
Chính phủ và các hãng công nghệ châu Á đang gấp rút chuẩn bị các đối sách nhằm ứng phó với các ý định áp thuế của Tổng thống Donald Trump với các nước “đồng minh” trong friend-shoring. Bởi các hãng này đã từng phải di dời sản xuất ra khỏi Trung Quốc sang Đông Nam Á, Ấn Độ và Mexico để tránh các mức thuế ông Trump áp lên hàng Trung Quốc khi ông khơi mào thương chiến Mỹ – Trung từ năm 2018.
Gấp rút chuẩn bị đối sách với “lá bài mặc cả” của Trump
Chính phủ nhiều nước châu Á đã gửi các đoàn cấp cao chính thức đến dự lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump tại Capitol Hill hôm 20-1, chưa kể các đoàn bán chính thức trước đó.
Dù có tham dự lễ nhậm chức của ông Trump, nhưng đoàn Đài Loan đã không vào được Capitol Hill do các vấn đề tổ chức. Sau khi ông Trump dọa sẽ áp các mức thuế 25%, 50% hoặc có thể đến 100% với ngành chip của hòn đảo, phía Đài Loan đã tuyên bố hợp tác song phương giữa hai bên trong ngành công nghiệp chip là “đôi bên cùng có lợi”. Đoàn Hàn Quốc bày tỏ mong muốn chính phủ Mỹ tiếp tục duy trì các ưu đãi, tài trợ cho hãng chip Hàn Quốc đã đầu tư vào Mỹ. Nhật Bản cũng bày tỏ mong muốn tương tự, bao gồm việc thúc đẩy hợp đồng sáp nhập giữa Nippon Steel và US Steel.
Hôm 5-2, trong phiên họp chính phủ thường kỳ tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao cho các cơ quan, ban ngành và tỉnh thành công việc cụ thể nhằm chuẩn bị cho khả năng xảy ra chiến tranh thương mại thế giới trong năm 2025.
Hôm 6-2, Ủy ban hỗn hợp về thương mại, công nghiệp và ngân hàng (JSCCIB) đã kêu gọi chính phủ Thái Lan thành lập nhóm công tác đặc biệt “Team Thailand” có đại diện của doanh nghiệp Thái để cùng ứng phó với các tác động của các chính sách Trump 2.0.
Kết quả các cuộc đàm phán hiện vẫn chưa rõ ràng.
“Dựa trên các chiến thuật trước đây của Trump, việc tạm hoãn các sắc thuế có thể diễn ra một ngày trước khi các sắc thuế này sắp có hiệu lực. Đây là sự ‘linh hoạt’ và là một con bài mặc cả của vị tổng thống Mỹ đương nhiệm để đạt được mục tiêu”, nhà phân tích công nghệ Jeff Lin của hãng Omdia nhận định.
Ông cũng nói thêm rằng mục tiêu của ông Trump là định hình lại các quy tắc thương mại và an ninh toàn cầu để phục vụ cho lợi ích của nước Mỹ. “Tất cả chúng ta không thể đoán trước được chính sách này có mang lại cho Trump lợi thế đòn bẩy đàm phán hay không. Nhưng cách thức như vậy cũng làm tăng thêm sự không chắc chắn cho chuỗi cung ứng. Vì thế, tất cả các nhà sản xuất cần phải chuẩn bị”.
Doanh nghiệp đã sẵn kế hoạch
Một số hãng sản xuất tivi, bao gồm Samsung và LG của Hàn Quốc hay TCL của Trung Quốc, đã yêu cầu các nhà sản xuất tại Mỹ như Element Electronics hỗ trợ sản xuất một số sản phẩm, nếu thuế quan đối với Mexico có hiệu lực.
Dell đã chuyển phần lớn hoạt động sản xuất sang Việt Nam. Theo Nikkei Asia, hiện hãng này đang dò hỏi nhiều nhà cung cấp của họ về năng lực sản xuất của họ tại Thái Lan, để phòng trường hợp ông Trump chuyển sự chú ý sang Việt Nam.
“Tuần này, tất cả các khách hàng đều nói rằng ‘Chúng tôi sẽ chờ xem’. Nhưng chúng tôi đã nhận được câu hỏi từ một khách hàng lớn rằng liệu chúng tôi có các kho hàng sức chứa lớn ở các nước Đông Nam Á để trữ sẵn linh kiện điện tử trong trường hợp Washington lại thay đổi chính sách”, CEO một hãng cung ứng cho Apple và Nvidia nói với Nikkei Asia.
CEO Kevin Wang của một nhà cung cấp của HP và là giám đốc của Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư Đài Loan tại Trung Quốc đại lục, cũng đồng tình với quan điểm đó.
“Hiện giờ Trung Quốc, Mexico và Canada là ba mục tiêu chính của ông Trump. Rất khó đoán được các mục tiêu kế tiếp. Nếu ông Trump áp thuế với nhiều nước hơn và mức thuế cao hơn, các hãng sản xuất sẽ đau đầu khi chi phí sản xuất gia tăng”.
Tương lai của sản xuất toàn cầu
Matt Lekstutis, giám đốc của Efficio – hãng tư vấn chuỗi cung ứng và mua sắm có trụ sở tại Anh, tin rằng mức thuế mới sẽ chuyển bớt một số công việc về lại đất Mỹ. Nhưng ông không rõ số việc làm sẽ lớn như thế nào, nếu các chính sách của ông Trump đều mang tính ngắn hạn. Vì vậy, theo Lekstuties, cần có thời gian và đầu tư lớn để tạo nên những thay đổi thiết thực trong toàn bộ chuỗi cung ứng, đem lại lợi ích cho nước Mỹ.
“Trong ngắn hạn, chi phí nguyên vật liệu sẽ tăng vì các công ty cũng sẽ chuyển chi phí cho khách hàng”, Lekstutis nói.
Các doanh nghiệp tin rằng chuỗi cung ứng sẽ đa dạng hơn, sẵn sàng hơn với các bất ổn địa chính trị so với năm 2018. Tuy vậy, họ cũng biểu hiện sự thất vọng lớn hơn trước.
“Chỉ có một số ít quốc gia trên thế giới có đủ nguồn lao động và nền tảng công nghiệp đầy đủ để xây dựng chuỗi cung ứng mới bên ngoài Trung Quốc, chẳng hạn như Mexico và Việt Nam. Nếu những quốc gia này phải chịu mức thuế quan cao hơn, chúng ta có thể phải chuyển đến sao Hỏa chăng”, Chủ tịch Tzu-Hsien Tung của Pegatron – một trong những nhà thầu chính của Apple – nói báo chí.
Theo Nikkei Asia, Taiwan News, Korean Herald, Bangkok Post
Ricky Hồ / BSA Media