Chuyên gia Phạm Chi Lan và những lời tâm huyết cho cộng đồng Khởi nghiệp xanh
Thay mặt Hội đồng Ban giám khảo, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan có những chia sẻ trong buổi trao giải cuộc thi Chung kết Dự án Khởi nghiệp Xanh 2023.
Học hỏi
Theo giám khảo Phạm Chi Lan, có lẽ trong hai ngày thi, đầu tiên là các dự án đã học được nhiều điều, trước hết là từ chính các thí sinh, dự án khác về điểm hay, điểm cần cải thiện, rút kinh nghiệm. Cái thứ hai là học được từ các thầy, cô, chuyên gia. Họ là những người giỏi trong kinh doanh, quản trị… Thậm chí, nhiều người thành công trên thị trường ngày hôm nay, vẫn đang học hỏi những giám khảo của cuộc thi ngày hôm nay.
Những câu hỏi mà giám khảo đưa ra, chia sẻ, nhận xét là những kinh nghiệm, bài học cho các dự án khởi nghiệp hôm nay. Từ đó giúp các chủ dự án, nhóm dự án đặt vấn đề kinh doanh, câu chuyện sản phẩm một cách thuyết phục hơn, đầy đủ, có bằng chứng cho những gì mình chứng minh.
Điểm thứ ba, theo chuyên gia Phạm Chi Lan, các dự án học được về cách tiếp cận thị trường, tiếp xúc, giao dịch, giao tiếp với nhau như thế nào… qua đó giúp biết thêm nhiều điều, biết mình hơn. Việc biết mình hơn là điều học vô cùng cần thiết của mỗi người.
Bởi nhiều người nghĩ rằng, dự án của mình như thế là hay, là tuyệt vời, nhất rồi nên mới mang đi thi. Nhưng qua cuộc thi này, tôi tin các bạn sẽ tự biết mình hơn. Nghĩ được như vậy là một bước quan trọng giúp cho dự án có thể phát triển hơn.
Điểm thứ tư, cuộc thi khởi nghiệp Xanh còn là cơ hội để các bạn kết nối với nhau, với doanh nghiệp khác. Tôi thấy có nhiều bạn đã nêu ý muốn xây dựng các chuỗi, trong đó có nhiều người ở các địa phương khác tham gia. Đây là cơ hội tốt để các bạn phát hiện thêm những tiềm năng, những đối tác tương lai của mình, bởi việc làm ăn với nhau trên thị trường thì ý thức hợp tác rất quan trọng.
Khi sản phẩm của các bạn đưa ra thị trường, giới thiệu là đã tham gia cuộc thi uy tín như Khởi nghiệp Xanh, sự ủng hộ của người tiêu dùng theo tôi sẽ tăng lên rất nhiều.
Thông thường là doanh nghiệp, dễ bị cảm giác là mình cô đơn trên thị trường khó khăn, vất vả quá, nhưng các bạn hãy tin, mình luôn có nhiều người xung quanh ủng hộ, sẵn sàng chung tay và chia sẻ với các bạn, cùng thúc đẩy, chia sẻ thành công trên thương trường.
Về phần thi, chuyên gia Phạm Chi Lan cho hay, Hội đồng giám khảo đều quan điểm chung rằng, chủ dự án đã chuẩn bị khá kỹ cho dự án của mình, một cách nghiêm túc, đề cập tới tất cả các khía cạnh cần thiết nhất trong một dự án kinh doanh… Tất nhiên, có những chỗ còn sơ sài, hay để thời gian quá nhiều, đi quá đà vào một vài điểm nào đó mà mình không có thời gian để làm rõ thêm những việc khác…
Bên cạnh đó, các bạn thí sinh đã biết chú trọng đến ba điều quan trọng trong mỗi dự án, trong công việc kinh doanh, là về tài nguyên bản địa, hầu hết các bạn thi có bàn về xanh trong nông nghiệp. Đặc biệt hơn, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, các bạn đều xuất phát từ việc khai thác tài nguyên bản địa của vùng miền mình, để rồi từ đó phát triển lên, đây là điều tốt. Ở đây, các mô hình, dự án đã chú trọng đến nhân tố xanh, sinh thái, bền vững… Đấy là một điều đáng quý và phù hợp với yêu cầu của cuộc thi cũng như xu hướng chung phát triển hiện nay.
Vì doanh nghiệp hiện nay làm trên lĩnh vực nào cũng chú ý đến chuyển đổi xanh, bên cạnh chuyển đổi số như là những nhân tố quan trọng hàng đầu.
