Sọ dừa muối dưa, một món ăn độc đáo của người miền Tây. Ảnh: Đỗ Khuê.
Hình ảnh hơn một nửa cái gáo dừa được xỏ một cái tay cầm cắm trên một cái trụ nhỏ bên cạnh một lu nước thật là thân quen đối với làng xóm ở những miền quê của người Việt.

Nhưng gáo dừa không chỉ có bấy nhiêu công dụng. Nó len lỏi vào đời sống tôn giáo, nghệ thuật, đặc biệt là ẩm thực.

Đập bể gáo dừa trên đầu là một tập tục của người Ấn Độ? Nghe bắt ớn! Việc thực hành này tượng trưng cho việc thoát khỏi quá khứ và phó thác bản thân cho Trời.

Bạn hẳn đã từng thấy người ta đập dừa bên ngoài một ngôi nhà mới xây để mừng tân gia hoặc có thể trước một chiếc ô tô mới mà ai đó vừa mang về nhà. Nhưng việc đập dừa vào đầu cho bể nghe có vẻ nguy hiểm phải không? Nhưng điều đó là ngoại lệ cho những tín đồ xếp hàng tại các ngôi đền ở Tamil Nadu trong lễ hội Aadi Perukku. Đối với họ, đó là cách nhận được phước lành từ Trời để có sức khỏe tốt và thành công trong năm tới.

Mỗi đợt gió mùa, lễ hội Aadi Perukku được tổ chức ở bang Tamil Nadu để tôn vinh bản chất duy trì và mang lại sự sống của nước.

Truyền thống đập bể dừa trên đầu của người dân cũng là một phần của lễ hội ở một số khu vực thuộc các quận Karur, Coimbatore và Madurai trong bang. Ví dụ, vào ngày lễ hội, hàng nghìn tín đồ đạo Hindu tụ tập bên ngoài cổng Đền Mahalakshmi ở Karur để nhận phước lành. Thầy tu của đền thờ sẽ đập quả dừa lên đầu những tín đồ đang xếp hàng chờ đến lượt để cầu mong sức khỏe và thành công cho mỗi người.

Gáo dừa điềm nhiên bước vào đời sống ẩm thực của nhiều dân tộc. Trước tiên người ta khai thác công dụng thay cho dụng cụ đựng thức ăn. Công dụng đơn sơ nhứt như đã nhắc ở trên: cái gáo để múc nước uống trong lu. Vị trí đặt nguồn nước uống này thường là trước nhà, sát bìa rào. Chủ nhà những mong chia sẻ nước uống này với khách qua đường khát nước. Nhất là những nông dân đi hái củi trên rừng về ngang.

Gáo dừa chưa cạy cơm còn được dùng để làm gia vị tạo béo ngọt cho các món hầm. Như gà ác hầm trong trái dừa xiêm. Lúc đó, người ta chỉ cắt vát một phần nhỏ phía trên gáo, vừa bỏ lọt con gà ác giò vào. Nước và cơm dừa được giữ nguyên, chỉ gia thêm muối và các loại hương thảo. Sau đó dùng phần gáo cắt vát để cho gà vào làm nắp đậy. Gà vừa chín, lấy ra khỏi nồi hầm. Là đã có một món ăn tuy mộc mạc, nhưng không kém “vẻ” cầu kỳ. Chỉ là hơi có “vẻ” và điệu đàng, chớ cách chế biến đơn giản. Con gà ác ấy vừa ngọt thịt, thoảng thơm mùi dừa. Xương có thể nhai luôn để thống thống khoái khoái tận hưởng miếng nước ngọt từ xương ứa ra. Một chút béo béo của tủy nữa. Loại xí quách gà này ăn đứt xí quách heo và bò. Ăn gà xong còn chưa đã đối với những “nhơn khẩu” hơn người trung bình, còn có thể tận dụng cho bằng hết cơm dừa khi chặt làm hai gáo dừa.

Món này tôi có “hạnh” ăn, được, thay vì vỡ lòng như các em bé mới học chữ, “vỡ lưỡi” trong một buổi họp mặt các thành viên CLB Mekong Cusine. Hứa với lòng lâu lâu sẽ thực hành lại để chuốc được cái ngon mộc mạc ấy. Nhưng lại mấy lần lỡ làng, giờ kể lại tự nhiên nghe lưỡi bồi hồi thổn thức.

Đặc biệt, gáo dừa non làm dưa, tôi cũng được thưởng thức dưới Cần Thơ. Sau khi ăn ba bốn miếng mà không nhận ra căn cước của món dưa trong bộ sưu tập dưa của Bửu Việt, chủ nhà hàng Ven Sông, mới lắc đầu chào thua. Ông ta mới cười nói: “Gáo dừa đó! Hồi xưa bà nội tui hay làm dưa bằng gáo dừa, giờ sực nhớ lại mới làm theo.” Tôi ngớ người. Đúng là dân gian đầy sáng tạo. Miếng dưa chua chua, dòn sừn sựt, nhưng không cứng như sách vở nói là 3,5 trên thang đo độ cứng Mohs so với đầu người lớn là 5 Mohs. Coi bộ mấy cô bác xứ cà ri nị có lý trong cái tập tục của mình đó chớ!

Gáo dừa làm dưa coi bộ gần gũi với cu kêu ba tiếng. Tiếc là bữa đó bị hụt để được ăn miếng dưa gáo dừa với miếng thịt heo nước dừa xem “cuộc đám cưới” ấy hương vị ra sao.

Một sáng tạo nữa của dân miền Tây. Cũng là nhớ lại cách làm của bà ngoại, bà Nguyễn Phượng Loan demo món bánh canh gõ tại một kỳ hội chợ bánh dân gian ở Cần Thơ và trở nên nổi tiếng. Bánh canh gõ làm người ta liên tưởng đến mì gõ một thời lốc cốc khắp hẻm hóc Sài Gòn. Gõ trong món bánh canh không thay cho tiếng rao như mì gõ, mà gõ để tạo sợi bánh. Bà Loan bắt chước bà ngoại dùi nhiều lỗ trên một nửa cái gáo dừa. Rồi bà đổ bột đã pha vào đó và dùng một miếng tre gõ lên cái gáo dừa. Bột qua các lỗ thủng chảy thành sợi rớt xuống một thau nước lạnh. Tiếng gõ ấy cũng hấp dẫn nhiều du khách đi hội chợ. Và món bánh canh gõ sống lại.

Mấy anh Tây, bị ám ảnh bởi khói ám miếng thịt nướng. Có anh cắc cớ lấy gáo dừa làm củi nướng thịt. Thế là được một món thịt xông khói lạ lẫm. Bèn đưa vào sách vở… Tác giả món này viết: “Tôi không thiếu củi nhưng tôi có một ít gáo dừa khô và ý tưởng chợt nảy sinh. Tôi thử nhưng lại sợ hư mấy miếng sườn nên chêm thêm một ít củi táo. Hóa ra tuyệt vời. Hương vị khó tả, ngọt nhẹ, thơm khói và có vị dừa…” [1]

Nguyên Thu (theo TGHN)

————

[1] https://www.reddit.com/r/smoking/comments/4udyt3/can_i_use_coconut_shells_instead_of_wood_for_smoke/?rdt=57700