Các doanh nghiệp Đông Nam Á đang xem xét các khoản đầu tư tiềm năng vào thị trường châu Phi nhằm tìm kiếm cơ hội mới, động cơ tăng trưởng mới trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang suy thoái.
Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia, ông Arsjad Rasjid, Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ABAC), cho rằng sự chững lại của kinh tế Trung Quốc “chắc chắn” ảnh hưởng đến kinh tế khối ASEAN vốn có quan hệ thương mại chặt chẽ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Đồng thời, ông cũng nói rằng “Chúng ta có thể nhìn nhận vấn đề một cách tích cực”.
Đi tìm thị trường phi truyền thống
“Điều quan trọng cần nhận ra là chúng tôi [ASEAN] đang xem xét các thị trường phi truyền thống khác. Chúng tôi đang nói về châu Phi”, Chủ tịch ABAC nhấn mạnh.
Với dân số hơn 1 tỉ người, châu Phi được các công ty từ phần còn lại của thế giới xem là thị trường đầy tiềm năng trong tương lai.
Cuối tháng 8 vừa rồi, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã có chuyến đi đầu tiên tới châu Phi với tư cách là lãnh đạo của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Chuyến công du của ông tới Kenya, Tanzania, Mozambique và Nam Phi đã đánh dấu một bước ngoặt trong chính sách ngoại giao kinh tế của Indonesia khi xứ vạn đảo tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới cho các mặt hàng dược phẩm và hàng hóa như dầu cọ.
Ông Rasjid hiện là chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia, đồng thời là Chủ tịch tập đoàn năng lượng quốc doanh Indika Energy của Indonesia. Tuy không nêu tên cụ thể quốc gia châu Phi nào, nhưng ông Rasjid nói các nước ASEAN hiện đang xác định nhu cầu cụ thể của châu Phi là gì. Ông cho rằng ASEAN nên đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở châu Phi để thúc đẩy thương mại hiệu quả giữa hai khu vực.
Hình mẫu để xâm nhập thị trường lục địa đen?
Một số công ty Đông Nam Á đã có mặt từ sớm ở lục địa đen.
Trong số này có Indofood, đơn vị trực thuộc tập đoàn Salim của Indonesia. Indomie – thương hiệu mì ăn liền hàng đầu của tập đoàn – được phân phối rộng rãi ở các nước như Kenya, Tanzania và Uganda. Trong khi đó, Mega Lifesciences của Thái Lan đã đầu tư vào 10 quốc gia châu Phi để cung cấp thuốc và thực phẩm bổ sung dinh dưỡng từ thảo dược.
Các công ty của Singapore đang hăm hở khai thác “miền Tây hoang dã” mới. Tolaram – tập đoàn đa ngành của Singapore – đang kinh doanh từ các mặt hàng tiêu dùng, đến công nghệ tài chính, cơ sở hạ tầng và nhiều lĩnh vực khác ở nhiều nước châu Phi như Nigeria, Ghana, Ai Cập và Nam Phi. Cách tiếp cận của Tolaram có lẽ là hình mẫu cho các công ty ASEAN khác quan tâm đến thị trường châu Phi – theo lời ông Sunil Khaushal, Giám đốc khu vực châu Phi – Trung Đông của Standard Chartered Bank.
Viết trên tạp chí The Business Times, Khaushal đặc biệt chỉ ra hai thị trường châu Phi nổi bật. Đó là Kenya và Nigeria – hai nền kinh tế đang phát triển nhanh, xuất khẩu là động cơ tăng trưởng chính của nền kinh tế. Ông gọi đây là “hai máy gia tốc” cho nền kinh tế khu vực.
Đầu tiên là máy gia tốc Kenya. Vị CEO của Standard cho rằng Kenya sẽ giữ vị trí “trung tâm hậu cần của Đông Phi” bởi việc tập trung vào sản xuất và phát triển cơ sở hạ tầng ở xứ này. Tăng trưởng xuất khẩu hàng năm được dự đoán sẽ đạt 9% vào năm 2030 do sản xuất được cải thiện, tỷ lệ hiểu biết về kỹ thuật số ngày càng tăng và khả năng cạnh tranh quốc tế giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như các hoạt động nông nghiệp thích ứng với khí hậu.
Tiềm năng của Kenya đã thu hút sự quan tâm của các công ty Singapore. Hai quốc gia đã tăng hơn gấp đôi thương mại song phương kể từ năm 2017, với các công ty Singapore hoạt động trong các lĩnh vực ở Kenya bao gồm hậu cần, khách sạn, quản lý cảng và công nghệ tài chính.
Máy gia tốc khác là Nigeria, nơi đa dạng hóa chiến lược và cải thiện cơ sở hạ tầng là một trong những lý do khiến nước này được dự đoán có mức tăng trưởng xuất khẩu trung bình hàng năm là 9,5%.
