Con tôm, thuế đối ứng và ứng xử của Việt Nam

Thu hoạch tôm ở Cà Mau, vựa tôm của Việt Nam. Giá tôm đã giảm 10% trong vài ngày qua khi Mỹ công bố thuế đối ứng 46% với hàng hóa Việt Nam. Ảnh: Thủy sản Việt Nam

Mức thuế đối ứng 46% mà Mỹ áp với hàng Việt Nam có hiệu lực từ 11 giờ sáng nay, theo giờ Việt Nam. Tuy vậy, các khó khăn đã ập đến với hàng Việt Nam, nhiều xáo trộn trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã xuất hiện từ sau khi Tổng thống Donald Trump công bố thuế đối ứng hôm 2-4.

Ngành thủy sản và may mặc Việt Nam đối mặt với nguy cơ chịu tác động lớn nhất do đặc thù thâm dụng lao động và sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Con tôm bật ngửa

Chưa đầy một tuần sau khi Mỹ công bố thuế đối ứng, giá tôm sú ở huyện Thới Bình, Cà Mau đã xuống 10%. Ở các vùng nuôi tôm chủ lực của tỉnh Cà Mau như Đầm Dơi, Phú Tân, Cái Nước hay Năm Căn, nông dân đang tháo nước để thu hoạch và bán tháo tôm. Các trang trại nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh càng ráo riết hơn do nuôi nhiều hơn, sản lượng lớn hơn. Nông dân đang rất lo lắng bởi trước đó, giá tôm thẻ chân trắng đã giảm 15% xuống còn 145.000 ký loại 30 con.

Cà Mau là vựa tôm của cả nước, với diện tích nuôi trồng 280.000 ha vuông tôm, chiếm 40% tổng diện tích nuôi tôm của Việt Nam. Năm ngoái, sản lượng tôm của tỉnh đạt 252.000 tấn, 80% lượng tôm này xuất khẩu sang thị trường 60 quốc gia và lãnh thổ với tổng giá trị 1,1-1,265 tỉ đô la, chiếm hơn 25% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm 3,9-4 tỉ đô la của Việt Nam . Riêng thị trường Mỹ chỉ khoảng 75 triệu đô la, chiếm 6,8% thị phần xuất khẩu tôm của tỉnh.

Nhưng một mảng nhỏ của thị trường đã ảnh hưởng đến toàn bộ ngành nuôi tôm của Cà Mau. Các doanh nghiệp của tỉnh nói thị trường Mỹ có dấu hiệu chững lại trong việc nhập khẩu, còn người dân nuôi tôm đang tỏ ra lo lắng, nhạy cảm và xuất hiện tình trạng bán tháo tôm.

Chính quyền tỉnh Cà Mau đã kêu gọi người nuôi tôm cần bình tĩnh, không thu hoạch sớm và vội vàng bán tháo. Tỉnh kêu gọi chủ các trang trại cần theo dõi sát tình hình áp thuế, đàm phán thuế của chính phủ với Mỹ để có kế hoạch sản xuất.

Doanh nghiệp bấn loạn

Câu chuyện con tôm Cà Mau “tháo chạy” trước đòn thuế của Washington đã được nhắc lại sáng nay tại cuộc hội thảo về thuế đối ứng và các kịch bản tăng trưởng của TP.HCM. Ông Trần Việt Anh, Tổng Giám Đốc Nam Thái Sơn Group – doanh nghiệp lớn sản xuất bao bì nhựa của Việt Nam – lại là người nhấn mạnh câu chuyện xáo trộn sản xuất đáng lo ngại này.

TP.HCM là trung tâm logistics, với cảng Cát Lái có công suất 6 triệu TEU mỗi năm. Hàng ngày hơn 16.000 xe container vào Cát Lái, nếu xếp hàng thì đoàn xe này dài tới 320 cây số. “Một khi thuế đối ứng 46% được duy trì, sẽ không còn cảnh kẹt xe vào cảng Cát Lái, xe công vào cảng sẽ vắng hẳn bởi doanh nghiệp không thể xuất hàng đi Mỹ – vốn chiếm 30% thị trường xuất khẩu của Việt Nam”.

Nhưng thật ra, thuế đối ứng đã khiến nhiều doanh nghiệp Việt xuất hàng sang Mỹ “bấn loạn” kể từ hôm 2-4 khi Tổng thống Donald Trump công bố thuế đối ứng với các nước. Nhiều doanh nghiệp đã bán bớt máy móc, thiết bị hoặc dừng tuyển dụng mới sau cột mốc 2-4 – theo lời ông Trần Việt Anh.

Các doanh nghiệp thủy hải sản Việt Nam như “ngồi trên đống lửa”. Một số đã nghĩ đến giải pháp triệu hồi các lô hàng xuất khẩu đang trên đường đến Mỹ bởi lo ngại các mức thuế cao. Tính đến 5-4, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) có khoảng 37.500 tấn thủy sản các loại đang theo tàu biển đến Mỹ. Tuy nhiên, VASEP báo tin vui là các lô hàng đang trên đường vận chuyển trước ngày 5-4 đến Mỹ sẽ được miễn trừ thuế bổ sung 10% nhưng chỉ được khai báo đến ngày 27-5 để ngăn chặn các nhà nhập khẩu lợi dụng ngoại lệ.

Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm 20% tổng kim ngạch với sự tham gia của hơn 400 doanh nghiệp cung ứng. Đáng chú ý, hơn 90% hải sản và sản phẩm thủy sản chế biến tại Việt Nam là do các doanh nghiệp nội địa cung cấp. Ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng thư ký VASEP, nói rằng Mỹ là thị trường quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của hàng trăm ngàn nông dân và ngư dân Việt Nam.

