Các chuỗi mì ramen của Nhật Bản đang tận dụng hương vị và chất lượng dịch vụ truyền thống để thu hút người tiêu dùng khắp nơi từ Mỹ, sang Âu và Đông Nam Á. Mì ramen đang được xem là món ăn Nhật Bản thứ hai phổ biến trên toàn cầu, xếp sau sushi.
Theo Bộ Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản Nhật Bản, số lượng nhà hàng, tiệm ăn Nhật Bản ở nước ngoài đã tăng khoảng 20% từ năm 2021 lên 187.000 vào năm 2023. Bộ cho biết sự phổ biến của suhi và ramen giúp tăng nhanh số lượng nhà hàng Nhật Bản.
Một tô mì ramen nóng hổi sau bữa rượu bí tỉ có lẽ đã trở thành một phần trong nhu cầu giải trí về đêm của người Nhật. Nhưng nhu cầu này đã giảm kể từ hồi Covid bùng phát. Theo hãng nghiên cứu thị trường Fuji Keizai, mức chi tiêu trung bình của mỗi khách hàng tại các cửa tiệm trong năm 2023 dự kiến là 880 yen (6,26 đô la) chưa bao gồm thuế, tăng khoảng 5% so với năm trước do chi phí nguyên liệu và nhân công tăng vọt.
Nhưng mì ramen được xem là nguồn lợi mới của doanh nghiệp F&B Nhật Bản. Một mô mì ramen ở New York có thể bán với giá 21,5 đô la, gồm cả tiền tip, tương đương hơn 3.000 yen. So với mức giá trung bình dưới 1.000 yen, lợi nhuận ở các cửa hàng ramen ở nước ngoài cao hơn ba lần.
Ramen “làm quen” với Harvard
Tại cửa hàng của chuỗi ramen Santouka gần Đại học Harvard ở ngoại ô Boston, sinh viên và dân địa phương giàu có xếp hàng dài vào các ngày cuối tuần để được ăn mì ramen. Giám đốc Masanori Ueda của Ab-Out, công ty điều hành quản lý chuỗi, cho biết cửa hàng này bán hơn 700 tô vào những ngày bận rộn.
Cửa hàng ở Harvard tự hào có doanh thu cao nhất trong số các cửa hàng ramen Santouka trên toàn thế giới. Một tô mì shio ramen tiêu chuẩn tại đây có giá 15,5 đô la, cao hơn ở Nhật Bản. Nhưng người Mỹ vẫn chuộng ramen.
Bí quyết thành công của ramen Santouka nằm ở sự kết hợp giữa hương vị và dịch vụ khách hàng. Quản lý có kinh nghiệm ở các cửa hàng tại Nhật Bản được cử sang Mỹ, huấn luyện cho nhân viên bản xứ đầu về kiểm soát chất lượng và dịch vụ.
Súp mì ramen được nấu từ nước dùng dashi (súp trong, nấu với rau củ và cá) tại mỗi cửa hàng ở Mỹ để bảo đảm hương vị truyện thống của đảo Hokkaido. Chủ tịch Shinichi Kikuta của Ab-Out nói rằng chuỗi “đặc biệt chú trọng đến việc phục vụ súp trong tình trạng tươi ngon nhất”. Mì và nhân topping thường được thay thế bằng nguyên liệu địa phương. Nhưng nếu làm vậy mà hương vị thay đổi, chuỗi sẽ nhập hàng từ Nhật Bản.
Santouka hiện có tổng cộng 40 cửa hàng ở nước ngoài tại tám quốc gia và khu vực ở Bắc Mỹ và châu Á tính đến tháng 1-2024, gần gấp ba lần 14 địa điểm tại Nhật Bản. Doanh số bán hàng ở nước ngoài chiếm hơn 80% tổng số.
Chủ tịch Santouka Hitoshi Hatanaka thành lập công ty vào năm 1988 tại thành phố Asahikawa trên đảo Hokkaido. Xương heo được đun trong khoảng 16 tiếng để làm nước dùng. Hàm lương muối được đo đạc, giữ ở mức tối thiểu nhằm giúp nước dùng thanh dịu. Santouka quyết định mở rộng ra nước ngoài sau khi cơn sốt mì ramen bùng nổ ở Nhật Bản vào những năm 1990 và doanh số bán hàng sụt giảm vào những năm 2000. Công ty cũng lo ngại về việc dân số sụt giảm sẽ làm thu hẹp thị trường nội địa.
