Nằm cách trung tâm huyện khoảng 60km, Ngải Trồ chịu thiệt hại nặng nề sau trận lũ quét đêm 9/9 và rạng sáng 10/9. Cuộc sống của người dân nơi đây hoàn toàn bị đảo lộn.
Theo lời người dân địa phương, nhiều hộ gia đình tại Ngải Trồ đã bị “xóa trắng” – từ ngữ đầy ám ảnh mà đồng bào dùng để chỉ những gia đình không còn lại gì sau thiên tai, ngoài hai bàn tay trắng.
Đó là tình cảnh những ngôi nhà bị cuốn trôi hoặc bị bùn đất phủ lấp hoàn toàn. Tài sản, trâu bò, hoa màu, nông cụ – tất cả đều bị hủy hoại trong tích tắc.
Anh Tẩn Láo Ú, một trong những hộ gia đình chịu thiệt hại nặng nề nhất, dẫn nhóm cứu trợ trở về nơi từng là căn nhà của gia đình anh.
Giữa đống bùn đất ngổn ngang, anh chỉ vào khu vực từng là mái ấm của 7 thành viên trong gia đình mình, giờ đây chỉ còn lại một đống hỗn độn, không còn dấu vết của cuộc sống yên bình trước đó.
“Mọi thứ đều bị cuốn trôi, vùi lấp. Gia đình tôi mất hết tài sản, tổng thiệt hại gần 200 triệu đồng. Giờ cả nhà phải đi ở nhờ, không biết đến khi nào mới gầy dựng lại được,” anh nghẹn ngào nói.
Nhận món quà nhỏ từ các doanh nghiệp và nhà hảo tâm thông qua Hội DN HVNCLC và Trung tâm BSA, khoản tiền mặt 5 triệu đồng, anh Tẩn Láo Ú đã bật khóc.
Hoàn cảnh của gia đình anh Tẩn Láo Ú cũng chính là tình cảnh chung của gần 20 hộ dân tại Ngải Trồ. Cả làng giờ đây gần như tan hoang. Bùn đất, đá sỏi ngổn ngang, chỗ thì bị khoét sâu, chỗ thì bị lấp đầy, khiến việc đi lại trở nên vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Những mái nhà từng ấm cúng giờ đây chỉ còn lại đống đổ nát, màn trời chiếu đất.
Thiên tai không chỉ cuốn trôi tài sản mà còn khiến cuộc sống của đồng bào nơi đây đối mặt với muôn vàn khó khăn. Một mái nhà với những hộ dân như Tẩn Láo Ú còn rất xa.
Ngải Trồ không phải đích đến ban đầu của đoàn cứu trợ, nhưng thiệt hại ở đây cũng nặng nề ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi trước khi đặt chân đến. Nhìn cảnh tang hoang với gần 20 hộ bị nạn, trong đó phần lớn là bị “xóa trắng” thật không có gì tả xiết. Đoàn chúng tôi đã quyết định hỗ trợ ngay lập tức “ngoài kế hoạch” 17 hộ, mỗi hộ 5 triệu đồng. Đó quả thực chỉ là con số nhỏ nhoi so với cả cơ nghiệp đã mất đi của bà con (ước tính tài sản mất mát của mỗi hộ chừng vài trăm triệu đồng).
Theo số liệu từ Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), bão số 3 và mưa lũ đã khiến 329 người chết và mất tích. Trong đó, riêng Lào Cai, số người chết và mất tích lên đến 150 người. Các huyện như Bảo Yên, Sa Pa, Bát Xát, Si Ma Cai, Bắc Hà và Văn Bàn đều chịu tổn thất lớn, mỗi nơi có hàng trăm gia đình lâm vào cảnh mất mát, đau thương.
Đoàn cứu trợ của chúng tôi đến TP Lào Cai chiều 17/9, dự định ban đầu của chúng tôi là về xã A Lù – một trong những nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất từ bão lũ. Toàn xã có 7 người chết, 115 hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Xã có 13 thôn, nhưng địa phương cho biết, hiện việc đi lại vẫn còn khó khăn, chia cắt do sạt lở nhiều nơi.
Ngày 18/9 chúng tôi đã tìm mọi cách để vào A Lù nhưng bất lực vì sạt lở quá khốc liệt. Đến trưa 18/9, sau khi đoàn đã hết đi được xe ôm, chúng tôi quyết tâm đi bộ, dự trù 15km. Tuy nhiên sau khi qua được 3 “kiếp nạn” đến kiếp nạn thứ 4 thì bất lực, phải quay đầu về.
Trên đường trở ra, chúng tôi ghé làng Ngải Trồ (xã A Mú Sung), nơi thiệt hại được xem là thiệt hại “ít hơn”. Dự kiến hôm nay 19/9, chúng tôi sẽ tìm cách vào A Lù, nhưng bằng một đường khác.
Trời Tây Bắc chiều nay yên tĩnh hơn sau những ngày bão lũ, nhưng không khí nặng nề vẫn bao trùm. Trên đường lên Lào Cai vào buổi chiều, chúng tôi gặp rất nhiều đoàn xe cứu trợ lấm lem bùn đất trở về xuôi sau khi hoàn thành việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu đến các vùng bị ảnh hưởng.
Những chiếc xe cứu trợ lặng lẽ trở về như những chứng nhân thầm lặng từ thiên tai!
Trước đó, thông qua thư vận động, Hội DN HVNCLC và Trung tâm BSA đã nhận được sự đóng góp của các doanh nghiệp và nhà hảo tâm, bao gồm 10 tấn gạo và hơn 400 triệu đồng (con số cập nhật đến sáng 18/9), góp phần hỗ trợ đồng bào vùng lũ.
Lê Anh Đủ