Cạnh tranh với những gã khổng lồ
Trung Quốc đã có sự hiện diện chiếm ưu thế từ hơn 20 năm qua tại châu Phi. Bắc Kinh đã tạo được mối liên hệ và sức ảnh hưởng to lớn với một số quốc gia châu Phi trong những thập niên gần đây, trở thành một trong những nhà tài trợ chính cho các dự án cơ sở hạ tầng ở châu Phi theo sáng kiến Vành đai và Con đường, hay “nhất đới nhất lộ” trong tiếng Hoa – một trong chính sách đối ngoại được Chủ tịch Tập Cận Bình xem trọng.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi, với thương mại giữa đại lục và châu Phi đạt 200 tỉ đô la mỗi năm. Hơn 10.000 công ty Trung Quốc hiện đang hoạt động trên khắp lục địa đen và tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp này từ năm 2005 tới nay đã đạt hơn 2.000 tỉ đô la, với riêng mức đầu tư hiện tại đã lên đến 300 tỉ đô la.
Ở tầm vóc chính phủ, Trung Quốc tiếp tục là một trong những nhà tài trợ chính cho các dự án cơ sở hạ tầng ở châu Phi cận Sahara, với tổng vốn đầu tư 155 tỉ đô la trong 20 năm qua. Kết quả là Bắc Kinh đã tạo được ảnh hưởng to lớn với một số quốc gia châu Phi. Theo Viện Brookings (Mỹ), Nigeria và Angola là hai nơi nhận được nhiều vốn đầu tư nhất từ chính phủ và khu vực tư nhân Trung Quốc, tỷ lệ lên đến 25%. Một số nhà quan sát vì thế đã nhận định rằng “nhất đới nhất lộ” là một công cụ được Bắc Kinh sử dụng hữu hiệu để mở rộng tầm ảnh hưởng địa chính trị.
Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU) đã thể hiện ý định tăng cường đầu tư vào lục địa đen trong những năm gần đây để thâu tóm cơ hội, kềm bớt đà ảnh hưởng của Trung Quốc. Năm ngoái, Mỹ và nhóm G7 đã tham gia Hiệp định đối tác đầu tư và cơ sở hạ tầng toàn cầu (PGII) trị giá 600 tỉ đô la. Brussels đã công bố chính sách tương tự với châu Phi. Đầu tư trong sáng kiến “nhất đới nhất lộ” của Trung Quốc vào châu Phi cận Sahara đã giảm xuống mức thấp mới trong năm 2022. Tức là, mức độ gia tăng đầu tư của Mỹ và châu Âu vào khu vực này đã làm giảm hay xoa dịu cơn khát vốn của châu Phi vốn phụ thuộc nặng nề vào nguồn tài trợ từ Bắc Kinh.
Báo cáo mới nhất của của Trung tâm Phát triển và tài chính xanh thuộc Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải cho thấy: Đầu tư của Trung Quốc vào khu vực liên quan đến chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu của Bắc Kinh đã giảm 55% xuống còn 7,5 tỉ đô la trong năm ngoái.
Alicia Garcia-Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại ngân hàng đầu tư Natixis của Pháp, cho rằng: “Mặc dù Trung Quốc đã duy trì sự hiện diện đáng kể ở lục địa này trong hơn hai thập niên, nhưng mối quan tâm ngày càng tăng của các cường quốc phương Tây ở châu Phi có thể tác động đến chiến lược ‘nhất đới nhất lộ’ của Trung Quốc”.
Xuất hiện trên một sân chơi mới, doanh nghiệp ASEAN phải tìm chiến lược hay bước đi riêng của mình.
“Làm thế nào chúng tôi có thể làm việc với các doanh nghiệp địa phương hoặc các đối tác địa phương tốt nhất… là rất quan trọng”, Chủ tịch ABAC Arsjad Rasjid nói. Ông đồng thời lưu ý rằng một số quốc gia châu Phi phải đối mặt với những thách thức lớn trong giải quyết khối nợ từ Trung Quốc và nhiều lời phàn nàn trong nước về việc lao động Trung Quốc chiếm đa số so với dân địa phương tại các dự án do Trung Quốc tài trợ.
“Chúng tôi nhận ra rằng khi nhà đầu tư đến ASEAN, chúng tôi từng muốn giành những cơ hội cho người dân địa phương. Điều tương tự cũng đang được chờ đợi ở châu Phi”, Chủ tịch ABAC nói, bày sự sẵn sàng đóng góp cho sự tăng trưởng của lục địa đen.
Ngoài các doanh nghiệp lớn nhỏ từ đại lục, doanh nghiệp ASEAN vẫn phải đương đầu với những công ty, tập đoàn Mỹ và EU tuân thủ luật pháp, trường vốn, giàu kinh nghiệm ở khắp các lĩnh vực!
Ricky Hồ