Phát biểu bế mạc Mekong Connect 2023 Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường đánh giá những cuộc kết nối thực chất tại Mekong Connect có ý nghĩa rất lớn trong việc kết nối nguồn lực, phát huy những cầu nối đầu tư, khuyến khích hợp tác Công – Tư tạo tác động kinh tế- xã hội – văn hóa trong quá trình hội nhập.
Theo ông Trần Việt Trường, Mekong Connect ban đầu ra đời từ sáng kiến của Mạng lưới liên kết cấp vùng ABCD Mekong (từ 4 địa phương: An Giang – Bến Tre – Cần Thơ – Đồng Tháp) đến năm nay, mạng lưới này đã liên kết đến 14 địa phương. Điều đặc biệt, TP.HCM chính thức tham gia đăng cai tổ chức Mekong Connect sau 8 kỳ luân phiên tổ chức tại các địa phương. Điều đó cho thấy rằng, liên kết là triết lý đối với bất kỳ mỗi địa phương hay mỗi doanh nghiệp nào.
Diễn đàn Mekong Connect năm 2023 được tổ chức tại TP.HCM trong bối cảnh có nhiều ý nghĩa quan trọng đối với TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL. Đây cũng là thời điểm mà Thủ tướng Chính phủ vừa thành lập Hội đồng điều phối vùng. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; và Nghị quyết 45 về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. “Mục tiêu xác định động năng, động lực và tính nhất quán trong việc huy động mọi nguồn lực để hành động vì sự phát triển bền vững cho thấy vấn đề tổng thể cần có những giải pháp thích ứng và dài hạn” – Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nói.
Ông Trần Việt Trường bày tỏ đánh giá cao về quy mô, công tác tổ chức, nội dung chọn lọc với sự tham gia đông đảo và đóng góp ý kiến thẳng thắn, thực chất của các nhà khoa học và doanh nhân. Diễn đàn Mekong Connect đã trải qua 4 phiên thảo luận vào chiều 15/11, bàn về 4 chủ đề lớn; đồng thời hoạt động triển lãm cũng đã trình diễn – minh chứng những sáng kiến, giải pháp, mô hình kinh doanh, sản phẩm mới theo các hướng kinh tế xanh, bao gồm: mô hình kinh tế tuần hoàn, mô hình thích ứng khí hậu, chuyển đổi theo hướng ứng dụng và tối ưu hóa công nghệ số, các sản phẩm thân thiện môi trường và tốt cho sức khỏe, hệ thống sản xuất đạt chuẩn quốc tế về phát triển bền vững, không chỉ nhấn mạnh công nghệ tiết kiệm năng lượng, sử dụng hợp tý tài nguyên , vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu mà các giải pháp còn mở ra nhiều hướng đi từ nguồn năng lượng thay thế, ngành công nghiệp tái chế, tái sử dụng…
Đặc biệt, Ban điều phối năm nay đã mời được đại diện chính thức của Liên minh châu Âu, các tổ chức quốc tế bảo vệ môi trường và hỗ trợ kinh tế ĐBSCL, các trường đại học, các quỹ đầu tư và các tổ chức về tiêu chuẩn quốc tế tham gia thảo luận cùng với đại diện các doanh nghiệp dẫn đầu, có uy tín của TP và đồng bằng. Các ý kiến trình bày rõ bức tranh thực trạng tình hình, cùng đưa ra các kiến nghị, giải pháp khá công phu và thiết thực.
Bắt kịp xu thế, năm nay, Ban điều phối đã áp dụng trí tuệ nhân tạo để phát triển hệ thống dữ liệu về các nhu cầu của doanh nghiệp cả nước với đồng bằng và tại các phiên thảo luận, các chuyên gia đã đưa ra giải pháp để các cơ quan chức năng hỗ trợ doanh nghiệp, các chủ thể OCOP, các start- up tại các địa phương dễ tiếp cận.
“Tôi hi vọng Diễn đàn Mekong Connect năm 2024 tiếp tục thúc đẩy liên kết, phát huy thế mạnh của từng địa phương, là cầu nối giữa khu vực công và khu vực tư, giữa các chuyên gia, nhà khoa học và chính quyền, giữa các doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với chiến lược phát triển, chính sách đặc thù và nguồn lực năng động ở từng địa phương” – Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nói.
Ông Trần Việt Trường cho rằng, mặc dù tiềm năng của ĐBSCL và TPHCM rất lớn nhưng việc phát triển kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn vẫn còn mới mẻ với các địa phương, đòi hỏi sự kiên trì nỗ lực giữa 14 địa phương với các Bộ, ngành trung ương.
