Cơ hội vàng cho khởi nghiệp xanh

PGS.TS Nguyễn Phú Son – Trường Kinh tế, Đại học Cần Thơ
Một trong những điểm mạnh của các doanh nghiệp khởi nghiệp xanh là nhận thức xã hội về bảo đảm không gian hành động, xu hướng tiêu dùng thúc đẩy chuyển đổi từ mô hình kinh tế nâu sang kinh tế xanh ngày càng mạnh hơn!

Mặc dù cả lý thuyết và thực tiễn trên thế giới và ở Việt Nam đã chứng minh những lợi ích từ các hoạt động của nền kinh tế xanh, tuy nhiên để thúc đẩy hoạt động có ý nghĩa này còn quá nhiều việc phải làm.

Qua tìm hiểu, những mô hình tận dụng rơm để làm nấm rơm và sau đó là phân rơm; tận dụng nước thải, bã bùn, bùn đáy ao trong quá trình chế biến, nuôi cá tra để làm phân hữu cơ, tận dụng phân bò để nuôi trùn quế, nuôi ruồi lính đen để xử lý rác hữu cơ ở nhà máy chế biến xoài… ứng dụng kinh tế tuần hoàn ở Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang, Cần Thơ… cho thấy những ý tưởng và cách cung cấp giải pháp kỹ thuật – công nghệ khắc phục hạn chế về môi trường, giải quyết những cù cặn của các ngành hàng mũi nhọn, được xem là điểm mạnh thứ nhất trong các doanh nghiệp có ý tưởng khởi nghiệp xanh.

Trong khi ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến chưa thể khắc phục những hạn chế trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhiều loại chất thải hoặc được chôn lấp hoặc phải chuyển đi nơi khác xử lý khiến nơi này hoặc nơi kia càng xấu hơn.

Các giải pháp sinh học được ứng dụng gắn với kinh tế tuần hoàn đã tiết kiệm được nguồn lực xã hội rất lớn. Đây được xem là điểm mạnh thứ hai đối với các doanh nghiệp có ý tưởng khởi nghiệp xanh.

Điểm mạnh thứ 3 của các doanh nghiệp khởi nghiệp xanh là nhận thức xã hội về bảo đảm không gian hành động, xu hướng tiêu dùng thúc đẩy chuyển đổi từ mô hình kinh tế nâu sang kinh tế xanh ngày càng mạnh hơn.

Với những điểm mạnh nói trên, các doanh nghiệp có ý tưởng khởi nghiệp theo hướng xanh có thêm những thuận lợi từ bên ngoài – cơ hội.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 về “Phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2023, tầm nhìn đến 2050” nhằm thúc đẩy tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu”, là định hướng và là cơ hội lớn cho doanh nghiệp khởi nghiệp xanh.

Các dự án đầu tư năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió; công nghệ xử lý và tái chế chất thải công nghiệp, các phương pháp canh nông thân thiện môi trường, ứng dụng công nghệ 4.0… phát triển mạnh mẽ được xem là cơ hội khác cho các doanh nghiệp khởi nghiệp xanh.

Việt Nam đã tiếp cận được nguồn quỹ Khí hậu xanh GCF (Green Climate Fund) của Liên Hợp Quốc về Bảo đảm không gian hành động (UNFCCC) hỗ trợ quá trình giảm lượng khí thải carbon và tăng cường khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu; Quỹ Phát triển và biến đổi khí hậu của Hà Lan (DFCD) hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế xanh theo hướng hỗ trợ thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu ở ĐBSCL từ năm 2021; WB cam kết ủng hộ quá trình chuyển đổi – xanh hóa nền kinh tế… cũng được xem là những cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp xanh về mặt tăng cường nguồn lực vốn.