Bên cạnh đó, nhiều dự án còn chú trọng đến nhân tố về công nghệ, về sự sáng tạo trong sản phẩm của mình hoặc cho khách hàng, có công nghệ mới, mô thức kinh doanh mới…
Tính sáng tạo là đáng quý. Bởi khởi nghiệp đòi hỏi sự sáng tạo, nếu làm những cái như trước đây đã làm thì khó gọi được là khởi nghiệp.
Cùng với đó, những vấn đề về thị trường cũng là một điểm mà tôi nghĩ đã có nhiều điểm tốt hơn, rõ so với năm trước. Thậm chí, có những dự án làm kỹ về vấn đề thị trường, nhắm tới đối tượng tiêu dùng nào, phân khúc nào trên thị trường, hay đo thị trường của mình ra sao…. Điều này hoàn toàn hợp lý và đúng đắn. Bởi thị trường ngày nay nó cạnh tranh kinh khủng, chưa bao giờ cạnh tranh dữ dội như bây giờ.
Đáng mừng là nhiều dự án đã thể hiện sự nhận thức, nhìn nhận được những thay đổi đang diễn ra hiện nay. Các bạn thấy được xu hướng thay đổi, thúc bách phải thay đổi cho phù hợp với lối sống của con người đang thay đổi rất mạnh trong những năm vừa qua, đặc biệt sau đại dịch Covid. Nhất là sản phẩm hướng đến thân thiện với thiên nhiên, hòa hợp với thiên nhiên, tiêu dùng hợp lý chứ không gây lãng phí đến tài sản chung của đất nước.
Như những sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sản phẩm thực phẩm tiêu dùng bình thường nhưng có lợi hơn cho sức khỏe người tiêu dùng. Qua biết bao nhiêu vấn đề nảy sinh, các bạn đã biết chú trọng đến nhân tố này là rất đúng.
Chuyên gia Phạm Chi Lan cũng chỉ ra một số mặt còn yếu của các dự án
Thứ nhất là tài chính kinh doanh, không thể nói sản phẩm tốt lắm, thị trường tốt lắm nhưng tài chính lại âm. Đó là không rõ bài toán tài chính, khá nhiều dự án nói bài toán tài chính, nhưng các bạn tính toán không hợp lý, chưa tính đủ các nhân tố, các chuyên gia đọc là thấy ngay. Do đó, cần làm bài toán tài chính nghiêm túc trước khi nộp dự án hoặc trước khi xây dựng dự án, đặc biệt là trước khi làm kinh doanh.
Chuyên gia đề nghị, Trung tâm BSA trong thời gian tới cần tiếp tục cung cấp những công cụ hỗ trợ cho các dự án về vấn đề tài chính, có thể hình thức online, offline…,
Thứ hai, nhiều dự án nói nhiều đến khái niệm hay, nhưng chúng tôi giật mình vì các bạn chưa thực sự hiểu đúng những khái niệm mình đã trình bày. Có những bạn tự nhận dự án của mình là xanh, là sinh thái, nhưng chưa hiểu. Những cái đó nó là cả một hệ có những quy chuẩn khác nhau, rất phức tạp và khác biệt giữa các ngành, các lĩnh vực. Nên các bạn cần tìm hiểu sâu thêm, hiểu thêm về những cái đó, vì có nhận thức đúng mới định hướng được.
Cùng với đó, những yêu cầu về thẩm định để đánh giá dự án của mình, hay sự chuẩn mực của các sản phẩm đạt chuẩn hay chưa cũng còn nhiều dự án gặp phải. Không phải mình nghĩ sản phẩm có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng là không thông qua được những đánh giá một cách khoa học. Điều đó là chưa đủ cơ sở để nói như vậy.
Trong khi đó, cũng có một số dự án thiếu tập trung vào lĩnh vực cốt lõi của mình. Nhiều bạn khởi nghiệp nhưng đã ham làm rất nhiều thứ, thích đủ thứ, như vậy không được. Ngay cả những doanh nghiệp thành danh, vẫn tập trung vào lĩnh vực cốt lõi, tập trung vào sức mạnh, lợi thế cạnh tranh tốt nhất của mình để làm thị trường. Các bạn cũng thấy ở Việt Nam, không ít công ty trước đây rất to, nhưng vì ham nhảy vào những lĩnh vực không phải cốt lõi của mình mà chết.
Thành ra các bạn phải lưu ý từ đầu nên tập trung vào lĩnh vực cốt lõi, thế mạnh chính của mình, phù hợp với nguồn lực, khả năng mình có thể đảm đương được, đừng nghĩ quá lớn. Tất nhiên, có khát vọng là tốt nhưng quá lớn thì sẽ bị phân tán.