Santouka mở cửa hàng nước ngoài đầu tiên vào năm 2003 tại Hồng Kông vào năm 2003. Cửa hàng buộc phải đóng cửa hai năm sau đó. Bởi người bản xứ không thể chuẩn bị các món trong thực đơn đúng với hương vị và chất lượng nguy6n bản.
Năm 2004, Santouka thử vận may ở Mỹ. Đây là nơi cung cấp chủ yếu xương heo cho các cửa hàng của chuỗi tại Nhật Bản. Chủ tịch Kikuta nói Mỹ được chọn bởi “có thể giúp giảm chi phí vận chuyển nguyên liệu”. Tháng 1 này, Santouka khai trương cửa hàng đầu tiên tại Richmond, Canada. Hiện chuỗi có 21 tiệm tại Bắc Mỹ.
Kikuta nói chuỗi có kế hoạch mở rộng sang các nước châu Âu như Đức và Hà Lan, nếu tìm được vị trí tốt trong vòng vài năm tới. “Nhu cầu ẩm thực Nhật Bản vẫn cao ở châu Âu, vì vậy tôi nghĩ chúng tôi có thể cạnh tranh. Chúng tôi đang chủ yếu tập trung vào bờ Đông và bờ Tây của nước Mỹ. Vì thế, chúng tôi đang xem xét mở các cửa hàng sâu hơn trong đất liền”.
Ramen là trụ cột doanh thu mới
Thuộc sở hữu Yoshinoya Holdings, nhà điều hành chuỗi ramen Withlink hiện có 44 tiệm ở Nhật Bản và 29 cửa hàng ở nước ngoài, chủ yếu ở Indonesia. Nước súp cho món mì ramen được đưa từ Nhật Bản sang, nhằm “chuẩn vị” truyền thống của ramen.
Withlink mở cửa hàng tại thủ đô Edinburgh, Scotland vào mùa xuân này. Đây là cửa hàng đầu tiên của Withlink ở châu Âu và dự kiến đạt doanh thu từ 100.000 đô la mỗi tháng. Sử dụng Scotland làm bước đệm, Withlink sẽ lấn sang Đức và Ý, đồng thời mở thêm nhiều cửa tiệm tại Indonesia và Malaysia. Withlink cũng chuẩn bị chứng chỉ Halal để chinh phục thị trường Trung Đông với các món mì ramen có nước súp nấu từ xương gà.
Withlink sẽ tiếp tục mở các cửa tiệm ramen ở Nhật Bản, nhằm mở rộng mạng lưới toàn cầu từ khoảng 70 địa điểm lên 300 vào năm 2034. “Khoảng 70% sẽ ở nước ngoài”, CEO Daisuke Akizuki nói
Yoshinoya tự hào có 994 nhà hàng gyudon (mì thịt bò) ở các quốc gia bao gồm Trung Quốc và Mỹ tính đến cuối tháng 10. Thu nhập của bộ phận kinh doanh ở nước ngoài đã tăng 86% lên 1.700 tỉ yen (khoảng 11,5 tiệu đô la) trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 11, được thúc đẩy nhờ hoạt động kinh tế phục hồi sau dịch. Yoshinoya có kế hoạch mở hơn 80 nhà hàng gyudon trong năm kết thúc vào tháng 3 tới – tăng 25% so với năm tài chính trước đó. Các cửa tiệm mì thịt bò chủ yếu là ở Trung Quốc và Indonesia.
Yoshinoya bước vào lĩnh vực kinh doanh mì ramen vào năm 2007 bằng cách tiếp quản 124 tiệm – trong đó có Bikkuri Ramen, nổi tiếng với món mì ramen cực kỳ phải chăng với giá khởi điểm là 180 yen/tô. Hai năm sau, Yoshinoya rút lui khỏi thị trường, nguyên nhân chủ yếu là do giá nguyên liệu tăng quá cao.
Yoshinoya thử vận may lần nữa năm 2016, khi mua lại Setagaya, công ty điều hành các nhà hàng ramen nổi tiếng Setagaya và Hirugao. Yoshinya biến Withlink trở thành công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn vào năm 2019 và mở rộng hoạt động kinh doanh ramen trở lại.
Kế hoạch kinh doanh trung hạn của Yoshinoya đến năm tài chính 2024 là phát triển mì ramen thành một trụ cột mới về doanh thu để sánh ngang với chuỗi gyudon cùng tên và chuỗi mì udon Hanamaru.
“Ramen sẽ là món ăn Nhật Bản phổ biến toàn cầu tiếp theo sau sushi”, CEO Yasutaka Kawamura của Yoshinoya Holdings nhấn mạnh.
Theo Nikkei Asia, Japan Times
Ricky Hồ / BSA Media