Cổ phiếu của Minh Phú Seafood, một doanh nghiệp lớn trong ngành tôm, đã giảm khoảng 25% chỉ trong hai ngày sau thông tin về việc Mỹ áp thuế, cho thấy rõ mức độ ảnh hưởng của thị trường này khi chiếm tới 20% doanh số của công ty.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được (trái) trong buổi hội thảo sáng 9-4. Ảnh: Thuận Văn

Bình tĩnh để đối ứng, thích ứng

TS Vũ Minh Khương từ Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), TS Trần Ngọc Anh từ Đại học Indiana của Mỹ, TS Nguyễn Trọng Hoài từ Đại học Kinh tế TP.HCM, TS Phạm Tiến Đạt từ Đại học Tài chính Marketing… đã đưa ra ba kịch bản gần giống nhau về thuế suất sau các nỗ lực đàm phán của Việt Nam. Kịch bản tích cực là thuế suất từ 10-15%, kịch bản tạm ổn là thuế suất 20-25% hoặc hơn, và kịch bản tiêu cực là 46%. “Trong ngắn hạn đây là sự đảo lộn, trung hạn là suy thoái kinh tế, và trong dài hạn đó là sự bất ổn”, TS Trần Ngọc Anh nhấn mạnh.

Nhưng xác suất của các kịch bản khó chính xác được bởi hàng loạt các kịch bản của các chuyên gia kinh tế hàng đầu, các tổ chức ngân hàng, tài chính và chứng khoán Việt Nam trước đó đều không ngờ đến con số 46%. Kịch bản tiêu cực nhất chỉ nhắc đến suất thuế 10%.  

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (Huba), tin rằng kéo giãn thời gian đàm phán để doanh nghiệp có thêm thời gian chuẩn bị. Thành công của các đàm phán thuế quan là kéo xuống thấp nhất mức thuế của các mặt hàng chủ lực như ngành lương thực thực phẩm, dệt may, gỗ và điện tử… Chủ tịch Huba cũng cho rằng cần có các thước đo chính xác về nhu cầu của các mặt hàng này tại thị trường Mỹ. “Cần bình tĩnh, đánh giá phân tích tình hình sát sườn, chấp nhận thực tế và đề ra giải pháp”, ông nói.

Trong ngắn hạn, doanh nghiệp Việt đã nỗ lực đàm phán và thuyết phục được các đối tác Mỹ cùng chia sẻ rủi ro trong xuất hàng sang Mỹ.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM (FFA), nói rằng FFA và đối tác Mỹ đã cùng nhau “nhường nhịn” cùng giảm bớt phần lợi nhuận để mọi chuyện suôn sẻ trong giai đoạn khó khăn, nhiều doanh nghiệp Việt đã đồng ý giảm lợi nhuận từ 10% xuống còn 5-6%.

Ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Secoin, nói rằng doanh nghiệp của ông đã đạt được thỏa thuận rằng phía Việt Nam chịu 1/3, nhà phân phối và nhà bán lẻ ở Mỹ cùng chịu mỗi bên 1/3 chi phí và suy giảm lợi nhuận do thuế đối ứng gây ra.

Đại diện các hiệp hội doanh nghiệp cùng đưa ra các giải pháp. Đó là giữ được thị trường xuất khẩu hiện tại; cùng chung sức tìm kiếm thị trường mới và thị trường thay thế; xác định và xây dựng các ngành nghề mới có khả năng bù đắp lượng kim ngạch bị thâm hụt tại thị trường Mỹ và số công ăn việc làm bị tổn thất do thuế đối ứng trong ngắn hạn; củng cố thị phần nội địa cho doanh nghiệp Việt; hỗ trợ cho doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường tiên tiến như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản; thúc đẩy đầu tư sang Mỹ và các thị trường khác…

“Trước đây, chúng ta chủ yếu là ‘xuất khẩu mồ hôi’. Giờ đây chúng ta cần các mặt hàng có hàm lượng chất xám, công nghệ cao hơn”, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao. Ảnh: Hữu Hạnh

“Trước đây, chúng ta chủ yếu là ‘xuất khẩu mồ hôi’. Giờ đây chúng ta cần các mặt hàng có hàm lượng chất xám, công nghệ cao hơn. Một chìa khóa  quan trọng là sự gắn bó tin cậy giữa nhà nước và doanh nghiệp. Không có sự hỗ trợ tận tụy, nhanh chóng của nhà nước cho doanh nghiệp thì khó khăn sẽ càng khắc sâu thêm”, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam, nhấn mạnh.

Trong khi đó, kết thúc hội thảo, ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định trước mắt TP.HCM vẫn giữ nguyên kịch bản tăng trưởng kinh tế (chính phủ giao 8,5%, thành phố tự đề ra tỷ lệ 10%) trong năm nay và tiếp tục theo dõi sát kết quả đàm phán về thuế đối ứng giữa hai nước. Ông mong rằng doanh nghiệp “cần bình tĩnh, không quá bi quan, không hốt hoảng” và nhận ra “cái khó ló cái khôn”. Ông cũng cho rằng đây là cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế, tăng nội lực, tăng tỷ lệ hàng “made by Vietnam” – do Việt Nam sản xuất – bởi có tính bền vững hơn.

Ông cũng đề ra một loạt các giải pháp như đẩy mạnh đầu tư công, thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh,  đẩy nhanh tiến độ trung tâm tài chính, đào tạo lao động chất lượng cao… Ông cũng nhấn mạnh việc tái cơ cấu, đẩy mạnh hiệu quả của công tác xúc tiến đầu tư.

Ricky Hồ / BSA Media