về tinh thần lẫn thể xác”. Các nước đặt nặng vấn đề này gồm Ấn Độ với 20%, Hàn Quốc 24%, Singapore 25% và Thái Lan đứng đầu với 29%.

Trong một thời gian dài, các điểm đến tôn giáo được xếp trong danh sách du lịch, đặc biệt với Gen Z và Millenium. Nhưng tình hình nay đã thay đổi. Theo hãng du lịch EaseMyTrip, tổng thể mà nói số người chọn các điểm đến linh thiêng hoặc các tour du lịch tĩnh tâm hay chăm sóc sức khỏe trọn gói đã tăng 60% so với năm 2019. Phụ nữ ở độ tuổi từ 30-35 đang dẫn đầu cuộc tìm kiếm.

Rikant Pittie, đồng sáng lập EaseMyTrip, nói rằng điều này cho thấy có mối liên hệ chặt chẽ giữa các cuộc hành hương tôn giáo và các lễ hội khác nhau phổ biến trên khắp tiểu lục địa Nam Á.

Rishikesh nằm bên bờ sông Hằng chảy dưới chân dãy Himalaya. Cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ và địa điểm hành hương lý tưởng của người Ấn Độ khiến Rishikesh là điểm du lịch nổi bật nhất ở Ấn Độ. Ảnh: Varanasi City

Nhật Bản: Tung chiêu “phố nhỏ, đoàn nhỏ” để giữ chân khách

Trước dịch Covid-19, Nhật Bản vẫn là điểm đến được du khách ưa chuộng và quay trở lại. Theo khảo sát của Tổng cục Du lịch Nhật Bản (JTO) năm 2019, 64,2% khách đến Nhật Bản là những vị khách quay trở lại, tăng từ con số 58,7% của năm 2015 và là năm thứ tư tăng liên tiếp. Một khảo sát tương tự của JTO cho thấy tỷ lệ khách du lịch nước ngoài đến thăm Tokyo vào năm 2019 nhỏ hơn so với bốn năm trước đó.

Các chuyên gia nói rằng ba năm Covid đóng cửa đã đẩy lùi xu hướng đó.

Tour xe đạp quanh ở cố đô Kyoto. Kết hợp với lối sống thể thao khỏe mạnh, chính phủ Nhật Bản đang dùng chính sách “phố nhỏ, đoàn nhỏ” để đưa khách quốc tế theo những đoàn nhỏ 4-6 người khám phá những con phố, góc khuất của lối sống Nhật Bản. Ảnh: Craft Tabby

Giáo sư chính sách du lịch Noriko Yagasaki tại Đại học Cơ đốc giáo nữ Tokyo cho biết: “Khách nước ngoài trước đây có xu hướng tập trung ở các điểm du lịch lớn. Tuy nhiên, trong năm 2023 du lịch nội địa chuyển sang giai đoạn mới, trong đó khách quốc tế sẽ tỏa ra các khu vực khác”.

Trước Covid, các thành phố nhỏ thường gặp khó khăn trong việc quảng bá tên tuổi của mình ở nước ngoài. Đồng yen mạnh cũng trì kéo ngành du lịch. Nhưng giờ đây, các mạng xã hội và làn sóng du khách ghé thăm các địa danh xuất hiện trong các phim ảnh hay truyện tranh hoặc phim hoạt hình (anime) cũng tạo thêm sức bật cho tỉnh lẻ. Chẳng hạn, người hâm mộ bộ phim hoạt hình “Your Name” đã đổ xô đến Gifu, một trong số ít các tỉnh không giáp biển của Nhật Bản, kể từ khi bộ phim ra mắt vào năm 2016.

Việc đi lại các điểm xa như vậy cũng sớm thuận tiện hơn. Hãng West Japan Railway đang nối dài tuyến cao tốc Hokuriku Shinkansen đến thành phố Tsuruga ở tỉnh Fukui vào mùa xuân 2024. Tuyến này hiện chỉ chạy giữa Tokyo và Kanazawa, và sẽ kết nối đến Osaka trong tương lai.

Các hãng lữ hành thiết kế tour nhỏ cho nhóm bốn đến sáu người để khách có thể len lỏi vào phố cổ, bắt nhịp với nhịp đập chậm hơn của đời sống Nhật Bản. Đó là cách Nhật Bản theo đuổi để nâng giá trị cho ngành công nghiệp không khói, thoát khỏi cái bóng và ám ảnh của du lịch đại trà thời hậu Covid-19.

Ricky Hồ / BSA Media