6 định hướng đề xuất của Chủ tịch UBND TP Cần Thơ:
1) Sau khi xác định các mục tiêu trọng điểm, có tính dẫn dắt- cần thúc đẩy hoạt động tổng lực trong việc nghiên cứu chính sách, pháp lý, kinh nghiệm Quốc tế và trong nước nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng kinh tế tuần hoàn, kinh tế tái tạo, kinh tế trải nghiệm… Từ đó, có cách tiếp cận hài hòa các chương trình và dự án ưu tiên phát huy tính đa dạng, chuyên nghiệp, sáng tạo đúng tinh thần, nôi dung qui hoạch tích hợp được Thủ Tướng phê duyệt, tối ưu hóa phương thức hợp tác Công – Tư, trợ giúp quốc tế- gia tăng cầu nối đầu tư.
2) Cần kịp thời đút kết kinh nghiệm Quốc tế và trong nước nhằm tăng giá trị và sản phẩm đổi mới mô hình sản xuất- kinh doanh gắn kết sự chuyển động và xu hướng thị trường, kích hoạt tinh thần chủ động, sáng tạo từ các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế tái chế- tái tạo, trải nghiệm gắn bối cảnh địa phương, nội vùng, liên vùng trên cơ sở đối chiếu các tiêu chí đã được xác lập và kịp thời chuyển đổi theo sự chuyển động toàn cầu; coi trọng các giá trị và sắc thái địa phương, vùng và triển vọng liên kết nguồn lực trong nước và quốc tế vì sự phát triển bền vững của ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu và cả những thay đổi Địa – kinh tế trong khu vực.
3) Từ cách tiếp cận kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn của từng địa phương, cần tăng cường các hoạt động liên kết, cọ sát và đối chiếu, chia sẻ kiến thức thị trường và hợp tác thay cho cạnh tranh bằng mọi giá; trong đó hết sức chú ý các tiêu chuẩn và sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng, kêu gọi hành động vì hình ảnh ĐBSCL và thương hiệu quốc gia chất lượng. Từ đó đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển các ngành, lĩnh vực của vùng, ưu tiên các hoạt động liên kết chuỗi, liên ngành, kịp thời lấp đầy những khiếm khuyết khi chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế xanh, khắc phục những điểm yếu từ sản xuất, logistics đơn lẻ sang đầu tư hổn hợp tạo lực đẩy trên thị trường.
4) Khuyến khích doanh nghiệp, nhất là khu vực tư nhân đầu tư mạnh mẽ, sáng tạo nhằm phát huy giá trị tài nguyên, coi trọng các ý tưởng tạo việc làm theo hướng thuận thiên; dựa vào tự nhiên để phát triển ngày càng nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn, đề cao tinh thần trách nhiệm xã hội trong doanh nhân, thương nhân, phát huy hình mẫu văn hóa kinh thương ở từng địa phương với bên ngoài.
5) Rà soát các kết quả đầu ra, tận dụng các nguồn lực từ các nhà nghiên cứu, các doanh nhân tiên phong thành đạt, các phân tích gia, các nhà nghiên cứu kinh tế môi trường, kinh tế – khí hậu, các nhà nghiên cứu chiến lược, xây dựng dữ liệu vùng nguyên liệu dùng chung và các thị trường tiêu thụ nông sản để tiếp tục – vừa xây dựng nhóm tư vấn chiến lược vừa phát triển các dự án ưu tiên, cụ thể – sinh động hóa thực tế phát triển kinh tế tuần hoàn trong từng lĩnh vực khác nhau của từng tỉnh theo quy hoạch.
6) Xây dựng khung chương trình hợp tác giữa TPHCM và 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL thích ứng Biến đổi khí hậu, liên kết phát triển hạ tầng xanh, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực phát triển kinh tế xanh, xúc tiến – quảng bá thương mại sản phẩm và lĩnh vực liên quan Kinh tế xanh trên quy mô toàn vùng và liên vùng là cách nâng cao năng lực Sở/Ngành, hình thành các cơ chế và chính sách phát triển công nghệ thích ứng giữa các địa phương trong vùng và liên vùng.
Tiếp cận sở ngành và biến nơi đây thành trục tư vấn chính sách là yêu cầu cấp bách. Trong đó, xây dựng mục tiêu định hướng – tập trung giảm thiểu chất thải, khí thải, tái sử dụng, tái chế chất thải, tận dụng mọi nguồn tài nguyên phát triển kinh tế xét cả khía cạnh sản xuất và tiêu dùng. TPHCM đóng vai trò quan trọng trong trục xoay này trong việc liên kết Đông – Tây. Điều đó thực sự có ý nghĩa trong việc giải quyết hài hòa dòng di cư cơ giới.
BSA MEDIA