Tuy nhiên, qua thực tế tiếp cận các doanh nghiệp khởi nghiệp, có thể thấy những khó khăn bên trong như: Phần lớn các doanh nghiệp ở Việt Nam nói chung và ở ĐBSCL nói riêng thuộc loại doanh nghiệp nhỏ và vừa nên năng lực huy động và tiếp cận nguồn vốn, hấp thụ nguồn vốn đầu tư từ các nguồn tín dụng xanh của các tổ chức thế giới rất hạn chế. Đây được xem là điểm yếu lớn nhất của các doanh nghiệp khởi nghiệp xanh.

Các dự án xanh đòi hỏi phải được theo đuổi trong thời gian dài, đòi hỏi nỗ lực, đồng thời còn đòi hỏi tổ chức và con người thật sự hiểu biết và ý thức cao về việc bảo vệ môi trường. Trong khi đó, đa số doanh nghiệp không đủ điều kiện tham gia thực hiện dự án do nhận thức và khả năng theo đuổi mục tiêu còn yếu, việc liên kết giữa các doanh nghiệp không bền chặt. Chính vì vậy đây được xem là một điểm yếu quan trọng khác của các doanh nghiệp khởi nghiệp xanh.

Hơn nữa, những sản phẩm và dịch vụ được tạo ra từ các doanh nghiệp khởi nghiệp xanh khó cạnh tranh so với các sản phẩm có cùng giá trị sử dụng, chưa thật sự độc đáo, sáng tạo, chưa tạo được sự khác biệt. Do những lợi ích môi trường của sản phẩm, dịch vụ mang lại cho người tiêu dùng chưa rõ ràng, những sản phẩm và dịch vụ hấp dẫn so với các sản phẩm và dịch vụ truyền thống, nên đây được xem là điểm yếu thứ 3 của các doanh nghiệp khởi nghiệp xanh.

Điểm yếu cố hữu xưa nay là tập quán sản xuất và nguồn nhân lực chất lượng cao không đủ và không đáp ứng nhu cầu phát triển một nền kinh tế xanh nên sự chuyển dịch và cấu trúc nguồn nhân lực cho tăng trưởng xanh rất chậm và mất cân đối.

Ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường chưa cao, thể hiện qua thói quen tiêu dùng và sinh hoạt của người dân chưa cao, làm hạn chế động lực, thậm chí cản trở động lực khởi nghiệp xanh.

Chính phủ Việt Nam đã có chiến lược phát triển kinh tế xanh, tuy nhiên cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật hướng dẫn thực hiện kinh tế xanh ở Việt Nam chưa đồng bộ, hầu hết chỉ định hướng cách tiếp cận và giải pháp chung chứ chưa bóc tách những đặc điểm vùng miền và có chính sách khích lệ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp xanh. Đây được xem là thách thức thứ 2 đối với doanh nghiệp khởi nghiệp xanh.

Nguồn vốn thực hiện mục tiêu xây dựng nền kinh tế xanh từ tích lũy quốc gia so với các nước rất thấp và dàn trải đã làm hạn chế khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp khởi nghiệp xanh, được xem là thách thức thứ 3.

Mặc dù hội nhập quốc tế giúp cho Việt Nam thu hút được nhiều doanh nghiệp FDI, tuy nhiên có đến 80% doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng và xử lý chất thải kém gây ô nhiễm và phát thải khí nhà kính… Trong khi đó, kinh tế xanh hướng tới sử dụng năng lượng tái tạo, carbon thấp, nhưng khả năng đóng góp vào sự tăng trưởng kém hơn, tiếng nói cũng yếu hơn nên đây được xem là một thách thức khác (thứ 4) cho tiến trình phát triển kinh tế xanh nói chung và của các doanh nghiệp tiên phong nói riêng.

Cuối cùng, việc chậm phát triển thị trường thương mại tín chỉ carbon cũng đã kìm hãm động lực tham gia của các doanh nghiệp khởi nghiệp xanh, do vậy đây được xem là thách thức thứ 5.

PGS.TS Nguyễn Phú Son – Trường Kinh tế, Đại học Cần Thơ

(Trích từ sách “10 năm Khởi nghiệp xanh – Hành trình kiến tạo một thế hệ doanh nông Việt Nam từ tài nguyên bản địa”)